Ai đã từng đi qua triền sông tuổi thơ, những ngày sông còn rất
xanh, còn trong veo thuần khiết hẳn sẽ nhớ da diết những bờ lau sậy rung rinh cờ
trắng xóa trong gió sông miên man. Áng mây trắng đùn vảy cá trên vòm trời chiều,
mấy trảng dừa nước nơi này khơi động tâm tư, làm ta nhớ về quê Cù Lao Tây mình
quá. Nhớ những buổi trưa hè oi ả, nguyên đám con nít trong xóm trên hai chục đứa
cả trai lẫn gái ào xuống bến sông chơi trò đánh trận giả, toán trên bờ, toàn nấp
sau những bụi đế, sậy. Lại nhớ cơn mưa nhẹ đầu hè, dế dưới ruộng lẩn trong đất
vừa cày xong cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu. Đuổi bắt dế trên đồng, đánh trận
giả dưới bến lau sậy, chơi lò cò trong sân, đuổi bắt nhau trong vườn, đâu đâu
cùng đượm đầy kỷ niệm tuổi thơ…
Tuổi thơ vụn dại, ngây thơ lớn lên với ngàn lau phất phới bến
sông. Nhớ những mối tình thơ thuần khiết, ngây ngô của chúng bạn khi thầm
thương trộm nhớ nhau y chang như bài hát “Hương Thầm” (Thơ của Phan Thị Thanh
Nhàn, nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc cùng tên). Ngước nhìn về quá khứ, ngàn lau sậy
trắng xóa cả một triền sông quê. Trong gió chiều vi vu, ngàn lau sậy của bọn trẻ
nhu thầm thì ngọt ngào, tha thiết. Bây giờ, xóm cũ đã thay đổi nhiều. Ngàn lau
sậy đã không còn. Những trận đòn sóng mạnh vỗ ngoạm lấy bờ, cát chân bị hút
ngày đêm làm cho bờ tường thành đế sậy của tuổi thơ bị hạ sập, cuốn trôi chìm
xuống lòng sông…
Vùng sông nước hữu tình bị phá vỡ, ký ức tuổi dại chịu xói
mòn. Chơi vơi kẻ ly hương trong một sáng mùa xuân lang thang bến sông xưa tìm kỷ
niệm, chỉ thấy vùng nước trắng mênh mông, lau sậy, bãi sông và bạn cũ về đâu!
Nhà nội tôi xoay hướng nhìn ra một sông lớn, một bên lở một bên bồi. Bến sông
nhà nội trước kia có nhiều bụi lau sậy, bụi đế mọc san sát như những người chiến
binh giữ bờ bến khỏi những con sóng dữ vỗ bờ. Chúng mọc ngay sát mớn nước, tràn
dưới lòng bến. Mấy đêm mùa thu, dưới trăng thanh chiếu thẳng hướng từ bến sông
bên kia sang, bụi sậy lúc nào cũng rung rinh, rì rào, khi thì vì nước chảy xiết,
khi thì hứng gió mát rượi mơn man. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây
bay theo chiều gió, vào khi ngọt ngào và mỹ miều nhất, rút lui, buông bỏ vào
lúc vinh quang nhất khiến người đứng ngắm phải ngẩn ngơ nhớ tiếc. Đôi lúc nghĩ,
kẻ du mục cũng như hàng lau sậy dám và được rời đi nhẹ nhỏm như cái bông sậy nhỏ
nhoi này…
Tha hương, thấy lau sậy là nhớ căn nhà lá của bà năm Trầu mỗi
khi bà câu cá lòng tong. Căn chòi lá nép dưới rặng dừa mọc trên con đường quê
sát mé sông quanh năm trĩu quả. Ai đó khi viết lên đôi dòng này là lại nhớ về
quê cũ, là khi cả một miền ký ức ùa về.
Hồi nhỏ, ông Bảy thường kể chuyện đời xưa cho con cháu trên
chiếc võng bện bằng sợi bố giăng trên hai cây me. Cái giọng ồm ồm của ông ấm áp
lạ thường. Chuyện đời xưa thì có biết bao chuyện hay nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ
nhớ câu chuyện trận cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành
hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc
thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập,
tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập
đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế.
Sau này khi đi học xa, tôi có dịp đọc sâu hơn câu chuyện Đinh
Tiên Hoàng trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Vua mồ côi cha từ
bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn
trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn
ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu
khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi,
thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng
ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn
nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt
làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn
con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông
chống đánh với vua.
Bấy giờ, vua còn
ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương
Loan, cầu gãy, vua rơi
xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng
hộ vệ vua, nên sợ
mà lui. Vua thu
nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục,
phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”
Dường như theo những câu chuyện như vậy, và hình ảnh bờ lau
nên thơ ngày xưa đã in đậm trong tâm trí tôi, đến độ nó dễ dàng được tán nhuyễn
vào những hình ảnh khác, những câu chuyện khác. Mỗi khi có dịp nào đi qua chỗ
nào đầy lau sậy, tôi lại nhớ một chú bé khí phách cho đến anh hùng Vạn Thắng
Vương.
Vậy đó, lau sậy là một phần của quê nhà, với những gì thân
thuộc, trong đó có những chuyện kể của những ông cụ, bà cụ đã đi vào tiềm thức,
định hình nhân cách, lối sống. Sau này có dịp đi nhiều nơi, giữa đất khách quê
người, tình cờ bắt gặp những bờ lau sậy, cũng hoa màu khói, nỗi nhớ quê càng da
diết.
Bây giờ, sống cũng ven sông, cũng cù lao sóng vỗ đôi bờ Thới
Sơn đầy những trảng dừa nước, chẳng có mấy dịp để thấy lau sậy nữa. Không ít lần
thấy loài hoa dại này được tẩy trắng, nhuộm đỏ, nhuộm vàng để bán trong những dịp
lễ lộc trên đường phố, tôi thấy nhớ vẻ đẹp tuyệt vời của những bông lau sậy
ngày xưa của tuổi thơ tôi. Vì vậy, bất cứ ở đâu, với tôi, lau sậy cũng đã thành
miền, một miền ký ức, một miền quê hương. Sắc trắng tinh khôi của bông cỏ hòa
quyện vào làn khói lam xế chiều tạo nên vẻ đẹp nên thơ cuốn hút.
Thế đó, cả tuổi thơ tôi ở làng cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy
bờ sông nắng gió. Những mùa khô, tụi nhỏ đi đốt sậy hai bên đường, lúc cháy
chúng nổ giòn tan như pháo, tàn tro bay tao tác giữa lưng trời, khói quăng quật
giữa gió làm mắt mũi đứa nào cũng ràn rụa.
Lau sậy ngày xưa ơi gần lắm, quyện lấy làng quê yêu thương, bảo
bọc con người ven sông, nhưng lau sậy thì cực kỳ cô đơn. Mùa nối mùa chẳng người
nào ngó ngàng tới. Một năm chỉ một lần, lúc thân sậy già, ngã màu vàng, rám nắng,
người làng mới đi lựa đám sậy tốt nhất, chặt về vài bó, dìm dưới lạch, đợi sa
mưa ôm lên đồng cặm gò sạ lúa. Sậy còn tươi mà đem cắm lên đất thì lúa chưa
xanh thân sậy đã mọc nhánh rồi. Cứ sống mãnh liệt vậy, nên những thân sậy người
ta dùng dây bện chặt thành những tấm đăng rào nhốt gà, vịt hay ven dưới sông
đón bắt tôm, cá. Vậy đó, tôi yêu những triền lau sậy, yêu chúng bới sự tha thiết
sống, bất chấp sự nói năng, ghét bỏ của người đời lau sậy cũng trổ bông...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét