Ngày nay, chúng ta nói nhiều đến sự tiến bộ của xã hội. Nhất là thời đại của văn minh công nghiệp và công nghệ thông tin đã đem đến cho con người những tiện nghi, lợi ích vượt bậc, chất lượng đời sống được nâng cao. Nhưng cũng ngay trong thời điểm này, hơn bao giờ hết, chúng ta bỗng giật mình nhận ra sự mai một những giá trị truyền thống. Giữa bộn bề cuộc sống, đọc lại thơ Nguyễn Bính chúng ta như được tìm về suối nguồn thanh mát của những gì quen thuộc mà không bao giờ bị cũ với thời gian, thậm chí thời gian càng làm cho các giá trị ấy trở nên ý nghĩa sâu sắc hơn.
1. Cảm thức đô thị và sự cô đơn của thi nhân
Thơ mới ra đời vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược, thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên và dấu ấn một nền văn minh công nghiệp, đô thị hóa đã hình thành phát triển ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn… Sự đổi thay của xã hội đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, lối sống của tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Nguyễn Bính không là ngoại lệ. Sức hút của thành thị đã thực sự cám dỗ thi nhân. Rời bỏ quê nhà để lên thành phố không hẳn chỉ là sự di chuyển nơi chốn mà đằng sau đó là một sự thay đổi lớn trong tư duy. Đô thị trở thành nơi bồi đắp khát khao sáng tạo tự do, đồng thời cũng là môi trường để thế hệ Nguyễn Bính nuôi dưỡng giấc mộng công danh.
1.1. Đô thị - giấc mộng phù hoa
Dấu ấn của phương Tây những năm đầu thế kỷ XX thực sự mạnh mẽ và sâu rộng. Tác giả của Thi nhân Việt Nam đã từng khái quát bức tranh đổi thay đó: “Trước mắt chúng ta bỗng bày ra những cảnh lạ lùng chưa bao giờ từng thấy. Lúc đầu, ai nấy đều ngơ ngác, không hiểu ra làm sao. Nhưng rồi chúng ta quen dần. Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giày Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho siết những điều đã thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta” [1]. Sức thu hút và cám dỗ của đô thị hào hoa với bao điều mới lạ đã cuốn bước chân Nguyễn Bính ra đi đem theo những hoài bão lớn lao, những khát vọng công danh:
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành
(Hoa với rượu)
Vốn là người nặng tình quê, nặng hồn quê, để có được quyết định “bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh” không phải là việc dễ dàng của tác giả. Ra đi trong lưu luyến khi phải lựa chọn rời xa những gì thân thuộc, máu thịt để đến một nơi chốn mới, nơi mà tất cả đều đang lạ lẫm đón chờ phía trước. Tâm trạng ngậm ngùi khi phải đối mặt với cô đơn, lẻ loi, gian nan. Cũng có lúc thi sĩ hoài nghi: “Lẻ loi thân nhạn sang nam ấy/ Biết có làm nên công cán gì” (Lá thư về Bắc). Nhưng Nguyễn Bính ra đi là để nuôi dưỡng mộng công danh, vì thế mà vượt lên sự do dự, lạ lẫm là một niềm hăm hở, hồ hởi “giàu lòng tin tưởng bước tương lai”:
Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng
Giàu lòng tin tưởng bước tương lai
(Lá thư về Bắc)
Bước chân đến chốn phồn hoa đô hội, thi sĩ không khỏi choáng ngợp trước sự xa hoa, rộn rã, hào nhoáng, đông vui của nơi chốn này: “Phồn hoa rộn rã áo xiêm/ Muôn bao hình ảnh có tìm như không” (Mười hai bến nước).
Thực dân Pháp xâm lược, đã đem đến một màu sắc mới lạ cho xã hội Việt Nam, nhất là một quốc gia vốn quen với nền văn minh lúa nước, lạc hậu nay được tiếp cận với những cái tân tiến, văn minh, xa hoa, tấp nập. Con người ta vì thế dễ hi vọng và đặt niềm tin vào môi trường mới. Tất nhiên chốn phồn hoa đô thị vì thế mà có sức cám dỗ mạnh mẽ, có sức hút ma lực để những bước chân sẵn sàng rời bỏ làng quê mong chờ đón nhận và khám phá điều mới lạ. Với các thi sĩ lúc ấy, thì cái Tôi cá nhân được giải phóng, được làm chủ, được mạnh mẽ nói lên tiếng nói của mình, thích khám phá cái đổi thay. Cũng vì vậy, khi mang trong mình tâm nguyện muốn thỏa chí tang bồng, trả nợ công danh ắt hẳn với Nguyễn Bính gặp được môi trường đô thị giống như cá gặp nước, mong có cơ hội thể hiện tài năng.
Trên thực tế, choáng ngợp trước vẻ lung linh của chốn đô thành không chỉ là cảm thức riêng của thi sĩ Nguyễn Bính mà còn là của số đông các nhà Thơ mới cùng thời lúc bấy giờ. Thế Lữ đã từng cổ vũ các thi gia: “Tôi khuyên thơ tìm đến thành thị/ Khuyên sống chung trong cuộc đời mới”. Hay Vũ Hoàng Chương cũng không khước từ trước sự cám dỗ của đô thị: “Tiếng gọi phồn hoa của buổi sớm/ Đã cuốn chàng đi chẳng trả về”. Như vậy có thể thấy, đô thị thực sự là một không gian không chỉ mới lạ về địa lí mà còn là môi trường lý tưởng để các thi sĩ, trí thức Tây học thời bấy giờ ấp ủ nuôi mộng nghệ thuật.
Thế nhưng đô thị chỉ là giấc mộng phù du của thi nhân. Càng hi vọng bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu. Bởi đô thị bên cạnh sự xa hoa, tiến bộ của nó là đầy rẫy những bon chen, lọc lừa, dối trá… Đối mặt với những mặt trái đó, người thi sĩ vốn đến với chốn đô thành khi còn mơ hồ, mộng tưởng về bản chất nên dễ vỡ mộng, sầu đau. Cũng từ đây, mà ta tìm thấy trong thơ Nguyễn Bính bên cạnh cảm xúc hăm hở, hồ hởi là những nỗi niềm day dứt khôn nguôi.
1.2. Đô thị - một khối sầu buồn
Day dứt và xót xa: Bước chân vào đời sống thành thị, chàng thi thĩ trẻ tuổi đã phải đối mặt với bao cảnh tượng trớ trêu, phũ phàng. Nó không hoa lệ, văn minh, tân tiến như khi Nguyễn Bính từng nghĩ… Vốn xuất thân từ làng quê, cha lại là ông đồ, từng được học chữ Hán, văn hóa truyền thống đã ăn sâu trong tâm thức tác giả. Nay đến chốn đô thành, giáp mặt với những đổi thay của cách ứng xử, của lối sống, Nguyễn Bính day dứt băn khoăn trước sự pha trộn của văn hóa cũ - mới.
Bây giờ thời thế biến thiên
Nhà vua không lấy Trạng nguyên nữa rồi
… Lỡ duyên búi tó củ hành
Trường thi Nam Định biến thành trường bay
(Con nhà nho cũ)
Nhiều lần trong thơ Nguyễn Bính nhắc đến giấc mơ quan Trạng. Sự lặp đi lặp lại này cho thấy ước mơ cháy bỏng của thi nhân. Bởi “thời trước, người đỗ Trạng nguyên là người có học vị cao nhất, được nhà vua trọng dụng, ban cho quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý, bổng lộc cao sang, làm vẻ vang gia đình dòng họ, là niềm vinh dự tự hào của quê hương bản quán… Trở lại thời xa xưa, trong cái xã hội thuần nông như ở nước ta, thì chuyện học hành thi cử là con đường duy nhất để lập nên công danh sự nghiệp” [2]. Nguyễn Bính cũng lựa chọn con đường thành danh như thế. Nhưng “Bây giờ thời thế biến thiên” - hiện tại mà tác giả đang trải qua không còn như trước nữa. Hai chữ “biến thiên” tuy ngắn gọn mà khái quát nhiều đổi thay. “Trường thi”, nơi thi cử để lựa chọn, vinh danh những người tài năng thì ngày nay đã thành “trường bay”. “Trường bay” chính là dấu ấn hiện hữu của văn minh công nghiệp đã phủ nhận văn hóa truyền thống. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giấc mơ quan Trạng của Nguyễn Bính mãi không thành hiện thực.
Sự du nhập của văn hóa thành thị đâu chỉ làm mai một đạo học mà còn có nguy cơ làm biến đổi và tha hóa con người. Hình ảnh một cô gái “đi tỉnh về” có sự đổi thay trên trang phục đã khiến Nguyễn Bính có biết bao điều trăn trở trước dự cảm băng hoại của con người về những giá trị văn hóa bị biến chất: “Hôm qua em đi tỉnh về/… Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”. Nhà thơ không phải là người cổ hủ, bảo thủ. Nhưng với ông, những gì là hồn cốt của dân tộc thì rất đáng lưu giữ. Bài thơ Chân quê muốn nhắn gửi thông điệp: hãy giữ lấy những gì là bản sắc, là truyền thống, không nên dung nạp sự pha tạp và lai căng của xã hội đương thời.
Những tác động của công cuộc Âu hóa không chỉ tạo ra những đổi thay bên ngoài không gian, bên trên trang phục khiến thi sĩ âu lo mà còn làm cho tình người phôi pha, lòng người băng giá, tình yêu giả dối: “Hồn cô cát bụi kinh thành/ Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”. Trong cái nhìn của tác giả tâm hồn cô gái đã nhuốm “cát bụi kinh thành” hay là đã bị tha hóa bởi lối sống đô thị? Hiện thân của một người con gái hiện đại đã rất khác với người con gái truyền thống xưa kia. Trong tình yêu của người con gái thành thị cũng không còn sự đằm thắm, thủy chung nữa mà dường như cũng bị cuốn theo lối sống xô bồ của phố xá bon chen.
Day dứt và xót xa trước cảnh văn hóa truyền thống bị suy tàn, lòng người bị tha hóa là nỗi niềm khắc khoải trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi niềm đó đã trở đi trở lại trong thơ ông, tạo nên một cảm thức thường trực của một tâm hồn không thể ép mình hòa trộn với lối sống đô thị đương thời.
Bơ vơ và cô độc: Đô thị phồn hoa, đông đúc, đua chen. Nhưng dường như càng cố để thích nghi, khám phá và xây mộng về nó thì Nguyễn Bính càng trở nên bế tắc, lâm vào bi kịch khi nhận ra bên ngoài vỏ bọc hào nhoáng thì ẩn chứa bên trong đô thị chỉ là chốn lọc lừa, đồng tiền ngự trị, văn hóa tây ta lẫn lộn, bát nháo. Càng nuôi mộng ước đẹp, khát khao công danh lớn lao bao nhiêu thì hiện thực đô thị phũ phàng càng khiến thi sĩ thất vọng, xót xa bấy nhiêu. Và giữa chốn xô bồ ấy, có một trái tim nghệ sĩ luôn cảm thấy bơ vơ, cô độc. Hơn một lần thi sĩ gọi tên mình là kẻ “lưu lạc”: “Lạy giời, trên bước đường lưu lạc”; “Hai ta lưu lạc phương này”; “Cũng may cho những người lưu lạc”; người “lữ hành”: “Lữ hành bắt gặp quán cơm”; khách “tha hương”: “Chén rượu tha hương, giời! đắng lắm”; nợ “giang hồ”: “Trót thân con vướng nợ giang hồ”… Trong khoảng thời gian lưu đày không thể hòa nhập nổi, thi sĩ luôn coi mình là kẻ ở nhờ trên “đất khách”. Chân dung Nguyễn Bính hiện ra sau những câu chữ tựa như đứa trẻ lạc đường đến chốn phồn hoa, thuở ban đầu thích thú với những điều khác lạ, mới mẻ rồi những cảm giác choáng ngợp đó qua đi bỗng hoảng hốt, giật mình, ngơ ngác, lạc lõng giữa nơi chốn này. Và rồi là những ngày tháng khóc than cho thân phận mình:
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay
(Giời mưa ở Huế)
Mưa xứ Huế hay là mưa trong cõi lòng? Thi sĩ khóc than cho chính thân phận tha hương, lưu lạc, đói rách, nợ nần, túng thiếu của mình: “Túi rỗng nợ nần hơn chúa Chổm/ Áo quần trộm mượn, túng đồ thay…”
Quyết dứt áo ra đi tìm đến đô thành nuôi mộng công danh. Nay mộng không thành mà kiếp nghèo thì cứ đeo đẳng. Quay về chốn cũ không đành, còn ở lại thì chua xót cho thân phận cô độc của mình. Thậm chí có lúc sự cô đơn đẩy lên cao trào đến đỉnh điểm của sự xót xa khiến chính tác giả đã gọi tên nó là sự “oan nghiệt”, đó là khi thi sĩ biết tin con gái mới chào đời mà không thể về thăm và nhìn mặt con.
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn
(Oan nghiệt)
Trong nỗi niềm của kẻ tha hương, ôm nỗi sầu xa xứ, dường như chưa bao giờ Nguyễn Bính thấy lòng mình được bình an. Sự ra đi đó vẫn mang nỗi niềm khắc khoải, dằn vặt khi thi sĩ tự vấn lương tâm, ăn năn nhận ra bao nhiêu tháng ngày qua mình chỉ là đứa con bất hiếu khi chưa làm trọn nghĩa vụ với mẹ cha.
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh
(Thư gửi thày mẹ)
Thân thể lưu lạc, hình hài tiều tụy, nợ nần chồng chất, nhất là trong nỗi cô đơn, lạc lõng nơi đất khách thì nỗi nhớ về mẹ cha già nơi quê nhà của Nguyễn Bính càng trở nên ám ảnh, day dứt, khiến tác giả phải xót xa thốt lên: “Thày mẹ ơi, thày mẹ ơi/ Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư"…
Mộng đẹp tan vỡ, ôm trong mình một khối sầu buồn giữa chốn phồn hoa. Về hay ở là câu hỏi đặt ra nhức nhối trong lòng thi sĩ: “Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài/ Giữa nơi thành thị gió mưa phai”. “Sao chẳng về đây?” là câu hỏi được thi sĩ nhắc lại nhiều lần như để tự vấn chính mình, nói hộ sự trăn trở bấy lâu của kẻ lưu lạc nơi đất khách quê người mong mỏi được về nơi chốn bình yên xưa kia để xoa dịu đi nỗi đau hiện tại. Và có lẽ, khi đau đớn nhất, khi cô độc nhất, khi bi kịch nhất ở chốn đô thành, trái tim Nguyễn Bính lại tìm nơi nương náu, trú ngụ. Hành trình xoa dịu nỗi đau đấy chính là con đường tìm về “chân quê” trong thơ tác giả. Và “chân quê” phải chăng chính là một lựa chọn khẳng định giá trị thơ Nguyễn Bính trong lòng bạn đọc?.
Cắt nghĩa hai chữ “chân quê”, Hà Minh Đức từng khẳng định “Nói chân quê là nói đến cái gốc, đến ngọn nguồn, không lai căng, biến chất, pha tạp. Nói chân quê cũng là nói tới phẩm chất, tới sự chân chất, mộc mạc, trung thực của những cái gì tốt đẹp nhất của truyền thống quê hương” [3]. Như thế có thể thấy, Nguyễn Bính từng rời bỏ làng quê ra đi “dan díu với kinh thành” nhưng cuộc sống đô thị hiện đại đã phá vỡ đi nhiều giá trị truyền thống mà tác giả từng nâng niu, lưu giữ. Cũng có lúc thi nhân nhận ra mình đã tỉnh giấc mộng đô thị: “Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng/ Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị”… Và khi tỉnh táo nhất ấy, Nguyễn Bính tìm về những gì thân thương, yêu dấu, quen thuộc của mình. Trong tâm thức tác giả đó là những hoài nhớ về quê nhà.
2.1. Hoài nhớ quê nhà
Trong một bài viết của mình Nguyễn Đăng Điệp đã từng nhận xét: “Nếu Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ chủ yếu chỉ thưởng ngoạn ‘cảnh quê’, ‘tranh quê’ thì Nguyễn Bính lại có ý thức len nhập vào “tình quê” để qua đó xác lập một bảng giá trị chân quê” [4]. Phải chăng vì thế mà trở về “chân quê” trong thơ Nguyễn Bính trước hết là “tình quê” đau đáu trong nỗi hoài niệm, nhớ thương quê nhà. Đó là điều trăn trở lặp đi lặp lại trong những trang thơ Nguyễn Bính. Dù đi thật nhiều nơi, phiêu bạt nhiều chốn nhưng hình bóng quê hương vẫn luôn đậm sâu trong tâm trí nhà thơ, thậm chí mỗi khi nhắc đến nỗi nhớ đó còn dâng trào, nghẹn ngào trong lòng thi sĩ:
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen
(Bắt gặp mùa thu)
Trong nhiều năm tha hương, nỗi nhớ quê nhà luôn thường trực, nhưng có lẽ nỗi nhớ càng đậm sâu hơn, nỗi xót xa càng chua xót hơn mỗi dịp tết đến xuân về, tình quê đau đáu, thôi thúc được xum vầy mà thi nhân không thể về được.
Chao ôi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương, thật não nùng
(Xuân tha hương)
Xa quê và hoài nhớ là cảm xúc của nhiều người lữ thứ, tha hương. Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ. Nhưng hoài nhớ quê hương trên chính quê hương có lẽ chỉ có thể trong thơ Nguyễn Bính.
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Xóm Ngự Viên)
Lý giải cho nỗi nhớ của các thi sĩ lãng mạn, Đặng Thị Thái Hà cho rằng: “Trong hình dung của tư duy lãng mạn, mọi đối lập đều được đẩy lên thành tuyệt đối. Điều ấy được biểu hiện cụ thể trong sự phân biệt về không gian giữa thành thị (cuồng loạn, đồi bại, vô cảm) với thôn quê (phì nhiêu, thanh bình); và về thời gian giữa quá khứ (thơ mộng) và hiện tại (sa ngã). Có lẽ, chính vì thế, các tác phẩm văn học đồng quê truyền thống thường gắn với cảm thức “hoài nhớ”, hồi cố (nostalgia). Hình tượng người tha hương lữ thứ, theo đó, thường mang tâm thế của một kẻ bị “trục xuất” khỏi một “Thiên đường đã mất” và không nguôi hoài nhớ về nó” [5]. Phải chăng “hoài nhớ” quê hương chính là phương thuốc cứu rỗi linh hồn thi sĩ khỏi những bủa vây của lối sống đô thị ồn ã, phồn tạp. Nhưng quê nhà hôm nay hay Ngự Viên của hiện tại đã không còn là quê nhà của ngày hôm qua hay Ngự Viên trong quá khứ nữa. Trong cuộc “biến thiên”, mọi sự đều đổi thay, những gì xưa cũ đều có thể bị phôi pha, mai một. Và đó là lí do vì sao với một người đa cảm như Nguyễn Bính đã thương nhớ quê hương trên chính quê hương mình.
Hoài cố quê nhà có thể xem như là khởi đầu cho hành trình “trở về” của Nguyễn Bính. Bao nhiêu năm lưu lạc nhưng hình bóng quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng thi nhân. Điều đó là một minh chứng khẳng định “chân quê” chính là giá trị sống, phong cách sống của nhà thơ. Cho dù lối sống của văn minh kĩ trị có bủa vây đến đâu thì Nguyễn Bính vẫn giữ được cốt cách “nhà quê” của mình. Nói như tác giả Thi nhân Việt Nam từng khẳng định: “Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” [6]. Với “bản chất nhà quê’ ăn sâu, thấm đẫm trong mình, Nguyễn Bính đã đưa bạn đọc đến hành trình trở về với những giá trị truyền thống của làng quê.
Cuộc sống hiện đại xuất hiện hàng loạt những phát minh tân tiến. Cái mới xuất hiện bao giờ cũng hấp dẫn và thu hút. Nhưng có những điều đã trở thành truyền thống, trở thành văn hóa vùng miền và là linh hồn của dân tộc thì có lẽ trước mọi đổi thay vẫn giữ nguyên được giá trị. Mỗi con người sinh ra và lớn lên ở đâu thì luôn mang dấu ấn văn hóa vùng miền ở nơi đó. Sinh ra ở nông thôn, lớn lên ở làng quê, nguồn cội đấy là máu là thịt trong linh hồn Nguyễn Bính. Sau nhiều tháng ngày tha hương, một phần máu thịt ấy vẫn luôn nóng hổi trong trái tim tác giả, để rồi thơ ca là mảnh đất để thi nhân gửi gắm tình yêu của mình vào những giá trị truyền thống như một sự nâng niu, trân trọng cho những gì thiêng liêng nhất. Đọc thơ Nguyễn Bính ta như được trở về với không gian văn hóa làng xã với những đêm hội chèo:
Hội làng mở giữa mùa thu
Giời cao gió cả giăng như ban ngày
(Đêm cuối cùng)
Ai đã từng sinh ra ở làng quê, đã từng có những đêm đi xem hát chèo thì có lẽ đều bắt gặp cảm giác thân quen trong câu thơ của Nguyễn Bính. Đêm mùa thu, trời cao lồng lộng gió, trăng sáng “như ban ngày”. Không gian ấy gợi biết bao mời gọi: “Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn/ Chỉ có chèo không, nhưng cũng vui”.
Cả một không gian văn hóa truyền thống bỗng chốc sống dậy trên câu thơ của Nguyễn Bính. Đó là cái không khí giao lưu văn nghệ của làng nọ, thôn kia. Và trong những đêm hội hè đình đám ấy biết bao tâm trạng hồi hộp mong chờ, biết bao ánh mắt trao nhau, biết bao cái năm tay được chạm, biết bao lời tình tứ cho đi…
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay
Là một “người nhà quê” thấm đẫm văn hóa phong tục vùng miền, Nguyễn Bính cũng đem đến một bức tranh đón tết đặc trưng trong mỗi gia đình ngoài Bắc. Và người giữ linh hồn trong mỗi gia đình vào dịp tết đến xuân về ấy chính là người mẹ. Mẹ “lo đủ trăm chiều”: quét lại sân gạch tường hoa, giồng cây nêu, vẽ cung trừ quỷ, nuôi lợn, trữ gạo nếp thơm, rửa ban thờ, mua pháo chuột, giết lợn gà, đồ xôi, trẻ con mặc áo mới, nhận mừng tuổi, chơi bài tam cúc, thắp hương ông bà… Đâu đây không khí đón giao thừa thật thân quen:
Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
(Tết của mẹ tôi)
Bài thơ như muốn nhắc nhở mỗi người con đất Việt hãy biết nâng niu những giây phút đầm ấm kia, bởi nó không chỉ là tết của mỗi gia đình mà còn là hồn cốt văn hóa đặc trưng của vùng miền, của dân tộc Việt. Thơ Nguyễn Bính viết về văn hóa làng quê khiến những ai đang sống ở nơi chốn ấy thấy thật thân quen, những ai đã từng đi qua năm tháng đó thì gợi nhớ, gợi thương và những ai chưa một lần được sống trong không gian này thì thêm yêu, thêm quý nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
2.3. Lưu giữ cảnh sắc làng quê
Đồng hành cùng Nguyễn Bính trên hành trình trở về “chân quê”, tâm hồn chúng ta bỗng trở nên bình yên hơn, tươi mát hơn khi gặp lại những bức tranh quê giản dị mà thân thương như thế này:
Anh trồng cả thảy hai vườn cải
Tháng chạp hoa non nở cánh vàng
Bỏ qua những tháng buồn đau lưu lạc, những ngày đói rách, cô đơn ở chốn đô thành để trở về làng quê, thơ Nguyễn Bính bỗng trở nên an lành, trong trẻo. Và ở đó chúng ta vẫn tìm thấy những nếp nhà thật bình yên: “Nhà tôi có một vườn dâu/ Có giàn đỗ ván có ao cấy cần” (Nhà tôi). Và hơn thế hãy để tâm hồn mình hòa trộn vào thế giới những hương hoa, những hình ảnh thân thuộc của làng quê: nào là hoa bưởi, hoa cam: “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng”; hoa chanh: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”; ao bèo: “Lợn không nuôi đặc ao bèo”; giếng thơi: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn”; dậu mồng tơi: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”; vườn chè: “Sáng giăng chia nửa vườn chè”; giàn trầu, hàng cau: “Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng”…
Đâu đây, lại là bức tranh quê sống động, nô nức của người người đón xuân.
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa,
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
(Xuân về)
Con người và thiên nhiên trong thơ Nguyễn Bính hài hòa, nên thơ, quấn quyện. Tất cả tạo nên một bức tranh toàn cảnh về làng quê Việt Nam. Đi vào thơ Nguyễn Bính là nhành cây, ngọn cỏ, sự vật thân thuộc, con người luôn gắn liền với sinh hoạt gần gũi của thôn quê. Và bức tranh quê ấy cũng là máu thịt trong tâm khảm Nguyễn Bính, để mỗi khi nhớ về, tâm hồn thi sĩ bỗng trở nên yên ổn và thanh tịnh vô cùng, như được gột rửa khỏi những bủa vây của văn minh kỹ trị, cát bụi kinh kỳ. Phải chăng, tìm về “chân quê”, tìm về những gì chân chất, mộc mạc chính là quá trình đi tìm phương thuốc an thần cứu rỗi linh hồn tác giả thoát khỏi “khối sầu đô thị”.
Đọc thơ Nguyễn Bính nhiều người khẳng định: “chân quê” chính là một lựa chọn giá trị trong thơ tác giả. Hành trình tìm về giá trị sống đó được trải nghiệm bằng những ngày tháng ôm nỗi buồn sầu đô thị. Có thể xem cảm giác rơi vào bi kịch, thất vọng, chán chường của Nguyễn Bính cũng là cảm thức chung của các nhà thơ lãng mạn. Hầu hết, họ cho rằng nền văn minh hiện đại chính là sự tấn công và làm phá vỡ đi những giá trị truyền thống mà họ của hằng nâng niu, lưu giữ. Nay nền văn minh công nghiệp xâm lấn mang theo mặt trái của nó với sự náo loạn, lọc lừa, vô cảm… càng sống với nó, con người càng rơi vào trạng thái đổ vỡ. Khi rơi vào bi kịch đô thị, các nhà thơ lãng mạn tìm cho mình lối thoát: hoặc là thoát ly, hoặc là hoài nhớ. Và Nguyễn Bính đã lựa chọn cho mình con đường trở về với “chân quê” với các giá trị truyền thống, bản sắc vùng miền, sinh hoạt thôn quê. Thi sĩ đã gột rửa, nuôi dưỡng tâm hồn trong môi trường sống đó.
Chú thích:
[1] Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam (tái bản). Nxb. Văn học, H., 2000.
[2] Nguyễn Bính Hồng Cầu: “Giấc mộng Trạng nguyên trong thơ cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính”, Tạp chí Non nước, 2013.
[4] Nguyễn Đăng Điệp: “Nguyễn Bính: Khối tình lỡ của người chân quê”, trong Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng. Nxb. Văn học, H., 2014.
[5] Đặng Thị Thái Hà: “Bước đầu tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ điểm nhìn phê bình sinh thái”, nguồn http://vietvan.vn/
[6] Hoài Thanh - Hài Chân: Sđd.
4.8.2018
Bùi Thị Thu Thủy
Bùi Thị Thu Thủy
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét