Xuất hiện và mau chóng gây sự chú ý đặc biệt đối với công
chúng như một tài năng trời phú, Nguyễn Bính hầu như dễ dàng xác lập vị trí
riêng trên văn đàn. Có một sắc thái nửa “quê” nửa “tỉnh” (với nghĩa là xưa cũ,
quen thuộc và mới mẻ, tân thời) cứ phảng phất trong trong thi tứ, lối diễn tả,
ngôn từ các bài thơ của chàng thi sĩ “bỏ lại mái gianh” “đi dan díu với kinh
thành”. Lối trước tác thơ ca có vẻ “lập dị”, “nệ cổ” của Nguyễn Bính, so với những
cây bút cấp tiến cùng thời, lạ thay, không khiến ông bị vượt qua; ngược lại
chính phong vị chân quê đã tạo nên sức cuốn hút, mê hoặc công chúng và tạo
thành sức sống lâu bền cho nhiều thi phẩm. Bài viết nhỏ này, góp thêm một vài
suy ngẫm về vấn đề: Phong vị “chân quê”, khía cạnh tiêu biểu nhất của phong
cách thơ Nguyễn Bính.
1. Trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1945, tiếng thơ Nguyễn
Bính mau chóng định hình. So với phần đông các thi sĩ lúc bấy giờ, Nguyễn Bính
xem ra vẫn nhẩn nha với chuyện xưa, tình cũ. Nhìn bề ngoài, dường như điệu thơ
của ông cũng chưa vội hòa nhập với thi đàn thời đại, nhưng thực ra, Nguyễn Bính
chẳng hề trễ bước hay lỗi thời. Tất cả những gì thuộc về thi điệu, hay rộng
hơn, phong vị “chân quê” dưới ngòi bút ông chính là bản lĩnh và sự vững vàng
trong cách tân thơ ca.
Dường như có một chút gì đó trái ngược: một thi sĩ ưa “giang
hồ”, “xê dịch”, rất “phong lưu” trong lối sống (với nghĩa ít lo xa, tính toán,
thực dụng) như Nguyễn Bính, lại chọn điểm tựa sáng tạo là nguồn mạch văn hóa
dân tộc (cả dân gian và bác học). Như ta biết, Nguyễn Bính khá gần gũi, thân
thiết với Vũ Hoàng Chương. Tác giả Thơ Say Vũ Hoàng Chương là một
trong số giọng thơ tân kỳ bậc nhất đương thời. Tuy thế, thơ của hai chàng trai
trẻ đều cùng say mộng văn chương thật khác xa nhau. Họ gần như thuộc về hai ngã
rẽ, hai thế giới tâm tưởng, tư duy thơ.
Khi tác giả Thơ Say đã là một thi sĩ “nhập cuộc” toàn vẹn, mê mải, say sưa với sự mới mẻ đến cuồng nhiệt của những “cơn say” xúc cảm vô đáy: “Chưa cuối xứ Mê ly, chưa cùng trời Phóng đãng/ Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men/ Say đi em! say đi em!/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu, rượu nữa và quên quên hết,…”[1] (Say đi em); thì Nguyễn Bính vẫn thủ thỉ, hiền hòa với những câu chuyện tình trong mơ của một chàng thôn dân: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/ Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi…”[2] (Người hàng xóm). Có một khoảng cách khá rõ rệt giữa thơ Nguyễn Bính với phần đông các ngôi sao Thơ mới lúc ấy như: Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư,…Thơ Nguyễn Bính rất gần với cái tình tứ, ý nhị của thơ xưa, mà trước hết là ca dao, dân ca,…
Khi tác giả Thơ Say đã là một thi sĩ “nhập cuộc” toàn vẹn, mê mải, say sưa với sự mới mẻ đến cuồng nhiệt của những “cơn say” xúc cảm vô đáy: “Chưa cuối xứ Mê ly, chưa cùng trời Phóng đãng/ Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men/ Say đi em! say đi em!/ Say cho lơi lả ánh đèn/ Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/ Rượu, rượu nữa và quên quên hết,…”[1] (Say đi em); thì Nguyễn Bính vẫn thủ thỉ, hiền hòa với những câu chuyện tình trong mơ của một chàng thôn dân: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/ Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi…”[2] (Người hàng xóm). Có một khoảng cách khá rõ rệt giữa thơ Nguyễn Bính với phần đông các ngôi sao Thơ mới lúc ấy như: Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư,…Thơ Nguyễn Bính rất gần với cái tình tứ, ý nhị của thơ xưa, mà trước hết là ca dao, dân ca,…
2. Thơ Nguyễn Bính là cả một khối “tình quê”, việc quê, hình ảnh
và tâm trạng thấm đượm nhãn quan và cảm xúc của con người thôn quê. Dưới ngòi
bút thi sĩ, phần nhiều là chuyện tình yêu đôi lứa nơi thôn dã, chốn làng quê,
chuyện tình duyên trắc trở, tình chị em,… Nguyễn Bính hầu như vẫn “cố tình” trở
lại, “dan díu” với những chuyện tình đời xưa cũ như thế. Những “khối tình” mà
bút mực ông say sưa kể lể, miệt mài hoài niệm (với một đam mê, thi vị hóa không
giấu giếm), vốn có thể tìm thấy đâu đó trong những câu ca dao, dân ca. Liền mạch
với chủ đề tình yêu đôi lứa, là những uẩn khúc trong tình yêu và hôn nhân, ở cả
nam và nữ giới. Thi sĩ Nguyễn Bính, hơn bất kỳ cây bút nào khác đương thời, thức
cảm sâu sắc trước mọi cảnh tình duyên lỡ dở, hôn nhân ngang trái, đổ vỡ. Đây là
chuyện đời “muôn thuở”, âm ỉ tồn tại trong mọi xã hội làng quê, liên quan đến
nhiều phận người, nhất là nữ giới. Thế nên, chỉ cần một Lỡ bước sang ngang thôi
(với hơn 100 dòng thơ), Nguyễn Bính đã có thể diễn tả tất cả những điều sâu
kín, những tiềm tàng ẩn họa đối với cuộc đời người phụ nữ nông thôn phía sau những
cuộc hôn nhân “pháo đỏ rượu hồng”.
Xét về cấu trúc, thể thơ, ngôn ngữ. Dễ thấy, ở thơ Nguyễn
Bính, kiểu cấu trúc phối kết hợp giữa tự sự với trữ tình được sử dụng một cách
phổ biến. Thơ Nguyễn Bính chứa đựng những câu “chuyện quê”, chứa chan xúc cảm về
tình người chốn quê. Nguyễn Bính ưa chuộng thể thơ lục bát và thơ bảy chữ. Để
cho các thơ của mình thật sự “chân quê”, Nguyễn Bính không hề ngại ngần khi tái
sử dụng (với mật độ lớn) các motif ngôn từ truyền thống khi diễn tả sự quấn
quít, tình tứ của đôi lứa yêu đương như: Hoa-bướm, thuyền-bến; để diễn tả sự trắc
trở tình duyên, hôn nhân đổ vỡ ông sử dụng các từ ngữ, hình ảnh như: Mười hai bến
nước, sang ngang, bảy nổi ba chìm, ngang sông đắm đò, phím đàn ngang cung,… Những
ngôn liệu chẳng có gì là mới mẻ ấy vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ cao, vì được nhà
thơ sử dụng sáng tạo v.v…
Thấm thoắt một trăm năm đã trôi qua kể từ khi thi sĩ Nguyễn
Bính cất tiếng khóc chào đời xứ quê Nam Định. Di sản thơ ca mà ông để lại, vẫn
mới mẻ, làm rung động tâm hồn hậu thế.
Ghi chú:
[1] Vũ
Hoàng Chương: Thơ Say, Mây. Nxb. Hội Nhà văn, H., 1995, tr.11.
[2] Thơ Nguyễn Bính chọn lọc (Lữ
Huy Nguyên tuyển chọn). Nxb. Văn học, H., 1993, tr.47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét