Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Nắng thủy tinh dưới mắt Trịnh Công Sơn

Nắng thủy tinh dưới mắt Trịnh Công Sơn 
Nắng thủy tinh, một tình khúc Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1963, nghĩa là lúc nhạc sĩ này mới 24 tuổi. Con mắt thủy tinh trong suốt của người tuổi trẻ tài hoa nhìn thế giới thật khác hẳn so với cái nhìn của những cặp mắt mỏi mòn xưa cũ thường thấy. 
Màu nắng hay là màu mắt em 
Mùa thu mưa bay cho tay mềm 
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm 
Rồi có hôm nào mây bay lên 
Vạn vật chung quanh bỗng dưng bừng sáng. Trần gian bể khổ bỗng chốc tươi vui. Thế giới ảm đạm hóa thành sinh động bất ngờ. 
Ngạc nhiên hoán đổi ánh nắng ngoài trời với ánh mắt tình nhân trong lòng, ngơ ngác gán ghép cái dịu dàng của bàn tay với cái mềm mại của mưa thu…, quả thật cái cách nhìn nghiêng nghiêng qua thềm nghệ sĩ ấy của Trịnh Công Sơn đã làm cho toàn cõi u ám ta bà trần tục nặng nề trong ta cũng biến thành làn mây trắng an bình và nhẹ nhỏm bay lên. 
Lùa nắng cho buồn vào tóc em 
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền 
Ngày xưa sao lá thu không vàng 
Và nắng chưa vào trong mắt em 
Nắng đã làm đẹp đôi mắt em ở đoạn trên, rồi nắng lại làm buồn mái tóc em ở đoạn kế tiếp. Nói rằng buồn mà chẳng cảm thấy buồn. Chỉ thấy lấp lánh thêm một mái tóc reo vui trong nắng. 
Mưa đã làm mềm bàn tay người bữa trước, rồi mưa có lẽ lại gây ưu phiền vì bàn tay xanh xao bữa hôm sau. Nói rằng ưu phiền mà chẳng cảm thấy ưu phiền. Chỉ thấy lòng tuổi trẻ bâng quơ thắc mắc về lá vàng thu. Nắng mưa, ấm lạnh, vui buồn…, tất cả đều trở thành những tố chất tự nhiên nuôi dưỡng tâm hồn tuổi trẻ hồn nhiên vô ngại. 
Em qua công viên bước chân âm thầm 
Ngoài kia gió mây về ngàn 
Cỏ cây chợt lên màu nắng 
Em qua công viên mắt em ngây tròn 
Lung linh nắng thủy tinh vàng 
Chợt hồn buồn dâng mênh mang 
Tuổi trẻ suy tư trong sáng, tâm hồn chưa nhiễm độc lục trần, nên hân nhiên vui chơi giữa đời như người giác ngộ, thong dong một cách tự nhiên. 
Người lớn càng “lớn khôn” càng nhiễm độc, tinh thần tù túng lùng bùng trong lý lẽ từ chương, sinh hoạt hằng ngày trì nặng theo tập quán hủ lậu, cho nên dễ thấy người lớn bận bịu tất bật, dai dẳng không dứt, tham lam truyền tiếp tham lam, sân hận níu kéo sân hận, gây bất ổn cho chính mình và gây hệ lụy tới chung quanh. 
Người tuổi trẻ thong dong đi qua công viên cuộc đời, tự nhiên vui chơi với mưa nắng, và tự nhiên buồn mênh mang với gió ngàn. Tuổi trẻ nhìn cuộc đời thơ mộng, sống động, tin tưởng. Người lớn nhìn cuộc đời rối rắm, uể oải, hoang mang (mà cứ làm ra vẻ khôn ngoan). Có những người lớn suốt đời yên thân làm người lớn. Cũng có những người lớn ý thức thân tâm nô lệ mê muội này, tự giải cứu tâm hồn mình bằng cách hóa thân thành người tuổi trẻ, chu du vô ngại giữa hồng trần mà không bị nhiễm bẩn hồng trần, như trong một bài thơ Bùi Giáng xuất thần viết về bước sống đích thị là sống của Nguyễn Du: “Nam Hải Điếu Đồ, kỳ tâm tịch tĩnh, trụ vô ngại xứ, tâm du hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần”. 
Chiều đã đi vào vườn mắt em 
Mùa thu qua tay đã bao lần 
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng 
Để nắng đi vào trong mắt em 
(Màu nắng bây giờ trong mắt em) 
Tình yêu bắt đầu mật ngọt, là nhờ tình yêu xuất phát từ trái tim ngọt ngào vô ngại của người tuổi trẻ. Thiên nhiên bắt đầu mật ngọt, là nhờ thiên nhiên được ngắm nhìn từ đôi mắt vô ngại của người tuổi trẻ. Thế giới bắt đầu mật ngọt, là nhờ thế giới được chiêm ngưỡng bằng tâm hồn vắng lặng vô ngại, và rồi tái hiện lên bên trong vườn mắt thủy tinh của người tuổi trẻ.
Tháng 8/2012 
Nguyễn Quang Thạnh
Theo https://static.secure.website/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết cho Võ Phi Hùng, viết cho ngọn đèn dầu đã tắt

Viết cho Võ Phi Hùng, viết cho ngọn đèn dầu đã tắt Suốt đêm thứ hai 14-11-2011 tôi không chợp mắt được. Bình thường tôi có thói quen lên giư...