Trước gương mới biết bạc đầu
Thời gian tựa bóng chim câu qua thềm (Xuân thời gian).
Khi đặt bút viết về Vũ Hải Đoàn, tôi cứ bị hai câu thơ này ám ảnh. Qua đạn lửa chiến tranh rồi, vượt qua bao cuộc bể dâu nhân thế rồi, một ngày xuân hòa bình, ngồi ngắm mình trước gương mới biết tuổi xuân đã qua, mái đầu đã bạc, và nhận ra thời gian trôi đi nhanh quá… Mới thanh xuân đó mà bây giờ, tuổi đã vượt đại thọ 80.
1. Sinh đúng vào năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) tại thôn Nga Mân, Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi, chàng thiếu niên Võ Phụng Thê đã sớm dấn thân vào cuộc kháng chiến và sớm trở thành một cây bút đấu tranh tuyên truyền trên mặt trận báo chí. Làm thơ từ kháng chiến chống Pháp, đến nay, Vũ Hải Đoàn đã xuất bản gần 10 tập thơ. Anh là một trong những Hội viên lớn tuổi nhất của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên lớn tuổi nhất của Hội VHNT Quảng Ngãi.
Là một nhà báo lão luyện, thơ Vũ Hải Đoàn mang đầy tính thời sự, nặng về tự sự một cách thật thà, chân chất, rất phù hợp với thơ ca kháng chiến. Điều này ai cũng dễ nhận ra. Vì thế, đến với thơ Vũ Hải Đoàn trong không khí của thơ ca đương đại, tôi đã cố gắng đi tìm bên trong các chi tiết tự sự ngồn ngộn ấy những điểm nhấn thơ được bung ra tự sâu thẳm tâm hồn người cầm bút. Và cũng không khó để thấy rằng, thơ anh chân chất đến dễ thương:
Xin thưa toàn thể đồng bào
Hễ nghe báo động, chỗ nào ngồi yên
Có đèn thì phải tắt liền
Đừng bày hoảng hốt chạy xiêng chạy quàng (Chuyện ông Mười Bún-1952).
Rõ ràng là tuyên truyền đó, lời ăn tiếng nói của quần chúng đó, là cái câu chuyện của ông Mười Bún đang “loa loa” đó, mà đọc lên cứ thấy thích, thấy vui, thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng cho dù đang trong thời gian “báo động”. Cái câu nói thường ngày với những từ đặc sệt nông dân “đừng bày hoảng hốt chạy xiên chạy quàng” sao mà đi vào thơ một cách tự nhiên, giản đơn, dễ thương như thế! Tất cả đó là bởi cái duyên ẩn trong cái chân chất, thật thà như đất đó thôi. Và chính điều này đã làm nên chất thơ riêng của Vũ Hải Đoàn.
Những tháng năm đất nước cắt chia, sống trong tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam”, nỗi thương nhớ quê hương, vợ con là nỗi nhớ thương đau đáu. Nỗi nhớ từ hiện thực, dần dà lắng vào tiềm thức, ẩn vào vô thức để thơ cất lên tiếng nhớ từ trong giấc mơ của chính lòng mình. Mơ mà thật. Thật như tiếng nói của đất đai quê kiểng gọi mùa, thật như chính nỗi đau thương miền Nam đang gánh chịu, “thật như mơ” vì em đang ở bên ta:
Mỗi đêm thao thức đầu thêm bạc
Thương nhớ quê hương lắm chóng già
Ngày lo công tác - đêm thương nhớ
Đọc bài tứ tuyệt này của Vũ thi nhân gợi lên trong ta không khí của Đường thi, nhưng không chỉ có thế, nó thấm đẫm cả nỗi đau Nguyễn Trãi: Tóc bạc thờ ơ tình tuế nguyệt/ Lòng son thắc mắc nghĩa quân thần (Đêm thuyền tới cửa bể cảm hứng), nỗi buồn Nguyễn Du: Bụi hồng nhuốm mái đầu phơ bạc/ Chiều tối lên cao buồn lắt lay (Tô Sơn đạo trung), nỗi lòng Cao Bá Quát: Đêm qua bỗng thấy chiêm bao/ Gặp con, giọt lệ tuôn dào như mưa (Chiêm bao thấy con gái đã mất); nhưng hiện đại hơn bởi hai câu thơ cuối: Ngày lo công tác - đêm thương nhớ/ Mộng thấy quê nhà - em bên ta…
Khi trở về Nam hòa mình vào không khí những ngày đánh Mỹ, thơ Vũ Hải Đoàn lại trở về đúng chất giọng của một người chiến sĩ cầm bút. Vẫn cái tự sự hồn nhiên, chơn chất đó, vẫn cái giọng đối đáp nông dân “đập cục” đó, vẫn là không khí chiến tranh ngột thở nơi vùng ranh đó, mà sao cứ thấy bà-cụ-thơ hiện lên như một bà Tiên trước mắt những người con đang chiến đấu:
Cánh cửa hầm mở trong đêm tối
Bà cụ bước ra nhìn chúng tôi cười
“Bay vào đây ăn khuya kẻo đói
Có tôm đồng kho với cá tươi”
Anh du kích: “Con cần đi gấp
Dẫn anh này qua công tác xã bên”
“Mày cần đi tao đâu có ép
Đem cá về cho mấy anh em” (Đêm qua vùng ranh-1971).
Thơ là đời, đời là thơ chính là sự diệu kỳ khó lòng ai giải thích. Chỉ có nhà thơ mới cảm nhận được và lột tả hết cái phút giây kỳ diệu này thôi.
2. Hòa bình, thống nhất, qua máu lửa chiến tranh, Vũ Hải Đoàn trở về với cuộc đoàn viên. Trên vùng đất của hồn thơ chơn chất bắt đầu mọc lên những đóa thơ tơ non như cỏ cho dù những tháng ngày này, anh đã bước qua cái tuổi thanh xuân. Đọc Vũ Hải Đoàn, ta nhận thơ anh ngập tràn mùa xuân và sắc xanh của cỏ cây hoa lá:
Trời xanh quá, gió cũng chừng xanh quá
Phấn ong thơm hoa trái tỏa hương vườn
Như từng bước cũng làm xao động lá
Cùng dập dồn náo nức sức chồi vươn (Ơi mùa Xuân-2011).
Bài thơ này anh làm lúc đã bước sang tuổi 81, vậy mà ngập cả sắc xanh: trời xanh, gió xanh; phấn hương tỏa khắp vườn lòng; rộn ràng lá múa, náo nức chồi non. Người đời nói: nhà thơ thì trẻ mãi không già chính vì lẽ đó! Càng về già, sức xanh của thể thơ tứ tuyệt “già nua” được anh truyền vào một hơi thở mới, tươi tắn đến sinh động:
Đồng thở nhẹ, gió vuốt lay lá mới
Con bê vàng nô rỡn thảm cỏ xanh
Tiếng chim thả mặt trời hồng đáy nước
Xuân say hương, trái chín ngủ trên cành (Xuân đồng quê).
Thoát ra khỏi từ trường thơ tự sự, Vũ Hải Đoàn đã có những câu thơ tình yêu đắm say, bay bổng. Nó nối kết với cái bay bổng của hồn vía ca dao, điểm sáng lên một hồn thơ vừa là gã si tình “lang thang” vừa là chàng trai ngu ngơ, tinh nghịch:
Bao giờ hoa em mở nụ
Để anh gửi cánh bướm sang
Nếu không hương hoa ấp ủ
Bướm này hóa kẻ lang thang (Hoa trinh nữ).
Tình yêu ấy về già thì trọn một thủy chung - cái thủy chung của một tình yêu chân thật:
Cây đời ngả bóng vào thơ
Còn em ngả bóng vào bờ vai anh (Cây đời ngả bóng-2010).
Hồn thơ tơ non ấy còn được Vũ Hải Đoàn thể hiện rõ qua mảng thơ dành cho thiếu nhi. Có lẽ đây là mảng thơ phù hợp nhất với tính chất “già mà duyên”, “nghiêm trang mà tinh nghịch” cộng với tài quan sát, phát hiện chi tiết của một nhà báo lão thành của anh:
Bé Thương đi mẫu giáo
Chim sáo mừng hót vang
Tính tình tang, tính tình tang
Chó vàng theo quấn quýt
Mũi khịt - khịt - khịt
Con mèo đòi đi theo
Kêu meo - meo - meo
Gà con không đi được
Kêu tiếc - tiếc - tiếc (Bé đi mẫu giáo).
Bài thơ ngập tràn âm thanh qua giọng đọc của trẻ mẫu giáo mà chở cả một hiện thực hấp dẫn tuổi thơ, mang đầy tính giáo dục. Mà đâu chỉ có chuyện động vật dưới đất, cả đến chuyện trăng trên trời, chuyện cổ tích xưa cũng được Vũ Hải Đoàn hiện thực hóa một cách sáng tạo, uẩn súc bài học giáo dục cao:
Ai đưa chú Cuội, cây đa
Lên trăng ngồi mát nhớ nhà hay không?
Mẹ rằng: Bởi Cuội chơi rông
Để trâu ăn lúa Trăng không cho về! (Nhìn trăng bé hỏi).
Chính cái hồn thơ chơn chất mà tơ non đã đem đến một Vũ Hải Đoàn vừa có cái chín chắn, triết luận của một nhà báo lão thành vừa có cái tinh nghịch, hóm hỉnh của con mắt và tâm hồn trẻ thơ:
Gà ri đứng góc cây chanh
Hỏi thăm vịt đực học hành ra sao
Vịt đang tắm mát trong ao
Nghển đầu “quặp quặp” ngày nào cũng đi
Trên cành tiếng hót họa mi
Đứa nào lười học tao đi mách thầy
Mèo mướp nhanh miệng nói ngay
3. Có thể nói, với những bài thơ dài mang tính sự kiện, hiện thực lớn trong cuộc đời, Vũ Hải Đoàn còn nặng về tự sự có tính chất cổ vũ tuyên truyền. Riêng thơ tứ tuyệt nhiều bài đạt đến độ hàm súc cao và có sức lan tỏa. Tôi thật sự ấn tượng với những bài thơ thiếu nhi tinh nghịch, dễ thương. Đúng là, con người và thơ Vũ Hải Đoàn vừa chơn chất như đất quê vừa tơ non như cỏ xuân khoe sắc. Xin giới thiệu trang thơ Vũ Hải Đoàn cùng bạn đọc gần xa, mừng anh bước vào tuổi 86 như một lời chúc trường thọ và tiếp tục “càng già càng duyên”.
Cái bồ cảnh giới
Cái Bồ trên đỉnh núi Dâu
Cùng quân du kích canh tàu giặc Tây
Tàu giặc qua lại biển này
Ngoài khơi Bồ đứng - giữa cây cột Bồ
Tàu giặc vào sát tận bờ
Bồ leo lên đỉnh cột Bồ báo tin
Dân làng biết được tình hình
Tàu giặc rập rình đổ bộ lên đây
Du kích sẵn sàng bao vây
Đánh cho một trân tan thây giặc càn
Cái Bồ là cái Bồ nan
Cùng với dân làng đánh lũ giặc Tây (1951).
Người thợ rừng quê tôi tìm gỗ quý góp xây lăng Bác Hồ
Người thợ rừng quê tôi
Hai mươi năm không làm nghề xẻ gỗ
Bởi chiến tranh ít ai làm nhà đồ sộ
Chú chỉ lo chăm xới ruộng vườn
Xa nghề rừng lòng những vấn vương…
Chú biết rõ từng loài gỗ quý
Như nhớ từng gương mặt người thân, bạn bè, đồng chí
Thuộc núi rừng như thuộc mỗi đường quê
Ngõ tắt, lối ngang, sớm tối đi về…
Một hôm huyện mới giao nhiệm vụ
Tìm các loài lim, sơn, trắc, gụ…
Đưa về Hà Nội góp xây lăng Bác Hồ
Vinh dự nào bằng - nhưng chú có phần lo
Mấy năm qua xa rừng, xa núi
Gỗ quý còn không hay bom thù phá trụi?
Vì Bác kính yêu - gian khổ chẳng ngại ngùng…
Rồi một sáng rựa, rìu, muối, gạo
Với chiếc gùi, võng, màn, quần áo
Chú lên đường như chiến sĩ ra quân
Bước chân vui nay trở lại với rừng
Chào đón chú chim muông ca hát
Và dòng suối nước trong như lọc
Mênh mông soi tình Bác đời đời…
Rừng Quảng Ngãi quê tôi
Có những trắc, sơn, lim, gụ, quế
Những loài cây từng sống bao thế hệ
Nay lên đường với tất cả niềm vui
Đức Phổ, tháng 4/1974
Lộc xuân
Người ươm lộc biếc - cành xuân thắm
Đất trở mình hoa uống ánh trăng
Đường mở rộng lòng thơm giọt nắng
Bầu trời xuống đất gặp sao băng (1997).
Không nghe lời mẹ
Gà mẹ đi vắng
dặn con ở nhà
đừng đi chơi xa
diều hâu bắt cóc
Gà con nhặt thóc
ngoan ngoãn ở nhà
gà hàng xóm qua
rủ đi đào dế
Quên mất lời mẹ
dặn đừng chơi xa
đi theo bạn gà
sang vườn hàng xóm…
Diều hâu bay qua
liệng vòng đáp xuống
gà con luống cuống
rơi tỏm ao sâu
Có chú vịt bầu
đang bơi tắm mát
thấy gà sắp ngất
vội đưa vào bờ
Vịt cứu gà tơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét