Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt

Tháng Giêng 
mơ về trăng non rét ngọt
Sách Ngữ văn lớp 7, tập 1, bài 15 có hai văn bản văn học: Sài Gòn tôi yêu của tác giả Minh Hương và Mùa xuân của tôi trích trong tùy bút Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt của tác giả Vũ Bằng. Đọc văn bản thứ hai, chợt nhớ đến Vũ Bằng của Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960), Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969) và Thương nhớ mười hai (tùy bút, 1971); Vũ Bằng cầm bút từ năm 17 tuổi và từ khi còn rất trẻ đã là chủ bút của Tiểu thuyết thứ bảy, Thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ nhật. Giai đoạn 1931 - 1945, Vũ bằng sáng tác không phải để mưu sinh mà vì mê văn chương; giai đoạn từ 1954 - 1975 ông sáng tác văn chương là để hoạt động Cách mạng. Ông mất năm 1984 tại thành phố Hồ Chí Minh, mà đến năm 2000, ông mới được xác nhận là chiến sĩ quân báo, và đến năm 2007 ông mới được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Thương nhớ mười hai được Vũ Bằng khởi viết từ năm 1960 cho đến 1971 mới hoàn thành, đấy là tình yêu, nỗi nhớ của Vũ Bằng với người vợ yêu quý đầu tiên - bà Nguyễn Thị Quỳ - người đã góp công làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng. Xa vợ vì nhiệm vụ Cách mạng, xa Hà Nội vì tình yêu đất nước, tình yêu ấy, nỗi nhớ ấy hòa quyện trong Thương nhớ mười hai. Bởi vậy, mà nhà văn Triệu Xuân viết rằng, nếu phải mang cuốn sách nào sang thế kỷ XXI, thì đó là Thương nhớ mười hai.
Chiến tranh chia cắt, hoạt động bí mật, rồi chịu tiếng là dinh tê, về thành… nên văn chương Vũ Bằng không được đưa vào SGK văn học trong nhà trường suốt mấy chục năm, cho nên khi đọc Mùa xuân của tôi trong sách Ngữ văn lớp 7, mới thấy rằng nếu chỉ có Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Dòng sông ai đã đặt tên?; Nhàn đàm… vẫn cứ thấy thiếu thiếu thế nào đó, có thêm Vũ Bằng thì mảng văn chương theo thể loại ký mới dày dặn và đa phong cách, đa giọng điệu.
Vào Sài Gòn từ năm 1954, sống một mình lạc lõng nơi khí hậu chỉ có hai mùa mưa nắng, nhà văn càng thêm da diết nhớ Hà Nội với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Dẫu bây giờ Hà Nội – Sài Gòn chỉ cách nhau bằng 2 giờ bay, mà thời đó với Vũ Bằng, Hà Nội đã là cố hương, là vời vợi thương nhớ nghìn trùng. Cho nên, đoạn thứ nhất của văn bản đã khẳng định tình cảm của nhà văn với mùa xuân là tình cảm mang tính quy luật - quy luật của thiên nhiên và quy luật của lòng người.
Mở đầu văn bản, nhà văn khẳng định cảm xúc trước thiên nhiên bốn mùa bằng câu văn chắc nịch: Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Viết một câu văn có 9 chữ mà ngắt thành hai vế như thế với cây bút tài hoa Vũ Bằng là cả một sự trăn trở, cái trăn trở của con người sinh ra từ Hà Nội, gắn bó với Hà Nội từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, nhớ nhung Hà Nội trong khắc khoải.
Bằng kết cấu sóng đôi, bằng điệp ngữ trong những câu văn tiếp theo: đừng, đừng thương, ai bảo được, ai cấm được cùng các hình ảnh quấn quýt, gần gũi : non – nước, bướm – hoa, trăng – gió, trai – gái… nhà văn đã khẳng định tình cảm mê luyến (mê li và lưu luyến) mùa xuân của mình.
Sang đoạn 2 của văn bản, sắc xuân, cảnh xuân, tình xuân đan xen trong nhau, hoà quyện cùng nhau, gắn bó, tha thiết. Biết bao nhiêu tính từ, bao nhiêu từ so sánh, từ miêu tả, từ biểu cảm được tác giả sử dụng khéo léo trong đoạn 2 này, thể hiện một tình yêu nồng nhiệt với mùa xuân.
Điệp ngữ mùa xuân nhắc lại 3 lần với 3 phạm vi khác nhau: Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân Hà Nội. Để khẳng định mùa xuân của tôi, nhà văn đi từ  không gian rộng, mơ hồ - mùa xuân Bắc Việt đến hẹp, cụ thể - mùa xuân Hà Nội. Cả không gian thương nhớ đó đã thu gọn trong trái tim của nhà văn, những câu văn tùy bút như có thơ, có nhạc, có cả tâm tình thương nhớ.
Chỉ có người Hà Nội mới cảm nhận được khí hậu, thời tiết mang đặc trưng riêng của Hà Nội: mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh... Riêu riêu, lạnh lạnh là những từ láy tính từ miêu tả cảm giác, cảm nhận của tác giả. Miêu tả rõ nét và tinh tế như thế mới thấy tác giả gắn bó, yêu quý Hà Nội đến nhường nào. Có yêu quý, thương nhớ thì dù xa cách vẫn cảm nhận chi li từng thời khắc của trời xuân như thế.
Xuân của đất trời và xuân của lòng người hoà quyện vào nhau. Không gian có đủ các âm thanh rộn ràng, tươi tắn thể hiện cái cảm của người biết thưởng xuân (có tiếng nhạn kêu, tiếng trống chèo, câu hát huê tình…).
Những câu chữ liên tiếp nhau bày tỏ một tình yêu nồng nhiệt của tác giả với mùa xuân của đất trời và mùa xuân của cuộc đời. (Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai ... Trong lòng cảm như... hoa mới nở, bướm ra ràng).
Đoạn 3 của văn bản miêu tả nét đẹp của mùa xuân Hà Nội sau rằm tháng giêng.
Sự thay đổi, chuyển biến của đất trời, cây cỏ được tác giả quan sát kĩ càng, cảm nhận tinh tế, miêu tả tỉ mỉ, sau miêu tả là cảm nhận, biểu cảm. (Đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong... những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột...).
Cái rạo rực trước sắc xuân, tình xuân nhường chỗ cho tình cảm đằm thắm, sâu lắng trong nhịp chuyển của thời gian. Đất trời thay đổi, lòng người cũng yên bình trở lại, cái hàng ngày lấn át cái lễ hội. (Người ta trở về bữa cơm giản dị, các trò vui kết thúc…).
Trong nguyên tác của Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt, có những câu văn đọc lên mà se sắt cả nỗi lòng: Nhưng rồi có một lúc người xế bóng sẽ thấy rằng cái đẹp của quê hương ta là cái đẹp của cỏ biếc, xoan đào, hương thơm của ta là hương thơm của cau xanh, lúa vàng... So sánh với Sài Gòn đô hội, nhà văn viết: Ở đây, từ tháng một, trời nắng chói chang, làm cho đôi mắt mờ, đầu nhức, lúc nào người đàn ông cũng được “rửa mắt” bằng những cái vai đẹp hớ hênh, những cái lườn hây hây, hồng hồng... thành thử ra... không còn có gì mà cảm nữa, ví có gió xuân thì cũng khó mà làm cho hồ ao chuyển mình được. Rồi lại quay quắt tiếc nuối nhớ về mùa xuân Hà Nội: Nào đâu những buổi hoàng hôn lành lạnh, quất quít tơ hồng; nào đâu những tiếng tiêu, tiếng nhạc của trời tình bát ngát hoa hương, mến thương nhịp thở ái ân thường vẫn thấy viết ở trên những báo Xuân, sách Tết.
Câu chữ chồng lên câu chữ, cảm xúc tuôn trào, cảm nhận tinh tế, cảm hứng dạt dào trong một thể loại khá là tự do, cho phép người viết soi chiếu trên nhiều góc độ, từ nỗi nhớ về mùa xuân Hà Nội, đến sự so sánh với Sài Gòn hai mùa mưa nắng, từ cái đẹp của người đàn bà miền Bắc tinh tế, ý tứ trong nếp ăn nếp nghĩ, so sánh với những người đàn bà ở nơi Mỹ ngụy chiếm đóng, họ sống gấp, sống vội, sống lai căng...
Nhà văn tỏ ra thiên vị miền Bắc, yêu quý Hà Nội đến mức muốn gạt hết những gì trong hiện tại: Tháng giêng ở miền Nam ngà ngọc có một vẻ đẹp “ly kỳ” làm cho người ta háo hức, khiến cho cổ họng khô teo, muốn uống nước cả ngày, uống rồi lại khát, khát rồi lại uống, mồ hôi cứ vả ra như thể là mình “thoát dương”...
Nhà văn Triệu Xuân viết rằng: Văn hồi ký của Vũ Bằng là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở... Nhà văn Tạ Tỵ ca ngợi tài văn của Vũ Bằng: Vũ Bằng là một hiện tượng. Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật... Trong đời, tôi được biết có hai nhà văn viết bản thảo một mạch ít khi sửa chữa. Đó là Vũ Bằng và Đào Trinh Nhất.
Qua ngòi bút của Vũ Bằng mùa xuân ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng vừa đẹp, vừa mang đặc trưng riêng của một vùng đất có khí hậu, thời tiết khá đặc trưng cho tiết xuân, khí xuân. Đất trời mùa xuân biến chuyển theo hướng mát mẻ, tươi tắn, lung linh, rạng ngời, có sắc màu, có âm thanh, có con người, có cảnh vật… Bức tranh mùa xuân được miêu tả vừa tinh tế, vừa nhẹ nhàng, vừa đằm thắm, vừa lắng sâu. Người viết không chỉ cảm xuân, hiểu xuân mà còn nhớ xuân. Vũ Bằng đã đưa lại cho người đọc những rung cảm đặc biệt trước thiên nhiên, đất trời và gợi lên trong mỗi chúng ta một niềm mong nhớ về mùa xuân, mong nhớ về những nét đẹp của thiên nhiên cũng là cách làm cho tâm hồn của chúng ta thêm đẹp hơn.
24.6.2018
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://demo.trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...