Thế nào là "Một tác phẩm hay"?
Lý thuyết văn chương phương Đông “truyền ngôn” từ đời này
sang đời khác câu nói của thi hào Đỗ Phủ: “Độc thư phá vạn quyển/ Hạ bút như hữu
thần” hiểu thoát nghĩa là đọc sách vạn quyển ngòi bút mới có “thần”. “Thần” là
tư tưởng được chuyển hóa vào hình tượng. Tức là tầm cỡ hình tượng quy định tầm
cỡ nhà văn.
Đến thời nay, thời 4.0 trí tuệ là thời của mã hóa câu
nói của Đỗ Phủ vẫn là chân lý. Thời nay quan niệm nhà văn là người kiến tạo mã,
bạn đọc là người giải mã. Không có hiểu biết không thể tạo được hay làm dày
thêm mã và cũng không thể giải được mã. Rỗng mã, nghèo mã hay mã đánh đố sẽ
không có người đọc. Hình tượng nghệ thuật phải là một mã mang mẫu số chung của
văn hóa nhân loại mới có thể hội nhập. Đào sâu tri thức văn hóa truyền thống
dân tộc, chắt lọc lấy những giá trị tinh hoa nhân loại mà xây cao “trụ” văn hóa
đưa con người bước vào bầu trời văn minh. Đó là sứ mệnh cao cả của những “thần
trụ trời” nghệ sỹ!
Bốn điều kiện của đối thoại văn hóa thời 4.0 là: hiểu biết,
bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe, thì hiểu biết được coi trọng
nhất vì hiểu nhau mới có thể “chơi” với nhau được. Ngày nay nhà văn được coi là
những sứ giả văn hóa nên càng phải hiểu biết. Phải hiểu sâu văn hóa nước mình,
phải giỏi tiếng Anh, phải làm chủ được mã cơ bản văn hóa thế giới. Xu hướng của
độc giả hiện đại là tìm đọc những tác phẩm ẩn chứa hình bóng của nhiều thân phận
người, sự gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa, sự ký thác của nhiều thế hệ… Phẩm chất
tưởng tượng được nhấn mạnh hàng đầu. Mà muốn tưởng tượng phong phú thì phải có
vốn hiểu biết.
Có một nghệ sỹ lớn quan niệm về tác phẩm hay rất đích đáng.
Nghệ sỹ đó là Bác Hồ!
Đối sánh nhiều lý thuyết về tác phẩm văn học trên thế giới hiện
nay có thể nhận thấy quan niệm của Bác Hồ – mà Bác gọi là “tác phẩm hay”, vừa
khái quát vừa cụ thể hơn cả. Người nói (từ 1925): “một tác phẩm văn chương
không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng
nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong
độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên
soạn tốt”(1). Ở đây toát lên mấy yêu cầu: một là, “diễn đạt vừa đủ những điều
đáng nói”, tức là tác phẩm ấy phải đặt ra vấn đề đáng quan tâm nhưng không dài
dòng; hai là dễ hiểu, “ai cũng hiểu được”; ba là phải gợi được những nghĩ suy về
vấn đề đã đặt ra. Có thể bổ sung thêm một vài ý nào đó nhưng đây vẫn là một
cách hiểu cơ bản mang tính cốt lõi về một tác phẩm văn học có giá trị.
Sau này, ở vào một hoàn cảnh khác, Người yêu cầu: “Phải viết
cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật.
Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn
chương thì mới thích đọc”(2). Có thể hiểu “hay” và “lạ” là nói về nội dung, còn
“văn chương” là nói về hình thức. Qua cách Bác nhận xét về Truyện Kiều cho
thấy cụ thể hơn: “không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong
đó, do đó, truyện Kiều hấp dẫn người đọc”(3). Cách hiểu này thiên về
lối tiếp nhận hiện đại đề cao vai trò bạn đọc, cũng là một yêu cầu của tác phẩm
nghệ thuật kinh điển: phải có tư tưởng lớn, phải mang ý nghĩa phổ quát vừa là
tiếng nói nhân sinh nói chung vừa phải sâu sắc nói được những nỗi riêng thầm
kín của con người cá thể.
Không chỉ là một nhà văn, nhà thơ lớn, Hồ Chí Minh còn là một
nhà phê bình nghệ thuật có chủ kiến mà nếu chúng ta hệ thống một cách đầy đủ sẽ
rút ra được những luận điểm rất cần thiết cho hôm nay.
Mỹ học đương đại khẳng định văn học nghệ thuật là lĩnh vực
sáng tạo tinh thần đặc thù. Thể hiện ở 4 lý do. Thứ nhất, đây là lĩnh vực của
cái tôi, của cá tính sâu sắc để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Đó là
cá tính sáng tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, đặc sắc, độc
đáo. Nghệ sỹ cống hiến cho xã hội bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá
trị tinh thần. Thứ hai, năng khiếu sáng tạo đòi hỏi người nghệ sỹ sự nhạy cảm,
nhất là nhạy cảm trước những biến động xã hội. Họ như cái cần ăngten thu phát
những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một sức đề
kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên
có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc
những mầm tiêu cực. Thứ ba, về bản chất hình tượng, văn học nghệ thuật sáng tạo
ra một “cuộc sống thứ hai” thoát thai từ đời sống, nhưng chỉ là mô hình chứ
không phải bản thân đời sống. Có bao nhiêu tác phẩm giá trị là có bấy nhiêu mô
hình, có cái giống, có cái khác, lại có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống
thực. Vì lẽ này tiếp nhận văn học nghệ thuật luôn là vấn đề phức tạp. Có mô
hình bị ngợi ca vô lối, có mô hình bị hiểu sai, có cái thì bị lợi dụng… Thứ tư,
xét ở góc độ tiếp nhận thì văn học nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu,
nhưng trong thời tiếp biến văn hóa rộng rãi, mạnh mẽ hiện nay lại có món ăn, vì
nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà dễ bị/gây ngộ độc.
Soi những ý này vào cấu trúc nhân cách nghệ sỹ thì ngoài tài
năng, còn là vấn đề lý tưởng, tinh thần, tâm huyết sẽ quyết định chất lượng tác
phẩm. Vấn đề này không mới bởi khoanh lại thì vẫn là hai phạm trù “tâm” và
“tài”. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cụ Nguyễn Du nói đã mấy trăm năm.
Nhưng mà kinh điển. Bác Hồ khái quát vào hai phạm trù “tài”, “đức” cụ thể hơn.
Thế giới thời 4.0 cũng ví người nghệ sỹ như con chim có hai cánh tâm, tài, thiếu
một cánh, chim không thể bay được, một cánh yếu một cánh khỏe cũng không thể
bay được xa. Có nhà triết học đương đại coi người nghệ sỹ như một cơ thể nghệ
thuật có tay phải là cái tâm, tay trái là tài. Như vậy từ Nguyễn Du, Hồ Chí
Minh đến triết học nghệ thuật hiện đại hầu như quan niệm thống nhất.
Vì quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm nên thời
nào cái “tâm” cũng được nhấn mạnh. Tức phải có ý thức chính trị cao mới tạo tiền
đề cho tình yêu, cho tâm huyết – vốn được coi là những điều sống còn trong sáng
tạo. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum xuê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh
đất của tình yêu. Thiếu tình yêu nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu không tự
nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của một ý thức chính trị nhất
định. Đây như một nguyên lý nghệ thuật.
Tâm lý học sáng tạo khẳng định trong cấu trúc tư chất ở người
nghệ sỹ, thì điều trước hết cần có là giàu tình cảm, dễ xúc động. Trong khoa học
thì tình cảm là tiền đề sáng tạo còn trong nghệ thuật thì tình cảm phải có
trong thành phần sáng tạo. Để phát minh ra vấn đề gì mới thì trước đó nhà khoa
học phải có niềm đam mê mãnh liệt, cháy bỏng để làm việc đến quên ăn quên ngủ.
Tâm huyết ở nhà nghệ sỹ còn đòi hỏi cao hơn. Nghệ thuật không thể tầm thường,
nghệ thuật phải trên mức thông thường là như vậy. Tài năng nghệ thuật luôn là
hiếm hoi, bởi không chỉ có cần cù mà phải còn có năng khiếu. Hiếm cho nên quý.
Do vậy rất cần tạo ra một cơ chế riêng ưu đãi cả về vật chất và tinh thần cho
nghệ sỹ. Nhưng họ cũng là một công dân, dù có tự do trong cái tôi thì vẫn phải
ý thức được trách nhiệm công dân là phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, chống
lại cái ác, cái xấu, cái lỗi thời, cái phản động. Khái niệm “tự do sáng tạo” là
một phạm trù mở nên hay bị lợi dụng theo ý xấu. Theo lý thuyết mô hình trên thì
nghệ sỹ nào cũng “tự do” cả. Trên thực tế cũng chưa thấy có chính thể hiện đại
nào (trừ thời phong kiến) cấm đoán “sáng tạo” (mà làm sao cấm được tư duy?!). Với
phương châm vì con người, vì lẽ phải, anh cứ viết hết mình, cho thật hay, đó là
“tự do sáng tạo”. Chỉ có nghệ sỹ ít tài tự đội vào đầu vòng “kim cô” cái tâm hẹp
hòi rồi kêu toáng lên: cần “tự do sáng tạo”! Bao nghệ sỹ gốc Việt đang sống nơi
“tự do” đấy, có mấy tác phẩm trội hơn trong nước?
Cuộc sống cách mạng vừa là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ, vừa
là cảm hứng, vừa là đối tượng sáng tạo của nghệ thuật hôm nay. Bất kỳ một nghệ
thuật chân chính nào, trước nay cũng đều bắt nguồn từ đời sống, phản ánh, sáng
tạo để phục vụ đời sống. Xã hội vận hành theo cơ chế thị trường văn học nghệ
thuật càng phải quán triệt đối tượng phục vụ là quần chúng. Vì xét đến cùng, bất
kỳ một loại hình nào cũng phải có khán, độc giả mới có thể tồn tại, mà số lượng
đông đảo nhất vẫn là nhân dân!
Cái đẹp nằm trong cuộc sống, là bản thân cuộc sống. Người nghệ
sỹ phải đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để khám phá, sáng tạo. Văn nghệ là một
hình thái ý thức nên càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút lấy chất
dinh dưỡng cuộc đời. Thoát ly hiện thực, nghệ thuật nhất định khô héo. Một
trong những cách để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật là tạo điều
kiện cho văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế, càng nhiều càng tốt, càng sâu càng hay.
Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng.
Không có cách nào khác muốn rèn luyện tài năng người nghệ sĩ phải trở về cái gốc
của nghệ thuật là đời sống muôn màu muôn vẻ kia. Trong lịch sử văn hóa nhân loại
cũng chưa có thiên tài nghệ thuật nào không được gieo hạt, nảy mầm, bắt rễ, lớn
lên, trưởng thành từ cái nôi đời sống.
Theo Mai Thanh/VNQĐ
25/3/2022
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Vanvn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét