Có một tâm hồn thức trở với thi ca
Có thể nói, trong tập “Những miền đời tôi thức” có 68 bài thơ thì đó cũng chính là 68 lát cắt về “những miền đời” khiến Trần Văn Khang không thể không day trở, thao thức, suy tư và ngẫm ngợi. Từ “Bóng cha” đến “Trái tim mẹ”; từ “Bát canh cua mẹ nấu” đến “Một chiều nhớ cha”; từ “Con bìm bịp”, “Con rối”, “Con dơi”, “Thạch sùng” đến “Hạt bụi”, “Giọt nắng”, “Cái bóng”; từ “Chợ đời”, “Khát vọng” đến “Thương nhớ một người bạn” và “Tiễn một người anh”… tất cả đều tập trung khắc hoạ một bức tranh vẽ bằng hồn, thể hiện “Một nỗi niềm thức trở” với thi ca như Trần Văn Khang tự bộc bạch khi anh đứng trước ngưỡng cửa của tuổi “xưa nay hiếm”:
Sáu chín năm chẳng thể quên
Sáu chín năm vẫn đi tìm “Thẩn thơ!”
“Thẩn thơ”, tôi nghĩ, đó là niềm say mê thi ca chân thành của Trần Văn Khang. Chính sự chân thành đó là nhân tố hàng đầu làm nên dáng vẻ và ý nghĩa tinh thần của thơ anh trong tập “Những miền đời tôi thức”. Chân thành trong những gì anh thâu nhận được, anh trải nghiệm qua và cả trong những suy tư, ngẫm ngợi và xác tín. Nhờ sự chân thành đó mà Trần Văn Khang đã có được những câu thơ làm xao động lòng người.
Đây là tình cảm của anh đối với người cha đã khuất:
Cha ơi! Đêm đã xuống rồi
Đĩa rô đồng con nướng chờ cha về nhắm rượu
Nức nở thơm mùi ớt.
Đây là nỗi xa xót ngậm ngùi khi anh đưa mẹ về cõi vĩnh hằng:
Ấu thơ…
Bao lần mẹ giơ tay đón con khi con chập chững
Lớn khôn…
Mẹ lại đón con lúc con ở xa về
Duy nhất
Một lần
Con đi giật lùi… đón mẹ!
Còn đây lại là một kỷ niệm của một tình yêu đầu đời gọi nhớ về bước chân thưở nào trong hoàng hôn tím đỏ:
Lộc vừng ơi! Mắt đợi
Hoa sữa ngào ngạt thấm từng đêm
Và dáng em trong hoàng hôn tím đỏ
Lại gọi bước chân thuở ấy đi về!
Rồi một con phố Hà Nội không chỉ một lần khởi dậy trong anh một ám tượng không thể nhoà phai mỗi khi mùa thu về:
Mỗi lần thu lòng ta thêm bâng khuâng
Nhớ về con đường lá rụng vương khắp lối
Em về ngõ nhỏ bước vội qua nắng chiều…
“Nắng chiều” hay cái nắng quái chiều hôm hừng lên trong lòng chàng thi sĩ đa tình khiến người em gái Hà Thành tiết trinh phải “bước vội qua” trên con đường “lá rụng vương khắp lối” để trở về nơi “ngõ nhỏ” nhà mình? Nỗi nhớ ấy mới da diết làm sao! Đọc những câu thơ này tôi càng thêm thấm thía hồn thơ Đỗ Phủ trên đường về thăm nhà sau thời ly loạn An Lộc Sơn trốn về Linh Vũ được Túc Tôn phong cho ông chức Tả Thập Di:
Mặt trời đã xế về Tây
Núi cao cao vút, sắc mây ửng hồng
Kim ô chìm xuống mặt đồng
Thấy ta, cái sẻ reo mừng ngõ gai
Ta từ ngàn dặm xa xôi
Về quê hương cũ với người thân yêu (*).
Cảm xúc của thi sĩ xưa khi trở về cố hương sau nhiều năm lưu lạc với hồn thơ của thi nhân nay khi nhớ về một kỷ niệm yêu dấu không thể nguôi ngoai trôi trượt dài theo năm tháng thật chẳng khác nhau bao xa!
Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai tôi muốn nói tới là, có lẽ thơ Trần Văn Khang khá thành công ở những bài giầu chất suy cảm, ngẫm ngợi. Tôi cảm thấy thơ anh trong “Những miền đời tôi thức” ít phát lộ ở trực cảm, ở sự thăng hoa hay siêu việt của cảm xúc. Những gì được Trần Văn Khang trải nghiệm, chiêm nghiệm, chắt vắt ra từ suy tưởng ngẫm ngợi chính là những cái có thể neo đậu được trong lòng người đọc, có thể được người đọc sẻ chia và đồng điệu. Do đó, tôi coi những bài như “Bóng cha”, “Đón”, “Con rối”, “Cái gương”, “Cái bóng”, “Tâm sự một hạt cát” và “Chợ đời” là những bài thơ khá trong tập này. Ở những bài thơ đó, chất suy tưởng khá đậm nét, đem lại cho người đọc những suy ngẫm, liên tưởng đầy thi vị. Lê Quý Đôn khẳng định làm thơ có ba điều cấm kỵ, đó là: nói kỵ thẳng, ý kỵ rộng, mạch kỵ lộ. Còn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì không chỉ một lần chỉ rõ: “Làm thơ quý ở ý.
Ý thơ quý ở chỗ sâu xa, khiến người ta suy ngẫm mà hiểu ra, chứ không phải cái gì cũng nói ra bằng lời. Thế mới là thơ hay”. Soi chiếu vào những lời trên đây của tiền nhân, thì những bài thơ tôi vừa kể trên của Trần Văn Khang cũng ít nhiều ở những mức độ khác nhau đáp ứng được một trong những đòi hỏi như vậy. Chẳng hạn, tôi xin lấy bài “Cái gương” để minh chứng.
Ý thơ quý ở chỗ sâu xa, khiến người ta suy ngẫm mà hiểu ra, chứ không phải cái gì cũng nói ra bằng lời. Thế mới là thơ hay”. Soi chiếu vào những lời trên đây của tiền nhân, thì những bài thơ tôi vừa kể trên của Trần Văn Khang cũng ít nhiều ở những mức độ khác nhau đáp ứng được một trong những đòi hỏi như vậy. Chẳng hạn, tôi xin lấy bài “Cái gương” để minh chứng.
Mình tự soi mình vào gương để nhận ra mình, nhưng lại không nhận ra kẻ trong gương là mình. Vì sao? Vì:
Soi gương thấy một kẻ dương dương
Nhìn ta trân trố
Dáng vẻ gườm gườm thật khả ố…
Nhưng khi “Dụi mắt nhìn” thì cái kẻ trong gương ấy “Nó cũng bắt chước ta”. Và, thế là ta bừng tỉnh “Hoá ra! Nó là ta”. Để rồi từ đó đổ vạ cho “Cái gương chết tiệt”. Thế là, bi kịch của sự soi gương, của sự lột trần “chân tướng ta” ắt dẫn tới kết cục cái gương phải “vỡ vụn”:
Một nhát búa sẽ làm gương vỡ vụn
Vỡ cả mặt ta
Những mảnh vụn nhiều phần méo mó!
Đó là bài thơ có ý tứ sâu sắc: Mặt ta vẫn là ta, nhưng tâm địa, lòng dạ ta thì không còn là ta nữa. Phải chăng từ sự việc soi gương Trần Văn Khang muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp tâm hồn: Gương đời, gương phẩm giá, gương đạo đức, gương nhân cách con người, chúng ta nên soi lại hàng ngày để sống sao cho đẹp hơn, nhân văn hơn, đừng có “dương dương”, “trân trố”, “gườm gườm”, trông “khả ố” lắm, đê tiện và đớn hèn lắm!?
Tôi mong Trần Văn Khang có nhiều bài thơ như thế.
Ghi chú:
(*) Theo Vũ Bằng trong “Tháng Tám - ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng chi thu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét