Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Thời gian không đổi sắc màu

Thời gian không đổi sắc màu
Được sự đồng ý của nhà văn Phan Quang, từ hôm nay, www.trieuxuan.info sẽ post một số bài trong tập Phê bình - Tiểu luận "Thời gian không đổi sắc màu". 286 trang. NXB Văn học, tháng 6-2017.
LỜI THƯA
Nỗi đam mê đọc sách trong tôi là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm, từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già tôi gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách. Do vậy, hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi cầm cuốn sách. Trong công việc hằng ngày dù lúc xắn quần lội ruộng cùng nông dân hay vi vu đến một phương trời nào đó làm một việc được cấp trên giao, lại càng thấy không thể không đọc sách trước, trong và sau mỗi chuyến đi.
Sách dở sách hay, gặp là tôi đọc. Sách dở, hay nói chuẩn xác hơn, cuốn sách mình không thích thú lắm thì đọc qua loa; cuốn mình tâm đắc hoặc ngưỡng mộ, đọc kỹ, có khi đọc đi đọc lại, ngẫm ngợi và đánh dấu những trang, những dòng, những ý thú vị bên lề trang sách. Đọc sách là dịp cho tôi suy ngẫm về nghề và nghiệp, cũng có khi nhân đấy lan man luận bàn thế sự. Có sao đâu! Sách là đời. Nhiều trường hợp đọc xong, gấp sách lại tôi ghi mấy dòng cảm nhận. Ghi để khi cần, dễ tìm đọc lại, đỡ mất thời gian. Một số ghi chép ấy được sửa sang đôi chút, trở thành bài “đọc sách” dài ngắn bất kỳ. Sách của các danh gia đã đành, có nhiều cuốn của bằng hữu lẽ dĩ nhiên không phải cuốn nào cũng tuyệt tác nhưng dù hay nhiều hoặc không hay mấy vẫn mang tâm huyết và công phu của tác giả, vẫn cung cấp cho mình một số thông tin, nhất là nghĩ đến nghĩa tình bè bạn với nhau. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Chúng mình sống với nhau bốn mươi năm, chẳng lẽ không viết cho nhau được bốn trăm dòng”.
Tập sách này gộp lại một số bài đọc sách phần lớn mới viết gần đây, có chỉnh trang đôi chút trước khi trình bạn đọc, coi như tấm lòng một người suốt đời cầm bút bày lòng tri ân sách, người bạn muôn đời.
Hà Nội, Xuân 2017
NGƯỜI BẠN MUÔN ĐỜI
Sách không chỉ là tập giấy
Sách không đơn thuần là “Tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển”, như nhiều cuốn từ điển phổ thông định nghĩa. Trong số đó có “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1988, “Từ điển phổ thông Pháp ngữ”, NXB Hachette, Paris, được ấn hành nhân Hội nghị cấp cao Pháp ngữ họp tại Hà Nội tháng 11-1997, “Từ điển tiếng Pháp Larousse” quen thuộc với những ai ít nhiều có biết tiếng Tây. Tổ chức UNESCO còn chu đáo hơn, chuẩn mực hơn: Sách là “Xuất bản phẩm không định kỳ được in gồm ít nhất 49 trang, không bao gồm các trang bìa!”. Từ điển tiếng Pháp “Le Petit Robert” tương đối cập nhật (1973) viết, sách là “Tập hợp một số lượng tờ giấy mang những ký hiệu để cho người ta đọc”. Cách dẫn giải này phù hợp với quan điểm của Viện Hàn lâm Pháp, chế định có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn ngôn ngữ Pháp: “(Sách là) tập hợp những trang giấy chép tay hoặc in để đọc”.
Định nghĩa này thể hiện hai ý quan trọng: Sách bao gồm cả sách in và sách chép tay, và sách làm ra là để cho người ta đọc. Ý sau quán xuyến tất cả. Tuy nhiên, đó cũng mới  nói đến sách in hoặc sách chép trên giấy. Ngày nay một học sinh cấp 2 vẫn có thể nhún vai: “Cháu ngày nào chẳng đọc, có cần đến giấy đâu!”.
Tôi cố tình tầm chương trích cú nhằm đi tới nhận xét: Chữ, theo các nhà cổ học, xuất hiện với loài người cách ta chừng mươi thiên niên kỷ trở lại đây [1] và sách, phương tiện dùng để cố định và lưu truyền chữ viết cho hậu thế dưới nhiều dạng vật chất chứ không đơn thuần trang giấy, từ bảy, tám nghìn năm về trước, vậy mà vẫn có nghịch lý là chức năng chủ yếu (và cao quý) của sách cho đến nay hình như chưa hẳn được tất cả những người thường xuyên tiếp cận và sử dụng sách cảm nhận trọn vẹn.
Cuốn sách là vật dụng thường ngày như bát cơm ăn, tấm áo mặc, chiếc nón đội đầu, cây dao đi rừng của bà con miền núi hay chiếc xe gắn máy giúp người đô thị dịch chuyển và gây ùn tắc giao thông... Chức năng của sách, gắn liền với chữ, tồn tại ít nhất bốn vạn năm nay, gắn bó với người, thúc đẩy sự tiến triển của xã hội. Sách không một phút xa rời cuộc sống cơm áo (vật chất) và đời sống tinh thần (văn hóa) của người. Sách không đơn thuần là một tập hợp những trang giấy, hay ngược thời gian, những thanh tre, tấm lá cọ, những phiến đất sét nung từa tựa gạch ngói ta vẫn dùng..., sách có hồn, hồn của sách chính là hồn nhân loại.
Đối với người phương Tây, những dạng sách đầu tiên có thể xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà. Các nhà khảo cổ học đã khai quật và tìm thấy mười hai phiến đất sét nung thành gạch (tôi gọi gạch bởi nhìn thấy nó dày và bền chắc hơn những tấm ngói lợp nhà) chép một phần Trường ca Gingamet [2], thiên sử thi truyền tụng việc khai thiên lập địa không giống với cách được biết phổ cập hơn nhờ phần “Khai sáng” trong Cựu ước của Đạo Do Thái và Đạo Cơ Đốc.
Người A Rập, nhờ phát hiện những phiến đá khắc chữ cổ đã có thể hình dung thậm chí xác định những địa điểm hình thành các bộ lạc đầu tiên sống bằng du mục là chính, tổ tiên của họ, cũng như con đường tổ tiên họ đã từ phía Nam bán đảo A Rập đến Trung Đông và dừng lại để cùng người bản địa thành lập nước Syrie ngày nay.
Người Việt Nam tiếp cận nền văn minh Trung Hoa cổ đại từ hai ngàn năm trước, vì vậy chúng ta chẳng lạ gì chuyện chữ khắc trên mai rùa, phiến đá, thanh tre trước khi được in lên lụa và lên trang giấy. Nhiều nước phương Đông dùng chữ tượng hình có làm ra loại sách ghép bằng những tấm lá bằng vàng (Kim sách) hoặc bạc (Ngân sách) ghi chép đế phả, vương phả của dân tộc mình. Người viết bài này có lần được một người bạn Đài Loan cho xem rồi tặng một bản chụp lại bộ “Đồng sách” ghép bằng những tờ kim loại khắc dòng dõi họ tộc ông, vốn từ một miền núi cao trong đại lục, qua từng bước du cư về cùng đồng bằng, cuối cùng được các cụ mang theo khi “tùy nghi di tản” cuốn gói chạy sang đảo này cùng tàn quân Tưởng Giới Thạch năm 1949. Tại miền núi nước ta, một số dân tộc thiểu số nay vẫn giữ những bản sách gia truyền chép trên những thanh tre già kết nối bằng những sợi chỉ gai bền, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu giữ thông tin về nguồn gốc và hành trình các chuyến di cư của tổ tiên trong lịch sử.
Đối với nền văn minh sông Nil ở châu Phi, sách in gắn liền với papyrus, nguồn gốc các từ papier, paper trong tiếng Pháp, tiếng Anh. Papyrus là tên một loài cói mọc hoang ven các bờ suối hoặc đầm lầy, thớ sợi cói rất mịn, người ta có thể xếp các cây cói sát vào nhau trên tấm ván, dùng chày đập nhẹ cho chúng bẹp lại và kết dính, rồi tiếp tục đập nữa, đập mãi cho đến khi hình thành tờ mỏng đều, đưa ra phơi nắng cho thật khô, thành một loại giấy mỏng và đẹp, rất bền. Du khách thăm Đất nước các Kim tự tháp có thể đăng ký nhập các tua lữ hành nội địa, sau hành trình du ngoạn trên con thuyền gắn máy len lỏi qua nhiều con suối, nguồn khe hoang dại, sẽ dừng lại một làng nghề truyền thống, xem người dân Ai Cập sản xuất giấy papyrus đúng lối cổ truyền như năm ngàn năm về trước. Bạn có thể mua một bức tranh dân gian nhiều màu sắc, in hình một đức Pharaon hoặc chân dung Nữ hoàng Nefertiti xinh đẹp và nổi tiếng về tài tham chính thời cổ đại, với cái giá chưa bằng một lon bia trong nhà nghỉ.
