Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Bóng và thân trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Bóng và thân trong thơ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Trong Thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về chàng Narcisse soi bóng và yêu bóng mình dưới nước được Freud xem là biểu tượng cho tính ái kỉ, chỉ yêu bản thân và cái bóng của mình. Nhưng bóng là ảo ảnh, nên mỗi lần Narcisse chạm vào nước là cái bóng lại tan biến. Trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng có trạng thái soi bóng như thế, nhưng “soi bóng” là để thức nhận cái vô thường của bản ngã. “Hôm kia soi bóng/ thấy mình rỗng không”.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh là người sáng lập chùa Huyền Không (Huế). Ở chốn thiền môn này, Triều Tâm Ảnh sáng tác thơ, văn xuôi, biên khảo; bên cạnh đó, nhà sư còn thể hiện sự tài hoa qua nghệ thuật thư pháp. Riêng về phương diện văn chương, Minh Đức Triều Tâm Ảnh là tác giả có đóng góp cho dòng thơ thiền hiện đại. Trong thế giới văn chương đa dạng của Triều Tâm Ảnh, thơ là thể loại thể hiện rõ “cái nhìn” của thi nhân về vũ trụ và nhân sinh. Trong cõi thơ mênh mang đó, nổi bật là tập Đá rác và cỏ thơm (5 tập), gồm 1000 bài thơ lục bát tứ tuyệt có nhiều thay đổi trong lối ngắt dòng. Giữa chốn không tịch, triết lí Phật giáo được chắt lọc, chưng cất thành những vần thơ đậm chất thiền, giàu tính thẩm mĩ, hòa quyện nhuần nhị đạo và đời: “Có thiền/ ẩn tận non sâu/ Có thiền/ vào chợ/ dăm câu mấy vần/ Hỡi ai/ phiêu lãng đường trần/ Quay nhìn chiếc bóng/ chợ gần chợ xa! (Nhìn bóng).
Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh là thế giới của vạn vật hoà đồng. Ở đó, con người tìm về thiên nhiên như một cách thức “cân bằng nội tâm”, một cách thiền giữa đời tục. Huyền Không Sơn Thượng vừa là cõi thực, vừa bảng lãng huyền hoặc trong thơ Triều Tâm Ảnh. Thiên nhiên được nhìn mĩ cảm thiền. Những vần thơ ra đời từ hoa cỏ khói sương của chốn tịch mịch thiền môn mang đậm chất trữ tình. Có những vần thơ như từ ngẫu hứng, từ vô thức sáng tạo; cũng có những bài thơ như là một cách thức để “dĩ tâm truyền tâm: “Bài thơ/ viết giữa khói mây/ Ngẩn ngơ sương trắng/ lay bay rừng chiều” (Hạt cô liêu); “Trần gian/ trăm việc tạm quên/ Thơ đề góc núi/ đầy hiên nắng vàng” (Tình không). Thiên nhiên tinh khiết với cỏ hoa, trăng, gió, mây ngàn, sương khói… Con người với cái tâm trong trẻo (có lúc thương người, thương cha, thương mẹ, có lúc buồn, cô độc…) luôn đạt tới cảnh giới của sự giải thoát; con người ung dung tự tại, hoà đồng với thiên nhiên nhưng cũng trầm mặc và đầy nỗi niềm về cõi thế bụi bặm trầm luân: “Tọa thiền/ thấy cõi rộng rinh/ Thấy tâm/ chiếc hạc/ khinh linh non vời/ Thấy u mê/ đốt lửa hời/ Thấy bao bóng mộng/ cũng rơi dặm mù” (Thấy).
Thơ thiền nói chung thường tối giản, kị sự rườm rà. “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” (Kinh Dịch). Thấm nhuần đặc trưng thẩm mỹ của thơ cổ phương Đông, thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh có tính mơ hồ, nhiều khoảng lặng, khoảng trống mang chứa triết lí sâu sắc về vũ trụ quan, nhân sinh quan Phật giáo; về vô thường, vô ngã, sắc không v.v. Đó là thế giới của những ẩn dụ, biểu tượng giàu tính nhân văn. Tên bài thơ thường là những biểu tượng mang quan niệm vô thường về cõi thế phù du (các bài Sắc, không, Mù sương, Bụi mờ, Ảo ảnh, Vô ngôn, Rỗng suốt, Buông, Mê, Khói sương, Phù du v.v.). Cách đặt tên mỗi bài thơ thật cô đọng, hàm súc (chỉ một từ, hai từ, hiếm có nhan đề bài thơ nào dài trên ba từ). Bài thơ nào cũng thể hiện phẩm cách của một hiền giả và một thi sĩ tài hoa. Cái đẹp của thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh là cái đẹp của sự không tịch mang mỹ cảm thiền. Thơ vô ngôn, con người vô ngôn. Trong thế giới thơ hội tụ vẻ đẹp của tự nhiên, vũ trụ, thấp thoáng ẩn hiện hình ảnh thân và bóng biểu hiện quan niệm nhân sinh của một thiền sư. Đặc biệt, bóng xuất hiện với tần suất cao trong 5 tập thơ cho thấy đây là hình tượng thẩm mĩ làm nên chất triết lí trữ tình trong thơ Triều Tâm Ảnh. Cảm nhận về tánh không, thân và bóng xuất hiện như một ám ảnh sáng tạo. Con người thanh thoát, thân nhẹ, tâm rỗng, có bóng không bóng hư vô: “Ta bèn/ rũ áo phủi chân/ Dặm không đủng đỉnh/ chiếc thân nhẹ hều” (Hư vô); “Bạt ngàn sương nước/ liêu xiêu bóng người” (Đìu hiu); “Bóng ta/ dẫn lối ta đi” (Thì thào); “Đầu non trăm trượng/ thả rơi bóng mình” (Thả bóng).
Theo quan niệm của Phật giáo, thân là gốc của Khổ, bóng là biểu hiện của vô thường, hư ảo. Trong thơ thiền, bóng và thân có khi là một, các thiền sư – thi sĩ thường dùng bóng để nói thân hoặc xem thân như bóng: “Thân như bóng chớp, có rồi không” (Thị đệ tử – Thiền sư Vạn Hạnh); “Thân như gương ảo, nghiệp như bóng” (Vạn sự quy như – Tuệ Trung Thượng Sĩ); “Thân kia với bóng đồng nhất/ Một không một có được nào?” (Vọng thân lâm kính chiếu ảnh – Thiền sư Hương Hải) v.v. Trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh, thân và bóng biểu hiện những suy ngẫm về nhân thế, về cuộc đời rộng lớn và kiếp người mong manh. Con người trong thơ Minh Đức thường ở dạng thái “ta”. Ta đối bóng/ đối ảnh. Ta hoá thân thành bóng. Ta thoát bóng. Một số bài thơ về bóng của Triều Tâm Ảnh có tứ thơ thật độc đáo, biểu hiện quan niệm đời là cõi tạm, ở đó thi nhân, hạt-bụi-người chỉ ghé qua: “Bóng ta/ Đi lộn ngược đầu/ Chân dài theo vết/ Qua cầu cắt đôi/ Nửa này/ Cõi bụi rã rời/ Nửa kia/ Đón chiếc mây trời/ Quá giang” (Cắt đôi). Có lúc thân và bóng là một. Có lúc bóng là sự hoá thân: “Lối lên/ Chiếc bóng nghiêng xiêu/ Nhập nhoà nhân ảnh/ Hoang liêu bốn bề” (Hoang liêu). Có lúc bóng tách ra, phản thân để thân đối mặt và tự bạch, tự trăn trở về mình. Ta và bóng trở thành hai nửa trong thân/ ngoài thân – “Ta vẽ/ bóng ta trên tường/ Thấy ai xa lạ/ nửa vương nửa lìa” (Râu ria). Bóng là ta hay ta là bóng? Câu hỏi hiện sinh không mâu thuẫn với tâm thức thiền.
Sự phân thân người – bóng/thân – bóng biểu hiện sự giải thoát. Tách thân ra khỏi bóng, nhà thơ trăn trở suy tư về cõi thế. Những nghiệm suy về thân/bóng truyền dẫn nỗi niềm thời gian trong thơ Minh Đức: “Chừ đây/ một cõi phiêu bồng/ Chỉ còn/ ta đứng/ mênh mông bóng mình/ Muôn xưa/ bóng bọt đăng trình/ Muôn sau/ bóng bọt tấp ghềnh chiêm bao”.
Quan niệm vô thường được biểu hiện sâu sắc qua những câu thơ đơn giản, cô đọng. Nhịp điệu êm đềm, mượt mà của lục bát dễ chuyển tải những cảm xúc mơ hồ của một thân rỗng, tâm không. Cõi trăm năm ngưng đọng trong một sát-na. “Chừ đây”, “muôn xưa”, “muôn sau” đồng hiện. Thời gian chẳng là vĩnh cửu. Hiện tại vô tướng, chỉ thấy mênh mông bóng, mênh mông cõi phù vân. Nhìn lại quá khứ thấy hư không, nhìn từ hiện tại “chừ đây” thấy tương lai chập chờn chiêm mộng. “Nhân sinh nhược đại mộng” – mọi hiện hữu cũng chỉ là bọt bóng, sắc không. Thân là bóng. Bóng là hư. Phù du cõi thế. Mong manh kiếp người. Ta – bóng, hoặc nửa này – nửa kia cũng hoà vào sương khói. Có lúc thân và bóng chẳng còn tồn tại: “chiếc nhạn vô vi/ bay qua hồ rộng,/ lưu chi bóng mình (Hãy như).
Bài thơ nhiều ẩn dụ mang âm hưởng của tiền nhân: “Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.(1)Với hình thức Haiku, Minh Đức Triều Tâm Ảnh đặt câu hỏi vu vơ như một lời độc thoại, đơn giản nhưng chạm đến minh triết Phật giáo. Ba câu thơ cực ngắn đã khắc tạc bức tranh mênh mông, tịch lặng của đất trời thông qua một thế giới nội tâm rỗng lặng. Cánh nhạn vút bay giữa bao la trời nhanh đến nỗi không kịp hiện hữu và không kịp lưu bóng dưới nước hồ. Một cõi chân không vô tận. Một đường biên mơ hồ mỏng mảnh giữa cái có và cái không. Bóng nhạn. Bóng nước. Bóng thời gian. Có đó rồi lại không. Không dấu vết. Sự tồn tại của thân cũng là ảo ảnh. Thân vô thường, bóng vô thường thì đừng mong “lưu chi bóng mình” giữa thiên địa vô vi, “lưu chi bóng mình” giữa cõi thế bất sinh, bất diệt. Ba câu thơ ngắn ẩn chứa câu hỏi về sự tồn tại của thân, của vạn vật. Con người hoà nhập vào cõi tự nhiên có có không không. Là trạng thái vô ngã. Là khoảnh khắc con người thoát Ta, rỗng, không: “Tri âm chim lượn non cao/ Thả rơi chiếc bóng hồ ao thấy mình”; hoặc “Nhảy qua/ hạt cát trăm lần/ Chợt bông cỏ tím/ bên chân nở rồi/ Hương thơm nhẹ/ thoảng bồi hồi/ Giọt sương ngơ ngác/ thả rơi bóng mình” (Ngơ ngác).
Thả bóng là một motif phổ biến trong thơ Triều Tâm Ảnh. Thân và bóng là hai mặt tất yếu của một hiện hữu. Và “tình trạng không bóng do con người đã vượt ra ngoài những giới hạn của sinh tồn thân xác”; giờ phút “không còn hắt bóng là giờ phút của niềm thanh thản nội tâm”(2). Trong thơ Triều Tâm Ảnh, “thả bóng” là đạt đến trạng thái vô vi, vượt ngoài sinh tử: “Ngàn muôn/ chỉ có một lần/ Bước qua sinh tử/ vấp chân vướng người/ Lại còn/ cõng xác ba đời/ Đầu non trăm trượng/ thả rơi bóng mình” (Thả bóng). “Thả rơi bóng mình” là không còn giới hạn giữa thân – bóng – vũ trụ. Ta hoà nhập vào miền không gian trong biếc của cõi thiền. Ở đó vật ngã đồng nhất, con người nhìn thế giới bằng cái tâm tĩnh lặng tuyệt đối, “Để cùng/ với bóng qua sông/ Để cùng/ trăng sáng/ thong dong cõi về” (Để cùng); “Bóng ai vừa mới qua cầu/… Ngồi xem/ cọng cỏ/ sang sông nhẹ hều” (Nhẹ hều).
Motif soi bóng cũng xuất hiện nhiều lần, ở đó hai nửa con người đối diện, đối thoại với chính mình và thức ngộ cát bụi phù du đời người: “Phủi tay/ từng hạt bụi người/ Nghe trong vườn cũ/ hoa rơi vô tình/ Loay hoay/ tìm bóng giỡn hình/ Hoá ra/ mặt mũi/ chẳng sinh chẳng lìa! (Bóng, hình); “Dẫu đau/ tiếng khóc vào đời/ Dẫu thân cát bụi/ rã rời tử sinh/ Vai đeo/ trăm nỗi bất bình/ Hôm kia soi bóng/ thấy mình rỗng không” (Thấy mình).
Trong Thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về chàng Narcisse soi bóng và yêu bóng mình dưới nước được Freud xem là biểu tượng cho tính ái kỉ, chỉ yêu bản thân và cái bóng của mình. Nhưng bóng là ảo ảnh, nên mỗi lần Narcisse chạm vào nước là cái bóng lại tan biến. Trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng có trạng thái soi bóng như thế, nhưng “soi bóng” là để thức nhận cái vô thường của bản ngã. “Hôm kia soi bóng/ thấy mình rỗng không”. Trạng thái “thấy mình rỗng không” là đạt tới thể không tịch – vấn đề chủ yếu của tư tưởng Phật giáo. Bóng rỗng, thân rỗng, tâm rỗng là đạt đến cảnh giới vô ngôn. Trong mạch cảm xúc thiền, trạng thái “rỗng không” là ẩn dụ của sự giải thoát mọi vướng chấp, biểu hiện sự tự do tuyệt đối. Không còn bóng, không còn thân, thi nhân đạt đến cõi phiêu bồng, “Thân ta sương khói phiêu bồng cõi/ Biết dính vào đâu giữa chốn này”; “Thương hoa/ thương kiếp vô thường/ Thương ta thân thế/ khói sương mơ màng” (Tri kỉ).
Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh có sự quyện hoà giữa thiền vị và thi vị. Thân và bóng được cảm nhận từ nhãn quan của một thiền sư nhìn cõi thế bằng tâm không và được biểu hiện qua ngòi bút trữ tình của một thi nhân. Chất triết lí hài hoà với chất trữ tình làm nên vẻ đẹp của những câu thơ lục bát có lối ngắt dòng đặc biệt với những khoảng chân không. Hệ thống biểu tượng – “hạt nhân di truyền văn hóa nhân loại” – làm nên một thế giới thơ giàu tính thẩm mĩ và tính nhân văn. Góp nhặt từ “đá, rác và cỏ thơm”, thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh là những “giọt tâm” lan toả “giữa cõi mộng trường”: “Câu thơ/ từ cõi non ngàn/ Vượt bao sông suối/ lang thang phố đời/ Dẫu cho/ bụi lấm đất trời/ Giọt tâm/ trong vắt/ tặng người tri âm” (Giọt tâm).
Chú thích:
[1]. “Nhạn bay trên không, Bóng chìm đáy nước, Nhạn không có ý để dấu, Nước không có tâm lưu bóng”. Nhiều tài liệu cho đây là bài kệ của Hương Hải thiền sư [Hương Hải Thiền Sư – Thiền Tổ Sư – Thư viện Hoa Sen (thuvienhoasen.org). Cũng có tư liệu cho đây là bài kệ của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài, một thiền sư đời Tống bên Trung Hoa [http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensutrunghoa/2210-thiensunghiahoaithieny]; ngài Thiền Sư Hương Hải (1628 – 1715) đọc lại bài thơ kệ này khi trả lời câu hỏi của Vua Lê Dụ Tông về ý Phật [http://www.thuongchieu.net/index.php/phaplu/4232-thiensuhuonghai].
[2]. Alain Gheerbrant, Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Lưu Huy Khánh, Nguyễn Xuân Giao, Phạm Vinh Cư dịch, Nxb Đà Nẵng, tr 96.
9/12/2023
Lê Thúy Hường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...