Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919, trong một gia đình nhà
nho nghèo gốc nông dân dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn
sông La) ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là
xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ngày sinh hiện nay là do ông cậu của
ông khai khi vào học ở Huế, còn ngày sinh chính xác là ngày 29 tháng Chạp năm
Bính Thìn (dương lịch là ngày 22 tháng 1 năm 1917).
Ông lúc nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài
Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng,
ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu.
Từ 1942 ông tham gia phong trào sinh viên và mặt trận Việt
Minh. Tháng 8/1945 ông dự hội nghị quốc dân tại Tân Trào và được bầu vào ủy
ban cứu quốc, sau đó là chính phủ cách mạng lâm thời. Sau cách mạng tháng 8/1945 ông được cử giữ các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng của chính phủ Việt Nam
dân chủ cộng hòa và sau này là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1984 ông
giữ chức vụ ủy ban trung ương liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Năm 1996 ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Trước cách mạng tập thơ tiêu biểu của ông là tập “Lửa thiêng”
1940. Tập thơ thể hiện một nỗi buồn mênh mang, da diết mà Hoài Thanh gọi là một
“Hồn thơ ảo não”. Ngoài ra ông còn có tập thơ “Vũ trụ ca” và tập văn xuôi “Triết
lý kinh cầu tự”. Sau cách mạng tháng Tám thơ ông thể hiện niềm vui và niềm tự
hào trước cuộc sống mới, đất trời mới. Các tập thơ tiêu biểu gồm “Trời mỗi ngày
lại sáng” 1958, “Đất nở hoa” 1960, “Bài thơ cuộc đời” 1963, “Chiến trường gần đến
chiến trường xa” 1973, “Ngày hằng sống ngày hằng thơ” 1975, “Ngôi nhà giữa nắng”
1978, “Và hạt lại gieo” 1984.
Ngoài những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước,
Huy Cận còn là nhà hoạt động quốc tế năng động với nhiều đóng góp lớn. Ông từng
là đồng Chủ tịch Ðại hội nhà văn Á Phi họp ở Ai Cập (02-1962), đồng Chủ tịch Ðại
hội văn hóa toàn thế giới họp tại Cu Ba (01-1968), Ủy viên Hội đồng chấp hành
Unesco (1978-1983), Ủy viên Hội đồng cao cấp các nước nói tiếng Pháp.
Huy Cận có năng lực cảm nhận cuộc sống thật đặc biệt, có thể
nghe được từ những biểu hiện tinh vi của tạo vật đến những biến đổi lớn lao
trong vũ trụ vô cùng vô tận. Ðây là nhà thơ có “cái nghiêng tai kỳ diệu”(Xuân
Diệu). Huy Cận cảm nhận được trọn vẹn từ những mùi vị dân dã của đất đai đồng
ruộng đến lời ru của gió, nhịp thở của biển, để rồi nói lên linh hồn của cảnh sắc
thiên nhiên bằng giai điệu trong trẻo, dễ rung động lòng người.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Huy Cận:
Trước 1945: Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca (1942), Kinh cầu tự
(văn xuôi triết lý, 1942).
Sau 1945: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Ðất nở hoa (1960),
Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (1967),
Những năm sáu mươi (1968), Cô gái Mèo (1972),
Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973),
Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Hạt lại gieo (1984),
Huy Cận là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn tầm cỡ thế giới. Tuy
am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc
dân tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai
điệu du dương, khiến cho tiếng thơ - những khi đạt đến độ thuần thục - rất dễ
đi vào lòng người. Thể thơ lục bát truyền thống, thể thơ năm chữ của dân ca Nghệ
Tĩnh - trong tay Huy Cận - vừa mộc mạc chân tình vừa lắng đọng, hàm súc; sắc
thái biểu hiện được phát huy rõ rệt. Chất suy nghĩ bàng bạc khắp các tứ thơ.
Hình ảnh thơ Huy Cận thường không sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mà thâm trầm, khơi
gợi; như len nhẹ, như ngấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ người đọc. Những bức
tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường rất ít đường nét, giản ước theo bút
pháp cổ điển, gợi nhiều hơn tả. Do đó, có thể nói: ấn tượng không gian có được
- trước hết - nhờ phong vị Ðường thi.
Con đường thơ của Huy Cận khá tiêu biểu cho lớp nhà thơ thuộc
thế hệ thứ nhất, văn học Việt Nam hiện đại. Từ một thành viên xuất sắc của
phong trào Thơ mới, Huy Cận đến với Cách mạng, tìm thấy mục đích, lý tưởng chân
chính cho tiếng nói nghệ thuật của mình và trở thành một trong những nhà thơ
tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét