Lời nói đầu
Hơn ba mươi năm cần mẫn sáng tạo nghệ thuật, tung hoành trên nhiều thể loại khác nhau (thơ, văn xuôi, kịch...), Nguyễn Bính đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, đặc biệt trong lĩnh vực thơ ca. Ông được coi là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Thơ Nguyễn Bính chinh phục người đọc bởi ông đã kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, là hiện đại của truyền thống. Điều quan trọng nhất tạo nên lực hút thơ Nguyễn Bính là ông đã “chạm đến linh hồn làng mạc”, qua những xót buồn rạn vỡ bên trong. Không quá cầu kỳ, bí hiểm, Nguyễn Bính xâm chiếm người đọc bằng những câu thơ giản dị một cách cao cường, có khả năng phát sóng mạnh, đánh thức những kín nhiệm tâm hồn từ mối liên hệ sâu xa với tâm thức cộng đồng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ và những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, cũng như nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Bính hăng hái nhập cuộc, trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Mô hình nghệ sĩ - chiến sĩ là mô hình chủ đạo của nền văn học mới, trong đó có Nguyễn Bính.
Sau một thời gian dài vắng bóng vì nhiều lý do khác nhau, vào những năm đầu Đổi mới, Nguyễn Bính đã trở lại với Tuyển tập thơ Nguyễn Bính (1987). Những đóa hàm tiếu thơ Nguyễn Bính lập tức được người đọc đón chào nồng nhiệt. Kể từ thời điểm đó, thơ Nguyễn Bính liên tiếp được tái bản, được đưa vào chương trình môn văn ở phổ thông và Đại học. Sau nhiều năm sưu tầm kỹ lưỡng, bộ Nguyễn Bính toàn tập cũng đã ra mắt bạn đọc (lần đầu năm 2008; lần hai, năm 2017). Nhiều hội thảo khoa học, nhiều công trình nghiên cứu, phê bình, nhiều luận văn, luận án về sự nghiệp văn học Nguyễn Bính đã được triển khai... Tuy nhiên, hành trình nghiên cứu về Nguyễn Bính vẫn rất cần đến những nhận thức mới và lý giải mới.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính (1918 - 2018), Viện Văn học phối hợp với Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tổ chức Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp văn học Nguyễn Bính nhằm tiếp tục đánh giá một cách khách quan hơn những cống hiến nghệ thuật của Nguyễn Bính. Bên cạnh việc chờ đợi những kiến giải khoa học mới, Hội thảo cũng chờ đợi những phát hiện mới về tư liệu liên quan đến hoạt động văn học sôi nổi và phong phú của Nguyễn Bính qua các thời đoạn lịch sử khác nhau.
Trong số hơn 70 tham luận gửi đến Hội thảo, Ban biên soạn đã chọn 47 tham luận để xuất bản Kỷ yếu hội thảo. Cấu trúc nội dung của công trình gồm ba phần. Phần 1: Thơ Nguyễn Bính - những góc độ tiếp cận. Phần 2: Một số vấn đề thể loại, phong cách và văn hóa trong sáng tác của Nguyễn Bính. Phần 3: Tiếp nhận thơ Nguyễn Bính trước và sau 1954. Rất tiếc là chúng tôi không thể chọn hết các tham luận đã gửi đến cho Ban Tổ chức và do khuôn khổ có hạn của công trình, một số tham luận chỉ trích in một phần tiêu biểu hoặc được Ban biên tập rút gọn, chỉnh lý. Hy vọng, với tập Kỷ yếu này, một lần nữa, Nguyễn Bính sẽ xuất hiện trước mắt người đọc một cách đầy đủ, trọn vẹn hơn. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng công trình không thể tránh được thiếu sót, hạn chế, chúng tôi ý thức được rằng, thiếu sót và hạn chế ấy trước hết thuộc về trách nhiệm của Ban biên soạn. Rất mong nhận được sự đóng góp, phê bình của bạn đọc xa gần để công trình được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản tiếp theo.
Trân trọng!
T/M. Ban biên soạn
PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp
TRĂM NĂM NGUYỄN BÍNH
Một may mắn: trước dịp trăm năm Nguyễn Bính (1918 - 2018), bộ Nguyễn Bính Toàn tập do chính con gái nhà thơ sưu tầm, biên soạn, đã được tái bản kịp thời [1]. Nói là may mắn, bởi ở Việt Nam, chuyện lưu giữ các tài liệu liên quan đến nhà văn bao giờ cũng đầy khó khăn (do chiến tranh loạn lạc, ít người có thói quen sưu tập cất giữ tài liệu, và riêng Nguyễn Bính, vì sự cố Trăm hoa và sở thích lang bạt nay đây mai đó của ông…). Tiếng là Toàn tập và được tái bản, nhưng tôi vẫn e giống như nhiều Toàn tập đã có ở Việt Nam, bộ sách này chưa hẳn đã sưu tầm đầy đủ mọi viết lách của Nguyễn Bính, cả về số lượng lẫn sự chính xác so với bản in đầu. Song sự hiện diện của nó, một lần nữa, đã góp phần khỏa lấp được nhu cầu muốn nhìn thấy văn chương Nguyễn Bính một cách trọn vẹn, từ đó, hình dung được sự đa dạng của một tài năng.
Nguyễn Bính tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính (không phải Nguyễn Bính Thuyết như có tài liệu đã ghi), xuất thân trong một gia đình nho học nghèo, quê ở xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, Vụ Bản, Nam Định. Thuở nhỏ, học với cha. Hơn 10 tuổi, theo anh trai là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) ra Hà Đông ăn học, kiếm sống. Một vài tóm lược trên đây về tiểu sử cho phép người đọc nhận ra ba điều cốt yếu: thứ nhất, Nguyễn Bính dường như không qua trường lớp mà chủ yếu tự học; thứ hai: xa quê (ra tỉnh) từ nhỏ; thứ ba, tài năng của Nguyễn Bính thuộc loại thiên phú, thần đồng. Mười ba tuổi (xuân Tân Mùi 1931) ông đã đoạt giải Nhất thi thơ tại phủ Giáp Ba, Vụ Bản. Về tài thơ Nguyễn Bính, theo chứng kiến của nhiều người, Nguyễn Bính là “kẻ xuất khẩu thành chương”. Cho dù phương pháp tiểu sử ngày nay không còn quá đắc dụng, nhưng chắc chắn, những chi tiết đời tư này sẽ góp phần soi tỏ hành trạng cũng như sự nghiệp văn học của ông. Nó sẽ lý giải vì sao Nguyễn Bính gắn bó với văn hóa dân gian và thấy mình tự tin trong thế giới ấy. Trong văn chương Nguyễn Bính, dăm ba lần ông nói về giấc mơ quan Trạng nhưng thực ra, những điển tích điển cố của văn chương bác học hiện lên trong thơ ông phần nhiều đã được Việt hóa, được khúc xạ qua các truyện thơ Nôm kiểu Tống Trân Cúc Hoa hay những tích chèo/ truyện đã được phổ biến. Nghĩa là những điển tích điển cố kia ăn sâu vào tâm thức dân gian rồi đi vào hồn thơ Nguyễn Bính chứ không đến thẳng từ cửa Khổng sân Trình như các nhà nho - thi sĩ được thụ hưởng. Và nữa, hình ảnh vườn chanh, hương bưởi, hội làng… trong thơ ông là khung mơ đầy hoài niệm, được dệt nên khi Nguyễn Bính đã lìa “quê”, vọng nhìn từ “tỉnh”. Là khung mơ nên hiện thực thường chìm khuất trong những câu chuyện mang màu cổ tích, những trạng thái mơ màng, kiểu “Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi”… Nguyễn Bính cũng có hẳn một tập thơ toàn xoay quanh hoa - bướm, yêu đương, mơ mộng. Cứ thế, trên những nẻo đường “mười hai bến nước”, Nguyễn Bính đâu đâu cũng yêu đương, mơ tưởng, chán buồn ở những mức độ khác nhau. Nhưng dõi theo hành trình Nguyễn Bính, đúng có người nhận xét, càng tha hương Nguyễn Bính càng khắc khoải “ngày về”. Sự khắc khoải ấy khiến cho những vết xước tan vỡ ban đầu đã chuyển thành bi phẫn thời sau. Tại thời điểm ấy, Nguyễn Bính đầy cô đơn “Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (Xóm Ngự Viên)… và cay đắng: “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/ Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?” (Sao chẳng về đây?).
Một vài điểm xuyết về gốc gác Nguyễn Bính như trên là để hiểu hơn những nhân tố cơ bản đã tạo nên con người nghệ sĩ và tâm hồn Nguyễn Bính, còn từ cái nhìn loại hình, Nguyễn Bính thuộc kiểu nghệ sĩ lãng mạn. Nói điều này là đặt Nguyễn Bính trong không gian tinh thần thời đại ông, khi mà ảnh hưởng văn học Pháp đã qua đoạn cưỡng bức và đến hồi “hòa giải”. Đó là thời đại gắn liền với sự bùng nổ của cái tôi cá nhân và văn học Việt đang trên đường hiện đại hóa, chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần văn học lãng mạn Pháp. Dĩ nhiên, ở Việt Nam, chưa thể đạt tới cái gọi là chủ nghĩa lãng mạn hoàn chỉnh như ở phương Tây mà nó là một “phiên bản thiếu”. Cũng như thế hệ các nhà Thơ mới, Nguyễn Bính thụ hưởng cả văn hóa truyền thống lẫn văn hóa phương Tây, nhưng phương Tây vào thơ Nguyễn Bính không trực diện, mà chỉ là gián tiếp. Nguyễn Bính gắn với cuống nhau văn hóa truyền thống là chính. Không chỉ văn học lãng mạn Việt Nam, lãng mạn phương Tây cũng có hẳn một khuynh hướng văn học (nghệ thuật) đồng quê. Khuynh hướng này tuy không giữ vai trò chủ đạo trong thơ lãng mạn, nhưng có vị trí và chiêu thức riêng. Một chút so sánh giữa Xuân Diệu và Nguyễn Bính sau đây sẽ cho thấy rõ hơn sự khác biệt về chiêu thức giữa khuynh hướng đồng quê và khuynh hướng khác. Cùng được coi là những cao thủ thơ tình, nhưng Xuân Diệu táo bạo: “Nhanh lên chứ! Vội vàng lên với chứ!”, còn Nguyễn Bính e ấp: “Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình… với nhau”. Dấu ấn Tây phương và lối sống đô thị khiến thơ Xuân Diệu rất nhiều câu mệnh lệnh thức, giục giã và chủ động. Thơ Nguyễn Bính khác, nghiêng về bị động. Tình quê, qua lối thác lời trong thơ Nguyễn Bính ăn điểm ở sự e ấp ấy. Vì nằm trong trường phủ sóng của thời đại (lãng mạn) nên Nguyễn Bính, cũng như các nhà thơ cùng thời, thường nói nhiều về nỗi cô đơn. Đầy ắp trong thơ họ là các motif gặp - xa, hi vọng - thất vọng… Nhìn phía nào các nhà Thơ mới cũng nói đến buồn đau, coi thể hiện buồn đau và nỗi cô đơn là một lạc thú (Hãy lịm người trong thú đau thương - Lưu Trọng Lư; Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý - Hàn Mặc Tử). Thơ cũng như văn xuôi Nguyễn Bính, xét đến cùng là những biểu hiện khác nhau của cái tôi buồn lỡ Nguyễn Bính, trong đó, thơ giữ vai trò trọng âm, là bản “tự thuật tâm trạng” được thể hiện qua lối nói thác lời quen thuộc của trữ tình dân gian, còn văn xuôi là những mảnh vỡ, thậm chí là những kể lể rông dài về những yêu đương, khắc khoải nhớ nhung mà ông đã gặp trong cuộc sống lang bạt của mình. Những câu chuyện - thơ của Nguyễn Bính, nhìn rộng ra, đều là sự phân thân của chủ thể trữ tình, khi được bộc lộ trực tiếp, trực diện, khi được hiển lộ qua nỗi niềm của một nhân vật trữ tình, và các nhân vật này, chủ yếu là những thôn nữ nói về duyên phận. Trong số những câu chuyện lỡ nhịp lỡ duyên, Lỡ bước sang ngang là thi phẩm điển hình. Câu chuyện về người chị, rộng ra cũng là chuyện của Nguyễn Bính, chuyện của nhiều người và chuyện của nhiều thời. Đơn giản, dù ít dù nhiều, ai chẳng từng lỡ bước. Vậy ra, ở chiều sâu, lỡ bước gắn với tương quan mơ và thực, khát khao và giới hạn. Coi Nguyễn Bính như là type nghệ sĩ lãng mạn giúp chúng ta nhận thấy sự thống nhất trong ứng xử nghệ thuật Nguyễn Bính. Sự nhất quán này diễn ra cả thời Thơ mới lẫn khi ông tham gia kháng chiến ở Nam Bộ và trở về Bắc sau 1954. Nghĩa là ở Nguyễn Bính, trong hoàn cảnh nào, vẫn thường đi về giữa hai cực: hy vọng và thất vọng, dấn thân và lưỡng lự, tin tưởng và bất an… Cũng bởi thế, coi ông là “chân quê”, hay “quê mùa” là chưa đủ, chưa nhìn thấy toàn bộ các phương diện khác nhau của cái tôi Nguyễn Bính trong bối cảnh văn hóa giao thời trước 1945 cũng như kiểu nghệ sĩ lãng mạn đặc thù, cho dù “chân quê” đúng là phần trọng yếu làm nên bản sắc Nguyễn Bính. Mà xét cho cùng, bản sắc là kiến tạo. Kiến tạo bản sắc từ cái nhìn Thơ mới, làm sao Nguyễn Bính còn y hệt những liền anh liền chị của ca dao xưa.
Như đã nói, vào những năm 30 của thế kỷ XX, khi phần lớn các tài danh Thơ mới đều hướng tới tư duy nghệ thuật hiện đại Phương Tây thì có một nhánh thơ, lặng lẽ hơn, có ý “về nguồn”. Dĩ nhiên, trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây, trở về thực chất cũng là cách làm mới nghệ thuật trên nền truyền thống, là rọi vào cái cũ cái nhìn mới. Nó không hoàn toàn là một khước từ hiện đại để bám riết “quê mùa” bởi việc “giữ nguyên” cái cũ trong bước chuyển mình của lịch sử chỉ là một ảo tưởng. Vì thế, bên trong sự trở về kia đã mang theo những “xôn xao” của thời đại. Hành trình ấy, theo ý tôi, vừa có sự mách bảo của vô thức vừa là một chủ ý, nó gắn liền với khí chất, sự mẫn cảm nghệ thuật và vốn văn hóa của nhà thơ. Nhưng hành trình trở về của nhiều cây bút thời Thơ mới không hề thuần nhất. Nổi lên trong Thơ mới là hai nẻo chính [2]. Một bên là ám ảnh hương vị Á Đông và hơi thở Đường thi mà điển hình là Huy Cận, và xa kia là Quách Tấn với Mùa cổ điển. Một bên là ám ảnh đồng quê và folklore truyền thống với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... và kẻ đi xa nhất là Nguyễn Bính. Hiểu như thế sẽ thấy trở về thực chất là tìm tòi, “lùi mà tiến”. Nếu Huy Cận, một trí thức tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông, thông thạo tiếng Pháp và không quá xa lạ với lãng mạn và tượng trưng phương Tây thì Nguyễn Bính chủ yếu tắm gội, hít thở trong văn hóa dân gian. Bởi thế, ngay trong thể lục bát được coi là sở trường của Nguyễn Bính, đặt cạnh Huy Cận, sự khác biệt lập tức lộ rõ. Lục bát Huy Cận sang trọng và bác học: “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn..,” lục bát Nguyễn Bính dân dã hơn nhiều: “Cái ngày cô chưa có chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/ Lối này lắm bưởi nhiều hoa/ Đi vòng để được qua nhà đấy thôi”... Có lẽ vì cách nói bình dân này mà Hoài Thanh nhận thấy thơ Nguyễn Bính đã “đánh thức con người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng chúng ta”, cái sâu xa nhất bảo đảm sự trường tồn Nguyễn Bính chính là ông đã chạm đến thứ chúng ta rất dễ bỏ rơi là “hồn xưa của đất nước” [3].
Giống như S. Esenin của Nga, Nguyễn Bính là kẻ muốn thử sức (gian díu) với kinh thành vì hấp lực của nó, vừa (bị) chối bỏ thứ văn hóa phố thị kia do sự không tương thích về văn hóa [4]. Trước sự vênh lệch ấy, để cân bằng, Esenin tìm về với bạch dương và người mẹ, Nguyễn Bính tìm về với vườn chanh và chị Trúc… Nơi ấy làm dịu lại những nỗi đau, những vấp ngã… Tình thân và văn hóa quê hương, vì thế, vừa là điểm xuất phát nghệ thuật Nguyễn Bính, vừa là chốn về, nơi trú ngụ của linh hồn, dù thân xác đã lăn lóc nơi gió bụi phương xa. Đó cũng là nơi Nguyễn Bính tìm thấy “của tin” do văn hóa dân gian trao gửi cho ông vào thời hiện đại và bằng tài năng nghệ thuật của mình, ông đã sáng tạo nên “của tin” cá nhân để gửi vào thơ ca dân tộc.
Thuộc loại hình thi sĩ lãng mạn, Nguyễn Bính, bên cạnh chủ đề tình yêu, có một chủ đề rất quan trọng là xê dịch, tha hương. Trong đời thực, Nguyễn Bính thuộc loại lang bạt nhiều nhất trong số các nhà Thơ mới và rất nhiều bài thơ của ông mang rõ dấu ấn tha hương. Những nghệ sĩ lãng mạn là những kẻ ưa lang bạt, phiêu lưu. Phiêu lưu để tìm cái lạ, để vượt lên thực tại tầm thường. Mẫu người du khách, ly khách xuất hiện nhiều. Xuân Diệu: “Du khách đi, du khách đã đi rồi”. Thâm Tâm: “Ly khách! Ly khách con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không”… Trước mắt họ là lý tưởng, là phương xa, dù đó là lý tưởng gì, phương trời nào, ít người biết rõ. Chỉ biết, nó không phải là thực tại trần gian tù hãm. Với ý thức vượt thoát, các thi sĩ lãng mạn luôn nuôi tham vọng kiến tạo một thực tại mới, thực tại ấy mang hai phẩm chất chính: đẹp và mơ.
Đẹp lãng mạn là những vẻ đẹp buồn, éo le, trắc trở (Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở - Hồ Dzếnh). Nguyễn Bính cũng nói nhiều đến đi. Và mơ, những giấc mơ Bướm: Rắc bướm lên hoa; Bóng bướm; Nuôi bướm; Bướm đi tu; Bướm đi chợ; Bướm nói điêu…. Là mơ, là “truyện cổ tích”, nhưng cũng là thực. Nói khác đi, đó là thực hắt bóng vào mơ, tạo nên nguồn mạch cảm xúc tha hương, ly biệt kéo dài suốt đời thơ ông. Điều đáng nói là ở những phút cô đơn nhất, Nguyễn Bính đã tạo được những ly biệt tự bên trong: “Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân ly” (Những bóng người trên sân ga), những câu lục bát đạt độ xuất thần:
Đẹp lãng mạn là những vẻ đẹp buồn, éo le, trắc trở (Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở - Hồ Dzếnh). Nguyễn Bính cũng nói nhiều đến đi. Và mơ, những giấc mơ Bướm: Rắc bướm lên hoa; Bóng bướm; Nuôi bướm; Bướm đi tu; Bướm đi chợ; Bướm nói điêu…. Là mơ, là “truyện cổ tích”, nhưng cũng là thực. Nói khác đi, đó là thực hắt bóng vào mơ, tạo nên nguồn mạch cảm xúc tha hương, ly biệt kéo dài suốt đời thơ ông. Điều đáng nói là ở những phút cô đơn nhất, Nguyễn Bính đã tạo được những ly biệt tự bên trong: “Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân ly” (Những bóng người trên sân ga), những câu lục bát đạt độ xuất thần:
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
(Không đề)
Những phân tích trên đây cho thấy, cái xê dịch/ tha hương của Nguyễn Bính, xem ra, một phần là rong ruổi lãng mạn, phần khác, quan trọng hơn, là sự xô đẩy của những “oan nghiệt” tình thế. Vì thế, không phải lúc nào nó cũng đạt tới chiều sâu của tầm quan niệm. Tầm quan niệm mà tôi nói đến ở đây là triết lý về đi. Trong số những bài thơ nói về đi, Hành phương Nam là một thi phẩm có khí vị riêng. Cũng là một kiểu “dứt áo”, nhưng không phải là dứt áo của Thâm Tâm, không là “đoạn tuyệt” kiểu Tự lực văn đoàn. Ra đi của Nguyễn Bính quá nhiều dùng dằng. Đi nhưng vẫn ngóng cả “mây Tần” lẫn “Hương, cố nhân”. Vì thế, mở đầu thì có vẻ hăm hở, khí khái (lời thơ đầy điển tích điển cố): “Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã/ Mà áo khinh cừu không ai may”, khép lại thì tê tái: “Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh/ Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi”. “Phương xa” trong thơ Nguyễn Bính, vì thế, không hẳn đã quá xa, chưa dạt đến miền “huyền diệu” và “hư linh” như những thi sĩ đã chớm bờ tượng trưng, siêu thực. Cái giang hồ, tha hương của Nguyễn Bính về bản chất, vẫn là những trôi dạt thân phận giúp người đọc hiểu hơn về cái long đong cay đắng của “thân tôi”. Trong cay đắng, ao ước của Nguyễn Bính bao giờ cũng hướng về phía bình yên: “Em thường cầu nguyện, em van vái/ Một sớm thanh bình mặt đại dương/ Bao giờ em được về quê cũ/ Dâng chị bài thơ Xuân cố hương” (Xuân vẫn tha hương). Vì thế, từ góc độ mĩ học lãng mạn, so với xê dịch của Nguyễn Tuân, giang hồ của Nguyễn Bính, quả đúng như lời Vũ Hoàng Chương trong hồi ký, vẫn chỉ dừng lại ở mức “giang hồ vặt”. Sự thật thì Nguyễn Bính cũng từng đi hút, cũng si tình, sẵn sàng chết vì tình, nhưng Nguyễn Bính chưa trượt sang bờ “trụy lạc”. Nghĩa là ông chưa đạt tới cảm giác Say của Vũ Hoàng Chương, chưa nếm mùi Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân. Ở đây, “trụy lạc” cần được hiểu như một phạm trù nghệ thuật (của chủ nghĩa hiện đại) thường được một số cây bút những năm 1940 - 1945 miêu tả: hút xách, nhảy đầm, thân xác “nhầy nhụa”… Nhóm nghệ sĩ “suy đồi” này muốn biểu đạt nỗi chán chường/ khối sầu phố thị. Nguyễn Bính chưa chạm được vào những cảm giác nghệ thuật kiểu hiện đại chủ nghĩa này. Cảm giác về mảng khuất tối này chỉ có thể nhìn trong sáng tác của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng (thơ) hay Nguyễn Tuân và Khái Hưng (văn xuôi). Thời điểm từ 1940, Nguyễn Bính mặc dù đã lăn lóc nhiều và bắt đầu trôi dạt vào Nam, nhưng vì chủ yếu được bồi đắp bởi văn hóa dân gian, và loại văn hóa ấy có ý nghĩa như một “phanh hãm”, tạo nên giới hạn lãng mạn Nguyễn Bính, một thứ lãng mạn mang tính đặc thù tồn tại trong địa văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Nhờ thế, đọc Nguyễn Bính người ta có thể thấy buồn chán, nhưng chưa đến mức rã rời. Chỉ khi nào đạt tới rã rời người ta mới có cơ chạm đáy bản thể. Điều đó cho thấy, phải nhiễm sâu văn hóa đô thị, mang cảm thức đô thị, là người đô thị, cái rãi rời kia mới đủ sức trở thành một chiều kích nghệ thuật. Đấy là điều không nhiều nghệ sĩ Việt Nam có được ngay cả khi Thơ mới và văn học lãng mạn đã đi hết vòng đời của nó.
Tuy nhiên, so sánh là để nhìn ra khác biệt chứ không nhằm chuyện hơn kém vì mỗi giá trị đều có cái lý riêng của nó. Chính cái giới hạn đã nói ở trên, cùng với việc sử dụng nhuần nhị lối nói gần gũi với lời ăn tiếng nói dân gian, ý thức tạo lực hấp dẫn qua những câu chuyện bằng thơ trên cơ sở hài hòa tình - sự, Nguyễn Bính đã tạo ra thứ thơ có khả năng chinh phục người đọc một cách dễ dàng, đặc biệt là tầng lớp bình dân. Nguyễn Bính không phải là kiểu nghệ sĩ nghiêng về đột biến như Hàn Mặc Tử, không tân kỳ về cấu trúc như Bích Khê, không sâu thẳm như Huy Cận, không mới mẻ như Xuân Diệu. Sức hấp dẫn của Nguyễn Bính nằm ở phía khác. Đó là sự hấp dẫn của cái quen thuộc. Quen thuộc nhưng không sáo mòn bởi nó được ươm ủ, chưng cất từ men quê trong khí hậu/ điều kiện lãng mạn 1932 - 1945. Đó là lý do thơ ông có sức lan tỏa và lay thức cộng đồng. Không phải vô cớ mà có người nhận xét, sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính chính là nhà thơ được nhiều người thuộc nhất.
Con người, tài năng Nguyễn Bính, trước hết và cơ bản là con người của thơ ca. Vì thế, tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Bính chỉ là sự tràn bờ của cảm xúc và được trình hiện qua ngôn ngữ văn xuôi. Kịch thơ, truyện thơ Nguyễn Bính cũng thế. Những thể loại này, trên đại thể, chỉ giữ vai trò phụ trợ khi mà “nhịp mạnh” nghệ thuật của Nguyễn Bính đã dồn hết vào thơ. Đó là lý do khiến cho văn xuôi Nguyễn Bính khó lòng tạo được ấn tượng sâu sắc. Ý nghĩa của văn xuôi Nguyễn Bính, theo tôi, chủ yếu góp phần làm rõ hơn sự đa dạng của một ngòi bút, soi tỏ thêm những trang tình sử của Nguyễn Bính hay sự nhạy cảm của ông trong cảm nhận. Ở đó, nhân vật chính thường mang nỗi đau thất tình hay bị phụ tình, rồi oán mình, ghét đời. Ghét mà vẫn yêu, đó là kiểu si tình Nguyễn Bính. Còn kỳ thực, trong lãnh địa văn xuôi, Nguyễn Bính chưa tạo được ngôn ngữ tự sự cá nhân. Người đọc không quá khó khăn để nhận thấy truyện ngắn và tiểu thuyết của ông chưa tạo được độ nén cần thiết, lỏng lẻo và rông dài. Nó chỉ mới dừng lại kể lể và giãi bày. Mà giãi bày và kể chuyện, Nguyễn Bính đã làm một cách hoàn hảo trong thơ, dĩ nhiên, ở những thi phẩm xuất sắc nhất của ông.
Sau ngày “Hành phương Nam”, Nguyễn Bính nhiều lần ấp ủ quay về cố hương. Nơi ấy có cố nhân, và quan trọng hơn, có không gian tinh thần quen thuộc đủ sức băng bó những vết thương, giúp ông vợi bớt những chát đắng. Ý nghĩ ấy dường như thường xuyên xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, đặc biệt từ sau Xuân tha hương. Rồi đột ngột, sau 1945 quãng vài năm, hầu như không ai biết tung tích Nguyễn Bính. Có người người coi ông tự nguyện bước vào cuộc kháng chiến ở Nam Bộ một cách lặng lẽ. Có người bảo ông mắc kẹt vì tình thế không thể về. Chưa có điều kiện tìm hiểu thật kỹ giai đoạn im hơi lặng tiếng này, nhưng tôi nghĩ, việc Nguyễn Bính ở lại miền Nam, tham gia kháng chiến, viết thơ, hoạt động văn nghệ cũng là một kiểu dấn thân. Tức là một nhập cuộc lãng mạn. Nguyễn Bính có lẽ không mất quá nhiều thời gian “nhận đường”, vì bản tính và ứng xử nghệ thuật của ông cho phép ta nhận ra điều đó. Ông tham gia văn nghệ quần chúng, viết thơ tranh đấu một cách hồn nhiên và tự nhiên. Và bất ngờ, Nguyễn Bính vụt nổi tiếng khi bài thơ về tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Giai đoạn này thơ Nguyễn Bính có nhiều thi phẩm đáng chú ý, trong đó Đêm sao sáng và Gửi người vợ ở miền Nam được nhiều người thích.
Như vậy, cả hai thời đoạn, trước và sau cách mạng, dù lang bang lữ thứ, Nguyễn Bính đã có hai miền quê để gắn bó, một Bắc, một Nam. Trước, từ Nam, Nguyễn Bính nhớ Bắc, một nỗi nhớ đầy khắc khoải từ điểm nhìn của cái tôi cá nhân. Sau, từ Bắc nhớ Nam, cũng không kém phần khắc khoải, nhưng điểm nhìn thơ đã thay đổi. Nguyễn Bính, cũng như phần lớn các nhà thơ sau cách mạng, cái tôi hòa lẫn cái ta, riêng chung thống nhất. Tìm hiểu thơ Nguyễn Bính sau 1945, vì thế, phải đặt ông trong bối cảnh văn hóa, khi lịch sử đã ngoặt sang một lối rẽ khác, rất khác trước 1945. Đây là giai đoạn Nguyễn Bính vẫn hăm hở làm báo, có lúc làm Chủ bút Trăm hoa, nhưng sau đó rời Hà Nội hồi quê, công tác tại Nam Định [5]. Ông ra đi đột ngột, nhưng theo lời Chu Văn, dường như đã có điềm báo từ trước, khi Nguyễn Bính tấu khúc Nhạc xuân ở tập Hương Cố nhân, 1941. Những năm bốn mươi cũng là thời điểm Nguyễn Bính bắt đầu vào Nam, cảm thức ly biệt một lần nữa được tăng cấp.
Như vậy, cả hai thời đoạn, trước và sau cách mạng, dù lang bang lữ thứ, Nguyễn Bính đã có hai miền quê để gắn bó, một Bắc, một Nam. Trước, từ Nam, Nguyễn Bính nhớ Bắc, một nỗi nhớ đầy khắc khoải từ điểm nhìn của cái tôi cá nhân. Sau, từ Bắc nhớ Nam, cũng không kém phần khắc khoải, nhưng điểm nhìn thơ đã thay đổi. Nguyễn Bính, cũng như phần lớn các nhà thơ sau cách mạng, cái tôi hòa lẫn cái ta, riêng chung thống nhất. Tìm hiểu thơ Nguyễn Bính sau 1945, vì thế, phải đặt ông trong bối cảnh văn hóa, khi lịch sử đã ngoặt sang một lối rẽ khác, rất khác trước 1945. Đây là giai đoạn Nguyễn Bính vẫn hăm hở làm báo, có lúc làm Chủ bút Trăm hoa, nhưng sau đó rời Hà Nội hồi quê, công tác tại Nam Định [5]. Ông ra đi đột ngột, nhưng theo lời Chu Văn, dường như đã có điềm báo từ trước, khi Nguyễn Bính tấu khúc Nhạc xuân ở tập Hương Cố nhân, 1941. Những năm bốn mươi cũng là thời điểm Nguyễn Bính bắt đầu vào Nam, cảm thức ly biệt một lần nữa được tăng cấp.
Đến nay, người ta vẫn thường chia đời thơ văn Nguyễn Bính là hai đoạn: tiền chiến và cách mạng. Điều ấy không có gì phải bàn cãi. Nhưng tôi vẫn muốn hình dung, xuyên qua hai thời đoạn ấy, phong cốt của Nguyễn Bính vẫn là phong cốt lãng mạn. Ông là kẻ nằm giữa truyền thống và hiện đại. Đúng hơn, thơ Nguyễn Bính là hiện đại của truyền thống. Đôi khi cốt cách lãng mạn của Nguyễn Bính cũng pha chút phong thái kẻ sĩ lang bạt kỳ hồ. Nhưng không nhiều. Vì là lãng mạn, lại chủ yếu được nuôi dưỡng bởi văn hóa truyền thống, nên Nguyễn Bính không mấy thành công khi miêu tả hiện tại. Thơ ông chỉ thật hay khi ngoái về, nhất là sự ngoái về trong nhãn quan nghệ thuật cá nhân. Đó là sự ngoái vọng đủ sức tạo nên những thi phẩm xuất sắc. Chính trong ngoái về, nhất là ở thuở hoa niên, Nguyễn Bính đã băng tới tương lai bằng nghệ thuật. Và cứ thế, thơ ông không chỉ thuộc về hôm qua, mà sẽ còn thuộc về tương lai, như một tiếng vọng nối liền dân tộc và nhân loại, một thời và muôn thời.
(*) PGS. TS.- Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Chú thích:
[1] Nguyễn Bính toàn tập, 2 tập (Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm, biên soạn). Nxb. Hội Nhà văn, H., 2017. Bản Nguyễn Bính toàn tập in lần đầu tại Nxb. Văn học, H., 2008.
[2] Nói hai nẻo chính là để phân biệt hai đại diện tiêu biểu của thời đại Thơ mới: Huy Cận và Nguyễn Bính. Trong thực tế, trở về với quá khứ là một hình thức phản ứng thực tại của văn học lãng mạn. Thơ mới có nhiều trở về, và đường về của họ cũng rất khác nhau. Đường về của Chế Lan Viên đẫm chất “siêu hình”.Trước đó, đường về Huy Thông đầy chất bi tráng, Vũ Đình Liên hoài cổ, ngậm ngùi,…Còn Vũ Hoàng Chương thì “thở dài” trong/ sau những cơn say mà không thể quên khối sầu đô thị. Trong những số này, Vũ Hoàng Chương đã phần nào chạm vào chủ nghĩa hiện đại ở phần “trụy lạc”.
[3] Xem Hoài Thanh, Hoài Chân: “Nguyễn Bính”, trong Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học, H.,1998.
[4] Xem: Nguyễn Đăng Điệp: “Giao thời văn học và sự trường cửu của giá trị/căn tính dân tộc trên hành trình hiện đại: Trường hợp Sergei Esenin và Nguyễn Bính”, Nghiên cứu văn học, số 4/ 2016.
[5] Giai đoạn Nguyễn Bính làm Trăm hoa hiện vẫn còn nhiều bí ẩn. Ngoài những hồi ức của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (1999) và những tìm kiếm của Lại Nguyên Ân…, vai trò và hoạt động của Nguyễn Bính trong văn nghệ, báo chí Hà Nội chưa thật rõ. Đây cũng là một mời gọi để các nhà nghiên cứu tìm hiểu, không chỉ về Nguyễn Bính mà còn về một giai đoạn văn nghệ chưa quá xa nhưng rất dễ bị lãng quên.
22/7/2018
Nguyễn Đăng Điệp
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét