Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Một người trong cuộc chơi thơ

Một người trong cuộc chơi thơ

Đọc sách “Bày cuộc thơ” của Đinh Thanh Huyền
Tôi có cơ duyên quen biết Đinh Thanh Huyền từ mười mấy năm trước. Là giáo viên dạy văn “cứng cựa” ở một trường THPT chuyên, hẳn nhiên chị có năng lực thẩm thơ tốt. Chị cũng từng làm thơ, tôi đã đọc được tập thơ của chị do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành có cái tên rất ấn tượng “Nước mắt tôi là cát”. Một lối thơ câu chữ tiết chế, ít bận tâm vần luật, liều liên tưởng phóng túng khiến hình ảnh xuất hiện như từ cõi mộng du, nhưng có khả năng ám ảnh tâm trí người ta. Tôi tin, nếu tiếp tục làm thơ, chị sẽ nằm trong số những người mang khát vọng vượt thoát khỏi từ trường thơ truyền thống.
Nhưng tôi thật sự bất ngờ, khi biết chị đã viết những bài phê bình thơ xuất sắc đến mức khiến kinh nghiệm quen thuộc về thơ mà tôi có được tan loãng hẳn trong một phức cảm vừa hoang mang, vừa hân hoan. Tôi nhớ đến nỗi buồn nhà thơ Inrasara từng bày tỏ, rằng khủng hoảng thơ Việt mấy thập kỉ qua chủ yếu không nằm ở phía người sáng tác mà ở phía người đọc. Nghệ thuật, trong đó có thơ, luôn đòi hỏi sáng tạo. Đã sáng tạo là phải đương đầu với áp lực ghê gớm của thói quen, của thẩm mĩ truyền thống. Nếu thị hiếu của công chúng khăng khăng không đổi thì mọi cách tân của nhà thơ xem ra vô vọng hết. May thay, lịch sử nghệ thuật nhân loại cho thấy luôn có một bộ phận công chúng, dù lúc đầu rất ít ỏi, bắt được “tần số” mới từ những tác phẩm mang tinh thần tiên phong, làm động lực cho nỗ lực bứt phá khỏi các khuôn thước của hệ giá trị cũ, thúc đẩy mở rộng kinh nghiệm thẩm mĩ của thời đại.
Hơn nửa thế kỉ trước, “siêu độc giả” Hoài Thanh thành công vang dội với công trình phê bình Thơ mới: Thi nhân Việt Nam. Nguyên tắc thẩm thơ của ông đã thành lí luận kinh điển: lấy hồn ta để hiểu hồn người. Tôi nghĩ, đấy là khi người đọc và người làm thơ có cùng tâm thế cảm xúc, cùng “kênh” thẩm mĩ. Còn khi giữa hai bên có sự vênh lệch lớn về gout thẩm mĩ, khi điều nhà thơ muốn thể hiện qua ngôn từ với điều bạn đọc muốn thấy và có thể thấy rất ít song trùng, thậm chí chúng dường như thuộc về hai hệ hình thẩm mĩ, khi ấy thơ đem lại cả nỗi bất bình lẫn niềm nghi ngại. Thực tiễn thơ Việt đương đại với các trường hợp nhóm thơ Dòng chữ, thơ Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Thế Hoàng Linh… đã gây ra vô số cuộc tranh cãi om sòm ông nói gà bà nói vịt, không ít tiếng thở dài cao ngạo: cái hay thì không mới, cái mới thì không hay…
Chính lúc này công chúng thơ cần đến những tiếng nói phê bình có khả năng dẫn dắt, khai mở. Với tôi, những bài phê bình của Đinh Thanh Huyền trong tập sách này thực sự đã gây ra một cú shock nhận thức, làm thay đổi mạnh mẽ quan niệm về thơ, về vai trò cấp nghĩa cho thơ của người đọc. Khi tôi chia sẻ trên Facebook bài viết Game thủ (Đinh Thanh Huyền phê bình chùm thơ Thử làm bài thơ mất gà của Lê Vĩnh Tài), Phó giáo sư – Tiến sĩ Ngô Văn Giá đọc và nhắn tin ngay: “Cho em hỏi một chút về Đinh Thanh Huyền. Bài viết khá quá. Đọc bài này thấy mình bị lạc hậu rồi. Những ý tưởng của bạn ấy, mình lờ mờ thấy nhưng không gọi ra được, do mình không có công cụ. Ở đây cần cả ba: trực giác khoa học, làm chủ lí thuyết và khả năng biểu đạt sáng tỏ. Bạn ấy có cả ba, chị ạ”. Một Tiến sĩ Ngữ văn, bạn đồng niên với tôi, đang giảng dạy tại một trường đại học phía Nam gọi điện bày tỏ sự thán phục pha chút ngậm ngùi tự giễu: “Đọc bài phê bình thơ Lê Vĩnh Tài này, mình thấy mình đã bị loại ra khỏi cuộc chơi rồi cậu ạ”. Thêm mấy đồng nghiệp có uy tín nữa đánh giá cao bài Game thủ, tôi yên tâm liên hệ với Huyền, được chị gửi cho đọc hơn chục bài khác. Mới nhìn các tiêu đề thấy có vẻ chị viết phê bình theo lối tài tử, ngẫu hứng: tình cờ đọc, gặp được điều đắc ý thì viết chơi vậy thôi. Tất cả đều viết về thơ đương đại, tập trung vào ba tác giả: Mai Văn Phấn, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Hải. Trừ Nguyễn Thị Hải là cái tên còn ít người biết, Mai Văn Phấn và Lê Vĩnh Tài đã được nói đến khá nhiều trên các sách báo, trong các cuộc hội thảo…
Nhưng tôi chưa thấy ai đọc họ theo cách của Huyền. Đọc kĩ hóa ra chị không hề ngẫu hứng. Huyền bao quát khá tốt đời sống văn chương Việt, nắm bắt rất tinh những chuyển động bề sâu của thơ Việt hiện đại, nhạy bén với những thành tựu của lí luận văn học để chọn ra được những phạm trù, những khái niệm công cụ thích hợp cho việc tiếp nhận những dạng thức thơ còn lạ lẫm với số đông độc giả. Điều quan trọng, theo tôi, chị đã có sẵn một niềm tin, một chủ kiến riêng về thơ, về mối quan hệ giữa sáng tạo và thưởng thức thơ. Và chị tìm thấy ở thơ Mai Văn Phấn, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Hải những chứng cớ đích đáng cho niềm tin, cho chủ kiến của mình. Đọc chị, chúng ta sẽ nhận ra một kiểu người đọc rất thú vị: không chỉ “lấy hồn ta để hiểu hồn người” mà còn phổ hồn ta vào câu chữ của người. Chẳng hạn, cách chị diễn giải về Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn: “Quan niệm về tôn giáo như là một giải pháp cho những cơn bấn loạn tâm thần, là ma túy gây lệ thuộc một cách ngọt ngào cho con người trong cuộc đời khổ đau bất tận đã khiến cho yếu tố tôn giáo trong thơ trở thành vật ngoại lai. Và tôn giáo trở thành nơi ẩn nấp tinh thần cho nhà thơ trong sự cưỡng bức của đời sống. Trường hợp Mai Văn Phấn hoàn toàn khác, tôn giáo là đức tin chứ không phải liều thuốc tâm thần (…) Mỗi tôn giáo là một con đường cho nhân loại tụ về một điểm: lòng từ bi cao cả, một thế giới toàn hảo trong tình yêu thương vô điều kiện. Mỗi thi tài là miếng bọt biển thấm hút năng lượng vô hạn của lòng từ bi đó. Tâm không phân biệt chính là phúc phận trời cho họ, để họ tắm trong ánh sáng của mọi tôn giáo bằng đức tin hồn nhiên nhất: Còn bóng ai in trên quả chuông, loa kèn, tang trống. Nơi ấy Phật Thích Ca và Chúa Giê-su cộng hưởng, làm sự lặng im cũng nhấp nhô chuyện trò trong khoảng trống ban mai”. (Trường ca Người cùng thời).
Bìa cuốn sách “Bày cuộc thơ” của Đinh Thanh Huyền.
Thật tình, tôi thấy cảm thức tôn giáo ở Đinh Thanh Huyền có khi còn đậm nét hơn cả trong thơ Mai Văn Phấn nữa, đậm đến mức có lẽ khiên nhà thơ khi đọc lời bình cũng phải giật mình: “Năm phần của tập thơ gợi nên một hành trình từ ngoài vào trong, từ thanh sơ đến sâu sắc, từ giản đơn đến đa bội. Nhưng Hương cúc chi và Tiếng sấm thì nhẹ nhõm, cái nhẹ của làn hương và âm thanh khác nhau về hình tướng mà tương đồng về bản thể. Không rõ Mai Văn Phấn có ý thức về điều này không, hay chất thiền trong ông đã xui khiến nên ý hướng đó.” (Vài ý nghĩ sớm về thơ hai câu Mai Văn Phấn). Đó chẳng phải người phê bình đang sáng tạo lại văn bản của nhà thơ đấy sao! Rất tự giác khi xác lập cho mình quan niệm về thơ, Đinh Thanh Huyền một mặt xem thơ như cuộc chơi, “từ chối phục vụ một món thơ “hay” theo menu của đại chúng”, chơi là nhằm hóa giải mọi nỗi sợ hãi trong di sản tinh thần con người. Chị đã phân tích tuyệt hay tính trò chơi trong chùm Thử làm bài thơ mất gà của Lê Vĩnh Tài (Game thủ). Ở đây, các tri nhận về văn hóa học, về tiếp nhận, về trò chơi… thẩm thấu tự nhiên, nhuần nhuyễn như đã có sẵn trong cơ chế tư duy của người đọc thơ, không chút gượng ép sống sượng như thường thấy ở kẻ vay mượn lí thuyết cốt cho thời thượng. Mặt khác, chị tin tưởng sâu sắc vào “quyền năng thực sự của thơ: mở cánh cửa vào thực tại” theo cách thức đặc thù.
