Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Nguyễn Minh Khiêm, độc thoại với hoàng hôn

Nguyễn Minh Khiêm,
độc thoại với hoàng hôn

1. Nguyễn Minh Khiêm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống và viết tại Thanh Hóa, cho tôi cảm giác gần gũi. Ông có nét thanh tao, lịch lãm,  chiết trung của một học giả… Tất cả hạnh ngộ trong con người ông đến độ chưng cất giản dị.

Sau này, tôi biết, anh em nhà văn, hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa nói riêng và văn nghệ sỹ xứ Thanh rất mực tôn trọng nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.
Thuở mới bước vào “làng văn”, Nguyễn Minh Khiêm viết văn, từng xuất bản “Sư tử làm chúa” (NXB Thanh Hóa 1989), “Tiếng gầm” (NXB Thanh Hóa 1991), sau này “chung thân” với thơ. Trong “gia tài” văn chương gồm 22 tác phẩm cho đến hiện tại, ông đã có 5 trường ca. Viết văn đích đến phải là tiểu thuyết, âm nhạc đích đến phải là giao hưởng, khí nhạc, làm thơ đích đến phải là trường ca. Nó phản chiếu năng lượng nội sinh của cảm xúc.
Nguyễn Minh Khiêm từng nhận được 31 giải thưởng tác phẩm văn chương khác nhau. Anh em văn nghệ sỹ Thanh Hóa vẫn gọi ông là “quán quân” giải thưởng. Ở tác phẩm mới nhất là “Lốc biển” – trường ca, giải thưởng của ông kín cả hai mặt bìa gấp. Tôi để ý thấy nhiều giải danh giá như giải Nhất thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2016 – 2017), Giải thưởng cuộc thi thơ lục bát Báo Văn Nghệ (năm 2010); 5 lần giải thưởng Lê Thánh Tông của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có Giải A năm 2018 cho trường ca “Ba mươi tháng tư”; và các tạp chí có “tiếng tăm” như Sông Hương, Văn nghệ Thái Nguyên…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Nguyễn Minh Khiêm là nhà thơ có nhiều thành tựu, đặc biệt là mảng viết cho thiếu nhi và đề tài hậu chiến”. Phải công nhận, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm là người “nặng nợ” với đề tài hậu chiến. Hơn ai hết, ông là người trong cuộc. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông đứng giữa sự sống và cái chết. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, với Nguyễn Minh Khiêm, viết về đề tài hậu chiến là sự trả ơn, trả nghĩa. Trường ca “Lốc biển” là minh chứng mới nhất về nhận định ấy.
2. “Lốc biển” gồm 6 chương, “Lạch đêm”, “Khúc dô tá dô tà trên biển”, “Giao thừa”, “Vượt vời”, “Thuyền mới”, “Độc thoại với hoàng hôn”. Đọc “Lốc biển”, tôi nhớ đến tác phẩm “Khúc tráng ca trên biển” – ký văn học của nhà văn Chu Lai, “Thức với biển” – trường ca của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm… Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sông, biển Việt Nam có nhiều “tráng ca” đã, đang và tiếp tục là cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ. Mỗi nhà văn, nhà thơ có cách tiếp cận, quán chiếu khác nhau.
“Lốc biển” là tráng ca nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm viết về đoàn thuyền nan chống Mỹ cứu nước, một sáng tạo riêng của Thanh Hóa có tên “Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa”. Đó là những năm tháng “Những chiếc thuyền nan từ trong lốc biển/ viết sử thi bi tráng một con đường” (trang 51).
Ngày 5/8/1964, sau khi dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đánh lừa dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, đế quốc Mỹ ngang nhiên dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Từ 8/2/1965, máy bay Mỹ bắt đầu “leo thang” đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào, chủ yếu là đánh phá mạng lưới giao thông vận tải.
“Đất nước chỗ nào cũng gọi túi bom/ chỗ nào cũng gọi nút cổ chai, yết hầu, điểm chết/ Mỹ đánh dấu trên bản đồ chiến sự/ bao nhiêu nút cổ chai/ bao nhiêu điểm chết” (trang 26) và “Mọi con đường/ mọi cây cầu/ từ Trường Sơn tới biển/ Mỹ lùng sục trút bom” (trang 27). Ngoài biển, các cửa sông là ngư lôi, từ trường hòng “khóa chặt” mọi ngả đường.
Giao thông vận tải thực sự là một mặt trận, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho chiến trường trở thành nhiệm vụ số một. Những năm tháng “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, khẩu hiệu trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải là “Gãy cầu như gãy xương, đứt đường như đứt ruột”. “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. “Đơn vị là quê hương, cầu đường là trận địa”, “Địch phá ta cứ đi”…
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.
Tiền tuyến gọi, miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng trả lời. Tháng 10/1965, 800 thuyền nan của Thanh Hoá thuộc “Công ty Thuyền nan chống Mỹ” ra quân vận chuyển dọc tuyến lửa kênh đào Nhà Lê. Sau đó số lượng thuyền nan được bổ sung tới 3.000 chiếc, hoạt động con thoi trên tuyến. Mùa thu 1968, “Công ty Thuyền nan chống Mỹ” được điều động vào nam Khu IV. “Mấy nghìn con thuyền ém dọc bờ sông/ Chờ trăng lên xuất phát” (trang 6). Lúc này, đơn vị mang tên Đoàn vận tải Lam Sơn Thanh Hóa.
Do mức độ đánh phá của địch quá ác liệt, nhất là mặt trận Hà Tĩnh, Đoàn vận tải Lam Sơn với hơn trăm thuyền gần 400 thủy thủ quyết định ra đi từ Cửa Hội (Nghệ An), vượt biển vào tận cảng Gianh và Nhật Lệ (Quảng Bình) để chuyển tải hàng hoá phục vụ tiền tuyến. Từ đó, Đoàn thuyền nan chống Mỹ từ Đồng Hới theo sông Lệ Thủy ngược lên Thác Tre tạo chân hàng cho xe thồ Thanh Hóa tiếp tục vận chuyển chi viện cho mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên… “Thuyền là nhà/ thuyền là công sự/ thuyền là nơi tuổi trẻ ngẩng cao đầu” (trang 16). Thuyền viên của Đoàn vận tải Lam Sơn có cả nam, cả nữ. Họ thực sự là những chiến binh, gần 150 người đã ngã xuống trên đường vào mặt trận khi bom Mỹ vãi trúng đội hình. “Nồng nặc thuốc bom/ nồng nặc máu/ không một ai dám bấm ngón tay/ không một ai dám nhìn dòng nước” (trang 100).
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng những năm tháng đó, có lẽ khó có bút mực nào nói hết. “Bom đạn kẻ thù tìm mọi cách hất chúng tôi lùi lại phía sau/ chúng tôi hất bom để tiến lên phía trước” (trang 21); “Đó là cách làm chủ con đường/ Đó là cách chúng tôi về tới đích” (trang 22).

Đoàn chúng tôi đang ở trong lốc biển
Bom Mỹ từ bốn phía bủa vây
Không có dấu hiệu điểm dừng khốc liệt
Những năm tháng đó, không chỉ nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, mà trong lực lượng sáng tác ở Thanh Hóa cố nhà văn Kiều Vượng (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), nhà thơ Trịnh Ngọc Dự… là những chiến sỹ Thanh niên xung phong.
Tôi có may mắn là người được tham gia biên soạn lịch sử ngành Giao thông vận tải Việt Nam, Giao thông vận tải các tỉnh Khu 4 (cũ) trọng điểm bị đánh phá những năm tháng chống Mỹ, cứu nước như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và cả Quảng Trị nên đọc “Lốc biển” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, tất cả ùa về cộng hưởng, tạo nên chiều kích cảm xúc khó tả.
3. “Lốc biển” mang đặc điểm chung của trường ca là tính tự sự, nhưng đẫm chất trữ tình. Sự đan cài giữa quá khứ, hiện tại và tương lai thể hiện trong từng chương của trường ca. Nguyễn Minh Khiêm viết thay lời tri ân. Nguyễn Minh Khiêm lý giải nguồn gốc sức mạnh của đất nước, quê hương và từng con người cụ thể, từng chiến binh quả cảm. Đó chính là văn hóa. “Đoàn Vận tải Lam Sơn Thanh Hóa anh hùng/ chưa một lần chuyển hướng/ chưa bao giờ sợ hãi kẻ thù/ xuyên qua những túi bom túi đạn/ xuyên qua mọi cái nút cổ chai/ biển vẫn vang những điệu hò sông Mã/ những điệu hò cổ xưa cha ông đi mở đất/ mang âm vang của núi rừng hùng vĩ” (trang 35).
Thanh Hóa, vùng đất đặc biệt, nơi phát tích của người Việt cổ, nơi có truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi… “Người Thanh Hóa bước xuống từ đá vọng phu/ người Thanh Hóa bước ra từ hòn Trống Mái/ thành chim Hạc bay lên trên mặt Trống Đồng/ thành Mai An Tiêm mở mang biển đảo” (trang 39).
Khi còn sống, Thanh Hóa là địa phương duy nhất, Bác Hồ đến thăm và làm việc đến 5 lần. Không chỉ đến thời chống Mỹ, cứu nước mà trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, đoàn xe đạp thồ của Thanh Hóa đã nổi tiếng, trong các chiến dịch, nhất là chiến dịch cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Chương sử bi hùng của Đoàn Vận tải Lam Sơn là sự tiếp nối, viết tiếp truyền thống quê hương, đất nước.

Mang sức mạnh quê Thanh dệt lên mặt biển
Thành niềm tin chiến thắng
Thành hoa văn hát trên mặt trống đồng
Thành hoa văn hát trên đình chùa miếu mạo
Thành quết trầu thơm mẹ gửi vào hông cột
(trang 37)
Chiến tranh đã lùi xa nhưng đó vẫn là một “siêu đề tài” trong văn học nước nhà thời hậu chiến. Với độ lùi thời gian, những thay đổi về văn hóa, xã hội giúp người viết hôm nay lật trở. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm thấy “hồn sóng hiện về”, ám ảnh. “Khúc tráng ca trầm tích/ không cuộc tiễn đưa/ không bia tưởng niệm/ một con thuyền cũ/ mảnh vụn cuối cùng độc thoại với hoàng hôn”. Đó là sự chiêm nghiệm chiến tranh từ lăng kính nhân văn, nhân bản gắn với những giá trị phổ quát. “Lốc biển” của Nguyễn Minh Khiêm đẫm suy tư, trăn trở giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Theo Sông Nghèn/VNCA
 
14/1/2020
Nguyễn Thị Việt Nga
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...