Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Tản mạn với café

Tản mạn với café 
Café có tự bao giờ?
Café có mặt trên thế gian này lâu lắm rồi, theo một tài liệu thì Café đã “làm ghiền” cả châu Âu nhất là ba nước Pháp, Anh, Hà Lan từ thế kỷ XVII. Riêng tại nước ta năm 1858 khi thực dân Pháp bắn tiếng súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng chính thức mở đầu quá trình xâm lược thì theo chân quân đội viễn chinh là cả một nền văn hóa phương Tây đổ vào Việt Nam trong đó có Café.
Theo nhà văn Sơn Nam - người rất am hiểu Nam Bộ, hai quán café đầu tiên của một người Pháp hiện diện khá sớm (1864) tại Saigon, là Café Lyonnais đường De Lagradière - Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) và Café de Paris đường Catinat - Tự Do (nay là Đồng Khởi).
Và ngoài Bắc, khi Pháp chiếm Hà Thành (1882) thì năm sau xuất hiện quán café ở Phố Thợ Khảm (nay là Tràng Thi) - trong hai năm (1884, 1885), số quán tăng lên rất nhiều, có các hiệu: Café du comerce, Café de Paris, Café Albin, Café de la Palace, Café Block - nhưng sớm nhất và nổi tiếng nhất là Café de Beira”. (theo báo Tương Lai - số ngày 5/8/1885) .
Trong tiểu thuyết Ngoại Ô (1941) của Nguyễn Đình Lạp, bóng dáng Café trộn lẫn trong tiếng rao đêm inh ỏi bên cạnh những đồ ăn, thức uống ở đầu phố Vạn Thái (Hà Nội): “Phở… ở… phở… ở!... - Cà phê ô lê bánh tây!*... Ai ngô rang, hạt dẻ, mía không nào!... Giò… dầy!. Giò… dầy... ỳ… ỳ…!”. Người bán nhiều khi hám lợi vặt vãnh tận dụng đến nước bã café sái hai - “Bác hàng cà phê đang tỉ mỉ xếp mấy cái phích ra trước mặt. Bác mở nắp, tháo cái rây trong ruột phích ra, rồi vội vàng nhưng cẩn thận bác đổ những bã cà phê vào một cái hộp sắt tây lót giấy nhật trình. Khi nhận thấy những bã cà phê hãy còn hung hung nâu, bác đưa lên mũi ngửi rồi mỉm một nụ cười láu lỉnh. Hãy còn ngát chán!. Chỉ phơi qua một nắng là lại pha được một nước nữa chứ chả bỡn”.
Café và tôi
Nói gì thì nói café đã đồng hành và gần như gắn chặt với người dân thành thị Việt Nam. Tùy cách tiếp cận của mỗi người, mỗi giới, riêng tôi café thường đi đôi với trầm ngâm suy tưởng và tôi bắt đầu bài viết này theo kiểu tản mạn như vậy.
1/ Ngồi trong không gian Café - Cát Đằng, tôi cứ miên man với những sợi dây hoa buông thõng đong đưa. Cát Đằng có tên khoa học Thunbergia grandiflora Roxb, họ Ô rô (Acanthaceae), thuộc giống dây leo (sắn, mây), lá đơn mọc đối có cuống dài, phiến lá rộng gốc hình tim, hoa mọc đôi rũ dài ở nách lá. Trong văn chương cát đằng dùng để chỉ thân phận người đàn bà yếu đuối lúc nào cũng cần một bờ vai nương tựa, che chở của phái mạnh:
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng
 (TK)
Cát đằng tương tự nghĩa chữ cát lũy, cũng là hai loài dây leo (sắn, bìm) chỉ phận lẽ mọn của người đàn bà:
Tin nhà lại một vắng tin
Mặn tình cát lũy, nhạt tình tào khang
(TK)

Nhấp môi ly “café - cát đằng” bỗng thấy thương thân nàng Kiều quá đi thôi!
2/ Đến với Café - Niết Bàn đầu óc bỗng dưng được thắp sáng - Ừ nhỉ, Niết Bàn dịch từ âm gốc tiếng Phạn Nirvãna mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt - (Diệt, Diệt tận, Diệt độ, Tịch diệt, Bất sinh, Viên tịch).
Sự tịch diệt được hiểu là cứu cánh - điểm dừng cuối cùng (finalité) tối cao trong đạo Phật nên Nirvãna cũng được dịch ý là Giải thoát - Vô vi - An lạc. Trong nhiều kinh sách,người ta miêu tả Niết bàn như một “ngọn lửa đã tắt”. Đó là tình trạng không có một vị trí địa lý, mà là một dạng siêu việt, xuất thế và chỉ có những hành giả đã đạt mới biết được. Quan điểm của phái Tiểu Thừa phân biệt hai loại Niết Bàn:
* Hữu dư Niết bàn (Sopadisesa Nibbana Dhatu): Niết bàn còn tàn dư - trước khi tịch diệt, là trạng thái của các bậc thánh nhân đã dứt bỏ mọi phiền não, không còn tái sinh, không còn tạo nghiệp mới nữa. Nhưng những nhân lành hay dữ đã tạo trong dĩ vãng vẫn còn trổ quả tới lúc danh và sắc tan rã.
* Vô dư Niết bàn (Anupadisesa Nibbana Dhatu) là Niết bàn đã dứt sạch phiền não, không còn mang thân của nghiệp báo.Trong kinh Itivuttaka, Đức Phật dạy rằng:
- Chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân là nơi đây, các bậc tu hành đắc Quả A La Hán, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời sống thiêng liêng cao thượng, đã làm những việc cần phải làm, đã bỏ gánh nặng xuống, đã thành đạt mục tiêu, đã tận diệt mọi trói buộc của đời sống - hiểu biết chân chánh và đã được giải thoát. Tuy nhiên ngũ quan vẫn còn, và vì chưa xa lìa hẳn ngũ quan nên còn thọ hưởng những quả lành và gặt hái những quả dữ. Sự chấm dứt tham, sân, si gọi là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn.
- Chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn là chấm dứt mọi phiền não, không còn thích thú với những cảm giác của thân nữa - hiểu biết chân chánh và đã được giải thoát nhẹ nhàng.
Tôi thầm nghĩ: Giữa cõi bụi bặm này tính chuyện chối bỏ, quay lưng cuộc sống, chao ôi thật khó và không tưởng! - Khi mà “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng - Thì đường trần mưa bay gió cuốn - Còn nhiều anh ơi!” (Chiều mưa biên giới - Nguyễn Văn Đông). Tuy nhiên sự hiện diện của những khái niệm luận thuyết về “Niết Bàn” lồng ghép qua các bài giảng Pháp của các Sư Thầy -  trong cõi nhân sinh này, dẫu sao cũng đã có mặt tích cực giúp con người trụ thế sáng suốt tự kiềm chế cái thân trong vòng vây của tham sân si, biết “thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ” và khi đã dứt nghiệp báo thì vui chơi thanh thản tan hòa vào vũ trụ!
3/ Bước vào không gian Café - Thiền, tôi cảm giác bềnh bồng như thoát khỏi sức hút quả đất. Thiền là gì? Câu hỏi như vặn xoáy và tôi tạm hiểu: Thiền là ngồi yên, trầm tư mặc tưởng, phân tích hoặc suy nghĩ về một luận cứ, một bài thơ hoặc một bài kinh. Đôi khi nó cũng được hiểu là ngồi xuống, nhắm mắt lại và không suy nghĩ gì cả, tránh thoát các vấn đề, nhờ vậy tâm trí thanh thản. Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại, ngay tại nơi ta có mặt. Trong đời sống hàng ngày, tâm ta thường bị chìm đắm trong quá khứ hoặc rong ruổi về tương lai hay đang vướng mắc trong những toan tính, lo âu trong hiện tại khiến tâm và thân không liên kết có mặt cho nhau. Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm. Thiền giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại, ý thức được sự có mặt của ta và những gì đang xảy ra tại giây phút này, nơi thân và tâm ta - hoàn cảnh ta.
Nếu tâm bị lôi kéo bởi quá khứ, tương lai, bởi những toan tính và lo âu, hờn giận thì ta không thực sự sống với đời sống của ta - sống như vậy nói như Albert Camus là “sống như một người chết” (Vivre comme un mort - tiểu thuyết L’ Étranger). Sống mang ý nghĩa là có mặt tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và chung quanh ta.
Theo thuật ngữ Yoga, Thiền được gọi là “Dhyana” nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về Ý Thức Vũ Trụ.
Cuộc sống trước mặt stress nhiều quá:
“Mở cửa
Chào ngày mới
Tôi dẫn tôi ra phố
Vườn chiêm bao chẳng nhìn rõ mặt người
Mũ nón trùm đầu
Khẩu trang che kín
Inh ỏi còi xe
ồn ào máy nổ
Bui mù khói tỏa
Sóng mobi đan lưới
Ôi cõi nhân sinh
Trăm thứ phải lo

Nhà nghèo nặng lòng chuyện cơm áo gạo tiền
Phú hộ mệt với đô tăng,vàng sốt - lo chặn lời, chốt lỗ…
Tuổi trẻ phấn đấu học hành, lập thân, lập nghiệp
Già lui về buôn gió,bán trăng - nhả đến tận cùng những sợi tơ vàng
Thức và mê giữa đời thường…” 
(PVT)
Thiền như sạc thêm năng lượng, giúp bản thân con người bình ổn, không chao đảo mất phương hướng thậm chí đánh mất cái ngã trong đời thườn.
4/ Đến với Café - Cõi ngoài, tôi thực sự thanh thoát - Cõi ngoài gợi liên tưởng câu Kiều:
“Giác Duyên vâng dặn ân cần,
Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài.”

Theo giải thích của Thiền sư Nhất Hạnh - Cõi ngoài là không phải cõi này dịch từ chữ “phương ngoại”: một không gian ở ngoài - phương ngoại phương (Space ouside of space), trời phương ngoại. Đó là không gian nhưng là loại không gian nằm ngoài, vượt ra khỏi không gian thường của người đời. Chúng ta tìm đến không gian nằm ngoài không gian, thực tập tiếp xúc với Niết Bàn, với Bản môn. Trong cuộc đời, ta chỉ tiếp xúc được với Tích môn (historical dimension) - Người tu phải tiếp xúc với Bản môn (ultimate dimention).Cõi ngoài đây có nghĩa là phương ngoại phương, một phương trời không có chuyện lên/ xuống, ra/ vào, sinh/ tử, trong/ ngoài, nhiều/ một…
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) trong bài “Phóng cuồng ngâm” có câu: “Chống gậy rong chơi chừ, phương ngoại phương!” - (Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương!) - Ta chống gậy đi chơi trong khung trời phương ngoại chứ không đi chơi trong khung trời của thế gian. Khung trời phương ngoại là không gian chúng ta có thể bước vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Đó là khung trời của giải thoát, của Niết Bàn - Phải đi trong không gian của phương ngoại thì mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc. Giã biệt tất cả những phiền não, tranh chấp trong cuộc đời để được có tự do.
Sớm mai nào tôi cũng bắt đầu ngày mới bằng cách ngồi đếm những giọt đen thả xuống chiếc cốc thủy tinh trong suốt. Dường như Café làm cho mình có cảm giác thuần khiết, trong trẻo giữa cõi hồng trần…!.
Ghi chú:
* Tiếng Pháp “Café au lait” (Cà phê sữa)
Sài Gòn, 12.3.2012
Phan Văn Thạnh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...