Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975

Đời và thơ Nguyễn Bính trong 
di sản văn học miền Nam trước 1975
Mở
Như sự đặt để của số phận, trong đoản khúc Hành phương Nam đầy bi tráng, Nguyễn Bính đã viết những câu thơ thấm đẫm vị đắng về cuộc nhân sinh mà ông đã trải nghiệm qua những tháng năm phiêu bạt của chính mình. Đời và thơ Nguyễn Bính vì vậy, cũng là đời và thơ của một thiên sứ bị “đày” xuống trần gian làm thi sĩ để “tụng ca” nỗi buồn, niềm cô đơn, sự dang dở, sự khổ đau của thân phận lưu đày mà đời và thơ Nguyễn Bính là một xác chứng: “Đôi ta lưu lạc phương Nam này/ Trải mấy mùa qua én nhạn bay/ Xuân đến khắp trời hoa rượu nở/ Mà ta với người buồn vậy thay/ Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu/ Mà không uống cạn mà không say (…) Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Hành phương Nam).
Có thể nói, bài thơ Hành phương Nam như dự báo cho cuộc đời đầy giông bão của Nguyễn Bính với những bước lênh đênh của kẻ tha hương mà sự dở dang đã ám vào thơ ông, vào đời ông như một định mệnh. Trong xã hội miền Nam trước 1975, thơ Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Chân quê, Cô hái mơ, Xuân tha hương, Viếng hồn trinh nữ, Ghen, Cô lái đò, Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Mưa xuân, Sao chẳng về đây, Xa cách, Người hàng xóm, Chờ nhau... đã có vị trí đặc biệt trong tâm thức và tâm cảm của bao thế hệ người đọc. Không những thế, Nguyễn Bính và thơ ông còn là một di sản trong văn học miền Nam trước 1975 được giới lý luận, phê bình quan tâm nghiên cứu, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thế nên, Nguyễn Bính là một trong những gương mặt tiêu biểu của Thi ca tiền chiến xuất hiện nhiều trên sách, báo ở miền Nam như: Văn, Văn học, Văn nghệ, Nghiên cứu văn học, Bách khoa, Khởi hành, Thời tập, Văn khoa... [1]. Đọc những bài viết về Nguyễn Bính trong di sản văn học ở miền Nam trước 1975, ta thấy đời và thơ Nguyễn Bính được thể hiện ở một số bình diện sau:
1. Một thiên tài thi ca nhưng mệnh bạc
Có thể khẳng định Nguyễn Bính là một thiên tài thi ca xuất hiện không nhiều trong nền văn học dân tộc. Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ làm thơ, lặng lẽ sáng tạo theo cách riêng của mình. Nguyễn Bính không bị cuốn vào sự ồn ào của những trào lưu văn hóa phương Tây đang là lực hút khá mạnh đối với các thi nhân cùng thời mà âm thầm làm một kẻ lội ngược dòng, tắm mình trong dòng sông thi ca mang điệu hồn văn hóa dân tộc với âm hưởng ca dao “quê mùa”, “chân chất” để làm nên những viên ngọc thi ca mà trải qua bao lớp bụi thời gian, với những biến thiên của bao hệ lụy xã hội vẫn không làm mờ đi mà ngược lại càng làm rực sáng hơn. Vì vậy, trong công trình Văn học từ điển (Khai trí Xb. SG., 1974) của Thanh Tùng, phần viết về tiểu sử tác giả, Nguyễn Bính hiện lên là “một thi sĩ thời tiền chiến có sắc thái riêng biệt và được đại chúng biết nhiều nhất, vì thơ của ông rất gần với đại chúng, gần với cuộc sống tầm thường của mọi người, nhiều chỗ nhẹ nhàng man mác như ca dao, hoặc tình tự mộc mạc tựa những mối tình nơi thôn dã”[2]. Song, phải chăng, chính cái quê mùa tưởng chừng như đi ngược dòng chảy của thời đại đã tạo nên một hệ giá trị riêng cho thơ Nguyễn Bính mà theo Tạ Tỵ trong công trình chân dung văn học Mười khuôn mặt văn nghệ (Tác giả Xb. SG., 1970), dù cho “Tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam”[3], và “Chất thơ của Bính nó hiện diện như thể cách đây 30 năm, khoảng thời gian không xa xôi gì, mà sao nó làm cho người đọc hôm nay cảm thấy đằng đẵng xa vút mù khơi”[4]. Phải chăng, xuất phát từ những chân giá trị này trong thơ Nguyên Bính mà Tạ Tỵ cho rằng: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy như định mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. Sinh ra trong một hoàn cảnh khốn khó không đủ phương tiện ăn học, lớn lên tình yêu làm thui chột ước mơ, ở lãnh vực thi ca Bính cũng không làm sao thoát ra khỏi khuôn thước tầm thường của nhân thế. Nhưng đó không phải là cái dở mà đó chính là sự may mắn cuối cùng mà Thượng đế dành cho Bính, tuy rằng sự may mắn đó Bính phải trả bằng nước mắt với muôn vạn nhục nhằn. Sự lỡ dở do tình yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như a vào nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi tỏa ra những làn ánh sáng kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi”[5]. Với những chia sẻ trên, có thể nói Tạ Tỵ là một trong những nhà phê bình đã có những sự đồng cảm sâu sắc với đời và thơ Nguyễn Bính, là người đã khắc họa khá tinh tế về chân dung nhà thơ Nguyễn Bính, chân dung của một thi sĩ mà phận số đời mình là những chuỗi bất hạnh.   
Cũng như Tạ Tỵ, Thế Phong trong Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 -1945 (Nxb. Vàng Son, SG., 1974) bên cạnh việc giới thiệu khái lược về Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Huyền Kiêu, Lam Sơn, Huy Thông, Hồ Dzếnh, Ngân Giang, với cách nhìn riêng của mình, Thế Phong đã dành cho Nguyễn Bính những đánh giá khá cao khi cho rằng: “Nguyễn Bính có thiên bẩm thi nhân từ thuở nhỏ. Sống ở miền quê, nhà nghèo, ít học, nhưng làm thơ lục bát rất hay, truyền cảm mãnh liệt và phổ biến sâu rộng trong nhân dân thị thành cũng như nông thôn. Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được mọi người học thuộc thơ ông nhiều nhất”[6]. Và đây cũng là đánh giá của Vũ Bằng khi cảm nhận về sức sống của thơ Nguyễn Bính: “Tôi có thể nói rằng sau Truyện Kiều, sau thơ Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất”[7].
Những nhận định này là hệ giá trị cần thiết để làm nên sự tồn sinh của một thi sĩ, điều mà không phải nhà thơ nào cũng có được!? Giá trị thơ Nguyễn Bính được tạo nên bởi tài năng thi ca của ông. Nó là cái riêng có của Nguyễn Bính trong hành trình sáng tạo, là sự chọn lựa hiện sinh cho định mệnh thi ca của chính mình chứ không phải thứ ân sủng được ban phát từ một ngoại lực nào. Vì vậy, từ cái nhìn đối sánh với các nhà thơ cùng thời, Thế Phong đã nhận ra cái riêng như một hệ giá trị của đời thơ Nguyễn Bính khi ông cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính chẳng giống thơ một ai, chính thi nghiệp của ông cũng như Hàn Mặc Tử là rút ra trong cuộc sống thành khẩn của mình, sống rất sâu và nghệ thuật cao diễn tả, thành công rực rỡ. Không cầu kỳ như Vũ Hoàng Chương, không thuần túy lãng mạn dành riêng cho một giai cấp như xuân Diệu, không khóc đời suy tư kiểu Huy Cận, không có những hình ảnh thiên nhiên tạo vật buồn nhẹ như Lưu Trọng Lư; nhưng đi vào khía cạnh tâm hồn mọi người; khi mà thi sĩ cũng hòa đồng rung cảm”[8].
Không phải nhà thơ nào trong hành trình sáng tác cũng được các nhà nghiên cứu văn học dành cho những đánh giá cao như vậy!? Cái căn cước giá trị thi ca chỉ có thể có ở nhân vị của những thi sĩ tài năng đích thực. Bởi, người làm thơ thì nhiều nhưng có mấy ai được gọi là thi sĩ, mà lại là thi sĩ có cá tính sáng tạo độc đáo, ám ảnh người đọc như Nguyễn Bính thì lại càng hiếm. Điều này đã được xác tín qua sự tồn sinh của thơ Nguyễn Bính trong nền thơ ca dân tộc nói chung và trong di sản văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975 nói riêng, từ khi ông còn sống trên cuộc đời cũng như lúc ông đã đi ra ngoài cõi sống (chữ của Tạ Tỵ). Nguyễn Bính, vì thế, là một trong những gương mặt Thơ mới đã được Nguyễn Tấn Long luận bàn khá nhiều trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q.thượng) với 110 trang (từ tr.301 đến tr.409), trong tổng số 818 trang của cuốn sách dành cho 19 nhà thơ được chọn gới thiệu như: Tương Phố nữ sĩ, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Manh Manh, Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp, Thanh Tịnh, Nguyễn Vỹ, TTKH, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Anh Thơ, Nguyễn Tráng, Phạm Đình Tân... Điều này cho thấy nhân vị của Nguyễn Bính trong di sản văn học ở miền Nam được chú trọng tôn vinh như thế nào!? Thế nên, cũng như Tạ Tỵ và Thế Phong, để minh chứng cho thi tài và vị thế của Nguyễn Bính trên thi đàn, từ những luận giải khoa học, Nguyễn Tấn Long đã xác quyết: “Thời tiền chiến, Nguyễn Bính được kể là một trong những nhà thơ lớn, chiếm ngôi vị vững chắc trong làng Thơ mới”[9]. Và để xác tín hơn quan điểm của mình, Nguyễn Tấn Long đã hơn một lần lý giải về “địa vị độc tôn” của Nguyễn Bính trong nền thi ca dân tộc là vì “Nguyễn Bính đã tìm cho mình một hướng đi dị biệt, tạo cho mình một địa vị vững chắc, một chỗ đứng có hạng trên thi đàn. Ngôi sao của Nguyễn Bính vừa mọc là sức sáng chói chang cả khung trời nghệ thuật”[10]. Và cũng như Tạ Tỵ và Thế Phong, Nguyễn Tấn Long dù rất quý trọng tài năng của Nguyễn Bính nhưng cũng thấu cảm được bi kịch tất yếu trong bản mệnh thi ca và cuộc đời của Nguyễn Bính khi ông cho rằng: “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất, nhưng có lẽ tài bất thắng thời nên cuộc đời Nguyễn Bính lận đận lao đao, trôi nổi rày đây mai đó trên kiếp giang hồ”[11]. Và sự lận đận của phận người ấy không chỉ vận vào Nguyễn Bính từ những  năm 1932-1945 khi ông còn là một nhà thơ tiền chiến rong ruổi giang hồ trên khắp mọi miền Tổ quốc mà còn hiện hữu ngay trong những ngày ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ qua lời trần tình của nhà thơ Kiên Giang, một người tự nhận Nguyễn Bính là thầy dạy mình làm thơ đã chia sẻ khi nghĩ về đời và thơ Nguyễn Bính: “Thơ của Nguyễn Bính đã đi vào đại chúng nặng lòng yêu nước chống xâm lăng nhưng con người thi sĩ không mấy được trọng dụng?
Hơn thế nữa, anh Bính là người phóng túng mang trọn vẹn tâm hồn thi sĩ đi vào cuộc đời nên làm sao tránh khỏi một vài cơn dội ngược đụng đầu trước kỷ luật trôn ốc. Kẻ chỉ đạo văn nghệ nhưng chẳng biết làm một câu thơ hay chẳng hiểu gì về văn chương nghệ thuật thì nhất định sẽ bị anh Bính chống đối. Người làm văn nghệ tức nhiên đã làm cách mạng và trong vài khía cạnh vượt trội những nhà cách mạng xu thời hay kẻ làm chính trị nửa mùa”[12]. Bởi, trong cảm nhận của Kiên Giang: “Nguyễn Bính sống ở miền Nam lâu năm nên giống người miền Nam ăn ngay nói thẳng. Do đó, anh đã nhiều lần than phiền lề lối chỉ đạo văn nghệ đã bóp méo cảm hứng của thi sĩ. Nguyễn Bính tuy cắt được cái đuôi gàn bướng của thi sĩ nhưng thỉnh thoảng vẫn nổi máu giang hồ thèm đi và đi mãi. Đã đành máu chảy về tim/ Nhưng khôn ước nổi cánh chim giang hồ. Phải chăng anh ngâm thơ ấy để gián tiếp báo trước một chuyến đi”[13]. Và trên những “chuyến đi” của các nẻo đường kháng chiến gian khổ ở miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Bính cũng biết “vứt lại” sau lưng những hoài niệm, những nhớ thương của người thi sĩ thời tiền chiến để hết lòng phục vụ kháng chiến mà những sáng tác của ông trong thời kỳ này như: Tiểu đoàn 307, Ông Lão mài gươm (1947), Chiếc áo đêm trăng (kịch thơ -1947)… đã là minh chứng, nên theo Kiên Giang: “Anh Bính nhắc nhiều đến chuyện xưa và kỷ niệm để thương nhớ bâng quơ rồi ném trả tất cả sau lưng để nhìn thẳng và đi tới”[14].
Ý kiến của Kiên Giang, một nhà thơ, một người Nam Bộ chính hiệu vốn mang chất Nam Bộ trong huyết quản, đó là sự thẳng thắn và lòng trung thực khi cảm nhận về Nguyễn Bính lại càng cho thấy nhân cách nghệ sĩ cao đẹp của Nguyễn Bính. Đó là một con người không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền và bạo lực, dù bạo lực ấy có được ngụy trang bằng lớp vỏ danh từ “cách mạng”. Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975 là một hệ giá trị cao đẹp được tạo nên bằng tài năng và nhân cách văn hóa của một thi sĩ thiên tài. Đây là nền tảng làm nên phẩm tính của đời thơ Nguyễn Bính trong nền thơ ca dân tộc. Và mặc dù ông cũng đã vứt bỏ tất cả để “nhìn thẳng và đi tới” nhưng rồi, có lẽ, do chính thái độ “nhìn thẳng và đi tới” này mà cuộc đời Nguyễn Bính không thoát khỏi những hệ lụy từ những định chế xã hội ấu trĩ một thời, để rồi ông phải lặng lẽ ra đi trong cô độc ở một ngày cuối năm hiu quạnh nơi căn nhà của một người bạn yêu thơ ông, kết thúc một đời người, đời thơ đầy bi trạng.
2. Một hồn thơ mang nặng tình tự văn hóa dân tộc 
Trong chiếc chiếu khá hẹp ở Thi nhân Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng mà thơ ca của họ lấp lánh sắc màu tư tưởng và thi pháp phương Tây, Hoài Thanh lại dành cho Nguyễn Bính, một thi sĩ mà theo ông: “Vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm” vị trí vô cùng trang trọng với tám bài thơ được chọn tuyển. Bởi, theo Hoài Thanh: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”[15]. Có phải, vì thế chăng mà trong xã hội đầy biến động của miền Nam với rất nhiều trào lưu tư tưởng Âu Mỹ ngập tràn, thơ Nguyễn Bính vẫn được tiếp nhận, lưu truyền trong công chúng. Đây cũng là cái nhìn của Tạ Tỵ khi nói đến tình tự văn hóa dân tộc trong thơ Nguyễn Bính: “Cá tính trong thơ Bính rất tự nhiên, mộc mạc không gò bó, kiểu cách như các thi nhân cùng thời. Thơ Bính đi gần với ca dao, rất gần với đại đa số quần chúng”[16]. Phải chăng, không phải lúc nào cứ hiện đại, cách tân mới làm nên giá trị của thơ ca!?
Sáng tạo thơ ca bao giờ cũng là một hành trình cô đơn từ sự nghiệm sinh và thấu thị của người nghệ sĩ. Vì vậy, khi cảm nhận về hành trình sáng tạo và khuynh hướng sáng tác thi ca của Nguyễn Bính, Thế Phong đã nhận ra sự độc đáo trong chất thơ mang đậm tình tự văn hóa dân tộc của Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính có một bản sắc độc đáo, một địa vị không nhà thơ nào có được. Với lối diễn đạt bình cũ rượu mới, một thể thơ rất phổ biến của ta, thơ lục bát rất Việt Nam”[17]. Và đây cũng là cảm nhận của Sông Thai khi nói về tình tự văn hóa dân tộc trong thơ Nguyễn Bính: “Nói đến Nguyễn Bính là nói đến những bài thơ hiền lành dễ thương mang cái hình thức lục bát nhuần nhuyễn đậm đà màu sắc dân tộc. Dòng thơ của Nguyễn Bính chảy xiết một đường êm ái, duyên dáng. Lời thơ của Nguyễn Bính mộc mạc, hồn nhiên. Điệu thơ của Nguyễn Bính hài hòa, bình dị” [18].
Phạm Quỳnh khi đánh giá về thiên tài sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã xác quyết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Như vậy, ngôn ngữ là một phần không thể thiếu để khẳng định sự tồn sinh của một dân tộc. Thế nên, tình tự văn hóa dân tộc trong thơ Nguyễn Bính, còn được các nhà nghiên cứu lý giải từ việc sử dụng ngôn ngữ thi ca mà theo cảm nhận của Phạm Văn Song: “Thơ Nguyễn Bính không những bắt nguồn từ ca dao mà còn chịu ảnh hưởng của ca dao trong cách diễn tả nữa”[19]. Còn Vũ Bằng thì xác quyết: “Có thể nói rằng hầu hết các nhà văn nhà thơ, dù chê Nguyễn Bính, dù không ưa Nguyễn Bính cũng đều nhớ đại khái những câu thơ sau này của Bính nó làm người ta không muốn nhớ mà phải nhớ cũng như tục ngữ ca dao vậy”.[20] Còn khi luận giải vấn đề này từ một góc nhìn khác, Song Thai cho rằng: “Sở dĩ thơ Nguyễn Bính gần gũi với nhân dân ta như thế là vì ông đã từng lăn lộn, hòa đồng với nhịp sống của đông bào, chủ yếu là đồng bào dân quê, do đó ông đã vận dụng thành công ngôn ngữ của họ. Cách sử sụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính lại hết sưc nhuần nhuyễn tới mức tạo cho thơ ông một sắc thái riêng biệt: duyên dáng mà không kênh kiệu, thiết tha mà không vụng về, thành thực mà không sỗ sàng, lộ liễu. Đó cũng chính là giá trị của toàn bộ thơ ca Nguyễn Bính”[21].
Nhưng có thể nói, kết tinh những cảm nhận về tình tự văn hóa dân tộc trong thơ Nguyễn Bính ở di sản văn học miền Nam trước 1975 chính là cảm nhận mang tính nhân bản về những giá trị văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Bính mà Nguyên Sa đã chia sẻ trong một bài viết khá sâu sắc, đầy tính triết mỹ khi ông cho rằng: “Nguyễn Bính với tôi bây giờ là tiếng hát. Tiếng hát võng đưa. Tiếng hát lũy tre, tiếng hát buổi chiều mùa thu còn chút nắng không đủ ấm tiếng hát trẻ nhỏ khóc, tiếng hát thiếu nữ ngồi hong tóc, tiếng hát của mẹ của Hà Nội xa tắp của Vân Đình lo sợ, của những ngôi làng ven đường số năm cuối cùng trong ảo vọng”[22].
Còn khi nhận định về thơ lục bát, một phẩm tính của tình tự văn hóa dân tộc trong thơ Nguyễn Bính, Nguyên Sa viết: “Tôi chẳng thể bỏ được cái ý tưởng, không dựa trên phân tách nào hết, không xây trên biện chứng nào cả, ôi phân tách và tổng hợp, nhận thức trực tiếp và nhận thức biện chứng, sự phân biệt, phân tích và phân chia, tổng hợp và hỗn hợp (…), vâng cái ý tưởng vu vơ là một trong những tinh túy của giòng lục bát của dân tộc là đó không phải là sợi chỉ có một khúc đầu và một khúc cuối không phải là giòng sông khởi đầu bằng suối và tận cùng nơi cửa biển dù nó, thơ ấy, vẫn có một khởi đầu và một tận cùng. Nó thơ ấy, là sự mịt mùng của biển ...”[23]. Chính vì những phẩm tính dân tộc thể hiện trong thơ Nguyễn Bính nên trong Quốc văn diễn giảng lớp 12 ban ABCD, các nhà nghiên cứu đã xếp “Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân vào dòng thơ mang tình tự dân tộc”[24].
Trong di sản văn học miền Nam trước 1975, khi nhìn nhận về bình diện tình tự văn hóa dân tộc trong hồn thơ Nguyễn Bính, ta thấy hầu hết các bài viết đều có chung một sự đồng cảm sâu sắc. Đây là điều hiếm thấy trong đời sống văn học khi đánh giá về một hiện tượng văn học mà ít có những ý kiến trái chiều.
3. Một hồn thơ với những ám ảnh tương tư mang tâm thức hiện sinh
Thơ tình Việt Nam, trong đó có thơ tình Nguyễn Bính là một phần không thể thiếu trong di sản văn học ở miền Nam trước 1975. Nó được xem như một hệ giá trị trong sự tiếp nhận của công chúng văn học. Điều này hoàn toàn khác với đời sống văn học miền Bắc cùng thời kỳ, khi việc đăng tải và tiếp nhận thơ tình được xem như một điều cấm kỵ. Thơ Nguyễn Bính thời tiền chiến phần lớn là thơ tình với nhiều cung bậc tình cảm mang tâm thức hiện sinh, với nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày. Vì vậy, nó phù hợp với tâm thức văn hóa của các tầng lớp nhân dân miền Nam lúc bấy giờ nên được phổ biến rộng rãi, được các nhà phê bình quan tâm nghiên cứu. Nói như Vũ Bằng: Nguyễn Bính là một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư. Đây là một trong những phẩm tính, là tiếng gọi thao thiết vang lên trong thơ Nguyễn Bính, là yếu tố thần diệu để người đọc đến với thơ Nguyễn Bính. Điều hấp dẫn lạ lùng này theo Vũ Bằng đó là: 
“1/ Nguyễn Bính đã nói tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian, không cầu kỳ, không kênh kiệu. 
2/ Nguyễn Bính đã nhắm đúng vào một cái bịnh chung của đời người là cái bịnh tương tư: (...) Có thể nói tất cả văn thơ tiền chiến của Bính đều nhắm vào bịnh đó và anh nổi bật cũng vì bịnh đó” [25].
Phải chăng, chính căn bệnh “tương tư mãn tính” mang tâm thức hiện sinh này là một yếu tính trong thơ Nguyễn Bính, chi phối toàn bộ thi pháp thơ ông cho nên theo Vũ Bằng: “Có phải vì thế, muốn làm thơ kháng chiến đến chừng nào, Nguyễn Bính vẫn không thể bật lên mà cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là vì những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngàn sau” [26]. Vì vậy, trong cái nhìn của Vũ Bằng, trước sau Nguyễn Bính cũng chỉ là một nhà thơ tiền chiến đúng nghĩa, mặc dù ông đã có những năm tháng lặn lội gian khổ với kháng chiến trong cuộc “tìm đường” của những văn thi sĩ tiền chiến ở một thời không xa như Vũ Bằng chia sẻ: “Lang thang tìm một hướng đi, Nguyễn Bính thất vọng lại trở về thất vọng: rút lại đến những ngày cuối cùng anh lại trở lại làm người thi sĩ của thời tiền kháng chiến và lại tương tư rồi cứ tương tư cho đến chết”[27].
Nguyễn Bính đã tự nhận: “Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, vì vậy, khi nói đến căn bệnh tương tư trong thơ Nguyễn Bính không thể không nói đến “khí hậu” tình yêu trong thơ ông, cái đã làm nên “mưa gió, giông bão” trong cuộc đời của ông như một định mệnh. Đây cũng là một giá trị của thơ Nguyễn Bính mà không một người đọc nào đến với thơ Nguyễn Bính lại không bị mê hoặc. Tình yêu vốn là chủ đề không mới trong thơ nhưng ở Nguyễn Bính tình yêu vẫn mang một nét đẹp riêng, sắc thái riêng, một sự quyến rũ riêng: giản dị, chân mộc mà không tầm thường đơn điệu. Nó như cây cỏ, hương hoa, như dòng suối thanh sạch làm tươi mát tâm hồn. Nó hiện hữu như một tất yếu của một tâm thức hiện sinh nhân bản. Thơ tình Nguyễn Bính, vì thế là thứ thơ vô trùng, không bị nhiễm khuẩn của những thứ tình yêu nhục cảm tầm thường đang “bày bán” đầy dẫy trong các “chợ” thơ của cái thời được mệnh danh là “hiện đại”, là “@”. Đây cũng là cái nhìn của Sông Thai khi cảm nhận về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính: “Thơ tình yêu của Nguyễn Bính không có những đam mê da diết, không có nhục dục thô bỉ, không có những sôi nổi ồn ào, điên loạn cuồng trí hoặc bâng khuâng ray rứt.... Thơ tình của Nguyễn Bính trong sạch, kín đáo và cao thượng. Và dấu vết nổi bật nhất trong thơ ông là tấm lòng chung tình, chung thủy”[28].
Thơ tình của Nguyễn Bính là sự kết tinh của những đau khổ thật, mộng mị thật, đắm đuối thật, nồng nàng thật chứ không phải là thứ “tình một đêm” của những “cơn mưa bóng mây”. Vì vậy, nhận định về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, Tạ Tỵ viết: “Bính đi vào tình yêu với một mộng ước đắm đuối vô vàn để được trả bằng thất vọng”[29], và “Cái vòng tình ái lẩn quẩn mở rồi đóng, đóng rồi mở làm cho Bính bàng hoàng như tỉnh như mơ. Vốn là nòi tình nên thi nhân đắm mê vào hệ lụy như con thêu thân lao mình vào ánh đèn tìm cái chết trong lửa đỏ”.[30] Bởi vậy, “Nguyễn Bính sáng tác rất nhiều, mỗi bài thơ như một khúc bi ca, như nỗi đau đứt ruột vì khung trời tình ái mà thượng để dành riêng cho Nguyễn Bính luôn luôn bị che phủ mây mù”[31]. Và thật sự Nguyễn Bính đã chết trong tình yêu. Nhưng từ cái chết trong tình yêu thơ Nguyễn Bính đã phục sinh và chính sự phục sinh này đã tạo nên sự bất tử của thơ Nguyễn Bính không chỉ trên diễn đàn Thơ mới mà còn cả trên thi đàn dân tộc, nói như Tạ Tỵ: “Bài Lỡ bước sang ngang vào đời đã đưa Bính lên cao giữa vòm trời thi ca đầy tinh tú sáng chói với Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, v.v...”[32]. Đây cũng là cái nhìn của Nguyễn Tấn Long về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính từ sự đối sánh với các nhà thơ của phong trào Thơ mới: “Ái tình của Nguyễn Bính, khác hẳn cái nóng nảy như Hồ Dzếnh; lãng mạn, say đắm như Xuân Diệu; chứa chan và dễ dãi như Huy Cận hay trầm buồn như một Vũ Hoàng Chương. Ngược lại tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là một thứ tình yêu nhẹ nhàng, câm lặng, những mối tình mộng đẹp; nó là thứ tình yêu của một Đỗ Tốn trong Hoa vông vang. Yêu thì tha thiết chân thành nhưng tâm ý lại rụt rè, nhút nhát”[33]. Phải chăng, Nguyễn Tấn Long đã bắt đúng mạch cảm xúc tình yêu trong thơ Nguyễn Bính và cũng là cái tính cách của chính ông trong trường tình chăng!? Bởi, nói như Sông Thai: “Đọc thơ Nguyễn Bính, ta thường thấy toát ra cái không khí tội nghiệp, bé bỏng và rất dễ bị động lòng trắc ẩn trước những mẫu tình duyên ướt đẫm nước mắt của tác giả. Ngay cái tên gọi Lỡ bước sang ngang, tên một bài thơ dài và cũng là tên gọi của tập thơ đầu mùa của ông cũng đã gợi lên một cái gì là dang dỡ, lỡ làng, một cái gì như đã trót, đã đành, đã lỗi nhịp, đã không ăn khớp”[34]. Cuộc đời và tình yêu của Nguyễn Bính là bài thơ mãi mãi dỡ dang, là con tàu không bao giờ có bến đỗ như thi sĩ đã xa xót tự nhận: “Mãi mãi hôm nay mới nhớ ra/ Đời mình chẳng khác chuyến tàu qua/ Nhưng từ ga lớn qua ga nhỏ/ Đời chẳng cho ta lấy một ga” (Chuyến tầu đêm). Sự chơi vơi này là căn nguyên làm nên cảm thức tương tư mang tâm thức hiện sinh trong thơ ông. Nguyễn Bính là người không bao giờ tìm thấy sự viên mãn và hạnh phúc trong tình yêu. Hình như khi yêu thi sĩ luôn có cảm giác bất an.
Có thể nói, Nguyễn Bính tương tư khi chưa được yêu và cả khi đã được yêu, khi đang yêu và khi đã đánh mất tình yêu. Thơ tình của Nguyễn Bính vì thế là thơ tình của những ám ảnh tương tư như một thứ tâm bệnh. Và nói như Bích Tường: “Nguyễn Bính đã đi vào đời bằng những tiếng lòng thổn thức của yêu đương với những lời thơ chân thành bắt nguồn từ cuộc sống dang dở của những bàng hoàng, của những thất bại chua xót đắng cay trong khi cảm nhận chữ tình”[35].
Với Nguyễn Bính tình yêu và những ám ảnh tương tư là một phần tất yếu của cuộc sống thi sĩ, là lẽ sống cao nhất của đời ông, không có cái gì trên cõi nhân gian này có thể thay thế được. Vì vậy, dù khi đã đi kháng chiến, Nguyễn Bính vẫn sống với những nỗi nhớ thương của riêng mình khi xác quyết: “Thi sĩ có trái tim, có quyền yêu và nhớ chớ”[36]. Điều này đã cho thấy nhân tính và phẩm tính thi sĩ trong Nguyễn Bính là một hằng số văn hóa, không có gì ngăn cản được tiếng gọi của trái tim ông, một thi sĩ đa tài và đa tình. Thế mới biết, trái tim của thi sĩ là vương quốc của tự do và cũng chỉ ở vương quốc tự do ấy, thi nhân mới sáng tạo những câu thơ thành thực, một phẩm chất không thể thiếu ở những nghệ sĩ đích thực mà khi viết về những nhà Thơ mới, Hoài Thanh đã gọi đó là “Cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn”[37]. Bởi lẽ, khi con người không dám yêu một cách thành thực, không dám nói lên tiếng nói tình yêu của mình thì sẽ không thể sống tử tế được.
4. Một hồn thơ chất chứa nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày
Có thể nói, đời Nguyễn Bính luôn trôi trong những sự ám ảnh của dở dang và bi trạng. Vì vậy, thơ ông luôn chất chứa nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày như chính ông đã dự cảm: “Mai ngày tôi bỏ quê tôi/ Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! Bỏ chùa/ Đem thân đi với giang hồ/ Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh” (Quê tôi). Trong nhãn quan của chủ nghĩa hiện sinh, sự hiện hữu của con người giữa cõi đời chính là cuộc lưu đày và cuộc lưu đày của thi sĩ là một cuộc đọa đày bất tận. Thế nên, Đinh Hùng trong Văn số 58/1966 đã có bài viết: “Nguyễn Bính kẻ lưu đày”, còn Bích Tường thì cho rằng: “Thơ Bính luôn mang cái hình ảnh độc nhất của cô đơn. Vì thế mà hạng từ một đã được động cấp đến rất nhiều lần” và “Tâm hồn của Bính là cả một sự trống rỗng vô biên”[38]. Còn Tạ Tỵ, khi nghĩ về hành trình sống và sáng tạo thơ của Nguyễn Bính thì cho rằng: “Bính làm thơ vì vận mệnh phán quyết. Thơ Bính đẹp như dòng suối và bi thương như bệnh hoạn”[39]. Tạ Tỵ cũng rất tinh tế khi cho rằng cái âm hưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính là nỗi buồn: “Thơ Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về mình”[40]. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Bính cũng được Nguyễn Tấn Long cảm nhận khá tinh tế: “Thơ Nguyễn Bính cho ta thấy sắc thái mang nặng một nỗi buồn gần như bất tận. Hầu hết thi phẩm của Nguyễn Bính đều có âm điệu trầm buồn, nhẹ nhàng, man mác, như thương tiếc xa xôi; những hình ảnh đau thương hối tiếc, phân ly... Tất cả tâm trạng của con người và mọi khía cạnh của cuộc đời đều được Nguyễn Bính đề cập và thi vị hóa một cách tài tình”[41].
Phải chăng, những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn nhân thế này là một giá trị trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi buồn ấy chính là kết tinh từ thân phận lưu đày của thi nhân trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng giang hồ trên khắp mọi miền đất nước, mà có những lúc ông phải sống như kẻ không nhà, sống trong đói cơm, thiếu áo, chỉ có thơ để ông “vịn” (từ của Phùng Quán) vào mà tồn tại, mà hiện hữu... Đào Trường Phúc trong bài viết: “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”, nhận định về tính chất tha hương của Nguyễn Bính, rất có lý khi cho rằng: “Có hay chăng một thứ định mệnh ràng buộc Nguyễn Bính với những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến đi thất bại. Đó là những chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn của mỗi người để chia sẻ một chút gió bụi buồn của giang hồ, rồi lại chia lìa nhau suốt đời. Đó là những chuyến đi chất chứa đầy nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát. Đó là những chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh của một thi sĩ giang hồ, của thi sĩ và giang hồ”[42]. Và cũng theo Đào Trường Phúc chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng lưu đày trong kiếp giang hồ đã đốt cháy trong tâm thức Nguyễn Bính một cuộc trở về, một khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn sau này của đời ông, một hơi thở chua chát thê lương và đốt nóng lên trong dòng thơ ấy ngọn lửa khao khát của một ngày về” [43].
Và “Trong nỗi cô quạnh ấy, ngọn lửa khát vọng của ngày về quê hương vẫn không tắt trong lòng Nguyễn Bính, ngọn lửa thắp sáng giữa cõi phi ý thức đó đôi lúc đã khiến cho chính ông có những ảo giác về một ngày về. Lời ước hẹn và giấc mơ của những bài thơ chất chứa lòng sầu xa xứ” [44]. Nhưng dù có khao khát đến tận cùng nỗi khao khát “quy cố hương” thì Nguyễn Bính cũng không thể nào vượt qua sự đặt để của số phận trong kiếp lưu đày của một thi sĩ giang hồ. Vì theo Đào Trường Phúc thì “tình hoài hương của Nguyễn Bính, như thế, vẫn không biến đổi gì từ cái bản chất đặc biệt phảng phất trong mỗi câu thơ, từ Lỡ bước sang ngang đến những bài thơ cuối cuộc đời ông. Nguyễn Bính trước sau vẫn chỉ là một thi sĩ giang hồ, một thi sĩ tha hương”[45]. Và lý giải điều này từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Đào Trường Phúc đã rất có lý khi cho rằng: “Nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng”[46]. Song, phải chăng, chính nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày này đã kết tinh thành những dự phóng, những cảm hứng sáng tạo trong thơ Nguyễn Bính mà nếu không có nó, liệu có thể có một đời thơ Nguyễn Bính như hôm nay trong văn học dân tộc!?
5. Kết
Trong Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970, Kiên Giang với bài viết “chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!” đã thành thực chia sẻ: “Viết về Nguyễn Bính tuy dễ mà khó. Khó vì không thể phóng đại, thêu dệt và viết sai về một người đã chết”[47]. Và ông lại trăn trở: “Viết cho người chết hay viết cho người sống?” Rồi chính Kiên Giang tự trả lời: “Viết cho cả hai”[48].
Thật vậy, viết về nhà thơ mà cuộc đời có quá nhiều bi trạng và cô đơn như Nguyễn Bính là một điều không đơn giản!? Nguyễn Bính không chỉ cô đơn trong suốt hành trình sống của mình mà ông còn cô đơn ngay cả trong cái chết, trong khi chết. Tâm sự của Kiên Giang, phải chăng cũng là niềm ưu lo của những người cầm bút khi viết về Nguyễn Bính. Trong di sản văn học  miền Nam trước 1975, khi đánh giá các bình diện cơ bản trong đời và thơ Nguyễn Bính như: Tài năng thi ca; tình tự văn hóa dân tộc; sự ám ảnh tương tư, niềm cô đơn, thân phận lưu đày... các ý kiến đều có sự đồng cảm cao, ít có những ý kiến trái chiều.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Bính, đọc lại những bài viết về Nguyễn Bính trong di sản văn học ở miền Nam trước 1975 là một điều không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc khẳng định sự vĩnh hằng của một hệ giá trị trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc: Giá trị thơ Nguyễn Bính. Bởi nói như Nguyên Sa: “Nguyễn Bính cũng là sự bắt đầu ở bất cứ đâu, tận cùng mà chẳng hết. Đọc bài thơ rồi lại đọc lại như chưa bao giờ hết”[49]. Phải chăng, thơ Nguyễn Bính là thơ có khả năng “chống lại định mệnh” (Andre Malraux) để mãi mãi hiển linh, để miên viễn tồn sinh trong văn học dân tộc và trong tâm thức  người đọc dù phải trải qua những bi trạng, nổi chìm của cuộc nhân sinh.
Chú thích:
[1] Tạp chí Văn, một tờ báo có uy tín trong nghiên cứu văn học ở miền Nam trước 1975 đã có nhiều bài viết về Nguyễn Bính như: Văn số 58/1966, với bài: “Nguyễn Bính kẻ lưu đày” của Đinh Hùng; Văn số 60/1966 với các bài “Để nhớ Nguyễn Bính những ngày ghé bến Hà Tiên” của Nữ Sĩ Mộng Tuyết; “Vài kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Bính trong thời kỳ kháng chiến ở miền Nam” của Sơn Nam; “Nguyễn Bính chín năm đốt đuốc soi rừng” của Mai Thảo; số 189/1971 ngoài phần giới thiệu về tiểu sử Nguyễn Bính còn có các bài viết: “Hà, Bắc, Hải, Đông” của Vũ Hoàng Chương; “Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư” của Vũ Bằng; “Bóng giai nhân và Nguyễn Bính” của Mộng Tuyết; “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” của Đào Trường Phúc; “Đọc lại Đám cưới bướm” của Phạm Văn Song...;
Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7/9/1971 với bài “Người con gái ở lầu hoa” hay Tâm - trạng - nguyên - hương - tình - yêu - Nguyễn - Bính” của Bích Tường; Báo Khởi hành số 91/ 1971 với bài: “Nguyễn Bính và hệ lụy cuộc đời” của Viên Linh... Tạp chí Văn học số 100 (1/1/1970), ra số chuyên đề về Nguyễn Bính với chủ đề “Nguyễn Bính, lỡ bước sang ngang”, đã có nhiều bài viết về đời và thơ Nguyễn Bính mà bài viết nào cũng thể hiện sự trân quý đối với thi sĩ. Đó là các bài: “Có hai Nguyễn Bính” của Vũ Bằng; “Gác trọ còn nguyên gió thất tình - Nguyễn Bính với hai khía cạnh nhà tình thất, nhà thơ bình dân” của Mộng Tuyết; “Hai giai thoại về Nguyễn Bính ghét cay ghét đắng hạng trọc phú hiếu danh” của Tế Xuyên; “Nguyễn Bính - Hội trưởng Hội văn hóa cứu quốc Rạch Giá” của Sơn Nam; “Nguyễn Bính, một thiên tài lỡ dở” của Tạ Tỵ; “Một giai thoại về Nguyễn Bính”; “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi” của Kiên Giang; “Nguyễn Bính trong trí nhớ” của Nguyên Sa; “Nguyễn Bính và những bước lỡ làng gieo neo trong cuộc sống” của Sông Thai… Ngoài ra, đời và thơ Nguyễn Bính còn xuất hiện ở các sách giáo khoa Việt văn, sách nghiên cứu - phê bình văn học như: Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 -1945 của Thế Phong (Vàng Son Xb. SG., 1974); Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. Thượng) (Sống Mới xb. SG.,1968) của Nguyễn Tấn Long; Mười khuôn mặt văn nghệ, (Tác giả tự Xb. SG., 1970) của Tạ Tỵ; Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), (Sáng Xb. SG.,1969) của Huy Trâm; Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX, (Ban Tu thư Sơn Quang Xb. SG., 1967) của Lam Giang và Vũ Tiến Phúc, Văn học Từ điển, (Khai Trí Xb. SG., 1974) của Thanh Tùng; Biệt ly qua thi ca Việt Nam, (Nam Chi Tùng Thư Xb. SG., 1961) của Nguyễn Hữu Chí...
[2] Thanh Tùng: Văn học từ điển. Khai trí xuất bản. SG., 1974, tr.171.
[3] Tạ Tỵ: Mười khuôn mặt văn nghệ. Tác giả xuất bản. SG. 1970,  tr.125.
[4] Tạ Tỵ: Sđd., tr.127.
[5] Tạ Tỵ: Sđd., tr.134.
[6] Thế Phong: Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 -1945. Nxb. Vàng Son. SG., 1974, tr.258.
[7] Vũ Bằng: “Nguyễn Bính, Một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư”, Văn 189, 1/11/1971, tr.25.
[8] Thế Phong: Sđd., tr.259.
[9] Nguyễn Tấn Long: Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. Thượng), Sống Mới xuất bản.  SG., 1968, tr. 302.
[10] Nguyễn Tấn Long: Sđd., tr.304.
[11] Nguyễn Tấn Long: Sđd., tr.302.
[12] Kiên Giang: “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!”. Văn học số 100, 1/1/1970, tr.83.
[13] Kiên Giang: Bđd., tr.81.
[14] Kiên Giang: Bđd., tr.83.
[15] Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học. H., 2003, tr.337.
[16] Tạ Tỵ: Sđd., tr.126.
[17] Thế Phong: Sđd., tr.258.
[18] Sông Thai: “Nguyễn Bính và những bước lỡ làng gieo neo trong cuộc sống”. Văn học số 100, 1/1/1970, tr.96.
[19] Phạm Văn Song: “Đọc lại Đám cưới bướm”. Văn 189/1971, tr.56.
[20] Vũ Bằng: Bđd., tr.26.
[21] Sông Thai: Bđd., tr.98.
[22] Nguyên Sa: “Nguyễn Bính trong trí nhớ”. Văn học số 100, 1/1/1970, tr.89.
[23] Nguyên S: Bđd., tr.91.
[24] Nhiều tác giả: Quốc văn diễn giảng 12 ban ABCD. Thiện Mỹ xuất bản. SG., 1974, tr.220.
[25] Vũ Bằng:Bđd., tr.27.
[26] Vũ Bằng: Bđd., tr.35.
[27] Vũ Bằng: Bđd., tr.33.
[28] Sông Thai: Bđd., tr.99.
[29] Tạ Tỵ: Sđd., tr.127.
[30] Tạ Tỵ; Sđd., tr.128.
[31] Tạ Tỵ: Sđd., tr.13.1
[32] Tạ Tỵ: Sđd., tr.126.
[33] Nguyễn Tấn Long:Sđd., tr.309.
[34] Sông Tha,: Bđd., tr.99.
[35] Bích Tường: “Người con gái ở lầu hoa hay Tâm - trạng - nguyên - hương - tình - yêu - Nguyễn - Bính”. Nghiên cứu văn học số 7/9/1971, tr.88.
[36] Kiên Giang: Bđd., tr.80.
[37] Hoài Thanh, Hoài Chân: Sđd., tr.18.
[38] Bích Tường: “Người con gái ở lầu hoa...”. Bđd., tr.101, 98.
[39] Tạ Tỵ: Sđd., tr.126.
[40] Tạ Tỵ: Sđd., tr.129.
[41] Nguyễn Tấn Long: Sđd., tr. 302.
[42] Đào Trường Phúc: “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”. Văn 189/1971, tr.45.
[43] Đào Trường Phúc: Bđd., tr.50, 51.
[44] Đào Trường Phúc: Bđd., tr.52.
[45] Đào Trường Phúc: Bđd., tr.53.
[46] Đào Trường Phúc: Bđd., tr.51.
[47] Kiên Giang: Bđd., tr.66.
[48] Kiên Giang: Bđd., tr.67.
[49] Nguyên Sa: Bđd., tr.92.
26.8.2018
Trần Hoài Anh
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả. 
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học & 
Trường Đại học Văn Lang tổ chức. NXB Hội Nhà văn, 7-2018
Theo http://demo.trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết...