Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Gió thổi từ phía sông

Gió thổi từ phía sông

Đêm. Bóng trăng bàng bạc soi hàng cây đen trũi đứng im lìm nơi góc phố.
Những đám mây cuồn cuộn kéo sương về giăng kín mặt sông, gió từ biển thổi vào, trong ánh chớp loang loáng những giọt mưa. Trên sông thoảng có tiếng còi tàu gầm lên rồi tan trong sương mù.
Căn gác ọp ẹp nằm sâu hun hút trong một xóm lao động nghèo, bên con dốc đổ ra sông, anh mướn ở tạm hơn tháng nay. Đã lâu anh không về quê, anh sợ ánh mắt mẹ nhìn anh đau đáu, sợ tiếng thở dài thườn thượt của cha. Đêm nối tiếp đêm, những giấc mơ không đầu không cuối. Có giấc mơ anh nghe tiếng con gái nhỏ gọi rồi chạy đến sà vào lòng anh, gương mặt rạng rỡ cứ như nó chỉ tạm biệt anh đi chơi đâu đó vài hôm. Có giấc mơ anh thấy cô – người đàn bà đã đi cùng anh một đoạn đời. Anh choàng dậy thở dốc, cơn bạo bệnh đã mang con gái xa anh, người đàn bà cũng lặng lẽ rời đi.
Nhà văn Vũ Ngọc Giao
Qua hết góc phố, anh rẽ vào ngõ sâu, trận mưa nhỏ đã khiến con ngõ lầy lội. Đâu đây có tiếng trẻ con thút thít khóc, anh dừng lại. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường, hai đứa trẻ đang ngồi nép bên hiên, tiếng bé gái dỗ dành:
– Nín đi em! Mẹ sắp về rồi.
– Không! Em muốn mẹ – Bé trai nức nở.
– Thôi chị xin, lên chị cõng về!
Mặc cho chị dỗ dành, bé trai vẫn gào lên. Anh lại gần, đứa em thấy người lạ liền nép vào người chị.
– Sao cháu để em ngồi đây? – Anh hỏi cô bé.
– Em cháu không chịu ngủ, muốn ra đầu đường đón mẹ – Cô bé thỏ thẻ, chỉ tay ra đầu ngõ.
– Mẹ cháu đâu?
– Mẹ cháu đi làm. Cháu cõng em ra đến đây thì gặp mưa.
Mưa ngớt hạt, lúc này anh mới thấy lạnh vì bộ quần áo trên người đang ngấm nước, cô bé cũng ướt vì che cho em. “Con bé trạc tuổi con gái mình ngày đó”, anh thầm nghĩ.
– Cháu đưa em về đi kẻo lạnh.
– Cháu dỗ nhưng em không chịu – Cô bé buồn rầu.
Anh cúi xuống xốc bé trai lên dỗ dành:
– Nào, để chú đưa về! – Nói đoạn anh cõng thằng bé lên lưng, quay sang cô chị – Nhà cháu đâu, đưa chú đi?
Cô bé đi trước, như cái nấm lọt thỏm vào bóng đêm. Mưa đã tạnh, cậu bé thôi khóc, ngủ khì trên vai anh từ lúc nào. Đến trước căn nhà nhỏ tối om, cô bé lễ phép:
– Nhà cháu đây rồi, cảm ơn chú! – Nói rồi cô đưa tay đỡ em. Trong đêm tối mắt cô lấp lánh, anh nhìn thật lâu vào đôi mắt ấy, tim chợt thắt lại vì nhớ con.
Cô bé vào nhà, khép cửa. Anh đứng hồi lâu trước căn nhà rồi lững thững ra phố. Đêm đã khuya, tiếng chuông nhà thờ vọng lại từng hồi, bóng anh đổ dài lẫn vào bóng hàng cây bằng lăng bên đường.
