Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Một lần trót dại

Một lần trót dại

Anh cầm chiếc nậm sứ lên lắc lắc, vẫn còn tiếng róc rách. Một ly rượu thuốc nữa rót ra. Điếu thuốc lá loại rẻ tiền cháy đậm, làn khói đê mê chạy dọc cổ họng lên sống mũi, phả ra ấm dìu dịu.
Mưa vẫn lắc rắc rơi, thứ mưa dầm khó chịu thường kết bạn với đám gió bấc lạnh buốt. Bốn mươi lăm tuổi, ai cũng bảo đang xuân, mà anh cảm thấy mình già đi nhanh chóng, mặc kệ bà vợ tuổi bốn mươi đang môi đỏ, má hồng.
Anh thấy mình bị già từ ngày làm chủ trại lợn. Nói thế thì cũng hơi tếu, nhưng quả thật là như vậy. Ai thử ngồi mà nghe bản hợp xướng của đàn lợn kêu đói lúc mười giờ trưa hay năm giờ chiều mà xem. Một thứ âm thanh đơn, lảnh lói, cung bậc từ thấp lên cao, eng éc xói vào óc. Từ một trung niên thuần nông, cày cuốc xong, đánh no bụng cơm là ngả lưng xuống ngủ. Giờ trở thành một kỹ thuật viên bất đắc dĩ về chăn nuôi lợn thịt, tìm sách kỹ thuật về đọc nhức cả đầu, hoặc cất công đi “tầm sư học đạo”. Từ nuôi một đàn lợn vài con bán thịt, ăn tết, cám bã gặp sao hay vậy, giờ phải lo làm sao ủ thức ăn vi sinh cho lợn mau lớn, thịt vừa nạc vừa sạch. Nhìn con lợn bỏ ăn biết nó bị sốt hay đau bụng ỉa chảy. Cách tạo đệm lót sinh học để giảm công đoạn vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho lợn. Ối cha mẹ ơi! Mấy người bây giờ thi cao học, thi tiến sĩ, giáo sư chắc cũng khó bằng chừng ấy thôi chứ gì.
Nhà văn Phùng Phương Quý
Buổi tối, bà vợ hò hét hai đứa con tắm giặt xong, thay chiếc váy ngủ màu hồng, tha thướt ngồi trước màn hình ti vi. Muốn làm gì thì làm, tới giờ phát sóng bộ phim Mình yêu nhau đi là bà ấy bỏ lại hết, xem phim đã. Anh thì vất vả hơn, một vòng xung quanh khu trại cho lợn ăn, kiểm tra cửa chuồng gà xong là tối mịt. Cơm nước qua loa, chép miệng ly rượu thuốc là anh kềnh ra võng, chúi vào chiếc điện thoại thông minh.
– Anh không xem phim à! Tập này hay lắm!
– Tớ chả thích! Toàn yêu thương sầu não, chán bỏ mẹ!
– Tinh tướng! Bảy năm trước cả nhà còn cắp đít đi xem nhờ hàng xóm!
Bà vợ nói câu này là chạm lòng tự ái của anh. Cái thuở hàn vi ấy để mà nhớ thôi. Chứ chẳng phải họ vượt lên nghèo khó mà làm chủ nhân rồi sao. Bọn đàn bà này chán thật, ăn nói văng mạng. Thế bây giờ ai có trong tay cơ ngơi hàng tỉ đồng? Ai được mời đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi toàn tỉnh, được bà phó chủ tịch bắt tay tặng hoa? Có tiếng tít tít từ điện thoại, “mét si gơ” hiện hình ảnh đại diện của Người cô đơn. Con mẹ này hôm nay chát sớm nhể. “Chao anh chu trai lon”. Anh nhăn mặt, viết với lách. “Chữ không dấu dễ hiểu lầm nhá”. Cô nàng gửi một cái mặt nạ cười toe toét. “Tuong anh thich the?”. “Người cô đơn” mà cũng nuôi lợn thịt cả trăm con. Giỏi! Con mẹ này anh mới làm quen, thả thính mấy tháng nay, có vẻ chịu mồi. Người ta không trẻ như vợ anh, nhưng vẫn còn đẹp, lại có duyên, có chí làm ăn, đong đưa tí cho vui. Người đẹp hay khen “anh còn phong độ” lắm, làm anh khoái tỉ. Thế ra mình còn có giá, chứ như bà vợ cứ chê bai chồng “mới ngoài bốn mươi mà già như quả cà héo”. Đôi lúc trộm soi gương thấy nếp nhăn hằn sâu trên trán, anh cũng buồn. Lần đầu hò hẹn với nhau đi hội Đền Hùng, Người cô đơn mua tặng cho anh bộ quần áo vải thô thời trang trung niên, đâu những hơn hai trăm nghìn. Anh ái ngại, mãi mới dám nhận, để mấy ngày sau âm ỉ sướng, diện bộ đồ lượn ra chợ, đi họp hội nông dân trên nhà văn hóa thôn.
– Ôi giời ơi! Bác dạo này ăn chơi vút chỉ đường tàu! Nhìn trẻ hẳn ra!
– Ừ nhỉ! Trông bác ấy như ngoài bốn mươi!
Cả đàn ông lẫn đàn bà xúm vào khen anh. Sư bố các ông các bà, chứ tôi năm nay chả bốn lăm tuổi là gì? Sự nhìn nhận ấu trĩ của bà vợ và hàng xóm đã đẩy anh vào cạm bẫy của mụ béo. Một lần hẹn đi thị xã uống bia đen, Người cô đơn đã rủ anh vào nhà nghỉ để tham khảo giá thịt lợn hơi. Mụ đè nghiến anh ra hôn hít, cởi áo xoa nắn vầng ngực rắn chắc, khen anh đầy chất đàn ông. Về tới nhà còn run như cầy sấy, anh lấm lét nhìn vợ. May bà vợ từ trước tới nay tin chồng, lại mê phim Hàn Quốc, cứ hở ra là ôm cái ti vi, không để ý tới vẻ mặt ăn vụng kia. Mụ “cô đơn” được một lần, “quen mui bén mùi ăn mãi”, điện thoại nhắn tin toàn lúc đêm khuya gà gáy, làm anh lo toát mồ hôi. Cách tốt nhất là đêm ngủ tắt điện thoại cho lành. Nhưng yêu tinh nhền nhện nó mà giăng bẫy thì khó gỡ. Buổi trưa hôm ấy, vừa tắm cho lợn xong, mới ngả lưng trên võng lim dim thì mụ “cô đơn” nhắn tin. “Co mua lon em de lai cho. Gia re”. Anh tò mò bấm máy gọi lại, biết rằng mụ muốn theo con gái vào Đồng Nai, nên thanh lý đàn lợn ba mươi con với giá “vừa bán vừa cho”, nhưng chỉ với anh thôi.
Một lần trót dại – Truyện ngắn của Phùng Phương Quý1
Minh họa: Văn Nguyễn
 
– Rẻ là bao nhiêu? Anh còn liệu.
– Ba mươi con, tầm ba mươi cân một con! Mỗi con một triệu hai!
Anh chẳng cần tính nhẩm, cũng biết giá bán chỉ bốn mươi nghìn một cân. Rẻ thật! Nhưng mà phải nhìn tận mắt, sờ tận tay. Làm ăn kiểu “mua bò vẽ bóng” là chết.
– Để anh lên nhà xem cụ thể đã!
– Vâng! Anh cứ xem tận mắt rồi quyết. Anh không thích em mới bán cho người khác. Nhưng nhanh lên nhá, em không chờ được đâu.
Mụ “cô đơn” chẳng giống mụ nuôi lợn tẹo nào. Váy ngủ màu xám mỏng, hai bông hoa to tổ bố trước ngực, õng ẹo mời anh vào nhà. Vừa tới phòng khách, mụ đã kéo anh ngồi xuống ghế sa lon, kề miệng bên tai anh nóng hổi.
– Em nhớ anh quá!
Vòng tay mụ đã ôm khít, bầu ngực tràn trên bờ vai anh. Anh theo đà kéo của mụ “cô đơn”, nằm vật ra ghế.
Chuồng trại thế này mà cũng đòi chăn nuôi. Mụ xây có hai dãy chuồng, sáu ngăn, mỗi ngăn thả bốn năm con lợn dò. Thấy anh bước tới gần, lũ ỉn đang nằm cạnh những bãi phân đứng cả dậy, thò mõm qua mấy lỗ gió, ụt ịt đòi ăn. Bọn lợn này xấu, lớn không đều. Con to nhất mới được ba mươi cân, còn chỉ làng nhàng mười mấy hai chục cân là cùng.
– Thế này mà cũng gọi là chăn nuôi! Vào tay anh, bọn này chỉ hai tháng là xuất chuồng.
– Thế mới bảo để lại cho anh! Em biết anh cái gì cũng giỏi mà!
Mắt mụ long lanh nhìn anh, đọng đầy những nỗi đam mê. Khiếp thật! Đúng là đàn bà cô đơn, lúc nào cũng hừng hực như bếp than tổ ong. Anh thấy nhức mỏi nơi thắt lưng, giơ tay vặn mình răng rắc. Thôi được rồi. Chốt hạ bọn lợn còi này mỗi con một triệu. Mai anh sẽ cho xe lên hốt về hết. Mụ “cô đơn” nhảy lên, ôm cổ anh hôn chùn chụt.
– Nhất anh đấy! Em vào Đồng Nai, thi thoảng ra chơi chúng mình lại gặp nhau!
– Gớm! Gặp em ngang gặp hổ báo! Thôi anh về, muộn cơm trưa mẹ thằng cu lại truy hỏi.
Nắng đã mơn man trên hàng lá cọ trồng xung quanh trại lợn. Anh thức dậy muộn sau một trận bia hơi, dưa sung muối tưng bừng với cánh thanh niên trong xóm tối hôm trước. Bọn ỉn sáng nay lạ nhỉ, không kêu réo đòi ăn như mọi ngày. Anh xúc ấm pha trà, lòng chợt lâng lâng vui. Mấy thanh niên cũng khen mình trẻ ra, bụng năm sáu múi, khéo còn cưới được gái hai mươi. Tao lại chả biết thừa chúng mày nịnh thối, vì can bia mười lít thôi. Nhưng mà cũng vui, còn hơn nói toẹt vào mặt nhau những điều khó chịu. Bỗng tiếng la hét làm anh giật mình, đổ cả chén trà xuống đùi nóng rãy.
– Ới ông ơi là ông ơi! Thế này là thế nào?
Bà vợ đầu bù tóc rối, đang hoa chân múa tay đằng phía chuồng lợn mới bắt về của mụ “cô đơn”. Anh cuống lên, bỏ cả dép chạy tới. Đàn lợn mới về chuồng được một tuần, vẫn ăn uống tốt mà. Anh thao láo con mắt nhìn vào chuồng, mồ hôi chợt đổ ướt lưng áo. Ba chục con lợn, con nằm im như chết, con lê lết hai chân trước, chân sau bại liệt. Nhìn mấy cái móng chân đỏ loét, cái miệng bị nổi mụn, anh thốt lên:
– Tiên sư nó! Lở mồm long móng rồi!
Bà vợ nghe nói đến thứ bệnh này thì giãy nảy lên, lu loa:
– Giời đất ơi! Tự nhiên ông rước cái lũ lợn thổ tả này về! Giờ tiền mất tật mang, lại còn bảy chục con lợn kia nữa, làm sao bây giờ.
Anh gắt lên:
– Im mồm để tôi tính!
– Còn tính gì nữa! Chắc ông ăn phải bùa ngải nhà con mẹ béo ấy, nên mới rước nợ về cho nó chứ gì?
Bà vợ nhắc tới mụ “cô đơn”, làm anh giật mình, hết cơn nóng giận. Thôi đúng rồi! Mình nể nang quá không đề phòng, chứ chuồng trại nhà nó dơ bẩn quá, ăn uống mất vệ sinh, bị bệnh là phải rồi. Đau thật! Ngang bị thiến. Anh mà gặp con mẹ béo bây giờ, chắc chắn sẽ lôi nó xuống ao nhận nước. Bà vợ ỉ ôi kêu khóc, anh thì bấn loạn tinh thần. Hồi trước có đi tập huấn phòng chữa bệnh cho lợn ở chi cục thú y huyện một lần, anh còn nhớ lõm bõm.
– Thôi, đừng kêu khóc nữa! Giúp tôi lấy vôi bột pha loãng hai mươi phần trăm, vẩy quanh khu chuồng. Nhanh lên, may còn kịp!
Anh kêu thằng con lớn lấy thang, bảo nó trèo lên chặt lá cọ. Giờ thì nhanh lên, thời gian là vàng bạc.
– Chặt thêm mấy cây tre con ơi! Phải che kín cái chuồng này lại!
Nháo nhào, hối thúc lẫn nhau, bở hơi tai.
Anh nghe rõ tiếng thở hổn hển của bà vợ, tiếng ụt ịt đau đớn của lũ lợn. Tới gần trưa thì chuồng lợn được che kín mít bằng lá cọ.
– Mẹ con mày lấy tấm vải bạt to che phía trước khu lợn khỏe nhé! Tao đi lấy thuốc.
Anh dặn thằng con, rồi lên xe nổ máy. Chiếc xe gầm lên, lao vút ra cổng. Bà vợ hốt hoảng hét theo:
– Giời ơi! Đi chậm thôi!
Lát sau anh quay về, lao ngay vào chuồng lợn với mấy lọ thuốc tím.
– Thằng cu với mẹ mày hái khế chua, giã thật nhiều rồi vắt lấy nước, nhanh lên!
Nhìn đàn lợn nằm la liệt, những cặp chân run run vì đau đớn, anh chảy nước mắt. Cố lên các con, tao sẽ chữa cho khỏi bệnh. Những cái móng chân đã đỏ tấy lên, chảy nước. Mấy con lợn cái, miệng và lỗ mũi đã lấm tấm nổi mụn. Pha thuốc tím ra một chiếc chậu, anh cẩn thận lau từng chiếc móng, lòng buồn bực, tự trách mình dại gái. Thằng cu chạy xồng xộc vào, vấp cái rễ mít ngã chúi, nồi nước khế chua đổ văng xuống đất. Anh gầm lên:
– Mắt mày để trên trán à? Có đi giã ngay lại không tao cho mấy gậy bây giờ.
Năm ngày trôi qua với những tất bật, lo lắng. Sáu con lợn nhỏ sốt cao, bị chết. Anh giấu không báo lên xã, đào hố đổ vôi chôn lấp. Nằm trên võng, hai mắt trũng sâu mở to nhìn lên tàn cây mít. Anh vừa hận con mụ béo, vừa thương đàn lợn. Cũng may là anh mang về, cứu chữa. Chứ không con mụ béo bán tháo cho người ta làm thịt, còn tác hại đến đâu. Đắt! Hai lần ngủ với nó, mất mấy chục triệu. Bà vợ chưa phát hiện ra, chứ không thì nát nhà.
– Dậy ăn sáng anh ơi! Đàn lợn hình như khỏi bệnh, đi lại được rồi!
Anh nhào xuống võng, bước vội về phía chuồng che lá cọ. Đám heo bệnh đã đỡ thật, đi lại chệnh choạng, ngóc đầu đòi ăn. Thoát rồi!
Trời đổ mưa bất chợt, đêm lành lạnh. Gà chợt gáy te te.
Trời gần sáng rồi. Anh rời khỏi chiếc giường một ngoài hiên, mò vào phòng vợ. Thấy bàn tay chồng, bà vợ nằm duỗi người ra, lẩm bẩm:
– Mò mẫm gì! Tôi mà thở mạnh lên là khổ đấy!
Anh cười thầm trong đêm. Bà ấy đang thở mạnh lên thật. Bên ngoài vẳng lại tiếng ụt ịt, rồi eng éc. Bọn lợn nhỏ đòi ăn sớm thế.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...