Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Chân quê và lời thề cỏ may - Từ cái nhìn so sánh

Chân quê và lời thề cỏ may
Từ cái nhìn so sánh
1. Bài thơ Lời thề cỏ may (1986) của Phạm Công Trứ ra đời sau Chân quê của Nguyễn Bính đúng nửa thế kỷ (1936). Và việc nó chịu ảnh hưởng thi phẩm rất nổi tiếng của Nguyễn Bính dường như là không thể khác được. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức nào? Chúng có làm mất đi những giá trị thật sự trong sáng tác của Phạm Công Trứ?
Đã có không ít những ý kiến khác nhau về vấn đề này, trong đó đáng chú ý là nhận xét của tác giả bài viết “Phạm Công Trứ: Gã nhà quê tinh quái” (Tiền Phong, 08/9/2013): “Có thể nói Phạm Công Trứ đã ‘nhại’ lại bài thơ nổi tiếng của người đi trước? Vẫn một tứ thơ hoài cổ, muốn níu giữ những gì đã quen thuộc từ “ngày xửa ngày xưa”. Vẫn một tâm trạng ích kỉ, hoang mang của anh con trai xưng “tôi” trước sự thay đổi của “em”… Xét nét hơn nữa thì có thể chỉ ra sự lặp lại cả về hình thức: hai bài thơ đều được “gói lại” bằng một cặp lục bát tách rời với phần trên: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Nguyễn Bính); “Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may” (Phạm Công Trứ).
Và cũng không thể không nói đến ý kiến sau đây của nhà thơ Trần Đăng Khoa (dù không trực tiếp đề cập đến Lời thề cỏ may): “Có một nhà thơ ở bậc đàn anh, đọc xong Trứ bảo: “Đời đã có một Nguyễn Bính rồi. Có nên cần thêm một Nguyễn Bính hạng hai, hạng ba nữa không?”… “Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu giữa làng văn. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi vào hiện nay, Nguyễn Bính đã ngả bóng mình xuống đó cách đây nửa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao. Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa, ngửa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?” [1]
Từ thực tế trên, thiết nghĩ cần có một sự so sánh kỹ lưỡng hơn về hai bài thơ Chân quê và Lời thề cỏ may, vừa để hiểu thêm về hai tác phẩm, hai nhà thơ của quê hương Nam Định giàu truyền thống văn chương ở hai thời đại, vừa hiểu thêm về một số vấn đề cơ bản trong sáng tác và tiếp nhận văn học.
2. Như ta đã biết, cuộc sống nói chung và nghệ thuật nói riêng luôn là cuộc “chạy tiếp sức” không ngừng nghỉ. Trong nghệ thuật, truyền thống và cách tân, tiếp thu và sáng tạo luôn là yêu cầu sống còn. Vấn đề quan trọng là tiếp thu và sáng tạo như thế nào để sáng tác của nhà văn trở nên có sức sống tươi mới và lâu bền trong lòng người đọc… Trong lịch sử văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng tiêu biểu cho sự tiếp thu và sáng tạo ấy.
Trở lại trường hợp Lời thề cỏ may và Chân quê, với hơn 80 năm tồn tại, sức sống của Chân quê là điều không cần phải bàn cãi. Nhớ đến Nguyễn Bính bạn đọc nhớ ngay đến bài thơ tiêu biểu cho phong cách “quê mùa” này của ông. Còn với Phạm Công Trứ, Lời thề cỏ may được rất nhiều bạn đọc yêu thích, được in đi in lại nhiều lần, đặc biệt tên thi phẩm này còn được dùng làm tên chung cho nhiều tập thơ của Phạm Công Trứ (Lời thề cỏ may I, 1990; Lời thề cỏ may II, 1993; Lời thề cỏ may III, 1996 và sau đó là Cỏ may thi tập (2000). Mối “duyên nợ” của Lời thề cỏ may với Chân quê là khá rõ. Nhưng sự tiếp thu và sáng tạo ở Phạm Công Trứ là như thế nào để tạo nên sưc sống cho bài thơ? Quả là nếu chỉ đọc thoáng qua hai bài thơ với một định kiến có sẵn rằng những gì cần nói và nói rất hay thì Nguyễn Bính đã làm. Vẫn một tứ thơ hoài cổ, muốn níu giữ những gì đã quen thuộc từ “ngày xửa ngày xưa”.
Vẫn một tâm trạng ích kỷ, hoang mang của anh con trai xưng “tôi” trước sự thay đổi của “em”. Thay đổi gì? Thay đổi về chuyện ăn mặc: anh trai quê của Nguyễn Bính khó chịu với “khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ áo cài khuy bấm...”; nhân vật “tôi” của Phạm Công Trứ cũng mặc cảm trước “Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò”. Nhưng suy xét kĩ thì có thể nói, sự khác nhau giữa hai bài thơ này không ít. Trước hết xin hãy nói về “tâm trạng” của anh con trai xưng “tôi” trước sự thay đổi của “em” và cái tứ thơ hoài cổ được nhắc đến ở trên.
“Em” trong thơ Nguyễn Bính chỉ thay đổi ở trang phục, từ truyền thống (áo lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen) sang tân thời (khăn nhung quần lĩnh, áo cài khuy bấm) thì đã rõ. Nhưng, “em” trong thơ của Phạm Công Trứ đâu phải chỉ thay đổi ở trang phục? Cô ấy dường như đã thay đổi tất cả, từ vẻ bề ngoài đến tính cách đã hoàn toàn “mất gốc”. Chân dung thiếu nữ này được tạo dựng hoàn chỉnh hơn, tỉ mỉ hơn, có “thuở ấy” của tuổi thơ “chân đất đầu trần” với biết bao kỷ niệm đẹp gắn bó máu thịt nơi vùng quê lấm láp, vất vả, lam lũ…; và có “Bây giờ xinh đẹp là em” từ thành phố “về quê ăn tết”. Em của hôm nay đối lập hoàn toàn với cô bé lên bảy “theo tôi suốt ngày” thuở nào. Trang phục, lời nói, tiếng cười, thái độ… dường như đều toát lên sự lạnh lùng, xa cách và cả đến đáng sợ. Em diện bộ quần áo model nhất của thời ấy (áo chẽn quần bò). Gặp lại một người con trai từng gắn bó suốt một thời tuổi thơ, lại vào dịp tết nữa, nhưng thay vì phải mừng rỡ đến vỡ òa, thì em lại hoàn toàn “hững hờ” hỏi một câu chiếu lệ chứa đầy hàm ý châm chọc: “Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai” (anh định chờ để lấy tôi đấy à?). Rồi em cười, nhưng không phải là tiếng cười giòn tan, trong trẻo mang vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ mà lại là “chuỗi cười” của một kẻ tự đắc, tự cho mình cao sang, “đẳng cấp” hơn người bạn gắn bó thuở ấu thơ lam lũ nhiều kỉ niệm. Cô xa lánh, vô cảm, coi thường, khinh thị…
Tâm trạng của anh con trai xưng “tôi” ở hai bài thơ cũng rất khác nhau: Trong Chân quê là sự khao khát chờ mong của lứa đôi, nên mới chọn lựa nơi gặp gỡ ở rất xa, rất riêng tư và lãng mạn (“Đợi em ở mãi con đê đầu làng”). Và cũng chỉ một chút “hương đồng gió nội” ở cô bay đi cũng đã đủ “làm khổ” anh đủ điều. Vậy mà anh không dám trách cứ mà chỉ van nài để níu giữ: “Nói ra sợ mất lòng em/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa…”
Trong khi đó, người con trai trong Lời thề cỏ may chỉ ngẫu nhiên gặp lại “em” của ngày xưa. Từ khi lên thành phố cô đã quên tất cả, giữa họ dường như không còn một mối dây liên hệ nào, nhưng anh vẫn chôn chặt trong lòng những kỉ niệm rất đẹp và thiêng liêng như “lời thề cỏ may” của tuổi thơ thuở nào. Và trước sự hờ hững, xa cách đến lạnh lùng của cô, anh cảm thấy khoảng trời tuổi thơ trong veo đã vỡ vụn, và “lời thề cỏ may” của tuổi thơ anh dứt khoát phải được gỡ bỏ.
3. Vấn đề thứ hai có liên quan đến nhận xét Phạm Công Trứ “bắt chước”, “nhại” lại “một tứ thơ hoài cổ, muốn níu giữ những gì đã quen thuộc từ “ngày xửa ngày xưa”, theo chúng tôi cũng cần phải được nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn, để thấy đây dường như đã là motif quen thuộc được sử dụng trong sáng tạo văn chương. Trong văn học, sự đổi thay của xã hội thường dễ nhận ra qua chiếc “hàn thử biểu” là phụ nữ. Trước Nguyễn Bính, ta cũng đã thấy điều này qua thơ Nguyễn Khuyến (Cái gái thời này gái mới ngoan/ Quyết lòng ẩu chiến với Tây đoan), Tú Xương (Chí cha chí chát khua giày dép/ Đen thủi đen thui cũng lượt là). Cùng thời Âu hóa với Nguyễn Bính, ta gặp rất nhiều trong văn học hiện thực phê phán (tiêu biểu nhất là sáng tác của Nguyễn Công Hoan: “Thế là mợ nó đi Tây, Cô Kếu gái tân thời, Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn, Một tấm gương sáng…). Và đến thời toàn cầu hóa và “âm thịnh” như hiện nay, sự biến đổi của xã hội dữ dội hơn bao giờ hết. Sự biến đổi ấy được nhìn nhận qua “gương mặt” của phụ nữ xem ra cũng là điều bình thường, điều quan trọng là nó đã mang lại hiệu quả nghệ thuật thật sự.
“Em” trong Chân quê chủ yếu được nhìn ở khoảng cách không quá xa, cũng không quá gần, không tỉ mỉ. Nhưng “tôi” thì ngược lại, tình cảm, thái độ và tính chất của mối quan hệ  với “em” được thể hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Rất nhiều trạng thái tình cảm được thể hiện: “đợi”, “làm khổ”, “sợ mất lòng”, “van em”… Điều này có liên quan mật thiết đến cách nhìn và cùng với nó là cách thể hiện mang đặc trưng của văn học lãng mạn. Với Lời thề cỏ may thì khác: chân dung “em” được tạo dựng đầy đủ, sắc nét ở cả “thuở ấy” và “bây giờ”; còn chân dung “tôi” nhạt hơn, dường như không biểu hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc bên trong, mà chỉ có hành động “gỡ lời thề cỏ may” rất dứt khoát ở cuối bài thơ. Sự khác biệt này có nguyên nhân thuộc về thời đại, nhưng xét đến cùng là thuộc về thuộc về cách nhìn nhận và cá tính sáng tạo của hai nhà thơ         
Là một nhà thơ lãng mạn đậm chất truyền thống - “thi sĩ của yêu thương”, nên có thể thấy các sáng tác của Nguyễn Bính luôn có sự kết hợp hài hòa giữa “sự” - “cảnh” và “tình”. Ông là “đối cực” với Xuân Diệu - nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, nhà thơ của cảm xúc mãnh liệt, khát khao giao cảm với đời. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Nguyễn Bính thường ít nhiều có sự hiện diện của một chuyện tình dân dã, hay những cảnh sắc đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Và quyện hòa cùng với đó là tình cảm, tâm trạng của cái tôi trữ tình rất mãnh liệt ở bên trong, nhưng thường rất kín đáo trong cách thổ lộ ra bên ngoài. Nguyễn Bính không thể được coi là “ông hoàng của thơ tình” như Xuân Diệu, cho dù ông cũng đa tình không kém.
Tình yêu trong thơ ông không có nhiều cung bậc, mà thường chỉ thể hiện ở mức độ khởi đầu (“tương tư” với “chín nhớ mười mong”, “ngày qua, ngày lại, qua ngày”, “thương nhau” mà chỉ “qua cửa tò vò nhìn nhau”…). Là nhà thơ “mới nhất”, Xuân Diệu luôn “cực đoan” trong nhìn nhận và biểu hiện: “Làm sao sống được mà không yêu”, “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, “Gần thêm nữa, thế hãy còn xa lắm”, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”… Nguyễn Bính truyền thống nên hình tượng thơ ông luôn mang cấu trúc hài hòa, cân xứng, trong đó có sự hài hòa giữa đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình.
Trong khi đó, Phạm Công Trứ là con đẻ của một thời đại khác, thời đại “toàn cầu hóa” với những đổi thay đến chóng mặt của cuộc sống xã hội. Và bản thân ông mang cách nhìn của một nhà luật học được đào tạo bài bản ở châu Âu, nơi được xem là mảnh đất duy lí. Cũng như tất cả những người làm văn chương chân chính, ông luôn mong muốn giữ lại được trọn vẹn những gì là quý giá như vàng, như ngọc và thiêng liêng như lời thề (trong đó có “lời thề cỏ may” của tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng). Nhưng thực tế cuộc sống xã hội đã cho ông hiểu rằng, đó là điều không dễ. Phạm Công Trứ đã viết Lời thề cỏ may không phải với cái nhìn lãng mạn gắn liền với một “chuyện tình” thoáng chút “buồn mà đẹp” như Nguyễn Bính đã viết Chân quê. Với cái nhìn tỉnh táo và chân thực, ông đã viết về sự đổi thay của lòng người, tình người trong xã hội hiện tại. Mở đầu bài thơ ông đưa ra một định đề nói rõ sự băn khoăn, ngờ vực: “Làm sao quên được tuổi thơ/ Tuổi vàng, tuổi ngọc, tôi ngờ lời ai”. Toàn bộ 14 câu thơ tiếp theo chính là minh chứng cho định đề ấy, để rồi bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ diễn tả sự dứt khoát không chút vương vấn trong tình cảm “tôi” dành cho “em”: “Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”.
4. Ra đời sau bài thơ Chân quê nửa thế kỉ và không thể không chịu ảnh hưởng từ tác phẩm rất nổi tiếng ấy của Nguyễn Bính, nhưng Lời thề cỏ may vẫn có chỗ đứng riêng trong đời sống văn học Việt Nam. Cả Chân quê của Nguyễn Bính và Lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ đã và vẫn sẽ làm cho người đọc hôm nay nhớ về làng quê mình và thêm yêu quê hương mình.
Ghi chú:
[1] Trần Đăng Khoa: Chân dung và đối thoại. Nxb. Thanh niên, 1999.
4.8.2018
Nguyễn Văn Đấu
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống và Hiện đại. Nhiều tác giả. 
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học và 
Trường Đại học Văn Lang tổ chức. NXB Hội Nhà văn, 7-2018.
Theo http://demo.trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...