Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Để hiểu đúng văn hóa tâm linh, cần có kiến thức sâu rộng

Để hiểu đúng văn hóa tâm linh,
cần có kiến thức sâu rộng

Đầu năm, có lẽ tâm thế ai cũng mong, cũng cầu cho chính mình, gia đình mình, xã hội và đất nước… gặp được nhiều điều may mắn; an lành. Những mong ước ấy là chính đáng. Vậy nên, tháng Giêng là mùa của hành hương, của lễ hội, của đình chùa…
Các lễ hội đã trở nên quá tải
Năm nào cũng vậy, bên cạnh những tín ngưỡng tâm linh, niềm vui truyền thống, những nét đẹp cổ truyền ngàn đời cần gìn giữ thì luôn đi kèm với nó biết bao hệ lụy không vui, bất cập cần được thay đổi và chấn chỉnh.
Chưa có một cuộc khảo sát cụ thể nào, nhưng tin rằng nếu có cuộc khảo sát thì Việt Nam cũng chả chịu thua một đất nước nào về số lượng người đi lễ chùa và các tín ngưỡng tâm linh. Một đất nước tập hợp nhiều dân tộc, đa tôn giáo và tự do tín ngưỡng.
Một đất nước có nhiều người có đạo, theo đạo, đi chùa chiền, đến nhà thờ. Một đất nước ngày càng có nhiều ngôi chùa to, nhiều khu tâm linh rộng lớn, tại sao lại vẫn có quá nhiều những vụ án mạng rùng rợn, những vụ tham nhũng, lừa đảo, hiếp dâm và đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình ngày càng xuống cấp?
Năm vừa qua, báo chí đã lên tiếng biết bao sự việc đau lòng: đó là những người đã từng là anh hùng, những đảng viên, quan chức cao cấp… lần lượt phải tra tay vào còng; những cái tát, những vụ làm dụng tình dục vô nhân tính, vô luân trong môi trường giáo dục; những vụ hiếp dâm tập thể…
Tất cả những hiện tượng trên đều phạm vào những điều răn, những điều cấm trong giáo lý của nhà Phật và trong Kinh Thánh. Điều tưởng vô lý nhưng hình như lại có lý nếu chúng ta chịu đi sâu phân tích, tìm hiểu về những vấn đề này, những vấn đề lớn cần được nhìn nhận một cách thấu đáo để kịp thời có những giải pháp, định hướng sát đúng để người người sống đúng “chính đạo”. Mà điều đầu tiên đó là tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó là giải quyết tốt nhu cầu tâm linh có thật của mỗi con người để xã hội phát triển một cách lành mạnh, trật tự an ninh ổn định. Nhu cầu tâm linh, suy cho cũng là mong cho mọi người được sống an lạc hạnh phúc và xã hội phát triển ổn định.
Khi chưa tu thành chính quả, Đức Phật cũng là một con người như mọi chúng sinh. Một con người có “lý lịch” rõ ràng. Nhưng chính con người trần ấy, nhờ trí tuệ và thực hành tu tập, đã tìm ra được con đường của sự giải thoát.
Đã không ít người, trong đó có cả các Phật tử hiểu nhầm rằng Đức Phật là người cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh. Không, Đức Phật không có phép nhiệm mầu đó, mà chỉ có Đạo của Phật mới là “phương thuốc” để cứu khổ, cứu nạn cho mọi chúng sinh.
Đạo của Phật chỉ cho ta một con đường đúng duy nhất để đi đến sự an lạc. Đó là quy luật NHÂN – QUẢ, là sự công bằng tuyệt đối. Ai học theo cách tu tập của Phật, ai hành động theo hành động của Phật thì đều có cuộc sống an lạc như Phật và đến được cảnh giới Phật.
Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu chúng ta muốn khỏi bệnh thì phải uống thuốc chứ không thể xin dược sĩ làm cho ta hết bệnh được. Vậy “phương thuốc” của Đức Phật có những vị gì để giúp con người ta có được tâm an lạc? Phật dạy: “Tất cả HỌA PHÚC đều là do NHÂN QUẢ mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại.
Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt. Từ bấy, tôi luôn tích cực thực hành chánh niệm để mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm… không gây những khổ đau, tủi hờn, bạo động cho mình, cho người mà chỉ mang đến những hiểu biết và thương yêu, nhờ đó, tâm mình an, tâm mình lạc”.
Để làm được những điều đó thì phải thực hiện theo 5 giới của đạo Phật, đó là không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối và không rượu chè chất kích thích…
Chính vì nghĩ Đức Phật là thần tiên và có các quyền năng vô biên nên khi đến chùa chiền, người nhân gian thường cầu xin van vái đến Đức Phật để mong được người “độ” cho mình và gia đình mình. Người hay đánh đề, cờ bạc thì xin Phật cho con số đề về, người cần danh thì cầu danh, người cần chức thì cầu chức, người cần tình duyên thì cầu tình duyên… càng mong thành công thì lễ lạt càng nhiều, hương khói càng lắm.
Đến với Phật mà không hiểu Phật, chính những điều mà người nhân gian đang cầu xin Phật cũng chính là những điều răn của Phật với người nhân gian. Nói như nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: “Dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Bao giờ dân giác ngộ đạo mới là điềm thịnh của quốc gia. Ở Việt Nam bây giờ, người hư đi lễ nhiều”.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Ngọc Hoài (BH). Bà nguyên là cán bộ Ban nghiên cứu các khả năng đặc biệt thuộc Liên hiệp khoa học UIA và Bộ môn Thông tin dự báo Viện nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đời sống tâm linh, thuộc Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông. Bà là tác giả của cuốn tự truyện “Một thế giới khác” đã từng gây sự chú ý cho những người quan tâm đến lĩnh vực tâm linh.
PV: Thưa bà Nguyễn Ngọc Hoài, bà có thường đi cầu cúng ở các đền chùa không?
BH: Tôi chưa bao giờ đi lễ ở đâu để xin gì cho mình, bởi tôi nghĩ, xét cho cùng con người ta sống trên đời này vẫn phải là “tay làm hàm nhai”, tuy vậy tôi vẫn thường đi đến những nơi như Đình, Chùa, Đền, Điện, Miếu, Phủ, Nhà Thờ, Tòa Thánh, và cả một số nơi tín ngưỡng thờ cúng thuộc các dân tộc… và cả những lễ hội tâm linh. Tôi đến để thắp nén nhang, vái vọng tâm thành, và hơn cả là để tìm hiểu và nghiên cứu về tâm linh và Tôn giáo. Tôi tự nhận ra, quyết định chỉ nên thờ cúng cha mẹ ông bà cửu huyền thất tổ, gia tiên của mình tại gia đình mình xem ra có phần hợp lý…
PV: Có nghĩa là không cần phải đi lễ, cầu cúng ở đền, chùa…?
BH: Đã nhiều lúc tôi nghĩ như thế, song tôi luôn băn khoăn trăn trở và đặt câu hỏi rằng liệu tôi có cực đoan và thiếu hiểu biết quá hay không? Nếu ai cũng nghĩ như tôi thì từ ngàn xưa, Đền, Chùa, Đình, Miếu, Điện, Phủ, Nhà Thờ, dân ta lập ra là để làm gì? Thời xưa thời nay? Cái sự sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tập tục có khác nhau nhiều không? Người ta vốn quan niệm về tâm linh như thế nào? Hệ thống ứng dụng của nó ra sao? Ý nghĩa đời sống tâm linh đối với đời sống con người tới đâu? Và tôi luôn tin không thể có chuyện người ta lập những nơi thờ tự như thế để “làm cảnh”. Về lý thuyết những nơi ấy là nơi để thờ tự. Tôi nghĩ liên miên và muốn ấn định một điều rằng “đó là tinh thần”. Là chúng ta đi thờ tự lễ bái chính cái tinh thần của chúng ta?
PV: Vậy thì nơi thờ cúng gia tiên tại nhà của mỗi nhà cũng là giá trị tinh thần?
BH: Xét đến cùng vẫn chỉ là cúng lễ cái tinh thần, bởi vì không ai đi cúng bái người sống cả. Vậy nên tôi nghĩ, cúng kiếng chính là sự giao thoa tinh thần của hai cõi Âm – Dương. Là việc người ta tỏ lòng với nhau bằng những lễ vật trung gian chứ không phải có nghĩa gì khác. Việc thờ cúng chỉ nên giữ ở mức giá trị tinh thần đúng mực, giúp cho tâm hồn con người thanh thản, an lành. Nếu đem thờ cúng là cứu cánh của xã hội thì có lẽ đất nước sẽ suy tàn mà thôi. Của cải, vật chất của từng cá nhân hay mỗi gia đình, hay rộng hơn là cả xã hội này phải do lao động sản xuất mà có chứ không thể đi lễ cầu xin Thánh, Thần, Phật ban lộc cho là được.
PV: Thế có phải lỗi là do vô học, vô minh mà ra?
BH: Không hẳn đâu. Suy cho cùng, không phải con người ta không có kiến thức mà dẫn đến hành vi sai lệch. Thực tế có không ít các ông bà Giáo sư, Tiến sỹ học cao hiểu rộng vẫn sì sụp khấn vái cầu xin ban tài phát lộc ở nơi Chùa chiền, Miếu, Điện, Phủ đó thôi. Tầng lớp ấy họ đâu thiếu kiến thức.
PV: Phải chăng chúng ta đang thiếu kiến thức về cái gọi là văn hóa tâm linh, cái văn hóa tinh thần của con người. Chúng ta không phân biệt được giá trị của tâm linh và sự ứng dụng của nó đối với đời sống của chúng ta với mê tín dị đoan nữa. Chúng ta đang sống quá thực dụng, dẫn đến có cái nhìn về tâm linh lệch lạc chăng? Chúng ta đang tự mặc định tâm linh là đổi chác mua bán với thánh thần? 
BH: Đúng thế, Chúng ta đang có nhận thức rất lệch lạc về vấn đề tâm linh, ngoại cảm, tôn giáo, chúng ta cần phải thay đổi ngay thôi. Chúng ta cần phải tư duy lại, cần có khiến thức sâu rộng trong lĩnh vực tâm linh này. Muốn làm được điều này thì cần phải tích cực phản biện lại những thực hành tâm linh mà chúng ta đang thực hiện. Tôi tin sau sự phản biện sẽ là những kết quả ứng dụng đi đến điều tốt đẹp. Tôi luôn tin như thế.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này. Đầu xuân năm mới chúc bà có nhiều sức khỏe và tinh thần an lạc. 
31/3/2019
Nguyễn Thế Hùng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...