Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Nước mắt thánh nhân

Nước mắt thánh nhân

Đã ba hôm nay, Gióng đói lả, ngồi bên thân mẹ héo quắt, Gióng khóc rống lên thảm thiết. Nước mắt cậu trai lã chã rơi lộp bộp xuống thảm lá rừng. Gióng khóc thương mẹ ốm đau, khổ cực suốt đời hay Gióng khóc vì không tìm được cha? Tiếng nấc tủi nghẹn ngào! Gióng khóc vì thương cho bao người dân khốn khổ vì khói lửa chiến tranh hay thương phận mình mồ côi? Tiếng khóc rung lên đau đớn. Hay Gióng khóc vì không được cùng lũ trẻ chơi trò đánh khăng đánh đáo? Tiếng khóc dỗi hờn u uẩn. Khóc dòng dã như thế, nước mắt Gióng chảy hòa vào nước suối rừng đại ngàn, rào rào chảy. Gióng thiếp đi trong đói lả và mệt rã rời.
Gióng ôm xác mẹ khóc rống lên.
Tiếng khóc ồ ồ, có lúc tắc nghẹn; vừa tức tưởi, vừa nghẹn ngào, vừa ngây ngô. Rừng xanh cũng như buồn lây. Im phắc! Chim rừng cũng như chia sẻ. Im phắc!
Gióng lóng ngóng lật mẹ từ bên này sang bên khác, lật đi, lật lại. Miệng gào to “Mẹ … Mẹ ơi….”. Tiếng gọi đập vào núi đá ầm ầm, âm âm rồi tắt ngấm.
Đã bao giờ Gióng gần xác chết thế này đâu. Trong chiến trận, ngồi trên lưng ngựa, Gióng chỉ thấy ngựa sắt phun lửa cháy tóc, cháy áo lũ giặc, khét lẹt. Gióng vung gậy sắt rồi vung cả bụi tre ngà, quơ sang hai bên mình ngựa, lũ giặc chết như ngả rạ. Gióng có biết chôn người chết như thế nào đâu. Việc ấy đã có các đoàn dân binh chạy theo ngựa Gióng lo toan.
Giờ ôm xác mẹ giữa rừng sâu, Gióng sợ và Gióng lóng ngóng!
Hôm đó, trên đỉnh núi Sóc, Gióng ghìm cương ngựa, quay nhìn bốn phía. Lũ giặc Ân đã tan tác, chín phần chết, một phần sống sót chạy vào rừng hay nhảy xuống sông, run như cầy sấy. Quân triều đình đang lo bắt tù binh và thu gom vũ khí. Dân binh các ấp đang lo dập lửa ở các thôn xóm và chôn cất các xác giặc.
Làng xóm cháy miên man. Từ phía tả ngạn sông Hồng sang phía hữu ngạn sông Cầu, sông Đuống, các đám cháy vẫn bốc lên rực trời. Một phần đám cháy là do giặc đốt, một phần là do lửa phun ra từ miệng ngựa sắt của Gióng. Gióng gạt mồ hôi, cởi giáp sắt vắt lên lưng ngựa rồi vỗ vỗ tay vào mông ngựa sắt.
– Mày từ đâu đến thì về nơi đó đi. Giặc chết hết rồi.
Ngựa sắt co hai chân trước, tung bờm hý lên ba hồi thống thiết như chia tay.
Gióng bảo:
– Tao nhớ Mẹ, tao về làng đây!
Ngựa sắt chớp chớp mắt, gật đầu.
Gióng bảo:
– Mẹ tao nghèo lắm, tao thương mẹ!
Ngựa sắt rung bờm, gật gật.
Gióng bảo:
– Đi nhé! Nhớ đừng phun lửa nữa, cháy hết nhà, hết lúa rồi đấy!
Ngựa sắt liếm lên tay Gióng.
Người và ngựa bịn rịn chia tay.
Giữa lúc ấy, một cơn giông kéo đến, trời tối sầm. Gióng luống cuống tìm đường xuống núi. Một tiếng sét rung đất chuyển trời. Lòa sáng rồi tắt ngấm. Một đường sáng chói nối giữa tầng mây xám với đỉnh núi Sóc. Trong nháy mắt, ngựa sắt tan vào trong luồng sáng chói ngoằn nghèo lên mây….
Gióng về đến nhà thì đã quá nửa đêm. Trăng cuối tháng  ròng ròng màu trắng sữa, tỏa khắp cánh đồng, cây đa, mái đình, phủ lên làng xóm huyền ảo. Mẹ vẫn ngồi ở bậu cửa ngóng ra ngõ. Thấy bóng của Gióng lừng lững ngoài cánh đồng, bà đã bật dậy chạy ra đón.
Gióng hét lên “Mẹ…Mẹ…” rồi định sà vào lòng mẹ. Nhưng cậu đứng chững lại. Mẹ nhỏ thó, đen đúa đứng chỉ đến đầu gối cậu. Mẹ giang hai tay, lập bập rên lên “Gióng, Gióng đấy phải không?”. Bà kiễng chân, tay quờ quờ cũng chỉ xoa được vào hai cái đùi chắc như hai cột lim .
Gióng đành đưa một tay xuống, ôm vào lưng mẹ, gần như là cắp mẹ vào nhà.
Nhưng Gióng cũng không thể vào nhà. Thân hình kềnh càng, to cao của cậu, cúi gập xuống cũng không thể lọt qua mái tranh. Gióng đành ngồi giữa sân, nhìn Mẹ.
Mẹ lăng xăng chạy quanh người Gióng. Bà lấy khăn ướt lau cẳng tay, lau ngón tay rồi lau lưng cho Gióng, miệng xuýt xoa: “Con bẩn hết người rồi…. đen sạm nữa… khổ thân con… khổ thân con tôi quá!. Gióng trìu mến nhìn mẹ rồi bỗng xịu mặt:
– Mẹ ơi… con đói!
Đúng là lúc này Gióng đói thật.
Đã ba ngày nay, Gióng chưa có một thứ gì vào bụng. Mấy hôm trước, mẹ bỗng sốt xình xịch trên lưng Gióng. Từ ngày cõng mẹ vào rừng, ngày nào mẹ cũng chỉ cho Gióng những quả trên cây có thể ăn được. Gióng nhón chân là với tới. Mẹ lại chỉ cho Gióng biết những củ mài, củ từ nằm sâu dưới đất. Gióng dùng con dao nhỏ, cạy một lúc là có ăn. Mẹ sốt, sốt li bì, mặt mẹ đỏ rần, tóc tai mẹ bơ phờ, người mẹ nóng hầm hập. Mẹ chỉ đòi uống nước. Gióng lóng ngóng chẳng biết chăm mẹ thế nào. Một mình Gióng, không biết tìm quả gì, củ gì để ăn. Gióng đói, đói lả người bên thân hình gầy gò đang hầm hập sốt của Mẹ. Giọng Gióng thì thào:
– Mẹ ơi… Mẹ dậy đi… Con đói!!!!
Sáng sớm hôm đó, Mẹ lôi tất cả khoai lang dưới gầm giường ra, kều tất cả ngô giống vắt trên dây xuống, đào tất cả sắn non trong vườn, luộc cho Gióng ăn. Mẹ nghẹn ngào:
– Con ơi, nhà mình nghèo, con ăn tạm thế nhé, lát nữa trời sáng, mẹ đi mò cua, bắt tép về nấu canh cho con ăn.
Gióng ăn một loáng hết sạch khoai, ngô, sắn mẹ vừa luộc ra dù chúng còn nóng hôi hổi.
Gióng vươn vai rồi ngó xuống mái nhà, mái nhà đã giột, lâu không ai dọi lại. Gióng  nhìn vào cái chõng tre mẹ vẫn thường nằm, cái chiếu rách lua tua, thủng ở giữa, nơi mà ngày trước Gióng đái dầm, mặt chiếu thâm lại. Gióng ngẩn ngơ, thương mẹ lắm nhưng chẳng biết làm gì. Tay Gióng lóng ngóng kéo mấy nụn rơm đậy đậy lên mái nhà, như chơi đồ hàng. Mấy nụn rơm lả tả rơi xuống đầy mặt chiếu. Nản quá, Gióng ngồi tựa vào gốc cây Sấu ngáp dài rồi ngủ gật. Quá trưa, Mẹ mang một rổ ổi về. Gióng bừng tỉnh, chưa kịp ăn thì nghe tiếng nhiều người xôn xao ngoài ngõ.
Dân làng nghe tin Gióng về nhà, đã ùa theo Mẹ, về theo…
Thế rồi, người gánh, người đội, người đẩy xe mang gạo, mang bí, bầu, khoai, sắn… ùn ùn kéo đến. Một loáng, gạo chất cao như đồi, ngô dồn vào thành mấy đống.
Nhưng không như lần Gióng sắp ra trận. Dân làng vẫn lúi cúi nấu nướng cho Gióng ăn, nhưng người nào người nấy cứ lấm lét, nem nép nhìn trộm Gióng. Gióng đi đến đâu, dân làng đều chạy dạt ra xa, nếu không kịp thì quỳ thụp xuống, vái lia vái lịa.
Gióng lấy làm lạ lắm!
Gần tối, một đoàn bô lão với áo the khăn đóng, rước một cái hương án và có một cỗ kiệu to đùng đi vào sân.
Đồng loạt các cụ bô lão quỳ sụp xuống trước mặt Gióng, lạy như tế sao. Gióng ngơ ngác rồi gọi Mẹ.
Mẹ Gióng lập bập chạy ra, chẳng biết làm gì, cũng dập đầu lạy các cụ bô lão.
Một cụ già nhất trong làng trịnh trọng thưa:
– Kính lạy đức Thánh! Chúng con người trần mắt thịt, không biết  Người về. Nay chúng con thể theo lòng dân, kính xin đức Thánh vui lòng dùng bữa tối, rồi dời gia thất đến ở Đình làng để dân làng chúng con tiện bề cung kính!
Gióng đưa mắt cầu cứu Mẹ.
Mẹ vẫy tay ra hiệu Gióng cúi xuống. Gióng đang ngồi giữa sân, người phải gần như nằm nghiêng sang bên hè bếp. Mẹ với miệng gần tai Gióng thì thầm:
– Con ơi! Ngày xưa vì mẹ vào rừng gặp cha con, mẹ mang tiếng không chồng mà có chửa, bị dân làng đuổi ra ở chỗ vắng vẻ này. Nay, con phải nghe các cụ bô lão thôi. Nếu không, mẹ con mình không có đất mà dung thân con ạ!
Gióng cười hì hì rồi bảo:
– Mẹ đi với con!
– Ừ, con ra ở đó, rồi ngày nào mẹ cũng ra với con.
Gióng ngoan ngoãn: – Vâng ạ!
Tối đó, cả dân làng bày tiệc ra đường, bày mâm cỗ ra vườn, cùng vui đánh chén cho tới khuya. Tiếng bát đũa khua vào nhau loeng queng, tiếng cười, tiếng nói rổn rảng như hội làng.
Rồi kèn trống nổi lên. Kiệu bát cống hạ xuống.  Mười sáu thanh niên trai tráng của làng gồng những bắp thịt rắn như đồng hè nhau nâng kiệu, rước Gióng về đình.
Gióng cứ lay mẹ, giật áo mẹ mà gào. Hai tay Gióng lật mẹ bên phải, quay mẹ bên trái, lắc, rung. Giọng Gióng da diết:
– Mẹ ơi! Mẹ dậy đi, con đói!
Mẹ từ từ mở mắt:
– Đã tìm thấy cha con chưa?
– Chưa…ưa !!!
– Ừ, gắng lên con. Tìm thấy cha thì mẹ con mình sẽ không phải đói, cha con ở phía núi Tam Đảo kia con ơi…
– Ứ ừ… con không đi nữa- Gióng dằn dỗi.
Mẹ nhắm nghiền mắt, thều thào:
– Khổ thân con tôi. To lớn thế này mà không được ăn. Trời đất có thương, hãy cho con tôi sớm tìm được cha nó, để tôi có ra đi cũng mát lòng…
Người mẹ lả đi.
Gióng lại lắc, lại rung cái thân hình còm cõi… Cậu khóc tồ tồ “Mẹ ơi! Tìm thấy cha là no hả mẹ, mẹ ơi…”.
Những ngày đầu cõng mẹ vào rừng, Gióng đâu có biết đường rừng mịt mù như thế! Hai chân mẹ bị gãy , thõng thượt trên lưng, lắt lẻo theo bước đi của Gióng. Thân hình to lớn và bước chân huỳnh huỵch của Gióng làm lũ muông thú chạy dạt xa. Mẹ dạy Gióng làm bẫy nhưng Gióng cứ thập thò nhòm ngó , chẳng con thú nào sa bẫy cả. Hai mẹ con cứ ngày rẽ cây rừng mà đi. Tối đến ăn củ quả hái vội, uống nước suối mà hy vọng tìm được cha…
Gióng ở đình làng được dân làng nuôi ăn no đủ. Hàng ngày Gióng ngồi trên chiếu điều ở giữa đình, vây xung quanh là các vị bô lão. Suốt ngày Gióng nghe những lời thưa:
– Lạy Thánh! Chúng con định xây lại ngôi chùa, Ngài chọn hướng giúp cho làng ạ!
– Kính lạy Thánh! Ngày mốt dân làng định cho đào con mương ở đầu làng, kính Ngài chọn ngày giờ đẹp cho chúng con được nhờ ạ!
– Lạy Thánh chí tôn! Nhà con sắp sinh cháu, xin Người mở lòng thương, đặt tên cho cháu..
Gióng ngơ ngác nhìn quanh. Từ trước, Gióng có biết những chuyện này đâu? Mắt Gióng cứ hút vào mấy đức trẻ đang tồng ngồng chơi khăng ngoài sân.
Các cụ bô lão trông coi Gióng cẩn mật lắm. Ăn uống, tắm rửa, đi tè, đi ị… các cụ đều phân công người chăm chút từng ly. Cấm có để Gióng phải đụng tay chân vào việc gì. Mỗi lần buồn tè, Gióng nhõng nhẹo “Ông ơi, cháu tè”. Lập tức có bốn thanh niên khỏe mạnh được các bô lão phân công, chạy vội đến, khênh một cái ang thật to. Gióng tè tồ tồ vào ang. Nhiều nhà trong làng tranh nhau múc nước ấy, mang về nhà cất giữ như được báu vật . Ai cũng bảo “Nước Thánh đấy, đau chỗ nào, xoa bóp vào, khỏi ngay”. Có người lại còn bảo “Ai uống được nước Thánh lúc còn ấm ấm, sẽ chữa được bách bệnh”!!! Các cụ bô lão hò hét, tất bật… Trưa, tối, các cụ cắt cử người ngủ ở gian cạnh, nơm nớp lo Gióng giật mình tỉnh giấc.
Một trưa, mấy cụ ngủ say, Gióng len lén bước ra sân rồi ra cổng đình. Gióng vẫy gọi mấy đứa trẻ tóc để chỏm, không quần áo, đen trũi như cá trắm đang đứng nem nép ngoài bờ chuối.
Gióng thì thào:
– Cho tớ chơi trốn tìm với!
Mấy đứa trẻ sợ sệt rồi có đứa mạnh dạn thưa:
– Thưa…. – Nó nhìn lên chỏm tóc của Gióng, nhìn cái khố ngắn tũn của Gióng rồi tợn tạo nói:
– Thưa… thưa mày…!- Một đứa giật tay nó:
– Thưa Thánh chứ!
– Ứ phải. Nó để chỏm giống tao.
Rồi nó nói cứng:
– Mày to cao thế, trốn vào đâu cho vừa!
– Thế cho tớ chơi trận giả với!
Thấy Gióng không giận mà còn nài nỉ, lũ trẻ bỗng òa lên:
– Hì… cậu bước một bước bằng cánh tớ bước mười bước, chúng tớ thua là chắc!
– Thế cho tớ chơi khăng vậy!
Cả lũ bĩu môi rồi cười váng:
– Tay cậu thế kia, khăng nào vừa được?
Gióng tức: – Không cho tớ chơi, tớ mách mẹ!
– Xì… mụ chửa hoang ý à… cóc sợ!
Gióng đành tiu nghỉu về ngồi trên chiếu giữa đình, mắt ngấn lệ.
Một sớm kia, có sứ giả của triều đình về làng. Sứ giả vung loa gọi:
-Loa loa loa loa…
Giặc dã đã tan
Xóm làng xanh lại
Vua cho vời gọi
Những kẻ có công
Sớm đến sân Rồng
Để mà lĩnh thưởng
Loa loa loa loa…
Rồi sứ giả dừng ngựa giữa sân đình, ghếch chân lên bờm ngựa nói chõ vào:
– Làng này có cậu bé tên Gióng, biết cưỡi ngựa sắt, biết dùng roi sắt, lại xông xáo giữa trận tiền. Dân làng ghi công hắn, báo về kinh đô để Vua xem xét!
Các bô lão sụp lạy rối rít. Nhưng cũng có vị  mạnh dạn hỏi:
– Thánh của làng tôi giỏi vậy, từ đứa trẻ lên 3 vươn vai lớn hơn 10 trượng, cưỡi ngựa, phun lửa dẹp hết giặc Ân, ai cũng biết, sao Vua lại phải xem xét ạ?
– Hừm, có người báo về kinh đô, hình như mẹ hắn là gái hư hỏng, chửa hoang thì phải!
– Dạ… dạ… điều đó thì….
Tiếng vó ngựa của sứ giả xa dần, tiếng nói còn vọng lại:
– Thôi! Cứ thế mà làm!
Gióng bật dậy, lao ra khỏi sân đình.
Gióng về nhà gặp mẹ.
– Mẹ! Chửa hoang là gì hả mẹ?
Mẹ Gióng đang mơ màng ngồi nhớ con. Thằng bé Gióng của bà ngày nào không nói, không cười làm bà lo đứt ruột. Rồi nó ăn như trút, lớn như thổi. Rồi nó đòi có ngựa sắt, roi sắt. Rồi nó đi đánh giặc biền biệt mấy tháng trời. Giờ nó về, những tưởng bà được ôm ấp nó, bà được hôn hít nó. Nhưng nó đã thành người của làng. Làng giữ nó, làng nuôi nó, làng khấn vái nó… Khổ thân nó, mới ba tuổi đầu, đã biết và cơm đâu! Bốc cơm ăn, vẫn vốc cả hai tay. Đút cơm, nó vẫn vụng về đút cả năm đầu ngón tay vào mồm. Có hôm cắn miếng thịt lợn nó còn cắn cả vào tay, khóc thét lên…Thấy Gióng lộc cộc chạy về, bà như chợt tỉnh, quệt vội nước mắt rồi vẫy Gióng:
– Con nằm xuống đây… Mẹ xoa lưng rồi Mẹ kể con nghe.
Gióng nghe lời mẹ, ngả mình nằm xuống. Chân cậu vẫn ở ngoài ngõ, thân hình cậu choán hết khoảng sân, đầu gối lên bậc hè bằng đất. Mẹ Gióng ngồi bên thềm, xoa đầu, xoa vai Gióng:
– Con ạ, bố và mẹ gặp nhau ở trong rừng rồi có con. Bố bận việc không về làng được, mẹ không lấy ai mà có chửa đẻ ra con, thì dân làng gọi đó là chửa hoang.
– Nhưng con vẫn có bố!
– Đúng vậy! Nhưng với dân làng thì mẹ không giải thích nổi nên dân làng đã đuổi mẹ con mình ra đây.
– Hừ! Thế thì con ứ thèm ra đình ở với làng  nữa!
– Sao vậy con?
– Ở đấy chán lắm!
– Thế thì con về kinh đô lĩnh thưởng nhé!
– Con cũng ứ thèm!
– Thế con muốn gì?
– Đến đấy họ bảo mẹ chửa hoang. Con ghét lắm! Mà mẹ ơi,Ngựa của con phun lửa, cháy bao nhiêu nhà, con sợ vua mắng!-Ngừng một lát, Gióng quả quyết:- Con đi tìm bố.
Bà mẹ hốt hoảng:
– Không được đâu con ơi! Bố ở xa và đường đi nguy hiểm lắm. Hai nữa con ở với làng còn có cái ăn, cái mặc… chứ con ở với mẹ thì…- lời mẹ nghẹn ngào trong nước mắt-… thì… con chết đói mất!
– Không cần mẹ ạ! Con sẽ đào củ, con sẽ săn thú nuôi mẹ, nuôi cả bố nữa!
– Ôi! Con ngoan của mẹ! Đợi con lớn lên chút nữa, mẹ sẽ dẫn con đi tìm bố.
– Không! Đi bây giờ cơ. Mà con lớn rồi mà!
Gióng co chân, gồng bắp tay khoe với mẹ.
Đúng lúc ấy có tiếng phèng la và đoàn nhạc rước kiệu rộn ràng nổi lên. Đoàn các cụ bô lão của làng lại đang rồng rắn đến đón Gióng về ở đình làng. Gióng vội vàng:
– Mẹ ơi! Con không thích ra ở đình làng nữa.
– Con ơi! Cả làng này có ai được như con?
– Không! Con không thích, con thích chơi trốn tìm, con thích chơi khăng với các bạn cơ…
Tiếng nhạc và đoàn người đã đến đầu ngõ. Gióng chồm dậy. Trong lúc vội vàng, tay cậu chống lên hai chân của mẹ đang duỗi thẳng. “Rắc… rắc…” hai tiếng kêu khô ròn báo hiệu một cái gì đã gẫy.
Mẹ Gióng kêu thất thanh “Ối!” rồi ngất lịm. Gióng chưa hiểu mô tê gì. Nhìn mẹ thì mẹ  lả đi, đau đớn. Nhìn đoàn người thì họ đang ầm ập vào ngõ. Gióng một tay bế xốc mẹ lên. Tay kia quơ vội mấy cái váy áo của mẹ vắt ở cây sào nứa. Chạy!
Nghe nói: Trong khi đó, ở kinh đô Phong Châu, Vua Hùng họp các quần thần để bình công, xét thưởng. Lạc hầu phụ trách quan lại và dân binh thì muốn tặng thưởng cho quan ở vùng đồng bằng, người đã có công tìm được Gióng. Quan coi việc quân lương thì muốn thưởng cho người đã đúc được ngựa sắt và roi sắt. Quan ở ngoài trận chiến thì xin Vua thưởng cho người đã dụ quân giặc tập trung đóng quân vào một dải đất để Gióng dễ tiêu diệt. Lại có Lạc tướng thưa rằng nên mời Gióng về kinh, cho làm chức quan to. Một Lạc hầu cự lại: Xong việc binh đao, để các tướng võ chăm việc rèn binh, luyện sỹ, không nên dính vào chuyện an dân vốn là việc của văn quan.
Quần thần bàn đi, bàn lại đến nát óc. Có người vừa tố việc mẹ Gióng chửa hoang, giờ lại tố rằng, ngựa của Gióng đã thiêu rụi mấy chục làng, bản. Dân làng ai oán lắm! Việc định công cho Gióng xét mấy buổi chưa xong…
Gióng bế mẹ trên tay, rồi cõng mẹ trên lưng nhằm phía núi Tam Đảo chạy miết. Mấy ngày đầu, khi tỉnh, mẹ chỉ cho Gióng hái lá thuốc đắp chân cho bà. Được gần tháng, chân mẹ đã khỏi. Được mẹ chỉ bảo, Gióng đặt bẫy bắt thú, Gióng đào củ nấu canh, Gióng trèo cây hái quả. Mẹ con bữa đói bữa no sống qua ngày. Nhưng bóng dáng người cha vẫn bặt vô âm tín.
Mẹ nựng Gióng:
– Gặp được Cha, con sẽ tha hồ được chơi như các bạn, con sẽ tung tẩy, đùa giỡn với các trò chơi.
– Gặp được cha, cha sẽ săn thú, trồng tỉa cây bắp cho con ăn, con sẽ không phải đói nữa.
Mắt Gióng sáng bừng lên khi mẹ nói.
Thế rồi mẹ ốm.
Mẹ sốt run người mà mồ hôi vã ra như tắm.
Lá thuốc mẹ chỉ cho Gióng hái, mẹ uống vào không cắt cơn sốt. Gióng lóng ngóng, không biết chăm mẹ thế nào.
Rồi sức mẹ kiệt dần.
Đã ba hôm nay, Gióng đói lả, ngồi bên thân mẹ héo quắt, Gióng khóc rống lên thảm thiết. Nước mắt cậu trai lã chã rơi lộp bộp xuống thảm lá rừng. Gióng khóc thương mẹ ốm đau, khổ cực suốt đời hay Gióng khóc vì không tìm được cha? Tiếng nấc tủi nghẹn ngào! Gióng khóc vì thương cho bao người dân khốn khổ vì khói lửa chiến tranh hay thương phận mình mồ côi? Tiếng khóc rung lên đau đớn. Hay Gióng khóc vì không được cùng lũ trẻ chơi trò đánh khăng đánh đáo? Tiếng khóc dỗi hờn u uẩn. Khóc dòng dã như thế, nước mắt Gióng chảy hòa vào nước suối rừng đại ngàn, rào rào chảy. Gióng thiếp đi trong đói lả và mệt rã rời.
Trong mơ, Gióng gặp được cha ở cuối đường rừng. Nơi đó có suối chảy rì rào, có hoa thơm trăm sắc đua nhau nở. Cha là người cao lớn, trí dũng hơn người. Cha cai quản cả một vùng đất đẹp như tranh. Gióng gặp người nào cũng tươi cười, hăng say làm việc. Gióng gặp các con thú rừng mà ngoan như thú nhà. Những chú gấu rúc vào chuồng lợn nằm kềnh bên chú ỉn; những chú nai nhảy nhót đùa cùng bầy chó tíu tít. Chao ôi, lũ trẻ con mới thích làm sao. Đứa nào cũng to cao và mặc áo quần đẹp ơi là đẹp. Gióng òa vào vòng tay lũ trẻ lúc chơi trốn tìm, Gióng tìm thấy chúng. Gióng công kênh chúng trên vai khi Gióng chơi trận giả, bị thua. Ôi, còn cái ăn nữa, sao mà thích thế. Bữa nào cha cũng cho người nấu hàng trăm món thức ăn cho Gióng và lũ trẻ. Người lớn cũng ăn cùng nhau. Ăn xong, trai gái ôm nhau nhảy múa, vui không sao kể hết.
Một tiếng sấm rền vang. Gióng giật mình tỉnh lại…
Mẹ vẫn nằm co quắp, như không còn thở. Rừng đại ngàn vẫn âm âm u u trong hơi đá lạnh. Phía trời tây tím sậm một màu đau buốt.
Gióng nâng mẹ trên hai tay, giơ lên trời cao, gào:
– Cha ơi! Cha ở đâu….
– Âu… âu… âu… âu….
Tiếng rừng già vọng lại âm u đến não lòng.
Cậu trai làng Phù Đổng, tóc để chỏm, giang hai chân, vác mẹ trên vai, thở hộc lên:
– Cha!…
Tiếng hét làm cho tất cả lũ thú trong rừng, lũ chim trên cây đứng tim. Lặng phắc!
Từ trời cao một lằn chớp xanh vụt sáng, một tiếng sét vang động cả đại ngàn.
Hai mẹ con cùng hóa giữa rừng già.
Trong nắng chiều bảng lảng, có người nhìn thấy bóng chàng trai cao lớn ôm mẹ gọn trên tay như ôm bó lúa vàng rực, bay về trời.
Nghe nói: Mấy trăm năm sau, ở đời Vua Hùng thứ 18, công trạng của Gióng được ghi khắc trong văn bia triều đình và được Vua ban cho chữ “Phù Đổng Thiên Vương”.
Dân làng Phù Đổng được cắt đất để hương khói thờ phụng.
Sử ghi: Đến đời Vua Đinh Tiên Hoàng – tức hơn 1000 năm sau, Gióng được đưa lên thờ ở núi Nghĩa Lĩnh, tục gọi núi Hùng- cùng với 18 vị vua Hùng.
Ngày nay, ai lên đền Thượng đều thấu hiểu điều đó! Nhưng mấy ai hiểu được giọt nước mắt của Người đổ xuống những con đường- những ngày đi tìm cha?!!!.
29/11/2023
Đỗ Hàn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...