Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Tấm ảnh - Truyện ngắn của Lê Đăng Kháng

Tấm ảnh - Truyện ngắn
của Lê Đăng Kháng

Gần chín giờ đêm, Tiến mới về đến đầu ấp. Từ quốc lộ 20 vào đây người thường phải đi ngót 2 tiếng đồng hồ. Nhưng với Tiến một người vừa được tha tù, anh chỉ đi chưa đầy một tiếng. Đường rừng về đêm vắng hun hút. Thỉnh thoảng, Tiến gặp một người phóng xe máy từ trong rẫy ra, họ đi về các ấp. Những lúc như thế ánh đèn xe lóe lên như một tia hy vọng, rồi mất hút. Màn đêm đặc quánh như bưng lấy con mắt. Có mùi lửa đâu đây. Mùi lửa từ một vài căn chòi trông rẫy. Người ta đang luộc khoai lang. Mùi khoai chín không thể nhầm lẫn, thơm ghê.
Không biết hôm nay Hồng, vợ Tiến có linh cảm anh được tha tù không? Lẽ ra Tiến được về nhà gặp vợ con, gặp mẹ từ ba ngày trước rồi. Đoạn đường từ trại về nhà chỉ mất hơn bốn giờ xe. Nhưng Tiến phải trả một giá quá đắt, mất ba ngày. May mà số phận chưa quay lưng hoàn toàn với Tiến. Anh đã trốn thoát được nơi nguy hiểm ấy mà về. Tiến đang như một cánh chim tự do của núi rừng. Do lầm lỗi phải vào tù, giống như con chim bị sa lưới. Lưới pháp luật như trong trại bọn nó vẫn nói, lưới trời lồng lộng. Vậy mà chỉ trong gang tấc, Tiến suýt bị mất tự do lần nữa.
Căn nhà lợp phybro xi măng hiện ra màu xám nhờ nhờ và im lìm như tranh vẽ, khi Tiến bước vào mảnh sân chỉ bằng độ hai manh chiếu. Con vàng từ trong bếp vọt ra, nó nhảy cẫng rồi rên lên ư ử, mừng rỡ vì gặp được chủ. Bà Mạy, mẹ của Tiến liền cất tiếng tỉnh táo như người không hề ngái ngủ:
– Tiến về à. Có phải Tiến không? Dường như bà Mạy chỉ chờ có thế. Người mẹ chỉ nghe nhịp bước chân đã nhận ra đứa con máu mủ. Nó trở về từ nơi tù tội bấy nay.
– Mẹ à. Con là Tiến mà. Con đã về đây. Hồng đâu mẹ? Hai bé Hiền, Thắng đi đâu – Những câu sau Tiến hỏi dồn dập.
Bà Mạy chưa biết nói thế nào. Dù mắt bị mù lòa hoàn toàn, bà vẫn lần đến bàn thờ ông địa tìm hộp diêm. Nhưng Tiến nhanh hơn, anh chạy đến đỡ mẹ về tấm sạp bằng tre, miệng không ngớt hỏỉ:
– Vợ con đâu. Hai bé đâu?
Bé Hiền sau vài giây ngơ ngác, chạy đến ôm chầm lấy Tiến:
– A! Ba Tiến. Ba Tiến của con về rồi. Sướng quá bà nội ơi. Ba đi tù có khổ không ba?
– Khổ. Khổ nhiều con ạ – Tiến xoa đầu con.
Con bé cứ níu chặt lấy Tiến như sợ rằng ba của nó lại đột nhiên đi mất như hai năm qua để bà cháu nó phải sống hắt hiu, côi cút.
– Hayza. Không biết nói thế nào được ố.- Bà vẫn dùng ngữ điệu và những chữ đệm cuối câu của dân tộc bà từ Lạng Sơn vào đây – chuyện dài lắm.
– Vợ con đi đâu. Nó bế cu Thắng đi đâu rồi mẹ – lòng Tiến như lửa đốt, anh hỏi mẹ dồn dập.
– Nó đi rồi – bà Mạy thốt ra như vừa trút đi một cục đá đè lên ngực bà.
Bà Mạy mừng hết sức vì con trai ra tù về đột ngột trong đêm. Nhưng từ nãy đến giờ bà cứ ấp úng dù bà biết thế nào cũng phải nói cho con trai biết sự thật này.
Tiến như người mất hồn. Đầu óc anh quay cuồng bấn loạn. Hôm bị bắt trong rừng cấm cùng hai con voọc đã nướng khô, Tiến không hoang mang thế này.
Đến đây thì Tiến lờ mờ linh cảm, Hồng đã bế con bỏ nhà ra đi sau khi anh vào tù. Cổ họng khô đắng và cơn khát dày vò, Tiến sực nhớ từ lúc lên xe sau khi cắt rừng chốn khỏi bãi vàng, anh đã được một người dân giúp đỡ, lên một xe   chiếc xe khách chạy hướng Dầu Giây- Tân Phú. Thấy điệu bộ khác thường của Tiến, người lơ xe nghi ngờ hỏi:
– Ở trại…trốn trại sao hả? –  Vì ở đây vẫn xảy ra tù trốn trại.
Tiến nói thật:
– Ở trại… được ân xá về. Không phải trốn đâu. Bị ông kia dụ vào bãi vàng để làm cho ông ấy. Nó móc hết tiền để giữ mình lại. Mình không ưng, rồi trốn đi. May có người tốt dẫn lối ra đường.
– Đưa tiền xe. Xuống đâu?
– Xuống cây số 125 – Tiến đưa ra tờ 500.
Người lơ xe ngạc nhiên:
– Sao vừa nói bị trấn hết tiền?
– Một người chủ rẫy cho, còn chở ra đường đấy, không phải á?
– Thôi được rồi? – anh lơ xe nhìn Tiến một lát, chừng như bớt nghi ngờ rồi đưa lại cho Tiến tờ 500, nói – cho đi quá giang, không lấy tiền.
– Cám ơn anh nhiều.
Người lơ xe gật đầu. Người tốt còn nhiều. Tiến thở phào. Mình sống rồi.Từ giờ đến tối phải về đến nhà. Hai tiếng về nhà làm Tiến phấn chấn, vui bụng quá quên cả đói khát.
Tiến dợm đứng lên lại khạp gạo lấy lon gạo nấu cháo. Người Tày quê anh ưa ăn cháo, nhất là cháo bẹ xay nhỏ. Nhưng từ khi di dân vào Miền Đông, Tân Phú này không còn ăn cháo nhiều nữa. Gạo ở Miền Đông thiếu gì. Chỉ có điều Tiến chưa làm ra nhiều tiền để nuôi mẹ, nuôi con thôi. Tiến mở nắp khạp. Khạp gạo trống không, chỉ còn cái lon sữa lăn qua lăn lại, phát ra tiếng kêu lanh canh khô và lạnh. Tiến khựng người, đoạn quay lại hỏi bà Mạy:
– Hồng nó bế cu Thắng đi, có nói gì với mẹ chứ?
Bà Mạy gần như reo lên:
– Hayza. Nãy giờ còn nói chưa hết. Nếu nó bế theo cu Thắng thì còn không nỡ trách.
Tiến cướp lời bà Mạy:
– Thế ra… cu Thắng đi đâu rồi?
– Mưng đi tù – bà Mạy lại dùng từ mưng (mày- tiếng Tày) khoảng nửa tháng thế này, nó bỏ đi. Để lại hai đứa cháu cho bà nội, tội quá đi. Phạ ơi (trời ơi). – bà đưa tay bưng lấy mặt. – còn may, cu Thắng nhà trẻ Huyện Tân Phú về bế đi nuôi trong trại trẻ mồ côi rồi. Nó được uống sữa. Chắc lớn nhiều rồi.
– Em Thắng ngoan lắm ba à. Mập nữa – bé Hiền hớn hở khoe với ba – con được đi thăm em rồi. Sáng mai ba con mình đi thăm em, nhé ba?
– Ừ. Mai sáng ba đi đón em về.
