Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Người đàn bà kiêu hãnh và nỗi đau thân phận

Người đàn bà kiêu hãnh
và nỗi đau thân phận

(Nghĩ về tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” của Trầm Hương)
Người đàn bà trong thơ Trầm Hương là người đàn bà dám yêu, dám sống cho tình yêu của mình nên dám chấp nhận mọi đau khổ của thân phận đàn bà và xem đây như một niềm kiêu hãnh. Về phương diện nào đó, niềm kiêu hãnh này cũng cho thấy được sức mạnh tình yêu ở một người đàn bà dấn thân không chỉ trong văn chương mà ngay cả trong cuộc sống.
1. Không phải ngẫu nhiên, khi nghĩ về sự kiêu hãnh của người đàn bà, Joanna Baillie, nữ thi sĩ nổi tiếng người Scotland, bằng sự nghiệm sinh của một người đàn bà đã tự nhận: “Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.” Như vậy, trong cái nhìn của Joanna Baillie, sự kiêu hãnh là một trong những nguyên nhân làm giảm đi sự quyến rũ ở người đàn bà. Tôi không phê phán quan điểm của Joanna Baillie khi bà nhìn nhận về sự quyến rũ của người đàn bà theo cách của mình. Nhưng tôi nghĩ khác Bà. Với tôi, Sự quyến rũ và kỳ bí, nếu có ở người đàn bà, chính là do sự kiêu hãnh của họ mang lại vì sự kiêu hãnh là một thứ nhan sắc không bao giờ tàn phai, là một phẩm tính không thể thiếu ở người phụ nữ nếu họ muốn khẳng định nhân vị của mình giữa cuộc đời. Sự kiêu hãnh ở một người đàn bà, theo tôi đó là một phẩm tính cần thiết và cần có. Vấn đề là người đàn bà thể hiện sự kiêu hãnh đó ở đâu, khi nào, với ai, để nó tôn vinh vẻ đẹp của mình mà không làm tổn thương đến tha nhân.!?
2. Đọc “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” của Trầm Hương – (Nxb. Văn hóa Văn nghệ TP HCM, 2018), cảm hứng kiêu hãnh như một thứ hương lan tỏa khắp tập thơ, thấm đẫm trong từng ngữ ngôn, ảnh hình của mỗi câu thơ tạo nên một thi giới thơ thấm đẫm “vị đàn bà”. Song, sự kiêu hãnh đó không phải là sự kiêu hãnh thường tình ở người phụ nữ như kiêu hãnh vì có nhan sắc, có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, mãn nguyện mà đó là sự kiêu hãnh về nỗi đau thân phận của người đàn bà trước những đổ vỡ, mất mát, dối gian, phụ bạc, bất hạnh mà người đàn bà đã gánh chịu trong cuộc đời nhưng họ vẫn trụ vững, vẫn đứng lên, vẫn vượt qua mọi trở lực để khẳng định sự hiện hữu của mình trước những bão giông của cuộc sống. Đó là những nỗi đau rất đàn bà và chỉ có đàn bà mới cảm hết được nỗi đau ấy. Nỗi đau mà đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên một cách cay đắng “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều). Đây cũng là nỗi đau âm ỉ chảy trong từng trang thơ của Trầm Hương, để rồi thi nhân đã xa xót thở than: “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà/ được trung thực với nỗi đau/suốt đời không dối trá” (Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà)
Trung thực với mình trong từng khoảnh khắc hiện hữu dù là hạnh phúc hay khổ đau là điều cần thiết trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Bởi, trước những tham vọng, những cám dỗ của cuộc đời, con người nhiều khi phải đóng kịch, phải diễn tuồng, phải đeo mặt nạ để che dấu, chối bỏ, phủ nhận cả niềm hạnh phúc và nỗi đau của mình, biến mình thành một kiểu “kép Tư Bền” trên sàn diễn cuộc đời. Song, người phụ nữ trong thơ Trầm Hương thì khác. Họ sống “trung thực với nỗi đau/suốt đời không dối trá” và xem đây là một niềm kiêu hảnh vì họ dám chấp nhận sự thật, chấp nhận những cay đắng của phận số mà họ gặp phải trong cuộc đời vốn đầy những bất an. Và điều này đã kết tinh thành nỗi đau thân phận và hiển hiện trong thơ Trầm Hương như một tâm thức hiện sinh đi suốt hành trình sống của một người phụ nữ từ “thời thiếu nữ” với biết bao “khao khát, trăn trở, kiếm tìm” cho đến khi được làm một “người mẹ”. Suốt hành trình ấy, người phụ nữ phải trải qua biết bao trạng thái cảm xúc trước những được mất ở cuộc đời, trước những khổ đau và hạnh phúc trong tình yêu nhưng người đàn bà ấy vẫn giữ cho mình một “niềm tin thầm lặng” dẫu đang đối diện với “cô đơn”, với “tuyệt vọng”: “Ai trong đời chẳng đối mặt với cô đơn / Phút tuyệt vọng đến khôn cùng sâu thẳm/ Nhưng sau đó tất cả rồi sẽ khác/ Anh – niềm tin thầm lặng dịu dàng…” (Niềm tin người thiếu nữ)
Bìa tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà”
Tin yêu và lạc quan là thế, nhưng đó cũng chỉ là tin yêu và lạc quan của một người thiếu nữ khi mới bước vào tình yêu với biết bao khao khát và lãng mạn của thời con gái hồn nhiên và vô ưu. Cái thời nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ là một màu tin yêu, hy vọng. Nhưng cuộc đời không bao giờ đứng yên, mọi sự vật rồi cũng biến thiên theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Và cái thời con gái đầy mơ mộng ấy rồi cũng qua đi với những buồn vui không đếm được, nên tất cả tin yêu rồi cũng thành hư ảo trôi theo tháng ngày mà những lời thơ đắng chát trong thi phẩm “Phút thinh lặng mùa xuân” là một minh chứng: “Xuân về em đầy thêm một tuổi/ Quay lại nhìn đời đã khác xưa/ Những ước mơ hóa thành ảo vọng/ Gởi hồn bay giữa trời mây”. (Phút thinh lặng mùa xuân). Để rồi, người thiếu nữ ngày nào nay đã trở thành một “Người đàn bà nhạt nhòa/ lẫn vào mưa bụi” để gánh chịu“những hạt thương khó cuối mùa”. Đọc những câu thơ này, lòng ta không khỏi xa xót trước những nỗi đau như một tất yếu của phận số mà người đàn bà phải gánh chịu. Bởi, đối với người phụ nữ, thời con gái sẽ qua đi rất nhanh, thậm chí qua đi khi họ chưa kịp sống với nó, chưa kịp ý thức về sự hư hao của nó, để có thể tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nếu có trong cuộc đời.
Là một phụ nữ, lại là một phụ nữ viết văn, hơn ai hết, Trầm Hương rất có ý thức về những nỗi đau trong cuộc đời người phụ nữ mà phận số đem lại. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong sự nghiệp văn chương của mình, Trầm Hương viết nhiều về người phụ nữ cả trong văn xuôi, trong kịch bản văn học, điện ảnh và trong thơ. Thành công của chị trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm như Người đẹp Tây Đô, Đêm Sài Gòn không ngủ, Trong cơn lốc xoáy… đã cho thấy cái duyên của chị với mảng đề tài phụ nữ mà nhà văn xem như một chọn lựa hiện sinh, để dấn thân trong hành trình sáng tạo văn chương của mình. Cho nên có thể nói, chọn lựa đề tài về người phụ nữ để dấn thân, Trầm Hương không chỉ viết cho người phụ nữ mà đó còn là viết cho chính cuộc đời mình, cho niềm kiêu hãnh của chính mình, niềm kiêu hãnh của người đàn bà sống với nhiều nỗi đau, với niềm cô đơn dằng dặc nhưng không bao giờ gục ngã. Vì vậy, niềm cô đơn trong cảm thức của thi nhân cũng “ngọt ngào” như nhà thơ tình tự: “Căn phòng em tràn ngập ánh trăng soi/ Đốt đèn làm chi trái tim là ngọn lửa/ Khoảng cách xa em giàu trong thương nhớ/ Uống cô đơn ngọt ngào dòi dõi phía xa.” (Tâm tưởng).
Thơ Trầm Hương tuy không mới, không hiện đại, không có những thủ pháp lạ, ngữ ngôn, hình ảnh thơ giản dị và gần gũi với đời sống và vẫn chảy trong nguồn mạch của thơ ca truyền thống nhưng không phải không có những ảnh hình, những ý tưởng lạ, thể hiện một nỗ lực kiếm tìm, một điều rất cần cho sáng tạo của thơ mà những câu như “Uống cô đơn ngọt ngào dòi dõi phía xa” (Tâm tưởng) hay “Bàn tay của những người si tình kia/ nâng trái đất này/ tồn tại” (Vết nhẫn trên bàn tay thiếu nữ); “Em co ro trong chiếc áo len/ Cái yếu đuối rất đàn bà/ Sững sờ như hóa đá” (Khung cửa chiều đông); “Chiều nao/ Con chim thôi tha rơm về tổ/ Bay qua hàng cây trụi lá/ Sau lưng gởi lại nỗi buồn” (Âm ba) và “Em, người đàn bà làm thơ/quyết liệt và kiêu hãnh/ Đã tát anh/ Như tát vào sự yếu đuối của chính mình” (Người đàn bà làm thơ) là một minh chứng. Tôi đánh giá cao những câu thơ có tính “nổi loạn” mang ý thức hiện sinh như thế. Khi người đàn bà hoàn toàn tự tin vào chính sự tồn tại của mình, không dựa dẫm vào một bờ vai nào khác, một sức mạnh nào khác cho dù sức mạnh quyền uy của Thượng đế khi hóa thân Eva từ cái xương sườn của Adam. Những điều này ta sẽ tìm thấy trong bài thơ “Người đàn bà làm thơ”. Và có thể xác quyết “Người đàn bà làm thơ”, không chỉ là một tuyên ngôn nghệ thuật mà còn là một tuyên ngôn sống của Trầm Hương trong tư cách của một thi nhân: “Em người đàn bà làm thơ/Vắt kiệt sức cho từng con chữ/ Mỗi trang viết đầy thêm/Máu mình vơi một ít/ Thơ không nuôi nổi con/ Nên em phải xuống đường/Nhặt thống khổ, nhặt đắng cay, nhặt dối lừa, cam phận,/ Chắp vá những mảnh vỡ cuộc đời/ lấy yêu thương hóa giải/ Lấy nước mắt chữa đau, lấy yếu mềm chống đỡ”. Và lạ lùng thay, từ trong những yếu mềm ấy người đàn bà đã đứng lên để khẳng định mình, để được làm mẹ, làm nhà thơ, làm nhà văn, làm một người “phu chữ” giàu sáng tạo để mang đến cho đời những mùa gặt trù phú trên cánh đồng văn chương như chị đã sẻ chia: “Người đàn bà làm thơ/ Như bao bà mẹ tảo tần/ Lội trên cánh đồng chữ nghĩa/ một tay bịt trái tim đau/ Tay kia lau nước mắt/ Tay bồng con tay viết sách/ Mà trải lòng. Mà phẩn nộ, đớn đau.” (Người đàn bà làm thơ) Có thể nói, bài thơ Người đàn bà làm thơ đã mang đến một thông điệp đầy tính nhân văn chứa đựng trong đó những nỗi đau trong phận số không chỉ của một người đàn bà!?
Viết về nỗi đau của người đàn bà và đó là nỗi đau đầy kiêu hãnh, Trầm Hương đã tìm cho mình một giọng điệu riêng, một thi pháp riêng, một thi giới riêng. Ở thơ chị, người đọc không thấy những nỗi đau ủy mị, rên rĩ đến nhàm chán trong không ít một số nhà thơ nữ đương đại. Ngược lại đó là một nỗi đau mà ngay trong sự thể hiện cũng ẩn chứa một niềm kiêu hãnh của sự chịu đựng và chấp nhận như một thách thức để vượt qua sự yếu đuối thường tình ở người đàn bà, để đi về phía ánh sáng, cho dẫu phải sống trong cô đơn, thậm chí cô độc. Nhưng không phải vì thế, mùi vị của nỗi đau nhạt đi, trái lại càng bỏng rát hơn vì sự kìm nén những nỗi đau đó để mình không bị gục ngã. Bởi, hơn ái hết, người đàn bà ấy đã thức nhận rằng: mình không chỉ sống cho mình mà còn sống cho bao cuộc đời khác. Và đây cũng là một giá trị làm nên niềm kiêu hãnh ở người phụ nữ: “Mẹ ghìm lại những cơn bão lòng cho thanh bình ngôi nhà của con. Nỗi cô đơn song hành cùng đêm dài ngày ngắn. Mẹ giấu trong lòng ngấn nước mắt cho con sáng long lanh. Bài học đầu đời về lòng hy sinh. Con sẽ nhìn thấy thế giới này tỏa sáng.” (Phép màu của mẹ) Và khi nói về nỗi đau phận người, Trầm Hương cũng nói bằng một chất giọng riêng có của ngòi bút đầy cá tính, mạnh mẽ như một cây xương rồng trong bão cát: “Tôi đang sống những tháng năm này/ Trong đau thương lặng thầm tiết mật/ Sức ì đời thường giẫm lên tàn bạo/ Trái tim tôi rỉ máu từng ngày/ Không, những tháng năm này tôi sống/ Giữ niềm tin trong vẻ đẹp con người/ Khi sự thật dám đổi bằng số phận/ Nén chặt nỗi đau mình không thể khác hơn.” (Khúc ca xương rồng). Để rồi, thi nhân đã không chỉ tự vấn chính mình, tự vấn trước cuộc đời mà còn tự vấn cả với thượng đế. Sự nổi loạn hiện sinh này vì thế, đã đưa thơ Trầm Hương đến một bến bờ khác, bến bờ của những khát khao mang tinh thần tự vấn và đây cũng là một bình diện khác trong nỗi đau đầy kiêu hãnh ở người đàn bà trong thơ Trầm Hương, tạo nên những dấu ấn độc đáo trong sự tiếp nhận của người đọc: “Hỡi Thượng đế/ Người đã không hoàn chỉnh nổi hai người đàn ông trong một con người/ Sao bắt nàng phải nhận/ Người đàn bà thu tím/ Người đàn bà đêm đen/ Người đàn bà phận bạc/ Người đàn bà khao khát” (Không đề).
Tôi chắc thượng đế cũng không thể trả lời câu hỏi này của thi nhân. Bởi lẽ, sự hoàn thiện trong cuộc đời là điều không thể có. Vì khi, một phía bên này của địa cầu là ánh sáng thì phía bên kia phải là bóng tối và ngược lại. Cho nên, nhân loại có khi nào được sống mãi trong ánh sáng đâu, nên cũng không thể có một người đàn ông hay một người đàn bà hoàn hảo trong cõi đời này. Nhưng đã là con người, không thể không có tình yêu và khi yêu không thể không có những mơ mộng, những khao khát kiếm tiềm nhằm hướng đến một sự hoàn hảo dẫu biết rằng đó là điều không tưởng. Và đây chính là điều gây nên bi kịch không chỉ trong tình yêu mà cả trong cuộc sống của con người giữa cõi nhân gian mà Trầm Hương và thơ của chị cũng không phải là ngoại lệ như thi nhân đã tự thú: “Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi một trái tim/ Bầu nhụy hoa tươi rói/ Dâng tặng anh những gì tốt đẹp nhất/ Tình yêu của tôi/ Mơ ước của tôi/ Tính chất của tôi/… Chấp nhận đắng cay bất hạnh riêng mình/ Tôi chôn dưới gốc rễ/ Tôi làm thế / Vì tin chắc một điều/ Cây tâm hồn tôi tồn tại trên thế gian này/ Bằng những nụ hoa/ Tinh khiết” (Cây tâm hồn tôi). Và sự tự tin này cũng là một phương diện biểu hiện niềm kiêu hãnh trong nỗi đau thân phận ở người đàn bà trong thơ Trầm Hương như thi nhân đã xác quyết: “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà/ Thế giới của khôn cùng đớn đau và êm dịu/ Thế giới của loài mẫu đơn tự hủy hoại mình khi sinh nở/ Thế giới của tận cùng thấp hèn xấu xa/ Thứ đàn bà!/ (…) Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà/ Xa lạ trước hoang tưởng lớn lao/ Kết tổ bằng những cộng rơm vụn vặt/ Nơi anh có thể trút bỏ mọi điều tiếng xấu xa/ Cái bĩu môi thế giới đàn bà/ Đầy nhỏ hẹp/ (…) Và thế là anh bước/ thênh thang trên quang lộ/ Không một hòn sỏi dưới chân/ Anh sẽ cài lên ngực những bông sen vàng, sen trắng, sen xanh…/ Với nụ cười vô tư viên mãn/ Thật dễ thương như thể mới bắt đầu” (Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà)
Lord Byron, một nhà thơ lãng mạn Anh thế kỷ XIX đã cho rằng: “Tình yêu của người đàn ông chỉ chiếm một phần trong đời họ. Còn tình yêu của người phụ nữ chiếm cả cuộc đời người đàn bà.”. Quả đúng như vậy, đọc tập thơ Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà của Trầm Hương, ta thấy tình yêu đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh. Nó vận vào đời chị như một thứ định mệnh, có cả hạnh phúc và khổ đau, cay đắng và ngọt ngào, lành lặn và tan vỡ, hy vọng và thất vọng… Và chính điều này là một trong những nguyên nhân làm nên nỗi đau của thân phận đàn bà trong thơ: “Trái tim em găm đầy những mảnh vỡ/ Nỗi buồn của những bông hoa vĩnh viễn không còn được mọc trên những nấm mồ/ Em trở về nơi trú ngụ tâm linh/ Bước một trăm chín mươi chín bậc cầu thang lên Trời/ Dưới đáy vực thời gian/ Vẳng lên bài đồng dao lâu rồi không còn ai hát nữa.” (Hoa cúc trắng). Và rồi, thi nhân tự chất vấn với cao xanh và cũng là tự chất vấn với chính mình: “Em ngước mặt lên Trời cao mà tự hỏi/ Có tình yêu không, có tình yêu không?!/Trăng rụng xuống vai em trăm ngàn mảnh vỡ/ Em nhặt lấy và em tháp lại/ Gương trăng không còn lãnh nữa, anh yêu!” (Trăng vỡ)
Theo Honore de Balzac: “Rung động, yêu thương, đau khổ, hy sinh, tất cả sẽ mãi mãi là những trang tình sử của người đàn bà” và những điều này ta cũng tìm thấy trong thơ Trầm Hương qua các bài thơ: “Niềm tin người thiếu nữ; Phút lặng thinh mùa xuân; Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ; Tâm tưởng; Thiên thanh; Hoa cúc trắng; Không đề; Cây tâm hồn tôi; Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà; Trăng vỡ; Người đàn bà làm thơ; Em không cần anh tát cạn biển đông... Có thể nói đọc những bài thơ này, ta như thấy cả một “biên niên sử” trong tình yêu của người đàn bà được ghi lại qua những kỷ niệm với nhiều trạng thái cảm xúc của một con người mà tình yêu được xem như một lẽ sống, điều mà nhân loại luôn tôn thờ như một thứ tôn giáo mà nữ nhà văn Quỳnh Dao, một cây bút xuất sắc của dòng tiểu thuyết diễm tình đã từng khẳng định đại ý: Tình yêu – Tôn giáo thứ nhất của loài người. Tình yêu – Từ đó mà có mọi sự. Tình yêu- Không có nó, con người không còn là con người.
Người đàn bà trong thơ Trầm Hương là người đàn bà dám yêu, dám sống cho tình yêu của mình nên dám chấp nhận mọi đau khổ của thân phận đàn bà và xem đây như một niềm kiêu hãnh. Về phương diện nào đó, niềm kiêu hãnh này cũng cho thấy được sức mạnh tình yêu ở một người đàn bà dấn thân không chỉ trong văn chương mà ngay cả trong cuộc sống. Đọc thơ Trầm Hương, người đọc luôn bị ám ảnh bởi tinh thần dấn thân nầy. Và điều nầy cũng góp phần lý giải vì sao Trầm Hương kiêu hãnh vì được làm đàn bà và càng kiêu hãnh hơn vì đó là một người đàn bà biết trân quý từng sát na hiện hữu để sáng tạo nên những áng văn chương làm đẹp cho đời.
3. Trong bài thơ tự bạch, khi nghĩ về thơ, thi nhân đã chia sẻ: “Dù những năm tháng tâm hồn rung lên như dây đàn trước gió, chỉ cần chạm vào là chảy thành thơ đã qua đi nhưng với tôi, thơ vẫn là thứ nước cất thiêng liêng, là tinh chất, cô đặc, ẩn giấu trong tâm hồn. Khi thơ trào ra, góp mặt cống hiến cho đời cũng là một định mệnh.” (Tự bạch thơ) Như vậy, thơ đến với Trầm Hương như một sự đặt để của số phận để dự phần vào cuộc sống của đời mình. Cho nên, thơ luôn là một tri âm đối với chị. Nhưng rồi như Trầm Hương chia sẻ: “Những thời hạnh phúc sống với thơ ấy nhanh chóng trôi qua. Thơ bắt đầu tắt tị khi tôi dấn thân vào những công trình khủng của văn xuôi (…) Những thúc bách đời sống cơm áo…. Đã khiến cho người làm thơ mềm yếu nhường chỗ cho người đàn bà viết văn xuôi tỉnh táo lạnh lùng, chi ly xác thực, logic trong từng chi tiết, sự kiện.” Và đây là nguyên nhân để Trầm Hương chia tay khá lâu với thơ mặc dầu thơ là mối tình đầu của chị khi đến với văn chương.
Vì vậy, khi trở lại với thơ, ta thấy chất văn xuôi vẫn còn hiển hiện trong thơ Trầm Hương và đây là điều làm giới hạn cái biên độ trữ tình cần có của thơ khi bị chất lý trí của văn xuôi lấn át và chất nữ tính dịu êm, ngọt ngào trong thơ cũng bị xâm thực bởi chất nghị luận của văn xuôi. Tập thơ Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà của Trầm Hương vì thế, cũng phản ánh trung thực cái được và cái chưa được của chị trong hành trình sáng tạo thơ ca. Đây là điều Trầm Hương cần nhận ra nếu muốn trở thành một thi nhân luôn bén duyên với thơ một cách mặn nồng vì thơ cũng như tình yêu, âm hưởng chính của nó vẫn là sự ngọt ngào trong cảm xúc và trong cách thể hiện.
Thơ Trầm Hương trong tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” là thơ của một sự dồn nén của những khổ đau thân phận khi đời chị đã trải qua khá nhiều những mất mát vỡ tan mà nhiều khi chị phảỉ gồng mình chịu đựng để trụ vững giữa cuộc đời vốn không ít thị phi này. Phải chăng, vì thế mà những gì dịu dàng, yếu đuối, nữ tính ấy không đậm nét trong thơ chị nhường chỗ cho một sự rắn rõi mạnh mẽ trong tính cách của một người đàn bà đầy kiêu hãnh cho dù đó là niềm kiêu hãnh trong nỗi đau thân phận. Nói như vậy không phải trong thơ Trầm Hương không có những câu thơ ngọt ngào và day dứt đến đớn đau của một tâm hồn đầy trắc ẩn: “Em mang nỗi cô đơn đi tận cùng trái đất/ Thèm khát một tình yêu đích thực” (Năm hai ngàn), hay có lúc đầy thảng thốt: “Góc vườn nhà ai/ Những bông hoa cúc sau xuân/ Cánh mỏng muộn màng niềm lẽ loi cô độc” (Khúc tự tình hoa cúc) và có khi cũng đầy mềm yếu: “Cuộc sống náo động sinh sôi/ Bão táp cuộc đời có khi nào tránh khỏi/ Đi tìm hạnh phúc những dòng người cuộn chảy/ Tôi ôm nỗi đau của riêng mình/ Trốn chạy” (Giọt sương).
Và chính điều này tạo nên sự thành thực trong thơ chị, một phẩm tính cần có của người nghệ sĩ mà Hoài Thanh gọi đó là “khát vọng thành thực” nên thơ Trầm Hương đi vào lòng người và thuyết phục họ tin rằng sự kiêu hãnh về nỗi đau của người đàn bà trong thơ chị là có thật, không phải là một sự làm dáng. Niềm kiêu hãnh trong thơ Trầm Hương là sự cộng hưởng của hai mặt trong tính cách người đàn bà “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ” (Xuân Quỳnh) nên nó thành thực vì thế, nó neo đậu được bền lâu trong lòng người đọc. Bởi, nói Trầm Hương sự “yêu thương/ lớn hơn/ thân phận của mình…” (Hoa của nước)
Xóm Đình An Nhơn, 23/3/2018
Trần Hoài Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...