Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Người gác chuông nhà thờ

Người gác chuông nhà thờ

Ba Tin lớn lên từ mảnh đất nơi này, từ khi ngôi giáo đường chỉ là nhà vách lá tạm bợ. Mãi sau này giáo dân người góp sức, người góp gạch để xây lên ngôi nhà thờ khang trang. Tuổi thơ của ba Tin gắn liền với ngôi nhà thờ này. Đó là mỗi sáng, khi ánh bình minh vừa ló dạng sau những hàng cau, bà nội đưa ba đến gửi cho sơ, rồi đi làm đồng, mãi chiều tối mới rước về.
1. Tiếng chuông giáo đường thánh thót ngân vang, mẹ sai Tin ra vườn hái trái ớt để lát ba ăn cơm cho ngon miệng. Tin đợi hết hồi chuông mới đi, mẹ nhìn Tin cười âu yếm. Mẹ biết Tin rất thích nghe tiếng chuông.
Từ khi Tin còn nhỏ xíu, mỗi khi tiếng chuông nhà thờ cất lên là cu cậu đang chơi đùa hay cả gắt ngủ cũng đều “đứng hình” lắng nghe. Hết hồi chuông, có khi cậu bé còn nhoẻn miệng cười, nước dãi chảy dài xuống cằm, xuống cổ.
Khi đã biết đi, Tin lon ton theo ba đến nhà thờ ngày mấy bận. Đó là vào những giờ chuông đổ ở nhà thờ, ba Tin là người kéo chuông. Lần đầu tiên nhìn ba kéo chuông, Tin thấy lạ lắm! Cậu bé chăm chú nhìn ba chậm rãi nắm sợi dây từ chân tháp chuông kéo mạnh. Mỗi hồi kéo, tiếng chuông lại ngân lên thánh thót như một bản nhạc thật hay. Tiếng chuông mang lại sự kỳ diệu với cậu bé tuổi lên ba.
Có khi, ba không cho Tin đi vì giữa trưa trời nắng. Từ nhà Tin đến nhà thờ chỉ cách một đoạn gần, nhưng bàn chân trẻ em ngắn ngủn của Tin đi thấy thật lâu mới đến. Ba Tin thì chống nạng, nhưng mà đi rất nhanh.
Một lần Tin nói với mẹ, Tin ước gì đi được thật nhanh như ba. Mẹ xoa đầu Tin, giọng dịu ngọt: “Tin lớn lên sẽ bước thật dài và đi thật nhanh như ba”.
2. Khi vừa sinh Tin ra, tai nạn đã cướp đi đôi chân của ba. Những ngày tháng tuyệt vọng, chạm vào bàn tay trẻ thơ của con, ba biết rằng mình phải đứng dậy. Ba từ bỏ công việc phải di chuyển như trước, chọn nghề tay trái trước kia của mình thành nghề chính: dạy học tại nhà. Học trò của ba là những đứa trẻ nghèo ham học trong xóm.
Ngoài giờ dạy học, ba thường xuyên ghé lại ngôi thánh đường gần nhà. Có khi để cầu nguyện, có khi chỉ mang ít thức ăn thừa cho bầy chim hay sà xuống sân giáo đường kiếm thức ăn. Một lần, vị cha xứ tiến lại gần chỗ ba đang cho chim ăn, người đề nghị ba Tin giúp giáo xứ gác chuông nhà thờ, ba nhận lời ngay.
Ba Tin lớn lên từ mảnh đất nơi này, từ khi ngôi giáo đường chỉ là nhà vách lá tạm bợ. Mãi sau này giáo dân người góp sức, người góp gạch để xây lên ngôi nhà thờ khang trang. Tuổi thơ của ba Tin gắn liền với ngôi nhà thờ này. Đó là mỗi sáng, khi ánh bình minh vừa ló dạng sau những hàng cau, bà nội đưa ba đến gửi cho sơ, rồi đi làm đồng, mãi chiều tối mới rước về.
Cũng ở nơi này, ba Tin được các sơ dạy đàn, dạy hát, cả dạy cắm hoa, viết chữ đẹp… Ba đã sống trọn tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng đầy ắp tình yêu thương ở nơi này. Lớn lên, có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa rời quê lên thành phố, ba Tin vẫn chọn ở lại.
Nhiều người nói xa nói gần, rồi nói thẳng đến tai ba, lên thành phố mà sống, để con cái sau này còn có tương lai xán lạn với người ta. Ở nơi đồng bưng này quanh năm chỉ có vậy, sao ngóc đầu lên nổi? Ba thì nghĩ, sẽ chẳng có bất cứ chọn lựa nào là tốt hơn, mà chỉ là sự phù hợp. Và ba kết hôn với người phụ nữ nơi miệt đồng mênh mông này, gắn chặt với dòng sông, con nước lớn nước ròng mỗi năm. Ba yêu nơi này.
Vì vậy mà được góp một phần công sức cho nhà thờ là ba Tin vui lắm, nhận lời ngay. Từ đó, ba Tin trở thành người gác chuông giáo đường.
Tin tự hào lắm. Ở lớp mẫu giáo của Tin cách nhà thờ một đoạn không quá xa, đủ để những hồi chuông ngân lên đến được với Tin và các bạn. Khi đó, Tin lại hồ hởi khoe: “Ba Tin kéo chuông đó, hay không?”. Nhưng chẳng có đứa trẻ nào đáp lại lời Tin.
3. Ở lớp mẫu giáo hôm nay, cô giáo hỏi từng bạn trong lớp xem ai có ước mơ không, và ước mơ điều gì. Đến lượt Tin, Tin dõng dạc thưa: “Con muốn trở thành người gác chuông giống ba con”. Những tiếng cười ồ rộ lên giòn tan không cần giấu giếm. Cả những ánh nhìn dè bỉu của những đứa trẻ chưa hiểu chuyện. Cô giáo hiền lành bảo: “Đó cũng là một ước mơ đẹp!”.
Rồi cô giáo hỏi bạn khác. Đến Hải – cậu bạn có chiếc ô tô rất xịn mà những bạn khác đều thèm thuồng có được, của bố bạn ấy mua cho. Hải dõng dạc: “Con muốn làm giám đốc giống ba con”. Không ngờ, kể từ đó về sau, cô giáo hỏi đến bạn nào, bạn đó đều nói đúng nội dung ấy: “Muốn làm giám đốc giống ba bạn Hải”. Tin thấy chơi vơi, khó hiểu. Làm giám đốc thì có gì hay? Tại sao không ai muốn làm người gác chuông như ba Tin?
Ý nghĩ ấy theo Tin về đến nhà. Thấy mặt cậu con trai tiu nghỉu, không líu lo như mọi lần. Mẹ gặng hỏi, một lúc sau Tin mới hỏi lại mẹ: “Sao ba không đi làm giám đốc như ba bạn Hải hả mẹ?”. Mẹ ngạc nhiên quá đỗi. Mẹ quay ra sau nhà xem ba có ở đó không và có nghe những gì Tin nói không. Nhưng may, ba đang ở tận ngoài vườn. Mẹ kéo Tin vào lòng, cố nghĩ xem nói sao cho Tin dễ hiểu nhất, thuyết phục nhất.
“Tin à, làm giám đốc cũng hay, nhưng đó là sở thích của mỗi người. Sau này lớn lên, Tin cũng có sở thích riêng, không ai giống ai cả”. “Nhưng các bạn nói làm giám đốc như ba bạn Hải mới thích, vì Hải được mua rất nhiều đồ chơi xịn, quần áo đẹp, đồ ăn ngon nữa. Con muốn ba cũng làm giám đốc cơ!”.
“Vậy Tin của mẹ còn thích nghe tiếng chuông nhà thờ nữa không?”. “Dạ thích!”. “Vậy nếu ba Tin đi làm giám đốc thì ai sẽ kéo chuông nhà thờ?”. Tin suy nghĩ một lát rồi gật đầu: “Ờ ha! Vậy thôi, Tin không muốn ba làm giám đốc nữa”. Mẹ xoa đầu Tin: “Mỗi người khi trưởng thành sẽ tham gia một công việc khác nhau. Miễn là việc đó chính đáng thì đều là việc nên làm, con ạ!”.
4. Ngày lễ Giáng sinh. Sân giáo đường rộn ràng đông vui. Trong ánh đèn màu nhấp nháy, có cậu thanh niên dáng người cao, khỏe mạnh, da trắng, tóc xoăn gợn nhẹ, cặp mắt kính trắng lấp lánh sải những bước chân thật dài vào sân giáo đường. Từ xa, người đàn bà tóc đã điểm bạc chạy lại phía chàng trai. Chàng trai ôm chầm lấy mẹ giữa sân giáo đường.
Nhiều cặp mắt đổ dồn về phía họ, mỉm cười như chia sẻ niềm vui. “Cu Tin của mẹ đã cao lớn thế này rồi sao?”. Chàng trai nới lỏng vòng tay, nhìn thật kỹ người mẹ mình trong ánh mắt yêu thương: “Con rất thích mẹ gọi con là cu Tin, như ngày nào”. Lúc này người mẹ mới chợt nhớ ra cậu con trai mình đã lớn: “Con đó, về mà không báo trước với mẹ luôn. Để mẹ còn chuẩn bị nấu những món con thích chứ!”. “Con có nói là lễ Giáng sinh con sẽ về với mẹ rồi mà! Năm nào chẳng vậy!”. Người mẹ bé bỏng trong vòng tay con trai, nước mắt hạnh phúc trào dâng.
Chàng trai nhìn đồng hồ trên tháp chuông. Chỉ ít phút nữa đến giờ chuông đổ báo hiệu thánh lễ Giáng sinh. Chàng trai sải những bước chân thanh thoát về phía tháp chuông. Đúng ở vị trí này, anh gặp lại bóng hình người cha đã qua đời của mình. Anh chạm vào dây chuông, thì thầm: “Hôm nay con thay ba làm công việc ý nghĩa này, ba nhé!”.
Từng hồi chuông vang lên thánh thót như lời nguyện cầu cho người người hạnh phúc, thế giới bình yên!.
9/12/2023
La Thị Ánh Hường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...