Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ: Lớp học văn của Mario Vargas Llosa

Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ: Lớp học
văn của Mario Vargas Llosa

Hãy tưởng tượng bạn được ngồi trong một buổi Masterclass về sáng tác của một tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel, nghe ông giảng giải về những bí ẩn đằng sau công việc mà chúng ta vẫn thường quy về những phút hiển lộ linh thánh, những nụ hôn ngẫu hứng từ các nàng thơ hay ân huệ tối cao từ các vị thần.
Bạn được nghển cổ xem ông vén màn đằng sau căn bếp nơi các nhà văn xử lý những nguyên liệu trong chiếc tủ lạnh ký ức của họ, được xem họ cắt gọt, nêm nếm, chọn nấu nhừ hay ăn sống những nguyên liệu ấy. Đó chính là cảm giác khi bạn đọc Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ (theo bản dịch của nhà phê bình, dịch giả kỳ cựu Phạm Xuân Nguyên dưới bút danh Ngân Xuyên) – một tập hợp những lá thư mà tiểu thuyết gia người Peru từng đoạt giải Nobel năm 2010, Mario Vargas Llosa gửi đến cho những người mới chập chững vào nghề.
Cuốn “Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ” (Mario Vargas Llosa). Dịch giả Ngân Xuyên. Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn hợp tác ấn hành.
Ai sẽ thích cuốn sách này? i) những cây bút trẻ tuổi đang hăm hở ấp ủ một tiểu thuyết ra trò. ii) những người đang băn khoăn tự hỏi rằng mình có thiên khiếu hay không có thiên khiếu, và nếu thiên khiếu vừa vừa thôi thì mình có nên đâm đầu vào cái công việc gian khó như sáng tác hay chăng. iii) những độc giả muốn nghía qua cái cơ chế ảo thuật, cái chìa khóa giấu kín trong bể nước nơi có cuộc trình diễn ngôn từ ngoạn mục của Victor Hugo, Gustave Flaubert, William Faulkner, Julio Cortázar, Henry James, Jorges Luis Borges, Céline, Franz Kafka, Marcel Proust cùng vô số những văn nhân kiệt xuất khác. iv) những ai đã từng yêu thích những cuốn sách về nghề như Thư gửi một thi sĩ trẻ của Rainer Maria Rilke hay Novelist as a Vocation (Tiểu thuyết gia như một nghề nghiệp) của Haruki Murakami.
“Không có những thần đồng viết tiểu thuyết. Tất cả những nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất, đáng kính trọng nhất, ban đầu đều là những nhà văn học việc mà tài năng chớm nở của họ đòi hỏi phải được thể hiện và công nhận”, Mario Vargas Llosa viết ngay ở lá thư mở đầu. Ông so sánh văn chương, nhất là tiểu thuyết, với thi ca – thứ nghệ thuật mà ta có thể mong chờ các kiệt tác của một thiếu niên mười mấy tuổi – nhưng tiểu thuyết, tiểu thuyết là một quá trình phải học, và may thay, ít nhiều có thể học.
Đó không phải một khẳng định gì đó mới, bất cứ nhà tiểu thuyết gia nào cũng sẽ mô tả ngày làm việc của họ chẳng khác chi một viên chức nhà nước hay một nhân viên văn phòng, mỗi ngày đều phải ngồi vào bàn, đều đặn viết, hết giờ thì đứng lên, ngày mai lại tiếp tục viết. Đó không phải là một công việc lãng mạn như người ta vẫn tưởng. Llosa thậm chí còn mô tả người lựa chọn viết tiểu thuyết như một bệnh nhân mắc bệnh… sán dây – con sán văn chương ấy tiêu hủy chúng ta từ bên trong và rốt cục mọi thứ ta nạp vào cơ thể mình đều là để nuôi cho loài ký sinh trùng ấy béo mầm.
Văn chương, nhất là tiểu thuyết, với thi ca – thứ nghệ thuật mà ta có thể mong chờ các kiệt tác của một thiếu niên mười mấy tuổi – nhưng tiểu thuyết, tiểu thuyết là một quá trình phải học, và may thay, ít nhiều có thể học.
Thật dí dỏm! Thật chân thành! Trong khi ngày nay có biết bao những giả-nhà văn thích tự đeo huy chương cho mình bằng cách ngợi ca việc họ hiến mình cho văn chương là một sự hy sinh cao cả với nghệ thuật đích thực, thì Mario Vargas Llosa chỉ coi mình như một người mắc bệnh, còn văn chương giống một món nợ hơn là một phước báu. Thế rồi, một đoạn khác, ông lại so viết tiểu thuyết với… thoát y ngược – một sự che đậy, mặc thêm quần áo cho sự thật ở truồng. Ở khía cạnh khiêm hạ này, đâu đó Llosa cũng giống Murakami. Nhà văn Nhật Bản cho rằng chỉ những người không quá sáng trí mới gắn bó cuộc đời mình cùng tiểu thuyết. Trong Novelist as a Vocation, Murakami liên tưởng một tiểu thuyết gia giống như một kẻ leo núi Phú Sĩ, nếu như những người thông minh chỉ cần leo tới đài quan sát và nhìn từ xa là đã gật gù đã hiểu được đỉnh núi kia, thì tiểu thuyết gia sẽ cố gắng lết lên tới đỉnh và rồi vẫn chẳng hiểu quái gì về nơi ấy cả. Thế là họ lại leo lại từ đầu.
Coi tiểu thuyết là thứ có thể rèn giũa được, Llosa trả lời tất tật những câu hỏi quen thuộc về thể loại này trên khía cạnh kỹ thuật: nhà tiểu thuyết lấy cảm hứng từ đâu?; làm thế nào để viết ra một tiểu thuyết có sức thuyết phục?; phong cách của tiểu thuyết có quan trọng?; nên chọn ngôi kể nào?; quy tắc thời gian trong tiểu thuyết?; thực tại của tiểu thuyết là gì?; có những thủ thuật nào để kể chuyện?
So sánh vui thì tiểu thuyết gia trẻ tuổi nào từng đọc Nghệ thuật tiểu thuyết về lịch sử tiểu thuyết châu Âu của Milan Kundera hẳn sẽ thấy mình rơi vào một mê cung và (có khi) từ bỏ ước mơ viết sách. Vì ai mà áp dụng nổi từ điển 63 từ yêu thích của Kundera vào tác phẩm của mình (những từ như graphomania – chứng cuồng viết, ghét nghệ thuật – misomuse, kitsch,… – ta biết nhét vào đâu trong bản thảo đây?). Tất nhiên, một cây viết bình thường cũng khó có thể bắt chước những đối âm tiểu thuyết hay nhịp điệu âm nhạc trong mỗi chương theo kiểu Kundera.
Nhưng cuốn sách của Llosa thì khác, bạn có thể ngay lập tức ứng dụng các “bài tập” văn chương mà Llosa đề cập, như cách đọc to bản thảo của mình lên để tìm ra từ ngữ chính xác phải dùng – một phương pháp của Flaubert, hay giấu kín đi một sự kiện và chỉ ám chỉ nó bằng cách giữ im lặng – một phương pháp của Hemingway. Llosa không hề xoa đầu chúng ta và vỗ về bằng vài câu khuyến khích vô nghĩa kiểu “tôi làm được, bạn cũng thế”, nhưng mặt khác ông cũng không hề tỏ ra xa cách, khinh khỉnh, giấu nghề.
Những cuốn tiểu thuyết vĩ đại là những cuốn sách không hoàn hảo một cách hoàn hảo. Đấy là điều mà ta sẽ học được qua những lá thư của Llosa. Llosa chỉ ra người kể chuyện trong Những người khốn khổ là một kẻ phô trương hống hách và rất thích nhảy bổ vào câu chuyện để giảng đạo cho độc giả. Alejo Carpentier (một tiểu thuyết gia Cuba đầy sức ảnh hưởng trong nền văn học Mỹ Latin) luôn dùng giọng văn quá uyên bác hàn lâm. Julio Cortázar (người khổng lồ khác của lục địa Mỹ Latin) tự nhận rằng mình viết văn ngày càng dở khi lối viết của ông dần trôi dạt khỏi cú pháp cổ điển mà nhập vào lời ăn tiếng nói hằng ngày. Còn Céline thì ứ ngập những từ chửi rủa. Không phải sự hoàn hảo, mà là sự khả tín mới quan trọng trong văn chương. Và để khả tín, thì phải chân thật.
Cái chân thật của tiểu thuyết rõ ràng không giống với cái chân thật của đời sống. Hiển nhiên câu chuyện về một người phụ nữ bay lên của Gabriel García Márquez không có thật, nhưng vì sao ta thấy chúng thật và sống động đến vậy, còn những kẻ hậu bối bắt chước cách hành văn của ông thì rặt giả bộ? Bởi vì hình thức giống như bộ đồ được cắt may riêng cho nội dung, đem cùng bộ đồ ấy mặc vào một nội dung khác thì kiểu gì cũng chật chỗ này và lùng nhùng chỗ kia. Hay như Llosa kết luận: “Vấn đề thành thật hay không thành thật trong văn chương không là vấn đề đạo đức, mà là vấn đề thẩm mỹ”.
“Vấn đề thành thật hay không thành thật trong văn chương không là vấn đề đạo đức, mà là vấn đề thẩm mỹ”. (Mario Vargas Llosa)
Cố nhiên, ngay cả khi đã đọc xong cuốn sách này thì điều đó cũng không trao cho bạn một tấm thẻ hành nghề chứng thực rằng bạn sắp trở thành một nhà tiểu thuyết gia. Điều đáng buồn của công việc này là không có đường tắt nào cả, bạn buộc phải ngồi vào bàn và viết từng chương, từng câu, từng chữ, không thể lười biếng bỏ cách bất cứ chỗ nào. Nhưng điều đáng mừng của công việc ấy cũng là như thế, là không có con đường tắt nào cả – nghĩa là có những con đường khác, dài, ngoằn ngoèo, đầy ổ trâu ổ gà, nhưng vẫn là con đường, và vẫn có thể đi.
7/12/2023
Hiền Trang
Nguồn: Tạp chí Tia sáng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...