Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Dư âm vọng mãi từ truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh

Dư âm vọng mãi từ truyện ngắn 
"Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh
Có lẽ, mỗi chúng ta, tất cả những người đã qua thời đi học không mấy ai là không biết câu văn: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Câu văn giản dị, mộc mạc nhưng vương vấn không thôi ấy mở đầu truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh.
Là người con xứ Huế, mảnh đất cố đô nền nã ấy đã tạo cho Thanh Tịnh một vốn văn học khá đồ sộ, phong phú từ thơ đến truyện với phong cách văn chương không thể trộn lẫn. Văn của ông thiên về cái nhẹ nhàng, dịu ngọt, man mác. Mỗi truyện ngắn giống như một bài thơ trữ tình, nhỏ xinh, lắng sâu. Quyết định cho chất trữ tình, dịu ngọt ấy có lẽ bởi “Tôi đi học”gắn liền với sự rung động, với cảm xúc tươi mới, trực tiếp của cái tôi trữ tình trước những biểu hiện đa dạng của cuộc sống - một trong những yếu tố cốt lõi của phương thức trữ tình. Hơn thế, “Tôi đi học” còn là nơi gặp gỡ, trùng phùng của những cảm xúc đã lắng thành kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời: “Hôm nay, tôi đi học” - buổi tựu trường đầu tiên. Ngay khoảnh khắc “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”những cảm xúc tuôn trào từ bên trong, những cảm xúc được chiêm nghiệm qua bao mùa tựu trường đã nảy sinh và thực sự tồn tại trong tâm tưởng. Từ đó những mảng ký ức vẹn nguyên lần lượt hiện về.
Thoạt nhìn, “Tôi đi học” có kết cấu khá lỏng lẻo, nhưng tác phẩm lại có một mạch ngầm xuyên suốt, mạch tự sự có tính hệ thống từ đầu đến cuối xoay quanh tâm trạng của nhân vật tôi. Câu chuyện không mới nhưng mạch hồi tưởng sự việc trong từng ngữ cảnh lại khác đi: câu chuyện của một cậu học trò được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường; cảnh hồi hộp nghe thầy gọi tên, lo lắng khi phải rời tay mẹ để cùng các bạn vào lớp nhận chỗ của mình và học giờ học đầu tiên. Vì vậy, men theo dòng kí ức, qua ống kính của nhân vật kể chuyện chúng ta sẽ thấy được những “mảnh” cảm xúc trong từng ngữ cảnh. Nhưng những “ký ức vụn” ấy lại làm nên một chân dung đủ đầy, rõ nét về thế giới tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên, nguyên sơ. Ký ức được kể như một sự tình cờ, tự nhiên, lối hành văn không cầu kỳ, tô vẽ, dòng cảm xúc không nhuốm màu lý trí. Tâm trạng của nhân vật trong dòng ký ức lại được hình thành, hun đúc và kết tinh từ tình yêu của mẹ, sự quan tâm của ông đốc, sự dạy dỗ của thầy giáo trẻ. Có lẽ vì thế mà khi nhớ lại kỷ niệm ấy nhân vật “tôi” đã tự sự bằng cả những niềm yêu kính. Dư âm vọng mãi của câu chuyện còn được quyết định nhờ khả năng biểu đạt tuyệt vời của hệ thống từ láy. Trong truyện ngắn “Tôi đi học”, nhà văn Thanh Tịnh đã sử dụng 46 lượt từ láy. Sự hài hòa của hệ thống từ láy được thể hiện ở tất cả các khoảnh khắc. Trên con đường làng “đã quen đi lại lắm lần” nhưng trong “buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” ấy bỗng thấy “bỡ ngỡ”, lạ lẫm, “mơn man” cả hình, trí, tâm. Vì “hôm nay tôi đi học”!. Ngoài ra, chúng ta không thể không chú ý đến ba từ láy: “bàng bạc”, “nao nức”, “mơn man” rất biểu tả và biểu cảm. Sự kiện “đi học” đối với một cậu bé nông thôn ngày xưa là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt của tuổi thơ. Chính vì vậy mà có biết bao là nôn nao, náo nức và trang trọng trong chiếc áo vải dù đen dài tươm tất, hai quyển vở mới tinh trên tay đi bên sự âu yếm của mẹ; từ cái nắm tay cho đến ánh nhìn trong buổi tựu trường đầu tiên của cuộc đời: “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Thế giới tuổi thơ đi học ai cũng từng trải qua nhưng không phải nhà văn nào cũng viết thành công về những xúc cảm ấu thơ đó với tất cả sự dịu dàng, trong sáng và khát vọng vươn tới chân trời rộng mở. Tài tình của Thanh Tịnh là đã chuyển đến cho mỗi chúng ta tâm trạng “lúng túng”, “run run” của mấy cậu học trò nhỏ khi nghe hồi trống điểm và được gọi tên vào lớp. Cảm giác “chơ vơ” rời bàn tay người thân đã khiến những giọt nước mắt trong trẻo đầu tiên của thời học sinh lăn trên má: “Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ”.Nhà văn đã ghi lại rất đắt thế giới cảm giác “rụt rè” của một đứa trẻ khi đã yên tâm ở trong không gian mới mẻ của lớp học với một niềm tin rất trẻ thơ nhưng rất thực: “trưa nay được về nhà và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa”. Thật thú vị khi những đứa trẻ đó vừa mới đây thôi cảm thấy mình “trang trọng và đứng đắn” bây giờ lại khóc, từ ôm mặt khóc đến nức nở khóc theo rồi tiếng thút thít. Đó vừa là sự lưu luyến với người thân lại có phần tiếc nuối với những ngày cùng lũ bạn “đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm”. Khi không còn mẹ bên cạnh để dựa dẫm nữa, cậu bé bắt đầu khám phá thế giới lạ lẫm mà “hay hay” để đi đến sự “quyến luyến” non nớt với bức tranh trên tường phòng học, với bàn ghế, chỗ ngồi, với “người bạn tí hon ngồi bên”, với “thầy tôi” - “một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười”… Cả một thế giới tâm trạng trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên được ngòi bút lãng mạn của nhà văn Thanh Tịnh phác họa tinh tế và tài tình. Ai cũng có thể tìm thấy kỷ niệm của mình trong áng văn này, một truyện ngắn nghiêng về tùy bút, một tùy bút đậm chất trữ tình. Trong tác phẩm này có nhiều từ láy được xuất hiện nhiều lần như “lúng túng” (bốn lần); “rụt rè” (ba lần); “cẩn thận”, “âu yếm” (hai lần). Ngoài ra, những từ láy “nao nức”, “tưng bừng”, “rộn rã”, “vẩn vơ”, “bỡ ngỡ”, “dềnh dàng”, “run run”, “rộn ràng”, “sung sướng”, “lưu luyến”, “nức nở”, “thút thít”, “ngập ngừng”, “vụng về”, “thèm thuồng”, “lẩm nhẩm”… đã biểu đạt thành công những trạng thái, tâm trạng, cảm xúc mong manh, chưa định hình, khó gọi tên của thế giới tâm hồn trẻ thơ.
Trong hệ thống từ láy mà nhà văn Thanh Tịnh sử dụng, bên cạnh những từ tượng hình để miêu tả hình ảnh, động thái, màu sắc, ánh sáng (như “bàng bạc”, “quang đãng”, “trang trọng”, “đứng đắn”, “tươm tất”, “nhí nhảnh”, “sạch sẽ”, “sáng sủa”…), một số ít từ láy tượng thanh gợi âm thanh (như “nức nở”, “thút thít”) còn thì đa số là những từ láy biểu đạt tâm trạng, mà đó lại là những tâm trạng rất khó diễn tả một cách rõ ràng, rạch ròi, tâm trạng trẻ thơ lần đầu đi học - một dấu mốc khó quên trong cuộc đời mỗi con người. Bên cạnh việc xây dựng và sử dụng hệ thống từ láy mang tính biểu cảm cao chúng ta không thể không kể đến sức biểu đạt tuyệt vời của những hình ảnh so sánh độc đáo. Có ba hình ảnh đặc sắc xuất hiện ở 3 thời điểm khác nhau trong dòng hồi tưởng: “… Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”, “… Ý nghĩ ấy thoáng qua nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”, “Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”… Đó là những hình ảnh so sánh đẹp đẽ, trong trẻo với những hình ảnh tươi mát của thiên nhiên góp phần thể hiện rõ hơn tâm trạng của nhân vật. Nhà văn đã thật sự dụng công trong việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, đặt vào những vị trí đắc địa để diễn tả uyển chuyển thế giới tâm trạng, cảm xúc của điểm khởi đầu tuổi hoa niên.
Có thể nói, tất cả những yếu tố đó đã làm nên dư âm của tác phẩm, khẳng định cả phong cách văn chương Thanh Tịnh, “gợi cảm, đằm thắm và trong sáng”. Và “Hàng năm cứ vào cuối thu...” trang viết của nhà văn sẽ lại cứ ngân nga, trầm bổng mãi trong lòng người đọc.
Dương Thị Huyên
Theo http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết cho Võ Phi Hùng, viết cho ngọn đèn dầu đã tắt

Viết cho Võ Phi Hùng, viết cho ngọn đèn dầu đã tắt Suốt đêm thứ hai 14-11-2011 tôi không chợp mắt được. Bình thường tôi có thói quen lên giư...