Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Ngọn cỏ trên ngàn

Ngọn cỏ trên ngàn

Tam bước xuống triền, một mảnh vườn nhỏ nơi Luân đang trồng mấy loại rau để nấu canh. Tam xới đất, thì thầm với cỏ cây, yêu chúng vì chúng mọc lên từ bàn tay của Luân. Thứ tình cảm này có mối liên hệ vô hình, Tam nâng niu một khóm phù dung cằn cỗi nơi góc rào, “chắc là nó thiếu dinh dưỡng đây mà!”- Trong Tam sẽ không hề biết đó là nụ cười tươi thắm của Thuý mà Luân đã so sánh.
Tháng mười, mây ùn như bông xám, hội tụ, sà xuống vạt rừng già làm màu cây tím thẫm…
Mưa tới thật nhanh.
Mưa trên rừng to hơn mưa đồng bằng, tiếng gió rít mạnh, chiếc thau nhôm úp ngoài hiên hè bật dậy bay vèo đánh choảng vào cái chạng đựng nước, mặt đường đã nhầy nhội từ mấy hôm trước, biết chừng nào thì sẽ được làm mới bằng bê tông?
Luân vừa tới khúc cua, anh ném chiếc cúp 50 sang một bên kè đá, lòng lo lo khi đang mang cái radio cũ người anh em mới vừa tặng, trách mình mùa đông ra ngoài lại không mang áo đi mưa.
Ngôi nhà trên cao, mái tranh thấp tè, phải đi lên vài bậc đá được chặt thành bậc tam cấp nham nhám dẫn lối, cây ban có từ đời nào trổ một vài bông hoa trắng xám, ngã nghiêng theo chiều gió. Một làn khói ụn lên quần tụ trên mái tranh xâm xẩm, mùi thịt gà kho sả đã xộc vào khứu giác.
Ánh mắt anh khựng lại: thằng Tam!?
– Khốn kiếp! – Luân buột miệng.
– Em vào nhà bằng cửa sau, anh chỉ cài bằng cây lồ ô.
– Thôi đủ rồi! – Luân gắt.
Tam lặng lẽ khơi thêm bếp củi, dần chiếc nồi sát vào cho cơm xem xém, món cơm cháy quẹt mắm kho mà Luân từng thích trong ký túc xá ngày nào.
Hồi ấy.
“Chín cộng ba” được lựa chọn để đi đường nhanh hòng có được việc làm khi ra trường, cái nghèo là thiệt thòi nhất khi cuối tuần bạn bè được gia đình gửi quà bánh vào thì Luân buồn xo, Luân buồn vì mình sinh ra, lớn lên từ đâu? Ngay cả cái mả ông bà cũng không có để dẫy… Tam biết được điều này nên thường chia sớt cho Luân.
Hai đứa thỉnh thoảng đạp xe xuống quán bà Tám uống cốc bia hơi, bia lành lạnh, uống một ngụm kiểu uống nhin nhín rồi khà, nhìn bọt bia trắng xoá dính vào mép, vào ria tơ phát thì của Luân coi nó đã gì đâu! Hồi đấy bia hơi bán đầy theo công thức tự chế, riêng quán bà Tám không biết có bí quyết gì mà rót ra nghe thơm lựng, bọt dâng cả khúc nên quán cứ chật cứng vào dịp cuối tuần.
Tam lẽo đẽo theo Luân suốt một năm sư phạm, vui buồn gì cũng có nhau, Luân ở với gia đình ông chú nuôi nghèo, ráng tới lớp chín là ngon rồi, phần còn muốn lên nữa thì tự mà lo, thôi thì nhờ bạn bè nó phụ, kiếm thêm việc làm mà học, Luân nghĩ, nhiều người còn nhọ hơn mình, nên mặc! Cứ lếch rồi cũng tới!
Hôm trời trở gió, thứ gió nam Lào dữ dội, người ta nói cũng là mùa mấy con chó nó phát điên phải đeo bị mè rang nơi cổ, cũng là mùa động tình của chúng. Buổi sáng, cửa cổng nhà chị Liễu đóng kín, con chó trong sân mập láng dữ dằn, sủa gắt.
Nghe động, chị cũng vừa nhận ra Luân.
– Chị Liễu cho em vay mấy đồng học phí.
– Vào đây cưng, đẹp trai quá đi! Không cần cám kết gì đâu.
Chị vỗ vỗ vào vai, nhăn mặt:
– Cánh tay chị rồ cái ga không lên, nhắc cái can không nổi, Luân xoắn dùm chị cái.
– Chuyện nhỏ mà! Luân đứng sau lưng chị, vô tư kêu chị ngồi yên rồi cậu làm theo chỉ dẫn của Liễu, bàn tay mạnh mẽ của Luân miết vào cổ u, vai bắp của ả như đang tươm mỡ kia… cho đến khi ả dựa hẳn vào hạ bộ của Luân mà rên xiết …
Luân hoảng, nghĩ thầm sẽ không có lần thứ hai rồi buông tay, sau đấy Luân không dám uống trà đá và ăn kẹo đậu phộng quán ả nữa cho đến một hôm.
– Giờ có trả tiền không thì bảo?
Luân gãi đầu, ả cười hô hố như thắng trận.
– Nội trong ba ngày tính sao tính!
Rồi ả quay đi cái vèo, nẩn theo đôi mông tròn lẵng đầy trêu ghẹo…
– Ô hay, trên đời người ta có thể đem tiền đổi lấy tình mà mình không cam, đành chịu! Luân lẩm bẩm.
Chiến dịch kế hoạch hoá gia đình đang phát động ra rả trên cái loa treo ngoài trụ điện.
Ngoài việc thắt cái của nợ kia lại thì các anh được một số tiền bồi dưỡng.
Đúng ba ngày rồi, nghĩ tới khoản tiền đóng học phí và ký sổ thì cũng bồn bộn, Luân vò đầu, bứt tai. Ả Liễu nó ghê lắm, bọn đàn bà có đứa nó “ác” thật!
Chiều đó Tam có hơi men nên nó cứ gật gù rồi nói gì lẩm bẩm trong miệng:
– Đời em coi như …
Sau đấy thì Tam đi biệt, nghỉ học tới ba ngày.
Sang ngày thứ tư sau những giờ học Luân không dám bước khỏi ký túc xá, trốn như chó mẹ muốn ngắt sữa bầy con, mà cũng không nghe tiếng ả Liễu sẽ đến la làng như đã thách
Nghe nói ả Liễu đeo giỏ xách ngồi sẵn trước cổng trạm xá, ai có nợ ả thì khi vừa cầm tờ giấy bước ra là ả sấn tới, thằng Tam cũng không ngoại lệ.
– Lần cuối, đừng có đụng tới anh ấy nhé!
Liễu chỉ là miệng hùm gan sứa nên cũng sợ thằng Tam ra mặt, nhưng nó gom tiền trả dùm cho thằng Luân rồi thì kệ mẹ nó, nó muốn nói gì thì nói
– Cơm chín rồi, em dọn nhé.
– Tôi không ăn!
Tam bưng nồi cơm đứng trân. Hồi ở trường sư phạm nó là thằng nói làm người ta khóc, vậy mà chỉ ba từ của Luân làm nước mắt nó ứa ra.
– … Em đâu có muốn con Thuý nó chết! Anh còn nặng nỗi hận này đến bao giờ, cũng có ai biết gì đâu!
– Trời biết, đất biết!
Luân ra đứng bấu hai tay vào bìa cửa, bên ngoài mưa đang quất mạnh, cây cối cũng ngả nghiêng theo chiều gió
Năm hai, mọi bộn bề cứ vây lấy Luân, có hôm ghé căn tin, chị Mân la to:
– Vẫn bánh mì chan nước sao?
Luân cười, nụ cười của Luân hiền lành có khi méo mó vì không định hình được một nụ cười tươi, trọn vẹn,
Rồi đến một ngày có cô gái phụ hàng cho chị Mân dịu dàng chia cho Luân nụ cười thẹn thùa mỗi khi trao cho anh ổ bánh mì đã “mặc định” nhưng hôm ấy kèm xíu-mại thơm mềm.
Hai đứa ngồi dọc bờ kè ngày chủ nhật, bờ sông lộng gió.
– Em mới lĩnh lương. Cô Mân thương em lắm, em không có mẹ…
Luân bứt cọng cỏ bên lề đưa vào miệng nhai.
– Anh sao vậy?
– Anh không biết nói gì, Thuý giống anh.
– … Ba em đi với người đàn bà khác, đời cũng quen nên buồn cũng không được gì!
Luân nghe trong lời Thuý có vẻ bất cần.
Những dịu êm trong ánh nhìn trao nhau giữa hai đứa cứ ngày một thấm, trong Luân chưa định hình là thứ tình cảm gì, chỉ biết Thúy thật đáng thương.
Tam thưa dần không đến ký túc xá, rồi dọn đồ về nhà người cậu.
Tam đi bặt sau một đêm hai đứa từ quán bà Tám về, đêm đó say quá tiện đường ngủ quán trọ bình dân vì lúc đó má Tam cũng vừa gửi tiền tháng ra rủng rẻng.
Đêm đó thực sự Luân đổ gục, chỉ đến sáng khi tỉnh ngủ và đọc tấm giấy trên cái bàn gỗ tựa đầu giường Luân mới ngơ ngác:
“Em không học nữa, em đi vào Nam.
Chúc anh vui.”
Luân bật dậy cài vội cúc áo, tờ tiền màu hồng từ trong túi áo rớt ra, lặng lẽ đi bộ về ký túc xá.
Hôm ấy trời lại mưa sớm, giăng mắc một trời buồn, cái thằng tánh cứ bương bướng, đành chứ biết khuyên gì đâu! Luân lại lẩm bẩm.
– Anh Luân đi đâu về sớm thế, ướt rồi kìa!
Thuý đứng trong hiên nhà cô Hằng bán tạp hoá, ngoắc Luân.
– Thuý ra quán, hôm nay Thuý có cái này cho anh.
Thuý vỗ vỗ vào bìa túi vải đeo ngang hông rồi thoắt lẹ vào con ngõ nhỏ
– Ăn cơm đi!
Luân vừa nói vừa kéo chiếc nồi gang đen sì về phía mình, Tam giành lấy đôi đũa cả, xới cơm vội vào chén cho Luân.
Như không có chuyện gì, Luân lặng lẽ và cơm, Tam thì cúi mặt, nhai nhỏ nhẻ.
Tóc Tam đã dài ngang vai, Tam vuốt thứ dầu bóng nên trông tóc mềm mại, chiếc áo cổ trái tim làm lộ khe ngực dù màu da không mấy sáng sủa, Tam để móng tay dài và sơn lên đó màu tím nhạt.
Hồi ở ký túc xá Tam sợ nếu làm gì khác đi thì Luân sẽ ngại mà rời xa nên Tam cố gồng, Tam vẫn đi bên đời Luân thầm lặng. Mỗi khi trường có văn nghệ thì Tam là một tay trống với bộ dùi điêu luyện kèm theo tên gọi Tam Drum.
-… Anh không hỏi bấy lâu em làm gì sao?
– Sau lần em về gặp anh rồi đi luôn đó, lúc đó em điên mất, giả bộ viết một lá thư cho anh, là hai đứa mình… yêu nhau, em nói anh sẽ lấy em… rồi quăng vào chỗ quày con Thuý sáng nó ra sớm dọn hàng. Rồi em đi… cho hả dạ vì biết chắc em sẽ không bao giờ có anh. Lúc đấy em vô cùng tuyệt vọng và muốn kết thúc…
– Đủ rồi! – Luân ngắt ngang.
Đôi mắt Tam ngấn nước:
– Anh cứ để em nói, em rất ân hận vì không ngờ con Thuý nó làm thế, đời này kiếp này em xin …
Luân lại bỏ ra đứng bấu tay vào khung cửa, mưa mỗi lúc mỗi to, giăng kín đầy trời.
Mưa rừng có khi âm u cả ngày, nhiều hôm lũ trẻ đi học về ướt sũng, Luân thương học trò nghèo, thiếu thốn đủ điều. Anh đã dùng tấm nylon ép thành cái bọc đựng tập sách, anh vào rừng chặt tre về vót thành que cho bọn nhỏ tập đếm, anh hớt tóc và cắt móng tay cho chúng…
Bao năm rồi anh không về xuôi, anh tận tâm với nơi này, vì thương nơi này mà ở lại, vì trên đời đã mất đi một mối tình nghèo thơ dại không phải tại mình.
Luân nhớ đêm ấy có tiếng khóc rấm rức ngoài bìa tường vọng lên căn gác xép của khu ký túc xá, anh không hề nghĩ đến đó là tiếng khóc của Thuý. Bên nhau Thuý chỉ có cười, giọng cười Thuý giòn vang, vô tư lự, xinh như… à, có lần anh bảo xinh như đóa phù dung! Thật ra phù dung rất đẹp, cánh mỏng, mềm mịn, đỏ thấm- ví von vậy quả không sai nhưng ai ngờ rồi hôm sau như vận vào câu nói:
“Phù dung sớm nở tối tàn!”
Thuý trẻ lòng non dạ, căm hận sự phụ bạc của người cha để mẹ vì mỏi mòn mà mất đi do sinh bệnh. Tuy ngoài miệng nói như không có gì mà lòng Thuý như đã ăn sâu…Rồi một ngày kia vì sẽ không chịu được lời mỉa mai của người đời rằng “thằng Luân nó không yêu mày!” – đúng rồi, anh ấy không thật lòng, anh ấy đi với người ta qua đêm, thật là ghê tởm và ngoài sức tưởng tượng … những ý nghĩ ấy như mũi dao cứa, xâm vào trí não, Thuý đã bưng mặt khóc, hôm sau vội gửi cho Luân mấy dòng thư ngắn, Luân cũng chưa kịp tỏ bày thì đêm đó dòng sông kia đã vô tình gột rửa muộn phiền cho một cô gái xấu số.
Mưa bớt ầm ào nhưng vẫn còn rả rích.
Cây đèn dầu cứ leo lét cháy soi bóng hai người lên tường, Tam xuống bếp pha cà phê, nấu ấm trà Mộc Châu, mùi cà phê gợi lại miền ký ức xa thẫm, gợi lại ngày nào hai đứa ăn bắp rang trộn mắm trong đêm nghe đài báo bão tháng ba- nó ngon vì hai đứa đi bẻ trộm ngoài soi vắng. Nhớ chiều trên sân ga khăn gói độc hành, đi như trốn chạy những niềm riêng khó nói. Tam bỏ đi với mong muốn kiếm thật nhiều tiền để thực hiện ước mơ, Tam mong một ngày mình trở về đúng nghĩa “người con gái” được yêu và khi đứng trước người đàn ông mình yêu không phải đau khổ trong dáng hình thô ráp…
Tam đẩy gói con mèo về phía Luân, lại nhớ những ngày đông cũ, trời lạnh như cắt Luân thèm thuốc lá cứ run cầm cập, khi Tam mồi lửa, ân cần mời Luân điếu Da vàng thì Luân như khác hẳn. Luân đẹp, mái tóc bồng bềnh đổ xuống và làn khói bay lên thơm mùi va-ni làm lòng Tam mê đắm.
– Ba Luân!
Có tiếng con bé tầm tám tuổi đang đứng trước cửa gọi vào.
Tam vội chạy ra.
Đứa bé ngạc nhiên nhìn Tam.
– … Cô đây, thầy Luân còn chưa dậy.
Đứa bé trao túm mì luộc nóng hổi được cột cẩn thận trong lá chuối xanh um rồi quay đi.
Đêm qua có lẽ Luân mất ngủ, những rối rắm trong lòng với sự xuất hiện bất ngờ của Tam làm mắt anh thâm quầng.
– Tôi đi tới trường.
– Anh ăn sáng, rồi hẳn đi.
Luân bước xuống bậc đá, tiếng cup 50 nghe ục ục rồi chập sau cũng nổ giòn, phụt lại làn khói xám bay lên gờ sân nơi Tam đang đứng nhìn cho đến khi bóng Luân khuất sau rặng đồi...
Tam bước xuống triền, một mảnh vườn nhỏ nơi Luân đang trồng mấy loại rau để nấu canh. Tam xới đất, thì thầm với cỏ cây, yêu chúng vì chúng mọc lên từ bàn tay của Luân. Thứ tình cảm này có mối liên hệ vô hình, Tam nâng niu một khóm phù dung cằn cỗi nơi góc rào, “chắc là nó thiếu dinh dưỡng đây mà!”- Trong Tam sẽ không hề biết đó là nụ cười tươi thắm của Thuý mà Luân đã so sánh.
– Mình nuôi con bé đi anh, nhà người đông con quá, thật là tội nghiệp. Em rất thích con nít!
Luân sửa lại khung cửa sổ đã long chiếc đinh. Mùa đông trên ngàn trông buồn quá, làm sao Luân sống được chừng ấy năm một mình?
Hôm trước Tam vào rừng chặt được một bó lá…phải làm lại cái chái hiên đang già nua rệu rạo…
– Em ở lại hết… mùa đông nhé?
– … Còn công việc của…?
Tam dọn dẹp lại nhà cửa, nhìn thấy một chiếc hộp nhỏ được cất dưới đầu giường.
Một ngày cuối đông Tam nhẹ nhàng khoác lên cổ Luân tấm khăn choàng mà từ bấy lâu anh vẫn giữ bên mình.
Tấm khăn Luân được nhận sau những ngày u ám nhất trong đời, khi nhìn dòng chữ “tặng người tôi thương” nắn nót trên tấm thiếp, hai chữ cái L-T đan vào nhau trìu mến, chưa kịp trao tay. Món quà trong cái túi vải mà Thuý đã vỗ vỗ vào với niềm hân hoan một sáng trời mưa năm ấy.
Giờ khắc đó trong tâm thức của Luân hình như có tiếng Thuý reo vui:
– “Em có quà cho anh đây!!!!!
Luân mỉm cười.
Những mảng hoa Xuyến chi nở trắng theo triền đồi, không chút kiêu sa nhưng có sức quyến rũ làm người đi qua phải trầm trồ. Cỏ lau đang căng mình chờ ngày bung những dải lụa hồng tô điểm thêm vẻ đẹp của miền cao.
Một sáng trời xuân với chút nắng đầu ngày lung linh, Tam trở lại.
… Người con trai ngày nào giờ đứng trước mặt Luân trông dịu dàng, mái tóc uốn gợn sóng dưới đuôi được xoã ra, chiếc áo hoa màu tím trông hiền dịu. Câu nói “em thích con nít” của Tam lập lại làm lòng Luân chùng xuống. Luân nhớ giọng điệu the thé của ả Liễu ngày ấy- sau mấy ngày Tam bước ra khỏi trạm xá…
– Em sẽ ở lại đến hè sang, nhé?
– … Còn việc của… cô?! – câu hỏi thốt ra từ cửa miệng Luân là một sự chấp thuận tự nhiên không gượng ép.
Tam rưng rưng, lòng hạnh phúc vô bờ!
Hàng chữ: CẮT TÓC MIỄN PHÍ được viết lên tấm gỗ treo trước cổng thật là vui mắt. Bọn nhỏ dần dà đến ngày càng đông, Tam làm nghề tóc nên thắt bím, cài nơ cho bọn con gái rất là xinh xắn trong đó có một đứa nhỏ đã được “hợp thức hoá”, mang một cái tên thật là giao thoa giữa hai miền xuôi ngược:
Trịnh Hờ Rư.
Những phận người đi qua năm tháng cùng giấc mơ trong đời được, mất… Những chân tình xin trân giữ và mọi duyên may kết nối làm nên thứ tình thương khiến người ta ở lại, thành người một nhà.
Tam đứng trên gờ đá vào một ngày Xuân thái, bắt tay lên gọi hoà theo tiếng gió của trời:
– Cô ấy mãi là đóa hoa bất tử.
Xin cho tôi,
LÀM NGỌN CỎ TRÊN NGÀN!.
1/12/2023
Lê Mỹ Thạnh
Nguồn: Báo Văn Nghệ 2022-24
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...