Đi vào cõi mộng hay say cùng giấc mơ là một trong những đường
hướng thoát ly thực tại của những thi nhân Thơ mới, trong đó Nguyễn Bính và Lưu
Trọng Lư là hai tiếng thơ tìm đến những mộng và mơ một cách say mê. Nguyễn Bính
- một người mang nặng nỗi “sầu đô thị”, Lưu Trọng Lư - một kẻ hoang hoải trong
“bao la sầu”, đã tìm đến mộng, nhiều mơ mộng. Mơ mộng trở thành một tín hiệu thẩm
mỹ, một mã nghệ thuật để khai mở lối vào thế giới thơ của hai thi nhân. Mộng và
mơ trong thơ Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính vừa mang những nét tương đồng bởi những
tác động của thời đại, của lịch sử, của các quy luật sáng tác; song cũng lại
không dễ hòa lẫn bởi khí chất và cá tính của mỗi phong cách thơ đặc biệt này.
1. Những giấc mộng tình là những giấc mộng vàng
Hiện diện như một hoạt động tâm lý đặc biệt và phổ quát của
con người, mộng và mơ góp phần kiến tạo nên một thế giới thứ hai tồn tại song
song với thế giới thực tại mà con người đang sống. Trong thế giới đó, mỗi người
tìm thấy những kỷ niệm đã cũ, những ước vọng chưa thành và những bí mật chưa được
hiển lộ. Với thi nhân, mộng mơ trở thành một miền không gian của khát khao, của
tưởng tượng, ở đó cái nội cảm của thi nhân được bung tỏa và bộc lộ đến tận cùng
khi mà biên giới của mộng mơ là vô hạn. Với Nguyễn Bính và Lưu Trọng Lư, không
gian đó là nơi ấp ủ những giấc mộng vàng về tình yêu và về cuộc đời mà trong
đó, thoạt nhìn, mộng tình “chiếm sóng” và thường xuất hơn cả.
Thêu dệt nên mộng tình trong thơ Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính
là cảnh hạnh phúc giản dị của anh và em, chàng và nàng:
Thấy ta ngừng hát, em cười lả
Ta thưởng vất em một quả đào
Ta ngỏ nhờ em đưa qua bến
Em cười, ta vội xuống cây mau [1]
(Hôm qua, Lưu Trọng Lư)
Em cứ yêu đời đi!
Yêu đời như thuở nhỏ
Rồi để anh làm thơ
Và để em dệt lụa [2]
(Thoi tơ, Nguyễn Bính)
Cũng là mộng tình đấy, nhưng mộng vàng của mỗi thi nhân lại
không cùng chung một công thức dệt mộng. Những mộng tình của Nguyễn Bính bao giờ
cũng mang hương vị của đời sống đôi lứa khi đã nên duyên vợ chồng như là một kết
thúc có hậu cho những mối tình thơ mộng: “Đêm ấy tôi mơ em đẹp quá/ Đẹp như đời
của vợ chồng son” (Vườn mía). Trong khi đó, tình trong mộng của Lưu
Trọng Lư chủ yếu là của những tình nhân đang say trong cảnh sắc yêu đương: “Em
xinh em đẹp, lòng anh trẻ/ Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu” (Tình
điên). Phải chăng vì Nguyễn Bính trong đời thực quá nhiều dở dang, lỡ làng
nên chỉ mong cho tình và đời có một chung cục rõ ràng miên viễn để giải tỏa những
sầu buồn và tiếc nuối? Còn Lưu Trọng Lư vẫn là một thi sĩ thiên hướng di trú
mãi vào cõi mộng nên mong mộng tình mãi đẹp như khi anh và em còn là tình nhân?
Song dẫu là nguyên ủy của những mộng tình này thế nào đi chăng nữa, mối quan hệ
luyến ái của những chàng và nàng, anh và em trong thơ của Nguyễn Bính và Lưu Trọng
Lư đã cho thấy mức độ gắn kết với hiện thực trong mộng của hai thi nhân. Một đằng,
mộng là nơi giải tỏa những hiện thực bất thành và một đằng khác, mộng là sự mỹ
lệ hóa những mối tình đang say.
