Trong thơ Nguyễn Bính, tình tự sâu thẳm nhất của tâm hồn thi sĩ lại thuộc về nhân vật phụ nữ Việt với bi kịch ba chìm bấy nổi chín cái lênh đênh của thân phận đàn bà, thời Việt Nam thuộc Pháp, kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ XX. Không ngẫu nhiên, Nguyễn Bính duy nhất ngưỡng mộ thi hào dân tộc Nguyễn Du, và nhân vật Kiều trong Truyện Kiều. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, được phổ vào đấy một tình điệu Việt, theo thể thơ lục bát thuần Việt, mang rực rỡ và thâm sâu hồn Việt, vốn đã thấm thía trong ca dao, tục ngữ của văn hóa dân gian Việt.
Quả thật Nguyễn Bính chịu ảnh hưởng Nguyễn Du theo cách Thơ mới của riêng ông, một thi nhân Việt Nam mang đằm thắm tình tự đồng quê Việt. Là một trong số thi nhân đứng đầu trào lưu Thơ mới, thơ Nguyễn Bính có cả một thế giới buồn thương, khởi sinh từ thân phận bi kịch của phụ nữ Việt, và của chính ông, chẳng may mất mẹ từ 3 tháng tuổi. Thế nên, Nguyễn Bính đã không chỉ là thi nhân viết về bi kịch của phụ nữ Việt. Thuận theo thi pháp Nguyễn Du viết Kiều, ông lặn ngụp, chìm sâu vào thế giới bi kịch ấy, xuống tận đáy thương đau của thân phận phụ nữ Việt. Và mặc nhiên, Nguyễn Bính thành thi sĩ - phát ngôn thơ cho họ. Vậy, Nguyễn Bính chính là người đứng trong phe nước mắt, chứ không chỉ đứng về phe nước mắt, như thi sĩ Dương Tường tuyên ngôn đầu thế kỉ XXI, “tôi đứng về phe nước mắt”. Nguyễn Bính thật xứng với tư cách thi sĩ - hiệp sĩ , thi sĩ - người tình, trong sự yêu đương cuồng si, thành thực và đơn phương với phái đẹp Việt, trong sự sẻ chia, bênh vực và thấu suốt nỗi niềm phụ nữ Việt hiện đại trong thơ mình. Như thế, Nguyễn Bính thi sĩ đã khắc cốt ghi tâm trong thơ mình một kiểu nhân vật trữ tình riêng. Độc đáo và lộng lẫy. Đó là nhân vật trữ tình EM.
1. Cơ duyên xuất hiện nhân vật trữ tình Em
Hình như bị mất mẹ từ quá sớm đã là định mệnh buồn đau nhất đời Nguyễn Bính (3 tháng tuổi, nào đã biết gì. Nguyễn Bính càng sống, càng yêu, nhất là khi yêu đơn phương, mới càng thấm nỗi thương đau này). Chính định mệnh khủng khiếp ấy đã tạo tác một Nguyễn Bính chan chứa bản năng và tài năng thi nhân, khởi phát rất sớm, như thể bị/được “giời đày làm thơ”. Bởi vậy, Nguyễn Bính tự mình đã vào đời thi sĩ từ rất sớm.Và ngay từ độ ấy đã vận vào thơ mình nỗi buồn thương đẫm đầy về số kiếp đàn bà Việt, thường là bạc phận. Và cứ tự nhiên tích tụ thành chủ đề thơ xuyên suốt và chủ cách thơ độc đáo Nguyễn Bính, trong cả 7 tập thơ của ông xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, 1945: Tâm hồn tôi (1940). Lỡ bước sang ngang (1940). Hương, cố nhân (1941). Một nghìn cửa sổ và tập thơ Bướm (1941). Mười hai bến nước (1942). Người con gái ở lầu hoa (1942). Mây Tần (1942).
Không ngẫu nhiên, Lỡ bước sang ngang thành tên tập thơ Nguyễn Bính xuất bản năm 1940, và tác thành kiểu tứ thơ căn bản tài tình của Nguyễn Bính về đàn bà Việt: thường bạc phận trong hôn nhân, cứ đến tuổi là phải đi lấy chồng, vì đủ mọi duyên do ngoài tình yêu, và thường dẫn đến hôn nhân phi tình yêu điển hình cho phụ nữ Việt nửa đầu thế kỷ XX.
Sự điển hình về thảm cảnh “lấy chồng không yêu” của bài thơ này đã được người Việt ở khắp chợ cùng quê thuộc nằm lòng, ngân nga bổng trầm, đưa võng kẽo kẹt ru con, dưới mái nhà gianh sau lũy tre làng, suốt từ khi nó ra đời, đến nay đã gần 8 thập niên. Ở phố đi bộ Hàng Đào và ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, người Hà Nội và sinh viên Hà Nội của tôi vẫn rưng rưng nghe giọng xẩm huê tình thê thiết của nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan, trình diễn Lỡ bước sang ngang trên sân khấu đường phố và sân khấu học đường đại học…
Tứ thơ của bài thơ dài này được Nguyễn Bính thiết kế thật uyển chuyển, nối liền hai bờ thi hứng dân gian và hiện đại. Giọng thơ lục bát dân tộc làm nền cho đối thoại - độc thoại chị em. Nhân vật Chị tâm tình, trải lòng cùng em gái trước cuộc lấy chồng, đoan chắc với em, cuộc “sang ngang” ấy của chị đã như “Một lần sảy bước ra đi/ Là không hẹn một lần về nữa đâu”. Biết không thể ngược về thời con gái ở cùng mẹ, Chị xót xa thương mẹ, trăm đường nhờ cậy em gái trông nom mẹ già. Cũng vì biết chắc, cuộc lấy chồng này hoàn toàn vắng thiếu tình yêu, nên chị đắng lòng, vì “lỡ bước”, mà “tan vỡ giấc mộng vàng từ đây”. Cảm biết tâm tình đớn đau sâu kín ấy bằng chính tâm hồn thi sĩ và “phổ” được nó vào lòng thể thơ lục bát cổ truyền, phảng phất cách thơ lục bát của Nguyễn Du, tả cảnh Kiều trao lời khẩn cầu em gái Thúy Vân, thay mình nối duyên với Kim Trọng…, chỉ có thể là Nguyễn Bính.
Thi sĩ đã tỏ rõ khả năng nhập hòa vào tình tự người con gái Việt thời hiện đại, nửa đầu thế kỷ XX, khi lâm tình huống điển hình “lấy chồng không yêu”... Chính kiểu tình huống mang dáng dấp hiện đại của thể loại truyện ngắn này, khi được đặt trúng và đúng vào hình thái bằng trắc ngọt ngào của thể thơ lục bát dân tộc, đã khiến rất nhiều phụ nữ Việt đọc thơ, đã phải động lòng mà thả chùng tâm hồn mình vào tình cảnh đáng thương của người con gái, chẳng may “Lỡ bước sang ngang”: “Chị tôi nước mắt đầm đìa/ Chào hai họ để đi về nhà ai”. Và thế là, năm 17 tuổi, chị đi lấy chồng. “Người ta pháo đỏ rượu hồng/ Mà trên hồn chị một vòng hoa tang…”. Sau mười năm lấy chồng, tình cảnh chị tôi càng thê thảm và cay đắng: “Mười năm gối hận bên giường/ Mười năm nước mắt bữa thường thay canh/ Mười năm đưa đám một mình/ Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên/ Mười năm lòng lạnh như tiền/ Tim đi hết máu, cái duyên không về…”
Thế rồi, giữa cảnh hôn nhân cùng đường cụt ngõ ấy, chị tôi bỗng gặp một chàng nghệ sĩ, trong một đêm hè, hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn/ Dừng chân trên bến sông buồn/ Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang. Chàng nghệ sĩ gió bụi kinh thành này, có thể tưởng tượng lãng mạn thế thôi, nhưng vẫn biết đò đã sang sông, và duyên phận chị tôi đã lỡ. Song, chàng vẫn không sao ngăn nổi đoái thương, (cũng chính là sự đoái thương vô bờ của thi sĩ Nguyễn Bính, khi ấy mới chớm tuổi đôi mươi, nếu căn cứ vào năm xuất bản tập thơ, 1940): “Đoái thương, thân chị lỡ làng/ Đoái thương, phận chị dở dang những ngày”. Và cuộc tình muộn, nhưng đong đầy hạnh phúc đã diễn ra, được Nguyễn Bính miêu tả huy hoàng. Chị tôi được cứu rỗi, được tái sinh: “Thế rồi máu trở về tim/ Duyên làm lành chị/ duyên tìm về môi/ Chị nay lòng ấm lại rồi,/ Mối tình chết đã có người hồi sinh/ Chị từ dan díu với tình,/ Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng”. Song, chính chị tôi cũng tự cám cảnh: “yêu chỉ để mà yêu”, “chị còn dám ước một điều gì hơn”. Và điều phải xảy đến đã đến: “Rồi đêm kia, lệ ròng ròng/ Tiễn đưa người ấy sang sông chị về”. Đời chị rốt cuộc lại quay về cảnh cũ buồn đau, chỉ khác trước có một điều được Nguyễn Bính miêu tả tinh tế, bởi thi sĩ đã nén một tiếng thở dài: “Tháng ngày qua cửa buồng the/ Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa!” Cùng nhặt cánh hoa lê cuối mùa, Nguyễn Bính đã nhập vào chị tôi, cùng chị “úp mặt vào hai bàn tay/ Chị tôi khóc suốt một ngày một đêm”. Và buông bỏ mình trong ngẫm ngợi, có yêu chàng nghệ sĩ lãng mạn đến mấy, chị tôi cũng “khôn buộc nổi cánh chim giang hồ” của người đã “khoác áo phong trần”, chỉ muốn ngưng đời mình trong một đoạn tình ngắn ngủi. Người ấy là kẻ lữ hành, một hình ảnh lãng mạn tiêu biểu của Thơ mới, hiển thị trong sự ham thích xê dịch của chính chủ thể thơ Nguyễn Bính, trên dặm dài thiên lý; “Không đi cũng uổng một đời/ Nhổ sào lên chứ khi trời rạng đông”… Và một số nhà Thơ mới cùng thời Nguyễn Bính, rất ưa xê dịch. Chắng hạn thi sĩ Thế Lữ, luôn thích giang hồ: Mũ lợt bốn phương trời sương nắng gội. Để rồi: “Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Và nữa: “Năm năm theo tiếng gọi lên đường/ Tóc lộng tơi bời gió bốn phương”...
Người tình phong sương kiểu một thời Thơ mới ấy của chị tôi đã vĩnh viễn bỏ chị ra đi, để lại sầu thương còn trĩu nặng hơn cả ngày nào chị tôi 17 tuổi, lần đầu “lỡ bước sang ngang”: “Người đi xây dựng cơ đồ/ Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân/ Người đi khoác áo phong trần/Chị về may áo liệm dần nhớ thương”. Và bài thơ kết thúc, mở ra kết cục mênh mang bế tắc về sự sống của chị tôi, sống mà như chết, khổ chưa? Nếu không phải Nguyễn Bính thì ai có thể viết được câu chuyện tình duyên đàn bà đau thương và thấm thía thương cảm đến thế: “Chị giờ sống cũng bằng không/ Coi như chị đã ngang sông đắm đò”…
Kiểu tình huống thơ, kiểu câu chuyện thơ, mang đậm tâm trạng nhân vật trữ tình chị tôi, trong bài thơ Lỡ bước sang ngang, (viết năm 1939, và xuất bản trong tập thơ cùng tên, năm 1940), quả là nhân vật thơ chói sáng và điển hình trong thể giới nhân vật trữ tình Em (tôi đã dùng EM như một đại từ phiếm chỉ chung về phụ nữ) của thi sĩ Nguyễn Bính, và dương như chỉ của Nguyễn Bính mà thôi.
Một cơ duyên khác cho nhân vật Em xuất thần trong thơ Nguyễn Bính, lại chính là những đám hội làng đình đám của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, một trong 6 vùng văn hóa Việt Nam (Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ). Vùng văn hóa mang đậm gốc gác văn minh lúa nước này, vốn dày đặc lễ hội nông nghiệp, được tổ chức theo chu kì trồng lúa, một năm hai vụ. Hội làng thường rơi đúng vào hai nhịp “nông nhàn” của cư dân trồng lúa: mùa xuân và mùa thu. “Xuân thu nhị kì, đến hẹn lại lên”. Hội làng vào mùa xuân là điểm hẹn nô nức và nao nức nhất của đông đảo già trẻ gái trai lũ lượt đi trảy hội. Không tình cờ, Nguyễn Bính có đến hàng chục bài tình về mùa xuân, hội làng mùa xuân. Và nhân vật trữ tình long lanh sáng rỡ nhất của ông vẫn là Gái xuân. Gái làng của đồng quê châu thổ Bắc Bộ đã chỉ chực chờ mùa xuân để đi trảy hội, mong tìm tình nhân…Yêu những thiếu nữ nhà quê ở làng canh cửi mong ngóng hội mùa xuân đến mức thi sĩ Nguyễn Bính tha thiết kể chuyện tình buồn trong bài Mưa xuân: Nhân vật là thiếu nữ còn son, như cây lụa trắng, mẹ già chưa gả chồng, “chưa bán chợ làng xa” (Váng vất trong hình ảnh này là câu ca dao quen thuộc và tình tứ: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”). Không vô tình, Nguyễn Bính giăng mắc câu chuyện tình, chọn điểm rơi cho tứ thơ độc đáo của mình trên đôi tay người thiếu nữ làng lụa. Khung cảnh bữa ấy đẹp mê hồn, với “mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”. Chỉ một câu đưa tin vu vơ của mẹ thế thôi, mà thiếu nữ đã thấy động lòng hội hè “lòng bỗng giăng tơ một mối tình”. Lập tức em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh…”
Hội chèo tất nhiên là để diễn chèo, và diễn chèo ở sân đình lại là duyên cớ cho trai gái gặp gỡ. Cô con gái trong khung cửi ngừng tay thoi, chờ đến tối, “bốn bên hàng xóm đã lên đèn, để ngửa bàn tay trước mái hiên/ Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh/ Thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Hội chèo, mưa xuân và bàn tay thiếu nữ dệt lụa… tất cả những chi tiết đắt giá quyến luyến giữa thơ và văn xuôi ấy, chỉ có thể là cách thơ riêng độc đáo của Nguyễn Bính, diễn đạt tối giản sự khát tình thật thà của gái quê làng dệt Bắc Bộ. Hội chèo làng Đặng đến hát ở thôn Đoài, cách nhà cô gái có một thôi đê. Hát chèo thâu đêm, nhưng cô gái chả thiết xem, vì mải tìm anh. Nỗi nhớ đến đây đã thật oái oăm và thật nhà quê huê tình dễ thương kiểu Nguyễn Bính “chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh/thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”…Nỗi nhớ lan xuống tận đầu ngón tay thiếu nữ làng dệt. Thơ về nỗi nhớ thoáng chút chiếu chăn đã được thăng hoa huê tình đến thế, chắc chỉ có Nguyễn Bính. Chờ đợi chàng suốt cả đêm hát chèo mà chàng vẫn lỗi hẹn, chả sang, cô gái khung cửi chỉ thấy cả một mùa xuân cũng lâm tình cảnh bẽ bàng của mình. Một mình lầm lụi về làng, khi đi chỉ ngắn một thôi đê, khi về đê đã dài thành một dải. Mưa xuân vốn nhẹ như bụi đã thành hạt, áo mỏng không đủ che đầu. Cô gái về tủi thân, giận hờn, không chợp mắt cho tới sáng. Và nước mắt chỉ thực sự tràn mi khi mẹ hỏi đêm qua hát trò gì? Từ đó, cảnh vật mùa xuân chuyển màu xanh sang màu xám, và dường như không còn nao nức hội hè nữa. Những cảnh tượng phiền muộn xuất hiện: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày”... Tất cả đều là động từ đã chia ở thì quá khứ, đều đã qua, đã từng. Em biết bao giờ mới gặp anh?. Thật não nề tuyệt vọng vì xuân đã cạn ngày!
Lại phải nhắc, năm Nguyễn Bính đăng bài thơ này, thi sĩ mới 18 tuổi. Mà sao thơ tình về mưa bụi mùa xuân, quấn quyện trong một chuyện tình về cô thiếu nữ mùa xuân, có thể được viết thơ thấu suốt, tinh vi đến điều và đến thế!
Thơ Nguyễn Bính, nếu được coi là cả một thế giới thơ phong nhiêu về nhân vật trữ tình Em này, cũng chẳng phải là nói quá. Và cũng như bậc thầy thơ lục bát Nguyễn Du, chỉ viết về một nhân vật trữ tình là Kiều, trong suốt chiều dài mấy ngàn câu lục bát Truyện Kiều, thì thế giới thơ của Nguyễn Bính đã hiện diện rất nhiều nữ nhân vật, là mẹ, là chị, là cô, là em, là nàng… Mỗi nhân vật đều mang sâu sắc tâm trạng riêng, khởi phát từ hoàn cảnh phần nhiều là đợi chờ tuyệt vọng hoặc buồn thương bi đát: Cô thiếu nữ nhà quê trong bài “Chân quê” một lần đi tỉnh chơi, khi về làng, chỉ thay mỗi bộ yếm áo quê mùa, bằng bộ khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm, đã khiến anh trai làng, người yêu cô cảm thấy ngay là mình bị làm khổ. Làm khổ, vì thấy xống áo quê mùa của cô đã biến mất. Anh trai quê trong bài thơ tình này đã giận hờn mà dồn dập chất vấn: “Nào đâu chiếc yếm lụa sồi,/ Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu chiếc áo tứ thân,/ Chiếc khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?” Nhớ rõ mồn một từng món đồ nhà quê cô gái mặc, và anh thấp giọng nài nỉ: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa/ Cứ như hôm đi lễ chùa,/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”.
Vân vi gần xa, anh trai quê thuyết phục người yêu, bằng một ví von thật dễ thương, và tình tứ: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Thật là những lời van xin huê tình, đầy tình tự dân gian đồng quê Việt và thật là thấm thía lời trách mọc tình tứ, đúng kiểu Việt, tưởng nhẹ như bấc, hóa ra lại nặng như chì của chàng trai quê ấy. Bởi ai mà đong đếm được những hương những hoa đồng cỏ nội trong ngọn gió xuân thổi êm ái trên đồng lúa đương thì như câu kết của bài thơ. Và ai đong đếm được sức nặng của lời trách: “Hôm qua em đi tỉnh về,/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Cũng là lời trách huê tình bậc nhất của thi sĩ Nguyễn Bính gửi cô gái quê, đã hồn nhiên nhuốm bụi thị thành mà không hay biết...
Tôi vẫn thường thương nhớ những câu thơ tình váng vất ca dao, tục ngữ vốn dĩ đã kết tinh trong lời ru của mẹ hát ru chị em tôi lúc nhỏ, nên rất đồng cảm và luôn quay về thơ tình Nguyễn Bính, với rất nhiều câu thơ huê tình tinh tế của ông viết từ thuở thi sĩ chưa đầy tuổi hai mươi. Chuyện tình yêu và những đại từ nhân xưng cặp đôi: mẹ - con, anh - em, chị - em, tôi - nàng, tôi - cô, tôi - em… cứ như ngọt lịm trong thơ tình của ông, ngay cả trong tâm trạng lỡ làng cay đắng bẽ bàng như của chị tôi, đã sang ngang lỡ bước. Đây là những câu thơ Nguyễn Bính hay trở về nhất trong hồn người xa xứ, sống tha hương ở xứ người, tuyết bay biền biệt trắng trời mà lòng không thôi nhớ, như Nguyễn Bính thuở nào:
- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
- Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba con suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy.Anh đừng yêu em…
- Lòng anh giếng ngọt trong veo
Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
Lòng em cát bụi kinh thành
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe…
2. Ái khanh hành Hành phương Nam
Như mây mùa thu, gió mùa thu, Nguyễn Bính ưa lãng du, là kẻ nghiện giang hồ, thích nay đây mai đó, vừa đến Hà Nội đêm hôm trước, đã xa Hà Nội sáng hôm sau như đã từng thú nhận trong bài thơ Chú rể là anh, viết tại Sài Gòn, tặng bạn Phạm Quang Hòa, ghi rõ ngày 18.11.1943.(tr 336, Nguyễn Bính toàn tập, tập1) Càng không ngẫu nhiên, Nguyễn Bính thích viết thơ về những chuyến giang hồ lớn nhỏ, nhiều khi chỉ là giang hồ vặt. Đặc biệt ấn tượng trong trường thơ giang hồ Nguyễn Bính là hai bài thơ thể hành: Ái khanh hành và Hành phương Nam.
Trong trích đoạn từ Ái khanh hành, chỉ gồm vẻn vẹn 19 dòng thơ năm 1941 (Nguyễn Bính toàn tập, tập 1), Nguyễn Bính đã dùng thể hành để vẫn nói về một nhân vật trữ tình em, được gọi âu yếm và sang trọng, cổ kính là ái khanh, và chỉ để nói về tình yêu của Nguyễn Bính đối với Em. Một tình yêu cổ điển, em như hoàng hậu, anh như vua, yêu nhau xa xôi, bền vững như thành quách ngày xưa, không bến, chẳng bờ, viết đến ngàn trang giấy, làm cả ngàn bài thơ, cũng không hết cái tình yêu dằng dặc này. Rồi bỗng nhiên bài thơ “ngoặt cua, bẻ lái” thoắt rẽ sang đại lộ của những thi ngôn và hình ảnh hiện đại: “Chao ơi! Em ngon như rau cải/ Em ngọt như rau ngót/ Em giòn như cùi dừa/ Em hiền như nước mưa/ Em nhổ nước bọt xuống mặt biển/ Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ”. Đây là thi ngôn hiện đại và lộng lẫy về nhân vật Em, mà theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đã được Nguyễn Bính “viết rất khác, khác đến sửng sốt, so với thơ Nguyễn Bính chúng ta đã quen và tôi đồ rằng cách nói kiểu này chỉ có ở thơ ông khi ông đã ở phương Nam”. Nhận định này của Nguyên, tôi hoàn toàn đồng thuận. Tôi thấm thía thêm một điều, cuộc hành phương Nam của thi sĩ Nguyễn Bính, nếu đồng nhất với Ái khanh hành, cũng là bởi thi sĩ luôn mang theo nhân vật Em trong tâm hồn thơ của mình. Mang theo để không bao giờ lìa xa, cũng là để không ngưng nghỉ cuộc đi tìm “thiên tính nữ” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, khi viết về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) vốn đã kết đọng từ nỗi đau mất mẹ ngay từ thuở mới chào đời. Cuộc tìm kiếm này vĩnh viễn sáng chói trong thơ Nguyễn Bính, và thành nguồn thi hứng vô tận, nối dài thơ Nguyễn Bính cho mai sau…
Cũng bởi vậy, thấm đượm trong bài thơ Hành phương Nam, viết ở Đa Kao 1943, vẫn còn nguyên vẹn một tình tự ngoái về, ngoảnh lại của riêng Nguyễn Bính. Thi nhân đi từ đất Bắc, đã đến tận phương Nam, mà lòng vẫn cứ quay về: quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay. Cuộc giang hồ này của thi sĩ thật buồn, và chưa thể đi ra khỏi nỗi buồn tiền kiếp. Có lẽ vì Nguyễn Bính chưa đủ tình và đủ thời gian để yêu nơi ông đã đến, và cũng có thể vì thiếu vắng những lý do thế sự, như sau này, thi sĩ đã ăn ở, đã sống, đã cùng kháng chiến Nam Bộ, đã có gia đình riêng hạnh phúc, thì thơ ông mới cất lên hào sảng phong vị miền Nam và kháng chiến Nam Bộ.
Sau này, khi bước xuống tàu tập kết ra Bắc, ấn tượng mạnh nhất của thơ Nguyễn Bính vẫn là về nhân vật trữ tình Em, kết đọng cái tình thơ Nguyễn Bính trong nỗi nhớ “Người vợ Miền Nam”, nỗi nhớ mang cái tình chung của tâm sự người đi tập kết đêm Nam ngày Bắc...
3. Vĩ thanh
Nguyễn Bính đã thơ như thế về tình yêu, về nhân vật trữ tình Em, về cả một thế giới đàn bà Việt vừa buồn thương vừa sâu đằm tình cảm, như thế và đến thế, bảo làm sao có thể không nhớ, không yêu và không mãi run rẩy trước thơ ông. Và chỉ riêng về một lẽ ấy thôi, thơ Nguyễn Bính sẽ còn tươi xanh mãi trong tâm tưởng người đọc, nhất là người đọc cùng “thiên tính nữ”, cùng tâm trạng với nhân vật trữ tình Em của thơ Nguyễn Bính.
1.8.2018
Nguyễn Thị Minh Thái
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống & Hiện đại. Nhiều tác giả.
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học &
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét