Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Cơ duyên ra đời tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy"

Cơ duyên ra đời tiểu thuyết
"Trong cơn lốc xoáy"

Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải A cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) vào tháng 8 năm 2015, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2016. Hơn 10 năm ròng rã bị ám ảnh, lao tâm khổ tứ tìm tư liệu, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, miệt mài đọc, viết; hơn một năm làm việc với Nhà xuất bản, thương lượng, điều đình, chỉnh sửa vào 8 giờ 30 phút ngày 18.5.2016, với sự chủ trì của Hội Nhà văn TP.HCM; Nhà văn Trầm Hương ra mắt tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”, hơn 1.000 trang; hai tập; do Nhà Xuất bản Phụ nữ ấn hành. Buổi ra mắt sách được dẫn dắt bằng âm nhạc cổ điển, bằng tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của nhà văn Trầm Hương và nguyên mẫu nhân vật Jeannette từ Mỹ về Việt Nam… Đôi bàn tay của người phụ nữ ở tuổi 90 lướt trên phím đàn dương cầm, gợi lên ký ức một thế kỷ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn; Nam kỳ lục tỉnh; kết nối những số phận con người trên những miền đất xa xôi của thế giới… Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu cơ duyên ra đời của bộ tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” do chính tác giả trình bày!
Năm 2005, bà Jeane Anna Villarial, một Việt kiều Mỹ, về Việt Nam, tìm gặp tôi, với ý nguyện được kể cho tôi nghe trải nghiệm cuộc đời gần một thế kỷ của bà. Bà nói yrời sinh bà ra để lặn vào nhiều cuộc đời, chứng kiến những buồn vui, khổ đau, bất hạnh; lúc nếm trải tận cùng đời sống vật chất xa hoa, lúc rơi xuống tận đáy nỗi tủi nhục, thống khổ. Bà bày tỏ ý nguyện được gặp một nhà văn để lắng nghe, đồng cảm; từ đó có sự liên hệ lịch sử, kết nối những số phận cuộc đời mà mà được gặp, dựng nên một tác phẩm văn học. Tôi nói đó là một việc rất khó, rất kỳ công. Bà nói vì đó là việc khó nên bà đã dành cả phần đời còn lại cho ý nguyện này và tôi là người bà tin cậy, gởi gắm. Tôi thực sự lúng túng. Bà nói nếu như ý nguyện đó không hoàn thành, bà không yên lòng nhắm mắt, bởi bà không đành lòng nhìn một thế kỷ đan xen những thân phận con người, gắn với những thăng trầm lịch sử trôi vút đi, tất cả đều bị chôn vùi dưới những nấm mồ, tan vào cát bụi. Trước lời khẩn thiết của bà, tôi không thể nói lời từ chối. Bà động viên: “Ta có cuộc đời, con có tim óc. Ta tin con làm được”.
Jeannette – nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” thời thiếu nữ
Từ ấy, tôi dùng tim óc của mình cho công việc, nghe bà kể chuyện, ghi chép, tìm đến những nhân mối nhân vật, đọc lại hàng ngàn trang lịch sử đôi khi chỉ để lý giải một vài ẩn số câu chuyện. Gần mười năm ròng rã trôi qua, bà liên tục có những chuyến về Việt Nam và tôi tranh thủ làm việc với bà một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Từ sự hóa thân đó, tôi nhận ra không chỉ có “tim óc” mà từ sự đồng cảm, đặt mình vào nỗi thống khổ của nhân vật; tôi nhận ra “máu thịt” cuộc đời mình cũng trộn lẫn trong cuộc đời bà. Thật giản dị để hiểu bi kịch tình yêu và phụ nữ với vẻ đẹp của lòng nhân hậu, đa cảm, hy sinh, chịu đựng luôn là đề tài bất tận của văn học.
Mối tình của một người cộng sản với con gái ngài Tổng thuế ba miền Đông dương khởi nguồn cho bi kịch tình yêu. Bà đã đau khổ và hạnh phúc, bất hạnh và thống khổ nhưng bà không hối tiếc. Vì tình yêu ấy bà đã dấn thân, đánh đổi, đã rơi xuống tận cùng địa ngục nhưng bà không chút oán tránh ông vì ông là người đàn ông duy nhất khơi dậy trong bà những giá trị tiềm ẩn con người, cho bà nhìn thấy cội nguồn bất hạnh của số phận một dân tộc, giúp bà nhìn thấy khát vọng độc lập tự do để dấn thân, đi cùng ông con đường kháng chiến, cùng ông làm những chuyện mạo hiểm và gian khổ. Vì yêu ông, bà đã dám từ bỏ giai cấp thượng lưu để làm một bà bán gà vịt ngoài chợ Bà Chiểu mà vẫn tràn ngập hạnh phúc… Trên tất cả, đó là người đàn ông giúp bà cảm nhận sức mạnh tình yêu mà vì nó người ta có thể làm được những điều kỳ diệu lẫn điên rồ. Và cho đến cuối đời, bà vẫn sống với tình yêu ấy, cho dù bà không phải là người phụ nữ thủy chung theo cái nhìn thông thường của một chuẩn mực xã hội nhất định…
Trong mối tình dang dỡ, trái ngang; Jeannette chỉ có được niềm an ủi vì phút cuối cùng cuộc đời Vạn, bà đã ở bên ông. Và những năm cuối đời, bà trở về Việt Nam, dựng nên mái nhà cổ xưa dưới chân núi ở Long Hải, sống cùng ông trong những kỷ niệm tình yêu, với ước nguyện khi chết đi, tro cốt của bà quyện cùng ông, cùng trở về với dòng sông mẹ, không gì có thể chia lìa bà và ông nữa…
Mỗi ngày, từ chất liệu máu thịt cuộc đời bà, tôi đã viết, hóa thân bằng tim óc lẫn máu thịt cuộc đời mình. Câu chuyện cuộc đời bà gần suốt mười năm ròng rã luôn ám ảnh tôi, buộc tôi phải tự đặt kỷ luật cho bản thân mình. Có lúc tôi nãn lòng vì thấy mình đang bơi trong biển khơi của ngồn ngộn tư liệu, trái tim yếu đuối của tôi dường như đập những nhịp quá tải trước những bi kịch cuộc đời. Nhưng vì sự tin cậy, kỳ vọng của bà, tôi đành phải như con ong hút mật, ngày từng chút một…
Tiểu thuyết đã xoay quanh chuyện tình của con gái nuôi của ngài giám đốc tổng thuế ba miền Đông Dương và một người cộng sản- sinh viên y khoa năm cuối, nghe tiếng gọi non sông, về Nam, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Câu chuyện rất dài. Tôi vô cùng cám ơn độc giả vì yêu mến tôi mà chịu khó đọc…
Tác giả và nhân vật Jeannnette năm 2006, tại Sài Gòn
Trong những ngày cuối năm này, tôi khẩn trương viết những chương cuối cùng quyển tiểu thuyết vì không thể chậm trễ hơn. Bà đã bước sang tuổi “bát thập cổ lai hy”, đang điều trị bệnh ở Mỹ. Trong gần mười năm cùng bà trao đổi “tim óc” và “máu thịt” để viết “Trong cơn lốc xoáy”; nhiều lần tôi không khỏi chạnh lòng khi tiễn bà ra sân bay, chứng kiến người đàn bà bé nhỏ, đẩy chiếc va-li đồ sộ, bước vào quấy làm thủ tục đi Mỹ. Bà tỏ ra mạnh mẽ, ung dung nhưng tôi không khỏi lo lắng, bất an nghĩ đến hành trình xa xôi, Jeannette tuổi ngoài tám mươi một mình trong lộ trình dài dằng dặc, sang bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ. Hàng năm, bà có đến mấy chuyến đi về. Và ở bên kia bờ đại dương, bà vẫn gọi điện cho tôi kể chuyện, vẫn rất minh mẫn nhớ từng chi tiết. Bà sốt ruột mong từng ngày quyển tiểu thuyết hoàn thành.
Tâm nguyện lớn nhất cuộc đời bà là được cầm trên tay quyển tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”…
Ước nguyện lớn nhất cuộc đời bà là làm công dân Việt Nam. Tôi cũng đã từng chạnh lòng khi nghe bà bộc bạch “Tôi chỉ có quê mà không có nước”. Tôi thắc mắc hỏi, bà cười buồn trả lời: “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết mình là người nước nào nữa. Tôi là người Việt lai Philippine nhưng mang quốc tịch Pháp, rồi sau đó là Mỹ. Tôi xin hồi hương nhưng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận vì tôi không hề có được giấy khai sinh ở Việt Nam dù mở mắt ra, rôi đã nhìn thấy ngọn dừa, ao rau muống. Nhưng rõ ràng tôi có một miền quê. Bà ngoại tôi là người khai sinh ra thương hiệu “nem Thủ Đức. Tôi chỉ có quê hương duy nhứt là Thủ Đức. Và Tổ quốc duy nhất là Việt Nam”. Từ tình yêu của Jeannette- con gái một quan Tổng thuế ba miền Đông Dương dành cho Vạn- một người cộng sản, tôi hiểu được ước nguyện sâu thẳm của bà…
Và còn có một nhân vật quan trọng, đã thúc đẩy Jeannette về Việt Nam, kiên trì tìm gặp một nhà văn để viết quyển tiểu thuyết về cuộc đời bà. Đó là linh mục Nguyễn Đình Thi (1934-2010)- một trí thức công giáo yêu nước chân chính đã dành trọn đời mình vì hòa bình độc lập và phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông là vị linh mục luôn muốn có mặt ở khắp mọi miền đất nước, dấn thân vào những nơi khó khăn nhất, đến với những cuộc đời bất hạnh với lòng nhân ái, vị tha vô bờ bến. Vị linh mục từng làm nhiều người xúc động vì lời tâm sự chân thành:“Mình sinh ra trần truồng, nay mai chết đi cũng trần truồng”. Vì sự dấn thân và tinh thần vị tha đó, ông được bầu làm chủ tịch Hội Huynh đệ Việt Nam, người được Jeannette gọi là Cha Thi trìu mến. Bà kể:
“Sau năm 1975, người nước ngoài về Việt Nam không dễ dàng. Việc đi lại khó khăn nên muốn làm gì cho đất nước, tôi tìm đến Cha Thi, do ông là người của UNESCO, có nhiều hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam. Gặp tôi, Cha Thi ngờ ngợ hỏi: “Ở Thủ Đức, bà có biết viện nuôi trẻ mồ côi tàn tật không?”. Tôi mừng quá, tiết tộ: “Tôi đã từng đỡ đầu cho trại trẻ mồ côi này!”. Cha Thi rất vui, lấy ra bức ảnh, hồ hỡi nói: “Bà nhìn bức hình này xem. Có tôi và cha Bình, có bà trong bức ảnh này không?”. Tôi nhận ra ngay đó là bức ảnh chụp ngày khánh thành viện trẻ mồ côi. Tôi chỉ mình trong bức ảnh, nói: “Tôi đứng gần Cha nè!”. Cha Thi ngậm ngùi nói: “Thời gian trôi nhanh quá. Thật, tôi không nhận ra bà! Những đứa trẻ nay đã lớn khôn, bước vào đời, là nhờ vào tấm lòng của nhiều người. Tất cả đều là con cái của Chúa!”. Cảm khái vì tấm lòng của Cha Thi, từ đó, tôi thường lui tới ngôi nhà Babeuf- Ngôi nhà Cha Thi đã mua trả góp trong 20 năm, được xem là “Mái ấm gia đình Việt Nam trên đất Paris” với thuốc men, hàng hóa quyên góp gởi về cho đồng bào Việt Nam. Tôi cũng từng đến hiệu sách SUDESTASIE ở 17 đường Cardinal Lemoine của Cha Thi- một địa chỉ cho những ai muốn tìm hiểu về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Cha Thi có công lớn trong việc quãng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, dành cả phòng trưng bày 200m2 ở siêu thị Rosni 2 để trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam gởi qua. Tôi rất cảm kích cha Thi vì ông đã tận tình giúp đỡ con gái tôi bằng cách tạo công ăn việc làm trong những ngày cháu định cư ở Pháp. Nhiều lần lắng nghe tâm sự của tôi, Cha Thi đã thốt lên: “Bà Quý, bà phải tìm người viết quyển sách về bà. Chúa đã sắp đặt để bà sống trong lòng cả Việt Minh, Pháp và Mỹ. Hình hài bé nhỏ của bà hứng nước mắt cả hai bên. Nó rất có ích, bởi đất nước đã thống nhất mấy mươi năm nhưng lòng người chưa thống nhất. Những giọt nước mắt của bà là cây cầu tình thương gác qua hố hận thù mấy mươi năm do lòng người chia cắt!”. Cha Thi giới thiệu cho tôi nhiều nhà văn ở Pháp. Nhưng việc viết quyển sách không thành vì nhiều lý do khách quan và những ràng buộc bản thân. Trong những năm ấy, mỗi lần Cha Thi gặp tôi là hối thúc. Cha Thi nói nhà in của Cha đã sẵn sàng, chỉ cần quyển sách được viết ra. Và rồi năm 2005, tôi về Việt Nam, gặp nhà văn Trầm Hương… ”.
Jeannette nghẹn ngào lau nước mắt, nói tiếp: “Cha Thi mất ngày 25.7.2010, sau một cơn đột quỵ tại Pháp, khi những kế hoạch đến với những người bất hạnh, dùng tình thương xóa bỏ hận thù của Cha còn dang dở. Nơi thế giới bên kia, tôi tin là Cha Thi rất vui khi tôi đã thực hiện được lời hứa với Người!”
Rồi Jeannette hát cho tôi nghe bài hát “Les feuilles mortes” nhạc của Joseph Kosma; lời Pháp của Jacque Prévert; lời Anh của Johnny Merce, ở Việt Nam được dịch tựa “Lá thu rơi”, được nhiều thế hệ ưa thích. Giọng hát của người đàn bà ở tuổi gần 90, dồn nén bao trải nghiệm cuộc đời khiến tim tôi quặn thắt:
Lời Việt Nguyễn Kỳ Nam dịch:
Ôi, anh rất muốn em nhớ
Những ngày tháng vui vẻ khi chúng ta còn là bạn
Ngày tháng đó, cuộc sống tươi đẹp hơn giờ đây rất nhiều
Và mặt trời nóng bỏng hơn hôm nay
Những chiếc lá rơi đong dồn bên chiếc xẻng
Em thấy không, tôi không hề quên
Những chiếc lá rơi đong dồn bên chiếc xẻng
Cũng như kỷ niệm và niềm hối tiếc
Được gió bắc thổi đi
Đến cõi tối tăm quên lãng
Em thấy không, tôi không hề quên
Bài hát em từng hát cho tôi
Đó là một bài ca
Rất giống với chúng ta
Em đã từng yêu tôi
Và tôi từng yêu em
Đôi ta từng bên nhau
Em là người yêu tôi;
Tôi là người yêu em
Phải, trước khi “những chiếc lá rơi đong dồn bên chiếc xẻng” thì lá có đời sống mãnh liệt của lá…
Vì không cam tâm nhìn những chiếc lá đi vào “cõi tối tăm quên lãng” mà tôi đã viết…
Viết để chống lại sự lãng quên…

CẢM NHẬN MỘT SỐ NHÀ VĂN VỀ TIỂU THUYẾT "TRONG CƠN LỐC XOÁY"
* Nhà văn Vũ Hạnh:
“Trong cơn lốc xoáy” là tiểu thuyết được viết nên từ câu chuyện thật về cuộc đời của một phụ nữ có số phận đặc biệt. Dường như số phận đã sắp đặt để bà sống trong lòng cả Việt Minh, Pháp và Mỹ. Trong hình hài bé nhỏ, với những vết thương sâu trong lòng, bà nói “số phận đưa đẩy tôi làm người giơ tay hứng nước mắt từ hai phía”. Bà đã trải qua bao biến cố trong cuộc sống, đã từng trôi nổi khắp bốn phương, ngoài 80 tuổi vẫn còn băn khoăn không biết mình là người của quốc gia nào, ngước mặt nhìn trời, cất tiếng kêu lên thống thiết: “Tôi có quê mà không có Tổ quốc”. Từ Mỹ, bà đã về Việt Nam, tìm đến nhà văn Trầm Hương để trải lòng. Gần 10 năm ròng rã, nhà văn Trầm Hương đã ngập lặn trong cái bể khơi ngồn ngộn tư liệu, chịu đựng nhịp đập quá tải của con tim mình, trước bi kịch mà người phụ nữ trong câu chuyện này đã nếm trải. Sự gặp gỡ giữa hai người phụ nữ sống cách nhau gần bốn thập kỷ đã làm nên định mệnh diệu kỳ. Đó là sự ra đời tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”. Số phận kỳ diệu mà không ngẫu nhiên, bởi tim óc và máu thịt người viết đã trộn lẫn vào nhân vật. Nhà văn Trầm Hương đã viết bằng sự thấu cảm trước bi kịch và sự thống khổ của số phận con người trong cơn lốc xoáy của thời cuộc…
* Nhà văn Đỗ Kim Cuông – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam -Thành viên Hội đồng chung khảo
Người đọc chú ý tới cuốn tiểu thuyết này không chỉ ở bút pháp, lối viết giản dị và chân thực, mà ở số phận nhân vật chính kỳ lạ, với những trải nghiệm có thể nói là phi thường. Đó là cô gái mang quốc tịch Pháp, pha trộn nhiều dòng máu, có tên Jeannette. Cô là một kiều nữ xinh đẹp, con gái cưng của một viên quan Pháp thực dân, lại trở thành vợ một viên tình báo Nhật… Hoàn cảnh sống ở Việt Nam và số phận của cô, gọi đó là định mệnh cũng được đã gắn chặt Jeanette với những người kháng chiến.
Định mệnh ấy bắt đầu từ tình yêu, lòng cảm mến với đất nước và con người Việt Nam, thông qua mối tình của cô với Sáu Vạn, một sinh viên y khoa, hoạt động tình báo trong lòng địch. Sự cảm hóa Jeannette của Vạn không phải là những lý thuyết cao xa, những lý tưởng huyễn hoặc mà bằng lòng nhân ái, đạo lý của chàng trai Việt, luôn cháy bỏng trong lòng khát vọng độc lập tự do cho đất nước.
Và cũng chính bởi tình yêu ấy, Jeannette dấn thân. Nhưng cơn lốc xoáy dữ dội ập đến, cuốn đi những số phận bé nhỏ…
Hơn 10 năm trước, nhà văn Trầm Hương đã âm thầm sưu tầm tư liệu để chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết này. Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”, tác giả viết ra không nhằm để mục đích dự thi. Nhưng cũng chính bởi cuộc vận động lớn này mà cuốn tiểu thuyết có cơ hội được xuất hiện. Và bây giờ, “Trong cơn lốc xoáy” của nhà văn Trầm Hương đang có trong tay bạn…
* Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải
Hiếm thấy trong Văn học một sáng tác theo câu chuyện đời có thật của một phụ nữ từ Mỹ tìm về gửi gắm, mà thành. Bộ tiểu thuyết tái hiện sâu sắc, cuốn hút hiện thực xã hội Nam bộ suốt từ đầu thế kỷ 20… Lao động nhà văn “tim óc trộn lẫn máu thịt” của Trầm Hương đã khắc họa thành công những giông tố và phân rã của tầng lớp trên qua số phận đứa con lai mang quốc tịch Pháp. Là con gái nuôi của quan Tổng thuế Ba miền Đông Dương, nàng phải lấy một tình báo Nhật để cứu sống cả gia đình trong cơn biến loạn. Nhưng tình yêu duy nhất và mãi mãi nàng chỉ dành cho chàng sinh viên y khoa hoạt động yêu nước. Mong muốn cứu người yêu thoát khỏi nhà tù, nàng lần lượt bị những người đàn ông quyền thế chiếm đoạt. Đời nàng long đong vô kể.…
Sự thăng trầm phiêu bạt đớn đau của số phận đầy hy sinh, mối tình bị chia cắt, đứt hẳn bao phen đã đem đến cho người đọc sự cuốn hút xót xa. Có người nói các nhân vật sống cùng một thời với “Người Tình” nhưng không phải vậy. Jeannette mạnh mẽ , gắn bó máu thịt với tình yêu, gia đình, với các biến động xã hội dữ dội. Những nhân vật trong tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của nữ sĩ Trầm Hương đậm chất nghĩa khí Nam bộ.
Cũng thật hiếm thấy một tác phẩm được viết bằng thấu cảm, trải nghiệm hạnh phúc, đau khổ, bất hạnh của hai người đàn bà đẹp cách nhau gần 4 thập kỷ. Hai thế kỷ Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, đất Nam Kỳ, không gian thời gian trải rộng với bi kịch chiến tranh, tham vọng con người lan tỏa đến những miền đất trên thế giới, theo những bước chân tha hương. Hãy mở trang sách và cảm nhận…
* Nhà lý luận phê bình văn học Trần Hoài Anh
“Viết để chống lại sự lãng quên. Vì không cam tâm nhìn vào những chiếc lá đi vào “cõi tối tăm quên lãng””… Đó cũng là thông điệp đầy tính nhân văn mà Nữ văn sĩ Trầm Hương gởi đến người đọc qua tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy và cũng là ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, có thiên lương trước hiện thực cuộc sống đầy bất an, đang vây khốn số phận con người…
“Trong cơn lốc xoáy” là sự ám ảnh về thân phận những con người mà cuộc đời luôn đắm chìm trong bi kịch giữa được và mất, giữa có và không, giữa vinh quang và cay đắng, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa hiện hữu và hư vô xoay quanh số phận một người đàn bà với “những vết thương sâu”, đó là Jeannette… Và điều ấy chỉ được giải mã khi bạn khám phá thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”, cơn lốc của những thân phận lưu đày mà chúng ta không hiểu định mệnh chọn họ hay chính họ chọn định mệnh…
24/5/2019
Trầm Hương
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...