Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Mùa xuân - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển

Mùa xuân - Truyện ngắn
Trần Thế Tuyển

Một buổi tối, giữa lúc cao điểm đại dịch, Nhi dẫn một anh bộ đội về nhà.
– Thưa ba, con giới thiệu với ba, đây là anh Thành, bộ đội sư đoàn dẫn quân về giúp bà con phường ta chống dịch ạ.
Anh bộ đội tên Thành mà con gái giới thiệu quân phục chỉnh tề, đeo khẩu trang màu áo lính:
– Con chào bác ạ.
Đang trong lúc giãn cách xã hội, nên anh bộ đội ngồi cách xa. Ông Toàn, ba của Nhi không nhìn rõ mặt. Chỉ nghe giọng miền Trung ngồ ngộ mà một thời ông đã thân quen:
– Quê cháu ở đâu? Đi bộ đội lâu chưa?
– Dạ, con quê ở Hà Tĩnh. Con đi bộ đội được hơn chục năm rồi ạ.
Nghe anh bộ đội nói thế, ông Toàn ước chừng anh bộ đội đã trên dưới ba mươi tuổi. Ông định hỏi thêm vài câu, nhưng đang dịch bệnh, không tiện, nên thôi.
Anh bộ đội, dường như đến để biết nhà của Nhi, nên vội vàng xin phép ông trở lại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, nơi đơn vị của anh trú đóng trong thời gian giúp địa phương chống dịch.
Con gái và anh bộ đội đi khỏi nhà, ông Toàn đứng ngồi chẳng yên. Tự nhiên nghe giọng nói ngồ ngộ của anh bộ đội, những kỷ niệm một thời chiến tranh bỗng ùa về.
Ngày ấy, cách nay đã gần nửa thế kỷ. Vào một buổi tối mùa đông, trên đường hành quân vào chiến trường, đơn vị của ông Toàn dừng chân tại ngôi làng ven sông Ngàn Sâu thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Toàn trú quân chỉ có hai cha con. Chủ nhà, năm đó cũng trạc tuổi ông bây giờ bảo rằng, vợ ông vừa mất vì bom Mỹ. Các con lớn đi bộ đội và thanh niên xung phong, chỉ còn cô con gái út ở nhà. Cô út tên là Mận, năm đó chưa đầy hai mươi tuổi, đang học cấp 3 trường huyện. Chỉ dừng chân nơi ấy 3 ngày nhưng giữa Toàn và cô Mận thân tình, quyến luyến như đã gặp nhau từ lâu. Ông Toàn không bao giờ quên chiều hoàng hôn ấy, khi gió heo may tràn về, cô út Mận dẫn ông lên đồi hái sim. Hoàng hôn màu tím, hoa sim tím và cả màu áo của Mận cũng tím khiến trái tim con trai hơn 20 tuổi của ông chung chiêng. Mận đặt lên tay Toàn những trái sim chín mọng. Gió từ sông Ngàn mỗi lúc như níu kéo hai người xích lại gần nhau. Hoàng hôn tắt dần, hơi gió có phần buốt mà hai người chưa muốn rời nhau ra về. Ông Toàn không bao giờ quên được hơi thở ấm áp như có lửa giữa chiều đông của Mận. Cô đã gục vào ngực anh như thể tránh ngọn gió giá lạnh, như thể gửi gắm trái tim người lính điều gì sâu kín nhất mà chỉ những người yêu nhau mới hiểu được. Giọng Mận tan vào tiếng gió hú trên đồi sim:
– Anh đi chiến đấu, kết thúc chiến tranh nhớ về thăm em nhé? Em đợi anh.
Hai hàm răng Toàn rung lên kỳ lạ. Không hẳn là rét mà bởi trái tim anh thổn thức như chưa thế bao giờ.
Ngày mai đơn vị anh sẽ hành quân vượt Trường Sơn. Cũng như bao nhiêu người lính ra trận khác, Toàn không chắc chắn sẽ có ngày trở về. Không đánh thắng giặc không về quê hương. Đó chẳng là câu nói hay khẩu hiệu mà bất cứ người lính nào cũng thuộc, đó sao? Có lẽ thế, Toàn không dám thề thốt, hứa hẹn điều gì. Thay lời muốn nói, vòng tay của Toàn siết mạnh Mận hơn. Như thể không điều gì có thể cách xa họ được. Giọng ngồ ngộ địa phương của Mận ngọt như mật ong neo giấu trong trái tim Toàn…
Mấy chục năm cầm súng, qua hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, có bao nhiêu sự kiện mới lạ, đất và người đến với ông. Từ chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông trở thành người cầm viết theo sát bước chân đồng đội. Có thể quên nhiều việc khác, nhưng chiều đông năm ấy, hơi thở và giọng nói của người con gái bên sông Ngàn Sâu cứ theo ông mãi. Mỗi lần nghe cô gái nào đó nói giọng ngồ ngộ ấy là ông giật mình nhớ tới Mận, người con gái đã trao cho ông nụ hôn đầu đời, người con gái đã cho ông biết thế nào là hơi thở, hương tóc của thiếu nữ tuổi trăng tròn…
Nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển.
Làn sóng thứ 4 đại dịch Covid-19, Thành phố nơi gia đình ông Toàn sinh sống là tâm dịch của cả nước. Qua đài, báo hằng ngày có tới hàng chục ngàn người nhiễm bệnh và hàng trăm người tử nạn do Covid. Nhi, con gái ông là cán bộ Đoàn phường nên không về nhà. Cô và các bạn phối hợp cùng bộ đội lo hướng dẫn bà con thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội và chữa trị người nhiễm Covid. Lại nữa phải lo cho dân, nhất là dân lao động nghèo vượt qua khó khăn, thiếu thốn.
Thành là đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy hai trung đội phối thuộc với phường. Không biết Thành xa quê đã bao lâu mà cái giọng ngồ ngộ Hà Tĩnh của anh thật khó nghe. Song nghe quen, lại thấy dễ thương, dễ gần như có vị riêng không lẫn vào đâu được. Trong công việc chỉ huy, đại đội trưởng Thành rất nghiêm khắc, dứt khoát. Nhưng từ cách ứng xử, giải quyết những tình huống nảy sinh chưa hề có tiền lệ, không có trong kịch bản do sự biến đổi khôn lường của dịch bệnh, Nhi thấy Thành thật sâu sắc, nhân hậu và gần gũi. Có lúc “khoảnh khắc giữa hai trận đánh”, Nhi muốn tìm hiểu đời tư của Thành. Đang ngại ngùng, bẽn lẽn thì cậu Thúy, liên lạc đại đội bật mí cho Nhi biết, Thủ trưởng Thành chưa lập gia đình riêng. Bề ngoài nghiêm khắc, khó tính, nhưng tấm lòng của Thành thật nhân hậu, dễ gần. Nhi cũng ngấp nghé tuổi “tam thập nhi lập”, nên cô hiểu cái “khó tính” của người đến tuổi ấy. Anh Thành lại là chỉ huy. Công việc bắt buộc phải như thế. Quân lệnh như sơn. Kỷ luật quân đội là kỷ luật thép nên người ta cũng dễ trở nên khô cứng, khó tính.
Song, qua vài việc xử lý người mắc F0, Nhi thấy Thành giải quyết công việc có lý, có tình. Đặc biệt tấm lòng nhân hậu, trách nhiệm trước dân của người lính Bộ đội Cụ Hồ được Thành và đồng đội của anh thể hiện như ngọn lửa sưởi ấm lòng người giữa đêm đông, giá lạnh.
Tình cảm hai người không biết nảy nở từ bao giờ? Chỉ biết, cả Thành và Nhi nhận ra từ trái tim mình, họ không thể thiếu nhau, nhất là khi cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” bước vào hồi quyết liệt, cam go nhất. Do giãn cách xã hội, họ có dịp ở bên nhau cả ngày và đêm suốt mấy tháng liền. Trận chiến quyết liệt, sự sống cái chết mỏng manh trong gang tấc như nơi chiến trường, bom cày đạn xới. Họ ấm lòng, tự tin khi có nhau. Chả thế mà, trong đêm liên hoan trực tuyến chia tay Thành và đồng đội của anh về đơn vị, Nhi đã xung phong hát bài: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, đó sao. Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao… Dù đạn bom man rợ thét gào… Ta vẫn chung nhau một ánh trăng ngần…
***
Mùa xuân sắp về. Khác với mọi năm, Thành phố mới “ốm dậy” đang phục hồi. Mặc dù vậy, mai vàng vẫn rực rỡ theo các đoàn xe nối đuôi nhau từ ngoại ô vào Thành phố. Đào Nhật Tân năm nay có sắc lạ. Làm như sau trận dịch khủng khiếp mọi thứ trên đời đều đổi thay. Khẩu trang, sát khuẩn, kính chắn bọt, ông Toàn bận quân phục Cựu chiến binh màu cỏ úa ra công viên. Như mọi năm, phòng khách đón xuân của nhà ông không thể thiếu mai vàng An Phú Đông và đào phai Hà Nội. Đang ngó nghiêng, ngắm nghía, ông “phát hiện” con gái mình đi với một chú bộ đội đang chọn hoa. Ông đang tính né họ, để con gái tự nhiên thì Nhi cất tiếng:
– Ba, ba cũng đi chợ hoa. Ba tính mua hoa hả? Đoạn Nhi chạy đến ôm lưng ba: Ba khỏi mua. Để chúng con mua hoa tặng ba.
Ông Toàn chưa kịp trả lời con gái thì anh bộ đội đã đứng trước mặt.
Anh gỡ nón, tháo khẩu trang, cúi đầu:
– Dạ, con chào bác ạ.
Ông Toàn nhận ra anh bộ đội đã đến nhà mình hôm trước:
– Thành đấy à. Cháu cũng đi mua hoa sao?
Rồi như nhận ra câu hỏi của mình hơi kỳ, ông Toàn chữa:
– Sắp tết rồi, lát nữa mời anh Thành về nhà bác chơi nhé? Trưa nay nhà mình đón xuân sớm.
Thành ngập ngừng nhìn sang Nhi. Giọng Nhi:
– Ba em nói rồi. Trưa nay mình sẽ dùng cơm với ba nhé?
Rõ ràng Thành hạnh phúc khi con gái ông nói thế. Ông Toàn kín đáo nhận ra điều ấy.
Nhi chọn một chậu hoa đào có dáng con công mà ông Toàn thích cùng Thành chở về nhà. Ông Toàn đi bộ xem mấy gian hàng hoa rồi về sau. Xem hoa nhưng đầu óc ông cứ mung lung ở mãi tận đâu. Ông nhớ đến đồi sim bên dòng sông Ngàn Sâu và chiều hoàng hôn năm ấy. Lịch sử không bao giờ lặp lại. Nhưng những sự kiện nghĩa tình có thể diễn ra theo đúng nhịp đập trái tim. Ông Toàn chợt nghĩ, có khi nào chú bộ đội, bạn trai của con gái ông lại có mối liên hệ nào đó với Mận, cô gái bên dòng sông Ngàn Sâu mà cách đây gần nửa thế kỷ ông đã gặp. Nói đúng, sau chiến tranh, trong một lần thăm lại chiến trường xưa, ông Thành đã về lại đồi sim tìm Mận. Nhưng sau mấy chục năm, cảnh vật đã đổi thay. Chủ nhân mới của ngôi làng cũng không ai nhớ cha con ông lão bên cạnh đồi sim ấy. Vậy Mận ra sao? Cũng như bao người con gái khác, lớn lên, Mận xây dựng gia đình riêng ? Và, trong những người huyết thống ấy của Mận, có ai tên là Thành, bộ đội là bạn trai của con gái ông bây giờ?
Ông Toàn chợt nhớ lại câu nói của Nhi “Trưa nay mình sẽ về dùng cơm với ba nhé?”. Câu nói ấy chỉ có thể với những người thân yêu, gần gũi. Nhi, con gái của ông đã cập kề tuổi “tam thập nhi lập”. Sau cơn bão đại dịch Covid-19 Thành phố, đất nước đang hồi sinh. Có phải gia đình ông cũng thế. Lịch sử không lặp lại. Nhưng những sự kiện nghĩa tình có thể sẽ diễn ra theo đúng nhịp đập của trái tim.
Gió heo may nhè nhẹ. Những chuyến xe chở đầy hoa nối đuôi nhau mang mùa xuân vào Thành phố.
Trại viết Đồi Thơm, tháng 11/2021
ĐTTC SGGP 15/11
 
23/2/2022
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...