Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Con đường của Hạ

Con đường của Hạ

Nhà văn Phương Trà ở Phú Yên, Ủy viên Ban Biên tập Vanvn.vn – Hội Nhà văn Việt Nam, vừa đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn Cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn” 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động VN phối hợp với Hội Nhà văn VN và báo Lao Động tổ chức với tác phẩm “Con đường của Hạ”. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu truyện ngắn đặc sắc này tới bạn đọc.
Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng. Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.
Chị đưa mắt, ý hỏi em thấy sao. Hạ ngước nhìn mái tôn, nghĩ thấp vầy chắc nóng. Nhưng làm gì có chỗ nào rộng rãi mát mẻ mà giá chỉ một triệu đồng một tháng, lại gần thiệt gần con đường của Hạ như chỗ này?
“Dạ, được đó chị”.
Vậy là ngay trong buổi chiều cuồn cuộn gió, phòng trọ cuối cùng trong xóm Cây Xoài được lấp đầy bằng người đàn bà da ngăm, đôi mắt buồn buồn ngơ ngác và đứa nhỏ tóc cháy nắng khét lẹt. À, còn có cái ba lô tuột đường chỉ, đựng mấy bộ quần áo nhàu nhò, chai dầu gió đã lưng một nửa, kem bót đánh răng, con gấu bông hẩm xì và cái giỏ nhựa căng phình đựng bếp ga mini cùng xoong nồi chén đũa.
Trước khi rời đi, chị mở túi xách, lấy ra hai tờ năm trăm giúi vô tay: “Em mua cái quạt với miếng nệm mỏng mỏng để hai mẹ con nằm. Rồi từ từ thu xếp”. Hai tờ bạc ấm lên trong bàn tay chai ngắt bởi cán cuốc cán rựa. Hạ lí nhí cảm ơn.
Má gọi xuống bằng cái điện thoại cùi bắp, hỏi sao rồi sao rồi? Nghe nói mùng 6 tốt ngày đó con… Hạ cười hì hì: “Công ty kêu đi lúc nào thì mình đi lúc đó, làm sao mà coi ngày giờ cho được”. Má chắp lưỡi, nói ở thành phố thiệt khác với trên quê.
Khác nhiều chớ. Riêng con đường đã khác quắc.
Nó rộng thênh, láng o chớ không ốm yếu hụt hử như con đường trước nhà, càng không giống con đường trơn như đổ mỡ mà chồng Hạ đã đi qua.
Mưa xộc tới lúc xế chiều. Trời đang chan chát nắng bỗng nhiên cau có, gầm gừ. Mây kìn kìn kéo tới, nhào lộn trên đầu. Hạ lật đật lấy tấm bạt nhựa phủ lên mấy bao lúa dựng ngoài hàng ba.
Con Mía từ nhà ngoại chạy về, nói trên trời thấy sợ lắm má ơi. Hạ ngước lên, đột nhiên nghĩ đến những khuôn mặt méo mó trong cơn cuồng nộ. Hạ cũng thấy sợ. Rồi mưa ập xuống.
Xẩm tối, chồng gọi về, nói trong này mưa tối tăm mặt mũi. Nước lớn lắm. Mai đi tiếp. Mưa gào trên mái tôn nên nghe tiếng được tiếng mất. Hạ dặn treo cẩn thận chớ ướt bịch gạo với bịch cá khô. Chồng cười rổn rảng, nói người còn ướt, lo chi tới cá mắm.
Tiếng cười bị nhấn chìm trong mưa sầm sập sầm sập. Rồi ngôi nhà vỡ ra bỡi một nhát sấm đinh tai nhức óc.
Hạ giật mình bật dậy, trán rịn mồ hôi.
Lúc Hạ tới công ty, ông tổ trưởng – người cao lêu khêu như cây sào – vừa cười vừa nói: “Ai nhận việc cũng được phát xe, phát quần áo. Chỉ có nghề này mới xịn vậy”. Mấy người gần đó cười ồ. Dzẫy là xịn dữ chưa?
Xe được làm bằng thiếc, là cái thùng hai bên có gắn hai bánh xe to như cái nón, lại thêm bánh xe nhỏ ở phía sau, chỗ tay đẩy. Quần áo đồng phục màu xanh, trước ngực và sau lưng chạy qua một miếng dày màu lá chuối, sáng chói. Ông tổ trưởng nói đó là miếng phản quang, để cho xe cộ khỏi ủi vô mình.
Hạ làm từ xế chiều cho tới gần nửa đêm.
“Nói nè, kêu con nhỏ qua chơi với con tui cho có bạn”.
Người đàn bà trẻ, tròn tròn, da trắng bóc, ở phòng trọ sát bên cầm mấy trái xoài ưng ửng đặt vô tay Hạ, nói vậy. Hạ cười, cảm ơn. Cổ tiếp lời: “Bữa nào bà cũng về khuya lơ khuya lắc. Mà ở đâu tới đây?”.
Vậy là quen. Cổ tên Xuân, đang làm công nhân ở một công ty may mặc. Trước khi trở thành cư dân xóm Cây Xoài, Xuân bươn chải mưu sinh tít trong Sài Gòn. “Ở trỏng vợ chồng tui may đồ xuất khẩu”, Xuân kể. “Sao về đây?”, Hạ thắc mắc. Đôi mắt to của Xuân sập tối “COVID”.
Thốt nhiên Hạ đưa tay lên mũi, cảm giác nhói thốn lại cộm lên. Lạc Đạo bị phong tỏa mấy bận, dân trong xóm phải ngoáy mũi không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần nghe ông trưởng thôn bắc loa, nghiêm giọng “Đề nghị bà con…” là tim Hạ đập mạnh.
Chuyện đó nhằm nhò gì, Xuân nhếch cười, hình như vậy, nhưng đôi mắt thẫm tối. Trong đó, ai nấy ngồi nhà suốt bốn năm tháng. Có mấy đồng dành dụm được, bay sạch, phải mượn của người này người kia đắp đổi. Tới lúc chỉ còn biết trông chờ vô đồ cứu trợ, người ta cho gì ăn nấy. Xuân kể, giọng nhẹ hều, cứ như kể chuyện ai đó chớ không phải chuyện nhà mình.
Cũng định thồ hết lên xe, liều mạng về quê. Nhưng chiếc xe rệu rã, làm sao chở nổi hai vợ chồng với hai đứa con đi hơn năm trăm cây số? Đành ở lại, phập phồng, lay lắt, cho đến khi tỉnh có chương trình đưa người dân từ tâm dịch trở về quê hương. Trầy trật mấy bận, rồi cũng tới lượt. Ba mẹ con đi bộ tới Bến xe miền Đông, trong túi không có một đồng. Có chị nọ, nhìn bộ dạng mấy mẹ con, chắc cũng đoán được tình cảnh bèn chia cho hai đứa nhỏ lốc sữa. Rồi chị khều Xuân: “Em có cần gì không?”. Người xa lạ mà thiệt tốt! Xuân nói nhỏ, rất nhỏ: “Nếu có, chị cho em… cho em… vài miếng băng vệ sinh”. Nói xong Xuân cúi gằm mặt, mắt dán chặt vô những ngón chân khô héo của mình. Chị kia lục ba lô, lấy ra gói băng vệ sinh. Hai người đàn bà nhìn nhau, ứa nước mắt. Đó, ba mẹ con trở về trên chuyến xe đó.
“Vậy còn ba tụi nhỏ?”
“Ảnh cũng về, nhưng chỉ còn một nắm tro trong cái hũ sành”.
Đôi mắt Xuân, bây giờ là hai cái hố sâu hút. Hạ không hỏi gì thêm.
