Nhà văn Isabelle Müller:
Hành trình của hy vọng
Trung tuần tháng 3/2022, nhà văn Isabelle Müller - người mang
trong mình hai dòng máu Việt - Pháp đã trở về quê mẹ Việt Nam để tham dự buổi
giao lưu cùng độc giả, giới thiệu tác phẩm Con gái của chim Phượng hoàng –
Hy vọng là con đường của tôi, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án thiện
nguyện giúp đỡ các trẻ em nghèo. Văn nghệ đã có cuộc trò chuyện cùng chị nhân
chuyến trở về ý nghĩa này.
Nhà văn Isabelle Müller trong một chuyến khảo sát, thực hiện dự án thiện nguyện
tại Hà Giang.
Chưa bao giờ mất niềm tin
* Rất vui được gặp lại chị. Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện của
chúng ta năm 2019. Hành trình tìm về quê mẹ Việt Nam của chị khi ấy để lại trong
tôi ấn tượng mạnh. Và lần này, chúng ta lại có dịp gặp nhau, nhân sự kiện chị
ra mắt cuốn sách thứ hai tại Việt Nam với tiêu đề Con gái của chim phượng hoàng
– Hy vọng là con đường của tôi (xuất bản lần đầu ở Đức năm 2009). Cảm xúc của
chị về sự kiện ra mắt cuốn sách này có gì khác với lần ra mắt Loan – từ cuộc đời
của một con chim phượng hoàng?
– Nhà văn Isabelle Müller: Đây là một vinh dự lớn của
tôi khi được tái ngộ cùng bạn trong dịp ra mắt Con gái của chim phượng
hoàng – Hy vọng là con đường của tôi. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về lần gặp gỡ
đầu tiên của chúng ta. So với lần đầu tiên ấy – sau khi quyển LOAN (Loan – từ
cuộc đời của một con chim phượng hoàng) được xuất bản, cảm giác của tôi không
có nhiều khác biệt: Tôi vẫn vô cùng cảm động trước tình cảm và sự quan tâm nồng
hậu mà báo chí dành cho quyển sách này. Tất nhiên, tôi có một chút háo hức
trong lòng, bởi sự nghiệp viết lách của mình bây giờ được đưa ra “kiểm tra” một
lần nữa. Thực sự, tôi cảm thấy tuyệt vời vì mọi thứ xung quanh dự án sách này đều
là đúng đắn. Và tôi hầu như không dám nghĩ rằng mình lại có cơ hội được chia sẻ
suy nghĩ của mình với quý độc giả.
* Tôi suy nghĩ rất nhiều về tiêu đề cuốn sách “Hy vọng là con
đường của tôi”. Thực sự chị đã có một hành trình đầy gian nan, thử thách để khẳng
định giá trị của bản thân trước nhiều nghịch cảnh. Trong con đường chị đã chọn,
có lúc nào chị thấy nản lòng, muốn buông xuôi?
– Vâng, tôi biết bạn muốn nói đến những lần nào. Thực sự thì
tôi bỗng dưng muốn thay từ “nản lòng” của bạn bằng “tuyệt vọng”. Tôi đã trải
qua giai đoạn nặng nề như vậy vài lần trong đời. Tôi có một vài câu chuyện khiến
mình tuyệt vọng như thế.
Đó là khi mẹ tôi phải vắng mặt trong tất cả các sự kiện khen
thưởng ở trường tôi. Chỉ vì màu da của bà mà bà đã phải tránh mặt để khỏi gây
phiền phức. Bà đã hy sinh niềm vui của một người mẹ để đổi lấy sự bình yên cho
tôi. Trong những khoảnh khắc như thế, tôi cảm thấy không còn động lực để tiếp tục
thể hiện tốt ở trường học nữa.
Tất nhiên, những khoảnh khắc tuyệt vọng cùng cực nhất là khi
cha tôi lạm dụng tôi và tôi phải câm nín. Những năm tháng đó đã khiến tôi suýt
hai lần tự tử. Dù rất thương mẹ, tôi đã từng rất sẵn sàng để tự kết liễu cuộc đời
mình.
Tôi cũng cảm thấy nản lòng khi tôi hết lần này đến lần khác nhận
được những lời đề nghị đổi tình dục để lấy công việc ở Pháp.
Nản lòng cũng là khi những người thân yêu trong gia đình mình
trở ra bạo bệnh và doạ chết.
Cuối cùng, trong công việc viết lách, thật sự khó khăn để khẳng
định mình giữa nhiều người cây bút khác. Tôi đã bị từ chối nhều lần khi giới
thiệu quyển sách đầu tay LOAN với các nhà xuất bản. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng
quyển sách của mình chưa bao giờ được xem qua và người ta cứ mặc nhiên từ chối.
Nhà văn Isabelle Müller.
Bạn thấy đó, cuộc đời tôi đã có quá đủ những lần mà tôi có lý
do để nản chí và tuyệt vọng. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào ông
Trời và vào chính mình. Khi tôi có một giây phút yếu đuối thì có ai đó giúp đỡ
đúng lúc hoặc có điều gì đó lạ thường xảy ra và nhắc nhở tôi rằng ông Trời có
hiện hữu.
Chấp nhận và vượt qua thử thách
* Cuốn sách của chị là tiếng nói can trường, ở đó chị đã
không hề né tranh những vấn đề mà chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại, như chuyện bị
phân biệt đối xử, bị khủng bố tâm lý, bị lạm dụng tình dục từ lúc mới 9 tuổi bởi
chính người thân trong gia đình… Tại sao chị quyết định lên tiếng, đồng nghĩa với
việc khơi lại ký ức đau đớn của mình?
– Tôi bị lạm dụng tình dục lần đầu tiên năm 8 tuổi, không phải
9. Nó kéo dài 9 năm cho đến khi tôi 17 tuổi. Thực sự là tôi đã không có ý định
viết hồi ký của mình và chia sẻ câu chuyện của mình với người khác. Tôi chỉ muốn
xuất bản quyển LOAN, như đã hứa với mẹ tôi khi tôi 6 tuổi. Nhưng năm 2008 tôi
được S. Fischer Verlag danh tiếng ở Đức đề nghị viết hồi ký về cuộc đời mình vì
họ muốn có một nhân vật chính còn sống (Mẹ Loan của tôi đã qua đời năm 2003).
Nên tôi đã đồng ý, hy vọng nhà xuất bản này sau đó sẽ xuất bản quyển LOAN. Khi
tôi quyết định viết hồi ký, tôi muốn nó chân thực nhất có thể. Mục đích chính của
tôi là không ai có thể đánh giá thấp vấn đề lạm dụng tình dục và những trải
nghiệm kinh khủng đã định hình cuộc đời tôi. Tôi chỉ muốn nói với bạn về việc
tôi đã trải qua mọi thứ thế nào, tôi đã chấp nhận và vượt qua các thử thách ra
sao. Nếu tôi không nhắc tới lạm dụng tình dục bên cạnh những thứ khác nghĩa là
tôi đã không thành thực, bởi vì con người của tôi ngày hôm nay chính là từ tất
cả những trải nghiệm mà cuộc đời đã đưa đến cho tôi.
Cũng sẽ là nói dối nếu tôi bảo rằng tôi viết quyển sách này
chỉ dành cho những nạn nhân của nạn bạo hành. Không. Tôi chỉ chia sẻ một phần
cuộc sống của mình để kể câu chuyện của một cô gái (bình thường và giản đơn) đã
phải trải qua nhiều thứ. Một thời gian sau đó tôi mới nhận ra quyển sách của
mình có thể mang lại sức mạnh và niềm hy vọng nhường ấy cho độc giả. Tôi đã
không ý thức được sức mạnh của chính mình trước kia.
* Phản ứng của những người thân trong gia đình chị khi cuốn
sách ra mắt?
– Có nhiều phản ứng khác nhau trong gia đình tôi. Chồng
tôi nói nếu anh ấy biết sự thật trước đó, anh ấy đã không bao giờ bắt tay cha
tôi hoặc để người đàn ông đó bước vào nhà chúng tôi. Sau đó tôi đã giải thích để
anh hiểu rằng việc cố gắng giữ bí mật này cho đến khi mẹ tôi qua đời quan trọng
thế nào. Anh ấy đã hiểu và hoàn toàn tôn trọng điều đó. Nó cũng giúp các con
gái tôi mở mang tầm mắt. Chúng đã được khai sáng hơn. Cả hai đều bày tỏ tình
yêu và niềm tự hào dành cho tôi. Hai trong số các anh chị em đã quay lưng lại với
tôi. Hai người khác thì đứng về phía tôi (một người thì ủng hộ ngay từ đầu, người
còn lại thì mãi 28 năm sau, khi anh đã đọc quyển sách của tôi).
Cha tôi đã cắt liên lạc với tôi từ khi quyển sách được xuất bản
năm 2009 – dù tôi đã nói với ông trước rằng tôi sẽ viết quyển sách với những sự
thật về những gì đã xảy ra với tôi và rằng tôi đã tha thứ cho ông. Những người
họ hàng xa thì thường bày tỏ sự tôn trọng đối với tôi.
Bìa cuốn sách “Con gái của chim Phượng Hoàng – Hy vọng là con đường của tôi”.
* Khi cuốn sách lần đầu ra mắt tại Đức (năm 2009) chị đã có
ba năm rưỡi, đến nhiều nơi để giao lưu, chia sẻ cùng độc giả, tham gia nhiều
chương trình trên báo chí, truyền hình. Vấn đề khi đó đã không chỉ còn mang
tính cá nhân mà đã thực sự trở thành vấn đề xã hội, đó là kêu gọi nạn nhân của
bạo lực tình dục phá vỡ sự im lặng để vạch mặt thủ phạm. Trong hành trình đó,
chị tự nhận thấy mình đã làm được điều mong muốn của mình hay chưa?
– Có rất nhiều người đã tiếp cận và cổ vũ tôi trở thành tiếng
nói của những nạn nhân của bạo hành hoặc những người dễ bị tổn thương. Tôi vinh
dự đảm nhận vai trò này khi tôi nhận ra tôi đã khơi lên một chủ đề cấm kỵ. Tôi
không thích những chủ đề cấm kỵ.
Tôi dần dần nhận ra rằng nhu cầu về giáo dục trong xã hội
chúng ta là vô cùng lớn. Bởi vì nhiều người đã không nói về nó hoặc không muốn
nói về nó, nên những người xung quanh họ không thể nhìn thấy được các dấu hiệu.
Xã hội đã không được chuẩn bị và giáo dục đầy đủ để đương đầu và giải quyết loại
vấn đề này. 50 năm trước, các nạn nhân bị đánh phạt nếu họ nói những điều đáng
xấu hổ này. Chủ đề cấm kỵ này đã bị cố ý triệt tiêu. Sau đó, sau khi quyển sách
của tôi ra đời (2009), chẳng hạn như tại Đức năm 2010, lần đầu tiên những nạn
nhân bỗng dưng có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có người đã lên tiếng cho họ, và quan
trọng là có người đã hiểu họ. Trong vòng vài năm tôi đã hướng dẫn được cộng đồng
và những nạn nhân cách giải quyết vấn đề, cách nhận ra nạn nhân hoặc kẻ lạm dụng,
những điều cần làm để bảo vệ bản thân tốt hơn và phá tan sức mạnh của thủ phạm.
Nhưng cuối cùng, tôi biết rằng tôi cũng có những công việc khác cũng quan trọng
không kém. Tôi không muốn dành cuộc đời mình với những chủ đề chứa đầy năng lượng
tiêu cực. Việc trao hy vọng là một ví dụ. Ngày nay tôi trao cho những trẻ em có
hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam một tương lai tươi sáng hơn thông qua giáo dục. Với
giáo dục, các em có hy vọng và tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là một
nhiệm vụ tuyệt vời. Và cuối cùng, tôi là một người viết/ tác giả. Tôi muốn những
câu chuyện của mình giúp người khác cảm thấy vui khi đọc những quyển sách của
tôi. Vì thế, ngày nay, tôi có hai công việc/ nhiệm vụ là làm những việc tốt và
viết lách.
* Có câu chuyện nào mà chị ấn tượng từ những chia sẻ của độc
giả?
– Có chứ, có một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được.
Đó là sau khi tôi có một buổi giảng ở một thị trấn nhỏ ở Đức. Có một người đàn
ông trẻ xếp ở cuối hàng chờ xin chữ ký của tôi. Khi đến lượt mình, mắt anh ta
hơi nhoà đi. Anh ta nói với tôi: “Bà Müller, cảm ơn bà rất nhiều. Tối nay, bà
như vị cứu tinh của tôi với quyển sách và bài giảng của bà. Tôi đang có hôn
nhân hạnh phúc. Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái. Chúng tôi yêu nó vô cùng.
Nó bị hãm hiếp lúc mới hai tuổi bởi đứa anh họ mười một tuổi… Con bé phải điều
trị trong vài năm và hôm nay nó đang ổn rồi. Vợ tôi cũng đã chấp nhận sự thật
này và đã tin rằng mọi thứ sẽ lại ổn thôi. Nhưng tôi, một người chồng một người
cha, đã không thể quên được nó. Và hôm nay tôi gặp bà, bà Müller, và lắng nghe
những lời cô nói. Bà đã trải qua và phải chịu đựng quá nhiều điều tồi tệ, còn
nhiều hơn cả con gái tôi. Trước mắt tôi lúc này, bà là một người phụ nữ rạng rỡ,
hạnh phúc và mạnh mẽ. Điều đó đã cho tôi một niềm hy vọng lớn lao. Bây giờ tôi.
Biết rằng con gái chúng tôi thật sự cũng có một cơ hội để có một cuộc sống hạnh
phúc. Tôi xin cảm ơn bà vì điều đó.”
Tiếp tục hành trình trao hy vọng
* Tôi thích tinh thần mà chị trao truyền trong cuốn sách, đó
là: “hành động và tạo ra sự khác biệt”. Tạo ra khác biệt có ý nghĩa như thế nào
trong hành trình sống của chị?
– Không phải vì có ai làm gì đó mà tôi cũng làm theo như vậy.
Làm theo đám đông và không hành động thì luôn là một điều dễ dàng. Những chủ đề
cấm kỵ mà tôi trình bày trong sách đã bị xã hội bắt câm lặng trong một thời
gian dài vì xấu hổ, vì sợ hãi, và thật không may là cả vì hèn nhát nữa.
Điều khá phổ biến là trong mọi tầng lớp xã hội đều có những lời
tố cáo. Tôi cá rằng mỗi độc giả đều biết ít nhất một người thân thiết với họ là
nạn nhân của bạo lực hoặc lạm dụng. Trên khắp thế giới, trong mỗi gia đình đều
có những chủ đề cấm kỵ như thế này. Nó đã luôn bị buộc phải im lặng, nhưng nó
không thể tiếp tục như thế được, vì quyền lợi của những thế hệ tương lai. Không
ngừng đặt những câu hỏi trong cuộc sống là một điều quan trọng đối với tôi.
Trên hết, tự vấn chính mình và thành thật với chính mình. Dừng lại một chút
thôi, phân tích và hỏi bản thân rằng bạn có hạnh phúc không? Có hạnh phúc với
chính mình và những người xung quanh bạn không? Nếu bạn hạnh phúc, bạn đã đạt
được mục tiêu cao nhất và có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Nếu bạn
không hạnh phúc, nếu bạn cảm thấy có một nỗi khao khát không thể giải thích hoặc
bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn thì đó chính là lúc phải hành động.
Một số người nghĩ rằng họ quá yếu ớt. Một số người đè nén cảm
xúc của họ và cứ tiếp tục cuộc sống vì như thế dễ dàng hơn cho họ. Những người
khác thì nghĩ rằng tại sao phải thay đổi gì đó khi mọi thứ đã như thế rồi? Người
ta sợ thay đổi và quên rằng tất cả mọi thứ xung quanh mình và bên trong mình
cũng không ngừng thay đổi đó thôi. Ở đây tôi nói đến việc chúng ta đứng trong
xã hội: Ai cũng muốn được chấp nhận, được giữ thể diện. Nhưng chúng ta có nên sống
chỉ vì người khác và quên đi các giá trị đạo đức? Hành vi này đã hành hạ nạn
nhân đến hai lần: Họ bị hành hạ bởi chính hành động bạo hành hoặc lạm dụng đó,
và họ lại bị hành hạ bằng sự cố tình thờ ơ của xã hội… Những chủ đề cấm kỵ nằm
ngoài vùng an toàn của chúng ta. Những người không làm gì cả là những người
bình thường. Những người dám làm một cái gì đó để chấm dứt những lời kêu cứu là
những người phi thường. Họ thật sự đã làm điều khác biệt.
* Khép lại cuốn sách, tôi chắc hẳn nhiều độc giả sẽ có nhiều
ngẫm ngợi về con đường tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Tuy nhiên không phải ai
cũng làm được điều mà họ mong muốn vì nhiều nguyên nhân. Từ trải nghiệm của
chính mình, chị có lời khuyên nào cho những người trẻ, đặc biệt là giới nữ, để
giúp họ tìm thấy hạnh phúc cho mình?
– Người Đức có câu “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.
Tôi biết rằng ở nhiều nước có những phong tục lâu đời. Thực chất là nhiều phong
tục này được tạo ra để bảo vệ gia đình và xã hội. Cũng không ai phản đối. Nó chỉ
đáng trách khi hạnh phúc của một người nào đó, và hạnh phúc của trẻ em bị đánh
mất. Đáng trách là khi ai đó tạo ra các phong tục đó để chứng tỏ sức mạnh của họ
với những người yếu thế hơn. Đáng trách là khi lạm dụng hoặc đàn áp bị người ta
bình thường hoá một cách có hệ thống.
Tất nhiên, ở mỗi nước và mỗi xã hội có những quy định nhất định.
Tuy nhiên, tôi tin rằng bất kỳ quy định nào dựa trên việc phải im lặng hoặc đàn
áp đều không đúng. Những thế hệ trước có lẽ đã tự mình chịu đựng, nhưng như tôi
đã nói, không phải vì ai đó đã làm như vậy mà chúng ta cũng phải làm giống vậy.
Không phải sự hạnh phúc của đứa trẻ mới là thứ quan trọng sao? Chúng ta có nên
để sự chịu đựng của một người nào đó trút lên một đứa trẻ rồi cứ thế lặp lại nữa
không? Không. Đó là lý do tôi đề nghị những người trẻ hãy thành thật với chính
mình và nghe theo trực giác của mình. Đó là về hạnh phúc. Cuộc sống của bạn thuộc
về bạn mà thôi, không phải bất kỳ ai khác. Một gia đình thật sự yêu thương bạn
sẽ thấu hiểu và đồng thuận.
Trong xã hội Việt Nam nơi người phụ nữ từ lâu đã chứng minh
được sự can trường của mình trong quá khứ thì việc đối diện với thử thách và khẳng
định mình không nên trở thành một vấn đề gì lớn. Đúng là nó cần có lòng dũng cảm
lớn lao, kỹ năng và sự kiên trì, nhưng cuối cùng tất cả đều xứng đáng. Tôi muốn
nói thêm là: Nếu nó dễ dàng, mọi người làm hết rồi. Chúng ta là phụ nữ, không
phải “mọi người”. Chúng ta khác biệt/ độc nhất.
* Tôi rất quan tâm đến những việc làm thiện nguyện của chị
thông qua quỹ LOAN giúp trẻ em nghèo Việt Nam được đến trường và có một tương
lai tốt đẹp hơn. Trong gần 6 năm hoạt động, LOAN Stiftung đã có những con số
khá ấn tượng: đã tiến hành tổng cộng 35 dự án, trong đó có 29 dự án đã hoàn tất
và bàn giao. Số tiền đóng góp lên đến 1 triệu Euro từ các mạnh thường quân. Thời
gian qua, dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ hay không? Dự định của
quỹ trong thời gian tới?
– Đại dịch toàn cầu đã khiến công việc của chúng tôi bị giới
hạn. Do nhiều giới hạn, nhóm chúng tôi ở Việt Nam không thể di chuyển và tiếp cận
được các dự án như bình thường. Tuy vậy, từ Đức, chúng tôi có thể thực hiện và
hỗ trợ thành công các dự án đang diễn ra thông qua những buổi họp trực tuyến dù
có bị chậm trễ đôi chút.
Cũng vì đại dịch mà chúng tôi nhận được ít quyên góp hơn so với
bình thường. Người ta gặp khó khăn với nhiều vấn đề khác, đôi khi là vận mệnh của
chính họ. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những giới hạn vì Covid sớm được gỡ bỏ.
Khi đó chúng tôi sẽ lại được đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất ở phía Bắc để
thực hện nhiều dự án mới. Chúng tôi đang nhắm đến 2 huyện ở tỉnh Hà Giang đang
rất cần có những khu ký túc xá mới. Cùng lúc đó, những dự án nhỏ hơn đang được
diễn ra nhờ vào Internet và những người ủng hộ nhiệt thành. Ví dụ như, LOAN
Foundation đã thu gom sách cũ (cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 12, trong dự án
số 38) để làm những thư viện nhỏ ở những khu vực nghèo nhất của Hà Giang.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
__________________
Isabelle Müller sinh ngày 25/2/1964 tại Tours (Pháp) là con
út trong gia đình có 5 người con. Mẹ cô là người Việt Nam và bố là người Pháp.
Từ năm 1985, cô làm việc tại Đức với tư cách là thông dịch viên và phiên dịch.
Năm 2009, nhà xuất bản Krüger (S. Fischer, Đức) xuất bản cuốn tự truyện của
cô “Con gái của chim Phượng Hoàng – Hy vọng là con đường của
tôi”. Một trong những chủ đề được đề cập trong cuốn sách là lạm dụng tình
dục, đã tạo sóng trong dư luận. Năm 2015, Isabelle Müller tham gia Giải thưởng
Người kể chuyện Kindle và cuốn sách “LOAN– Từ cuộc đời của một con Phượng
hoàng” của cô là một trong 5 tác phẩm lọt vào chung kết. Tháng 5/2016, Isabelle
Müller thành lập Quỹ từ thiện LOAN Stiftung, chuyên thực hiện các dự án giáo dục
cho trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng núi nghèo nhất của miền Bắc Việt Nam.
Toàn bộ số tiền nhận được từ bản quyền sách, tác giả tặng cho Quỹ LOAN (LOAN
STIFTUNG).
Theo Phong Điệp/Báo Văn Nghệ
14/6/2022
Nguyễn Thị Minh Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét