Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Con ngựa hoang - Cánh đại bàng của núi

Con ngựa hoang
Cánh đại bàng của núi…

Để bất ngờ, khi bay ra Hà Nội, tôi đã không gọi điện trước cho Sước, mà chỉ khi lên tới Cao Bằng, tôi mới gọi điện cho bạn .Thì quả thật là bất ngờ, không phải cho Sước, mà cho chính tôi, khi nghe bạn tôi phân bua đầy ân hận trong điện thoại rằng: “Tao đang ở Hà Nội…”
Nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước) – Ảnh ANTV
Năm 1971, tôi từ mặt trận Lào được triệu về Hà Nội học một lớp điện ảnh của Quân đội (nhưng khi ra tới nơi thì mới hay chỉ là lớp chiếu bóng, thất vọng não nề). Ngồi bên tôi là một thằng lính đặc công, ngăm ngăm đen, mái tóc bềnh bồng, chiếc mũi hơi khoằm khoằm, nhìn nó rất đẹp trai tựa như Gơ ri gô ri của Sông Đông êm đềm. Đặc biệt của thằng này là nó có mùi mồ hôi hoi hoi rất lạ, tôi chưa từng thấy ở một thằng lính nào (sau này mới biết nhà nó ở vùng núi cao nuôi ngựa, nó phải đi chăn ngựa từ bé).
Thấy nó hay hay, tôi mới hỏi nó:- Mày tên là gì? Đáp: Tao là Hứa Vĩnh Sước. – Ồ, tên mày hay thế?- Ừ, tao là người Tày, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng, nhưng đơn vị tao đánh ở Nam bộ. – Còn tao thì đánh nhau ở Lào – Tôi nói với nó. Nhưng nhà tao thì ở Hà Nội, lúc nào tao chở mày về nhà tao chơi…
Thoạt đầu làm quen chỉ là vậy thôi, như mọi thằng lính với nhau. Nhưng rồi có một chiều thứ bảy, lớp học được nghỉ, tôi chở nó về chơi Hà Nội (vì đây là lần đầu tiên nó được biết Thủ đô). Thú thật lúc này tôi đang yêu một em diễn viên múa Hà Nội, nên đêm ấy chở nó đến rạp Công Nhân xem đoàn của em tôi biểu diễn. Tiếng đàn tiếng hát vang lên, nó xem say mê lắm, nhưng xem ra thằng này không có… máu gái. Bằng cớ là sau đêm diễn, tôi có giới thiệu nó làm quen với mấy cô bạn diễn viên múa của người yêu tôi, các em nhìn nó mắt đều long lanh, lại có em còn ngấm nguýt khen nó với em của tôi: “Người yêu mày có thằng bạn đẹp trai quá. Nhìn… hoang dã lắm”. Nhưng thằng bạn tôi chẳng mảy may quan tâm gì và cũng chẳng bắt chuyện làm quen với ai…
Ít ngày sau tôi đưa nó về nhà tôi chơi. Cùng là bạn lính với con mình, lại là người dân tộc, mẹ tôi quý nó lắm. Tôi không nhớ mẹ tôi có hát tặng nó bài hát “Trông vời lưng núi, khuổi nậm ri rào núi cao tầng mây…” của chú Nguyễn Tài Tuệ viết về quê nó hay không, nhưng mẹ tôi có pha cho nó một cốc nước chanh đường mời nó uống. Nói thật nghệ sỹ hát khi ấy, dù là đơn ca chính của đoàn ca múa TW như mẹ tôi, nhưng tiêu chuẩn bồi dưỡng cũng còn khiêm tốn lắm (đất nước đang chiến tranh mà). Mẹ tôi chỉ dám pha cho mình một cốc chanh đường trước khi ra sân khấu biểu diễn mà thôi. Thế nhưng phần bồi dưỡng cho đêm diễn tối ấy, mẹ tôi đã dành cho bạn của tôi…
Sau những lần đi chơi ấy, nó mới thổ lộ với tôi là nó yêu thơ ca lắm và thầm nguyện ước sẽ là một nhà thơ. Đây cũng là tình yêu và nguyện ước của tôi thời gian ấy. Thế là hai thằng ra đây để học về chiếu bóng – điện ảnh thì ít, mà đêm đêm cứ đi loanh quanh cánh đồng Kim Ngưu, lúc này còn là đồng lúa, ngồi hút thuốc và trò chuyện thơ ca thì nhiều. Bao kiến thức văn học, bao hiểu biết về các nhà thơ Việt Nam và thế giới, bao câu chuyện về các nhà thơ trẻ… tôi say sưa kể, và trao gửi hết cho nó, với tất cả tấm lòng yêu quý nó, một thằng lính rất đẹp trai và có mùi mồ hôi hoi hoi rất lạ, một người con của một vùng rừng núi xa, một thằng lính rất yêu thơ và tin chắc thơ của nó sẽ có gió ngàn réo gọi, có vó ngựa khua vang, có những đỉnh núi cao và những thác nước hùng vĩ – Nghĩa là sẽ rất mới lạ, sẽ rất khác thơ chúng tôi (sau này thì thấy thơ nó đúng là vừa lạ hơn, vừa hay hơn thơ chúng tôi thật)
Chuyện trò không đủ, tôi còn hăng hái chở nó đi “tiếp cận” với thi ca nữa. Bạn hãy hình dung ngày ấy tôi từ chiến trường ra, gầy gò, người xanh mướt vì sốt rừng, thế mà ngày ngày còng lưng chở nó – Một thằng lính to cao, vạm vỡ – trên một chiếc xe đạp thống nhất của mẹ tôi – đến hết tòa soạn báo này đến tòa soạn báo kia, để nó được ngửi mùi các con chữ thơ ca, để nó được mục kỉnh sở thị, được chiêm ngưỡng và làm quen với các nhà thơ… Sau này nó tâm sự với tôi là ấn tượng nhất với nó những ngày ấy là lần tôi đưa nó đến Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, được gặp hai nhà thơ là Xuân Sách và Văn Thảo Nguyên, được nghe các nhà thơ này giáo huấn về con đường thi ca của một người lính phải như thế nào… và đêm ấy là đêm đầu tiên nó đã thức trắng để run rấy và xao xuyến viết những vần thơ đầu tiên của đời mình…
*
Hôm ở nhà tôi ra về, nó nắm tay mẹ tôi nói: “Cô ơi, đất nước còn chiến tranh, rồi mai mốt chúng cháu lại đi vào mặt trận, cháu chưa mời cô về thăm quê hương cháu được. Nhưng sau này khi hết giặc, cháu mời cô cô nhé…”. Mẹ tôi cũng xiết chặt tay nó và nói với nó đầy âu yếm: “Thể nào cô cũng lên thăm quê hương cháu, thăm bố mẹ cháu. Có một người con như các cháu, bố mẹ nào cũng tự hào. Nhớ gìn giữ sức khỏe cháu nhé…”.
Mẹ tôi hứa với nó như thế nhưng đáng tiếc sau này vì nhiều lý do, mẹ vẫn chưa một lần được lên Cao Bằng, Trùng Khánh, thăm quê hương và bố mẹ Hứa Vĩnh Sước. Ngay cả tôi ngày ấy thân với nó thế, mà rồi phải 42 năm sau, tôi mới thực hiện được lời hứa này…
Số là hồi đó chỉ ít ngày sau, đơn vị gọi gấp tôi về mặt trận. Vì là nhiệm vụ đặc biệt, nên tôi chỉ lặng lẽ khoác ba lô ra đi, chẳng được chào một ai. Kể cả Hứa Vĩnh Sước. Rồi cũng một thời gian ngắn sau, Sước cũng lại trở về mặt trận. ”Hai đứa ở hai đầu xa thẳm”. Tôi ở mặt trận Lào và Sước ở B2 Nam bộ…
Năm 2012, khi này tôi đã ở TPHCM và đã dò được tung tích người bạn của mình năm xưa, nay là nhà thơ tên tuổi Y Phương (dù không tên tuổi thì tôi vẫn yêu quý nó như thế). Trong một chuyến du xuân cùng bạn bè lên Cao Bằng, tôi nhất quyết giá nào cũng phải thực hiện lời hứa năm xưa, cả cho tôi và cho mẹ tôi (lúc này mẹ tôi đã mất), là lên thăm quê hương và gia đình Hứa Vĩnh Sước… Tôi cũng kể lại cho bạn bè tôi trên xe ý định ấy và ai cũng hưởng ứng, vì du xuân nơi Cao Bằng, đi thăm Pắc Bó, thăm thác Bản Dốc, thăm Trùng khánh, lại được đến thăm nhà một người bạn lính của tôi, nay là một nhà thơ tên tuổi, từng có những câu thơ cháy lòng mà dường như bạn bè tôi đây ai cũng thuộc thì thật chẳng có gì thú vị hơn…
Để bất ngờ, khi bay ra Hà Nội, tôi đã không gọi điện trước cho Sước, mà chỉ khi lên tới Cao Bằng, tôi mới gọi điện cho bạn .Thì quả thật là bất ngờ, không phải cho Sước, mà cho chính tôi, khi nghe bạn tôi phân bua đầy ân hận trong điện thoại rằng: “Tao đang ở Hà Nội. Tết này tao ăn tết ở Hà Nội mày ạ. Bây giờ cả gia đình tao chuyển về ở hẳn Hà Nội rồi…”. Thú thật nghe thế tôi choáng váng, không phải vì ngày xuân nó đã không về thắp hương cho ông bà, mà choáng váng bởi làm sao nó có thể dứt bỏ nơi này về đô thị mà sống được hả Sước. Giời ơi, tôi gầm lên trong máy: Quê mày đẹp thế này mà sao mày bỏ mà đi hả Sước. Mày về Hà Nội làm gì, cho dù mày có là hổ đi chăng nữa thì cũng chỉ là con hổ ở vườn bách thảo mà thôi. Mày phải ở đây, mày phải là con ngựa hoang, mày phải là cánh đại bàng trên đỉnh núi này, mày phải là gió ngàn, là thác nước gầm vang hiểu chưa hả Sước”. Tôi định nói thêm với nó rằng: “Gơ ri gô ri ơi, đến Mạc Tư Khoa vẫy gọi thế mà Sô Lô Khốp cũng chẳng bao giờ rời bỏ sông Đông, Raxun Gamzatôp cũng không bao xa xứ Đaghetxtan. Thế mà mày…” thì nghe đầu giây đằng kia một tiếng nấc, rồi òa lên tiếng khóc, tiếng khóc như không thể kìm nén, tiếng khóc của một người lính tuổi đã ngoài 60 mà nức nở như một đứa trẻ thơ. Nói thật nghe nó khóc, tôi hãi hùng quá, không thể nói, và cũng không thể nghe được nữa. Tôi tắt vội máy và ngồi chết lặng, chỉ còn nhịp tim đập hổn hển. Tất cả mọi ánh mắt trong xe cũng đều nhìn tôi, đờ đẫn, bàng hoàng. Bởi họ đều nghe rõ tiếng nấc, tiếng khóc của Hứa Vĩnh Sước…
… Tôi không biết rằng nó còn khóc bao lâu nữa nhưng tôi thì dù tắt máy rồi mà vẫn cứ như nghe thấy tiếng nức nở của nó theo tôi suốt chặng đường đi. Theo tôi nhiều năm tháng về sau. Tôi vô cùng ân hận, tự trách mình đã chạm đến nỗi đau sâu thẳm của nó, thằng bạn lính năm xưa mà mình từng hết sức yêu quý, nâng niu. Rồi suốt cuộc đời, tâm hồn tôi sẽ chẳng thể yên, rồi suốt cuộc đời tôi sẽ còn ân hận vì tiếng nức nở của nó đêm ấy…
Đôi lời thêm với cháu Nhuệ Anh – con gái xinh đẹp của bố Hứa Vĩnh Sước:
Chú đã viết câu chuyện của chú với bố cháu – câu chuyện của hai người lính. Nhưng đến bây giờ thì chú đã hiểu, vì sao bố cháu đã dứt bỏ tất cả núi rừng nương rẫy để về nơi thành phố này. Vì muốn ở bên các cháu! Bố cháu đã chấp nhận không là con ngựa hoang, không là cánh đại bàng… mà chỉ là một con cá chuối, một con “cá chuối đắm đuối vì con”…
Nhưng 20 năm nữa, 30 năm nữa, hay 50 năm nữa… các cháu hãy trả bố cháu về lại với núi rừng sông suối. Mãi mãi bố cháu phải là người con của núi rừng, mãi mãi bố cháu phải sống bên con sông dòng suối, mãi mãi bố cháu phải là con ngựa hoang, phải là cánh đại bàng nơi đỉnh núi cháu ạ.
Nhuệ Anh ơi, hãy hứa với chú điều này cháu nhé…
Riêng tâm sự thêm với Hứa Vĩnh Sước:
Tao mong một ngày nào đó mày in tuyển thơ của mày, mày cho tao một quyển Sước nhé, và nhớ ghi vào trang đầu của sách là: ”Kính tặng cô Tân Nhân yêu quý”. Tao sẽ mang lại mộ mẹ tao, sẽ hóa sách cho mẹ tao dưới ấy đọc thơ của mày. Tao sẽ thưa với mẹ rằng: Thơ của nhà thơ Y Phương, tức thằng Hứa Vĩnh Sước đấy mẹ ạ, Giờ đây đôi chân của nó gần như tê liệt rồi, nhưng đôi tay của nó vẫn giang rộng như đôi cánh đại bàng vẫy vùng giữa bầu trời xanh. Thơ của nó mãi mãi là tiếng hát của một con đại bàng mẹ ạ.
C.L.V
 
6/7/2020
Châu La Việt
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...