Các nghệ sĩ là đại biểu dự Hội nghị Văn hóa
toàn quốc: Không
có văn hóa, sự no đủ
hay giàu có cũng vô nghĩa
Nhà biên kịch – nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSND Thanh Hoa,
NSND Trung Hiếu… là các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11. Họ
đã có những chia sẻ ý kiến tâm huyết với báo chí, truyền thông.
Nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Không có văn hóa
thì sự no đủ hay giàu có cũng vô nghĩa.
“Tôi và mọi người bất ngờ vì đại hội lần này được tổ chức bởi
văn hóa chìm đắm đã rất lâu rồi, hơn 40 năm Hội nghị Văn hóa mới được tổ chức lần
thứ 3.
Sau một thời gian tập trung vào kinh tế rồi các lĩnh vực khác
quan trọng hơn, đến giờ chúng ta mới giật mình thấy văn hóa quả thực rất quan
trọng, nếu không có nó thì những sự no đủ hay giàu có cũng vô nghĩa. Dù chậm đến
mấy chục năm nhưng đến giờ mới có một hội nghị lớn chuyên đề về văn hóa là điều
quá tốt đối với nền tảng văn hóa của đất nước nói chung và văn hóa chuyên sâu
nói riêng.
Nếu thiếu văn hóa thì xã hội đi về đâu? Tất cả các lĩnh vực đều
cần đến văn hóa, văn hóa sống, văn hóa ứng xử, văn hóa đạo nghĩa, văn hóa mà
dân tộc gìn giữ từ xưa đến giờ giờ buông lỏng rất nhiều nên xã hội loạn nhiều
thứ, loạn bằng cấp, loạn về vị trí xã hội… Văn hóa nghệ thuật chuyên sâu cũng gần
như bị thả nổi để kinh tế thị trường chi phối mà hầu như không được đầu tư.
Văn hóa chính là con người, con người trong ứng xử, con người
trong cuộc sống, con người trong tôn sư trọng đạo, con người trong đạo lý của
gia đình, trong xã hội… Con người trong cả công việc sáng tạo của mình nữa. Nhiều
loại hình văn học nghệ thuật rất sang trọng nhưng ẩn trong đó có nhiều điều cần
phải nói như nhân cách, đạo đức, ứng xử không đẹp như tác phẩm họ viết ra.
Trong lĩnh vực văn hóa cũng phải rất văn hóa.
Trong nghị quyết ĐH Đảng lần nào cũng có chương về văn hóa
văn nghệ, rất nhiều nghị quyết nói về văn hóa rất nhiều nhưng dường như người
ta không chú ý đến điều đó. Đầu tư cho văn hóa ngày càng ít đi và đầu tư cho
các ngành nghệ thuật cũng vậy, rất dè sẻn.
Tôi thấy Hội nghị Văn hóa thế này vô vùng quan trọng và mong
rằng hội nghị đánh trống lên không nên bỏ dùi mà triển khai tích cực trong các
ngành từ trung ương đến địa phương, từ các tỉnh thành đến quận huyện, xã, thôn.
Hội nghị đã đánh trống cái, trống to khi tổ chức ở quy mô
toàn quốc. Tổng Bí thư cũng rất tâm huyết và đã có bài phát biểu rất hay, xúc động,
tâm huyết và chia sẻ thẳng thắn và rất đúng. Bộ Chính trị, trung ương và các
ban ngành chú ý đến văn hóa. Nhân đà này Bộ Văn hóa sẽ phải chủ trì biến tất cả
thành hành động vì trong bộ có tất cả các vụ viện, từ chiều rộng đến chiều sâu,
từ Cục văn hóa cơ sở đến Cục Sân khấu, Điện ảnh, Mỹ thuật… , Hội Nhà văn săn
sóc các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Làm sao 10 hội ấy phát huy được khả năng
hoạt động của người ta làm ra các tác phẩm hay phục vụ nhân dân, đầy tính nhân
văn, nhân bản, bản sắc dân tộc…”.
NSND Thanh Hoa: Nếu kinh tế phát triển mà không có văn hóa sẽ
thành chộp giật
NSND Thanh Hoa (trái) tại Đại hội văn hóa toàn quốc.
Tôi hy vọng khi lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ đã
quan tâm, nhìn nhận sâu sắc mọi khía cạnh được và chưa được của văn hoá nước
nhà hiện nay, chắc chắn bước ngoặt lịch sử về văn hoá sẽ sang trang – vì văn
hoá là nhân cách, là ứng xử, là tôn ti trật tự, là tri thức của con người.
Kỳ vọng của tôi là Thủ đô và thành phố lớn sẽ có nền văn minh
đô thị – văn hoá nghệ thuật Việt Nam không lai tạp – truyền thông Việt Nam
không phủ sóng phim – ca nhạc tới 80% là của nước ngoài như hiện nay. Các cháu
thiếu nhi không bị đánh cắp tuổi thơ ép thành người lớn trong nghệ thuật và còn
nhiều chi tiết văn hoá cần được quan tâm.
Hiện nay tôi thấy trống vắng nhất là ý thức văn hóa cộng đồng.
Những lễ nghĩa tinh tế, trên dưới nề nếp, tôn sư trọng đạo, tình làng nghĩa
xóm… của ông cha ta phải được bảo tồn. Thực tế khi gặp bão lụt, hoạn nạn, vẫn
có người đứng ra từ thiện, tình nguyện chia sẻ nhưng chỉ là tức thời. Đó vẫn chỉ
là cái ngọn.
Người ta cần phải yêu thương nhau từ gốc. Trong xã hội phải
có văn hóa, văn minh, ý thức cộng đồng. Trong kinh doanh không giả dối, không lừa
lọc hại nhau. Nếu kinh tế phát triển mà không có văn hóa sẽ thành chộp giật và
chúng ta tự giết lẫn nhau. Không có ý thức văn hóa cộng đồng tôi nghĩ làm bất cứ
thứ gì cũng thất bại. Nếu có ý thức, có văn hóa, người ta không được quyền lăng
nhục, xúc phạm người khác trên không gian công cộng. Khi chạy theo trào lưu nói
xấu, tung tin đồn thất thiệt về người khác, người đó thể hiện phông văn hóa.
Trào lưu rồi sẽ qua đi nhưng những tổn thương có thể sẽ không bao giờ hàn gắn
được.
NSND Trung Hiếu: Để nghệ sĩ tài năng bỏ nghề rất đáng tiếc
Với tư cách là nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn và nhà quản lý,
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất
vui mừng khi tham dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ 3. Đây chính là dịp để
chúng ta có cái nhìn tổng quát về văn hóa, trong đó có nền văn hóa Hà Nội nói
riêng cũng như văn hóa nghệ thuật của cả nước nói chung”.
Theo NSND Trung Hiếu, văn hóa là nội sinh của giá trị tinh thần
con người, một dân tộc cần phải giữ gìn giá trị đó thì mới có bản sắc của mình.
Với tư cách là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đơn vị văn hóa nghệ thuật của Thủ
đô, NSND Trung Hiếu cho biết, anh đã kiến nghị Thành phố và Trung ương cho Nhà
hát Kịch Hà Nội cùng 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc TP. Hà Nội có những cơ chế
đặc thù. Bởi theo anh, có cơ chế đặc thù cho nghệ thuật thì mới có thể “giữ
chân” được những người tài năng.
“Nếu để các nghệ sĩ tài năng phải bỏ nghề thì rất đáng tiếc,
nhất là khi nhiều nghệ sĩ là những người có tài năng thiên bẩm. Vì vậy, làm sao
có cơ chế đặc thù cho nghệ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ phát
triển một cách ổn định là điều rất quan trọng”, NSND Trung Hiếu nói.
Theo Vietnamnet
14/1/2020
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét