Dáng hình phụ nữ "Mờ nhân ảnh"
Có nhiều bóng hồng xuất hiện trong ca khúc của Trịnh Công
Sơn, chung dáng vẻ mong manh, gần gụi mà xa xôi, thực mà hư ảo.
Trong một lần được hỏi về những phụ nữ bên đời Trịnh Công
Sơn, Khánh Ly tâm
sự: "Trịnh Công Sơn vốn rất thích phụ nữ để tóc dài, có bờ vai gầy...
Nhạc sĩ từng kể với tôi rằng ca khúc Như cánh vạc bay được sáng tác
khi ông đi chơi với người yêu - một cô gái để tóc dài - bên bờ suối ở Cam Ly
(Đà Lạt)". Có lần Khánh Ly giận chồng mà cắt tóc ngắn, khi gặp nhau, Trịnh
Công Sơn hờn trách: "Anh không muốn gặp người điên".
Đời cũng như nhạc. Những cô gái tóc dài, có bờ vai gầy trở đi
trở lại trong nhiều ca khúc của họ Trịnh: "Gọi nắng/ Trên vai em gầy đường
xa áo bay" (Hạ trắng), "Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa
xôi" (Như cánh vạc bay)... Phụ nữ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn như một bức
họa với những đường nét phác thảo đầy mảnh mai, phóng khoáng. Họ không hiển hiện
cụ thể mà chỉ ở một nét dáng hình, mái tóc, bờ vai, ngón tay, mùi thơm, bước
đi: "Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai/ Tìm trên non ngàn một cành hoa
khôi/ Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối/ Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới"
(Đóa hoa vô thường)...
* Khánh Ly hát "Diễm xưa" trong băng "Sơn ca
7" năm 1974
Họ cũng không có tên gọi. Một trong số người hiếm hoi được gọi
tên là Diễm trong Diễm xưa (bên cạnh Bống). Ca khúc được nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn viết năm 1960, phát hành trong băng nhạc Sơn ca 7. Nguyên
mẫu là bà Ngô Thị Bích Diễm, nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế). Thế nhưng, nếu
Diễm có thể là một định danh thì tính từ "xưa" lại khiến cho Diễm trở
nên hư ảo. "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt
xanh xao (...) Trên bước chân em âm thầm lá đổ/ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót
xa". Làm sao biết được Diễm có thực hay chỉ là một ảnh hình trong mường tượng. Chính
Trịnh Công Sơn cũng từng ví cuộc tình với Diễm ở ngoài đời đầy liêu trai, nửa
thực nửa mơ.
Những người phụ nữ của Trịnh Công Sơn cũng như tự nhiên. Là nắng,
mưa, mùi hương, dòng suối, áng mây, đốm lửa, cơn gió... tưởng như trước mắt đó
mà không thể nào nắm bắt, không thể nào lưu giữ. Nhạc sĩ không ít lần so sánh
phụ nữ với bông hoa, mùi hương... "Ta mang cho em một đóa quỳnh/ Quỳnh
thơm hay môi em thơm/ Ta mang cho em một chút tình/ Miệng cười khúc khích trên
lưng" (Quỳnh hương), "Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho
tay mềm" (Nắng thủy tinh), "Nắng có hồng bằng đôi môi em?/ Mưa có buồn
bằng đôi mắt em?/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh" (Như
cánh vạc bay), "Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng" (Ru đời
đi nhé), "Em đến bên đời hoa vàng một đóa/ Một thoáng hương bay bên trời
phố hạ/ Nào có ai hay ta gặp tình cờ/ Nhưng là cơn gió em còn cứ mãi bay
đi" (Hoa vàng mấy độ)...
* Hồng Hạnh hát "Hoa vàng mấy độ"
Phụ nữ với thiên nhiên trong ca khúc của Trịnh Công Sơn như
hòa làm một. Nếu coi thiên nhiên là khởi thủy của sự sống muôn loài thì phụ nữ
trong nhạc Trịnh cũng được ông xem như khởi thủy của sự sống, tình yêu, buồn
vui, hờn giận của cõi người. "Nắng có còn hờn ghen môi em?/ Mưa có còn buồn
trong mắt trong?/ Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng" (Như cánh vạc
bay), "Em đến bên đời hoa vàng rực rỡ/ Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ/
Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù" (Hoa vàng mấy độ)...
Những cô gái của Trịnh Công Sơn cũng như một bài thơ. Đọc thì
hay mà đố sờ vào, chạm vào, cắt nghĩa được rõ ràng chứ đừng nói túm cái tay hay
chạm mái tóc. Trong Đóa hoa vô thường, ông viết: "Tôi mời em về đêm gội
mưa trăng/ Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm"... Dường như chẳng chút nhục
dục, trần thế nào vướng bận trong con mắt của kẻ si tình. Nên thi nhân vẫn tha
thiết: "Làm sao có nhau/ Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau" (Diễm
xưa). "Em" vẫn là một hình bóng mờ nhân ảnh: "Ôi áo xưa em là/ Một
chút mây phù du/ Đã thoáng qua đời ta" (Đóa hoa vô thường), "Một cõi
bao la ta về ngậm ngùi/ Em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui" (Hoa
vàng mấy độ)...
* Hồng Nhung hát "Đóa hoa vô thường"
Trịnh Công Sơn yêu và thương phụ nữ. Ông trân trọng, nâng niu
họ như nâng niu cánh hoa, mùi hương - những thứ mong manh nhất trên đời. Ông
dùng nhiều tính từ chỉ sắc thái nhẹ nhàng: "hồng", "thơm",
"mềm", "xanh", "nhỏ"... dành cho họ. Trước những
điều như thế, ai mà chẳng muốn cẩn trọng, muốn yêu thương. Ông đếm thời gian
trên tuổi người phụ nữ trong ca khúc Còn tuổi nào cho em bằng những
nét phác tinh tế. Qua tuổi hồn nhiên "tay măng trôi trên vùng tóc
dài", qua tuổi "vừa thoáng buồn áo gầy vai" là dáng hình của một
con người ngồi khóc khi đi hết thời gian của đời người: " (...). Bàn tay che
dấu lệ nhòa/ Ôi buồn/ Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu". Rõ ràng, có
gì đó như là xót xa, như là thương.
Không chỉ viết về phụ nữ, ca từ của Trịnh Công Sơn giàu tính
nữ: suối, nước, mây, gió, dòng sông... Tất cả đều mang tính mềm mại, uyển chuyển,
khó nắm bắt. Có lẽ với nhạc Trịnh, nữ là khởi thủy, là mạch nguồn chảy dọc suốt
hai bờ thân phận và tình yêu, "nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu
chuộc thân phận trên cây thập giá đời” - như ông từng mong mỏi.
Anh Sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét