Quá trình hiện đại hóa đầu thế kỷ XX đã đặt văn hóa Việt Nam
vào tình thế phân ly sâu sắc. Cảm quan thế giới và văn hóa văn minh Âu Tây
trong khung khổ của xã hội thuộc địa đã định hình một trào lưu mới trong văn
chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước; và văn chương ấy khi đã thành hình, quay
trở lại khuôn đúc nhà văn và người đọc vào các mẫu hình của nó. Đối diện với
tính hiện đại, với các biểu hiện đa dạng của nó trong văn chương, là cả một vấn
đề quan thiết với đời sống tư tưởng tình cảm Việt Nam. Trong đó, đặc biệt, vấn
đề giới và (tình yêu) lãng mạn, được hiện lên thông qua sự quy chiếu của những
mạng lưới văn bản văn hóa đan dệt bởi ý thức thường trực về các vấn đề ấy, đã
có được những biểu hiện phong phú trong các thực hành văn chương nghệ thuật. Nhận
thấy văn chương của Nguyễn Bính lưu những dấu chỉ nổi bật cho việc nhận thức
không chỉ riêng những biểu hiện của cá nhân tác giả, mà còn qua đó, những ứng xử
phức tạp của trí thức văn nghệ sĩ với những vấn đề hiện đại mới nổi lên, tiểu
luận này, khảo sát sự thực hành văn chương của Nguyễn Bính, đồng thời qua đó,
thảo luận về những biến chuyển của văn chương Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi
ấy.
1. Tính chính trị chuyển đổi ở Việt Nam đầu thế kỷ XX và tâm
thái trí thức văn nghệ sĩ
Phương Tây hóa theo mô hình của người Pháp làm thành một đứt
gẫy trong phả hệ văn hóa Việt Nam đã giải phóng bộ phận tinh hoa của xã hội. Từ
nhà nho trong xã hội quân - thần truyền thống, đứng trước hoàn cảnh triều đình
đánh mất tính chính danh còn đất nước thì rơi vào vòng lệ thuộc, họ trở thành
chủ thể bị/được tham gia vào các quá trình kiến tạo quốc gia - dân tộc mới, ở
nơi mà đất/nước mẹ dần thế chỗ cho vua cha [1].
Nhiều thế hệ trí thức (nếu có thể dùng ước lệ tên gọi này cho bộ phận những người
có tri kiến, học thức trong cả xã hội phong kiến cổ truyền và xã hội cận - hiện
đại mới thành hình), đã nối tiếp nhau định hình nên khuôn diện mới cho một hình
dung chung về tổ quốc sau liên tiếp những ba động dữ dội của lịch sử đối diện với
ngoại nhân. Thế hệ 1962, thế hệ 1907, rồi thế hệ 1925, như cách định danh của
Trịnh Văn Thảo, ở các lựa chọn và mức độ can dự khác nhau, khi đương đầu với
quá trình thực dân hóa (mà đồng thời đi cùng với hiện đại hóa), đã hiện thực
hóa dự đồ của mình thông qua các hoạt động đấu tranh giải phóng và canh cải văn
hóa nước nhà [2].
Nguyễn Bính (1918-1966) thuộc về thế hệ thứ ba trong khung
phân loại này. Hoạt động trong bối cảnh “ghi nhận sự nổi lên của một xu hướng
trí thức “chống ưu tú” được bắt nguồn từ một bộ máy giáo dục thực dân bất bình
đẳng, và chính sách đàn áp mạnh mẽ nhằm vào các trường học, những nơi từng là
“ngọn triều” đấu tranh trong suốt các phong trào thành thị năm 1925 ở Sài Gòn,
Huế và Hà Nội”, và với số lượng đông đảo, thế hệ này chủ yếu khẳng định bản
lĩnh cá nhân qua quá trình tự vận động (agency), và chủ yếu ở “lĩnh vực văn hóa
- xu hướng xuất hiện từ trước”, song là “lĩnh vực đang cất cánh giữa lòng xã hội
đầy biến chuyển”[3].
Chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, và thuộc về thế hệ “trí
thức Âu hóa”, song so với các trí thức cùng thời, nhìn từ góc độ “nguồn gốc xã
hội thế hệ”, Nguyễn Bính được kéo về gần thế hệ trước hơn: có cha làm nghề dạy
học (trí thức) và mẹ là con gia đình khá giả (nông dân [giàu có]); mẹ mất, được
cậu ruột đón nuôi, cũng lại là một gia đình gia thế, có Nho học; dù sang tuổi
thiếu niên, có được anh trai cũng là một trí thức Tây học (có bằng Thành chung)
đón ra Hà Đông nuôi ăn học tiếp. Nguyễn Bính, theo đó, thuộc về xu hướng mạnh mẽ
“tái tạo lại giai tầng xã hội” hơn là “tạo ra giai tầng xã hội”. Nói cách khác,
“căn rễ” của Nguyễn Bính nằm ở nông thôn hơn là ở thành thị, dù hoàn cảnh cá
nhân khiến nhà thơ di cư đến thành thị (đến ở ăn học với anh trai Trúc Đường
Nguyễn Mạnh Phác), và xu thế “hướng về thành thị của các trí thức mới” bởi
không gian và các cơ hội tiếp cận với dịch vụ truyền thông và các trung tâm
cung ứng các dịch vụ văn hóa (nhà trường, tòa báo, nhà in,…), nơi họ có thể cất
tiếng nói và xác lập vị trí của mình [4].
Tất nhiên, khi đã hòa nhập vào/ với đô thị, nhất là đô thị hiện
đại, không gian xã hội (và theo đó là tinh thần) chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam
lúc này, đô thị sẽ nhào nặn trí thức trong quá trình đối ngẫu các hoạt động trí
thức nhào nặn nên đô thị mới. Tính cách này thể hiện trong sinh hoạt văn chương
và trong cả sáng tác văn chương nghệ thuật. Giới hạn ở lĩnh vực này, chẳng hạn, khi
nhớ về những gương mặt bạn bè, trong câu chuyện về Nguyễn Bính và những người bạn
thơ của ông, họp thành nhóm thơ mà Tô Hoài định danh là “trường” thơ được ra đời
bởi “những bài thơ dân tộc”, Tô Hoài hồi tưởng:
“Tôi đã được thấy như thế ở thơ và hành động trong đời làm
thơ [quan điểm trở về với dân tộc trong thơ - ĐAD chú] của Thâm Tâm, của Trần
Huyền Trân, các bạn thơ Nguyễn Bính. “Đưa người ta không đưa qua sông”..., và
“Nhớ nhau vảy bút làm mưa gió”... những áng thơ phảng phất “thét roi cầu Vị” kỳ
thực mang trong lòng hình ảnh tâm sự của người cầm bút thời đại, giữa khi cả đất
nước và dân tộc đương chuyển biến.
Ở trường thơ ấy, mỗi người thể hiện một phong cách. Thâm Tâm
và Huyền Trân sừng sững và cũng cô đơn như gốc đa, con đò một mình. Nhưng Nguyễn
Bính in đậm ảnh hưởng vào thơ của các bạn bè, vang vọng dư âm trong lòng một lớp
độc giả rộng rãi”[5]
Nhận định này có thể hợp lý hoặc chưa, khi chỉ coi Nguyễn
Bính là “nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê”. Song điều đáng được chú ý
trong hồi tưởng này, là cái cách mà Tô Hoài gợi lại không khí văn chương của cả
một thời sóng gió:
“Nghĩ lại những ngày ấy, đứng ở góc nào mà ngẫm, khi vui khi
buồn cũng thế, chỉ rặt một màu ảo não, mặc dầu khi đó chúng tôi đương vào lứa
tuổi đôi mươi và mỗi bài thơ, cái truyện ngắn viết ra, các “thiên tài” lại bốc
nhau lên mây, mặc dầu những cuộc chơi nghiêng lệch cả đêm ngày, bằng tiền của ai
không biết, như lũ thiêu thân lao vào ánh đèn, chúng tôi đi, cứ đi, không biết
đi đến đâu, bởi chẳng biết đi đến đâu cả. Không phải tôi nói bóng gió cao xa về
sự nghiệp, về lý tưởng mà tuổi trẻ đi tìm. Tôi chỉ so sánh mọi việc bình thường
ở mỗi con người”[6]
Hồi tưởng của Tô Hoài giúp người đọc sau này ít nhiều thấy được
tâm thái của một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ đương thời. Nguyễn Bính đã “đi”
như thế - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng trong hình dung của Tô Hoài - để trở
thành vị “khách”, người “xê dịch” tới nhiều không gian xã hội và tâm tưởng,
nhưng không chỉ như một con người cá nhân cá thể, mà còn như sự “lại giống” của
một nhà nho tài tử cuối mùa, vừa bất đắc chí về thời thế song lại cũng vừa
khoái trí về các thực tại xã hội mới mẻ, trong cái dư ảnh mà Tản Đà đã để lại dấu
ấn trong tâm cảm của những trí thức trẻ [7].
Như vậy là, mang dấu vết của cầu nối nông thôn - thành thị,
Nguyễn Bính trở thành một hiện thân “giao thời” ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Không cắt đứt với truyền thống, Nguyễn Bính còn khắc khoải với những phận vị mà
đạo đức Nho giáo quy chiếu. Tiến vào hiện đại, Nguyễn Bính hăm hở với văn minh
vật chất và tinh thần Âu Tây, đón nhận, chiếm lĩnh rồi ngờ vực, dò xét, nửa háo
hức nửa ghìm cưỡng. Tính chất “nước đôi” của các lựa chọn cũ - mới, phận vị -
cá nhân, Đông - Tây,… trong bối cảnh thuộc địa của các trí thức Tây học hiện
thân thành những trăn trở, băn khoăn không dứt. Đối diện với tính hiện đại,
không giống như nhiều nhà Thơ mới khác, hành trình “Tây hóa” của Nguyễn Bính chịu
nhiều giằng níu hơn. Mang trong mình luân lý của một nhà nho, anh chàng thư sinh
từ quê lên tỉnh vồ vập hấp thu tư tưởng mới, tình cảm mới, đạo đức mới, hấp dẫn
bởi cảnh trí và cuộc sống mới, đã bàng hoàng khi phải chứng kiến nền luân lý ấy
nghiêng lay trước đời sống mới. Tình thì ưng, nhưng lý thì không, thực hành văn
chương của Nguyễn Bính cho thấy sự không thuần nhất của các xu hướng văn hóa
lúc bấy giờ. Nó cho thấy giới hạn của trí thức văn nghệ sỹ, song đồng thời cũng
cho thấy sự khó khăn và phức tạp của các lựa chọn.
2. Chuẩn thức tình yêu lý tưởng truyền thống của “con nhà nho
cũ”
Nguyễn Bính, trước khi “dan díu với kinh thành”, trước khi gắn
đời vào những chuyến đi, thậm chí rủ rê “con nhà nho cũ” phiêu bồng: “Cẩn [8] giờ không lập công danh/ Cẩn giờ lại
hóa Uyên Minh họ Bùi/ Nhưng mà nói thế mà chơi/ Tôi tin chắc lắm Cẩn rồi lại
đi/… Không đi cũng uổng một đời/ Nhổ sào lên chứ khi trời rạng đông”, cũng nhìn
thấy mình trong tư cách “con nhà nho cũ” [9]. Cái gia phong nho học ấy không chỉ ở chỗ:
“Nhà ta quý chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”, mà quan trọng
hơn: “Vinh quy cờ biển về nhà/ Dân gian ướm hỏi đâu bà Trạng nguyên”. Con nhà
nho tất trọng chữ, tất cần công danh, nhưng với nhà nho ở hương thôn, còn thêm
vào đó chuyện nhân duyên: môn đăng hộ đối cho cha mẹ, tình duyên vẹn tròn cho
cái con. Niềm ước muốn ấy phổ vào cả tâm thức dân quê: “Chẳng tham ruộng cả ao
liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ” (Ca dao). Với các nhà tân học, câu
chuyện nhân duyên ấy chưa hề cũ. Chẳng thế mà trong Lều chõng (Mai
Lĩnh, 1941) ông đầu xứ Tố đã để cho nhân vật cô Ngọc con cụ Đồ ngã bệnh vì
không được làm bà nghè Trần Đằng Long, rồi chỉ trở nên đằm thắm khi được kết
duyên cùng Giải nguyên Đoàn Vân Hạc [10].
Cái khuôn thước nhà nho bình dân đã tạo nên khuôn mẫu về giới
và tình duyên. Ở trung tâm của làng quê là chàng nho sĩ (nhất sĩ, nhì nông).
Thu về trong nhà, anh ta lãnh vị trí gia trưởng. Vượt ra ngoài, anh ta nhắm nhe
bảng vàng, bia đá. Nhưng đấy là cách anh ta tự suy nghĩ về bản thân. Chỉ khi
sao lãng, hoặc ở tột đỉnh vinh quang, “lòng Trạng lâng lâng màu phú quý”, anh
ta mới dám tơ tưởng thêm: “Công chúa cài trâm thả tú cầu”. Còn lại, hoạt cảnh
vinh quy bái tổ hầu như chỉ để dành cho sự quan chiêm của người phụ nữ:
- Vinh quy cờ biển về nhà
Dân gian ướm hỏi đâu bà Trạng nguyên
(Con nhà nho cũ)
- Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem
(Thời trước)
Bởi sự hãnh diện ấy xoa dịu, yên ủi nỗi nhọc nhằn nuôi chồng
ăn học của chị em, thổi bùng lên ngọn lửa của khát khao vinh hoa hiển đạt: “Nhờ
chồng thiếp cũng vẻ vang,/ Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”; đó còn là niềm
kiêu hãnh của người phụ nữ: “Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu
đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi/ Kẻo không
rồi chúng bạn cười/ Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa”, để rồi xoa dịu, bù trừ
khát khao thầm kín “chưa thi đỗ thì chưa động phòng": “Đêm nay mới thật là
đêm!/ Ai đem giăng dãi lên trên vườn chè”.
Trong vòng kiềm tỏa của lễ giáo, tình yêu gắn liền với hôn
nhân. Nguyễn Bính “nói hộ” chị em nhưng câu thơ không khiên cưỡng. Người ta thấy
không cần phải sắc mắc với lối yêu đương như thế. Thậm chí người ta thấy yên ổn
trong tình yêu ấy.
Nhưng thời thế thoắt đổi thay, Hán học lụi tàn, Tây học tấn tới,
rồi cả xã hội hướng theo trào lưu Âu hóa. Sự thống trị của đàn ông bị chất vấn
khi biểu tượng của nó sụp đổ:
- Bây giờ thời thế biến thiên
Nhà vua không lấy Trạng nguyên nữa rồi
Mực Tàu giấy bản là thôi
Nước non đi hết những người áo xanh
Lỡ duyên tóc búi củ hành
Trường thi Nam Định biến thành trường bay
- Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
(Xóm Ngự Viên)
Cô thôn nữ xưa kia cũng phút chốc đổi thay. Cô ra tỉnh để rồi
“hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Nhưng quan trọng hơn là sự xuất hiện của
các cô hàng tỉnh. Với các cô gái mới này, vị thế trong tương quan nam nữ đã
được đảo ngược. Họ trở thành trung tâm, nguồn cơn, cảm hứng để các chàng trai
phải theo đuổi, si mê, ghen tuông, hờn giận,… Từ nông thôn ra thành thị, rồi
quá trình đô thị hóa, chuyển dịch này đã xáo trộn cuộc sống thường nhật quen nếp
của ngày trước. Thực tại ấy không thể không cật vấn các trí thức văn nghệ sỹ.
3. Con người cá nhân và tự do luyến ái: một cách đọc Hai
người điên giữa kinh thành Hà Nội
Từ khi quan niệm về con người cá nhân phương Tây theo văn học
lãng mạn mà truyền nhập vào Việt Nam, thật bất ngờ, nó đã gặp chủ nghĩa trọng
nam để dệt nên những huyền thoại về tình luyến ái trong văn học nghệ thuật. Như
John C. Schafer đã tìm thấy trong hồi ký của Phạm Duy [11], bằng việc kể lại tường tận các người
tình của mình, người nhạc sĩ đa tài tình góp công sức đáng kể vào sự phổ biến của
tân nhạc này đã coi các cuộc phiêu lưu tình ái là cội nguồn của cảm hứng nghệ
thuật. Kể lại trơn tru các cuộc tình không giấu diếm, Schafer cho rằng nền văn
hóa phụ hệ Việt Nam đã ban cho Phạm Duy tất cả những đặc quyền để tự sự của ông
trở thành một lăng kính phóng đại về những nét nam tính rất cổ điển của người
đàn ông Việt Nam. Nguyễn Bính cũng không kém đa tình, và cũng không kém nổi tiếng
vào thời của ông, khi thơ ông rất được phổ biến. Thơ ông chia sẻ đáng kể tâm trạng
của số đông, dù cũng như Phạm Duy, thơ ấy được lấy cảm hứng từ những mối tình của
riêng ông. Điều khác biệt có chăng ở chỗ, Phạm Duy thì hanh thông trên đường
tình ái, còn Nguyễn Bính thì ngược lại, dù biểu hiện trên phương diện văn
chương nghệ thuật của hai ông đều giống nhau trong cách khai thác triệt để vẻ u
sầu của các mối tình ấy. Chúng ta có thể loáng thoáng thấy một cô Oanh
trong Tâm hồn tôi (1937), một cô Hồng Hương trong Hương cố
nhân (1941), một cô Tú Uyên nào đó trong Người con gái ở lầu
hoa (1942), rồi chị Trúc, em Dung, Tú Ngọc,... trong nhiều thơ khác; tức một
tự sự về giới khá rõ nét xét theo quan điểm của Schafer về những biểu hiện nam
tính trong thơ Nguyễn Bính, trong cách thức nhà thơ khai thác và sử dụng hình ảnh
người phụ nữ trong các biểu hiện yêu đương.
Nhưng trong văn xuôi thì không thế, Hai người điên giữa
kinh thành Hà Nội đem đến một góc nhìn khác, một câu chuyện khác về thái độ
nam giới trong quan niệm về luyến ái đương thời [12]. Không còn là một tình yêu dễ dàng chấp
thuận, việc lựa chọn tình yêu kiểu này chứ không phải kiểu kia, một mặt muốn
tôn cao vị thế của nam giới, nhưng mặt khác cũng xác nhận sự bất lực của họ khi
Âu hóa đã phá vỡ vị thế nhỏ phụ của người nữ, dẫu chỉ cuốn họ đi trong khát vọng
được xổ lồng tung cánh chứ chưa cung cấp cho họ ý thức và cơ chế tạo lập sự
bình quyền. Từ nghị luận đến sáng tạo văn chương, vấn đề phụ nữ, những văn bản
văn hóa đan dệt bởi ý thức thường trực về vấn đề ấy, đã xây dựng được mạng lưới
nền tảng của nó trong các thực hành văn chương nghệ thuật. Theo đó, quá trình
hiện đại hóa về/ở/của giới nữ đã gắn bó mật thiết với các hoạt động/ phong trào
chống lễ giáo phong kiến, đấu tranh đòi nữ học, tự do luyến ái và hôn nhân, cải
cách y phục, vệ sinh, văn hóa thể thao, thưởng thức văn chương nghệ thuật,...
trên các diễn đàn báo chí và đời sống xã hội thường ngày.
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, cũng như Ngậm miệng,
mang nhiều dấu ấn của tự truyện, một tự truyện đắt khách khi chao chát về tình
yêu và lẽ sống. Tác phẩm không đặc sắc về văn phong, không chú tâm vào câu chuyện
được kể, mà chủ yếu bộc lộ thái độ của nhân vật chính: hai người bạn thân là Điệp
và Tuấn. Nguyễn Bính thường nhận mình là bướm, “con bướm vàng tuyền đậu thám
hoa”, nhân vật Điệp ở đây có nhiều điểm tương đồng với ông. Còn Tuấn thì rút từ
tên của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, như cái cách đặt tên hai người bạn văn
khác, thi sĩ Trần là Trần Huyền Trân, và thi sĩ Quang là Phạm Quang Hòa của bút
nhóm Bắc Hà, theo lời Tô Hoài xác nhận với Vương Trí Nhàn [13]. Còn những Hồng Hương ở sông Thương gợi
đến nữ sĩ Anh Thơ, đào Dung ở Khâm Thiên đã đi vào thơ Oan nghiệt, loài
hoa ti-gôn hai sắc trắng hồng gắn với câu chuyện về thơ T.T.KH.,... tất cả đều
gợi đến những sự thật ngoài đời. Song sự hiện diện của các nhân vật khác cũng
chỉ để khắc sâu thêm tình trạng điên loạn của hai nhân vật chính. Cùng chung trải
nghiệm chua chát trên trường tình, họ đâm ra căm ghét phụ nữ. Cả tác phẩm là tiếng
cười khóc về tình yêu ghét ấy.
Câu chuyện bắt đầu bằng một chủ nhật dạo chơi của hai người bạn
từ hai đầu Hà Nội nay về cùng ở trên gác trọ Hàng Dầu chỉ bởi họ chia sẻ với
nhau nỗi thống khổ của kẻ thèm yêu nhưng thất tình, thất tình vì không tìm được
người con gái nào ưng ý, tình yêu nào sâu sắc, đẹp đẽ, trọn vẹn. Với Điệp, đó
là sự thất hứa của một nữ sĩ trên sông Thương chỉ vì chàng nghèo, không biện đủ
sính lễ cưới xin theo thách cưới của bên nhà gái. Với Tuấn, đó là mối tình bất
thành với người con gái yêu hoa ti-gôn. Hai người điên giữa kinh thành Hà
Nội ở khởi điểm như thế, trong cách Điệp trêu Tuấn về bó hoa ti-gôn mà một
cô bán hàng mời họ mua trong lúc xuống phố, tưởng chừng là một tác phẩm tiếp
vào mạch vụ án văn chương u uẩn và kỳ bí, khởi đi từ truyện ngắn Hoa
ti-gôn của Thanh Châu, qua thơ T.T.KH., đến câu chuyện về người tình ngây
thơ tên Khanh của Thâm Tâm, để thành câu chuyện văn chương sôi nổi suốt một thời.
Nhưng không, câu chuyện rẽ ngoặt sang ngả khác, để chỉ bỏ lửng cho người đọc một
chỉ dấu trên hành trình giải mã thơ về loài hoa tim vỡ, khi Điệp và Tuấn mang
hoa đến viếng mộ một trinh nữ chết trẻ ở nghĩa trang dưới mạn Bạch Mai. Từ đấy,
câu chuyện xoay quanh việc Điệp và Tuấn gây dựng tình yêu chung với người con
gái yểu mệnh, nàng Vương Thị Hoàng Lan, tưởng tượng về nàng như một trang nữ
nhi hồng nhan trinh liệt, lập hương án bài vị, lại còn sắp xếp chu tất lịch viếng
mộ nàng. Gặp em gái Hoàng Diệp của nàng trong một lần viếng mộ, làm thân, rồi về
ở trọ trong trại nhà nàng với mẹ và em nàng, tình yêu của họ dành cho nàng
Hoàng Lan đã chết ngày càng sâu đậm, đến mức người em gái xứng là một trang
giai nhân tuyệt sắc cũng không khiến họ động lòng. Cho đến một hôm Điệp phát hiện
trong cái gối mà Hoàng Lan thêu hình bướm rất đẹp mà Điệp vẫn hay ôm ấp cất giấu
những ảnh và thư tình của nàng: Hoàng Lan cũng chẳng khác những thiếu nữ ngoài
kia...
Văn chương lãng mạn gieo vào lòng người ta cái ham muốn có được
một thứ ái tình hoàn toàn, trong trẻo, thanh khiết, không tì vết. Khi có được
ái tình như thế, người ta không chỉ có cảm hứng để sáng tạo, mà còn có thể sống
tốt lên. “Nếu không có một buổi sáng Chủ nhật đẹp giời, Tuấn và Điệp ngẫu nhiên
vớ được một linh hồn để tìm ra lẽ sống, để không đi với trụy lạc nữa thì thật
là oan uổng cho hai cuộc đời. Từ ngày được tấm linh hồn ấy, hai chàng không
nghĩ đến chơi bời nhảm nhí nữa. Hai chàng đã sống rất hiền lành chăm chỉ để mà
yêu”. Vậy mà tấm chân tình ấy đã vụn vỡ, bởi chẳng còn tấm tình trinh bạch nào
cho hai chàng tôn thờ. Lời văn trong tác phẩm chân thành nhưng thấm đẫm ý vị
chua cay. Tiếng cười tự trào không được cất lên, còn sự xỉa xói vào đời sống ô
tạp thì thường khi xuất hiện. Ở đấy, nếu đặt một góc nhìn văn chương và giới,
ta dễ thấy câu chuyện đem lại cảm giác nam tính bị lấn lướt. Và văn chương trở
thành món quà giải trí cho nữ giới, những cô nàng thích chen một chân vào lịch
sử văn chương bằng việc trở thành nhân tình văn thi sĩ hay bà chủ sa-lông văn
nghệ, như cảm nhận của Tuấn và Điệp trong tác phẩm.
Người đọc đã can dự vào việc sản tạo văn chương nghệ thuật,
nơi mà ở đấy, sự phổ thông hóa việc thụ hưởng nghệ thuật của nữ giới đã thách
thức truyền thống văn nghệ nam quyền. Sự cay nghiệt với phụ nữ tân thời, vì vậy,
là một phản ứng kép, bởi sự bất lực của nam quyền khi truyền thống bị nữ giới
lay chuyển, và còn bởi ý thức về sự phản trắc của những kẻ lay chuyển ấy ở một
cấp độ cao hơn, khi nữ giới vừa thụ đắc nghệ thuật vừa dám thách thức lại người
làm ra nghệ thuật ấy. Say mê sáng tạo cái hay cái đẹp trong văn chương nghệ thuật,
văn thi sĩ đương thời đã nhào nặn nên một thế hệ người đọc mới thâu nhập sâu sắc
ý vị văn chương trong khuôn khổ của ái tình (và) lãng mạn, để đến khi thế hệ ấy
trưởng thành và can dự trở lại cội nguồn sáng tạo, họ mới “vỡ mộng”, ngậm ngùi
hay phản ứng gay gắt về một sự đã rồi.
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội, bằng việc cường
điệu sự bất hài hòa trong tình yêu trai gái đương thời, cho ta thấy rõ sự quy
chiếu của phương diện giới trong các nhìn nhận về đời sống. Tự sự về giới trong
Nguyễn Bính vì vậy mà phức tạp và thiếu mạch lạc hơn so với Phạm Duy, dù mối
quan hệ giữa văn chương và tình ái của họ có nhiều điểm tương đồng. Tự sự của
Nguyễn Bính chất vấn nhiều hơn về bản thân và về đời sống, một đời sống với rất
nhiều biến đổi của những con người chẳng thể thấu đạt lẽ biến đổi ấy, như cảm
nhận của Tô Hoài đã được dẫn ở trên. Có thể do khoảng cách thời gian để chiêm
nghiệm về các sự kiện giữa Phạm Duy và Nguyễn Bính khác nhau, và nhiều lý do
khác nữa. Song có một điểm quan trọng hơn, những trải nghiệm mà Nguyễn Bính và
các văn thi sĩ cùng thế hệ chia sẻ là những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, trong
cả hiện thực đời sống và hiện thực nghệ thuật, ngay tức khắc dội vào tâm trí
văn thi sĩ. Vì vậy mới có hoang mang, cực đoan và phân hóa thành các khuynh hướng
thẩm mĩ khác nhau trong văn chương nghệ thuật không lâu sau khi cảm quan thế giới
hình thành cùng sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.
4. Thay lời kết
Tự nhận mình là “người điên” của đô thị giao thời, tác phẩm
có tính tự truyện này cho chúng ta thấy rõ hơn tại sao văn thơ Nguyễn Bính lại
là sự khước từ thế giới hiện đại xô bồ ấy để trở về với làng quê yên bình. Nhiều
nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính đã đi tìm nét đẹp hồn quê ấy, từ những biểu hiện
tự thân đến sự đối ngẫu với không gian đô thị hiện đại [14]. Song nhìn từ một góc độ khác, trên bình
diện của xã hội học lịch sử về quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ
XX, thể hiện ở thực hành văn chương của Nguyễn Bính, đó còn là một sự từ khước
mang đậm màu sắc giới: ở phía này thi sĩ khẩn khoản “xin em em hãy giữ nguyên
quê mùa”, và ở phía khác thi sĩ khát khao “tôi đi tìm giữa kinh thành”. Nguyễn
Bính là con người nhập cuộc, hiện thân thành những xê dịch không dứt, nhất là
khi vừa bị bật rễ khỏi thôn quê vừa “sực tỉnh sầu đô thị”. Văn chương Nguyễn
Bính, ở những vần thơ bi lụy và những trang văn giàu tính tự thuật, đã in dấu sự
suy giảm chập đôi của nam quyền trong quá trình dịch chuyển vị thế người nam từ
truyền thống sang hiện đại. Chỉ có điều, trong nỗ lực thích ứng không đầy đủ ấy,
người nam đã chưa cảm thông cũng với sự dịch chuyển ấy của người nữ, trong bối
cảnh mà ý thức bình quyền đã được nhen nhóm. So với các bài thơ trữ tình mang dấu
ấn đời tư khác, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội thậm xưng mối
quan hệ bất tương thích này, không chỉ như câu chuyện của riêng Nguyễn Bính, mà
chủ yếu là câu chuyện của thời đại. Vì vậy, có thể nói, nếu đọc văn chương
không chỉ như là sự thụ cảm nghệ thuật, với ý thức tra vấn, nhìn nhận văn
chương như một dữ kiện văn hóa, sự trở lại/ đọc lại các thực hành văn chương của
Nguyễn Bính là hữu ích, như với một tác phẩm thường dễ bị nhìn nhận là thiếu chất
văn chương (Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội) hay mở rộng các soi chiếu
liên ngành vào di sản văn chương Nguyễn Bính (vấn đề giới và lãng mạn chẳng hạn),
là bổ khuyết cần thiết để lấp dần các khoảng trống văn học sử, và thực hành một
cách đọc vi lịch sử về văn chương nghệ thuật.
Chú thích:
[1] Xem
thêm Trần Đình Hượu: “Tư tưởng dân chủ của các nhà Nho duy tân đầu thế kỷ XX”,
trong Phan Đại Doãn (chủ biên): Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam. Nxb.
Chính trị quốc gia, H., 1998, tr.97-112.
[2] Trịnh
Văn Thảo: Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954). Nghiên cứu lịch
sử xã hội. (Nhiều người dịch). Tuvanbooks & Nxb. Thế giới, H., 2013.
[3] Trịnh
Văn Thảo: Sđd., tr.34, 145.
[4] Vũ
Ngọc Phan có lẩy ca dao cho thấy xu hướng lựa chọn đô thị rất rõ rệt trong ý thức
của các trí thức đương thời: “Mười năm bút mặc giang hồ/ Có về Hà Nội cơ đồ mới
nên” (Chuyện Hà Nội, Bách Việt, 1944).
[5] Tô
Hoài: “Nguyễn Bính”, trong Những gương mặt (chân dung văn học) (in lần
thứ hai - có sửa chữa, bổ sung). Nxb. Hội Nhà văn, H., 1995, tr.158.
[6] Tô
Hoài: “Nguyễn Bính”, trong Những gương mặt. Sđd., tr.142-143.
[7] Thậm chí, ở một lứa trí thức đậm
đặc ảnh hưởng phương Tây hơn nhiều, các lựa chọn ở hai chiều đối nghịch vẫn
không bớt phân vân. Đây là lời của Đinh Gia Trinh trong bài viết “Đông phương
và Tây phương” in trên Thanh Nghị (số 10/1942):
“… Tâm hồn tôi, trí thức tôi nửa quyến luyến Đông-phương, nửa
duyên nợ keo kết với Tây-phương… Tư tưởng Âu-tây đã như làn sóng tràn ngập xứ sở
này, nhưng hồn Đông-phương còn mãi ở buổi tà dương kia.
… Đứng ở chỗ giao thông của hai thế giới, tôi tựa như đang
chơ vơ đang đi tìm một chân lý, như kẻ si tình đang kiếm người yêu để thờ phụng.
Đông-phương hay Tây-phương? Những khi một mình trầm tưởng trong phòng sách hoặc
trên những con đường vắng, tôi thấy trí thức tôi, lòng tôi như xôn xao bứt rứt
trong một cảm giác băn khoăn vô định hoài”
(Dẫn theo Trần Hải Yến: “Khởi đầu, hay một đan cài lịch sử”
[Thay Lời giới thiệu], trong Dương Thu Hằng: Trương Vĩnh Ký và bước khởi đầu
đời sống văn chương Việt Nam hiện đại. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.
10)
[8] Cẩn tức Bùi Hạnh Cẩn (1921-),
nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học; là con trai người cậu đã đón Nguyễn
Bính về nuôi ăn học lúc còn nhỏ.
[9] Thơ Nguyễn Bính được dẫn trong
bài, ngoài các bài thơ được tái bản theo ấn bản đầu, trong các tập Tâm hồn
tôi (Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2015), Lỡ bước sang ngang (Nhã
Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2014), các bài còn lại đều lấy từ Nhiều tác giả: Thơ
mới, 1932-1945: tác giả và tác phẩm (Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn).
Nxb. Hội Nhà văn, H., 2000.
[11] Xem John C. Schafer: Đọc
Phạm Duy và Lê Vân: tư duy về nam và nữ giới (Cao Thị Như Quỳnh, Nguyễn
Trương Quý dịch). Tu thư Đại học Hoa Sen & Nxb. Hồng Đức, H., 2015.
[12] Xem Đoàn Ánh Dương: “Lời giới
thiệu”, trong Nguyễn Bính: Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội. Tao Đàn
& Nxb. Văn học, H., 2016. Một phần của tiểu luận này đã được triển khai
trong lời giới thiệu cuốn sách.
[13] Vương Trí Nhàn: “Hai cuốn tiểu
thuyết Nguyễn Bính viết thời tiền chiến”, ngày 4/2/2015. Nguồn: http://vuongtrinhan.blogspot.com/
[14] Chẳng hạn, xem Nguyễn Đăng Điệp:
“Khối tình lỡ của người chân quê”, Tạp chí Văn học, s. 5, (5/1994); Hà
Minh Đức: Nguyễn Bính - Thi sĩ của đồng quê. Nxb. Giáo dục, H.,
1995; Nhiều tác giả: Nguyễn Bính - Nhà thơ chân quê (Thảo
Linh tuyển chọn và biên soạn). Nxb. Văn hóa - Thông tin, H., 2000; Chu Văn Sơn:
“Nguyễn Bính và kiếp con chim lìa đàn”, trong Ba đỉnh cao Thơ mới (Xuân
Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử). Nxb. Giáo dục, H., 2003;…
23.7.2018
Đoàn Ánh Dương
Đoàn Ánh Dương
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét