Hai sắc thái tình yêu qua hai tình khúc
Nguyễn Đình Toàn và
Trịnh Công Sơn
Sống cùng thời với nhạc sĩ họ Trịnh, Nguyễn Đình Toàn là một
trong những khuôn mặt nổi bật của giới trí thức văn nghệ sĩ Miền Nam trước
1975.
Ông được biết đến không hẳn vì có tác phẩm Áo Mơ Phai đã từng
đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc bộ môn truyện năm 1973. Cũng không phải
vì những câu thơ êm ái, thanh bình, được tác giả viết ra từ khi còn rất trẻ:
Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng... (Khi em về)
Nguyễn Đình Toàn nổi tiếng phần lớn có lẽ nhờ qua Đài Phát
Thanh Sài Gòn: chương trình Nhạc Chủ Đề do ông thực hiện, được truyền
đi mỗi tối thứ năm trong thập niên 60, đã chinh phục hầu hết trái tim thính
giả, từ hậu phương đến tiền tuyến, bằng một cách hành văn riêng lạ, một giọng
đọc tâm sự thầm thì, thanh tao, huyền thoại 1.
Bởi Nguyễn Đình Toàn trước tiên là nhà thơ, là trực giác,
là tình yêu. Có thể nói ông đã khẳng định chỗ đứng của mình ngay từ khi tác
phẩm Tình Khúc Thứ Nhất 2, nhạc của Vũ Thành An, ra đời. Nó tiếp cận tình yêu
dưới góc độ duy mỹ mới mẻ, bằng những hình ảnh và ngôn ngữ thoạt trông có vẻ
như sáo mòn nhưng kỳ thật mang nhiều cách tân hiện đại. Nó đánh dấu một thời
kỳ, thâm nhập tâm thức một thế hệ bị rẻ rúng phụ bạc: càng hoang mang thất vọng
trước thực tại, càng khát khao mơ ước những sắc màu vĩnh cửu.
Vì vậy, nếu Trịnh Công Sơn - mà ta sẽ trở lại qua bài Tình
Nhớ - ca ngợi tình yêu trong mối tương quan tại thế (immanence) với
đầy đủ những mâu thuẫn, dằng co cố hữu, thì họ Nguyễn lại tẩm liệm tình yêu
trong đắng cay, chua xót, để rồi - như một phản xạ tự giải cứu - tìm ra cho
mình liều thuốc qua giấc mơ Tuyệt Đối, bằng lối thoát siêu nghiệm 3 (transcendance).
Tình yêu như một sự ngụy tạo hạnh phúc
Mở đầu bài hát, Nguyễn Đình Toàn tuyên bố:
Tình vui, theo gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi, lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người
Tình vui thật sao? Nếu có, chỉ là vui gượng
gạo để tự dối mình, trong mưa sầu, lệ đắng. Ở phần lời hai, tác giả có xác định
rõ hơn:
Tình vui trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời
Ngày em đăng quang, giữa giờ phút tuyệt vời, thì cũng là
lúc tôi chỉ thấy son vàng rệu rã, phải trốn mình trong lớp khói hương để mong
tìm ra một ảo giác nào đó, để cầu xin chút ân huệ gặp gỡ sau cùng:
Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy
Phảng phất một cái gì linh diệu, kỳ bí, xa xôi mà quen thuộc
như không khí cúng bái đâu đây, pha lẫn với đôi chút siêu thực. Trước Nguyễn
Đình Toàn, hình như chưa có ai nói thế. Câu tiếp theo xé toạc cái vỏ kén tự kỷ
chủ quan, làm nổ tung một sự thật phũ phàng:
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Nói về tình yêu - mà không chỉ riêng tình yêu -, có lẽ chưa
tác giả nào đã xuất thần với một cụm từ sắc gọn như thế, chạm sát với số phận
con người và - trong một chừng mực nào đó - với cả vận mệnh quê hương: sự ngỡ
ngàng bất lực trước đại nạn.
Rồi tác giả tiếp tục triển khai bức tranh bằng những hình ảnh
đè nặng, u ám:
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Dơi rất hiếm khi xuất hiện trong văn học. Nguyễn Đình Toàn
gọi đến nó là để báo hiệu một không gian bao trùm bất hạnh, một kết luận chua
chát, ê chề:
Thế nhưng tác giả cũng tìm được cách tự trấn tĩnh, trở về với
kỷ niệm - trên thực tế đã hóa thành ý niệm -, để chiêm ngưỡng săm soi như những
chuẩn mực rút ra từ trải nghiệm, dù vẫn chưa hết cơn hờn trách:
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây, gió lú đưa đường mây
Có yêu xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Du Tử Lê 4, trong một bài viết về văn chương Nguyễn Đình
Toàn cho rằng: «…Ở thời điểm cuối thập niên (19)50, đầu thập niên
(19)60, thì đó là cách nói cực kỳ mới mẻ. Người ta không thể tìm thấy ý
niệm “niềm vui trong thiên tai,” “yêu nhau như thời gian làm giông bão,” […]
trong bất cứ một ca từ nào của nền tân nhạc Việt Nam, kể từ tiền chiến».
Nguyễn Đình Toàn (Ảnh: Uyên Nguyên 5)
Không chỉ thế, điều đáng chú ý ở đây là nỗ lực vượt thoát của
họ Nguyễn vào thời điểm đó.
Tác giả dành cả phần lời hai của tình khúc cho những dự
phóng tương lai, không chút hoài nghi do dự. Bởi nghịch cảnh là sự thử thách
độ bền của con tim cho nên, dẫu không có gì bù đắp lại, tôi vẫn mơ em, mơ một
ngày mai yên ấm, vẫn trung thành với ký ức và tình yêu:
[…] Thì xin giữ lấy niềm tin, dẫu mộng không đền
Dù Trời đem cay đắng gieo thêm cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em, âm thầm soi lối vui tìm đến.
Thật hồn nhiên và cao thượng! Nhưng tất cả chỉ đơn phương,
mộng tưởng, không gì bảo đảm là khả thi hoặc có thật.
Và Nguyễn Đình Toàn tiếp tục vượt xa thêm nữa trong phần lời
ba của bài, bằng sự kết nối vừa nên thơ vừa bác học với thần thoại:
Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
Trong văn chương Việt Nam, ít khi có được một kịch bản như
thế. Để khép lại tình khúc, họ Nguyễn thể nghiệm một lối mở thênh thang, đa tầng,
với một tham vọng nghệ thuật đáng quý: đặt song song huyền thoại với hiện thực;
vừa mượn những hình tượng siêu nhiên của điển tích và triết học cổ đại để
thăng hoa, vừa thể hiện độ lùi sám hối, phản tỉnh của chính bản thân trước cuộc
đời, một cuộc đời lắm trắc trở bất an, mà sự chấp nhận hiện hữu cũng đồng
nghĩa với lòng bao dung và ý muốn hòa hợp cùng người.
Vấn đề là nó có thuyết phục không, ít nhất là đến đây. Chẳng
hạn: nếu Tình Yêu đã thoát xác bay đi, thì “dăm phút vui trần thế” còn lại là
cho nỗi vui nào?
Adam và Eve bị đuổi khỏi Địa Đàng,
một phần bích họa Masaccio (1401~1428) 7
Dẫu sao, không thể phủ nhận rằng ở Tình Khúc Thứ Nhất lấp lánh một vẻ đẹp
lãng mạn, một sự trong sáng trong cách xử lý, ít có so với các tác phẩm thời
đó. Nguyễn Đình Toàn ở đây là một chàng trai say đắm, độ lượng, đầy thiện
chí, sẵn sàng quên đi những lầm lỗi của người yêu. Rõ ràng khi ấy, ông chưa
phải là “Nguyễn Đình Toàn, nhà văn buồn bã và bệnh hoạn” như cách nói ấn tượng
của Tạ Tỵ khi đánh giá văn nghiệp họ Nguyễn8, mặc dù những phê bình của nhà họa
sĩ nổi tiếng - dựa trên các truyện và tiểu thuyết xuất bản - không phải là
hoàn toàn xa lạ đối với nội dung bài hát:
«Tình yêu trong tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn không
bao giờ nguyên vẹn. Nó đứng chênh vênh trên bờ vực hay trơ vơ phơ phất trong
từng ý nghĩ mong manh. Nó cuồng nộ một cách giả tạo. Nó vượt quá xa mức độ một
cách giả tạo. Nó vượt quá xa mức độ thực của nó. Nó chỉ được phác hoạ mà
không bao giờ cụ thể hóa được giữa cuộc đời. Những ý nghĩ táo bạo […] cũng chỉ
để nói với mình, để lừa dối mình, để chiến thắng mặc cảm, thứ mặc cảm bất lực
về thể chất vũ bão ở nội tâm».
Tình khúc của Nguyễn Đình Toàn là bóng dáng “lẻ loi mù
trong bóng đêm dài” giữa cuộc hành hương tìm về miền diễm phúc ban đầu. Vì thế,
nó phải được ngụy trang với tất cả sự cẩn trọng và niềm tin, để
tránh thoát những mũi đâm nghiệt ngã của phẫn hận, oán trách, chua cay.
Trong cùng những năm tháng đó, cũng “chênh vênh trên bờ vực”,
cũng miệt mài da diết với tình yêu, Trịnh Công Sơn lại khác hẳn: tình ca của
ông không hề bị vẩn đục bởi bất cứ sự giả trá, hờn ghen, căm ghét nào - từ cả
hai phía- dù vẫn “lên đầy” những cơn đau. Tình yêu của họ Trịnh - đặc biệt
trong Tình Nhớ - không lao đao giữa mịt mùng độc đạo mà dạt dào triền miên
như muôn ngàn đợt sóng, quấn quyện ước mơ và hơi thở cuộc đời, ôm trọn cả quá
khứ và tương lai, chu du qua những bến bờ vô định, nhởn nhơ như những luyến
láy nội tâm giữa nốt sáng tư duy và dấu trầm vô thức. Rồi cuối cùng xoắn xuýt
phủ định xóa nhòa nhau, thanh thoát tan hòa giữa bao la tạo vật…
Tình yêu như một sự phủ định của phủ định
Tình Nhớ là một chuỗi những lời tự thú của trái tim chủ thể
bị đắm chìm trong nghịch lý tình yêu. Nó bắt đầu bằng ý chí muốn chối
từ quá khứ yêu đương, nhưng rồi lại bị thực tế nhanh chóng phủ nhận ngay bởi
rõ ràng là lòng lại dối lòng, chỉ gắng gượng tỏ vẻ làm ngơ:
Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng
Phủ định tiếp theo thuộc không gian tâm lý, trên khoảng
cách chia xa với người yêu cũ. Một khoảng cách bỗng chốc bị khỏa lấp bởi tầm
vóc vời vợi, nguy nga của kỷ niệm bất chợt tràn về:
Người ngỡ đã xa xăm bỗng νề quá thênh thang
Mặt trời lặn trên hồ (1840) của Joseph
Mallord William Turner (1775-1851) 9
Một bức tranh no gió, phần phật căng tròn dáng dấp người
xưa: ngự trị cả bầu trời, chiếm lĩnh cả hoàng hôn, mênh mông và tráng lệ như
trong một tuyệt phẩm của Turner. Nó rộn ràng, năng động như lực đẩy của con
tim về phía những chân trời hạnh phúc. Nó án ngữ phiền muộn, xua tan cái u
hoài của một ngày lịm tắt, theo chu kỳ nhịp sống của đất trời quê hương:
Như từng con nước ròng 10
xóa một ngàу đìu hiu
Lại một phủ định tích cực, mời gọi niềm vui. Cái đặc sắc và
bí quyết của Trịnh có lẽ là ở đó: qua sợi chỉ đỏ của nội hàm vô ngã, đạt tới
sự sâu lắng nghệ thuật từ những xao động muôn vẻ trên bề mặt cuộc đời. Ngay
trong tình yêu, bằng đôi nét chấm phá, ông cũng gợi ra được mối quan hệ tự
nhiên - như cánh cửa thân thiết rộng mở - giữa con người với tạo vật, giữa nội
tâm với ngoại giới, giữa vấn nạn phù du cá thể với lời giải vạn năng bàng bạc
trong gió nội mây ngàn.
Đoạn hai bài hát lập lại mô típ chính về ám ảnh tình yêu, một
tình yêu càng lúc càng được khẳng định qua những lời đính chính nồng nàn:
Tình ngỡ đã ρhôi ρha nhưng tình νẫn còn đầу
Người ngỡ đã đi xa nhưng người νẫn quanh đâу
Vẫn những câu chữ đơn giản ai cũng hiểu được, ít cách điệu
hơn so với nhiều tác phẩm khác, đó là điều dễ thấy ở Tình Nhớ. Nhưng hình ảnh
hiện ra lúc này không còn phải là tà áo tung bay theo ngọn gió xa, mà là đôi
gót sen dịu dàng gợi cảm, thật gần, thật quen thuộc, đến độ như từ lâu đã nhập
làm một với mình:
Những bước chân mềm mại đã đi νào đời người
Như từng νiên đá cuội rớt νào lòng biển khơi
«Bước chân mềm mại đã đi νào đời người» ngọt ngào như thế, nhưng
đối với Trịnh Công Sơn nó cũng chỉ nằm trong mối tương quan bất tuyệt của
«νiên đá cuội rớt νào lòng biển khơi»: một so sánh hiếm thấy, mang âm
hao thiền tính và hòa điệu nhẹ nhàng tự nhiên với nhân sinh quan của tác giả.
Có điều, nói thì vậy, nhưng đã là người ai cũng có lúc bị
trượt ra ngoài lằn biên an toàn của lý luận, suy tưởng: khi ấy, chỉ còn chứng
thực cơn đau. Đau vật vã, đau trong hy vọng dù rất mong manh, đau trong mâu
thuẫn bởi tình vẫn dâng cao dù chẳng hề được nhận đáp:
Khi cơn đɑu chưɑ dài thì tình như chút nắng
Kĸhi cơn đɑu lên đầу thì tình đã mênh mông
Một người νề đỉnh cɑo, một người νề νực sâu
Để cuộc tình chìm mɑu như bóng chim cuối đèo
Hình như chưa bao giờ, nói về cuộc tình, Trịnh Công Sơn lại để lộ những nét
bi thiết như vậy. Nhưng có lẽ chỉ nhằm đúng một lúc nào đó thôi. Bởi vì ngay
trong đoạn ba liền sau, vẫn dưới dạng cặp đôi phủ định, tác giả lại đưa ra những
phát hiện mới, hoàn toàn trái ngược:
Tình ngỡ chết trong nhɑu nhưng tình νẫn rộn ràng
Người ngỡ đã quên lâu nhưng người νẫn bâng ƙhuâng
Thì ra không chỉ riêng mình, mà người cũng còn nặng
lắm vấn vương! Đến đây, bài hát bắt đầu để soi cận cảnh những cử chỉ e ấp,
ngập ngừng, nhưng không chút mơ hồ về chủ ý. Những thu nhận thị giác từ xa
trong suốt phần đầu tác phẩm bỗng dưng tan biến, nhường chỗ cho một cảm thái
râm ran gần như thuộc về xúc giác:
Những ngón tɑу ngại ngùng đã ru lại tình gần
Như ngoài ƙhơi gió động hết cuộc đời lênh đênh
Trước đây, Huy Cận đã từng mượn từ «ru» để diễn đạt động tác dỗ
dành người thương vào giấc ngủ:
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ (Ngậm Ngùi)
Nhưng có lẽ Trịnh Công Sơn là người đầu tiên nói «ru
tình» và đã dùng nhiều nhất đến tiếng «ru» trong tình
ca. «Ru lại tình gần» là sự kiện báo hiệu hồi mở gút đầy
hân hoan của Tình Nhớ, bởi vì:
Người ngỡ đã xɑ xưɑ nhưng người bỗng lại νề
Tình ngỡ sóng xɑ đưɑ nhưng còn quá bɑo lɑ
Ôi trái tim ρhiền muộn đã νui lại một giờ
Nguyễn Đình Toàn không có cái may mắn đó. Cao lắm, ông cũng
chỉ tự nói «vui trong phút giây thôi». Làm gì có chuyện đôi bên «ru lại»
tình xưa, lại càng không có cảnh «vui lại một giờ» như họ
Trịnh! Nhìn xa hơn, cách tiếp cận của Trịnh không phải là đặt song song hiện
thực với huyền thoại như Nguyễn, mà là khai lối cho hiện thực lên đường, rời
bỏ khung hẹp của bản thân để nhập vào hiện thực bát ngát của Vô Cùng:
Như bờ xɑ nước cạn đã chìm νào cơn mưɑ
Đỉnh điểm tối hậu của Tình Nhớ là đây, là sự hóa giải mọi
suy tính, nỗi niềm, qua hình ảnh dung dị, bình thường - nhưng có sức san bằng
vô tận - của bờ nước xa chìm lẫn dưới cơn mưa: chìa khóa vào cửa Không cho
mọi tồn tại, kể cả tình yêu.
Tình Nhớ là một sắp đặt những bức tranh mặn nồng cái khả sắc (le sensible) và
bay bổng cái khả tri (l’intelligible). Mỗi cuối đoạn trong bài đều ánh lên -
như được chiếu qua một tấm gương kỳ ảo - những hình ảnh đặc thù của tạo vật,
đáp lại với từng trang tự sự của cuộc tình: tính đối xứng giữa
tâm tư và ngoại cảnh, giữa cái riêng và cái chung, mỗi lúc đều được thể hiện
thật nhịp nhàng. Hãy thử nhẩm lại đôi câu:
... Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước ròng xóa một ngàу đìu hiu
... Những bước chân mềm mại đã đi νào đời người
Như từng νiên đá cuội rớt νào lòng biển khơi
Tình Nhớ là một chuyện tình phi nhân vật. Người yêu của Trịnh
được khắc họa qua tà áo, bước chân hay - gần hơn nữa - những ngón tay ru tình.
Nhưng ta tuyệt đối sẽ không biết gì về khuôn mặt giai nhân: không có vầng
trán sáng rỡ trưa xứ Đoài, hay đôi mắt dịu buồn chiều Tây Phương, như trong
chuỵện tình của một Quang Dũng. Điều đó tất phải do có dụng tâm, bởi cảnh
quan Tình Nhớ cũng không chứa một nhân tố khách quan nào cho khả
năng bị «sương khói mờ nhân ảnh» như trong chuyện tình của một Hàn Mạc
Tử! Phải chăng Trịnh Công Sơn yêu cái đẹp hơn là người đẹp, hay - nói đúng
hơn - không muốn dừng ở riêng một người đẹp nào? Và nhất là,
vượt lên trên cả cái đẹp, phải chăng - từ đáy lòng một nghệ sĩ sáng tạo - Trịnh
Công Sơn bị cuốn hút bởi cái lẽ không cùng của tạo vật?
Về phần Nguyễn Đình Toàn thì đã hơn một lần bị cuốn hút bởi
nhạc Trịnh: suốt bao năm tháng trước 75, ông đã từng say sưa giới thiệu
những ca khúc lần lượt ra mắt công chúng qua làn sóng điện và nhất là phần lời
thoại trong các cuốn băng từ nguyên thủy của Trịnh; sau này ở Mỹ, ông còn hát
tới những 11 bài Trịnh Công Sơn trong một CD 11 nhằm vinh danh tác
giả. Còn gì cho thấy rõ hơn lòng ngưỡng mộ của Nguyễn đối với Trịnh và sự đồng
cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn?
Sự gặp gỡ đó còn được nối dài trong sáng tác: mỹ học
của Nguyễn Đình Toàn, cũng giống như Trịnh Công Sơn, là mỹ học của chiêm nghiệm.
Nhưng nếu Tình Nhớ là khúc hoan ca của thời khắc tình yêu được tìm lại, thì
Tình Khúc Thứ Nhất chỉ là lời nhắn nhủ chia tay còn đầy vương vấn với một cuộc
tình không hạnh phúc.
Nguyễn Đình Toàn có lần nói rằng những bản nhạc mà ông
tâm đắc nhất không phải là những bài hát khởi nguồn từ biến cố lịch sử, cho
dù nó được nổi danh, mà là những bản tình ca 12. Đó có lẽ là lời tỏ
tình cao quý nhất dâng cho Tình Yêu.
Vì Tình Yêu - dẫu vơi, đầy, sống, chết - là vĩnh cửu.
Vì chỉ có Tình Yêu mới hà hơi cho «từng viên đá cuội»,
mới xô dạt bóng cô đơn, nâng niu che đỡ phận người: trước thiên
tai giông bão cuộc đời, có bước chân nào lại ngại ngần không tìm lối
Thiên Thai?
Chú thích:
1/ Đào Trường Phúc, Tình Ca Việt Nam Một Thời Hạnh Phúc - Nhạc Chủ Đề Trên Làn
Sóng Điện,
Phan Xuân Sinh, Nguyễn Đình Toàn, một nhân dáng lớn của sinh hoạt văn nghệ
Sài Gòn,
2/ Mời nghe Lệ
Thu
3/ Về siêu nghiêm trong nghệ thuật, mời
xem thêm ở: http://www.vanchuongviet.org/
4/ Du Tử Lê, Ưu điểm nào thấy được trong văn chương Nguyễn Đình Toàn? (Phần
2),
5/ Uyên Nguyên( 18/11/2011), Dòng thơ,
nhạc Nguyễn Đình Toàn: Câu Kinh Sử Cho Tuổi Trẻ Việt Nam,
6/ http://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%82ge_d%27or
7/ http://fr.wikipedia.org/wiki/Masaccio
8/ Tạ Tỵ, Nguyễn Đình Toàn và nỗi buồn trước mặt
9/ http://claudialucia-malibrairie.blogspot.fr/
10/ Hầu hết các phiên bản lưu hành hiện nay đều viết “như từng cơn nước rộng”, nhưng theo thiển ý thì đã có sự sai lầm
trong các bản in sau 1975, bởi vì:
a/ Bản thân người viết bài này đã nghe hát trong những năm 1960 “như từng con nước ròng” (và đó cũng là câu được viết ra, may thay, trong một bài nghiêm túc được đăng lại trên mạng: Thái Công Tụng, Biển và con người); b/ Tiếng Việt không nói “cơn nước” (khác với cơn gió, cơn mưa…), cũng không nói “nước rộng” (mà biển rộng, đồng rộng…)
11/ http://www.khampha.vn/
12/ Theo Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Toàn: viết nhạc như một thi sĩ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét