Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

"Trăm năm cô đơn" - Cuốn sách làm thay đổi thế giới

"Trăm năm cô đơn"
Cuốn sách làm thay đổi thế giới

Ngày 6 tháng 3 năm 1927, Gabriel Garcia Marquez, nhà văn ngay khi còn sống đã được công nhận là một tác giả kinh điển, đã cất tiếng khóc chào đời.
Ảnh hưởng của Garcia Marquez đối với văn học lớn đến nỗi tờ báo Mỹ New York Time đã cho rằng tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của ông là tác phẩm thứ hai, đứng ngay sau Kinh Thánh, có nghĩa là toàn thể loài người cần phải đọc.
Tác giả của tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” rất nghiêm khắc với bản thân. Vì vậy ngay từ thuở nhỏ, ông đã bị người thân, bè bạn gọi là  “lão già”. Ông sinh tại Aratataka – một thành phố nghèo nằm ở phía Bắc Colombia. Từ thuở ấu thơ, nhờ bà ngoại chú bé Garcia đã biết tới những chuyện dân gian, những câu sấm truyền cùng lời ăn tiếng nói của nhiều vùng đất khác nhau. Với năm tháng vốn liếng hiểu biết này đã dần dà chuyển qua các cuốn sách của nhà văn và chính Garcia Marquez đã nói: “Tôi muốn tiêu hủy đi cái khoảng cách giữa những gì vẫn nghĩ là có thực với những gì vẫn nghĩa là huyền thoại. Bởi lẽ trong cái thế giới mà tôi đang cố gắng phản ánh, cái ranh giới kia là không có thực”.
Nhà văn châu Mỹ La tinh xuất sắc này luôn luôn thay đổi sự lựa chọn. Thoạt kỳ thủy, ông tốt nghiệp Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia ở Bogota. Nhưng chỉ sau bốn năm ông đã quyết định dành hết tâm sức và thời gian cho hoạt động văn học và báo chí.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”
Những bài phóng sự báo chí của Garcia Marquez khiến dư luận quan tâm chỉ vào đầu những năm 1950. Tiếp sau đó ông bộc lộ tài năng của mình ngay trong lĩnh vực văn chương. Tiểu thuyết “ Trăm năm cô đơn” của ông ra đời, nhà văn 40 tuổi này lập tức được hàng triệu người xác nhận tài năng. Chỉ vài tháng sau, cuốn tiểu thuyết được dịch qua ngôn ngữ của tất cả các nước châu Âu. Các nhà phê bình đồng loạt bắt đầu gọi Garcia Marquez là bậc thầy xuất sắc nhất trong việc sử dụng tiếng Tây Ban nha kể từ thời Miguel de Servantes cho tới lúc đó.
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Để đánh giá hết được cống hiến của Garcia Marquez cho văn học thế giới, cần nhớ rằng tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” đã được nhà văn viết vào thời kỳ sau chiến tranh. Vào những năm tháng đó khái niệm về cấu trúc logic của một nền hòa bình đã bị phá hủy. Garcia Marquez xướng lên một cách nhìn khác về một thực tế mà trong đó yếu tố thần bí và yếu tố hợp lý không đối lập với nhau. Phương pháp nghệ thuật được gọi là “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” thực ra cũng đã có trước đó, nhưng chính tác giả này đã làm nó lan truyền rộng rãi hơn, cổ súy cho cả một thế hệ nhà văn.
Với cuốn “Trăm năm cô đơn” Garcia Marquez đã tìm lời đáp cho câu hỏi mà từ xửa xưa các nhà văn, các chính khách, các nhà bác học, các triết gia luôn luôn trăn trở. Câu hỏi đó là “Ngày mai của chúng ta sẽ ra sao đây?”. Trong cuốn tiểu thuyết trên thực tế nhà văn đã miêu tả lại 100 năm cuộc sống của gia đình Buendia, nhưng con số này cũng như trong tác phẩm hết sức thông minh của ông đã có một ngụ ý triết học: thời gian không diễn tiến theo một đường thẳng mà lặp lại các chu trình: con người ta cứ phải kế tiếp nhau hết lần này đến lần khác trả lời những câu hỏi muôn đời.
Sau khi “Trăm năm cô đơn” ra đời, nhà văn cũng như đã tiên liệu được tương lai của mình. Mười lăm năm sau, ông là người Colombia đầu tiên được trao giải thưởng Nobel văn học. Giải thưởng được trao cho nhà văn xuất sắc này với lý do sau: “Vì những tiểu thuyết, những chuyện kể kết hợp giữa yếu tố huyền thoại và yếu tố hiện thực đã phản ánh được cuộc sống và những xung đột của cả một châu lục”.
Ghi nhanh về một cái chết
Tiếp nối “Trăm năm cô đơn” Garcia Marquez đã viết hàng chục tác phẩm khác minh chứng cho sức lao động ghê gớm của ông: “Về cái chết đã được báo trước”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Viên tướng của đạo quân chết”… Nhà văn cũng đã thử viết những chuyện cổ tích, nhưng đáng tiếc, kết quả không ra sao. “Tôi đã đưa một trong những chuyện ấy cho những đứa con trai của tôi đọc, khi chúng còn nhỏ xíu. Chúng trả lại tôi và nói: Ba ơi, ba cho rằng những đứa trẻ quá ngu muội sao!” – Ông Khổng lồ văn chương đã kể lại như vậy về một thử nghiệm không thành công của mình.
Vào năm 2006 Garcia Marquez tuyên bố ông không viết văn nữa và từ ngày đó trở đi chỉ viết hồi ký. Vào thời gian này trên báo chí luôn luôn xuất hiện tin đồn rằng ông đã qua đời. Nghe vậy ông chỉ cười.
Nhà văn đoạt giải thưởng Nobel trút hơi thở cuối ở tuổi 88 vì chứng bệnh ung thư. Ba mươi năm trước lúc xuôi tay nhắm mắt, Garcia Marquez đã viết: “Điều duy nhất tôi sẽ lấy làm tiếc nếu tôi chết mà không phải vì tình yêu”.
31/3/2019
Garcia Marquez
Tô Hoàng dịch
Nguồn: TC Nhân Chứng và Sự Kiện - LB Nga
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...