Nhà thơ không chỉ làm mình nổi lên là tiếng nói duy nhất có giá trị mà còn xác quyết luôn tính thuần khiết, trong vắt của thực tại mà anh ta biểu đạt. Bởi nhà thơ đứng ngay trong thực tại nên anh ta hiểu cái thực tại đó không phải bằng chứng ngộ mà là đắc ngộ. Chứng ngộ là dần dần đến được chân lí. Đắc ngộ là bất thần ở trong chân lí (…) Tôi muốn nói đến trạng thái sống của thơ. Nó nhảy vào thực tại, không qua quá trình, không cần chuẩn bị. Đọc bài thơ ta bị ném thẳng vào thực tại, mọi rườm rà bị lột bỏ, ta thấy mình ở trong một cái biết chưa từng có. Lúc này ta không cần đến niềm tin, không cần được thuyết phục, ta chính là niềm tin rồi”. Hiểu như thế thì cách thơ mở cánh cửa vào thực tại là tính thơ: “Cái mà thơ diễn tả không dừng ở cảm xúc. Nó là nhận thức về chân lí tối thượng của hiện hữu”, “tính thơ là tính trong vắt sâu thẳm của thực tại đi qua thơ”. Cũng bởi thế, “tính thơ là tính toàn vẹn” (Thơ – như tôi nghĩ). Một quan niệm về thơ đương nhiên kéo theo quan niệm về tiếp nhận thơ: “Thơ là thực tại được trải nghiệm, trước hết bởi nhà thơ, sau đó là người đọc”. “nó không cần trung gian để biểu đạt chân lí. Tiếp đến, sự tiếp nhận của người đọc cũng là trực tiếp”. “Do tính trải nghiệm nên thực tại của người đọc này không thể là của người đọc kia (…) Đọc thơ là biến mình thành kẻ thực hành tính thơ”.
Đinh Thanh Huyền khái quát hai kiểu đọc thơ: “Kiểu thứ nhất, độc giả cố hiểu bài thơ như tác giả viết. Việc hiểu đúng ý nhà thơ khiến người đọc thấy mình ngang hàng với tác giả. Trong trường hợp này, độc giả là người đồng hành với thi ca. Kiểu thứ hai, người đọc tìm ra thực tại riêng của mình trong thơ. Từ đồng cảm, đồng hành, người đọc tách mình khỏi hiện thực của tác giả, bắt đầu nhìn thấu suốt chính mình. Đây là chỗ mà người đọc và nhà thơ rời xa nhau”. “Khoảnh khắc mà người đọc rời khỏi bài thơ để bước vào thế giới bản ngã của họ, là khoảnh khắc kì diệu. Khoảnh khắc người đọc rời khỏi bản ngã để đến được cái toàn thể, là “đạt đạo” (Thơ – như tôi nghĩ). Bản thân tôi, qua những trang phê bình thơ của Đinh Thanh Huyền, không chút nghi ngờ rằng chị nhất định thuộc về kiểu độc giả thứ hai, mang khát vọng “rót tất cả thực tại toàn vẹn trong trẻo nguyên thủy vào ngôn từ” của thơ, để kích hoạt ở người đọc sự tự trải nghiệm, rằng chị đã thật sự “đạt đạo” khi buông mình vào những cuộc trải nghiệm thơ.
Chị đã là một người đọc hạnh phúc khi gặp được những bài thơ có thể cho chị cơ hội nhìn thấu mình, để rời khỏi bài thơ bằng cảm giác tĩnh lặng của tự do. Những diễn giải của chị giúp tôi tìm lại được tình yêu với thơ giữa bao nhiêu bất ổn đời thường, giữa hỗn loạn những giá trị thật và giả, giữa ngổn ngang những kiếm tìm, thể nghiệm trong nghệ thuật… Đinh Thanh Huyền viết phê bình bằng thứ văn phong vừa dồi dào cảm xúc vừa mạch lạc, một lối văn giàu hàm lượng trí tuệ và mê hoặc như… tôn giáo. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này với mong muốn lan tỏa niềm hạnh phúc mà thơ có thể mang đến cho bạn đọc sau khi chúng ta quan sát một cách đọc thơ, một ứng xử thơ có lẽ là khác biệt đáng kể so với kinh nghiệm của số đông.
Hà Nội, mùa đông 2021
 
23/2/2022
Nguyễn Thị Bình
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...