Mộng vàng trong Lưu Trọng Lư dường như rất thuần khiết. Thế
giới mộng trong thơ ông vẽ ra những cảnh mộng và thời mộng rất mơ màng, hư ảo:
Dưới chân không nghe chèo vỗ sóng
Thuyền bơi trong cõi mơ lồng lộng
Muốn ca nàng chỉ lặng thầm ca
Ngại ngùng sợ gió chim xao động…
Bập bềnh vẫn trôi trên mây bạc
Thuyền trôi đã quá dải Ngân Hà
Giật mình nàng nhìn ta ngơ ngác
Không biết còn trôi bến nào xa?
Vẫn là dư âm và vết dấu của một Tiếng thu quá đỗi
mơ màng và da diết! Thanh âm của cảnh mộng đều khẽ khàng đến tĩnh lặng, hoạt động
cũng sẽ sàng như ngại làm xê dịch sự yên ả của không gian, và trạng thái cảm
xúc cũng chỉ “ngơ ngác” chứ không hề dữ dội đau thương. Rời bỏ trần gian, nàng
và ta đã thiên di lên tận “mây bạc”, bồng bềnh trên “dải Ngân Hà” đến độ chẳng
còn chút ràng buộc gì với hiện thực. Con thuyền mộng lạc vào cõi hư ảo và nhân
vật trữ tình cũng vì vậy mà không còn ý thức về thời gian hay không gian, vô
cùng “mung lung” như một “kiếp phù du”:
Xin rước cô em bước xuống thuyền!
Thuyền tôi sắp trẩy bến thần tiên
Cùng nhau ta phiêu dạt
Nơi nghìn trùng man mác
Theo gió, theo mùa
Gửi kiếp phù du
(Xin rước cô em, Lưu Trọng Lư)
Hoặc giả cảnh không là đào nguyên, người không là thần nam
tiên nữ, thì cảnh thực lại vẫn cứ như mộng:
Hoa lá quanh nàng lác đác rơi
Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi
Mồng tơi ứa đỏ đôi tay nõn
Cô bé nhìn tay, nhí nhảnh cười
Cách tường tiếng gọi sẽ đưa sang
Rẽ lá cô em trốn vội vàng
Quên giỏ mồng tơi bên giậu vắng
Ta qua nhặt lấy gửi đưa nàng
(Lá mồng tơi, Lưu Trọng Lư)
Song lá mồng tơi ở thi phẩm này chẳng có chút dáng dấp nào
chiếc lá mồng tơi thôn quê gần gụi như chính nó ở trong thơ Nguyễn Bính. Và
hình ảnh của cô bé cũng chẳng gợi nhớ tới cô hàng xóm của thi nhân họ Nguyễn. Bởi
một lẽ, bao bọc quanh hai thi ảnh ấy là một thi ảnh thuộc về cõi mơ: “Hoa lá
quanh nàng lác đác rơi”. Còn cái dáng hái mồng tơi và đôi tay nõn ấy lại càng
không thể là của một cô gái thôn quê nào cả mà tựa như các tiểu tiên nữ ở chốn
Bồng Lai, và rồi cái điệu cười thoát tục, cái hành động “rẽ lá” và cả cái tiếng
gọi “sẽ đưa sang” đều như thuộc về một thế giới vô ưu mà chỉ có những niềm vui
trong trẻo thần tiên. Thế nên, chả trách người bạn tri âm của Lưu Trọng Lư đã
khẳng định: “Mộng! Đó mới chính là quê hương của Lư!” [3].
Song mộng của người thơ họ Lưu này cũng không phải là chuyến
du hành lên tiên như Thế Lữ, cũng chẳng phải là giấc mộng con trong giấc mộng lớn
của Tản Đà, cũng chẳng kì dị đến siêu thực ấn tượng như Hàn Mặc Tử. Thơ Lưu Trọng
Lư là mộng, và mộng là đời sống thực của hồn thơ Lưu Trọng Lư!
Mộng trong thơ Nguyễn Bính là thoát thai từ cảnh thực nên
cũng “dan díu” với thực một cách rõ ràng. Dẫu rằng đó là “bến mơ”, là “mơ tiên”
hay “mơ ngủ”, thì cảnh mộng vẫn dùng dằng ràng buộc với cảnh thực không rời:
Bến mơ thuyền đậu, dưới thuyền mơ
Tôi đã mơ màng chuyện tóc tơ
Bỏ dở khăn thêu, nàng lẳng lặng
Đến xem chàng nối mấy vần thơ
Bỗng nàng sung sướng vỗ tay reo,
- Thi sĩ, chồng em, anh đáng yêu!
Những vần thơ anh huyền ảo quá!
Và thiêng liêng quá! Và cao siêu!
(Bến mơ, Nguyễn Bính)
Nguyễn Bính vẫn có con thuyền mộng cho riêng mình, nhưng nó
không huyền ảo như thuyền mộng của Lưu Trọng Lư. Cái mà nhà thơ gọi là “bến mơ”
và “thuyền mơ” chỉ là những dấu hiệu dự báo về một không gian mộng ảo sẽ được mở
ra trong những thi cú tiếp theo, song đến khi cảnh mộng mở ra, người ta dễ quên
khuấy đi mất nó là mộng, vì có mộng nào mà thanh âm lại rộn rã, cảm xúc thì sống
động, lời nói thì rõ ràng, và lòng chàng - nàng thì chẳng chút mơ hồ? Tất cả đều
chân thực quá, đến độ tưởng như thi nhân đang tự sự một khoảnh khắc hay một câu
chuyện rất trần gian, rất đời thường.
Lưu Trọng Lư ít gọi người mộng là tiên mà lại cứ như tiên,
Nguyễn Bính nhiều lần định danh người mộng là tiên rốt cuộc là sự “thần tiên
hóa” những gái quê, “gái xuân” rất đỗi dung dị: “Có một nàng tiên đan áo
len/ Nàng tiên đẹp nhất của làng tiên” (Mơ tiên, Nguyễn Bính); “Bao
giờ cũng như bao giờ/ Cửa nàng vẫn đóng không chờ tôi qua/ Cửa nàng là cửa lầu
hoa/ Nàng là tiên nữ tôi là thường nhân” (Nàng là tiên nữ, Nguyễn Bính).
Trong tâm hồn thi sĩ, men tình đã ủ cất những hình ảnh vốn
dung dị ấy thành ra tiên nữ, mỹ nữ, tiểu thư, khuê các,… hết thảy. Họ là tiên
trong lòng chủ thể trữ tình và chỉ riêng của người “chăm sóc vườn hoa tình ái” ấy
mà thôi. Cho nên, từ phương diện người tình trong mộng này, thơ Nguyễn Bính mở
ra những mơ nhiều hơn mộng. Vì Nguyễn Bính nặng những mối sầu vì duyên tình với
người và với đời không trọn vẹn nên người thơ vẫn hay mơ tưởng và tạo nên những
giấc mộng khi tỉnh thức, có khi chỉ là “mơ chuyện thần tiên” hay “giả cách” để
tự ủi an chính mình, như chuyện yêu một cô Oanh trong tưởng tượng để thử lòng
và “trả thù” cô Oanh của đời thực: “Nhưng yêu Oanh quá cho nên phải/ Mơ chuyện
thần tiên để dối mình” (Mơ chuyện thần tiên, Nguyễn Bính). Hoặc giả vờ
yêu để xoa dịu nỗi đau của một kẻ “tử thương” như trong bài Giả cách. Có lẽ
cũng chính vì thế mà người mộng trong thế giới mộng của thơ Nguyễn Bính chẳng
cao siêu, thoát tục như Lưu Trọng Lư. Và điều làm cho mộng Nguyễn Bính thực hơn
nữa là nó gần như không mang khung cảnh đào nguyên, bồng lai, hư ảo và thời mộng
cũng chẳng quá phi thực:
Quá giang người khách năm xưa
Dừng trên bến nước mơ cô lái đò
(Bến nước, Nguyễn Bính)
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
(Giấc mơ anh lái đò, Nguyễn Bính)
Thời mộng là “năm xưa”, là quá vãng, là kỉ niệm. Cảnh mộng
cũng là kí ức của một người hoặc giả là kí ức của một thời. Nó thuộc về một “hiện
thực” đã xa - nay được tái sinh trong sự thức dậy của những xúc cảm của hiện tại.
Do đó dù không thuộc về hiện thực song mộng ở đây vẫn là một “hiện thực trong
tâm tưởng” của Nguyễn Bính vốn hay hoài niệm để tiếc nuối, nhớ nhung hoặc mơ về
tương lai để hi vọng, đợi chờ và khao khát.
Nếu nói về độ phức tạp trong thế giới nội cảm của Lưu Trọng
Lư và Nguyễn Bính, dường như chúng ta dễ nhận thấy cái Tôi của Nguyễn Bính là sự
giăng mắc ngang dọc những nỗi niềm lỡ dở, khuyết thiếu nên nó có vẻ phức tạp
hơn một Lưu Trọng Lư trọn đời chỉ muốn cư trú ở trong mơ. Thế nên mộng của Lưu
Trọng Lư hầu hết là mộng tình thuần chất. Trong khi đó mộng tình của Nguyễn
Bính lại là mộng kép: trong giấc mộng tình thường có cả mộng
công danh. Những chàng trai - cô gái, tôi - em, anh - cô trong mộng tình của
Nguyễn Bính thường được tạo tác và gắn kết theo mô thức của những tài tử - giai
nhân của thời phong kiến: nàng thì công dung ngôn hạnh, ta thì hiền hậu chuyên
cần, nàng là công chúa nơi cung cấm, ta là quan trạng võng đi đầu (Thơ xuân, Giấc
mơ anh lái đò…).
Giấc mơ quan trạng song hành cùng giấc mộng
tình là nét khu biệt quan yếu của mộng trong thơ Nguyễn Bính với Lưu Trọng
Lư. Và có lẽ cũng vì vậy mà mộng tình của Nguyễn Bính là con diều mãi ràng buộc
với sợi dây cuộc đời, không bay hẳn lên chốn trời mây thanh thoát như của Lưu
Trọng Lư. Trong thơ Nguyễn Bính, người ta thấy cái Tôi trữ tình thường dùng dằng,
dang dở ở hai bến bờ thôn quê - đô thị, tình duyên - sự nghiệp,… vừa tìm kiếm hạnh
phúc ở bờ này thì lại cũng hoài trông về bờ kia, vừa muốn trọn vẹn với bến này
thì lại khát khao niềm vui ở bến kia, hoặc giả, cả hai nơi đều chông chênh, lạc
lõng. Và dường như, lòng thi nhân vẫn mang nặng giấc mộng công danh, nên nhiều
khi đành để tình lở dỡ mà dan díu với giang hồ, với kinh thành (dù rằng cái
giang hồ vẫn chỉ là “giang hồ vặt”, giang hồ một chút như lời tự thú của Nguyễn
Bính). Và có khi rời bỏ kinh thành để về với “lũy tre xanh” như trong
bài Sống lại. Vì thế, mộng vàng trong thơ Nguyễn Bính là sự hôn phối của cả
hai điều kiện: công thì thành và duyên thì toại, trong đó, công thành tiên quyết
cho duyên toại.
Nếu xem mộng là sự phóng chiếu đời thực thì mộng là mã để giải
những bí ẩn, những khuất lấp của hiện thực cuộc đời. Mộng trong thơ Nguyễn Bính
và Lưu Trọng Lư cũng chính là điểm tựa để tìm kiếm, phác họa những bức chân
dung của tâm hồn thi nhân. Những giấc mộng vàng là ước mơ, là mong mỏi và cũng
là một phương thức ủi an, động viên những sầu muộn của những mối tình yểu mệnh.
Ở góc độ này, học thuyết của Sigmund Freud là cơ sở để có thể giải mã ý nghĩa
những giấc mộng hay những cơn mơ như thế của cái Tôi thi sĩ. Song vượt xa hơn
giới hạn mối quan hệ giữa tình thực - tình mộng, mộng tình - mộng vàng trong
thơ Nguyễn Bính và Lưu Trọng Lư còn qua một lần khúc xạ khác như cách nhà
nghiên cứu Chu Văn Sơn đã khẳng định về cái Tôi - em - cuộc đời để
nói về giấc mộng của cuộc đời mỗi thi nhân.
Trong cơn chuyển dạ của lịch sử, trong sự biến thiên của thời
cuộc, người thơ lãng mạn nào chẳng hoang mang, chao đảo trong hành trình tìm kiếm
một lối đi cho đời và cho thơ. Và cái tâm thế không vững vàng ấy là cội nguồn của
biết bao thất vọng, bao buồn sầu. Con đường vượt thoát cho hiện thực có phần
phũ phàng là mộng. Trong đó, việc tìm kiếm một đối thể để trao gửi, sẻ chia mọi
tấc lòng và tâm tình như tình nhân, như tri kỉ thì những “em”, “nàng”, “cô”,…
là lựa chọn khả dĩ. Do đó, tình trong không gian thơ là tình yêu với người,
nhưng tình trong cả thế giới thơ, và trong tâm hồn thi sĩ, là tình yêu với đời.
Mộng tình - mộng vàng cũng là mộng đời - mộng vàng đấy thôi. Mà mộng đời của
Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính và các nhà thơ cùng thời, có lẽ là giấc mộng của những
con người loay hoay tìm đường trong muôn vàn những ngả rẽ hiện ra bất ngờ, đường
đột mà cơn ba đào của lịch sử đã tạo nên.
Có thể thấy, cùng vẽ nên mộng, cùng là mộng tình, và cũng
cùng mộng vàng, song công thức dệt mộng của mỗi thi nhân mỗi khác. Lưu Trọng Lư
mơ về cảnh hạnh phúc mơ màng đầy hư ảo của tình nhân, đôi lứa. Nguyễn Bính lại
mộng về cảnh ấm cúng thanh bình gần gũi, rất trần thế của đời vợ chồng son “phu
quý phụ vinh”. Sự khác biệt được hình thành không chỉ từ tâm tính mà còn là kết
quả của những trải nghiệm trong cuộc đời của chính Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính.
2. Những giấc mộng vàng là những giấc mộng tan
Khi đời thực không thỏa nguyện, thi nhân tìm đến mộng. Mộng
thoát thai từ hiện thực, nên dẫu có mộng và mơ đến tột cùng thì nó vẫn không
nguôi gắn kết với cuống rốn của mình. Vì vậy mà khi bắt đầu dệt mộng, chủ thể
có thể thỏa sức ước ao và khát khao, xây nên bao giấc mộng vàng thì đến cuối
cùng, bàn tay đời thực vẫn gõ lên cửa mộng mà gọi về người mẹ của nó. Và khi thực
tế không như ý, thì mộng vàng vẫn trở thành những giấc mộng tan.
Bắt đầu là một giấc chiêm bao với cảnh đẹp như bồng lai, người
xinh như tiên nữ, tình vui như thơ trẻ, song cuối cùng, tất cả chỉ là hư ảnh:
Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!
Muốn gọi tên nàng nhưng ái ngại
Ngoài thềm lác đác bóng hoa rơi
Nàng còn lưu lại chút hương xa
Tạ lòng ta tặng mấy vần thơ
Thơ ta cũng giống tình nàng vậy
Mộng, mộng mà thôi! Mộng hão hờ.
(Hôm qua, Lưu Trọng Lư)
Khi tàn giấc mộng, người tình cũng thành xa cách muôn trùng,
đến độ “ta” còn không đủ cảm thấy thiết thân mà gọi tên để níu gọi. Mọi thứ đều
tan biến, lùi xa. Choàng tỉnh, là mộng đẹp ngay lập tức trở thành “mộng hão hờ”!
Mộng đầu bao giờ cũng là mộng vàng khi em thì xinh, lòng ta thì trẻ và tình
mình thì trong. Những tưởng tình duyên ấy mãi sẽ lưu cữu trong chốn hạnh phúc
ái ân, thì bất ngờ:
Hôm nay ngồi ngóng ở bên song
Ta được tin ai mới lấy chồng
Cười chửa dứt câu, tình đã vội
Nàng điên trên “gối mộng” người thương
(Tình điên, Lưu Trọng Lư)
Mộng vàng trong thơ Nguyễn Bính cũng nhanh tàn chóng tan như
thế. Trong khi “tôi” còn mơ, mơ mãi “Cả hai chiếc võng cùng sang một đò” thì sự
tình đã thành:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò, đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền lại thôi!
Hay ước mơ về cảnh vợ chồng vừa mới chớm nở: “Hai đứa sống bằng
hoa với rượu/ Sống vào trời đất, sống cho nhau”, thì đã giật mình thảng thốt: Nhưng
mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi
Chiều nay, tôi chắp tay tôi lạy:
Đừng gặp người xưa nữa, lạy giời!
(Hoa với rượu, Nguyễn Bính)
Dường như, đi vào mộng chỉ là lối tạm, là chốn nghỉ giữa bao
mệt nhọc với đời, nên không thể đi hoài đi mãi. Mỗi lần vào mộng là một lần bay
bổng cùng cảnh mộng, người mộng, tình mộng nên thơ, ngọt ngào bao nhiêu thì khi
tỉnh mộng lại càng cay đắng, hụt hẫng bấy nhiêu:
Mấy đênm dan díu người trong mộng
Mộng tình, canh tàn, lệ ướt rơi
(Nhặt nắng, Nguyễn Bính)
Lúc mộng nhìn nhau cười ngặt nghẽo
Mộng tan trên gối: lệ hoen rơi
(Mộng chiều về, Lưu Trọng Lư)
Thi nhân vì vậy mà bị cuộn xoay vào cái vòng tròn oan nghiệt:
thực - mộng - thực, tương ứng là đau khổ - hạnh phúc - đau thương. Lần tái ngộ
thứ hai với thực là lần mà những đau khổ ban đầu càng trở nên đau đớn hơn, vì
nó cho thấy người ta không thể thoát ly khỏi thực tại bằng mộng, và mộng cũng
không thể mãi là mộng vàng khi mà “Mộng tan tành quá, đời tan tác”
(Mưa, Nguyễn Bính). Bi kịch của những người thơ là sự vùng thoát bất thành
khỏi cái thực tại của ngày hôm nay ở cõi trần, dù rằng bằng tình, bằng mộng, bằng
hôm qua, bằng ngày mai, hay bằng bất cứ con đường nào khác.
Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính cũng thường dự cảm và lý giải về
những giấc mộng nhanh tàn, nhanh tỉnh. Mộng uyên ương, hồ điệp ấy vốn dĩ chỉ là
mộng của người thơ chứ nào của phải đôi tình nhân ước hẹn. Nên tan trước hết là
vì tình nhạt thành ra vô tình, hờ hững:
Than ôi! Ngoảnh lại, biến đâu rồi!
Còn vẳng trên đồi giọng hát thôi
Sao chẳng, em ôi! Chầm chậm lại
Cho tình duyên ấy gửi đôi lời
(Hôm qua, Lưu Trọng Lư)
Hoặc vì độ sâu, độ nồng của tình quá đỗi chênh nhau:
Lòng tôi rối những tơ đàn
Cao vời những ước, tràn đầy những mơ
Lòng cô chẳng có dây tơ
Ước sao đến thấp, mà mơ đến nghèo
(Oan uổng, Nguyễn Bính)
Và tan cũng vì tình phai, vì đôi lứa không cùng chung giấc mộng:
“Em có hiểu tôi đâu/ Đêm đêm chẳng mộng chung nhau nữa rồi” (Tình
tôi, Nguyễn Bính).
Thế nhưng nếu nỗi đau tình tan - mộng vàng tan vì sự nhạt,
phai của xúc cảm có khi mang lại sự tiếc nuối, có khi là oán hận vì người
thương đã đi lấy chồng, đã dệt mộng cùng người khác, đã lỡ bước sang ngang thì
nỗi đau tình tan vì chính chủ thể trữ tình lại mang đầy day dứt, dằn vặt đến bi
kịch. Người trai còn theo đuổi mộng công danh, còn khao khát phong trần, còn ước
mơ phiêu bạt (Lưu Trọng Lư: Lá mồng tơi, Túp lều cỏ…).
Mộng công danh gọi mời người trai trẻ nói chung, song với
Nguyễn Bính, giấc mộng đó còn đeo bám đến ám ảnh. Nó đã thôi thúc, đẩy Nguyễn
Bính - người tình của thôn quê - đi “dan díu” với thành thị, đưa thi nhân từ đứa
con của mái ấm gia đình đi phiêu bạt giang hồ. Những giấc mộng đó, Nguyễn Bính
gọi là “mộng cao siêu”, là “giấc mơ khôn cùng”, nó khác hẳn với giấc mộng tình:
“Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng thường sang bên này” (Người
hàng xóm). Và khát khao của Nguyễn Bính là sự hòa hợp và viên mãn của giấc mộng
cao siêu với cuộc chiêm bao nhẹ nhàng ấy. Song sự thể lại không như mong đợi,
khi giấc mộng tình được xây nơi thôn quê, còn mộng giang hồ lại phải được dựng ở
chốn kinh thành. Thi nhân phải lựa chọn: đành lòng chối bỏ mộng tình cùng “em”
- một lựa chọn đau thương và dự cảm mất mát: “Tôi xin em chớ đợi chờ/ Tôi còn
theo đuổi giấc mơ khôn cùng” (Tôi tìm đâu thấy mảnh trời thần tiên); cảnh
chia ly, tan tác là tất yếu: “Ai đi quên cả hẹn hò/ Ai về mơ bóng giang hồ đêm
đêm” (Người đi). Giả sử giấc mộng công danh thành, thì mộng tình duyên
cũng sẽ như ý nguyện. Nhưng bước phong trần của Nguyễn Bính cũng chẳng đạt
thành, chẳng trọn vẹn, nên mộng nào cũng tan:
Mộng vàng tan vỡ cả
Đời dài sao những những ngày
Nước mắt là cơm bữa
Hợp tan như bèo mây
(Đề tặng ảnh, Nguyễn Bính)
Và bi kịch lở dỡ của Nguyễn Bính cũng chính là đây!
Vẫn chung lối đi - về cõi mộng, song có lẽ Lưu Trọng Lư mải
mê trong mộng hơn nên ít nhiều mộng vàng của thi nhân vẫn có khi hóa thành trường
cửu:
Quanh ta vẫn màu xanh gợn sóng
Quanh ta thăm thẳm một màu xanh
Buông chèo, nàng cùng ta tha thiết
Nhìn lại nhìn nhau bỡ ngỡ tình
(Thuyền mộng)
Còn mộng Nguyễn Bính thì mãi một điệp khúc sầu bi của tan và
vỡ:
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây…
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
(Lỡ bước sang ngang)
Những giấc mộng bất toại trong đời thực đã tạo nên một trời
thơ não nùng của Nguyễn Bính như thế. Cho nên, mộng trong thơ ông không thể là
chốn Đào nguyên được:
Tôi tìm đâu lối Đào Nguyên?
Hỡi chàng Lưu! Chúng ta điên mất rồi
Còn toan ân ái với đời?
Còn toan ân ái với người trần gian?
Giấc mơ đến thế là tan
Bài thơ đến thế là tàn bài thơ
(Tôi tìm đâu thấy mảnh trời thần tiên)
Và tính thế bi kịch, bế tắc của thi nhân lại khiến cho vòng
tròn thực - mộng lại luân hồi bất tận. Sau khi tỉnh mộng, có đớn đau, nhưng rồi
trước thực tại phũ phàng, lại phải quay về với mộng. Cho nên, dẫu mộng tàn - là
sự phản chiếu những bi thương của đời thực - thì mộng vàng - vẫn luôn là sự ủi
an, là liều thuốc xoa dịu nỗi đau, và luôn luôn là ước vọng khôn cùng của Nguyễn
Bính.
Cùng là những tâm hồn nhạy cảm, mộng mơ, cùng hứng chịu những
thử thách của thời cuộc và cùng trải qua những bi kịch trong đời riêng, nên mộng
trong thơ Lưu Trọng Lư và Nguyễn Bính có những giấc mộng chung: đó là những mộng
tình - khi là mộng vàng, khi là mộng tan - và đều là sự ánh xạ của thế giới nội
cảm của nhà thơ không chỉ về tình người mà còn về tình đời. Mộng của Lưu Trọng Lư
thuần chất và thuần khiết đến độ đến với thơ ông như là lạc vào cõi mộng. Mộng
trở thành nơi lưu trú của nhà thơ và thực lại trở thành nơi tạm trú. Trong khi
đó, mộng của Nguyễn Bính chỉ là giả cách, luôn luôn bị kéo về đời thực, về trần
thế với cảnh thực, tình thực và cả những nỗi đau thực đến vô cùng. Hai kiểu mộng
này vừa cùng bao giấc mộng của các nhà thơ khác dệt nên một thế giới mộng, vừa
góp thêm những sắc màu tạo nên bức tranh mộng muôn hình muôn vẻ trong khung trời
Thơ mới.
7.8.2018
Võ Nguyễn Bích Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét