Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Ngày chợt đến - Cái tình của Thai Sắc với đời

"Ngày chợt đến" - Cái tình
của Thai Sắc với đời

Thai Sắc là bút danh của nhà thơ Cái Văn Thái theo lối chơi chữ “Thai - Sắc - Thái“, anh nguyên là chuyên viên Văn học của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản 8 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, một tập ca khúc. Thai Sắc trình làng tập thơ “Ngày chợt đến” do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp phát hành và nhà văn Trần Quốc Toàn biên tập.
Thai Sắc và tập thơ “Ngày chợt đến”.
Với 36 bài thơ chọn lọc từ hàng trăm bài mà anh sáng tác từ 1996 đến nay, phần lớn các bài này đã được đăng tải trên các báo Trung ương và địa phương, đem đến cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ sâu sắc. Đó là tấm lòng của một người con xa xứ, đa tình, luôn trải lòng ra với mọi ba động của cuộc đời. Anh đã lấy Đồng Tháp làm quê hương thứ hai (quê anh ở Lệ Thủy – Quảng Bình), và anh đam mê văn chương cũng như đam mê nghề “trồng người”.
Thai Sắc đi nhiều, viết khỏe, đã thử tài trên nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, bút ký, phóng sự, âm nhạc… và không nguôi trăn trở, băn khoăn về lẽ sống, tình yêu, cuộc đời. Với tôi, anh thành công hơn cả vẫn là thơ.
Ngày chợt đến có 14 bài viết về tình yêu và 24 bài viết về quê hương và các đề tài ngẫu hứng khác. Say với nàng thơ, với nghề nghiệp, và bỗng một sáng kia, anh bừng tỉnh bởi Ngày chợt đến. Anh reo vui trong nắng xuân qua những so sánh dồn dập, đa thanh:
… Ngày chợt đến như thể không chờ đợi
… Ngày chợt đến như thể không hẹn ước
… Ngày chợt đến như người đi trở lại
… Ngày chợt đến như ngày xuân én nhớ…
Nếu trước đây nhà thơ Nguyễn Bính nhận ra mùa xuân đã về “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”, thì Thai Sắc ngỡ ngàng nhận ra mùa xuân đến trong tà áo chật của thiếu nữ căng tràn sức xuân:
Mùa xuân cựa mình trong tà áo chật
Như chưa hề biết lạnh giá là chi.
Và để cho thiên nhiên “hoa quả rủ nhau cười“, và “chiền chiện ríu rít cả đồng quê“, “bến cũ lao xao mùa sóng“. Thế mà “em thuở nào hồn nhiên lỡ bước đi?”. Câu thơ như nhói một nỗi tiếc nuối trong niềm vui vừa mới nhóm lên đã chợt bay đi.
Thơ anh thường đẩy người đọc tới hai thái cực: vui – buồn, hợp – tan, xưa – nay, hiện tại – tương lai, sáng – tối, sướng – khổ, yêu – ghét… và kết thúc khá đột ngột, ấn tượng. Các bài Ngẫu hứng nước, Đám cưới mùa lũ lớn, Thong dong, Cánh đồng, Tết về, Ngày chợt đến… là những bài lạ về tứ, hay về sự lựa chọn hình ảnh và giãi bày cảm xúc. Tôi khoái nhất là bài Ngẫu hứng nước, một bài thơ viết về trận đại hồng thủy năm Canh Thìn 2000 đối với Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tác giả đã có những so sánh rất hay về sức phá hoại ghê gớm của nước, và kết thúc bằng một hình ảnh hóm hĩnh, đậm chất dân gian:
Giữa dòng cơn lũ trùng khơi
Vòi rồng cu Tý ngang trời vót cao.
làm người đọc không còn thấy sợ gì thủy thần nữa. Hoặc ở bài “Đám cưới mùa lũ lớn” anh cũng chọn được chi tiết khá độc đáo:
Chú rể cô dâu ngâm chân trần dưới nước
Bì bỏm giáp vòng nâng chén với bà con.
Một cái cười vui nhẹ lướt qua làm tan biến đi cái bi kịch của lũ dữ đang hoành hoành. Trong tập thơ này anh có đến bốn bài viết về lũ như: Nhật ký lũ 2000, Đám cưới mùa lũ lớn, Khát vọng mùa lũ, và Ngẫu hứng nước biểu hiện một nỗi đau nhân tình và trách nhiệm công dân trước thiên tai quái ác. Anh yêu một Tân Hồng, Cao Lãnh, Tháp Mười như yêu Lệ Thủy quê mình. Anh muốn gởi cả “phương Nam nắng đỏ” ra cho người yêu như Bùi Văn Dung đã từng “gửi nắng cho em“. Nhiều bài thơ của anh mang tính hướng ngoại với nỗi xót xa, trăn trở về nhân tình thế thái. Một cô gái quê lơ ngơ với son phấn nơi thị thành phố chợ làm anh chạnh lòng và buông một lời trách nhẹ:
Em về phố lời phai như cỏ
Như tiếng ru loài dế mãi buồn
Thương làng quê bí bầu trái vụ
Mưa chưa về trên nước kênh mương.
(Về phố)
Những bài thơ tình của anh nhẹ nhàng mà sâu lắng những hoài niệm như: Trăng khuyết, Áo xưa, Tạ từ, Ta vẫn ru em như ngày xưa, Khi anh chợt đến, Tinh khôi, Rong chơi, Những vòng sóng, Bến cô đơn, Lối đợi, Gởi cho em phương Nam... Anh có những liên tưởng lạ và đẹp: “Khiến bờ tóc lỡ mềm sương khói/ Bỗng dưng khấp khởi mênh mang xanh“, hay “Như con sóng dìu nhau vào tít tắp/ Cứ giận mình chẳng vỗ ngược về sau“, hoặc “Ta yêu em khuyết đời rồi/ Mà sao em vẫn tinh khôi hương đầu“…
Có khi anh thấy tình yêu mang tầm vóc vũ trụ:
Biển ầm ào bỗng hóa lặng câm
Trước tình yêu anh, biển chỉ là hạt cát.
hay: “Tình yêu anh hai mươi năm đến muộn / Vẫn bừng lên những đợt sóng thần“, hoặc: “Cơn bão tố của lòng anh cuồng nhiệt / Thành nụ hôn ấm một vầng môi” (Biển cô đơn). Thơ tình của Thai Sắc êm đấy nhưng cũng đầy bão tố, và sâu hơn là anh biết rút ra được những hệ quả mang tính triết lý ở mỗi cung bậc của tình yêu.
Nhưng có lẽ đậm nét hơn cả là những vần thơ anh viết về quê hương, về Mẹ và những người thân. Nó luôn đau đáu môt nỗi nhớ, da diết một tình thương. Tết đến Xuân về mà anh vẫn biền biệt xa quê. Anh đã tưởng tượng ra cảnh cha mẹ chuẩn bị Tết, nghe “chim khách kêu” mà ngỡ con sắp về:
Cha ngồi lau ấm trà chay
… Mẹ lui cui đốt lá khô
… Chim khách thôi đừng mách nữa
Để hoa mai vàng áo mẹ
Để tách trà ấm tay cha
(Tết về)
Anh nhớ thuở ấu thơ đi bắt đom đóm cùng bè bạn bên một “gốc đa già u tịch“, một “ao bèo nhọc nhằn“. Anh nhớ một tiếng cú kêu đêm, một “bờ tre vươn mình“, và khắc khoải hơn cả, đau hơn cả là cảnh làng quê trong chiến tranh với tiếng khóc của trẻ thơ “ngu ngơ giữa tiếng bom thù nổ” thật tội nghiệp. Thời áo trắng sân trường chỉ còn là ảo ảnh, hoài niệm:
Áo xưa trắng đến vô cùng
Tóc xưa giờ đã điệp trùng màu mây
(Áo xưa)
Anh đành tạ từ với Lệ Thủy, với bến Chềm, với “bầy gốc rạ khô gió lật“, với “bến sông phù sa“, với “thảm lá bàng đỏ quạnh” và với cả những “nụ hôn ấm ngủ vùi“, để trở về thực tại làm “Ông ngoại” với đúng nghĩa của nó.
Thai Sắc luôn tìm sự đổi mới thơ, luôn tìm cách biểu hiện ý tứ ở nhiều tầng nghĩa, không dễ dãi nhưng cũng không bí hiểm, cầu kỳ. Anh thường có những so sánh và nhân hóa tạo ấn tượng khi nhìn con người và thế giới thiên nhiên: “Đời người như dòng sông chảy/ Ai còn ngược sóng tìm ai?”, hoặc “Thế giới hiền lặn vào vỏ ác/…Những vệt đom đóm quệt ghen tuông vào gió/ Ngày buông tay bịn rịn hoàng hôn/ Phía bên kia mặt trời thắc thỏm/ Ngày và đêm ghen suông” (Khi anh chợt thức). Hệ thống từ láy được anh tận dụng để tạo tính nhạc cho câu thơ. Vì thế nhiều bài thơ của anh có thể phổ nhạc như: Biển cô đơn, Cánh đồng, Thong dong, Mùa xuân, Bạn tôi… Ở đó chất tự sự kết hợp với cảm hứng trữ tình lãng mạn tạo nên dư ba cho bài thơ, làm nên cái “ý tại ngôn ngoại“. Anh cũng rất khéo đưa phương ngữ Nam Bộ vào thơ ở một tỉ lệ nhất định, đúng lúc, đúng chỗ làm cho bài thơ mang tính phổ quát nhưng vẫn giữ được chất dân gian ở một vùng đất mới. Tuy nhiên ở một vài câu thơ còn “lép“, còn sa vào việc hô khẩu hiệu một cách lên gân như: “Con tàu nhân dân đè lũ vượt lên” (Nhật ký lũ 2000), hay có sự so sánh hơi “phô“: “Những bài thơ như những chiếc tả lót lấp lánh trên dây phơi hạnh phúc” (Bạn tôi)…
Đọc Ngày chợt đến của Thai Sắc ta dễ thấy tấm lòng đôn hậu của anh ẩn chứa trong cảm xúc hướng ngoại của một con tim đầy trách nhiệm công dân. Tôi biết anh khá tài hoa trên nhiều lĩnh vực, nhưng với tôi cái đọng lại sâu sắc hơn cả vẫn là một hồn thơ dào dạt đằm thắm yêu thương. Hy vọng rằng anh không bị cuốn vào mê hồn trận của sự đắm say nhiều thể loại, bởi sức người có hạn. Và tôi vẫn mong đón đọc những tập thơ mới của Thai Sắc với nhiều bứt phá hơn.
14/1/2020
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...