Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Molière - Tượng đài suốt 400 năm của văn hóa Pháp

Molière - Tượng đài suốt
400 năm của văn hóa Pháp

Nước Pháp đã bắt đầu một năm đầy các sự kiện nhằm kỷ niệm 400 năm của Molière, kịch tác giả nổi tiếng nhất của quốc gia này - và của cả thế giới – về nghệ thuật châm biếm và sân khấu.
Molière hiện vẫn là tượng đài của văn hóa Pháp giống như Shakespeare đối với văn hóa Anh. Và, khi người Pháp nói tiếng mẹ đẻ, nó được ví như “ngôn ngữ của Molière”.
Từ bỏ cảnh giàu sang để đến với sân khấu kịch
Molière sinh ở Paris, là con trai cả trong một gia đình làm thợ của triều đình rất lâu đời. Được rửa tội vào ngày 15/1/1622 và có thể được sinh ra trước đó 1-2 ngày, ông tên thật là Jean-Baptiste Poquelin. Cho đến nay người ta vẫn không biết nguồn gốc nghệ danh của ông (Molière dùng để chỉ một mỏ đá) cũng như ngày sinh của ông khi hiện chỉ còn giấy chứng nhận rửa tội được phát hiện vào năm 1820.
Lên 10 tuổi, ông mồ côi mẹ. Molière học ở Jesuit Clermont College (nay là Lycée Louis-le-Grand), chủ yếu bằng tiếng Latin, trong một môi trường học thuật nghiêm ngặt và lần đầu tiên được nếm trải cuộc sống trên sân khấu. Molière được thừa hưởng cuộc sống sung túc từ cha mình – vốn được nhà vua sủng ái – nhưng lại theo đuổi nghiệp diễn. Việc này đã gây ra cho cha ông nhiều rắc rối, trong đó có việc buộc phải tìm cách đưa con trai mình ra khỏi tù sau khi Nhà hát đầu tiên của Molière – Illustre Théâtre – lâm vào cảnh nợ nần.
Chân dung nhà soạn kịch Molière.
Molière bỏ trốn khỏi Paris năm 23 tuổi, cùng với một số người đi về biểu diễn ở tỉnh lẻ ở nước Pháp suốt 13 năm. Để cạnh tranh với những đoàn kịch của Italy, Molière bắt đầu sáng tác những vở kịch cho đoàn của mình, dựa vào những lúc thâm nhập vào từng ngóc ngách của nước Pháp trong đời thường. Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên L’étourdi (Gàn dở) và năm sau viết vở Le dépit amoureux (Bất hòa của tình yêu). Đến năm 1658 đoàn kịch của Molière trở thành đoàn kịch nổi tiếng nhất ở các tỉnh. Được sự ủng hộ của nhiều bá tước, trong số này có cả Quận công Philippe – em trai của vua Louis XIV – đoàn kịch của ông được mời biểu diễn ở Louvre và đã gây được tiếng vang. Sau đó đoàn kịch của Molière thường xuyên được biểu diễn ở nhà hát Bourbon.
Từ đây, Molière đoạn tuyệt với bi kịch và chỉ cho ra đời những vở hài kịch. Ông trực tiếp phanh phui thói xấu của xã hội thượng lưu Pháp, được đông đảo công chúng ủng hộ. Thành công đã giúp đưa Molière trở lại Paris và gây được thiện cảm với vị vua trẻ, Louis XIV, người sau đó trở thành nhà bảo trợ đắc lực khi nhà soạn kịch luôn phải đối mặt với những trận chiến liên tục từ giới quý tộc.
Con tem mang chân dung Molière được phát hành nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh nhà soạn kịch.
Bậc thầy của tiếng cười sâu cay
Molière đã viết rất nhiều vở kịch hay trước Cách mạng Pháp, vào thời điểm mà quyền lực của nhà vua và nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong các vở kịch của ông, vẫn thường xuyên được trình diễn cho đến ngày nay, nhà soạn kịch đã thách thức những nhân vật quyền lực như nhà thờ, quý tộc và thậm chí cả thần chết – nhưng luôn thông qua sức mạnh của tiếng cười.
Những câu nói trong các vở kịch của ông khiến khán giả cười suốt hàng thế kỷ, cho đến tận ngày nay, mà trong đó vở Tartuffe, ou l’Imposteur đã trở thành vụ scandal làm rung chuyển Versailles. Vở kịch kể về Tartuffe, một kẻ lừa đảo tự thể hiện mình là một người rất ngoan đạo, thâm nhập vào gia đình Orgon thông qua những lời tâng bốc và dối trá.
Tartuffe, ou l’Imposteur đã khiến Molière gặp nhiều rắc rối. Vở kịch này được công diễn 12/5/1664, tại Versailles. Vào thời điểm đó, nhà viết kịch đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, làm việc tại triều đình của vua Louis XIV. Tuy nhiên, việc xây dựng một kẻ lừa đảo gắn mác tôn giáo và sự phê phán quyền lực của Giáo hội đã khiến tác phẩm bị cấm trình diễn. Trong 5 năm sau đó, Molière đã đấu tranh để vở kịch của mình được trình diễn trở lại và cuối cùng ông đã thành công vào năm 1669 – sau khi có những thay đổi đáng kể đối với kịch bản. (Năm nay, Comedie Francaise lần đầu tiên trình diễn phiên bản không bị kiểm duyệt từ năm 1664).
Một lý do giải thích cho sự nổi tiếng lâu dài của Molière có thể là các tác phẩm của ông luôn đậm tính hài hước nhưng thâm thúy. Một ví dụ như vậy là Dom Juan ou le Festin de Pierre (Don Juan – 1665), được Moliere viết ngay sau khi Tartuffe bị cấm. Câu chuyện tập trung vào Don Juan, lấy nguyên mẫu từ một kẻ lăng nhăng ở châu Âu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà văn. Trong vở kịch, Don Juan đang chạy trốn sau khi thuyết phục Donna Elvira phá bỏ lời thề tôn giáo của mình nhưng sau đó từ chối kết hôn với cô. Khi được yêu cầu đưa ra lời tuyên xưng đức tin, anh ta chỉ trả lời đơn giản “2 với 2 là 4”.
Don Juan của Molière không chỉ là một kẻ luôn mồi chài phụ nữ mà còn là một kẻ tự do trong suy nghĩ. Thay vì từ chối thú vui xác thịt anh ta lại từ chối giáo điều và các bí tích của giáo hội nhưng thích logic và khoa học. Với Molière, hài kịch là công việc kinh doanh nghiêm túc và là cách để phản ánh xã hội. Có lẽ không ngạc nhiên khi Don Juan cũng bị cấm diễn chỉ sau một vài buổi biểu diễn.
Chỉ 2 năm sau khi Tartuffe bị cấm, Molière đã viết vở hài kịch Le Misanthrope ou l’Atrabilaire amoureux (Người tình cuồng nhiệt – 1666) được Louis XIV trả tiền. Giống như Don Juan, nhân vật chính trong vở kịch này là một kẻ ngoại đạo – Alceste – thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng từ chối tham gia các nghi lễ của triều đình. Anh hướng tới sự trung thực, luôn nói sự thật và từ chối xu nịnh hay lừa dối người khác. Một mặt, Alceste là một kẻ lầm lạc, coi thường loài người, nhưng mặt khác, anh lại vô cùng tin tưởng vào tình yêu. Kiểu tương phản này là điều khiến các nhân vật của Molière trở nên mạnh mẽ, vì họ là hiện thân của hài kịch, bi kịch và có chiều sâu.
Cảnh trong vở “Le malade Imaginaire” (Người bệnh tưởng) đang được trình diễn tại Pháp.
Gục chết trên sân khấu
Molière thường xuyên phải đối mặt với những lời đe dọa, nhưng nhà soạn kịch không bao giờ để điều đó làm hỏng óc hài hước của mình. Giống như Shakespeare, Molière thể hiện sự hài hước bằng cách quan sát và nhấn mạnh sự điên rồ của con người. Ông cho thấy rằng việc cười nhạo những khiếm khuyết của chính mình cũng có thể giúp chúng ta chịu đựng những hành vi xấu của đồng loại.
Vở kịch cuối cùng của Molière – Le malade Imaginaire (Người bệnh tưởng) kể về một ông già tên Argan, người tưởng tượng ra tất cả bệnh tật của mình và đã bị một bác sĩ lừa đảo lợi dụng. Vở kịch này lần đầu tiên được trình diễn vào ngày 10/2/1673, với tác giả đóng vai chính – như thường thấy ở các vở kịch trước của ông. 7 ngày sau, ở buổi biểu diễn thứ 4, Molière đã bị một cơn ho và xuất huyết khi đóng vai người bệnh tưởng Argan (ông vốn đã mắc bệnh lao) và mất vài giờ sau đó.
“Không thể không nhìn thấy bóng của nhà viết kịch đang hấp hối thấp thoáng trong nhân vật Argan, người trong nỗi bất hạnh của chính mình đã chọn cách làm cho chúng ta nở nụ cười” – theo văn bản giới thiệu của Comedie Francaise, nơi đang dàn dựng vở kịch để trình diễn trong năm nay.
Molière qua đời không để lại dấu vết gì về cuộc sống cá nhân của mình: không có nhật ký, thư từ hay thậm chí ghi chú về công việc. 4 người con của ông đã đánh mất các bản thảo của ông. Dù vậy, di sản của Molière vẫn được vinh danh trong 400 năm sau, nhất là giữa sự u ám của bệnh dịch như hiện tại.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 400 năm ngày sinh Molière
Nhiều lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức ở những nơi đánh dấu cuộc đời của Molière với tư cách là một diễn viên, giám đốc nhà hát và nhà viết kịch. Quan trọng nhất, một số vở kịch nổi tiếng nhất của ông sẽ được trình diễn tại Comedie-Francaise – nhà hát nhà nước duy nhất của Pháp có đoàn kịch riêng do Vua Louis XIV sáng lập vào năm 1680.
Thêm nữa, các vở kịch của ông sẽ được trình diễn tại Đài tưởng niệm Molière ở Paris cho đến tháng 7, bắt đầu từ hôm 15/1 với phiên bản gốc của Tartuffe, ou l’Imposteur – vở kịch được coi là đã tạo ra “hài kịch của cách cư xử” khi châm biếm những thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu. Tiếp sau đó, các vở kịch L’Avare (Lão hà tiện) và Le Bourgeois Gentilhomme (Trưởng giả học làm sang) sẽ tiếp tục được trình diễn tại Comedie-Francaise.
Tại Pezenas, phía Tây Nam nước Pháp, sẽ có một bức tượng khác được khánh thành. Đây là nơi Molière đã ở lại nhiều lần trong những năm đầu sự nghiệp. Trong khi đó, trung tâm quốc gia về trang phục sân khấu của CNCS tại Moulin, miền Trung nước Pháp, sẽ mở một cuộc triển lãm “Molière in costume” vào cuối tháng Năm. Còn Nhà hát Opera Paris sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với “Moliere in Music” từ tháng 9. Bên cạnh đó, con tem chính thức in hình Moliere được phát hành trên toàn nước Pháp.
Theo Việt Lâm/ANTG
 
23/2/2022
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...