Tình yêu có lẽ luôn là một đề tài muôn thưở của
con người, và không ai có thể thay đổi được quy luật yêu thương lẫn nhau giữa
những người khác giới. Nhưng việc thể hiện tình cảm của mình đối với người mình
yêu thì rất đa dạng, và luôn luôn được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển
của xã hội. Đối với Trịnh Công Sơn, tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác
phẩm của ông, trên 600 ca khúc, và phần lớn là các bản tình ca. Như nhạc sĩ
Thanh Tùng nhận xét thì Trịnh Công Sơn là “người Việt viết tình ca hay nhất thế
kỷ”, còn nhà thơ Mai Linh thì nói về nhạc tình của Trịnh: “Bài hát nào của Trịnh
cũng là Diễm tình cả, Sơn là một cuốn bách khoa thư về tình yêu, là cuốn từ điển
nhấp nháy những ký tự về tình yêu… Vì sao Sơn viết về tình yêu? Vì tình yêu
chính là liều thuốc an thần của nhân loại. Và những vui buồn, thân phận thì con
người ở nơi nào cũng giống nhau. Sơn đã nói những tiếng thì thầm ấy, với khả
năng biến cảm mãnh liệt của mình. Và Sơn đã gặp được người nghe nhiều thế hệ”.
Bút tích kiệt tác "Diễm Xưa"
của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Diễm là một người con gái có thật trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn. Tình yêu và nỗi hoài nhớ về Diễm là nguồn cảm hứng ra đời của ca khúc
“Diễm xưa”. Hồi ức được đăng trong thế giới âm nhạc tháng 3 năm 1997 Trịnh Công
Sơn có kể rằng:của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
“Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những
hàng cây long não lá li ti xanh mướt, để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều
ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây
long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve
râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt
nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt... Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi
ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban
công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi
ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ
chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ
đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm
thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ
cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những
ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ”.
Tà áo dài của nữ Sinh trường Đồng Khánh đã làm
xao xuyến trái tim nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Qua những tư liệu và lời kể của chính nhạc sĩ, người ta biết
tình yêu của Trịnh Công Sơn là cô nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) có tên Ngô Thị
Bích Diễm (có bản ghi là Ngô Vũ Bích Diễm chị gái của cô Ngô Vũ Dao Ánh sau này
cũng là người yêu của Trịnh công Sơn) - một thiếu nữ xinh đẹp mảnh mai, con một
vị giáo sư dạy Pháp văn. Đó là một mối tình có tính thần tiên, hầu như là vô vọng,
và hàng ngày từ căn gác trọ của gia đình, Trịnh Công Sơn vẫn mơ mộng ngắm nhìn
người con gái trong tà áo dài nữ sinh đi bộ dọc theo bờ sông Hương, qua cây cầu
Phủ Cam đến trường Đồng Khánh.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Thật ra, mưa dễ nhắc con người đến những kỷ niệm buồn của đời
sống. Như những cơn mưa bay nghiêng trên tầng tháp cổ, nhắc con người ta về những
cơn đau vùi lúc nhớ người yêu… Ngày yêu Diễm thì Trịnh Công Sơn vẫn đang còn trẻ
lắm. Và trái tim cháy bỏng của lứa tuổi đôi mươi luôn kháo khát yêu và được yêu
nên những khoảng lặng, và nổi nhớ đã được anh viết thành kiệt tác:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Mưa, nhất là mưa mùa thu là khung cảnh luôn gợi cho ta nỗi buồn.
Trịnh Công Sơn ngắm những hạt mưa bay và nhớ đến người yêu của mình, một mối
tình thầm lặng, đơn phương, cô gái hàng ngày đi qua đây dưới mưa, dưới nắng và
cứ vô tình đi qua, đi xa và rồi sự trông theo của Trịnh Công Sơn chỉ còn lại một
hàng cây long não màu xanh phủ lên con đầy đường nhớ nhung. Con đường mà từ lâu
đã trở thành một lối mòn trong tâm hồn tác giả. Nhưng hôm nay nó trở nên dài
hun hút. Khung cảnh đó đã làm cho con người ta cảm giác đến một chiều sâu của sự
cô đơn và chờ đợi… Sự mong ngóng để được gặp, được ngắm nhìn người mình yêu. Và
rồi những ngày mưa, những ngày người ấy không về qua lối cũ. Trịnh Công Sơn đã
viết:
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Buổi chiều rồi, trời vẫn mưa... Trịnh Công Sơn ngồi ngóng những
chuyến mưa qua hay là chỉ trông ngóng một bước chân ai? Rồi bất chợt Anh nhận
ra rằng người con gái ấy không xuất hiện mà con đường chỉ có lá thu rơi và che
khuất đi cái lối mòn nhỏ bé kia:
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.
Anh xót xa khi Diễm hôm nay không tới… Hay đấy là sự tự trách
mình vậy?. Trách mình của sự nhút nhát cho một mối tình đơn phương. Và kèm theo
đấy là sự nuối tiếc vì đã không kịp nói ra, hay không dám nói ra... để ai đó có
thể cảm nhận sự ngọt ngào của tình yêu. Và rồi nỗi buồn trong cơn mưa ấy:
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Chiều nay anh vẫn đợi… Nhưng: sao em không lại? Để
rồi: Nhớ mãi trong cơn đau vùi… Sự trống vắng ấy đã biến thành nỗi
đau cào xé trong tâm hồn anh! Phải chăng anh đã quá mơ mộng, tình yêu đơn
phương với khao khát được gặp người mình yêu đã biến anh thành một người hoang
tưởng, cố chấp. Không, anh vẫn còn tỉnh táo đấy chứ. Anh vẫn còn tỉnh táo để kịp
nhận ra rằng: Làm sao có nhau… Nếu Diễm không lại thì làm sao anh có
cơ hội để gặp, để được thổ lộ tình yêu với Diễm đây! Và nỗi đau ấy trong anh lại
tăng và: hằn lên nỗi đau… Với một sự cầu xin trong vô vọng: Bước
chân em xin về mau.
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du.
Làm sao em biết bia đá không đau
Thời tiết ở đất Huế thật đặc biệt, trời mưa thì cứ dai dẵng
mà.. Chẵng vậy mà ngày xưa Nguyễn Bính đã từng viết: Giời mưa ở Huế sao buồn
thế - Cứ kéo dài ra đến mấy ngày… Và những cơn mưa dai dẵng ấy đã làm
tăng thêm bao nỗi niềm thương cảm, kéo đất trời như dãn rộng ra, nhưng lại mịt
mờ trong cả thực tế và trong tâm tưởng! Trịnh Công Sơn nghe mưa rơi để thấy đời
biển động. Thế nhưng, càng trông xa hơn, sâu rộng hơn, càng bao nhiêu trông
ngóng thì càng tăng thêm bấy nhiêu thất vọng! Diễm làm sao biết được rằng, nơi
đó có một người thầm yêu trộm nhớ mình để mà quay trở lại. “Xin hãy cho mưa qua
miền đất rộng. Để người phiêu lãng quên mình lãng du” Trịnh Công Sơn lại ao ước
làm sao cho cơn mưa đó đi qua, đi đến nơi Diễm ở và nhắc nhở Diễm rằng: nơi
đây, như những ngày mưa ấy, anh vẫn chờ, chờ Diễm đến để quên mình lãng du…
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau.
Vâng anh lại vẫn nghe và thấy mưa bên đời biển động. Câu hát
được lặp lại như biển đang trào dâng lên tiếng sóng, và cơn sóng sau lại cao
hơn cơn sóng trước… Làm sao em biết bia đá không đau? Câu hỏi như khơi dậy
tư tưởng vạn vật nhất thể. Tác giả nghĩ đến những bia đá lạc loài, có lẽ lúc ấy
anh cũng nghĩ đến những mảnh đời buồn thảm, anh cảm thông cho bia đá hay cảm
thông cho nỗi đau của chính mình vậy?
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Và anh lại mong cơn mưa ấy mang lời nhắn của anh đến bên người
yêu, đến bên miền đất rộng rằng: dù cho thế nào đi nữa thì tình yêu của Trịnh
dành cho Diễm vẫn không hề thay đổi. Và anh vẫn chờ đợi, chỉ mong Diễm hiểu một
điều rằng: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Thật là một ý nghĩ phi thường.Tình
yêu ấy của Trịnh Công Sơn dành cho Diễm cũng vậy. Là lời kết cũng là lời nhắn
nhũ của anh đến Diễm như một biểu tượng, một sự vĩnh cữu của tình yêu mãi mãi với
thời gian. Đến sỏi đá cũng cần có nhau thì huống chi là con người, có trái tim
tình cảm, có lý trí.
Diễm Xưa làm cho người nghe cảm nhận được mối tình sâu của cố
nhạc sĩ, người nghe sẽ nhớ rất lâu. Tôi nghe "Diễm Xưa" trong một buổi
chiều mưa tan tác, một buổi chiều mưa bải hoải cả tâm hồn khi nhớ người yêu... ngắm mưa tí tách gõ đều trên mái tôn nghe não lòng một nỗi buồn man mác, mưa
rơi đều mướt xanh ngọt cỏ, se sắt nỗi nhớ mông lung trong cuộc đời vô thực. Mọi
thứ cứ nhập nhoạng, bồn chồn, khắc khoải, nhớ thương. Và tôi cảm nhận được rằng
Diễm Xưa cũng thế, cũng thật lạnh, thật buồn và day dứt một niềm đau vô tận… Đấy
là kết quả mối tình dang dở của cố nhạc sĩ, không có mối tình dang dở ấy, người
nghe đã không có cơ hội thưởng thức tác phẩm đẹp lộng lẫy có tên “Diễm xưa”.
Quản Trọng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét