Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Từ lâu đã có Boléro bụi đời, hát rong

Từ lâu đã có Boléro bụi đời, hát rong...
1. Có thể nói, từ sau tháng 4-75, chưa lúc nào dòng nhạc Boléro được hát nhiều, trình diễn nhiều như hiện tại. Khắp từ Nam ra Bắc, Boléro tràn ngập các vidéo, album, các chương trình ca nhạc sân khấu, phòng trà... Boléro chễm chệ lên ngôi trong các show truyền hình thực tế, nào là ‘Sol vàng” trên VTV9, “Thần tượng Boléro” trên VTV3, nào “Solo cùng Boléro” hay “Tình Boléro” trên Vĩnh Long 1, Vĩnh Long 2...  
Một thời, so với các dòng nhạc khác trong nước, như nhạc cổ điển, thính phòng, tiền chiến..., Boléro đã là dòng nhạc đại chúng (pop music) lớn, rộng nhất bởi có số người ưa thích nhiều nhất cũng như đa dạng nhất về tầng lớp xã hội, dù cho những cung điệu buồn buồn rất quen thuộc ấy, ngày trước cũng như hiện nay, từng bị vài ý kiến chê là sến, rẻ tiền.
Hiện nay, Boléro như sống trở lại sau hơn ba mươi năm bị cấm đoán, bị đố kỵ, bị gạt ra khỏi các hoạt động âm nhạc trong nước. Nhưng đúng ra, Boléro chưa bao giờ chết. Dòng nhạc đại chúng này từ lâu lắm rồi vẫn lặng lẽ có mặt cùng đám dân nghèo đô thị, từ những nhóm anh em thợ thuyền thích đàn hát lê la bụi đời, đám pê-đê hát đám ma hay từ dân ăn xin, bán kẹo kéo phát loa ca nhạc ngoài đường phố...
2. Tôi còn nhớ, sau ngày học cải tạo về là chà lết kiếm sống với các nghề thợ vịn như phụ hồ, phụ chạy ống nước... thì đâu khoảng năm 1980, trong một đêm dự đám ma một anh bạn đạp xe ba bánh bị xe vận tải đụng chết, tôi đã mê mãi hát hò với hai bạn thợ hồ cùng một tay đàn vốn là phu bốc vác trái cây chợ Cầu Ông Lãnh. Phải nói đêm ấy quá đả, vừa vì men rượu hà thủ ô đám ma nhà nghèo vừa vì mối duyên văn nghệ tuyệt vời nảy sinh khi bọn tôi chơi hết mình các liên khúc Boléro.
Đàn, hát theo liên khúc hẳn không mới lạ gì đối với quý vị sành ca hát, thường tụ họp bạn bè để hát xướng vui chơi. Nhưng cho đến nay tôi vẫn còn thắc mắc không rõ ai - nhạc sĩ chuyên nghiệp hay dân đàn, hát nghiệp dư - đã quá thông minh khi nghĩ ra cách đàn, hát Boléro cực kỳ sống động cho nhiều người có thể cùng tham gia vui chơi như thế? Bên nhạc pop music Âu Mỹ, dân nghe nhạc chẳng lạ gì dạng non-stop music, như các băng non-stop Disco hải ngoại một thời chẳng hạn. Tương tự, kiểu chơi liên khúc Boléro - có thể biến điệu nhanh/ chậm chút đỉnh thành Slow boléro, Rumba, Tango Habannera cũng được - cho phép hát trích đoạn của từng ca khúc và luân phiên hát nối tiếp nhau thành vô số khúc hát, kéo dài tới sáng cũng được. Và Trời thương, kho tàng nhạc Boléro Việt Nam, chỉ riêng phần tích lũy đến trước tháng 4-75 đã quá đồ sộ, đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức nào công bố tổng cộng đã có bao nhiêu ca khúc thuộc dòng nhạc này.
Ở đám ma ấy, giống một cuộc thi hát có thách thức nhẹ nhàng, giọng nam trầm của ba ca sĩ thuộc hạng “chưa thằng nào ngán thằng này” gồm tôi và các bạn thợ hồ cứ luân phiên nhau cất lên trong đêm thức trắng. Các bạn kia hát Đời tôi cô đơn, Kẻ ở miền xa, Rừng lá thấp, Con đường xưa em đi..., tôi đáp lại với Những ngày xưa thân ái, Những bước chân âm thầm, Nắng chiều…
Nhất định phải kể đến công lao của tay đàn/phu bốc vác. Khi đệm cho liên khúc Boléro, người đệm phải chịu mệt, mỏi tay vì không được tạm dừng giữa hai bài mà cần đệm liên tục ở cùng gam LA mineur hay SOL mineur, miễn vừa với giọng trung bình, chung chung của cả bọn “ca sĩ” ngồi đó. Một người mới xong khúc hát của mình, tay đàn sẽ đệm dạo ngay 4 trường canh Boléro và người hát kế tiếp phải cất giọng ngay khi dứt khúc dạo. Nếu chưa tìm ra bài thì có thể cáo lỗi, xin thêm 4 trường canh nữa. Được châm chế như thế rồi mà vẫn không hát nối tiếp được sẽ bị phạt uống một ly, không chờ ly “xây tua”.
Tôi nhớ đã đề nghị bạn phu bốc vác nghỉ xả hơi một chút, cứ giao cây guitar cũ mèm, trầy trụa kia cho tôi đệm thế vài bài. Rồi dù không chuyên nghiệp như anh bạn mới quen này, tôi đệm cũng coi như OK, cũng chân phương, đúng nhịp. Lúc đến lượt hát, tôi đã cao hứng hát bài có lời mở đầu là Chiều nay ra khơi… gì đó để tự đệm điệu Beguin Rock ưa thích của mình.
Rốt cuộc, show liên khúc Boléro của bọn tôi gần 2 giờ sáng mới chịu tẹc, nếu không phải đi làm sớm sáng mai thì còn kéo dài nữa. Cả bọn đều mệt thật sự nhưng đều thật vui trong mối đồng cảm tiếng hát dân nghèo. Chỉ mới lần đầu gặp nhau, cùng uống rượu cùng đàn hát đả đời với nhau là đã tình thương mến thương! Nghe bạn bè áo rách ngồi dựa vào cái quan tài hạng bèo của mình hát hò như thế, chắc anh bạn phu xe ba bánh của chúng tôi đang nằm trong hòm rất hài lòng. Chừng như có tiếng anh gõ thành hòm, nói vọng ra: “Được lắm, hát nữa đi các bạn! Đưa ly đây! Vô!”.
3. Không hiểu sao, cái cứ gọi đại là “sự nghiệp” ca hát bụi đời của tôi lại rất âm tính, theo nghĩa cứ dính hoài vào đám ma và đêm tối. Hình như, thường ở các đám ma thì nhất định người ta mới cùng nhau có những đêm thức trắng? Sau đám tang anh bạn phu xe ba bánh, ở một đám ma khác, tôi lại có dịp “giao lưu” văn nghệ, lần này là với mấy bạn bóng hát rong, nghe nói từ bên hẽm Đội Có, Phú Nhuận qua hát một đêm mà chỉ lấy chút thù lao “hữu nghị”.
Bữa đó, bọn tôi cũng chơi liên khúc Boléro, tay đàn vẫn đệm riết một nhạc điệu, vẫn dạo 4 trường canh giữa hai khúc hát, nhưng tôi lại học được một kiểu hát, soạn nên ca khúc ngắn tại chỗ rất ngộ nghĩnh và cũng không thể biết do ai đề xướng. Đó là, thay vì phải lục bộ nhớ về các ca khúc Boléro quen thuộc ngày trước để hát trích đoạn, nay cứ tùy hứng lấy mấy câu ca dao, đồng dao theo thể thơ lục bát, cũng cắt khúc ra thành các chi câu rồi phổ vô điệu Boléro. Mỗi người đến lượt có thể hát từ 1 đến 2 cặp lục bát được phổ nhạc tại chỗ như thế là xong “nhiệm vụ”.
Kết quả là, trong khi hầu hết ca khúc Boléro của các nhạc sĩ thường trầm buồn, ca dao phổ Boléro lại rất vui nhộn và hài hước. Thí dụ như:
Anh đi /em ở lại nhà/
Con thơ bóp mũi/ mẹ già đuổi đi.
Hay:
Ví dầu/ cầu ván đóng đinh/
Cầu tre lắt lẻo/ gập ghềnh khó đi.
Khó đi/ mẹ dắt con đi/
Con đi trường học /mẹ đi trường đời.
Tôi bèn “chế” tại chỗ hai câu học được qua những ngày bị ủy ban phường kêu đi đào kênh, đắp đê tối tăm mặt mũi ở một nông trường vùng Củ Chi:
Trúc xinh/ trúc đứng đầu đình/
Em xinh/ em đứng/ dưới sình cũng xinh!
Hẳn là mấy loại liên khúc Boléro, lục bát ca dao phổ Boléro như trên rất dễ bị giới phê bình âm nhạc cùng các cán bộ quản lý âm nhạc, nhạc sĩ công chức xem là loại âm nhạc thấp kém, nhạc tầm bậy tầm bạ, bởi chỉ là đám lao động nghèo quậy - theo nghĩa ca hát ồn ào, hay chỉ được trình diễn tùy hứng bởi bọn hát rong hay tụi pê đê hát đám ma... Dù sao mặc lòng, đối với nhiều người nghe nhạc, vốn thuộc về nhiều tầng lớp, thành phần khác nhau, đặc biệt là giới người nghèo đô thị, bấy lâu nay Boléro vẫn cứ là niềm vui giản dị, hơi thở sãng khoái vào lúc nghỉ ngơi, thư giản trong cuộc sống thường ngày...
Phạm Nga
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...