Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sống mới khó làm sao

Nhà văn Khuất Quang Thụy:
Sống mới khó làm sao!

Nhà văn Khuất Quang Thụy, như anh em văn nghệ quân đội kể là một người nhu hòa, không mấy khi biết cáu giận. Giọng nói anh chậm rãi, ấm áp với một gương mặt thiền trầm tĩnh sau những ngày tháng xông pha trận mạc. Dù khi chỉ là biên tập viên hay làm Phó Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội hoặc Tổng biên tập báo Văn nghệ, Khuất Quang Thụy vẫn sống theo phong cách ấy. Bên cạnh công việc quản lý, anh còn cặm cụi viết như để trả nợ đời.
“Tôi để ngỏ đời tôi”
Nhà văn Khuất Quang Thụy, một trong những gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ, vừa cấm súng vừa viết văn. Xuất hiện trên thi đàn từ những ngày đầu xông pha trận mạc (1968) nhưng anh sớm chuyển sang văn xuôi. Khuất Quang Thụy tham gia trại sáng tác (1971) tại chiến trường Bắc Quảng Trị. Anh nhớ lại cảm xúc hồi hộp khi nộp ký sự “Lửa và thép” cho nhà văn Cao Tiến Lê. Anh nôn nao chờ đợi kết quả.
Đến hẹn ngày trả bài, nhà văn Cao Tiến Lê gặp Khuất Quang Thụy nói một câu xanh rờn: “Cậu viết thế này mà chỉ làm thơ thì phí quá! Viết văn xuôi đi, cậu sẽ thành công đấy!”. Ngay sau đo bài ký sự được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (11-1971). Ít ngày sau, trên đường hành quân lên Tây Nguyên, Khuất Quang Thụy được nghe bài ký sự “Lửa và thép” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là một bước ngoặt trong đời binh nghiệp và sáng tác văn học của anh
Anh còn kể thêm một chuyện vui liên quan đến ký sự đặc sắc này. Ấy là khi bài được in thành sách cùng với một tác giả khác vào cuối năm 1972. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cử người mang nhuận bút và sách đến tận quê nhà của Khuất Quang Thụy (làng Thanh Phần, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây cũ).
Vào những ngày tháng đó, chiến tranh ác liệt, thấy đoàn cán bộ mang tiền đến, bố mẹ Khuất Quang Thụy ngỡ đó là tiền tuất. Bởi họ nghĩ rằng con trai mình đã hy sinh. Vậy là bà mẹ òa khóc bỏ vào trong nhà, không kịp trấn tĩnh nghe đoàn cán bộ giải thích. Hàng xóm bà con cũng tưởng thật, vội vã kéo đến an ủi gia đình. Mãi sau khi hồi tâm nghe ra ngọn ngành, bà mẹ mới ngỡ ra mình đã… khóc nhầm. Mọi người đều hể hả cười vui đến chảy nước mắt.
Ở Văn nghệ Quân đội ai cũng biết sức viết “khủng” của nhà văn Khuất Quang Thụy. Chỉ mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc, anh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Trong cơn gió lốc” (in năm 1980). Cuốn sách viết về chiến dịch Tây Nguyên, được phát hành 50.000 bản, tạo kỷ lục đầu tiên trong giới văn chương. Đây cũng là khâu đột phá của một đời văn chiến binh của Khuất Quang Thụy. Sau đó anh tạo nên những bất ngờ khác khi liên tiếp cho ra đời những tiểu thuyết hoành tráng viết về số phận của những người chiến sĩ. Cái tên Khuất Quang Thụy được khẳng định từ đây.
Không ít người cho rằng, Khuất Quang Thụy trầm tĩnh kín đáo, ít bộc bạch tâm tư. Nhưng thật ra anh lại có mạch ngầm cảm xúc rất sôi nổi tự nhiên chứ không quá ý tứ. Chẳng qua anh kiệm lời không phô trương ồn ào.
Có lần anh thật thà tâm sự: “Tôi có thế thôi. Tốt đẹp có chừng ấy. Hay ho có chừng ấy. Xấu xa cũng…chỉ từng ấy”. Anh cho rằng mình sống thế nào mọi người đều biết cả, chả cần phải che giấu. Khuất Quang Thụy còn hóm hỉnh làm thơ rằng: “Tôi để ngỏ đời tôi. Mặc mưa sa bão táp. Tôi để ngỏ thơ tôi. Cho người đời đến đọc. Tôi để ngỏ tim tôi. Chờ em vào cấu xé. Chán rồi thì em đi. Nhớ lại về em nhé”. Thật đúng chất Khuất Quang Thụy.
Từ “Trong cơn gió lốc” đến “Đỉnh cao hoang vắng”
Ngay sau khi tốt nghiệp khóa I, Trường Viết văn Nguyễn Du (1976-1981), nhà văn Khuất Quang Thụy được về Tạp chí Văn nghệ Quân Đội làm việc. Ngoài công việc biên tập viên văn xuôi anh bắt tay vào những dự án của riêng mình. Đó là những cuốn tiểu thuyết viết về đồng đội đã từng cùng anh xông pha nơi chiến địa. Anh bắt đầu vào một “cuộc chiến” mới trên mặt trận chữ nghĩa.
Những năm tháng ấy đâu đã có máy tính và ghế quay trong phòng lạnh. Trời nóng vã mồ hôi. Nhiều khi anh phải đứng viết bản thảo trên bục gỗ cao. Sau thành quen anh thường đứng viết văn. Nghe chuyện tôi chợt nhớ đến nhà văn Lép Tônxtôi cũng đã đứng viết hàng ngày trong vườn cây vào những ngày nắng đẹp. Ông đã cho ra hàng ngàn trang viết về cuộc đời. Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng vậy. Anh đã đứng viết và cho ra đời những cuốn tiểu thuyết dày dặn cả vạn trang in.
Nhà văn Khuất Quang Thụy viết với cảm xúc nồng nhiệt cùng sự trải nghiệm qua từng mặt trận. Khi là cuộc chiến ở Cam Lộ, mặt trận đường 9 Nam Lào. Hoặc mặt trận Tây Nguyên và chiến dịch đánh vào Sài Gòn. Đến trưa ngày 30-4-1975, Khuất Quang Thụy cùng mũi đột kích của Trung đoàn 64 (Sư 320) vào tới Dinh Độc Lập.
Tất cả những ký ức khốc liệt nhất của cuộc chiến tràn vào từng trang viết của anh. Những tâm tư và tình cảm cùng gương chiến đấu dũng cảm của đồng đội hiện lên trong nhiều tác phẩm. Những câu chuyện của Khất Quang Thụy nóng bỏng không khí của tuổi trẻ dâng hiến cho Tổ quốc. Những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn của Khuất Quang Thụy lần lượt ra đời sau ba mươi năm lao động miệt mài. Bạn đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện đầy say mê của anh như các tiểu thuyết “Trước ngưỡng cửa bình minh” (1985), “Không phải trò đùa” (1985), “Thềm nắng” (1988), “Góc tăm tối cuối cùng” (1988), “Giữa ba ngôi chúa” (1989)… rồi đến “Những bức tường lửa” (2000).
Tiểu thuyết “Đối Chiến” của Nhà văn Khuất Quang Thụy.
Bất ngờ sau đó hành trình văn chương của anh bỗng… chững lại. Một quãng nghỉ để kiểm chứng mình sau tiểu thuyết “Bức tường lửa” chăng? Mãi tới mười hai năm sau, nhà văn Khuất Quang Thụy mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Đối chiến” (2012). Tiếp đó là “Đỉnh cao hoang vắng” (2016). Nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn kiên nhẫn theo đuổi đề tài chiến tranh nhưng đã có cách nhìn khác. Một nhịp điệu mới.
“Đối chiến” và “Đỉnh cao hoang vắng” thu hút người đọc ở sự điềm tĩnh và bao dung. Tư duy hình tượng văn học mang tính phản biện cao. Nhà văn khám phá và nhìn nhận những thân phận người lính của phía biên kia đối kháng một cách khách quan. Khuất Quang Thụy có cách lý giải diễn biến tâm lý nhân vật thấm đẫm tình người. Chính vì thế, bạn đọc càng hình dung và nhận biết bản chất chiến sĩ của quân đội ta một cách sâu sắc và cao cả hơn. Khuất Quang Thụy đã động chạm tới vỉa tầng văn hóa của những nhân vật. Đó là nền tảng tư tưởng của cuộc “Đối chiến”. Cái thắng cái thua, cái được cái mất ở đây không chỉ còn là những viên đạn, mà ở trái tim của người cầm súng.
Còn đó một tấm lòng
Tính đến nay nhà văn Khuất Quang Thụy đã có trọn nửa thế kỷ cầm bút. Anh có trong tay hàng chục tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong đó nhiều cuốn đã đoạt giải thưởng cao. Có thể kể ra những giải thưởng chính như: Hai Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng (tiểu thuyết “Không phải trò đùa” năm 1984 và tiểu thuyết “Những bức tường lửa” năm 2004). Đặc biệt, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với ba tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”.
Nhưng cái số nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn phải đèo bòng, khi đã về hưu (năm 2012) nhưng lại được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (Khóa VIII và IX). Chuyển dịch đây đó rồi cuối cùng anh trụ lại ghế Tổng biên tập Báo Văn nghệ đã sáu năm nay. Mới đây, có dịp gặp nhau, tôi ngạc nhiên với sự hối hả công việc của anh vào một ngày cuối tuần.
Khuất Quang Thụy tâm sự: “Chuyện văn chương đã khó nhưng chuyện lo cơm áo cho anh em còn mệt hơn. Báo Văn nghệ là tờ báo tự hạch toán, không có quỹ lương của nhà nước, không có vốn…”. Văn hóa mà đánh vật với thị trường thật cực nhọc. Thế đấy! Bất giác anh chép miệng nói, báo chí văn chương bây giờ sống được mới khó làm sao!?
Lúc này tôi chợt nhớ đến bài thơ của anh, đúng với cái tên “Sống mới khó làm sao?”, viết hồi đầu thập niên 90. Quả là tâm sự của anh giờ đây khác trước. Không còn hồn nhiên nữa mà trầm lắng hơn: “Em có nghe thời cuộc/ Run trong từng cọng rau/ Đói nghèo và dung tục/ Nhấn chìm bao thanh cao/ Hoa nở chẳng vì đâu/ Khi vàng con mắt đói/ Bếp mỗi chiều vẫn khói/ Bởi xóm làng thương nhau”. Đúng là cuộc đời chỉ còn lại một tấm lòng.
24/7/2019
Biên Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...