Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Quá khứ của hôm nay

Quá khứ của hôm nay

Vào buổi sáng mùa hè cuối thập niên 60 thế kỷ trước, khi mặt trời lên khoảng nửa con sào, bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Vào những ngày thời tiết tốt như hôm nay, không quân Mỹ thường đưa máy bay từ hạm đội ngoài biển Đông ào ạt vào Thanh Hóa, ném bom, bắn phá các trọng điểm: Ga Bỉm Sơn, ga Đò Lèn, cầu Hàm Rồng. Cầu Cừ, tuy nhỏ hơn nhưng lại giữ vị trí quan trọng, cho đường sắt và đường bộ, huyết mạch của cả nước, vẫn còn nguyên vẹn. Vậy mà anh Thoại dám đứng trên cây cầu ấy như không biết chiến tranh đang xảy ra ác liệt, chăm chú nhìn những cây cột lim có niên đại hàng trăm năm, loại gỗ quý đã lên nước đen như mun, rắn như thép, bất chấp nắng mưa, mối mọt. Nó chính là những cây cột trụ của miếu Triệu Tường.
Năm đó Thoại mới mười tuổi, nhớ như in sức mạnh của dân làng được sử dụng không đúng cách.
Người ta tập trung hàng trăm người trước miếu Triệu Tường. Sau tiếng hô của người chỉ huy, đoàn người ào ạt tông cửa Tam quan, xông vào nhà thờ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, đập nát bàn thờ sơn son thiếp vàng, phá tan chiếc khảm để bài vị ghi những chiến tích của Nguyễn Kim. Một toán người trèo lên mái nhà lật tung ngói, rui mè, đòn tay… quẳng xuống đất. Gỗ của miếu được kéo về, bắc nên cây cầu Cừ vững chắc này.
Nhà văn Nguyễn Trường
Bố Thoại là người có chí lớn, ông tham gia cách mạng, làm chủ tịch ủy ban kháng chiến xã Hà Long. Ông đang là trưởng tộc họ Nguyễn, trông coi việc thờ cúng lăng mộ Triệu Tổ và miếu Triệu Tường theo gia phả để lại. Vào cuối năm 1954, đợt hai cuộc cải cách long trời lở đất diễn ra ở Thanh Hóa, bố anh bị quy là địa chủ tàn ác, lại là con cháu của giai cấp vua chúa phong kiến phản động. Đi học, Thoại khép nép ngồi cuối lớp, không dám chơi với ai. Bữa học bài lịch sử “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà”, thằng Tuấn, bặm trợn nhất trong lớp chỉ vào Thoại nói lớn “Là ông tổ nhà thằng Thoại đó bay ơi…”. Một nhóm, vây lấy Thoại đồng thanh: “Bọn phong kiến, bọn địa chủ cường hào ác bá”. Thoại cúi gằm mặt, nước mắt lưng tròng. Nhưng trời cho Thoại cái gen thông minh, luôn đứng nhất lớp về các môn học làm cho Thu rất có cảm tình, thường đến nhà Thoại nhờ chỉ bảo, giải những bài toán khó. Nếu không có Thu, liệu Thoại có đủ can đảm học hết cấp ba?
Càng học lên lớp, đôi bạn càng thân nhau, tình yêu đến lúc nào không biết. Thoại xin vào bộ đội, nhưng không được chấp nhận vì thành phần lý lịch, anh đành xin vào thanh niên xung phong, ở tuyến lửa Quảng Bình. Là người dũng cảm, sau loạt bom Mỹ, anh xông lên trước, tháo kíp bom nổ chậm, mở đường, nếu có chết ít ra còn được là liệt sỹ. Đơn vị nhận xét rất tốt về anh, dự tính kết nạp Đảng cho anh, nhưng khi chi bộ xem lý lịch thì họ đành phải xếp hồ sơ của anh lại. Anh trở về quê trong nỗi thất vọng ê chề.
Càng lớn Thu càng đẹp, nàng có khuôn mặt tròn, làn da trắng, dáng thanh mảnh, biết bao chàng trai ngấp nghé, nhưng Thu vẫn kiên nhẫn chung thủy chờ Thoại. Anh trở về lại là niềm vui của nàng vì họ được sống bên nhau. Tình yêu đã chín muồi, họ quyết định đi đến hôn nhân. Sau đám hỏi, họ đã đăng ký kết hôn, chỉ còn lễ cưới thì một biến cố xảy ra. Tuấn, con ông chủ tịch huyện vẫn theo đuổi Thu. Cậu học trò chỉ vào Thoại khi học đến bài “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” hồi ấy đã cho người đến nhà ép gia đình Thu, họ còn bóng gió dọa: “Lấy thằng con địa chủ, phản động thì con cái không thể ngóc đầu lên được…”. Bên nhà Thu cuối cùng đành khuất phục. Hôm sau Thu đến nhà gặp Thoại, mí mắt sưng húp nhưng ánh mắt rực lên quyết tâm hiến dâng trinh tiết cho anh để áp lực lại với gia đình Tuấn và buộc gia đình mình không hủy hôn. Nhưng mà nàng có hiểu giọt nước tràn ly. Khổ quá rồi, Thoại không muốn dắt người yêu của mình vào con đường cụt… Cùng đường, Thu ra cầu Cừ lao đầu xuống dòng nước…Thoại không còn thiết sống. Anh đi lang thang như người mộng du, cứ theo con đê, đi mãi, vô tình đến cây cầu định mệnh, cây cầu bắc bằng nỗi đau của dòng họ anh, của chính anh.
Ầm ầm, ào ào, tiếng động cơ máy bay Mỹ quen thuộc lớn dần lên xen trong tiếng kẻng báo động từ xa đến gần vọng về, dồn dập. Trên trời từng tốp máy bay ào ạt hiện ra. Chúng bay theo hình tam giác nhọn. Chiếc máy bay giống như hình vĩ ruồi, thỉnh thoảng lại sáng lên lấp lóa trong nắng. Tiếng pháo phòng không đặt ở ga Bỉm Sơn, cả trận địa bên cầu Cừ đồng loạt nhả đạn. Tiếng pháo 37 ly nổ từng hồi, tiếng súng 12 ly 7 nổ thành từng tràng liên thanh. Trên trời, xung quanh tốp máy bay hiện những cụm khói trắng lập lòe, tiếng đạn nổ lụp bụp như bắp rang, văng miểng thành trận mưa rơi rào rào trên lá cây, lủm bủm dưới mặt nước. Máy bay Mỹ bổ nhào ném bom. Khói bốc lên thành cụm hình nấm rồi tiếng nổ dội đến. Nhìn từ xa, có lẽ chúng ném bom cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn. Còn cầu Cừ? Nhưng ai đứng trên cầu thế kia, lại còn mặc áo trắng nữa, chắc là phản động chỉ điểm cho máy bay Mỹ rồi? Một người tự vệ thét to:
– Anh kia, xuống hầm ngay!
Mặc, Thoại đứng trên cầu như câm, như điếc, cúi đầu ngẫm nghĩ. Thì cứ để bom đạn giết chết mình đi cho nhẹ nhàng. Sống ở trên đời mà không có ý nghĩa thì chết còn sướng hơn…
Một tốp máy bay tách đội hình, một chiếc chúi xuống, càng thấp nó càng hiện to hơn, tiếng rít động cơ chói tai, hai quả bom tách ra khỏi thân máy bay lao xuống. Thoại là người nhìn chính diện nên anh không còn thấy cánh, đuôi máy bay mà chỉ thấy một khối tròn đen sì, lớn rất nhanh. Quen với cảnh này trong chiến trường, anh biết chúng ném bom vào nơi mình đứng. Anh hiên ngang giơ hai tay hình chữ V lên trời thét to: “Ông tổ ơi!”.Tiếng kêu đau thương bị ngắt quãng bởi khối lửa bùng lên. Ngọn lửa chói lòa và tiếng bom dậy đất, tức ngực. Bụi khói dầy đặc trùm lên cây cầu.
***
Thoại thấy nhẹ bỗng, lơ lửng trên không. Anh bay nhanh về làng Gia Miêu ngoại trang. Trên cao anh thấy quê mình thật đẹp, kia là dãy núi Bái Sơn xanh đậm bởi rừng nguyên sinh, uốn lượn trong mây như con rồng đang vươn mình về phía biển. Xã Hà Long, tên quê anh có con sông mang dáng rồng bên dãy núi cũng hình rồng, có phải nơi đây chính là mảnh đất địa linh nhân kiệt mới phát tích chín chúa, mười ba vua? Kia là miếu Triệu Tường, giờ chỉ là một mảnh đất phẳng xanh um tùm những vạt mía. Anh bay về núi Thiên Tôn, rồi đứng trước lăng Trường Nguyên, nơi mộ phần của bảy vị khai quốc công thần và tướng lĩnh dòng tộc anh, bắt đầu từ thủy tổ Nguyễn Biện, tứ tổ Nguyễn Công Duẩn, cho đến Triệu tổ Nguyễn Kim.
Bây giờ, không hiểu sao tổ lại đưa Thoại trở về khu lăng mộ này? Anh đang ngơ ngác nhìn thì thấy có tiếng gọi:
– Hậu sinh, lại đây nào?
Thoại dụi mắt đứng nhìn, kia rồi, ngay cạnh Phương cơ, một vị đại quan đang ngồi. Ngài để râu dài, mắt sáng quắc, khuôn mặt xương xương…Vị đại quan vuốt râu cười khà khà, tiếng ông vang như như sấm:
– Ta vừa được Cao Hoàng Đế sai đến đón hậu duệ của dòng họ Nguyễn về Phú Xuân gặp Ngài – Ngừng một chút vị đại quan tiếp – Ta quên chưa giới thiệu, ta là Tham tri bộ Lễ thời Nguyễn Vương, tên là Ngô Tòng Chu.
– Ông nhận là Tham tri bộ Lễ thời Nguyễn Vương thì ông phải biết mộ cụ Nguyễn Kim táng ở đâu?
Ngô Tòng Chu nhìn Thoại bằng ánh mắt thương hại:
– Ta nói cho ngươi biết, Cụ táng ở đây. Dân làng bịa ra chuyện trời táng, hổ táng là để sau này không ai biết huyệt mộ ông tổ Nguyễn Vương ở đâu mà phá lăng, đào mộ.
– Nhưng tại sao Nguyễn Ánh “Cõng rắn cắn gà nhà” lại chiến thắng được Anh hùng dân tộc Quang Trung?!…
Ngô Tòng Chu quắc mắt:
– Ngươi chớ nói càn. Không có chuyện hơn thua vì Nguyễn Vương được trời cho thu phục giang san. Ta nhắc lại, con dám nói những lời nghịch tử như vậy sẽ bị khép vào tội trảm. Nguyễn Vương anh hùng mới được thiên định giao cho việc mở cõi. Con mở to mắt để ta cho con thấy tài điều binh khiển tướng của Chúa công ta trong trận Thị Nại.
Thoại lại thấy mình lướt đi nhẹ như không có trọng lượng. Chớp mắt anh đã đứng trước một eo biển, ngoài khơi sóng lượn nhấp nhô, càng xuống thấp anh càng thấy rất nhiều tầu thuyền, chúng đều có buồm với nhiều mầu sắc, hai bên sườn là hàng mái chèo đều tăm tắp.
Thoại được nhìn toàn cảnh đầm Thị Nại. Đang mùa nước lên, mặt đầm rộng mênh mông, sóng nhấp nhô như biển. Theo tay chỉ của Ngô Tòng Chu, Thoại trông thấy Nguyễn Ánh đứng trước mũi thuyền chỉ huy đoàn thuyền nhờ gió Nam thổi, buồm no gió, lướt sóng băng băng. Nguyễn Vương có dáng người tầm thước, thân thể cường tráng, da đỏ hồng, rám nắng, nét mặt cương trực. Ông khoác áo mầu vàng, đầu đội khăn  trùm gọn búi tóc, gươm đeo xệ bên hông, dáng dũng mãnh của người đàn ông  trung niên, đang độ chín của tài năng.
Mấy giờ sau, thuyền của ông đã đến trước cửa Thị Nại. Ông quan sát thực địa để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Nhìn thấy cách bố phòng cẩn mật của Đại Tư đồ  Vũ Văn Dũng, ông quay sang nói với Quân sư Đặng Đức Siêu: “Người ta nói Vũ Văn Dũng đứng đầu trong Tây Sơn hổ tướng quả không sai. Nhìn cách bày trận của ông ta thì biết, trong ngoài, trên dưới liên thủ nhau rất chặt chẽ, có kém gì Gia Cát Lượng thời Tam quốc”. Rồi Nam Vương ngửa cổ lên trời than rằng Trời chưa muốn ta diệt Tây Sơn chăng! Sao để cho tướng giỏi của ta bị khốn mãi ở đây?
Ngô Tòng Chu hãnh diện nói với Thoại – Là Chúa thượng nói về ta và Đại tướng quân Hậu dinh Võ Tánh đang bị vây hãm trong thành Bình Định đó, tấm lòng bậc quân vương như thế thì tướng sĩ sẵn lòng chết vì xã tắc cho chủ tướng cũng không có gì là khó hiểu.
Đoạn ông chỉ cho Thoại thấy Đặng Đức Siêu đang tấu trình Nguyễn Vương:
– Bẩm Chúa công, nhìn cách Vũ Văn Dũng liên kết các chiến thuyền lại với nhau, bên trên lát ván có thể đi lại được như trên mặt đất, giống như cách mà Tào Tháo cho xích thuyền lại với nhau để chống sóng dữ thời Tam quốc trước trận Xích Bích?
Nguyễn Vương cười lớn:
– Ta cũng đã nghĩ như vậy, chìa khóa của trận này là chữ hỏa trong lòng tay ta và ngươi, đúng không? Vẫn thiếu gió Đông?
– Bẩm Chúa công, phen này trời sẽ giúp Chúa công thắng lợi, trước khi ta xuất quân thì trời nổi cơn bão đánh tan tầu thuyền Tề Ngôi, nếu không thế dễ gì chúng ta được tự do ở đây. Thần xem thiên văn, đến trung tuần tháng này thời tiết sẽ thay đổi, sẽ có gió Đông cho chủ tướng đánh giặc.
Nguyễn Vương ngửa cổ lên trời nói rằng: “Nếu trời ủng hộ nhà Nguyễn khôi phục lại giang san thì trung tuần tháng này hãy nổi gió Đông”.
***
Rằm tháng giêng năm Tân Dậu (1801), mới vào canh một trời đang quang, trăng tròn sáng vằng vặc, mặt biển rõ như ban ngày, bỗng nhiên mây đen kéo đến ùn ùn, mặt biển tối sầm, trời bỗng nổi gió Đông thổi từ ngoài khơi vào đất liền, sóng cuộn ầm ầm. Nguyễn Vương bước ra đầu thuyền, những nét ưu tư trên khuôn mặt vốn nghiêm nghị của ông dãn ra, chiếc nốt ruồi có chòm lông bên má trái phất phơ trong gió:
– Trời giúp quân ta rồi. Báo ơn nước chính lúc này, sống thì cùng chung hưởng giầu sang, chết thì không quên ân điển. Tướng sĩ, xuất phát!
Lệnh xuất quân được ban ra, chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm tầu thuyền cùng nhất loạt xuất quân theo đội hình tác chiến.
Từ trên cao Thoại có cơ hội quan sát khắp trận địa. Đoàn thuyền của thủy quân Nam Hà đã đến cửa Thị Nại. Bảo vệ Nguyễn Vương có ba tầu lớn bọc đồng do ba ông Tây, cai đội làm thuyền trưởng đó là Nguyễn Văn Chấn (Philirpe Vannier). Nguyễn Văn Thắng (Jean- Baptiste). Lê Văn Lăng (Godfrey De Foranz).
– Thưa Tiền bối – Thoại ngạc nhiên nhận xét – Hóa ra người Pháp chỉ làm đến chức cai đội, tổng số cũng chỉ mấy chục người thế mà các sử gia thuộc địa tô vẽ rằng, Bá Đa Lộc là tổng chỉ huy quân Nam Hà, là người đề ra sách lược, chiến lược cho quân Gia Định.
Ngô Tòng Chu vuốt râu cười:
– Những người Tây Dương kia khởi thủy chỉ là những người lính binh nhì, viết chữ Tây Dương chưa thạo, bị sung lính tình nguyện, đào ngũ sang làm việc cho Chúa công. Sức học cỡ đó, làm đến cai cơ là vừa rồi.
***
Cuối canh tư, lúc này tinh thần quân sĩ mỏi mệt, tiếng trống, tiếng mõ cầm canh, tiếng hô của quân lính đi tuần yếu ớt, rời rạc. Thường giờ này người ta dễ chìm trong giấc ngủ say. Ánh trăng nhạt nhòa, gió Đông lại thổi mạnh hơn, sóng biển đẩy nước thủy triều lên cao, réo ồ ồ đổ vào cửa đầm Thị Nại, rất thuận cho tầu thuyền của quân Nam Hà áp sát và tiến công.
Trong khi đó tướng quân Gia Định là Võ Di Nguy chỉ huy 20 hỏa thuyền lặng lẽ lẻn vào trong đầm. Thấy lửa ở Tiêu cơ bốc cháy, Nguyễn Vương ra lệnh cho toàn quân đội tiến công. Đại tướng Nguyễn Văn Thành liền chia quân từ sườn núi đánh xuống thủy trại, chia lửa với thủy quân. Hai tầu Định Quốc lập tức khai hỏa, bắn đại pháo đùng đùng, lửa đầu nòng sáng lòa. Trên núi Tam Tòa, hàng trăm khẩu đại pháo cũng chúc nòng xuống cửa biển nã đạn giòn giã, lửa đạn sáng rực, rung chuyển cả đất trời. Tiếng trống trận thúc liên hồi, tiếng tù và tiếng la hét của quân sĩ, tiếng gươm giáo đụng nhau chí chát ghe rợn người, tiếng đại bác, tiếng đạn rít trên đầu… tưởng như trời long đất lở.
Ngoài cửa đầm, Tư đồ Vũ Văn Dũng chỉ huy hơn trăm chiến thuyền túa ra chặn chiến thuyền của Lê Văn Duyệt được pháo hạng nặng trên đồn Tam Tòa bắn xuống dọn đường. Bỗng phía sau quân của Tư đồ Vũ Văn Dũng lửa cháy sáng rực, lửa lan thành bức tường dài hàng cây số, bốc lên ngang trời. Quân Tây Sơn nhốn nháo la to, “thủy trại bị đánh hỏa công rồi”. Thì ra đoàn thuyền của Võ Di Nguy đã áp sát thuyền quân Tây Sơn, đầu thuyền đã đóng đinh sắt, quân lính liền lấy móc câu móc vào thuyền địch rồi phóng hỏa. Củi khô rưới nhựa trám nên bắt lửa rất nhanh, được gió Đông thổi cháy bùng lên thiêu sống không biết bao nhiêu người. Lửa lan đến thuyền chứa thuốc súng cháy nổ đùng đùng. Một vùng đầm Thị Nại trở thành biển lửa.
Mặt trời to tròn đỏ như quả cầu lửa chui lên từ mặt biển rập rờn sóng gió, một bình minh không yên tĩnh đến trong khói lửa và trong âm thanh tưởng như trận động đất. Ánh sáng phơi ra trên đầm nước, trên các bãi cát những xác người máu me bê bết. Hai đội quân vẫn còn hăng chiến, như không biết gì đến buổi ban mai, lẽ ra rất đẹp, rất thơ mộng. Trời sáng lại là lợi thế của quân Tây Sơn vì lúc này họ mới phát huy được ưu thế của các khẩu đại bác. Đêm qua họ cũng có sử dụng hỏa lực nhưng vì tối trời nên không phân biệt đâu là quân ta, quân địch. Bây giờ mọi thứ phơi bày ra trước mắt, các họng đại bác chễm chệ trên núi Tam Tòa, trên hai đại thuyền Định Quốc. Quân Nguyễn Vương bắt đầu hứng những đợt đại bác bắn xuống như mưa. Tướng cao lớn Võ Di Nguy thấy tầu của quân mình trúng đạn vẫn vẫy quân xông lên. Bỗng một loạt đạn rầm rầm trúng vào thuyền của ông làm chiếc thuyền vỡ tan, tướng cầm cờ ngã xuống, giãy đành đạch. Quân Nguyễn khựng lại, mấy người đứng ở gần đó khiếp đảm chạy lui. Chợt nghe tiếng quân lệnh “Ai chạy lui sẽ bị chém đầu”. Lệnh của viên tướng thấp bé đang hăng máu la hét quân sĩ xông lên, đó là tướng tiên phong Lê Văn Duyệt. Khói thuốc súng khét lẹt, khói bay mù mịt, tiếng pháo nổ oành oành liên tiếp vang trời chuyển đất, pháo của hàng ngàn chiến thuyền Tây Sơn cùng lúc khạc lửa. Quân Tây Sơn đã chỉnh đốn lại đội ngũ, xông lên quyết không nao núng. Quân Gia Định có vẻ núng thế. Nguyễn Vương thấy quân sĩ thương vong nhiều, giặc đang có ưu thế về hỏa lực nên cho tiểu sai cầm bài rồng đến nói với tướng tiên phong Lê Văn Duyệt:
– Trình quan thống chế, Đức chúa truyền cho lui binh để bảo toàn lực lượng.
Lê Văn Duyệt, mặt lấm đầy máu me và vết bầm, ngoảnh lại, nhìn thấy bài rồng, sợ quân sĩ nao núng, quắc mắt nói như thét:
– Ngươi về bẩm với Chúa thượng, ta liều chết giành cho được thắng lợi chứ nhất quyết không lui binh.
Rồi bỏ mặc tên tiểu sai đứng đó, Duyệt vẫy cờ đốc thúc quân sĩ liều chết xông lên. Ông ta cầm gươm đứng choãi chân trên thuyền chém tới tấp vào quân địch. Bỗng trời chuyển gió Đông Nam, làm cho thuyền của quân Gia Định gặp thuận gió, bởi đầm Thị Nại ngoài biển đi vào từ hướng Đông tới hướng Tây, nhưng vào trong đầm lại là hướng Đông Nam. Quân Nam Hà đã vào qua cửa đầm thì không còn thuận gió nữa. Hỏa công đã phát huy tác dụng, đốt cháy tầu địch bên tả đầm, nhưng còn bên hữu chưa thuận gió nên không thể dùng hỏa công. Nguyễn Vương thấy đổi gió Đông Nam, giơ tay lên trời khích lệ ba quân: “Người tính không bằng trời tính. Hỡi tướng sĩ, thời cơ đến rồi! Các ngươi hãy liều chết, xông lên!”. Lúc này các họng súng trên núi Tam Tòa chợt câm bặt. Thì ra Đại tướng Nguyễn Văn Thành đã cho quân bộ tập kích lên núi Tam Tòa nhanh chóng bịt họng hàng trăm khẩu pháo hạng nặng đang khống chế cả một vùng rộng lớn, rất nguy hiểm cho đại quân chiến đấu dưới đầm nước. Đúng như nhận định của Nguyễn Vương, khi quân Gia Định áp sát hai tầu Định Quốc thì đại bác của quân Tây Sơn hết phát huy tác dụng. Quân Nam Hà tung đuốc tẩm nhựa trám lên hai chiếc tầu đồng. Tầu Định Quốc chứa nhiều thuốc súng, bén lửa cháy rần rật làm hàng trăm lính trên tầu cháy theo. Đô đốc Nguyễn Văn Dũng, không kịp cởi chiến bào, nhảy xuống nước, bị bộ áo giáp kéo chìm mất dạng.
Phía sau lưng địch, Lê Văn Duyệt đánh rát ra cửa đầm. Quân của Nguyễn Văn Trương cùng thuyền Long Phi, Bằng Phi, Phượng Phi của ba ông Tây Dương chỉ huy đánh áp vào. Quân Tây Sơn núng thế, tướng Nguyễn Văn Trương đánh rất hăng, chém chết hàng loạt tướng địch. Đô đốc quân Tây Sơn Nguyễn Văn Trà thấy phía trước là đại quân của Nguyễn Vương, phía sau là quân của Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương đánh ép quân mình vào giữa, chưa tìm ra cách xoay trở đã bị Nguyễn Văn Trương chém bay đầu. Quân sĩ của Đô đốc Trà hoảng loạn nhảy cả xuống nước chết đuối rất nhiều.
Tư đồ Vũ Văn Dũng chỉ huy cánh quân bên hữu còn lại chống trả quyết liệt, nhưng khi gió Đông Nam thổi đến lại thấy bức tường lửa của quân Gia Định dựng lên cháy ràn rạt về phía quân mình, bèn ngửa cổ lên trời than: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Bất khả cường dã”. Bỗng thấy đứng đầu thuyền một người cầm kiếm Thái A, mặc áo chiến mầu vàng, đội nón chiến chỉ vào Dũng: “Giặc Vũ Văn Dũng, bỏ gươm xuống đầu hàng đi”. Dũng nghe nói nhiều về Nguyễn Phúc Ánh, đến bây giờ mới nhìn thấy mặt, nghiến răng thét to: “Ta quyết sống mái với ngươi”, rồi xua quân xông thẳng vào thuyền Nguyễn Vương. Đây là thuyền Long Phi, bọc đồng. Ông tây Nguyễn Văn Thắng mặt mũi đỏ au, vung gươm xáp vào chém giết rất hăng làm cho quân của Vũ Văn Dũng phải thối lui. Biển lửa càng lúc càng lớn thiêu cháy không biết bao nhiêu chiến thuyền của quân Tây Sơn. Hai tầu Định Quốc cuối cùng cũng chìm xuống nước sâu, chôn theo hàng trăm quân chết cháy và hàng chục khẩu đại bác. Thủy trại của quân Tây Sơn đều làm bằng gỗ và tre nứa nên bắt lửa rất nhanh, nổ đùng đùng, cháy ngút trời. Vũ Văn Dũng cùng với vài trăm quân còn sống sót nhảy lên bờ, chạy về phía quân của Trần Quang Diệu bên ngoài thành Bình Định.
Mặt trời lên cao, gió Đông Nam ngừng thổi, trận đánh cũng kết thúc. Đầm Thị Nai trở nên quang đãng hẳn. Ven bờ chỉ còn những đụn khói bốc lên. Mùi thịt người, mùi thuốc súng cháy khét lẹt. Hàng trăm tầu thuyền cháy dở nằm ghếch đầu lên bờ bãi nghi ngút khói. Hàng ngàn tầu thuyền của Tây Sơn, chiếc thành tro bụi, chiếc chìm sâu dưới đáy đầm. Xác người ngổn ngang. Thoại vỗ tay như một đứa trẻ, “Đúng là thiên hạ đệ nhất vũ công. Cũng bị lây phấn khởi, Ngô Tòng Chu gật đầu:
– Thắng trận này, quân ta phá tan hầu hết tầu thuyền của quân Tây Sơn, thế của ta mạnh, thế của Tây Sơn suy. Ta hơn họ về đánh thủy, nên sau này đánh với vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản ở cửa Tư Điền, phía Đông Phú Xuân, quân Tây Sơn đã bị mất tinh thần nên dễ vỡ trận. Quân Nguyễn Vương tiến thẳng về Phú Xuân. Chúa công ta chiếm lại kinh đô cũ sau gần ba mươi năm rời kinh thành bôn ba tìm đường phục quốc…
Nhìn vào mắt Thoại, Ngô Tòng Chu tiếp:
– Ta biết trong lòng con vẫn ngờ rằng Chúa công ta nhờ Tây Dương mới thắng Quang Trung. Giờ, con đi theo ta về năm Nhâm Tý (1792)…
***
Thoại lại thấy mình lướt rất nhanh, lại những con sông, những ngọn núi, những thửa ruộng vun vút lùi lại phía sau. Kia là sông Đồng Nai, khi đổ về hạ lưu chia ra hai nhánh, cách không xa là sông Sài Gòn uốn lượn, cũng trên bến dưới thuyền tấp nập, trù phú hơn kinh đô Phú Xuân. Thành Gia Định kiến trúc theo hình bát quái, rộng rãi, vững chắc nằm bên sông Bến Nghé nước cuồn cuộn chảy. Thoại thấy mình đứng trong hành tại của Nguyễn Vương. Lúc này Chúa công tráng kiện, khuôn mặt đầy đặn, nước da rám nắng của người dầu dãi, bước đi nhanh nhẹn của một chàng trai mới trưởng thành. Thoại nghe rõ chất giọng miền Trung đầm ấm, của người cha lúc Nguyễn Vương nói chuyện với Hoàng tử Cảnh, còn ở tuổi thiếu niên:
– Chút nữa gặp Thượng sư của con. Thầy đến chào chúng ta để về cố quốc.
– Hài nhi thấy Phụ hoàng đối đãi rất tốt với Thượng sư, sao thầy nỡ bỏ con…
– Con làm sao hiểu được lòng dạ người Tây Dương. Chỉ tại ông ta và một số người Tây Dương thấy rằng Tây Sơn Nguyễn Huệ vừa đại thắng quân Thanh, thanh thế lẫy lừng, đang chuẩn bị đem ba mươi vạn quân đánh vào Gia Định của ta. Theo thiển nghĩ của họ, chúng ta khó mà chống cự lại một đội quân đang lẫy lừng thanh thế. Họ sợ liên lụy đến tính mạng mà chạy trước đó thôi.
– Phụ hoàng đã có kế gì chống lại Tây Sơn, giữ gìn bờ cõi?
– Lúc cha gửi con cho Bá Đa Lộc sang Tây Dương, con mới bốn tuổi, cha chỉ còn vài chục người đi theo, có lúc phải nhịn đói, phải đi xin ăn. Bây giờ Cha có gần một nửa nước với đội quân hùng hậu, há lại sợ Tây Sơn ư?
Ngay lúc đó có người lính hầu bước vào cúi lạy, nói:
– Bẩm… Có thầy Bá Đa Lộc xin bái kiến.
– Truyền cho vào.
Nói xong, Nguyễn Vương bước lại ngai vàng. Hoàng tử Cảnh vội lui vào sau trướng.
Một người Tây Dương to cao, khuôn mặt dài, cằm núng nính thịt, trán rộng, mắt sâu bước vào. Ông ta khoác áo mầu xanh ngọc, cổ áo hình chữ nhật mầu đen, hàng khuy và ống tay áo rộng viền mầu đỏ, trước ngực lủng lẳng cây thánh giá. Ông quỳ xuống theo nghi lễ của nước Việt. Nguyễn Vương vội chỉ tay vào chiếc ghế đối diện nói:
– Miễn lạy! Khanh ngồi vào ghế.
Bá Đa Lộc ngồi xuống ghế, nói tiếng Việt lơ lớ:
– Bẩm Chúa thượng. Thần đến đây để xin với Chúa thượng cho thần được trở về cố quốc. Thần cảm ơn Chúa thượng đã giúp chúng thần trong thời gian qua. Nhưng ở trong nước chúng thần cũng còn rất nhiều việc phải làm.
Nguyễn Vương nghĩ nhanh, cho những người Tây Dương này về thì được thôi, thời gian qua họ cũng không giúp được nhiều việc, có lẽ vì ta không tin dùng họ. Họ cũng tạo ra không ít phiền toái, ngày Hoàng tử Cảnh mới về nước đã không chịu vái lạy bàn thờ tổ tiên. Gần chục năm họ ở đây đã nắm rất rõ những bí mật về quân sự, xã hội của nước Nam. Họ ở lại rồi đi theo Tây Sơn thì thành đại họa. Nguyễn Vương chưa biết trả lời thế nào cho phải thì Bá Đa Lộc, vốn là người rất thông minh và hiểu rõ lòng dạ Nguyễn Vương, nói tiếp:
– Thần cũng xin lỗi Chúa thượng, gần mười năm qua thần cũng đã hết lòng giúp rập, nhưng cũng không thành việc gì. Ngày Chúa thượng giao Hoàng tử Cảnh cho thần sang cầu viện nước Pháp, nhưng nước Pháp không giúp, thần cũng có đi vận động nước Pháp giúp Chúa thượng vũ khí, tầu thuyền, kỹ thuật súng đạn… nhưng rút cuộc, cũng chẳng được khẩu súng, con tầu nào…
– Quả nhân cũng cảm ơn Đức Giám mục đã dạy bảo Hoàng tử Cảnh nên người. Quả nhân cũng đã có thư gửi cảm ơn Hoàng đế Tây Dương vì đã không giúp. Chính vì vậy mà Gia Định mới có ý chí tự cường…
Chợt có người lính hầu bước vào cúi đầu tay dâng ngang mày bức thư vẻ trịnh trọng. Nguyễn Vương hiểu, hiếm khi ông đang tiếp khách mà có người đột ngột vào dâng thư, đó phải là việc cực kỳ quan trọng. Nguyễn Vương liền bóc thư ra xem, đoạn ngồi thừ trên ngai vàng, khuôn mặt đăm chiêu.
Sực tỉnh, Nguyễn Vương ngẩng lên, nói với Bá Đa Lộc:
– Tin báo về: Tây Sơn Nguyễn Huệ chết rồi.
Khuôn mặt Bá Đa Lộc bỗng giãn ra, như trút được gánh nặng, ông nở nụ cười tươi:
– Bẩm Chúa thượng, là tin tốt lành, sao Chúa thượng không vui?
Nguyễn Vương ngậm ngùi:
– Ta tiếc không còn cơ hội đọ sức với ông ấy nữa. Đó là một người anh hùng nhưng bạc mệnh. Giờ thì Đức Giám mục an tâm ở lại giúp chúng tôi rồi chứ?
Biết mình lỡ lời, Nguyễn Vương dừng ngay lại. Bá Đa Lộc sượng sùng, nhưng là nhà truyền giáo, ông ứng xử rất nhanh, với một thái độ thẳng thắn, tôn trọng sự thật:
Vâng, chúng thần xin ở lại sát cánh bên Chúa thượng, góp sức cho đến ngày toàn thắng.
Thoại từng nghe kể Bá Đa Lộc chết vì một trận dịch tả năm Kỷ Mùi (1799), giờ anh hiểu thêm, ông ta mất trước cả năm diễn ra trận đánh Thị Nại nên không được biết Nguyễn Vương có tài thao lược còn hơn cả những gì ông biết…
***
Ngô Tòng Chu nắm lấy tay áo của Thoại kéo đi, hai người bay vun vút, qua những con sông rộng quanh co, lấp lánh ánh bạc, qua những dãy núi hùng vĩ, những ngọn tháp đầy nắng đứng cô đơn trên những đỉnh đồi, sông Hương trong xanh trôi giữa mây trời, uốn lượn quanh những quả đồi xanh biếc. Kìa rồi kinh thành Huế. Lầu son gác tía, lá đại kỳ bay phấp phới trên Đại Nội. Điện Thái Hòa lộng lẫy, tấp nập những người. Đang buổi thiết triều, vua Gia Long ngồi uy nghi trên ngai vàng. Gần nơi ngài ngồi là các vương gia, các quan tứ trụ triều đình, dưới sân chầu, các quan văn võ đứng thành hai hàng lớn nhỏ theo thứ bậc, quan văn bên tả, quan võ bên hữu.
Ngô Tòng Chu thì thầm cho Thoại vừa nghe:
– Hoàng đế đang bận buổi thiết triều, ta đưa con đến để yết kiến. Nhớ không được nói những lời phạm thượng, những chữ phạm húy…
Thoại quỳ trước ngai vàng vua Gia Long, dập đầu năm cái, không dám ngước lên nhìn mặt rồng. Tiếng nhà vua truyền ra:
– Bình thân. Ngươi đã nghe Tham tri bộ Lễ nói chuyện về thời của tiên tổ. Giờ ngươi còn điều chi chưa thấu hiểu?
– Bẩm bệ hạ, thảo dân đã hiểu, nhưng không biết phải làm cách nào để đời sau hiểu đúng công lao tiên tổ…
– Vì vậy đã làm liên lụy đến đời của cháu, đúng không. Lịch sử bao giờ cũng khách quan, không ai có thể thay đổi lại được lịch sử. Không nên giải thích lịch sử bằng cách chôn vùi sự thật. Tuy nhiên thời nào cũng có sai lầm, cái chính là biết sớm nhận ra sai lầm mà sửa chữa. Thời của cháu, gọi là “Cải cách ruộng đất” phải không, đã sửa chữa rồi. Nào, nhà của cháu đã được trả lại, cái mà thời cháu gọi là “thành phần gia đình” đã sửa sai, “Lệnh” (Quyết định) ban ra từ năm Đinh Dậu (1957) “Lệnh” còn nằm trên phủ, cũng tại thuộc cấp chưa trao lại cho gia đình cháu.
– Bẩm bệ hạ, thảo dân rất đau lòng về đình miếu tiên tổ đã bị phá sạch, không còn chỗ để thờ cúng.
Vua Gia Long có vẻ giận:
– Ta nói cho ngươi biết: Lăng miếu của ta, có nơi nào bị tàn phá, ta không oán trách nếu những người dại dột đó biết xả thân để bảo vệ giang san của ta. Ta cho phép, khi nào đuổi hết giặc ngoại xâm rồi sửa lại để cho các ngươi thờ tự cũng không muộn. Ngươi mau về cùng muôn dân bảo vệ giang san, biển đảo, không để bọn ngoại xâm giày xéo! – Rồi vua Gia Long hạ giọng – Thôi ta đưa cháu về để nhìn lại những đổi thay ở quê mình.
Thoại bỗng thấy mình đã ở bên ngoài điện Thái Hòa, Tham tri bộ Lễ Ngô Tòng Chu nắm tay anh bay rất nhanh về làng Gia Miêu. Chiếc cầu Cừ giờ đã là cây cầu bê tông dự ứng lực hoành tráng. Bỉm Sơn vốn um tùm rừng núi bỗng biến thành thị xã với những tòa nhà cao tầng nhấp nhô sầm uất.
Miếu Triệu Tường bây giờ đã hiện ra hai tòa nhà ba gian hai chái, ngói đỏ, mái uốn lượn với nhiều trang trí đẹp lộng lẫy hơn xưa. Bên tả là nhà thờ Nguyễn Kim, bên hữu nhà thờ Nguyễn Hoàng.
Ngoài miếu, tấp nập công nhân đang đào xới, đó là đoàn khảo cổ của tỉnh tìm lại dấu vết tam quan, nền móng tường lũy cũ để phục hồi lại nguyên trạng. Trong nhà, hoành phi câu đối, bát hương, bài vị… được thỉnh từ kinh đô Huế về nằm trang trọng trên bàn thờ. Thoại mừng quá bật dậy kêu lên: “Ông tổ ơi”. Một người y tá nói như reo:
– Tỉnh rồi!
Thoại nhỏm ngay dậy, hỏi: “Đây là đâu?”
– Đây là bệnh viện dã chiến của bộ đội – Cô trả lời và đỡ anh nằm xuống.
Bỗng có tiếng kẻng báo động dồn dập, tiếng máy bay Mỹ quen thuộc lại nổi lên ầm ầm, tiếng cao xạ pháo nổ ran… Thoại nhớ ra, anh vẫn ở thời đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Trận máy bay Mỹ ném bom xuống cầu Cừ, sức ép đã hất anh văng xuống sông, nhưng lại như có phép mầu, anh vẫn không chết.
Thoại nở nụ cười vì tin chắc rằng nửa thế kỷ sau quê hương mình sẽ đổi thay như trong giấc mơ anh vừa trải qua.
Anh mượn tờ giấy và chờ khi các cô y tá bận chăm sóc các chiến sĩ và nhân dân bị thương, anh hý hoáy viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Trong đơn, Thoại nói rõ đã có quyết định giải oan cho gia đình anh…
Khi huyện đội nhận được lá đơn của Thoại, nhiều người rơi nước mắt vì chữ viết bằng máu. Người phụ trách tuyển quân nghẹn ngào bảo: “Lòng yêu nước không của riêng ai!”.
NGUYỄN TRƯỜNG
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...