Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Phan Thị Mỹ Huệ: Lão Khục

Truyện ngắn Phan Thị
Mỹ Huệ: Lão Khục

Để thằng nhỏ yên!
Nhà văn trẻ Phan Thị Mỹ Huệ
Tôi giật mình quay lại. Trước mắt tôi là một hình nhân kì dị hết sức, một hình nhân héo quắc như cây gòn mùa đông già nua, trụi lá. Dáng người lão hơi nghiêng sang trái và đầu hơi chúi về đằng trước. Hai cánh tay của lão lèo khoèo, lều khều như được gắn vụng về vào hai vai. Lão mặc quần đùi để lộ hai ống chân cũng lèo khoèo, lều khều như vậy. Nhưng kì dị nhất là gương mặt của lão, gương mặt với cái trán hõm vào một lỗ ngay phía trên hàng lông mày bên phải, nó làm cho tôi cảm giác lão có con mắt thứ ba. Một vết sẹo dài bên má trái khiến tất cả các đường nét trở nên xô lệch, chuệch choạc đến mức nom lão không khác gì một nhân vật hắc ám trong những câu chuyện kinh dị, rùng rợn. Lão phóng về phía tôi một cái nhìn đầy hằn học và dữ tợn. Ánh mắt của lão khiến tôi hoảng sợ, vì nó đùng đục như màu trời vào mùa sương giá, mà lại xam xảm như có bao nhiêu gỉ than tro lơ lửng trong đó. Người đàn ông lầm bầm trong miệng. Ông ta có vẻ hậm hực nhưng vẫn buông tay tôi ra và bỏ đi. Tôi muốn chạy theo nhưng vừa dợm bước chân thì tiếng nói hình nhân quái dị kéo tôi lại :
– Đứng đó!
– …
– Mầy đứng lại đó! Muốn chết hử?
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lão già này muốn gì ở tôi? Tại sao lão lại…? Nhưng mà lão còn làm tôi giận hết sức khi người đàn ông kia đi rồi, lão chẳng nói chẳng rằng cũng quay lưng đi. Dáng lão khệnh khạng như một người say. Đôi vai lão rung rung khổ sở đỡ lấy cái đầu to quá khổ với mái tóc lơ thơ vài sợi ngắn dài mọc lẫn lộn, không trật tự. Tôi chạy theo để hỏi lão có oán thù gì mà lại tuyệt đường sống của tôi như vậy. Nhưng lão không nói gì trước thái độ của tôi. Lão vẫn lặng yên và đôi vai vẫn rung theo từng bước chân lê lết, thất thểu trong bóng chiều chạng vạng. Trước khi rẽ ngoặt vào con đường dẫn đến thung lũng Ma trơi, lão quay lại nhìn tôi và bằng một giọng nói không thể nào u ám hơn, lão thẽ thọt:
– Muốn chết, thì cứ leo xuống hầm!
Đó là lần đầu tiên tôi gặp lão Khục. Tên lão là Khục. Người ta hay gọi lão như vậy. Hình như lão cũng có tên, tên Tư Tài thì phải. Nhưng vì lão nói chuyện cứ lục khục, lẹt khẹt trong miệng nên người ta gọi Khục cho dễ nhớ. Lão cũng không cảm thấy phiền vì tên gọi chói tai đó. Ở bãi vàng Đaklay này, lão là người có tiếng nói rất quan trọng. Không ai dám làm trái ý lão. Không phải vì lão có võ công cao cường như mấy tay anh chị giang hồ tứ chiếng ở đây. Người ta ớn lão vì lão có khả năng nói chuyện với người cõi âm. Lão có thể gọi hồn người chết về nói chuyện. Chết sốt, chết chém, chết nghiện, chết hầm, chết hố, chết bờ, chết bụi gì lão cũng gọi được. Chuyện là cách đây hơn 10 năm, một tay kỹ sư địa chất có cô vợ xinh như hoa từ thị về để nghiên cứu cách đào vàng tốt nhất, nhanh nhất để mau giàu. Một buổi chiều đông rét mướt, người ta nghe cô vợ gào khóc thảm thiết vì không thấy chồng về. Hỏi bọn trẻ nhặt đá thì tụi nó bảo thấy anh chồng kỹ sư lang thang ở cái hầm đầu núi. Cái hầm này đã bỏ hoang vài tháng vì đào xuống  hơn chục mét mà không thấy vàng đâu, chỉ thấy mạch nước trong lòng núi đổ ra ào ạt. Mấy người chết chìm, chết dúi trong đó. Cũng không ai dám xuống kiếm xác. Dưới hầm, người ta đào dọc đào ngang như địa đạo, tìm đâu cho thấy. Người ta không tìm cũng vì một lí do khác là không ai thuê mướn. Đám người trôi nổi dưới hầm chủ yếu là giang hồ tứ phương dạt về. Mấy tay này kẻ vượt ngục, người trốn tù, bị gia đình chối bỏ, bị cuộc đời lãng quên… trôi nổi qua Campuchia, Lào rồi lại dạt về đây…
Vậy là cái hầm bị bỏ hoang.
Tay kỹ sư không hiểu sao lại mon men đến miệng hầm và không biết ma xui quỷ khiến thế nào lại rơi xuống cái hố sâu hun hút đó. Cô vợ không thể để chồng chết lạnh chết lẽo nên thuê người lặn ngụp kiếm tìm mấy ngày liền nhưng vẫn không thấy. Cái xác chết chắc bị đám cô hồn lôi vào mấy kẹt địa đạo. Mà ai xuống đó cũng ớn lạnh xương sống không dám xuống lần hai. Người ta cũng mê hai cái khâu vàng cô vợ đưa ra. Nhưng vô vọng. Hồi ấy lão Khục mới dạt về bãi này. Lão chỉ đi nhặt đá để bán kiếm tiền nuôi đứa con gái cũng khẽ khọt như lão. Đứa con gái xanh rớt và ốm yếu như tàu lá chuối tàn. Lão bồng đứa con bằng đôi tay lèo khoèo, bảo với cô vợ anh kỹ sư:
– Cô lập cho tui cái bàn thờ ở đây, 12 chén chè, 12 dĩa xôi, nhang đèn…
Vậy là trước khói nhang nghi ngút, lão Khục nhảy múa, uốn éo như người ta lên đồng với những câu thần chú thần anh rùng rợn. Dưới bóng chiều âm thâm, heo hút, hơi lạnh cắt da, thấu thịt, lão mặc độc một cái quần đùi mà chồm chỗm bên này, ngả nghiêng bên kia. Mắt lão lúc trợn ngược, lúc sụp xuống, lúc liếc ngang, khi đảo dọc, lúc lờ đà, khi lờ đờ như người mới được vớt dưới sông Pô Kô lên. Người ta tụ tập đến coi đông lắm. Đúng 6h chiều, mặt trời vừa khuất sau cánh rừng thông, công cuộc gọi hồn kêu vía kết thúc,  một mình lão ngồi vào cái thùng cột chặt vào ròng rọc để tìm xuống cái địa ngục tối tăm, thâm u, nơi chỉ toàn cô hồn các đảng. Sợi dây vừa thả xuống thì đứa con gái của lão bật khóc thảm thiết. Tiếng khóc thẽ thọt nghe thảm thương lắm. Một giờ, hai giờ rồi nhiều giờ, không thấy cái dây động đậy. Càng về khuya, sương càng buốt, cái dây vẫn đóng băng một chỗ. Người ta bảo nhau :
– Tiêu rồi!
– Lão Khục tiêu rồi!
– Lão già điên!
– Ai nuôi con nhỏ!
– Thiệt tình khốn khổ!
– Đi đời nhà ma rồi!
– Chết chắc!

Nhưng rồi đúng lúc tiếng gà rừng eo óc gáy canh ba, cái dây đột nhiên rung rinh. Ai nấy kinh hồn. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về hồi hộp, sợ hãi. Lão Khục về hay hồn của lão đây? Nhưng rồi đám người vẫn ùa tới cái tay quay. Quay lấy, quay để. Quay nhanh, quay mạnh. Đứa con gái lão cũng hồi hộp hay sao mà nó nín khóc, nó đưa mắt về phía sợi dây. Còn ẵm trên tay mà khôn dữ! Có tiếng ai đó. Người ta cứ quay và quay. Rồi cái thùng từ từ tiếp miệng hang. Đám đàn ông trai tráng ùa vào. Một mùi gây nhức xương long óc lan tỏa trong không gian. Xác người đàn ông trương phình ngồi thỏm thọt trong cái thùng vuông vức dùng để kéo đá. Nghĩ phận người trôi dạt ở bãi vàng này thật đáng nguyền rủa. Sống đã khốn khổ mà chết càng khốn khổ hơn. Chứ ai nói chết đi rồi sẽ nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đâu không thấy, chỉ thấy cái bụng trương phình đầy nước và ứ đọng bao nhiêu tử khí. Hai con mắt lõm vào bên trong đẩy cái mặt đầy lên cũng trương phình, nhìn gớm ghiếc. Trên tay người chết còn đeo cái đồng hồ senko chặt góc, mấy tay giang hồ nhìn thèm lẻm. Nhưng không ai dám động  đến vì nó lún sâu vào trong thịt. Cô vợ gào khóc vật vã thảm thiết trong tay mấy bà nhặt sái. Đau thương, nẫu ruột. Người ta nhanh chóng trải ra ngay miệng hầm một chiếc chiếu cũ quắt queo để có chỗ nằm cho kẻ xấu số. Ai đó đắp lên một tấm mền cũ kỹ, tơi góc. Thảm thương. Người ta cố quên cái mùi hôi thối để tiếp tục hành trình nhân từ còn sót lại nơi đáy sâu tâm hồn của những phận đời trôi dạt.
– Còn lão Khục!
Cái thùng được tiếp tục thả xuống. Nửa giờ sau, người ta thấy lão Khục cũng lọt thỏm trong cái thùng. Kể ra thì sống hay chết thì có gì khác nhau. Lão ngồi, đầu gục xuống, hai vai nhô lên, trông lão càng kì dị. Nhưng cái thùng vừa được kéo khỏi miệng hầm, lão đã đứng dậy, bước ra, tiến về phía con gái lão, dòm thom lom vào mặt nó. Con bé nhoẻn miệng cười. Lão cũng cười khọt khẹt ý chừng vui vẻ, mừng rỡ, cảm động lắm. Rồi lão quay sang nói với cô vợ kẻ xấu số:
– Tui chỉ lấy công 1 chỉ, còn lại về mà lo đám ma.
Lão đón lấy đứa con từ tay người đàn bà. “Về tắm rửa đã rồi mới ẵm con nhỏ”. Lão trợn mắt: “Đưa đây!”. Người đàn bà trao đứa bé cho lão. Lão ẵm nó trong đôi tay và thân thể còn nặc mùi tử khí. Lão đi nhanh về phía thung lũng Ma trơi. Nơi ấy chỉ có hai cha con lão và những oan hồn chết bờ chết bụi.
Từ đó, hễ có chuyện gì khó khăn trong việc kiếm người chết, bãi này lại nhờ đến lão Khục. Bao nhiêu câu chuyện kì dị cũng từ đó được thêu dệt nên. Rùng rợn hết sức.

– Cái hầm đó vừa đánh thuốc nổ. Tụi nó kêu mầy xuống xem đã hết khói thuốc chưa. Mầy mà xuống. Kết cục như thằng Chì thôi!
Thằng Chì là cháu nội bà Tám Chột. Ba mẹ nó chết sớm, nghèo quá, hai bà cháu ở dưới Đăkto trôi dạt lên đây để kiếm chút sái chứ không mơ mộng gì giàu có đổi đời. Thằng Chì tuổi 13, khỏe mạnh và đen nhẻm. Bởi có lẽ nó được mấy tay đào hầm đem thử nghiệm thuốc nổ nên người nó lúc nào cũng hăng hắc cái mùi chết chóc ấy. Chả là người ta đánh đá bằng thuốc nổ rồi kêu nó xuống coi khói thuốc đã tan chưa. Nó đứng vào cái thùng, dây thả  xuống,  thấy ngợp thì giật dây họ sẽ kéo nó lên. Cứ như vậy, nếu nó xuống tới đáy hầm mà dây không giật, coi như khói thuốc đã tan. Họ sẽ xuống mà lấy đá. Nhưng lần ấy, cái hầm gần đỉnh núi, đào gần hai chục mét mới thấy hơi vàng. Sâu lắm. Thằng Chì cũng đứng vào thùng và sợi dây được thả vội xuống. Tầm mươi mét, cái dây giật liên hồi. Người ta vội vã quay cái tay quay. Nhưng chỉ được hai vòng thì họ thấy nhẹ hẫng. Ai nấy bạt vía. Một ngày sau, thằng Chì được đưa lên, sọ vỡ nát. Bà nội nó cũng lao đầu xuống một cái hầm bỏ hoang, mất xác. Nghe đâu hầm ấy trúng đậm còn xác thằng nhỏ thì đang nằm mồ côi dưới thung lũng Ma trơi.
Đó là tôi nghe lão Khục kể lại, lão kể bằng một cái giọng hập hà hập hửi. Thi thoảng mắt lão ánh lên một tia nhìn dữ tợn. Có lẽ vì câu chuyện ấy mà lão không để đám giang hồ tiếp cận tôi. Thật ra tay giang hồ cũng đã giúi cho tôi năm ngàn để đứng vào cái thùng và giật sợi dây. Tôi thật sự  rất thèm số tiền có thể mua được mấy zem vàng đó. Tôi có thể xuống nhiều lần trong một ngày và chẳng bao lâu, tôi sẽ có vài cây vàng và rời khỏi nơi chết tiệt này. Tôi sẽ về quê mua cho má tôi một chiếc xe máy để má chở võng đi bán, không phải gánh lên vai đi từ khuya hôm trước. Nghĩ đến má, tôi muốn ứa nước mắt, nhưng nhìn lão Khục tôi càng thấy thảm thương hơn. Lão Khục ở dưới thung lũng  Ma trơi cùng với đứa con gái đã hơn mười năm nay. Đứa con gái hồi nhỏ xanh rớt, hai tuổi rồi vẫn còn bế trên tay. Lão bọc con như con gà mái mơ nhà tôi vẫn bọc con mỗi ngày mỗi đêm. Hồi nhỏ tôi vẫn theo dõi đám gà má nuôi, tôi thấy gà mẹ thương con chẳng khác gì con người. Lão Khục thương con luôn phần của mẹ nó. Nghe đâu vợ lão sinh con xong rồi bỏ đi vì xấu hổ khi phải ở chung nhà với một hình nhân quái dị, hình nhân thoát ra từ bom đạn, từ những chất độc hủy diệt của chiến tranh. Lẽ ra lão phải được đeo huân chương, được ca ngợi như một người hùng. Nhưng rồi tất cả bị thời cuộc lãng quên. Dị nghị, gièm pha, thương hại…, người đàn bà nức tiếng xinh đẹp đã không thể sống với những kỉ niệm và bóng hình đã phôi pha. Nên một đêm muộn thị đã rời xa lão. Lão Khục ngẩn ngơ một thời gian dài và sau đó lão bế con ngược xuôi, cuối cùng neo lại thung lũng Ma trơi ở xứ Đaklay này.
Đứa con gái lớn lên xinh xẻo lắm, mới mười hai, mười ba mà mắt miệng đã biết lúng liếng làm duyên. Lão thường bảo tôi về mà tiếp tục đi học, đỗ vào đại học thì lão sẽ gả con gái cho. “Mầy có thiếu tiền đi học, tao cho! Ở đây riết, phần người rồi cũng khó giữ!”. Những lúc như vậy, lão cười hiền lành lắm. Nhưng chuyện đời đâu thể ngờ. Con gái lão trong một đêm đã rời chốn thâm u ám lạnh này để đi đến một nơi mà nó nghĩ là tươi sáng ấm áp hơn. Năm ấy nó mới 14 tuổi. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, lão điên dại thét gào khi tìm thấy một bức thư với nét chữ nguệch ngoạc. Con bé đã được lão dạy cho biết đọc, biết viết. Nhưng nó trả lại cho lão những con chữ đầu tiên cùng một nỗi đau thấu trời. Lão quắt queo trong nỗi đau đớn, thương nhớ con. Lão không đi nhặt đá nữa, cũng không nhận lời xuống hầm sâu kiếm xác người. Lão cũng không còn thần anh thần chú, cũng không gọi hồn gọi vía cho ai. Lão đang để hết tâm hết lực để gọi hồn đứa con gái và gọi hồn cho chính lão. Đêm đêm, dưới thung lũng Ma trơi, người ta nhìn thấy những ánh lửa chờn vờn cùng với bao âm thanh ai oán ghê rợn lắm. Rồi một đêm, lão Khục đi đâu không ai rõ. Tự nhiên ai cũng nhớ cái dáng khập khàng với hai cánh tay lúc loẻo liêu xiêu trong chiều. Lão Khục đi đâu? Chẳng ai có thể biết được. Chỉ biết rằng từ đó khắp các bãi vàng xứ Tây Nguyên, người ta thi thoảng nhìn thấy một hình nhân quái dị, đôi mắt xam xảm màu tro tàn. Và đêm đêm vẳng trong rừng sâu tiếng gọi con khẽ khọt và thảm thiết lắm.
Sài Gòn,18.6.2020
PHAN THỊ MỸ HUỆ
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chính danh và háo danh

Chính danh và háo danh Giở cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” ra, tôi giật mình. Trong số hơn 1.000 hội viên cũng có nhiều người từ lâu khôn...