Một lần nữa, Tiến quên đói, trong bụng anh vui rạo rực. Thế là còn hy vọng gặp con trai. Tiến sẽ đón con về, làm lại cuộc đời. Cán bộ quản giáo khi đọc lệnh ân xá của Chủ tịch nước cho Tiến cùng các tù nhân xong, còn căn dặn: “các anh về phải hòa nhập cùng bà con ở địa phương. Ai có ruộng rẫy thì chăm lo sản xuất. Ai có điều kiện thì lập trang trại chăn nuôi, mở ngành nghề v.v…Nhưng phải đúng pháp luật Nhà nước. Đừng để phải vào trại một lần nữa. Chúc anh em mạnh khỏe và tiến bộ”.
Tiến bỏ nắm lá thành ngạnh, một loại chè rừng vào ấm nhóm lửa đun để uống. Ngọn lửa bùng lên. Những thân cây đậu nành khô nổ tí tách. Mùi lửa khói từ thân cây đậu có mùi thơm rất dễ chịu. Ngọn lửa bập bùng soi lên mặt Tiến những mảng tối, sáng. Khuôn mặt anh lúc này giống như bức tranh mà tạo hóa rất sành bố cục những mảng tối, làm nổi bật lên gương mặt cả tin nhưng đôn hậu bởi những mảng sáng lấn át. Khuôn mặt một thanh niên người Tày mới thoạt nhìn, không ai tin rằng anh ta mới ra tù. Tiến nói với bà Mạy:
– Mẹ à. Mẹ đi ngủ đi. Đêm còn dài mà.
– Ngủ gì nữa. Đêm nay thức luôn thôi. Vui lắm rồi. Sáng mai đi đón nó về.- Bà muốn nói đến cu Thắng.
Tiến cũng không nghĩ đến chuyện đi ngủ. Đêm nay anh đang ngồi bên bếp lửa, tận hưởng mùi khói bếp gia đình quen thuộc. Bé Hiền đang lụi cụi nướng khoai. Mùi khoai chín. Lại mùi khoai chín mà Tiến đã nghe ngoài đầu ấp hồi đêm. Nhưng giờ là khoai chín do đứa con gái anh nướng. Hạnh phúc cho Tiến biết bao nếu đêm nay còn đủ mặt vợ, chồng con cái. Hồng đã ra đi. Cưới nhau được hai năm thì dắt nhau từ Lạng Sơn di dân vào Đồng Nai. Có với nhau ba mặt con. Con sống, con chết có cả, còn nỡ bỏ nhau à? Ôi! Cánh chim đã bay khỏi núi rừng làm sao mà tìm chứ? Hồng cùng người Tày với Tiến. Cứ tưởng cảnh khổ thì thương nhau. Ai ngờ… Tiến buột miệng thở dài rồi kịp nín. Ai ngờ gặp lúc khó lại thay lòng đổi dạ?
Bé Hiền nhẹ nhàng dúi củ khoai nướng vào tay ba nó:
– Ba ơi. Khoai chín rồi, ăn đi ba. Con biết ba đói nhiều mà.
– Con gái ngoan quá.- Tiến bẻ củ khoai vừa thổi phù phù, vừa ăn ngon lành.
Bé Hiền mang khoai mời bà nội. Bà xoa đầu nó:
– Ngủ đi, mai còn đi đón em Thắng.
– Ứ. Cháu không muốn ngủ. Thức với ba đến sáng cơ, bà nội à.
Còn Tiến, anh bồi hồi nghĩ lại một đoạn đời tù tội. Giờ về nhà thì như một cơn mơ. Một ngày trong tù dài lắm, không biết bao giờ được ra tù mà về. Ngày ngày vác cuốc ra rẫy của trại trồng sắn. Được vài tháng thì quản giáo điều sang tổ đan ghế nilon.
Gần hai năm ở trại Z3, Tiến lấy làm lạ không ai đi thăm nuôi mình nhỉ? Hồng đâu. Hay là không có tiền đi thăm nuôi? Hàng tháng, cán bộ cho mỗi người được gọi di động về nhà 3 phút. Tiến không biết gọi cho ai. Đến lượt anh, anh cho người khác gọi. Người ta có quà bánh, trái cây thăm nuôi, đều chia sẻ cho Tiến. Tiến ngại quá. Vì không có gì mời lại. Nhưng anh em bạn tù bảo, không sao đâu. Hoàn cảnh thế thì mọi người thông cảm cho Tiến.
Ngày còn ở trại tạm giam trong Huyện, Hồng bế thằng Thắng đến thăm Tiến một lần. Tấm ảnh bà Mạy chụp cùng hai đứa nhỏ là Hồng mang vào. Cán bộ không thu, chỉ thu những vật nhọn nguy hiểm. Bức ảnh như báu vật, như một sức mạnh tâm linh để Tiến nương tựa những ngày trong trại. Hai vợ chồng có ảnh cưới nhưng Hồng không đem vào. Hồng quên hay cố ý, bây giờ Tiến lờ mờ hiểu… Hồng có ý bỏ đi từ ngày ấy?
Ở trại tạm giam của Huyện, cán bộ điều tra hỏi:
– Anh học lớp mấy:
– Lớp ba -Tiến đáp.
– Anh có biết bắn con voọc là loại động vật quí hiếm ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới là vi phạm pháp luật không?
Tiến trả lời:
– Không biết. Bị bắt vào đây được cán bộ nói mới biết.
Cán bộ hỏi tiếp:
– Còn viết chữ được không?
– Bỏ lâu quên rồi.
Cán bộ điều tra đưa tờ giấy và bút:
– Viết tên anh ra đây.
Đánh vật với cây bút mất gần năm phút, Tiến vẫn không sao viết nổi ba từ Nông Văn Tiến. Cán bộ bèn nói:
– Anh có muốn xin giảm án tù không?
– Muốn lắm. Vì lỡ nghe người ta, mình phạm pháp. Nó bảo lấy mật con vượn ngâm rượu cho mẹ uống thì sáng mắt, nên mình lỡ tin theo nó…
– Giờ xét hoàn cảnh của anh, gia cảnh khó khăn. Mẹ bị mù lòa. Bản thân anh không được học hành, trình độ nhận thức thấp, bị lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ viết cho anh một cái đơn xin Tòa giảm án. Anh đọc lại, nếu ưng thì ký. Anh có muốn như vậy không? – Người cán bộ hỏi lại Tiến.
– Đồng ý mà. Được cán bộ giúp đỡ thì tôi cám ơn.
Tiến được nghe cán bộ đọc đơn xin giảm án và điểm chỉ vào.
Ngay sau đó, Tòa án Huyện đã tuyên phạt Tiến cùng đồng bọn những án tù khác nhau. Riêng Nông Văn Tiến, mức án thấp nhất, 24 tháng tù giam. Ngày lên xe về Z3 chỉ một bộ quần áo trên người. Tài sản của Tiến trong tù chỉ một bộ quần áo và tấm ảnh. Lúc này đây, ngồi tại căn nhà của anh, tài sản duy nhất trên người Tiến vẫn vậy.
Sáng hôm đó, cán bộ quản giáo gọi Tiến bảo, sáng nay không đi làm. Tiến được Chủ tịch nước ân xá. Được tha tù trước thời hạn nửa năm. Tiến được cấp cho tiền xe để về nhà. Trên xe, nhìn cảnh vật hai bên đường vun vút chạy ngược chiều. Đó là những dãy phố, cánh đồng trồng ngô, những cây bằng lăng hoa nở tím. Đặc biệt, những đứa trẻ đùa chơi trong các căn nhà làm Tiến như sống lại. Mình sắp được gặp bé Hiền, cu Thắng rồi. Hai đứa lớn nhiều chưa? Thế còn Hồng? Hơn một năm qua sao không đi thăm Tiến chứ? Anh vẫn mân mê, nhìn ngắm tấm ảnh của ba bà cháu.
Một người đàn ông độ ngoài 40 tuổi, to béo để tóc dài ngồi cạnh hỏi Tiến:
– Mới được tha tù hả? – sao ông ấy biết nhỉ. Mới nhìn mà biết sao.
Tiến đang phân vân tự hỏi thì người ấy giật tấm ảnh từ tay Tiến, nhìn ngắm:
– Bà già cùng hai cháu đây sao?
– Mẹ tôi, cùng hai con tôi.
Đến trạm nghỉ. Người đó kéo Tiến vào bàn, gọi cơm, gà quay và bia Sài Gòn. Vừa nhai đùi gà, ông ta vừa nói:
– Muốn có nhiều tiền đi làm với tôi. Trông nom công nhân hái điều, bóc điều. Ngày hai bữa cơm, lĩnh 500 ngàn. Làm lâu dài cũng được, không thì làm nửa tháng, một tháng. Vậy đi. Lát có xe của bãi… à nông trại đón.
Đã mệt lại uống vài ly bia, người Tiến lâng lâng. Anh nhìn người đàn ông trước mặt cứ như một con hổ, con gấu đang xé đùi gà.
Người này móc di động a lô vài câu. Một lát có chiếc xe Zep lùn lùi vào. Bữa cơm kết thúc. Tiến gần như bị buộc lên xe. Chiếc xe lao đi. Trên xe đã có bốn, năm người trông cảnh thì cũng sẽ đi “bóc hạt điều” như Tiến chăng? Hơn một giờ, xe quẹo vào một vùng đồi đào bới nham nhở. Thì ra là một bãi đào vàng. Những hầm vàng như những quái vật đang há hốc mồm nuốt chửng những ai lọt vào đây. Bây giờ đến lượt Tiến, vừa được tự do lại lọt vào một địa ngục trá hình này sao?
– Muốn có tiền thì hãy đào vàng cho ông chủ – ba, bốn gã đàn ông nom bậm trợn, quây Tiến lại. Một tên nói – có tiền đưa đây, tụi này giữ giùm – hắn thọc tay vào túi quần Tiến lôi ra gần ba trăm ngàn, đút vào túi hắn.
– Ơ. Không của tôi mà.
– Không ai lấy đâu. Bữa nào về, trả hết. Sẽ có nhiều tiền nếu đào được vàng.
– Trả tiền cho tôi. Tôi về nhà rồi ít bữa tôi đến làm. – Tiến định dùng kế hoãn binh.
Nhưng không. Ngay chiều hôm đó, Tiến phải ra đào trong hầm như bọn phu ở đây. Buổi tối, ăn cơm xong vì là phu mới Tiến phải đi rửa chén cùng một tên nữa. Tên này bắt nạt ma mới, hắn vào lán hút thuốc, uống trà. Thế này thì trời cho ta đôi cánh rồi. Tiến giả vờ rửa vài cái chén rồi lẻn nhanh ra đường mòn hồi chiều bị giải vào đây, anh băng ngang vài trăm mét rồi cứ thế ngắm hướng đường quốc lộ cắt ngược ra. Nhưng tính là vậy. Đêm trong rừng, Tiến không sao tìm được đường ra lộ. Anh lạc vào một vùng rẫy trồng bắp của người dân. Tiếng chó sủa ran lên. Một thanh niên trong nhà chạy ra, trên tay cầm một con dao. Con chó chạy theo. Người đó quát lên cùng ánh đèn pin loang loáng:
– Ai. Đi đâu giờ này vào đây?
– Tôi bị lạc rừng. Không phải người gian đâu. Chỉ giúp tôi ra đường xe, tôi cám ơn anh nhiều.
– Ở bãi vàng trốn đi hả?
– Bị họ dụ vào, móc lấy hết tiền. Tôi phải trốn thôi. Mình muốn về nhà. Nhà ở Đồng Nai. Mình… -Tiến muốn nói anh đang khó khăn… Anh thanh niên nhìn Tiến… Qua ánh đèn pin, anh ta dịu giọng.
– Đi đâu về mà ra nông nỗi này?
– Ở Z3 về. Được ân xá. Trên xe thấy tôi nhìn ảnh, ông ấy làm quen, rồi bảo đi vào trại bóc hột điều. Không nói đi đào vàng. Mình phải trốn.  Không làm việc phạm pháp nữa.
Người thanh niên ngần ngừ một vài giây rồi nói:
– Khuya rồi. Ra đường không chắc còn xe. Anh nghỉ lại đây. Mai, sớm tôi dẫn ra quốc lộ mà về.
Đêm đó, Tiến được anh chủ nhà cho nghỉ nhờ trên một tấm ghế gỗ. Bốn giờ sáng, anh ta chở Tiến trên xe máy ra đường xe, còn cho Tiến 500 ngàn lộ phí. Một chiếc xe Bình Thuận – Đồng Nai trờ tới. Anh ta vẫy xe, Tiến lên xe. Chiếc xe chạy được một quãng, Tiến ngoái nhìn lại thấy anh ấy còn đứng gác chân lên xe. Tiến đưa tay vẫy như một sự cảm ơn. Trên đời vẫn còn nhiều người tốt. Đối với Tiến, anh ấy như một vị thần. Tiến giở tấm ảnh ra…Mình sắp được gặp mẹ và các con rồi. Hồng đi đâu nhỉ. Lại Hồng… Xe vẫn bon bon về hướng Đồng Nai. Bọn bãi vàng dù ba đầu sáu tay, cũng đừng hòng đuổi kịp Tiến.
Gà trong ấp gáy rộ lên. Lũ gà rừng trên nương bắp gần đấy cũng đua nhau cất tiếng gáy te te. Hồi ở trong trại cũng nghe gà rừng gáy. Nhưng tiếng gà chỉ khiến Tiến nhớ nhà da diết, mòn mỏi. Hôm nay nghe tiếng gà sao rạo rực, ấm áp. Nếu có Hồng thì sáng nay hai vợ chồng sẽ đi sạc cỏ nương bắp không biết mệt. Bà Mạy trằn trọc trên sạp. Bà nói:
– Chuẩn bị đi là vừa. Sáng đến nơi rồi. Còn đi đón cu Thắng về.
– Có gì mà chuẩn bị. Con đi bây giờ mà – Tiến bế bé Hiền lên sạp cho ngủ với bà. Con bé ngủ gục ở bếp, tội nghiệp quá.
Màn sương mờ đục còn bao phủ xóm ấp, Tiến dợm đứng lên định bước ra sân. Nghĩ sao, anh tần ngần quay lại hỏi bà Mạy:
– Định gọi bé Hiền đi đón em nó. Mà nó còn ngủ say, con sợ nó mệt. Có gọi không mẹ?
– Gọi chứ. Cho nó đi gặp em, nó mừng lắm đấy – rồi bà gọi Hiền – Hiền. Con đi với bố thăm em kìa.
– Cho con đi đón em. Ba ơi. Ba đâu – Hiền vùng ngay dậy, tỉnh như sáo.
Tiến đỡ con dậy, dắt nó đi ra giếng nước rửa mặt.
Hai cha con ra đầu ấp gọi xe ôm, đi ra nhà trẻ mồ côi của Huyện.
Mặt trời lên khỏi dãy núi phía đông phố huyện thì cha con Tiến đến nhà trẻ. Từ ngoài cổng, đã nghe trong trại trẻ như ong vỡ tổ. Tiếng trẻ con khóc, có đứa thì hát bi bô. Bé Hiền sộc ngay vào lớp cu Thắng. Quên cả chào cô, nó chạy thẳng đến chỗ em nó. Thắng lớn mau ghê. Nó mặc áo hải quân, quần xanh. Hai chị em xoắn lấy nhau. Thắng luôn mồm:
– Chị Hai, chị Hai ơi – mẹ…mẹ – nó chỉ tay vào cô giáo có ý như cô là mẹ.
Khi Tiến đi tù, con trai được 6 tháng tuổi. Hồng cũng bỏ đi từ đấy. Thằng bé không hề biết bố nó là ai. Thậm chí mẹ Hồng nữa, nếu lúc này Hồng xuất hiện ở đây, Thắng cũng chỉ cảm nhận cô giáo là mẹ. Tiến đứng ngây ra vài phút, rồi anh chào cô giáo và cúi xuống định ôm con. Nhưng thằng bé lạ lẫm, nó thét lên:
– Ứ… mẹ…mẹ cơ – nó chạy về phía cô giáo, bám chặt như đeo lấy cô.
– Anh để từ từ cho nó quen. Kẻo nó sợ. Trẻ nhỏ phải có thời gian mới được.
Thời gian là bao nhiêu lâu? Chả lẽ ra tới đây lại không đón được con ư? Tiến khựng lại. Anh hoang mang. Bé Hiền ôm em vào lòng:
– Đi về với chị đi. Về còn đi đón mẹ nha.
Nhưng Thắng vẫn bám cô giáo, nó dửng dưng với Tiến và vẫn một mực:
– Mẹ…mẹ cơ.
Cô giáo phải nói:
– Anh với bé Hiền cứ ra thăm cháu vài bữa. Ở đây nó mến cô, mến lớp như nhà nó. Anh thấy đấy, nó chỉ biết cô giáo là mẹ hai năm nay rồi. Giờ ép đưa về nó khóc, ảnh hưởng tâm lý không tốt.
Thấy Tiến về không cùng bé Hiền, bà Mạy hỏi:
– Nó đâu. Thằng Thắng đâu, sao không nghe nó nói.
– Nó bám cô giáo như mẹ, không dời ra cơ. Cô nói từ từ vài bữa, con phải ra thăm nó cùng con Hiền cho quen dần. Bế ép về, nó khóc. Tội nghiệp.
– Vài bữa là bao giờ. Nhớ thằng bé lắm thôi.
– Ô. Thế nào cũng có cách được mà. Hai năm còn được. Vài ngày sao không được. Mừng là nó béo, khỏe. Tốt lắm. Bà nội yên tâm đi.
Bé Hiền nói với bà nội:
– Con còn hôn em Thắng. Nó cứ chị Hai…chị Hai. Vài bữa sẽ đón được em mà. Bà đừng lo.
Rồi bữa cơm trưa đầu tiên trong đời cũng qua đi. Có thể coi như thế. Từ hôm qua đến giờ, đây là bữa cơm gia đình đầu tiên. Bữa cơm đoàn tụ tuy chưa trọn vẹn. Sau khi uống một lúc hai bát nước chè ngạnh, anh nói với mẹ:
– Mai con đi Bình Dương tìm Hồng về cho hai đứa nhỏ – rồi anh xoa đầu con gái – ở nhà với bà. Trông bà cẩn thận. Mai bố đi tìm mẹ về cho. Chịu không?
– Cho con đi. Cho con đi theo ba.
– Xa lắm con. Ở nhà. Tối ba về thôi.
Định bụng đi Bình Dương một ngày để tìm tung tích Hồng dù được dù không cũng phải về cho mẹ yên tâm, cho con gái khỏi trông chờ. Đến nơi mới thấy vô vọng. Tiến chẳng khác nào một con nai lạc giữa rừng. Hàng trăm công ty, xí nghiệp. Khu công nghiệp Sóng Thần, hàng vạn công nhân. Những ai tên Hồng trong biển người vào ca này?
Nhưng sao cô Lan trong ấp với vài người nữa, nói gặp Hồng đi chợ Sóng Thần mua cá, mua rau. Nhưng Hồng ngó đi như không biết.
Tiến tìm đúng công ty Phượng Long. Một công ty chế biến gỗ xuất khẩu. Lúc đó đang trong giờ làm việc, người ta không cho vào. Ông bảo vệ mặc đồng phục nói:
– Đi đi. Ở công ty không có ai tên Hồng. Đi công ty khác xem có không – ông ta đóng cổng lại.
Tiến chưa nguôi hy vọng. Sáng mai ta sẽ đứng ở cổng công ty trước bảy giờ. Nếu có Hồng, làm sao mà không gặp? Suốt một đêm ngồi ở phố chợ, ngả lưng xuống vỉa hè nhà người ta, thao thức, đói bụng, khát. Lại cơn khát dày vò.
Tiền trong túi sắp cạn. Tiến thấy mình dại dột quá. Tìm người về, ai tìm được người cố tình ra đi. Một buổi sáng đứng ở cổng công ty Phượng Long để tìm trong tầm mắt, may ra…Nhưng tuyệt không thấy bóng Hồng nào dành cho anh. Hay… Hồng cố tình tránh mặt mình?
Đi Bình Dương về, Tiến xác định hãy đi làm thuê, làm mướn, rồi chăm sóc vài sào rẫy bắp, mía của nhà. Đón cu Thắng về, lo cho bé Hiền vào mẫu giáo. Hai vợ chồng lấy nhau từ Lạng Sơn. Nhưng đứa con đầu bỏ vợ chồng Tiến mà đi. Người ta bảo số mày phải nuôi con nuôi thì sẽ đẻ được. Hai vợ chồng đi Đăk Lăk xin con Hiền từ lúc còn đỏ hỏn về. Bây giờ hơn bốn tuổi rồi. Ngoan lắm. Tiến thương nó như cu Thắng. May mà có nó. Trời thương đấy chứ đâu. Không có bé Hiền thì bà Mạy biết ở với ai lúc Tiến ở tù? Phải đưa bé Hiền đi thăm em Thắng nữa. Chị em nó quấn quýt, sao mà nó không về nhà chứ. Cái thằng này ở trại mồ côi sướng quá, không chịu về đây mà? Tiến trách yêu con trong bụng.
Mùa mưa ở rừng đến sớm. Tiến đang ngồi chêm lại cán cuốc để sớm mai đi sạc cỏ bắp. À nữa, chiều qua ông Thuấn ban ấp đến thăm bảo, mày có muốn làm công nhân trồng rừng không? Xã mình trong vùng đệm khu sinh quyển Đồng Nai đang cần tuyển công nhân hợp đồng đấy. Đồng ý thì làm đơn đi. Hây za. Tốt quá đi. Đồng ý mà… Một cơn gió mạnh thổi rạp ruộng bắp trước nhà. Trời xám lại. Có tiếng sấm rền trên bầu trời. Gió ngớt, mưa lập tức ào xuống. Nhưng vẫn còn những ánh chớp xanh lẹt ngùng ngoằng trên nền trời đen kịt. Mưa rừng xối xả. Nước chảy tràn qua sân, qua vườn tưới mát ruộng bắp và cả đám rau tập tàng. Mưa gõ trên mái phybro lúc gần, lúc xa một giai điệu buồn vui khó tả. Đời Tiến phục hiện như cuốn phim quay chậm nhiều sự dữ và cũng còn nhiều may mắn. Mỗi lần hoạn nạn là mỗi lần được người giúp đỡ.
Nào. Ta phải đứng lên. Anh cời than trong nồi cơm ra để nướng khô cá tra. Canh thì đã có rổ rau tập tàng hái tại vườn nhà. Bữa cơm gia đình đơn giản song nhiều ấn tượng như một động lực để Tiến có lý do yêu cuộc sống tự do. Chỉ tiếc…anh lại nhớ đến Hồng. Mưa ngớt. Tiến đi dọn cơm. Con Hiền vẫn chưa thôi nhìn ngắm bức ảnh ba bà cháu. Giữa mâm gỗ tròn đã sứt mẻ vài chỗ ở vành mâm là một ngọn đèn dầu. Ngọn đèn lung linh như một ánh sáng làm tâm điểm. Bé Hiền vuốt đầu con vàng. Bà Mạy vẫn tự lần ra mâm cơm. Bà đi theo âm thanh quen thuộc của tiếng động trong gia đình.
Cả nhà chưa kịp cầm bát, đũa thì ngoài đầu ngõ nghe như có tiếng ai đang gọi một cách ngập ngừng:
– Hiền ơi… Thắng ơi – tiếng gọi bị nhòe đi trong mưa gió, nhưng âm hưởng rất quen thuộc.
Con vàng phóng ngay ra. Nó ứ lên mừng rỡ.
Tiến vội bước ra sân. Anh khựng người vài giây, không tin vào mắt mình. Hồng. Cô đeo chiếc ba lô trên lưng căng phồng, bên ngoài khoác tấm áo mưa mỏng gió bay lật phật. Hồng đưa tay vuốt nước mưa trên mặt. Chiếc túi từ tay Hồng rơi xuống. Cô vẫn nhìn Tiến. Tiến cúi xuống  nhặt chiếc túi lên. Mưa tạnh.
Vũng Tàu, 30/11/2019
Lê Đăng Kháng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...