Từ xế chiều cho tới gần nửa đêm, Hạ chăm chút con đường. Cái chổi lúc đầu nhẹ tênh nhưng sau khi Hạ quét sạch lòng đường bên này qua mấy cái ngả ba, mấy cái ngả tư rồi quay trở lại với lòng đường phía bên kia thì cái chổi dần dần trĩu trên tay. Chắc tại mình chưa quen, Hạ nhủ. Vừa gom lá cây, khăn giấy, hộp sữa, que kem cùng đủ thứ mà người ta thảy xuống đường, Hạ nghĩ về đứa con gái nhỏ sắp vô lớp 1. Hạ nhớ ngôi nhà đã tàn tạ vì mưa nắng ở cuối Lạc Đạo, gần bìa rừng, nơi có một bà già đang thắc thỏm, và mỗi khi trở trời là chân tay đau nhức. Hạ nhớ cái bàn thờ, không biết có lạnh hay không…
Chốc chốc Hạ lại đụng một cái túi nilon đựng đủ thứ hầm bà lằng mà ai đó tiện tay quăng ra đường. Có lần, khi thấy một bì rác quăng cái vèo và rớt bịch xuống chân, Hạ lễ phép nói với người đàn bà mặc bộ đồ lụa màu trắng, cặp mắt bén như dao, đang phủi phủi tay đứng ngay cửa ngôi nhà sáng trưng: “Cô ơi, hôm nay không phải ngày đổ rác”. Bà đó nhìn Hạ từ đầu tới chân rồi quăng thêm một mớ rác, bằng lời: “Vậy chớ người ta trả lương cho mày làm chi?”.
Hạ chưng hửng, không hiểu tại sao người ta sống đủ đầy mà lòng lại chật chội và ngổn ngang bóng tối.
Nam cồ lui, chỉ còn những đợt gió mà ở quê người ta gọi là nam giã bãi. Gió đã yếu, đã thưa, như tiếc nuối những ngày tháng ào ạt tung hoành. Gió ngớt nhưng cái chảo lửa khổng lồ chụp xuống vạn vật, nhập nhòa, quay quắt. Con đường của Hạ hầm hập cho tới tận đêm.
Má gọi điện, hỏi công chuyện dưới đó sao rồi, bữa giờ có giọt mưa nào hông? Trên này vừa có một trận mưa cứu mía cứu bắp, nhưng mà chỗ bàn thờ bị dột, thiệt tội! Má đã treo tấm nhựa ở phía trên. Hạ nói má ráng đợi một thời gian nữa, con xin nghỉ một ngày, về trển đón cả nhà xuống đây. Bà già hỏi vậy hả vậy hả? Rồi nhà cửa bỏ cho ai? Thiệt tình! Có thằng ăn trộm nào cạy cục vô nhà chỉ để gỡ đem đi vài miếng tôn sét rẹt.
Những trận mưa thường ập về trong giấc mơ của Hạ. Không phải mưa cứu mía cứu bắp mà là những trận mưa cuồng nộ, y như lúc chồng từ núi Chúa gọi về nhà. Sau này nghĩ lại, lẽ ra Hạ hỏi anh ăn cơm chưa, có ướt, có lạnh không? Lẽ ra phải nói với ảnh một câu thiệt tình cảm, như hồi mới quen nhau…
Mùa màng xong xuôi, chồng theo bạn bè bươn vô rừng lượm chai. Đó là mủ cây chò, khô như đá, người ta dùng để hàn kín những chiếc sõng tre và thúng chai, không cho nước thấm vô bên trong. Một ký chai giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn ổ bánh mì, nếu chịu khó đi thì một chuyến cũng lượm được trên dưới chục ký. Muốn lượm chai phải băng rừng lội suối, bởi vậy mà người này rủ người kia đi cho có bạn. Nhóm của chồng có cả thảy năm người. Từ Lạc Đạo, họ theo con đường mòn luồn sâu vô rừng. Họ vượt qua những con dốc khấp khểnh lục cục đá núi, chỉ có dấu chân những người đi ăn trộm của rừng, rồi dừng lại tại núi Chúa. Họ tính đi nữa nhưng cơn mưa đã chận bước chân.
Mưa rùng rùng, hung hãn như một con thú bị xiềng xích lâu ngày. Nước suối trạo trực dâng lên trong chớp mắt. Nhóm lượm chai trú trong cái trại của một người bẫy thú rừng. Họ lấy cơm nắm chia nhau ăn rồi lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau, người bẫy thú tay xách nách mang gạo mắm, men theo những con dốc trơn trượt trở lại trại. Đập vô mắt anh ta là những cây cổ thụ to đến hai ba người ôm bị nhổ bật gốc, những tảng đá to như cái nhà bị hất tung. Một khu vực rộng lớn ngổn ngang đất đá và thân cây đổ. Đó là những gì còn lại sau trận lũ quét kinh hoàng lúc nửa đêm. Cái trại biến mất.
Tin dữ bay về Lạc Đạo. Cùng với lực lượng cứu hộ, đàn ông trai tráng trong làng tất tả băng rừng tới núi Chúa. Hạ bước thấp bước cao bươn theo, té nhủi té nhào trên những con dốc trơn như đổ mỡ. Đi mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Hạ chôn chân nhìn bãi đất đá đỏ bầm như máu. Hạ ngửa mặt nhìn trời. Trời xanh bằn bặt.
Cả trăm người xúm lại cưa cắt thân cây rồi xếp thành hàng dài, chuyền tay từng can nước suối tưới xuống đất đỏ. Đào bới. Đào bới. Đào bới. Họ nhặt từng người trong nhóm lượm chai. Sáu ngày sau, họ tìm thấy người cuối cùng, là chồng Hạ. Trong sáu ngày đó, coi như Hạ đi qua một kiếp người.
Chiều nọ, chị bước vô căn nhà lạnh lẽo của Hạ, đem theo tấm lòng của những người xa lạ. Cầm bàn tay khô quắt queo, chị nói ráng lên, ráng lên nghen. Hạ nhìn con Mía, khẽ gật đầu. Nước mắt khô hết rồi.
Lâu lâu chị gọi điện hỏi thăm. Mấy tháng trước, lúc Hạ đi cuốc cỏ cho người ta, về chưa kịp thay cái áo bết mồ hôi thì chị gọi, nói có công việc dưới thành phố. Cũng cực đó, nhưng được cái thu nhập ổn định, con bé học hành thuận tiện hơn. Mấy khi Hạ ra khỏi Lạc Đạo, hai tiếng thành phố nghe xa lắm. Nhưng nghĩ tới chuyện tháng nào cũng được nhận lương, không lo trời hạn, không lo sắn rớt giá, con Mía không phải leo dốc tới trường, Hạ thấy ấm trong lòng.
Đêm hôm đó, Hạ thắp hương rồi đứng thật lâu trước bàn thờ ba con Mía.
“Nè, biết chuyện gì chưa?”
Xuân ào vô lúc Hạ đang nấu cơm trưa, đem theo tin tức nhảy nhổm. Vợ Vui bỏ đi mất tiêu rồi!
Vợ chồng Vui có đứa con tầm bốn tuổi, tên Bơ, trọ trong căn phòng sát đường hẻm. Hồi trước Vui làm thợ hồ, giờ bán vé số, vợ chạy bàn ở một quán cà phê, trưa về chăm con. Thằng Bơ không như bạn bè cùng trang lứa. Nó đẹt lét, tay và môi tím rịm. Mỗi lần theo tụi nhỏ chơi đùa là nó hụt hơi. Nghe nói tim nó bị sao đó từ lúc mới sinh. Muốn chữa cho bình thường thì phải đưa vô Sài Gòn mổ. Vợ chồng Vui đã tính đưa con đi…
Giàn giáo ụp xuống trong lúc Vui và mấy người thợ khác đang xây một công trình. Không có thiệt hại về người – báo chí đưa tin vậy, như tiếng thở phào nhẹ nhõm. Vui bị chấn thương sọ não, phải mở nắp sọ. Bác sĩ cứu được tính mạng nhưng chẳng giữ được cái đầu như cũ cho Vui. Từ một người củ mỉ củ mì, Vui hay đổ quạu, lại thêm chứng sợ độ cao. Đành buông cái bay cái thước, cầm tập vé số đi rã chân cả ngày.
Ở đời có những chuyện tréo ngoe, tréo ngay từ cái tên. Như Vui. Tên vậy nhưng đời buồn thiu. Ông Mạnh, cha Vui, bị tai biến, nằm một chỗ đã mấy năm rồi; bà mẹ cũng đau bệnh liên miên. Hai sào ruộng cho người ta mướn, tới mùa nhận lúa, chưa đủ đắp đổi. Thuốc thang bệnh tật, đôi vợ chồng già chỉ còn biết ngó chừng thằng con duy nhứt.
Lành, vợ Vui, chắc cũng quá mệt mỏi sau những gánh gồng. Chiều hôm qua, bán xong xấp vé số, Vui về phòng trọ thì không thấy Lành đâu. Thằng Bơ ngồi thở dốc trên thềm lơ phơ mấy cái lá úa. Trên bàn, đè dưới mâm cơm đã nguội ngắt là tờ lịch xé ra, chỉ vỏn vẹn một dòng chữ của cái người vừa dứt áo ra đi, run rẩy để lại.
Nắng phai dần, rồi những cơn mưa bất chợt ghé đến. Má nói tao nhớ nhà quá bay. Con Mía nghe vậy liền chạy tới rủ rỉ: “Ngoại ơi, nhà mình giờ ở đây mà”. Bà già nhìn đứa cháu rồi đưa mắt ra ngoài đường hẻm, nói một câu đầy triết lý: “Ờ hén, ở đâu có con cháu thì đó là nhà”.
Con Mía vô lớp 1. Trường cũng gần, lại có má nên lòng Hạ nhẹ đi. Vui đem thằng Bơ qua nhờ má ngó chừng giùm. Chị tới thăm, cho nó sữa, quần áo. Chị kể, chị và nhóm bạn đang quyên góp để xây An Nhi viên – là cái nghĩa trang dành cho những hương linh mà hình hài chỉ mới như một cục máu thì đã bị mẹ cha dứt khoát cắt lìa.
Công việc cũng đã quen. Xế chiều đẩy xe đi, vừa quét vừa gom cho tới gần nửa đêm là xong. Con đường tinh tươm. Con đường của Hạ. Từng gốc xà cừ, bằng lăng, từng ngôi nhà cửa kính, cửa sắt trên con đường đó, Hạ cũng đã quen.
Con đường kể với Hạ nhiều chuyện, qua những thứ mà nó mang trên mình. Nè, đây là nhà cái bà có cặp mắt bén như dao, thường mặc bộ đồ lụa đứng chống nạnh sau khi ngẫu hứng thảy ra một bịch rác mà không cần biết hôm đó thứ mấy, cũng không thèm để mắt tới cái thùng bự chảng màu xanh, người ta đặt cách nhà bà chỉ mươi bước chân. Kia là nhà của một cô rất kỹ, luôn để riêng đồ nhựa chớ không quăng hết vô thùng rác. Cổ nói với Hạ “Cháu gom mỗi chỗ một chút, thành nhiều. Mấy thứ này bán nhôm nhựa được…”.
Chiều hôm qua, quét tới vỉa hè trước nhà bà Dao Bén, cây chổi đụng vô một cái bịch nilon, trong đó lổn ngổn nào hộp giấy, khăn giấy đã mốc, nào ly nhựa, chai nhựa… Hạ tháo cái bịch, lấy mấy chai nhựa, ly nhựa thảy vô cái bao treo phía sau xe. Lại thấy có cái hộp nhựa màu đen cỡ nắm tay, Hạ thảy tiếp vô bao gom phế liệu của mình. Tới tối, lúc nghỉ tay ngồi dựa lưng vô gốc xà cừ lấy cà mèn cơm ra ăn, Hạ nghĩ cái hộp nhỏ xíu mà sao nặng nặng. Ăn xong, Hạ xộc tay vô bao phế liệu, lục tìm cái hộp nhựa. Mở nắp ra, rồi tháo một lớp bì bóng, thêm một lớp giấy báo cũ, Hạ sững sờ. Sáu chiếc nhẫn vàng chói dưới ánh đèn đường, được xâu lại bằng một cây kim băng cỡ lớn. Sáu chiếc nhẫn lạnh ngắt trong tay Hạ.
Má hỏi đêm qua sao bay trăn qua trở lại miết? Hạ nói tự nhiên con khó ngủ quá chừng. Là nói vậy, chớ sao mà tự nhiên được. Hạ nằm đó, tâm trí đi về Lạc Đạo, về ngôi nhà tàn tạ, mái tôn mục, nước mưa nhiểu xuống tong tong. Phía sau nhà, trên gò cao ken dày cỏ tranh có hai cái mả, một cũ một cũng sắp cũ, không biết người ta có lùa bò băng qua làm cho chài đất hay không? Đã mấy lần Hạ tính kêu thợ hồ xây xi măng bao quanh hai cái mả rồi đặt hai tấm bia đá cho tử tế mà vẫn chưa làm được.
Rồi tâm trí Hạ trở lại phòng trọ. Bữa trước ông tổ trưởng tới thăm. Ổng nhìn quanh, kêu ráng dành dụm mua cái tủ lạnh đựng đồ ăn, với lại thay bếp ga mini đi. Ba cái đồ yêu này tốn ga dữ lắm, có khi nó phát nổ bất thình lình. Ông tổ trưởng nói gì, Hạ cũng dạ, trong bụng nghĩ: Tiền đâu ông?
Thì tiền đây chớ đâu! Sáu chiếc nhẫn chói rực, phía trong mỗi chiếc đều khắc số kèm dòng chữ nhỏ xíu. Tiền từ ngoài đường rớt vô túi, vậy mà thao thức hoài!
Khuya đó đi làm về, Hạ lại chập chờn. Nửa mơ nửa thức, Hạ nghe tiếng chim kêu. Con chim kêu y chang tiếng người “bắt cô trói cột”, “bắt cô trói cột”. Nó kêu từng chặp, dấm dẳng.
Chiều hôm sau, Hạ dừng xe gom rác trước nhà bà Dao Sắc, lần khần một lúc rồi đẩy cách cửa đang khép hờ hé ra vừa đủ một người bước vô. Đứng ngay khoảng trống đó, Hạ nghe giọng mình run run “Có ai ở nhà hông?”.
Chủ nhà hiện ra trong bộ đồ lụa xám. Quét ánh mắt sắc lẻm từ đầu tới chân rồi quét ngược lên, chủ nhà hất hàm: “Cô kiếm ai? Nhà này không cần người ở, cũng không có quần áo cũ”.
“Dạ… cháu…”
Không để Hạ nói hết câu, bà Dao Sắc quay mặt vô trong, cao giọng:
“Con Bé đâu? Cửa nẻo để tơ hơ. Mất đồ đạc, mày có đền được hông?”
Cô gái trẻ, chắc là người giúp việc, tất tả chạy lên, lau lau đôi tay vô cái tạp dề cũ.
Hạ có cảm giác máu đang dồn hết lên mặt mình. Tay bóp chặt cái hộp nhựa đựng sáu chiếc nhẫn cất trong túi quần, Hạ cười nhẹ, nói chậm rãi:
“Tôi đi lộn nhà. Xin lỗi bà”.
Sáng chủ nhật, Xuân qua chơi, nói chuyện trên trời dưới đất. Nó nói ước gì trúng một tờ vé số, tui về quê xây cái toa lét ngay trong buồng cho má tui. Bả già rồi, đêm hôm dò dẫm đi ra nhà vệ sinh cũ kỹ ở tuốt ngoài vườn, lo quá! “Có thường mua vé số hông?”. “Cũng có. Lâu lâu mua một tờ, không trúng con số nào”.
Xuân kể rằng bà chủ nhà trọ, cái miệng nói ngang vậy chớ tốt tính. Đận hai đứa nhỏ thi nhau đổ bệnh, Xuân ở nhà chăm con. Tháng đó nhận có mấy đồng lương. Bả cho nợ tiền trọ. Chồng bả cũng chết vì COVID, trong bệnh viện. Chết vậy tội lắm, xung quanh không có một người thân. Đành rằng lúc đó ổng đâu còn biết gì nữa, nhưng nghĩ coi, không có một bàn tay thân thuộc vuốt mắt. Chồng Xuân chết tại phòng trọ, trong đỉnh dịch ở Sài Gòn, ít ra cũng có vợ con bên cạnh. Người đàn ông của Xuân đã nắm chặt tay Xuân cho tới khi hơi thở lịm đi, tan đi trong không khí đặc quánh, tột cùng sợ hãi.
“Cuộc đời vô thường”, Xuân thở hắt ra.
Thốt nhiên trong đầu Hạ hiện lên hình ảnh thân cây đổ ngổn ngang, đá lớn đá nhỏ chen chúc trên bãi đất đỏ bầm như máu, trong tích tắc chôn vùi năm người đàn ông đi lượm mủ cây chò. Không biết chồng Hạ đã về trời xanh mây trắng hay vẫn còn lang thang trên núi Chúa?
Chiều hôm đó, trên đường đi làm, Hạ đem cái hộp nhựa đựng sáu chỉ vàng tới nhà bà Dao Sắc.
Hai cánh cửa khóa chặt.
Hôm sau, hôm sau và hôm sau nữa, cũng thấy cái ổ khóa to đùng.
Bữa đó cúp điện cả ngày, nóng thiếu điều chảy mỡ. Chiều, người ta xách ghế nhựa ra phía trước nhà ngồi hóng gió. Dưới gốc xà cừ gần nhà bà Dao Sắc có mấy người đàn bà đang tám chuyện.
Hạ dựng cây chổi vô xe rác, tới hỏi thăm.
“Bả bán nhà, vô Nam ở với con gái”, một bà mập mập đang phe phẩy cái quạt nhựa nói.
“Ủa, sao lại bán nhà?”, bà tóc bạc thắc mắc.
“Thằng con bả chơi banh bóng gì đó, đổ ra một đống nợ”.
“Trời, tội dữ. Con dại cái mang”, bà ốm ốm, nãy giờ chưa lên tiếng, chép miệng.
“Có vay có trả bà ơi”.
“Là sao?”
“Hồi trước, lâu rồi, bả với một bà nữa, nghe nói chơi thân, hùn hạp làm ăn. Tin tưởng nhau nên đâu có giấy tờ. Rồi bà kia không biết mắc chứng gì, đêm nằm ngủ rồi đi luôn. Chừng mấy đứa con bà kia không muốn hùn hạp nữa, tới lấy lại phần của mẹ tụi nó thì té ngửa. Hùn ba cây vàng nhưng bả nói có ba chỉ. Chết chưa!”.
“Có chuyện đó na? Sao bà biết?”
“Tui ở sát nhà bả từ nẳm tới giờ. Để kể nghe. Con bà kia tới làm um sùm, kêu phải trả đủ ba cây vàng. Bả ngồi trên tấm phản, thủng thẳng hỏi một câu: “Giấy tờ đâu?”. Nói câu đó là biết bả cầm đằng cán rồi. Giờ, ông trời ổng tính cả gốc lẫn lãi”.
Mấy người đàn bà say sưa bàn tán, không để ý con nhỏ quét rác đã khua chổi, đẩy xe đi một quãng xa.
Trời hầm hập hầm hập rồi nổi gió, hốt từng bụm lá quăng tóe xuống đường. Cả một đoạn vừa mới quét xong lại tràn lá. Và không biết từ đâu, bao nilon bay tứ tung. Chúng vờn quanh Hạ, trêu ngươi Hạ. Cái chổi nặng dần, nặng dần. Quá nửa đêm Hạ mới về tới nhà trọ, mệt đuối.
Trong giấc mơ, Hạ trở về Lạc Đạo, đi dưới cơn mưa ngào ngạt. Cỏ tranh quệt vô bắp chân, và dâng lên mũi cái mùi vô cùng thân thuộc.
Mưa ngớt. Trên bầu trời thăm thẳm, cầu vồng hiện ra. Những quầng sáng rực rỡ lớn dần. Hạ nhìn thấy ba. Sau rất nhiều năm, Hạ gặp lại ba. Ông đứng trên gò cao, bên cạnh là chồng Hạ. Hai người đàn ông, một già một trẻ nhìn Hạ, mỉm cười dịu dàng.
“Ba không cần nhà mới, con à”.
“Anh cũng không cần nhà mới”.
Hạ bật khóc, chạy về phía họ nhưng ngã dúi vô đám tranh. Từ đâu đó trên gò cao, con chim bắt cô trói cột cất tiếng kêu thảm thiết.
Sáng hôm sau thức dậy, Hạ đem sáu chỉ vàng tới tiệm, nhận về lưng lửng xấp tiền năm trăm mới cứng. Xấp tiền rạo rực trong tay.
Tiền được chia ra làm bốn, hai phần cho Vui, để đưa thằng Bơ vô Sài Gòn sửa chữa trái tim cho nó. “Nghe nói người ta mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo, mình chỉ tốn tiền xe cội, ăn uống. Mổ xong còn tiền thì mua cái xe đẩy bán trái cây”, Hạ nói.
Vui sửng sốt nhìn những tờ bạc năm trăm, môi run run. Chắc Vui muốn hỏi tiền ở đâu mà có. Thì kể ngay một câu chuyện tưởng tượng đã chuẩn bị sẵn, đại khái là tui lượm được cái điện thoại mới lắm, xịn lắm. Người ta tới chuộc rồi cho tiền. Vui tin.
Hai phần còn lại, dành cho Xuân và chị. Để Xuân xây cái toa lét ngay trong buồng cho bà mẹ già. Để chị góp vô An Nhi viên hoặc thấy ai cần thì mang tới cho họ, như chị đã mang tấm lòng những người xa lạ đến giữa lúc Hạ ngụp trong đau đớn, má thì chạy qua nhà hàng xóm mượn tiền mua nhang đèn… Với chị, Hạ kể thiệt.
Tôi theo chị tới xóm Cây Xoài vào một buổi sáng hiu hiu gió bấc. Kỳ thực người tôi muốn gặp là chị. Tôi hỏi chị cớ gì nghỉ hưu đã lâu mà cứ tất tả như bị trời hành, hết quyên góp cho nơi này lại đi xin tiền cho chỗ khác, mà chị có còn là chủ tịch Liên đoàn Lao động nữa đâu. Chị cười hiền khô, kể về những người đã gặp rồi rủ tôi tới xóm Cây Xoài.
Cái xóm nhỏ nép trong hẻm, coi bộ chẳng liên quan gì tới con đường tấp nập ngay trước mặt. Cây xoài vẫy vẫy lá khi gió bấc nhẹ nhàng lùa cái lạnh tới. Má Hạ xởi lởi mời khách vô chơi. Trong phòng thiệt ấm! Ngay cả ánh mắt hai người đàn ông, một già một trẻ, trên bàn thờ nhỏ đặt ở góc phòng cũng ấm lạ.
Hạ nói Hạ thương con đường, không chỉ vì nó đem lại ngày ba bữa cơm, tiền trọ hàng tháng, tiền mua thuốc thang lúc bệnh đau và mới đây là tiền từ quỹ tương trợ của Công đoàn công ty. Hạ đã xây mộ cho cha, cho chồng và mua trả góp cái tủ lạnh.
Ngày nào cũng quét dọn sạch sẽ con đường rồi thấy mến, thấy thương. Cho nên những người làm công việc như Hạ, trừ lúc bệnh đau, còn lại thì ngày nắng cũng như ngày mưa, không ai bỏ con đường.
Thằng Bơ đã đi mẫu giáo. Giờ nó chạy nhảy vui chơi khỏe re, không còn thở hụt từng cơn. Vui tìm được một chân bảo vệ ở công ty, không phải đi rã cẳng kiếm cơm bằng những tấm vé cầu may. Xuân chịu khó làm việc, đã lên chuyền trưởng.
Đang hào hứng, Hạ bỗng ngập ngừng: “Có viết gì… cũng đừng nhắc tới chuyện sáu chỉ vàng… nghen chị?”. Trên bàn thờ, hai người đàn ông nheo nheo mắt cười. Tôi chưa trả lời thì Hạ tặc lưỡi: “Thôi kệ, viết cũng hổng sao. Trên đời này, sợ nhứt là lòng không yên, đêm không ngủ được”.
Trong giấc mơ của Hạ, con chim bắt cô trói cột không còn cất tiếng kêu đe dọa; chỉ có mùi cỏ cây, mùi đồng đất ở Lạc Đạo chập chờn vẫy gọi trở về…
“Nhà văn Phương Trà (tên đầy đủ là Trịnh Thị Phương Trà) sinh năm 1976, quê ở xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, hiện làm việc tại Báo Phú Yên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Biên tập Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Nhà văn Phương Trà đã ra mắt bạn đọc 2 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn và 2 tập bút ký – phóng sự, đã đoạt một số giải thưởng văn chương, trong đó có giải nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người Lao Động tổ chức (năm 2019) với truyện ngắn “Dưới ánh sáng thiên đường”, giải A “Giải thưởng văn học nghệ thuật Phú Yên lần thứ V”, giai đoạn 2016-2020, với tập tản văn “Nghe nắng qua thềm…”.
6/12/2023
Phương Trà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...