Người lục địa Ấn Độ theo đạo Ấn, đạo Bà La Môn, đạo Phật và muôn vàn tôn giáo khác - thi hào Rabinranath Tagore chẳng từng gọi đất nước ông là “xứ sở của triệu triệu thần linh” đó sao - chép kinh, sách của đạo mình trên một loại lá. Một số chùa thờ Phật giáo Nam tông ở miền Nam nước ta ngay nay vẫn còn lưu giữ được một phần nhỏ những trang Kinh Phật chép bằng chữ Phạn hoặc chữ Pali trên những tấm lá cọ khô theo lối ấy.
Đế quốc Ai Cập suốt mấy ngàn năm trị vì, giữ độc quyền sản xuất giấy papyrus. Người châu Âu thời trung đại, muốn có giấy để chép và truyền bá Thánh Kinh đạo mình buộc phải dùng loại giấy sản xuất bằng da bê hoặc da bò (giấy da bò không mềm, không mỏng bằng giấy da bê) nhưng giấy da bê hay giấy da bò loại nào cũng hiếm cũng đắt tiền. Thời ấy đã có người Âu châu phát minh cách làm giấy làm bằng giẻ bông, vải vụn, tuy nhiên sản phẩm chế biến từ thứ nguyên liệu phàm tục ấy không được phép dùng để sao chép và truyền bá lời dạy bảo của các đấng tối thiêng.
Châu Âu lẩn quẩn trong vòng khó khăn ấy mãi đến thế kỷ XII, các thương lái Trung Hoa và A Rập mới qua đường biển du nhập các loại giấy dó, giấy bản sản xuất từ bột thực vật vốn được dùng khá phổ biến từ nhiều thế kỷ trước tại Trung Hoa để in sách bằng những bản chữ khắc trên gỗ (mộc bản). Giấy từ Phương Đông cập bến đầu tiên vào bán đảo Sicile nước Ý và bờ biển Tây Ban Nha ngày nay, từ đó lan tỏa vào Lục địa Già. Người châu Âu mầy mò học theo ấy, làm ra giấy, tạo tiền đề để sau khi bác thợ thủ công người Đức mang tên Johannes Gutenberg (1395 - 1468) sáng chế thành công kỹ thuật ấn loát với cách xếp những con chữ chì đúc rời thành dòng thành cột (ta quen gọi in typo), nhờ đó số Kinh Thánh Đạo Cơ Đốc, theo Bill Gates [3], từ vài ba vạn bản trong toàn bộ châu Âu tăng vụt lên hơn mười triệu bản trong vòng mấy chục năm sau. Cái gọi là văn hóa đọc ở châu Âu thật sự ra đời là nhờ tài năng của bác công nhân Đức.
Văn minh loài người hình thành từ sách
Chữ Hán (thời trước dân gian ta gọi chữ Nho), phương tiện khởi đầu và chuyển tải một nền văn minh lớn ở phương Đông cổ đại không phải do Hoàng đế làm ra như vẫn lưu truyền suốt mấy ngàn năm nay trong mọi kinh sách Trung Hoa. Lý do đơn giản Hoàng đế chỉ là nhân vật hư cấu, Hoàng đế chưa từng tồn tại trên thế gian như chép trong sử sách nước Trung Hoa.
Gần đây các nhà khoa học dựa trên những di tích khảo cổ được phát hiện như mai rùa, khúc xương có khắc chữ tượng hình, phỏng đoán chữ viết ở Trung Quốc ra đời vào khoảng 1800 năm trước Tây lịch, tức cách chúng ta hơn 3800 năm.
Ai Cập cũng là một nước có chữ viết lâu đời nhất thế gian, sớm hơn chữ Hán nhiều. Các nhà cổ học Ai Cập cũng như Âu Mỹ đều gần như nhất trí cho là “tiếng Ai Cập” loại ngôn ngữ cổ nhất của Ai Cập, nay không còn dùng, ra đời vào khoảng năm 2690 trước Tây lịch - tức trước chữ Hán đến 900 năm [4]. Đó là ngôn ngữ hình thành xưa nhất sau tiếng Sumer ở miền Lưỡng Hà, mà thời điểm xuất hiện được phỏng định vào khoảng giữa thế kỷ 31 đến thế kỷ 26 trước Tây lịch - nói cách khác, cách chúng ta trên dưới năm ngàn năm!
Chữ viết ở châu Âu ra đời muộn hơn, tuy nhiên để lại dấu ấn lớn trong nền văn minh phương Tây với hai tác phẩm được cho là của Homère: Các sử thi Iliade kể về cuộc chiến thành Troie, và Odyssée, chuyến về quê của Ulysse một nhân vật trong sử thi kia, sau chiến thắng tại chiến trường vượt trùng dương trở về hòn đảo quê hương gặp người vợ yêu quý mười năm đằng đẵng chờ chồng. Hai thiên sử thi ấy được coi là những tác phẩm đặt nền tảng cho văn học Tây phương, ngày nay có nhà làm từ điển dám chốt lại một câu chắc như đinh đóng cột: “Iliade và Odyssée, hai thi phẩm sáng lập nền văn minh châu Âu” [5].
Ở Việt Nam ta, nhà thơ Chế Lan Viên viết:
Khi Nguyễn Trải làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn,
phải chăng cùng chung cảm nhận?
Homère là một nhà thơ. Cái tên Homère đồng nghĩa với hai từ “thi nhân”. Nhưng định mệnh bắt ông phải mù. “Nữ thần Thi ca đã đoạt mất của ông đôi mắt, bù lại, ban cho ông giọng ngâm thơ kể chuyện tài hoa” - người xưa truyền tụng thế.
Người mù thường có đôi tai thính, và đặc biệt trí nhớ tốt, đầu đuôi mạch lạc. Phải chăng những người hát xẩm của nước ta xưa ở miền Bắc hay những người nói vè ở miền Trung, định mệnh cũng đã bắt phần đông trong số họ phải chịu cảnh mù lòa. Một học giả nổi tiếng hùng biện thời Hy Lạp cổ là Dion Chrysostome quả quyết: “Tất cả các thi nhân đều là người mù, nếu không mù lòa thì làm sao có thể trở thành nhà thơ!”.
Theo truyền thuyết, Homère là ông già mù làm nghề đi hát thơ rong (tôi nghĩ gọi nói thơ có lẽ đúng hơn) [6], vào thế kỷ VIII trước Tây lịch, chuyên kể nội dung hai thiên sử thi vừa dẫn ở trên, Iliade và Odyssée. Ông là người hát, người ngâm, người kể tác phẩm do người khác làm hay là tác phẩm của chính ông sáng tác? Dường như lịch sử cổ đại Hy Lạp từ thời xa xưa đã thiên về thuyết Homère đích thực là tác giả. Vì vậy, sử sách châu Âu xưa cũng như nay, khi nói về hai thiên sử bất tử ấy thường dùng đại từ sở hữu của: “Iliade và Odyssée của Homère”.
Trời bắt thi nhân mù đôi mắt. Lẽ đương nhiên đã là người mù thì không thể tự tay mình viết ra tác phẩm. Thiên sử thi Iliade kể về cuộc chiến thành Troie diễn ra trước thời Homère sống những bốn trăm năm. Và các câu chuyện do nhà thơ vĩ đại nhất trong tất cả các nhà thơ từ xưa tới nay hát, ngâm hay nói, sẽ được chép thành văn bản hoàn chỉnh vào triều đại Pisistrate, thế kỷ IV trước Tây lịch. Sử thi Iliade gồm 84 thiên. Sử thi Odyssée tiếp nối Iliade được phân thành ba phần, gồm 24 thiên. Các nhà nghiên cứu khẳng định: Iliade và Odyssée thể hiện cái mốc truyền chuyển văn học từ dạng lời sang dạng chữ ở châu Âu.
Giá không có sự truyền chuyển bằng văn tự ấy, làm sao chúng ta ngày nay có thể thưởng thức các câu chuyện hùng tráng với cách thể hiện tài hoa về Cuộc chiến thành Troie và Chuyến viễn hành trên biển cả của chàng Ulysse, cùng bao nhiêu kiệt tác khác?
Như vậy, chữ viết là điều kiện hình thành và tồn tại nội dung cuốn sách. Và đổi lại, sách thể hiện mong ước và quyết chí của con người muốn vật chất hóa bền lâu một văn bản vốn chỉ được suy ngẫm trong đầu hay đang trong quá trình sáng tạo. Sách sáng lập nền văn minh của loài người.
Nói sách là thể xác, chữ là trí tuệ và tâm hồn, bởi một thể xác vắng trí tuệ và tâm hồn thì không phải là người, và ngược lại, tâm hồn và trí tuệ không hiện hữu trong thể xác thì chỉ có thể là thần linh mà thôi.
NGƯỜI ĐÁNH THỨC MỘT THẾ HỆ THANH NIÊN
Tôi sẽ làm việc ngốc nghếch của một người không biết phận nếu dám giới thiệu đầy đủ trên phương tiện thông tin Tác phẩm của Nguyễn An Ninh. Nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng sinh thời có lần được khẩn khoản mời viết bài về Nguyễn An Ninh, đã nói: “Từ trong tấm lòng, tôi tự thấy mình không đủ tư cách viết về chí sĩ Nguyễn An Ninh - một trong những khuôn mặt lớn của Việt Nam hiện đại”1. Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà cách mạng lão thành thâm niên và anh hùng lao động thời đổi mới, cho biết: “Bản thân tôi những năm trẻ tuổi đi vào con đường cách mạng, tôi được nhiều người dìu dắt, mà người dẫn dắt trước hết, sâu sắc nhất, quyết định nhất chính là anh Nguyễn An Ninh”. Giáo sư khẳng định: Nguyễn An Ninh là một người trước năm 1930, “đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ”2. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quôc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao động, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai” (8-1993). Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ với đoàn làm phim về Nguyễn An Ninh: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì tổ quốc và dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng…” (tháng 7-1993).
Nhiều người Việt Nam nghe danh Nguyễn An Ninh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, một nhà báo lỗi lạc bằng cây bút và lời nói, từng làm cho những tên thực dân cáo già điên đầu, song nói chung thường là “nghe nói”, “từng đọc ở đâu đấy”… Giáo sư Mai Quốc Liên có lý khi anh viết: “Rất ít người đọc Nguyễn An Ninh. Mà chưa đọc, mới chỉ nghe nói qua qua, thì làm sao hiểu ông được, nếu không nói là chưa hiểu gì hoặc hiểu sai…”3.
Vấn đề là ở chỗ: đọc ở đâu? Tìm đâu ra mà đọc?
May thay, có những người tâm huyết, trước hết là con gái và con rể cụ Nguyễn An Ninh, bà Nguyễn Thị Minh và ông Nguyễn Sơn, cùng anh chị em trong gia đình cụ và một số nhà trí thức tâm huyết. Bằng lao động âm thầm, các vị đã sưu tầm và đã chuyển sang Việt ngữ những bài Nguyễn An Ninh viết bằng tiếng Pháp từ đầu những năm 1920 cho đến khi ông bị thực dân Pháp bí mật đưa giam tại nhà tù Côn Đảo và hy sinh năm 1940, kể cả một số bài được lưu truyền là do ông viết trong nhà tù. Cho đến bây giờ, đây là bộ sưu tập công phu nhất. Chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có bộ sưu tập thật sự đầy đủ, không chỉ vì nhiều tác phẩm của ông bị tản mác, khó tìm ra, mà còn con vô số bài, để tránh con mắt của mật thám Pháp, ông viết không ký tên, hoặc ký những bút danh chỉ có riêng ông cùng vài người bạn thân tín biết - mà tất cả nay đều đã là người thiên cổ. May mắn có một số bạn bè, đồng chí, người thân hoạt động cùng thời với Nguyễn An Ninh nhớ lại và ghi chép đôi điều về ông, có nhà báo miền Nam trước 1975 đã tốn công sưu tầm để kể lại những ngày cuối cùng của ông ở địa ngục trần gian Côn Đảo (còn gọi đảo Côn Nôn). Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ một số tiền, góp phần để Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học in và công bố một cuốn sách nghiêm túc, đồ sộ, dày gần 1400 trang khổ lớn, Nguyễn An Ninh - Tác phẩm (2009). Kèm theo, tập tư liệu quý: Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân, dày gần 500 trang in cùng khổ giấy.
Nguyễn An Ninh - Tác phẩm gồm 5 phần. Mở đầu bằng bài Tựa của Giáo sư Trần Văn Giàu cùng bút tích Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Phần nội dung gồm những tác phẩm báo chí của Nguyễn An Ninh viết bằng tiếng Pháp (khoảng 240 bài), bằng tiếng Việt (khoảng 130 bài) xếp theo thự thời gian, đăng trên các báo Le Paria, La Cloche fêlée, L’Annam, La Lutte, L’Avant-Garde, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Công luận, Đonnai, Đuốc nhà Nam, Trung lập, Dân chúng (trừ tờ Le Paria, các báo nói trên đều xuất bản công khai tại Sài Gòn). Về sách tiếng Pháp, có hai: Lý tưởng của thanh niên An Nam, và Nước Pháp ở Đông Dương. Sách quốc ngữ khá nhiều: Dân ước, Tuồng hát Hai Bà Trưng, Tôn giáo, Phê bình Phật giáo, cùng tám cuốn trong Tủ sách sưu khảo Phương Lan. Ngoài ra có nhiều tư liệu quý hiếm, cũng như toàn văn bản chụp lại cuốn La France en Indochine (Nước Pháp ở Đông Dương) do nhà in Debeauve, Paris ấn hành năm 1925.
Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người thân, gồm hai phần: Cùng anh đi suốt đời, hồi ký của bà Nguyễn An Ninh, và Nguyễn An Ninh “Tôi chỉ là cơn gió thổi”, hồi ức của bà Nguyễn Thị Minh về thân phụ mình. Trong tập này còn có bài phóng sự hồi ký dài của nhà báo Nguyễn Ngọc Danh  Những ngày cuối cùng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh tại Côn Đảo đăng trên báo Tiếng dội miền Nam xuất bản tại Sài Gòn năm 1961, và bài của nhiều “chứng nhân” như Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thị Lựu, Trần Bạch Đằng.
Nói Tác phẩm là nói Con người, nói thời đại người ấy sống và hoạt động. Các vấn đề ấy, như đã thưa, quá tầm của người viết bài báo này, và cũng vượt khỏi khuôn khổ bài giới thiệu sách. Để bạn đọc có cái nhìn khái quát về Tác phẩm, chỉ xin trích dẫn sau đây một số ý kiến của các bậc tiền bối nói về Nguyễn An Ninh.
Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Nguyễn An Ninh là người Việt Nam đầu tiên ở Nam Kỳ đã hô hào thanh niên hãy thoát ra khỏi cái hẹp hòi của Khổng giáo, thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, đi thật xa để học hỏi và trang bị cho mình một lý tưởng cao cả, không có lý tưởng cao cả thì không làm nên việc lớn”. Ông nhớ lại: “Những ngày chập chững vào con đường cách mạng ở tuổi 14-15, tâm trí tôi lúc ấy như một tờ giấy trắng, mà người đầu tiên viết lên đó những dòng chữ về yêu nước, về lý tưởng, về hoài bão, không ai khác hơn là Nguyễn An Ninh…” Giáo sư kể tiếp: “Trong bài Cao vọng của thanh niên An Nam (tức Lý tưởng thanh niên), ông có lời phê phán: “Các bạn thử nhìn, thử quan sát đám thanh niên đầy tham vọng đang thả rểu ngoài đường, mặc đồ tây, thắt cà vạt, tướng đi như vịt đực…” Lời phê bình đó hay lắm, đúng lắm, mà thấm lắm. Tôi còn nhớ trong tác phẩm Bản án của chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Paris năm 1925 cũng có câu phê phán thanh niên thời đó khiến ta nhớ đời: “Hỡi Đông Dương đáng thương! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già hấp của người không sớm hồi sinh”.
Nhà cách mạng Hà Huy Giáp (1907-1995), Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ năm 1930, cho biết: Trong khi nghiên cứu sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, ông đã đọc nhiều tài liệu, và đi đến nhận xét: “So sánh hai tờ báo La cloche fêlée xuất bản tại Sài Gòn 10-12-1923 với tờ Le Paria xuất bản ở Paris 1-4-1922, thấy như hai anh em sinh đôi ở hai thời điểm khác nhau. Nội dung đều tố cáo chế độ thực dân, giới thiệu nước Nga bônsêvich… Có những bài trong Le Paria đã đụng chạm tới thì sau La Cloche fêlée cũng lại nói tới… Đối với tờ Le Paria, Nguyễn Ái Quốc lo liệu hầu như tất cả: nội dung, tài chính, in, phát hành, thì đối với La Cloche fêlée Nguyễn An Ninh cũng lo tất cả mọi việc… Đầu năm 1925, Nguyễn An Ninh trở sang Pháp đánh chuông báo động. Anh xuất bản một tập sách nhỏ Nước Pháp ở Đông Dương… (Cuốn này) xuất bản cùng thời với Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, là những bản cáo trạng vạch trần cái gọi là “sứ mạng khai hóa” của thực dân Pháp ở Đông Dương, là tiếng chuông cảnh tỉnh ít nhiều nhân dân Pháp và làm cho bọn thực dân hoảng hồn”.
Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Cho đến ngày nhắm mắt, anh Ninh vẫn chưa phải là đảng viên cộng sản. Nhưng những người cộng sản hoạt động cùng thời với anh, kể cả Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và tôi đều coi anh như một người cộng sản - một người cộng sản ngoài Đảng… Từ cuối những năm 20 trở đi, trên chính trường Nam Bộ, Nguyễn An Ninh đã như là một người mácxít lêninnít hoạt động quần chúng, hoạt động trên lãnh vực văn hóa tư tưởng”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều có chung nhận xét về người bạn tù. Đồng chí Nguyễn Văn Linh: “Ở trong tù, ông Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản, để chống lại bọn cai ngục dã man…”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Sống với nhau nhiều tháng ở trong tù, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian để thảo luận và tranh luận rất gay gắt về những vấn đề cực kỳ quan trọng, những quan điểm của học thuyết Mac-Lênin về đấu tranh cách mạng ở nước ta, về tổ chức cách mạng và về vai trò của quần chúng nhân dân. Chúng tôi tất nhiên có những ý kiến khác nhau nhưng càng thảo luận thì càng đi đến nhất trí, càng hiểu biết nhau, càng có tình cảm và lòng kính trọng lẫn nhau”.
Nhà nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Huy Giáp nhận định: “Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh cùng từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai người cũng theo chủ nghĩa nhân văn với những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, rồi đến với Cách mạng Tháng Mười”.
Việc sưu tầm, dịch thuật và xuất bản Tác phẩm Nguyễn An Ninh là một hành động cao đẹp và có ích. Việc làm ấy gợi lên một vấn đề đáng suy nghĩ. Do hoàn cảnh nước ta: chiến tranh, nghèo thiếu, điều kiện bảo quản thô sơ…, và nhất là do chúng ta không phải ai cũng biết coi trọng các di vật tiền nhân để lại, vì vậy không ít tư liệu quý hiếm bị thất lạc. Một thí dụ gần đây là bộ ảnh 100 tấm về Bác Hồ và những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, vốn do Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu cung cấp cho các nhà báo năm 1946, vậy mà tại nước ta không đâu giữ được. Kỷ niệm 65 Cách mạng Tháng Tám, nhà sử học Pháp Philippe Devillers đã tặng lại Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, bộ ảnh mà ông giữ nguyên vẹn hơn 60 năm, nhờ thế báo Nhân Dân và một số ấn phẩm mới có điều kiện công bố dần cho các thế hệ ngày nay được rõ. Mấy công trình đầu tiên nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam (đúng hơn là những luận văn tiến sĩ) đều được thực hiện tại nước ngoài, hay ít nhất các tác giả cũng phải tốn nhiều công phu “xuất dương” sưu tầm tư liệu. Trước Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, bộ sưu tập duy nhất và tương đối đầy đủ tác phẩm báo chí của một tác giả có lẽ là Hải Triều toàn tập (Nxb Văn học 1996). Dù vậy vẫn còn không ít cuốn sách, bài báo và thuyết trình nổi tiếng của ông về chính trị, văn học, triết học… chưa tìm ra. Tác phẩm Dương Phượng Dực (1897-1958), một cây bút của báo Trung Bắc tân văn những năm 1920, dày tới 1200 trang, do con cháu ông thực hiện. Quy mô và bài bản nhất cho đến nay có lẽ là bộ là Tác phẩm Phan Khôi (1887-1959), nhà báo-học giả nổi tiếng từ những thập niên 20-30 thế kỷ trước.
Nguyễn An Ninh, Hải Triều, Phan Khôi… mỗi người một vẻ, đều là những ngôi sao sáng. Bầu trời có nhiều sao. Có những vì sao, nói theo lời Thủ tưởng Phạm Văn Đồng về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, càng nhìn lâu ta càng thấy sáng hơn. Chúng ta ngày nay biết được những gì về bao vì sao sáng khác, về bao nhà báo tiền bối lỗi lạc đã có công xây đắp nền báo chí nước nhà từ thuở sơ khai? Chủ bút đầu tiên của Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký được đời sau quan tâm là do công lao của ông đối với nền học thuật. Còn sự nghiệp báo chí của các vị như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Diệp Văn Cương, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Hoàng Tích Chù, Phùng Bảo Thạch…, thế hệ chúng ta hiện nay biết được những gì? Tôi vừa nhắc đến một số tên tuổi, nhớ đâu kể đấy hết sức ngẫu nhiên. Đôi khi tình cờ đọc tác phẩm một vài vị được người khác trích dẫn, tôi ngạc nhiên tự hỏi: Làm sao vào thời ấy mà các cụ đã có đủ dũng khí viết nên những dòng mạnh mẽ đến thế này?
Không biết rõ về tác phẩm họ, làm sao có thể hiểu hết những cái hay của các bậc tiền bối để học tập, cũng như những cái còn chưa hay để rút ra bài học cho mình? Không bắt đầu từ những con người, làm sao hình dung nổi tiến trình của nền báo chí Việt Nam, cho dù nền báo chí ấy từ khi ra đời đến nay mới chưa tới 150 năm!
Hiện nay hằng năm Nhà nước và xã hội đầu tư một khoản tiền lớn cho việc tôn tạo, phát huy văn hóa dân tộc. Đầu tư cho văn hóa, không nên tính chuyện tốn kém. Vấn đề là ở chỗ làm sao cho đúng, cho có hiệu quả, chớ có nhân danh tôn tạo, phát triển…làm biến dạng hỏng di tích quý vô giá. Mỗi năm cả nước tổ chức hơn 8000 lễ hội, tiêu tốn đến bao nhiêu trăm, ngàn tỉ nhỉ? Có những lễ hội đánh thức tâm linh, tôn vinh tiền nhân, nâng cao tự hào dân tộc, song cũng không ít lễ hội phát huy cái lành mạnh trong di sản thì ít mà vỗ béo những kẻ kinh doanh qua khai thác mê tín dị đoan lại nhiều. Có những “hoạt động văn hóa” tốn kém vượt quá sức tưởng tượng của người bình thường. Báo Thời nay ngày 26-8-2010 thông tin: “Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa qua đã phải mất đến 7 tỷ đồng cho việc trang hoàng sân khấu để phục vụ cho một đêm ca nhạc tạp kỹ tìm kiếm nhan sắc”(sic). Tiền từ ngân sách Nhà nước hay “tiền xã hội hóa” cũng là tiền của dân, của nước cả mà thôi. Càng ngẫm ngợi càng băn khoăn: Làm sao các nhà nghiên cứu khoa học nhận được một khoản đầu tư vừa đủ để tiến hành công việc âm thầm là sưu tầm, tổng hợp, thực hiện… nhằm vinh danh đúng hướng văn hiến, bao gồm lịch sử báo chí Việt Nam trong đó?
Chú thích:
[1] Khoảng từ thiên niên kỷ IX đến thiên niên kỷ IV trước Tây lịch.
[2] Xem Sử thi huyền thoại Đông Tây, NXB Văn học 2009, 2011.
[3] The Road Ahead, bản dịch tiếng  Pháp của Nxb Robert Laffont: Laroute du futur, 1997.
[4] Ngôn ngữ chính thức của nước Ai Cập ngày nay là “tiếng A Rập Ai Cập”.
[5] “Poèmes fondateurs de là civilisation européenne” - www.gralon.net.
[6] Tiếng miền Trung nước ta gọi “nói vè”, nói vè chứ không phải hát vè, nói mà vẫn có nhạc điệu, đôi khi  còn có gõ phách hay đệm đàn.
Ghi chú:
1. Báo Nhân dân, ngày 19-9-1990.
2. Tựa cuốn Nguyễn An Ninh - Tác phẩm.
3. Bài Nguyễn An Ninh, nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc (2009).
THỜI GIAN ƠI SAO KHÔNG ĐỔI SẮC MÀU [1]
Kỷ niệm 71 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành côn, tôi vừa náo nức vừa thẫn thờ hồi tưởng bầu không khí toàn dân tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, trong biển người đó có chàng trai non dại tập tễnh vào đời, chợt nhận được món quà của người bạn lâu năm, nhà báo Trần Thanh Phương, từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra tặng: Tập Lời cuối với nhà văn đã đi xa (Nxb Hội Nhà văn - sách không bán). Càng đọc càng bồi hồi.
Lời cuối với nhà văn đã đi xa do Trần Thanh Phương sưu tầm, biên soạn tập hợp hơn một trăm bài ai điếu (hoặc tương tự) tưởng niệm, tiễn đưa các nhà văn, nhà thơ về cõi vô cùng. Từ những vì sao lấp lánh trên bầu trời dân tộc cả trăm năm nay như Nguyễn Đình Chiểu, Dương Khuê, Phan Châu Trinh, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Huỳnh Thúc Kháng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Bính... đến những người tuổi cùng trang lứa với chúng tôi: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Trần Thanh Giao, Nguyễn Khắc Phục - nhà văn này, người sau cùng nhận “Lời cuối” của bạn hữu in trong tập sách, chia tay chúng ta cách đây hơn hai tháng, ngày 20-6-2016.
Làm sao không chạnh lòng gặp lại mấy câu thốt lên từ miệng cụ Tam Nguyên Yên Đổ khi hay tin người bạn tri âm, tiến sĩ Dương Khuê giã từ cõi thế:
Bác Dương thôi đã thôi rồi!
Nước non man mác ngậm ngùi lòng ta...
... Bác già tôi cũng già rồi
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là! (1902)
Hay lời cụ Ca Văn Thỉnh phát biểu trước mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thời đất nước còn trong vòng nô lệ, trước mặt quan Thống đốc Tây: “Thơ Vân Tiên còn thì thinh danh cụ Đồ Chiểu vẫn còn. Mà thinh danh cụ còn thì tấm gương tài hoa, tiết tháo của cụ không bao giờ tan vỡ” (1943).
Có những người đi xa nhưng không bao giờ khuất bóng trong lịch sử dân tộc, bởi các vị đã để lại cho đời tấm gương và bài học:
Trước đã giỏi thế sau nên giỏi nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi;
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết đều tay vin với.
(Lời cụ  Phan Bội Châu điếu cụ Phan Châu Trinh - Huế, 1926).
Nói bên mộ nhà thơ Tản Đà vừa nằm xuống: “Một giọt nước mắt nhỏ trên nơi tiên sinh sắp yên nghỉ lâu dài mãi mãi, ly gián hẳn với đời sống chật vật, phiền phức, khó khăn, mà sinh thời tiên sinh thường coi là một giấc mộng lớn, chúng tôi có cảm giác khóc cho cả nghệ thuật nước Việt Nam và, sao ta chả nói thế được - cho cả nghệ thuật chung cả loài người chúng ta nữa.
… Chúng tôi, thanh niên của thời đại mới, đang băn khoăn đi tìm lý tưởng, và lý do của hành động, và hơn hết cả, sự trong sáng và lòng hy sinh, chúng tôi vẫn mến phục tiên sinh, và coi ở tiên sinh hai nhân vật: một người đã đón sự sống với một triết lý giản dị và cao thượng; một nhà thơ đã cho kẻ đọc cái giác vị thuần túy của cả một nền văn chương viễn đông ngày hôm qua” (Đinh Gia Trinh, Chủ nhiệm báo Le Monôme, cơ quan của Tổng hội sinh viên trường Cao đẳng (Hà Nội, 07-6-1939).
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hầu hết các nhà văn nước ta sống nghèo, chết nghèo. Vũ Trọng Phụng một tài năng lớn là điển hình. Thay mặt các đồng nghiệp cùng tiễn đưa tác giả Số đỏ, nhà thơ Lưu Trọng Lư đau đớn cho bạn và cũng là bộc bạch nỗi niềm của số đông, nói với nhà văn đã nằm trong huyệt: “Anh đã chết như một chiến sĩ đã đấu tranh đến phút cuối cùng. Tuy anh ngã, mà tất cả vinh quang đã về anh, sẽ về anh... Tử thần không thể làm gì nữa. Thôi, xin mời anh đi, và anh nên an thỏa. Ở đây hay ở kia, anh vẫn là một người có quyền an thỏa”.
Nhà văn Nguyễn Vỹ tiếp lời Lưu Trọng Lư, còn bức xúc hơn: “Anh Vũ Trọng Phụng, đi đưa đám ma anh, tôi buồn lắm, tôi tủi cho anh, tôi tủi cho tất cả các bạn đi đưa anh, tôi tủi cho văn học nước Nam mà anh là một đại biểu xứng đáng hơn hết. Nguyễn Khắc Hiếu chết cũng quạnh hiu như anh. Nguyễn Nhược Pháp chết cũng quạnh hiu như anh. Vũ Lang chết cũng quạnh hiu như anh. Đỗ Thúc Trâm chết cũng quạnh hiu như anh, Hoàng Tích Chu cũng vậy! (Hà Nội, 15-10-1939).
Càng xúc động nữa khi đọc lại một vài đoạn điếu văn mà bản thân người viết bài này nhiều lần chắp tay cúi đầu lắng nghe trong khuôn viên ngôi nhà quen thuộc số 51, Phố Trần Hưng Đạo, hay Nhà tang lễ số 5 Phố Trần Thánh Tông, Hà Nội. “Những giá trị tinh thần mà Xuân Diệu để lại cho chúng ta là những di sản đẹp đẽ và lâu bền, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ có giá trị trong nước mà còn có giá trị quốc tế. Tất cả những giá trị ấy đều bắt đầu từ trái tim anh, trái tim lớn của anh như không biết đến sự phai tàn... Sao trái tim ấy hôm nay ngưng đập? Một cây lớn nằm xuống làm cho cả khoảng trời trống vắng. Tổn thất này, biết rằng chẳng thể náo tránh khỏi, nhưng mà sao đến sớm thế, đột ngột thế, và biết lấy gì để bù đắp?
“Diệu ơi! Anh còn nghe không anh, anh có thấy không anh?” (Hà Xuân Trường - Hà Nội, 21-12-1985).
Xuân Diệu chắc không còn nghe, không thể thấy nhưng mọi người có mặt tại lễ tang sáng hôm ấy đều thấy, đều nghe và đều rúng động tận tâm can. Chế Lan Viên bật khóc: “Diệu đi trước rồi chúng mình đi tiếp/ Diệu nằm ở thơ chứ đâu ở quan tài!”
Hãy cùng nhau lắng nghe lời nhà thơ Nguyễn Đình Thi vĩnh biệt tác giả Vang bóng một thời, người đi tìm cái đẹp, cái thật: “... Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ bậc thầy của tiếng Việt Nam... Những tuỳ bút của ông quả là một nhân chứng của thời đại chúng ta, từ những năm liền trước Cách mạng cho đến suốt hơn 40 năm chiến đấu chống đế quốc xâm lược và xây dựng chế độ xã hội mới, cuộc sống mới của chúng ta giữa muôn vàn khó khăn... Trong những trang viết của Nguyễn Tuân, ở dưới sâu của những cái bề nổi gai góc hoặc phiêu lãng, ở đằng sau những sự ngoa ngoắt và cả khinh bạc của một thời ngột ngạt, quẩn quanh, tù túng, bế tắc, ở dưới sâu tất cả những cái ấy là sự đi tìm cái đẹp và đi tìm cái thật, là nỗi khao khát cái đẹp và nỗi khao khát cái thật, là lòng yêu cái đẹp và yêu cái thật...” (Hà Nội, 31-7-1987).
Về Chế Lan Viên, trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Bảo Định Giang khóc bạn: “... Trong đêm tối mất nước, tập thơ Điêu tàn của nhà thơ vừa qua tuổi thiếu niên xuất hiện trên thi đàn “như một niềm kinh dị” - theo lời nhà phê bình Hoài Thanh. Người ta gặp trong Điêu tàn những Tháp Chàm, những Chiêm nương, những sọ người, những bóng ma, những nỗi đau nỗi buồn, nhưng trên tất cả những cảm hứng lãng mạn chủ nghĩa ấy là lòng yêu nước, “kiếp dân Chàm nước mất, kiếp dân mình đâu xa”, thì cùng giờ phút ấy, tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Đình Thi thay mặt đông đảo nhà văn, nhà thơ chen chúc trong ngôi nhà số 51 và hàng nghìn người dân đứng chật một khúc phố Trần Hưng Đạo, đau đớn “chia tay với nhà thơ Chế Lan Viên, một trí tuệ và một tài năng lớn của văn học ta vừa ra đi, để lại một tòa nhà lớn về thơ... Từ năm mười bảy tuổi, Chế Lan Viên đã đem đến cho văn học ta những câu thơ lạ lùng:
Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói 
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Những câu thơ bật lên tia lửa của một tài năng không dễ có trong đời. Tài năng lớn ấy đã gặp được cách mạng và đi vào cách mạng,
Khi ta ở chỉ là nơi ta ở 
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Với ánh sáng lớn và tình yêu lớn ấy, Chế Lan Viên đã đem tất cả trí thông minh luôn có những sáng tạo bất ngờ của anh tìm hết mọi cách dùng thơ làm vũ khí đóng góp vào cuộc chiến đấu của nhân dân ta...” (24-6-1989).
“Từ bấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim...
Ngục tù của thực dân đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi” (Thủ tướng Phan Văn Khải - Hà Nội, 13-12-2002).
“Vào những năm 1937 - 1938, khi hầu hết các nhà thơ mới đều say sưa bơi lội trong dòng sông tâm tư tình cảm cá nhân, né tránh thân phận nô lệ mất nước của mình thì Tố Hữu từ bối cảnh của Huế đã xuất hiện những bài thơ nói về những con người dưới đáy cùng xã hội, nói với sự đồng cảm sâu sắc nỗi khổ đau của giai cấp cần lao. Hồn thơ Tố Hữu là hồn thơ một thi nhân đồng thời là một chiến sĩ đấu tranh mệt mỏi cho giải phóng dân tộc, cho mọi tâm hồn đang đau khổ” (Lời Phó bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Nguyễn Huy Ngọc vĩnh biệt nhà thơ Tố Hữu, người con xứ Huế. (Huế, cùng ngày 13-12-2002).
Nhà thơ Hữu Thỉnh nói lời cuối với Nguyễn Văn Bổng: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống... Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông pha nơi đầu sóng gió, sống trọn một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt, đi cùng lịch sử đất nước, luôn có mặt ở những nơi mũi nhọn, những điểm nóng... Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một tài năng làm báo bẩm sinh...” (13-7-2001).
Với Phạm Tiến Duật, người đồng đội một thời quân ngũ, nay ra đi hơi sớm, Hữu Thỉnh quả quyết: “Dưới bầu trời sinh tử của chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã vươn lên làm một bước đột phá điển hình nhất, đưa thơ chống Mỹ lên đỉnh cao, một hiện tượng thơ ca đặc sắc của chiến tranh: Thơ anh mang đến cho bạn đọc niềm vui lớn như những tin thắng trận từ tiền tuyến lớn. Độc đáo và vui sáng, đầy sức lay động và ấm áp ngay cả trong những lúc cay nghiệt nhất của chiến tranh, đó là vẻ đẹp của thơ Phạm Tiến Duật” (Hà Nội, 11-12-2007).
Tôi đã làm một việc người đọc sách không nên làm, không được phép làm là trích dẫn miên man từ cuốn sách mình đọc. Vậy mà tôi vẫn muốn trích nữa, dẫn thêm. Biết có cách nào tốt hơn? Những vị đọc hay viết những lời ai điếu dù rất ngắn gọn, bằng tất cả cái tình, cái nghĩa và chiều sâu cảm nhận về con người, sự nghiệp nhà văn vừa nằm xuống, các vị đã bày tỏ giúp tôi nghĩa tình cùng cảm nhận của mình, mà tôi làm sao diễn tả được như vậy? Huống nữa, đây là cuốn sách không bán. Vậy hãy cho tôi chia sẻ với đông đảo bạn đọc thêm được chút nào hay chút ấy, chắc là được phép? - xin biện bạch.
Chợt nhớ một lần, cách đây đã khá lâu, nhà thơ Hữu Thỉnh và tôi cùng đi chung một chiếc xe taxi lần lượt về nhà sau cuộc họp muộn sáng chủ nhật. Mới hôm trước, chúng tôi vừa gặp nhau trong buổi tiễn đưa một đồng nghiệp. Tôi nói với anh Chủ tịch Hội Nhà văn: “Tôi đã nghe, đã đọc gần như tất cả các điếu văn của anh mấy năm gần đây. Bài nào cũng có những nét riêng, nhiều ý đặc sắc, và bài nào cũng xúc động”. Nhà thơ Hữu Thỉnh khiêm nhường: “Những lời tiễn đưa thường vọt thẳng từ trái tim tôi”. Trái tim và trí tuệ nữa chứ, anh!
Tập sách do nhà báo Trần Thanh Phương sưu tầm, biên soạn, như nhan đề của nó, là “Lời cuối với nhà văn đã đi xa”. Bên cạnh những phát biểu tại lễ tiễn đưa, có một số bài tưởng niệm những người khuất bóng từ lâu, như nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nhớ Nguyễn Bính, nhà văn Triệu Xuân viết về Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Tiến viết về Lan Khai…
Từ xưa tới nay, có những áng văn chương người làm ra mà không hề nghĩ mình làm văn chương, vậy mà nhiều đôi câu đối, vần thơ khóc bạn, văn điếu, văn tế dưới dạng kinh điển hay dân gian vẫn cứ tự mình lan tỏa và sống mãi cùng thời gian. Không ít bài văn tế các cụ tiên tổ chúng ta làm, nay hiện diện trong giáo trình trung học, đại học dạy các lớp hậu sinh. “Văn tế thập loại chúng sinh”, cụ Tiên Điền không nói với một người mà hướng tới số đông vì vậy càng da diết thâm trầm. “Văn tế Trương Định” của cụ Đồ Chiểu lan tỏa hào khí Đồng Nai và tiết tháo người Ngũ Quảng. Ở miền Trung, bài vè “Thất thủ kinh đô” có đoạn hướng về “âm hồn”, tức vong linh những đồng bào, chiến sĩ khuyết danh ngã xuống trong trận quân đội Pháp đánh chiếm kinh thành Huế năm 1885, thực chất là lời ai điếu dân gian.
Ở nước ngoài, như Pháp chẳng hạn, các điếu văn vốn có từ thượng cổ, đến thời Phục hưng trở thành thể loại văn học chính thống bên cạnh kịch cổ điển, tiểu thuyết lãng mạn, văn hiện thực, thơ tượng trưng..., khởi đầu nhờ tài năng của Giám mục Bossuet. Trước sau Đức Giám mục viết có mười bài điếu, ba bài trở thành bất hủ. Sang thời đương đại, có nhà văn viết ai điếu về người vừa ra đi hay tưởng niệm vị anh hùng khuất núi cả mấy trăm năm trước, tức là chưa từng biết nhau, quen nhau. Nhà văn André Malraux (1901-1976) tác giả Thân phận con người [2], chỉ làm có tám bài trong thời gian ông làm Bộ trưởng Văn hóa, từ 1958 đến 1965. Nổi tiếng hơn cả là lời tưởng niệm nhà yêu nước Jean Moulin, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Pháp chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bị Đức sát hại, tại buổi lễ chuyển di cốt ông vào Điện Panthéon. Xuất sắc tới mức ngày nay, khi tổng thống đương nhiệm Pháp đọc lời ai điếu tại một dịp tương tự, có tờ báo lớn đưa tên tít: “Sau tiền lệ Malraux, điếu văn đọc tại Điện Panthéon trở thành bài tập làm văn ngặt nghèo”[3].
Dùng tấm gương người xưa làm bài học dạy người nay, gợi lại lịch sử để bàn về thế cuộc, tinh túy của các bài ai điếu, tưởng niệm là ở chỗ đó. Trong lịch sử nước ta, có những ai văn mang dáng dấp hùng văn. Bài cụ Phan Bội Châu khóc cụ Phan Châu Trinh, sau khi ngợi ca tấm gương người vừa khuất:
Dọc ngang trời đất rực vẻ văn minh,
Tức tối nước nhà cam đường hủ bại.
Cá chậu chim lồng vẩn vơ thế, áo công danh thôi vất lối tầm thường,
Rồng mây cọp gió lạ lùng chi, miền thanh khí thử hô người trung ngoại
Cuối cùng cụ chốt lại:
Trước đã giỏi thế sau nên giỏi nữa, dấu cộng hòa xin ráng sức theo đòi
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang độc lập quyết đều tay vin với.
Cụ tôn vinh người trước mà nghĩ tới người sau. “Người sau” đây có phải là chàng Nguyễn Ái Quốc, con trai một người bạn cùng quê với cụ, lúc này đang bôn ba tìm đường vân động nhân dân ta cùng đứng lên “đều tay vin với” giành độc lập, tự do cho đất nước?
Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Thời hoạt động ở nước ngoài, khi cần làm thủ tục đăng ký dự một cuộc hội nghị lớn, Người ghi nghề nghiệp của mình là làm báo. Bài điếu văn tiễn đưa Người về chốn vĩnh hằng, một công trình tập thể do Đống Ngạc chấp bút, sau ba lần Bộ Chính trị họp cho ý kiến mới nhất trí thông qua, lại còn trải qua sự chỉnh sửa ngôn từ lần cuối bởi những cây bút như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng, trước khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng đọc trước cuộc mít tinh hàng vạn người tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội và đồng bào chiến sĩ cả nước trong cảnh “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”, sáng 9 tháng 9 năm 1969, bài điếu văn ấy lừng lững đi vào lịch sử như một áng hùng văn
“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Tấm gương và bài học Bác Hồ để lại cho đời được đúc kết thành năm lời thề Ban chấp hành Trung ương thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước thề trước anh linh Người, mau chóng biến thành sức mạnh hành động, đưa cuộc chiến đấu chống Mỹ vô cùng gian lao của chúng ta đạt đích giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sớm hơn so với dự kiến ban đầu của Bộ Chính trị.
Cảm ơn tấm lòng Trần Thanh Phương, người con Đất Mũi Cà Mau, nhà báo, nhà văn mà sức viết “dù thể loại nào cũng để lại ấn tượng trong người đọc một giọng văn thuần phác, dung dị nhẹ nhàng” (lời nhà văn Mai Văn Tạo). Tuy nhiên đam mê lớn nhất, đeo đẳng Trần Thanh Phương suốt đời là sưu tầm, lưu giữ tư liệu báo chí, văn học Việt Nam, không phải để ẵm làm của riêng mà sẵn sàng mang ra phục vụ mọi người.
Trước khi bắt tay vào sưu tập tư liệu bộ sách Lời cuối, Trần Thanh Phương “có làm mâm cơm, thắp nén hương xin hương hồn các nhà văn, nhà thơ qua cố cho phép tôi được làm cái việc thiêng liêng”[4]. Nói dại, một ngày kia theo qui luật muôn đời, đến lượt Trần Thanh Phương dung dị nhẹ nhàng nằm xuống, người thay mặt anh em nói lời cuối với anh, có thể yên tâm quả quyết: “Trần Thanh Phương, nhà sưu tầm tư liệu văn học, báo chí tâm huyết có một không hai trong lịch sử văn chương Việt Nam đương đại”.
Chú thích:
[1] Câu cuối bài thơ Xuân Quỳnh viết tại Bệnh viện hai tháng trước ngày cùng chồng chị, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Nhà văn Vũ Tú Nam thay mặt Hội Nhà văn đọc bài thơ trên như một phần lời ai điếu (31-8-1988).
[2] Condition humaine, Giải thưởng Goncourt 1933.
[3] Báo Le Monde ngày 22-5-2015.
[4] Trích Lời người biên soạn.
TÂM HUYẾT VÌ NỮ QUYỀN
Đạm Phương nữ sử là một danh sĩ đầu thế kỷ XX. Cùng thời, ở trong Nam bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút báo Nữ giới chung (1918), được nhiều người ngưỡng mộ, tuy nhiên tiếng chuông giới nữ chỉ dóng lên trong năm tháng. Ở ngoài Bắc, nhà thơ Tương Phố sáng bừng với Giọt lệ thu (1928), tiếc là tia chớp tài hoa biến khỏi văn đàn ngay sau đó. Trong khi đó tại miền Trung, bà Đạm Phương trong hơn mười năm xuất hiện đều đều trên nhiều cơ quan báo chí trong Nam ngoài Bắc: Nam phong, Hữu thanh, Tiếng dân, Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Đông phương, Phụ nữ tân văn, v.v...
Hoạt động văn hóa, của bà Đạm Phương đa dạng. Bà làm thơ, viết báo, viết truyện, dịch truyện nước ngoài, sưu tầm tư liệu làm từ điển, khảo cứu tuồng cổ, là nhà hoạt động xã hội, giáo dục. Bài này chỉ tìm hiểu hoạt động báo chí của bà.
Bà Tôn nữ Đồng Canh, bút danh Đạm Phương nữ sử, là cháu nội vua Minh Mạng, con gái Hoằng Hoá quận vương Miên Triện, một vị đại thần đồng thời là một nhà thơ. Trong cảnh hỗn độn, đất nước rối ren, triều đình “bốn tháng ba vua”, tuổi thơ của cô quận chúa cành vàng lá ngọc không êm ấm. Cô lên ba, thân sinh cô bị hạ phẩm hàm, giam lỏng rồi đưa đi quản thúc (1883). Cô lên bốn, cả gia đình phải bồng bế chạy loạn do “thất thủ kinh đô” (1884).
Năm 1917, người Pháp cho xuất bản tạp chí Nam phong. Chủ bút Phạm Quỳnh vào Huế, đến thăm bà mời bà cộng tác với tạp chí. Đấy là cú huých đầu tiên đưa nhà thơ đến với tân văn. Từ bấy, bà ít dùng chữ Nho mà viết bằng quốc ngữ là chính. Sự cộng tác của bà với Nam phong tạp chí không lâu, phải chăng tại tạp chí ấy nặng về chính trị - học thuật trong khi bà quan tâm đến các vấn đề xã hội hơn?
Năm 1925, nhà yêu nước Sào Nam Phan Bội Châu bị Pháp kết án tử hình. Trước sự phản kháng kịch liệt của nhân dân ta, chính quyền thực dân phải xóa án, đưa cụ về giam lỏng tại Huế. Bà Đạm Phương cảm nhận: “Từ khi cụ Phan đặng về Huế, dư luận rất là phân vân… Nhưng coi ra cụ rất là trấn tĩnh, hành chỉ rất là lỗi lạc quang minh, có vẻ chân thực đáng kính… Cho nên cụ Phan vẫn là cụ Phan, mà cảm tình cũng tức là cảm tình chân chính hết thảy” (Thực nghiệp dân báo, ngày 3-2-1926).
Tại lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh tổ chức ở Đàn Nam Giao, Huế, bà Đạm Phương được cụ Phan Bội Châu mời đọc bài điếu văn cụ viếng bạn. Mươi hôm sau, ngày 15-6-1926, “Nữ công học hội” do bà Đạm Phương làm Hội trưởng khai trương, đích thân cụ Sào Nam đến thăm và diễn thuyết về vấn đề vận động nữ giới. Đúng vào lúc nhiều người kỳ vọng ở học hội, bà Hội trưởng bị Pháp bắt giam, nhà cửa bà bị lục soát, bởi chúng nghi bà có liên quan đến đảng Tân Việt. Tuy không bị kết án tù, bà buộc phải từ chức Hội trưởng.
Họa vô đơn chí. Con trai đầu của bà đang dạy trung học bị Pháp buộc thôi việc và trục xuất khỏi thành phố Huế quê hương. Con trai thứ của bà là Hải Triều bị đuổi khỏi trường Quốc học vì tội tham gia bãi khoá, ít lâu sau bắt bị giam ở Sài Gòn khi chúng nghi ông tìm dịp xuất dương. Người con cả lại bị Pháp bắt lần nữa, đánh đập dã man, về nhà thì qua đời (1931). Năm sau (1932), phu quân bà Đạm Phương lâm bệnh từ trần. Nhiều nỗi đau dồn dập, cộng thêm các sức ép khác là những nguyên nhân khiến Đạm Phương nữ sử giã từ báo chí, tập trung vào việc làm sách. Từ cuối năm 1930 trở đi, vắng hẳn bút danh Đạm Phương trên các phương tiện truyền thông.
Quãng đời làm báo của bà Đạm Phương không dài, khởi đầu năm 1918 và ngưng lại năm 1930 sau khi gặp “sự cố” đã nói ở trên. Trong khoảng thời gian ấy, Đạm Phương nữ sử chứng tỏ bà là cây bút sung sức, tự tin, có mặt đều đặn với sức lao động cao. Bà cộng tác với mấy tờ báo nổi tiếng tại cả ba trung tâm Hà Nội, Sài Gòn, Huế. Cùng lúc, bà giữ chuyên mục “Lời đàn bà” của nhật báo Trung Bắc tân văn và góp bài đều đặn cho mục “Văn đàn bà” trên tạp chí Hữu thanh, đồng thời cộng tác với một số tờ báo khác nữa.
Làm báo hằng ngày vất vả, đã đảm nhận một “chuyên mục” thì kỳ nào đến hẹn cũng phải có bài. Bà Đạm Phương lại không làm việc ngay tại tòa soạn báo ở Hà Nội mà vẫn sống “trong Huế”. Bảo đảm đủ và kịp thời bài vở cùng một lúc cho bất nhiêu cơ quan báo chí trong hoàn cành giao thông bưu điện nước ta đầu thế kỷ XX, cường độ lao động đối với một phụ nữ là khá lớn. Bà tiến nhanh trên trong nghề báo. So sánh những bài đầu tiên ký Đạm Phương đăng tạp chí Nam phong (1918) với những bài bà viết về sau, trên báo Phụ nữ tân văn chẳng hạn những năm sau, có thể thấy bước tiến của tác giả cả về nội dung lẫn hình thức. Những bài bà đăng tạp chí Nam phong năm 1918 là văn biền ngẫu, thi thoảng điểm mấy vần thơ cảm hoài, thì các bài đăng trên các báo Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn năm 1929-1930 ý tứ sắc sảo, hơi văn mạch lạc - nhất là những bài luận chiến. Nói cách khác, tư tưởng và văn phong của bà ngày một “hiện đại” hơn.
Có thể nói, từ cây bút tài tử, Đạm Phương nữ sử mau chóng trở thành nhà báo chuyên nghiệp có bản lĩnh, có tay nghề. Từ nhà thơ tài hoa, bà trở thành nhà giáo dục học tâm huyết.
Con người sinh ra ở đời, có ai thoát khỏi dấu ấn hoàn cảnh gia đình và điều kiện giáo dục. Trường hợp bà Đạm Phương, đó là đẳng cấp xuất thân, là gia thế nhà chồng, là ý thức hệ phong kiến đã thấm vào xương tủy bà từ tuổi ấu thơ, cùng bao nhiêu tập tục lễ giáo cung đình, vọng tộc. Bà không được tiếp cận tư tưởng Âu Tây tại học đường. Dễ hiểu vì sao phương pháp tư duy của bà không bằng lớp sau, mà tiêu biểu là con đẻ của bà: cây bút chính luận Hải Triều.
Vượt qua vô vàn ràng buộc, Đạm Phương nữ sử có đủ nghị lực và ý chí vươn lên. Từ lòng nhân ái và mong muốn có ích cho “nhân quần”, bà dần trở thành nhà hoạt động xã hội vì dân chủ, dân quyền. Đọc lại các bài báo sau cùng của bà, chúng tôi có cảm tưởng dường như nhà báo Đạm Phương đã sẵn sàng tiếp cận tư tưởng tiên tiến của thời đại.
Cùng với bà Sương Nguyệt Ánh, bà Đạm Phương là một trong hai nhà báo nữ đầu tiên lên tiếng đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng giới ở nước ta. Bà Đạm Phương không có điều kiện bày tỏ có hệ thống ngay từ đầu quan điểm của mình về nữ giới, nữ quyền, bình đẳng giới và bình đẳng xã hội. Lộ trình tư duy của Đạm Phương nữ sử đại thể như sau:
Con người sinh ra trên đời, nữ cũng như nam, bất cứ ai cũng có thể chất và tâm hồn, không ai là cây cỏ, không ai là thú vật. Về thể chất, phụ nữ không mạnh mẽ bằng nam giới song lại có thiên chức làm vợ, làm mẹ, giáo dục con cái từ thuở nằm nôi, thậm chí từ khi cái thai còn trong bụng mẹ. “Cái thiên chức ấy tùy theo thời thế hoàn cảnh mà cải tạo gia đình dính liền với xã hội, để gây hạnh phước cho quần chúng” (Báo Phụ nữ tân văn, ngày 6-3-1930). Sở dĩ phụ nữ phải chịu đè nén ngay từ trong gia đình và bị áp bức khi ra xã hội, chủ yếu do họ ít được học.
Muốn tiến lên ngang bằng nam giới, phụ nữ cần có học thức. Mục tiêu cao cả của giáo dục là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cần phải thay đổi “quan niệm hủ lậu” cản trở phụ nữ tiến xa trên đường đời. “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhơn loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nữa nhân loại có lẽ là thú cả” – bà quả quyết. Phụ nữ phải học suốt đời, học đi đôi với hành. Noi bình đẳng xã hội là nói có bình đẳng giới trong đó. Bà tâm đắc ý của Lương Khải Siêu, Trung Quốc: “Cuộc vận động nhân quyền theo nghĩa rộng tức là vận động nữ quyền” (Báo Trung Bắc tân văn, ngày 25-9-1926).
Về hoạt động thực tiễn, thời gian đầu Đạm Phương nữ sử nặng về giáo dục các em nữ theo mô hình gia đình nền nếp công, dung, ngôn, hạnh (bà đặt ngôn và hạnh lên trước dung). Các em gái học thêu thùa, may vá, làm việc nội trợ, ai có điều kiện thì học cầm, thi, họa… Dần dà cái nhìn của tác giả tiến bộ hơn, sát nhu cầu cuộc sống hơn. Bà dần coi trọng các ngành thủ công, kể cả nghề vất vả như nuôi tằm ươm tơ, miễn là làm ra thêm thu nhập cho gia đình. Bà cổ vũ phụ nữ tham gia công tác xã hội. “Nữ công chẳng những giúp cho đàn bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế, và thứ nữa là cái mầm mống của sự công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này” (Báo TBTV ngày 21-6-1926). “Để bước lên cái bước thành nam nữ bình quyền, nữ giới cần có học thức rộng” (ngày 6-3-1930).
Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn từ những năm 1930 đã nhận xét: “Đứng về phương diện nghệ thuật mà nói thì hai bộ tiểu thuyết (Kim tú cầu 1928, Hồng phấn tương tri 1929 của Đạm Phương nữ sữ) còn nhiều khuyết điểm lắm. Song nếu lấy nó để khảo thêm về tâm chí tác giả, thì ta sẽ thấy Đạm Phương nữ sử là một bậc nữ sử tiên giác đã biết rõ cái hoàn cảnh mình, cái xã hội mình, muốn kiếm những phương thuốc để sửa đổi lấy nó, và muốn nêu ra những lý tưởng hoàn thiện làm mục đích cho sự cải cách này”.
Từ gia đình phong kiến khép kín bước ra xã hội rộng mở, Đạm Phương nữ sử sớm khẳng định là một nhà hoạt động có tài tổ chức. Có thể coi là kỳ công cuộc vận động khéo léo của bà nhằm dựng lên “Nữ công học hội” (1926), tổ chức giáo dục tư nhân đầu tiên dành cho phụ nữ ở nước ta, lại mở tại kinh đô phong kiến dưới ách thực dân, mà vẫn tranh thủ được sự công nhận của nhà cầm quyền. Tổ chức ấy tạo thanh thế cho bà mở rộng giao lưu, liên kết với trí thức trong Nam ngoài Bắc.
Bà Đạm Phương không công khai bài bác chế độ phong kiến. Tuy nhiên, khách quan mà xét, nhiều quan điểm của bà về giáo dục, xã hội đi dần từ thấp tới cao, kết hợp lý thuyết với thực hành, là sự phủ định gián tiếp nhiều quan điểm vốn được coi là nền tảng của hệ ý thức phong kiến.
Theo bà Nguyễn Khoa Diệu Biên và ông Cửu Thọ, những người trong gia đình bà, Đạm Phương nữ sử còn có Năm mươi năm về trước, “một cuốn tiểu thuyết vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống trong cung đình”. Cuốn sách bị Sở kiểm duyệt Pháp tiêu hủy ngay khi bản thảo được nộp để xin giấy phép xuất bản (1944). Có thể suy luận: Nếu cuốn tiểu thuyết của bà Đạm Phương đơn thuần vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống cung đình, chưa chắc nó bị nhà cầm quyền Pháp tiêu hủy bản thảo. Ngược lại, họ còn có thể khuyến khích là khác, bởi người Pháp luôn tìm cách làm mất mặt hoàng triều trước nhân dân ta để họ càng dễ bề thao túng hơn, nhất là giảm thiểu khả năng một ngày nào đó từ cung đình chẳng đột ngột xuất hiện một Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân khác.
Với những hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục, báo chí của Đạm Phương nữ sử, sinh thời bà được dư luận đánh giá cao. Ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ bà qua đời, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định: Đạm Phương nữ sử là một ngôi sao sáng của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bà là một trong số nhà báo được nhiều người biết nhất, bất luận nam hay nữ, thời bấy giờ. Bà là cây bút nữ thành danh cả trên văn đàn và báo chí. Bằng tài năng, nghị lực và cống hiến của mình, Đạm Phương nữ sử tự khẳng định là một trong số hiếm hoi những nhà văn, nhà báo lớn thuộc phái nữ nước ta trước Cách mạng tháng Tám 1945 [1].
Chú thích:
[1] Những trích dẫn trong bài rút từ sách Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, Nguyễn Khoa Điềm bổ sung, sửa chữa, Nxb Văn học, 2010.
6.7.2017
Phan Quang
Nguồn: Thời gian không đổi sắc màu. 
Tập Phê bình - Tiểu luận của Phan Quang. 
NXB Văn học, 6-2017
Theo http://demo.trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đ...