* * *
Có tiếng đập cửa, cánh cửa gỗ bị mối ăn lâu ngày rung bần bật. Anh uể oải ngồi dậy. “Đời này vẫn còn kẻ tìm ta?”, anh cười, nụ cười méo xệch. Vừa gạt then cửa, bà chủ nhà trọ đã xồng xộc vào phòng:
– Trả tiền nhà tháng này đi chú!
– Cho tôi hết tuần này đi! – Anh ngại ngùng nhìn xuống sàn nhà.
– Thôi, thôi! Tôi sợ mấy người lắm! Tháng trước có người ở đây, nửa đêm bỏ đi, mất của tôi ba tháng tiền nhà – Bà chủ nhà trọ xoe xóe khiến anh ớn lạnh.
Anh đưa tay ôm đầu, một lúc ngẩng lên. Nhìn thấy trong mắt anh vằn những tia máu đỏ, bà đi giật lùi ra cửa, hậm hực:
– Tuần sau tôi ghé qua, chưa có tiền nhà tôi cho người khác thuê ráng chịu!
Anh nằm yên nhìn lên trần nhà loang lổ. “Ôi chao cuộc đời!”, sao anh lại ra nông nỗi này, như ai đó bảo đời người như một dòng sông, lúc êm êm trôi xuôi, lúc cuồn cuộn chảy xiết. Khoác vội áo ra đường, anh ngước nhìn trời, sao đêm nay dày đặc, dưới chân cầu vực nước xoáy đen ngòm. Anh quay đi, thả bộ về phía ngõ nhỏ đêm qua. Trong đêm, xóm lao động nằm phơi mình nhợt nhạt dưới trăng.
Nhà cô bé kia rồi, anh bỗng bật cười, đi chậm lại. Ai nhìn thấy anh lúc này sẽ nghĩ là tên trộm. Xóm lao động về đêm phát ra hàng mớ âm thanh hỗn độn – tiếng phành phạch của xe máy cũ, tiếng chan chát búa nện đinh, tiếng xào nấu thơm phức, có cả tiếng chí chóe cãi nhau… Chợt có tiếng cười khanh khách của trẻ con, là cậu bé đêm qua, theo sau là cô chị. Anh ngây người nhìn hai đứa trẻ, cô bé nhận ra anh vội khoanh tay:
– Cháu chào chú!
– Hôm nay em không đòi đi tìm mẹ nữa à? – Anh cười nhìn bé trai.
Cậu bé nấp sau lưng chị bẽn lẽn, chừng đã quen, nó chạy vào nhà mang ra chiếc ghế nhỏ, ngọng nghịu “mời chú ngồi”.
– Cháu đi học chưa? – Anh nhìn cô bé.
– Cháu ở nhà trông em cho mẹ đi làm – Cô bé lí nhí trả lời.
– Mẹ cháu làm gì? Cháu bao nhiêu tuổi?
– Mẹ cháu làm công nhân cắt cỏ, hôm nào nhiều cỏ mẹ phải tăng ca, cháu năm tuổi rồi – Cô bé xòe bàn tay xinh xắn ra trước mặt anh – Em cháu ba tuổi – Ngừng một lát cô bé kể – Từ ngày ba cháu chết vì tai nạn, mẹ đi làm nhiều hơn, mẹ bảo sang năm cho cháu đi học, cháu sẽ vào lớp một, còn em đi mẫu giáo – Cô bé khoe, đôi mắt long lanh.
Anh lặng người ngắm hai đứa trẻ, chúng ngoan ngoãn và đáng yêu, dù phải sớm chịu thiệt thòi, mất mát. Hai chị em say sưa chơi làm tàu hỏa, cậu bé di di vỏ lon bia xuống nền nhà, chu miệng giả làm tiếng còi tàu tu… tu… lao về phía chị. Cô bé chơi với em, chốc chốc lại ngóng ra ngõ, gương mặt ngây thơ và cái nhìn khắc khoải chờ đợi.
– Giờ cho một điều ước, cháu sẽ ước gì nào? – Anh nhìn vào mắt cô bé.
– Cháu ước có một con búp bê biết hát – Cô bé trả lời, đôi mắt ánh lên vẻ trẻ thơ.
Câu trả lời khiến anh lại nhớ con gái ngày trước cũng có một con búp bê biết hát. Anh vuốt nhẹ mái tóc đang bết lại vì mồ hôi của cô bé, lặng yên nhìn ra màn trời đêm.
– Mẹ bảo hôm nào nhận tiền công đan áo mẹ sẽ mua cho em một chiếc máy bay, bay được lên trời, có cả đèn nhấp nháy và tiếng ù ù như máy bay thật chú ạ! – Cô bé hào hứng kể.
– Còn búp bê? Cháu cũng thích một con búp bê mà?
– Cháu thích mẹ mua máy bay cho em hơn, mẹ nhận áo về đan, hôm trước còn một cuộn len sợi, mẹ bảo sẽ tết thành một con búp bê cho cháu, cháu chơi con búp bê bằng len cũng thích mà! – Cô bé nheo mắt cười.
Tiếng sấm đì đùng từ xa báo hiệu sắp mưa, cậu bé ngửa mặt nhìn trời, bịt chặt tai chạy vào nhà. Anh đứng lên:
– Nhớ đóng cửa đợi mẹ về. Chú đi đây!
Bậc thang dưới hiên chênh vênh khiến anh loạng choạng suýt ngã. Gượng lại, anh ngẩng lên, một gương mặt thiếu phụ trong chiếc khăn buộc sụp xuống tận mắt đang nhìn anh chăm chăm. Cậu bé reo lên:
– Mẹ về! Chị Hai ơi mẹ về!
Hai đứa trẻ nhào ra ôm mẹ. Thiếu phụ vẫn im lặng nhìn anh, cái nhìn ngờ vực không giấu giếm.
– Chú đêm qua con kể mẹ, chú cõng em về giúp con! – Cô bé nhìn mẹ giải thích.
Nghe vậy nét mặt thiếu phụ giãn ra, nàng chào anh. Dưới ánh sáng mờ nhạt của bóng đèn hắt ra, anh thoáng thấy gương mặt đằm thắm.
– Mời chú vào nhà đi con! – Nàng nói khẽ.
Chờ có vậy, cậu bé toe miệng cười nắm tay anh kéo tuột vào nhà rồi nhanh nhảu đi khiêng ghế. Nàng vào trong một lúc rồi trở ra ngồi xuống chiếc ghế đối diện:
– Hôm qua tôi tăng ca, về đến nhà nghe con bé kể nhờ có chú đưa về, chứ không còn mắc mưa – Nàng mỉm cười dịu dàng.
Anh yên lặng nhìn căn nhà nhỏ bài trí gọn gàng, đơn sơ. Trên bàn, một lọ hoa cúc trắng còn tươi, bên khung cửa bức rèm xanh lay nhè nhẹ, tiếng đồng hồ chậm rãi gõ từng nhịp đều đều, trên tường bức ảnh ba mẹ con được lồng vào khung kính… Một cuộc sống bình thản như tách rời với thế giới ngoài kia. Nàng cắm cúi đan áo, những cuộn len đủ màu và đôi que đan trong tay nàng thoăn thoắt. Anh thấy lòng bình yên đến lạ, ngoài kia gió phần phật thổi về. Nàng vẫn cắm cúi đan, đôi que đan phát ra tiếng lách cách vui tai. Gió lại rít lên, bóng đèn vàng run rẩy va vào tường phát ra tiếng kêu lanh canh…
Dưới ánh đèn thiếu sáng gương mặt thiếu phụ nhợt nhạt, mắt vẫn nhìn vào đôi que đan chăm chú, làn môi cong đầy đặn và những sợi tóc vương trên trán nàng bết lại vì mồ hôi. Gương mặt thùy mị, kín đáo trên bờ vai mảnh dẻ trông nàng yếu đuối như cây cỏ. Anh nghe hồn mình chợt rung lên như phím đàn bụi phủ lâu ngày bị bỏ quên, có ai vừa đi qua khẽ chạm.
Đêm đen thẳm.
* * *
Ra khỏi công ty, anh thở phào. Một ngày làm việc với hội đồng quản trị cũng có kết quả, anh sang nhượng được một phần vốn đã góp vào cổ đông. Số tiền đủ để anh mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô. “Mọi sự sẽ qua” – Anh tự nhủ rồi tạt vào quán cơm bên đường.
Thành phố lên đèn, anh thả bộ đến nhà sách. Lên tầng ba, nơi bán đồ chơi trẻ em, mắt anh hoa lên vì dãy búp bê trong tủ kính. “Tôi cần một con búp bê xinh xắn và biết hát, cô chọn giúp tôi”, anh nói với cô bán hàng. Suy nghĩ một lúc, cô gái lấy xuống cô búp bê tóc dài thắt bím mặc chiếc váy hoa. Anh chạm vào búp bê, một giọng hát trẻ con trong trẻo cất lên Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé… Anh lặng người, bài hát quen thuộc ngày nào con gái bé bỏng đã hát cho anh nghe khi nó vào lớp một. Anh run run đón búp bê từ tay cô bán hàng.
Rời nhà sách, anh thả bộ dưới hàng cây bằng lăng dọc phố. Trong bóng tối nhá nhem, những tán cây thỉnh thoảng rung lên, rơi xuống mặt anh một giọt nước, mắt anh nhòa đi vì nhớ con. Con ngõ kia rồi. Anh hồi hộp, mường tượng gương mặt cô bé vui sướng khi đón từ tay anh cô búp bê biết hát. Anh sắp sửa được nhìn thấy hình ảnh con gái nhỏ trong hình hài cô bé nhà nghèo đáng yêu.
“Rầm”… Một cú va thật mạnh. Chưa định thần chuyện gì vừa xảy ra, anh lăn sóng xoài. Có tiếng la hét thất thanh. Trong cơn ngất lịm, anh nghe một làn gió thổi đến mơn man, gió thổi từ phía sông, trong gió có mùi tanh nồng của biển quyện vào sông. Tiếng còi xe cấp cứu rú lên inh ỏi, một dòng nước âm ấm chảy ra từ đầu anh, rồi xuống cổ. Anh chợt thấy bóng ai như mẹ trong căn nhà nhỏ đợi anh về. Anh thấy nàng với cuộn len đủ màu trong tay, đến bên ô cửa sổ níu lấy tấm rèm lo lắng nhìn ra ngoài trời sũng nước. Anh thấy cô bé gương mặt khắc khoải, đợi chờ…
Một giọt nước ứa ra từ đôi mắt vừa khép lại, giọt nước mắt vì cuộc đời còn quá đỗi đáng yêu. Làng quê anh và những nóc nhà khói bay lên trong chiều, đồng cỏ cháy nơi tuổi thơ anh lăn lộn chơi đùa và đôi chân trần của cha trên cánh đồng hoang vắng chiều hôm. Dưới bóng trăng mờ nhạt của trời đêm, một bàn tay chạm vào ngực anh khẽ reo lên: “Ôi! Còn ấm”. Bỗng bàn tay rụt lại, từ ngực anh giọng hát trẻ thơ trong trẻo vút lên Tạm biệt búp bê thân yêu…
Gió cuốn bụi tung tràn qua các ngả đường, dồn những chiếc lá rụng thành một đống nơi góc phố. Gió từ phía sông. Trên cao một vì sao nhay nháy sáng, gương mặt bình thản còn phảng phất nụ cười, anh thì thầm:
– Đợi chú nhé, bé con! Chú sẽ trở lại…
VŨ NGỌC GIAO
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...