Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch: Phố Cối

Truyện ngắn của
Vũ Thanh Lịch: Phố Cối

Chỉ sau một đêm, làng Cối đã thành phố Cối.
Phố Cối. Thay có một chữ mà nói ra, Hưởu thấy sang mồm làm sao. Rồi lúc nghĩ mình là người phố Cối, Hưởu thấy người lâng lâng như thể đời Hưởu sắp có nhiều hoa thơm trái ngọt. Cảm giác ấy, Hưởu không dám kể với ai, kể ra cho người ta chê mình quê à, người ta thành người phố chán vạn năm rồi mới đến lượt mình…
Hưởu sinh ra ở Làng Cối, lớn lên ở Làng Cối, lấy chồng rồi sinh con cũng ở làng Cối. Chồng chết, Hưởu ở vậy nuôi con, cần mẫn với đàn lợn trong chuồng, ngô khoai ngoài bãi, cá ốc ven sông, quanh năm không hết việc, khổ nỗi, cái gì giá cũng èo ọt. Hưởu làm ngày làm đêm cũng chỉ đủ nuôi mình với hai đứa con đang tuổi ăn lớn học hành. Tủi phận, Hưởu không thân thiết với ai, người nghèo hơn mình thì mình cũng chẳng có sức mà giúp, người giàu hơn mình thì lại sợ họ nghĩ mình thân thiết để nhờ vả lợi dụng. Xung quanh nhà Hưởu, mấy năm nay người ta thay đổi cách làm ăn, nhà cửa cứ chồng lên nhau mà xây, nhà có vài người cũng trèo lên đầu nhau ở, cao vời vợi, đi làm về ngang qua, muốn nhìn hàng xóm cũng phải ngửa cổ lên giời, có hôm còn hứng phải bãi nước bọt thả từ trên xuống, có hôm thì cái bỉm trẻ con đái khai mù rơi bụp lên nón Hưởu. Người ta biết làm giàu, còn Hưởu cứ nghèo mãi. Sự thay đổi duy nhất trong nhà Hưởu là hai đứa con cứ nồng nỗng mà lớn lên. Con gái đầu lòng đến thì, chúm cha chúm chím như hoa hồng hoa huệ, có lúc Hưởu nhìn trộm nó, lại nhớ mình ngày xưa, cũng da trắng tóc dài má hồng môi thắm, cũng eo thon ngực nở ngón tay mềm, cũng mắt tròn mi cong đựng đủ bầu trời, đủ mưa, đủ nắng… vậy mà đùng một cái… nghĩ đến đấy, Hưởu lại rơm rớm nước mắt. Chả biết, cái con Phấm này lớn lên có giống mẹ nó không… rồi Hưởu chuyển sang lo, nỗi lo như bàn chân con mèo tam thể, cào sồn sột vào ruột gan Hưởu…
Nhà văn Vũ Thanh Lịch
Phấm mười tám tuổi, không đỗ trường đại học nó thích, không chịu học trường khác, xin mẹ đi xuất khẩu lao động. Hết một năm, nó bảo mẹ “Con tìm được việc rồi mẹ ạ, con nhờ mẹ vay giúp con một suất hộ nghèo ở ngân hàng rồi con đi làm, gửi tiền về cho mẹ trả người ta, con chỉ vay thôi, con hứa đấy. Nhà mình còn em Khiếng đang phải học, con không dám làm khổ mẹ với em đâu. Chẳng qua con chưa kiếm được tiền nên nhờ mẹ mượn tạm thôi”. Nghe nó nói hết một tràng, Hưởu lại rơm rớm nước mắt, nó chưa từng xin mẹ cái gì từ lúc bố nó chết đến giờ. Hôm Hưởu đi làm thủ tục vay tiền, nhà Hâu bán tạp hoá trên phố đánh tiếng bảo Hưởu sang mà cầm tạm, người cùng làng với nhau nên không tính lãi. Hưởu thấy người ta đột nhiên tốt bụng với mình thì sinh nghi, vì hồi nhà Hâu còn bán hàng ở chợ quê, có lần Hưởu hết tiền, ra mua chịu một gói muối cũng không được. Hỏi con gái, Phấm bảo “thằng Đậu nhà ấy hơn con sáu tuổi nhưng đúp suốt nên học trước con có hai năm, theo đuổi con từ hồi con học lớp mười, hôm con đi thi đại học, nó canh như cai ngục ấy, sang chỗ con trọ, phòng có bốn đứa con gái toàn bạn con mà đến cửa, nó tháo giày ra còn phải cầm vào để dưới gầm giường, tất thì chắc cả năm không giặt, thối như chuột chết ấy”. Hưởu nghe nói mới lẩm bẩm bảo, “Nó lên phố học những mấy năm rồi mà còn bẩn thế á”, Phấm cười bảo, “Ôi giời ôi, có phải cứ ra phố ở mà thành người phố được đâu mẹ!” Sau này mỗi khi nghĩ đến cái chữ người phố Cối, rồi lại nghĩ đến con gái mình, Hưởu cũng tiết chế bớt cái cảm giác lâng lâng trong người. Vậy mà nhoằng một cái, Phấm đi đã được năm năm, tiền nhờ mẹ vay cũng đã trả hết, còn gửi thêm bảo mẹ sửa lại cái nhà, cho em đi học đại học. Nó nói vậy nhưng Hưởu không sửa, Hưởu mua vàng để dành lúc nào nó đi lấy chồng rồi đưa cho nó.
Thằng Khiếng lớn lên, có hôm Hưởu đi cấy về, thấy nó ngồi ở chân cột chuồng bò khóc thút thít, gặng hỏi mãi, nó mới ngập ngừng bảo, chim con nó mọc râu, con sợ ung thư như bố, làng mình bao nhiêu người ung thư chết rồi, lớp con cũng có đứa bị… Hưởu nén nhịn để không cười, chả biết nén kiểu gì mà nước tràn ra mắt, giá nó còn bố, thì mấy cái chuyện kiểu này, bố nó nói vài câu là nó biết hết, chứ mẹ nghĩ mãi mới nói được mấy chữ, “chắc con lớn nên nó thế ấy mà, người lớn ai cũng thế”. Khiếng học hết cấp ba, Phấm điện về bảo mẹ, “năm nay đến kì hội làng, con về chơi vài tháng rồi đưa em nó sang đây, bên này đang dễ làm ăn, chúng con còn trẻ, cố làm kiếm ít vốn rồi về làm ăn ở nhà mẹ ạ”. Hưởu ừ cho con vui, chứ nghĩ đến cảnh lụi cụi một mình, Hưởu cũng hoang mang, ngày trước cắm cúi làm ăn, vì Hưởu có mục đích là tương lai của hai đứa, bây giờ, tương lai nó thành hình rồi, Hưởu chẳng biết nhằm vào cái đích nào mà sống nữa, nhất là lại sống có một mình.
Hưởu không mong hội làng. Phần vì sợ Phấm về đón Khiếng đi, phần lại sợ Phấm gặp ai đó giống như Hưởu ngày xưa… cũng cái ngày làng Cối mở hội.
* * *
Làng Cối có lệ, ngày giỗ Thành hoàng là cả làng tập trung ăn uống. Ai có chữ Cối trong giấy khai sinh đều phải có mặt để dự cỗ, không ăn miếng cỗ làng, coi như năm ấy không may, làm ăn không được mát mái xuôi chèo. Cỗ làng Cối là cỗ góp, góp cái ăn chứ không góp tiền. Nhà nào cũng phải góp một bò gạo, còn thì tuỳ tâm tuỳ sức mà góp tiếp. Trước hội một tuần, người làng Cối đăng kí với trưởng làng để tính toán sắp cỗ cho đủ món, vừa ăn. Nhà ai góp gà, góp mấy con, nhà ai góp lợn, ai góp rau dưa muối mắm, ai góp bánh lá bánh dầy, rồi hoa quả trầu rượu, đồ tế lễ .v.v. mỗi nhà mỗi thứ. Người làng Cối quan niệm, góp cỗ đãi làng hay góp đồ cúng tế thành hoàng cũng có ý nghĩa như nhau cả, chỉ cần sắp cỗ xong, bưng một mâm đủ món lên cúng thành hoàng là được. Người bưng cỗ cúng phải là trai gái thanh tân, con gái dâng hoa quả, hương nến, trầu cau, con trai dâng trà, thuốc, rượu, thịt.
Hội làng vui hơn ngày tết. Cả làng nghỉ làm, nghỉ học, tập trung hết ở sân đình, người thu dọn làm sạch trong cung ngoài đình, người làm cỗ, người hát văn hầu đồng mời Thành hoàng về ngự giá vui vầy với cháu con, người chơi tổ tôm, chọi gà, cờ tướng… Ai làm thì làm, ai không làm thì chơi, không chơi thì đứng xem, hô hào, cổ vũ, cá cược… trò cá cược là vui nhất, nó khiến người ta có động lực mà tập trung hò hét, theo dõi trò chơi, có điều, bất kể trò chơi gì cũng dính đến tiền. Người thắng được ghi danh vào sổ hội làng. Người thua phải nộp phạt, tiền phạt thu vào quỹ. Làng Cối nhờ thế mà qua hết năm nọ năm kia đã xây được cái đình to nhất huyện, cung thờ rộng đủ cho tất cả linh hồn người làng Cối từ xửa xưa đến giờ về hưởng lộc, hai toà tả vu hữu vu hai bên cũng cao rộng thênh thang, đủ cho các bà các cô sửa lễ ngày tuần, các ông chơi cờ, họp bàn việc lớn, sân vườn rộng rãi lát gạch đỏ au, đủ cho cả làng ăn cỗ.
Hồi ấy, làng Cối khánh thành nốt cái sân vườn với tường bao sạch đẹp. Hưởu mười tám, như đọt hồng mới nhú, là một trong năm cô gái dâng hương nến trầu cau, Phâ trong đội dâng trà thuốc rượu thịt. Người lỡ tay làm rơi quả cau, người kịp giơ tay đón trước khi cau rơi xuống đất. Vậy là giật mình chớp mắt nên duyên. Sau hội chưa đầy năm, hai người hẹn hò thề thốt, mùa hội năm sau, Hưởu chớm mang bầu cái Phấm nhưng bí mật không dám nói ra, thành thử không chối được vai đội lễ, sau này Phâ ung thư rồi chết, thi thoảng mẹ Phâ lại đay đả chì chiết Hưởu rằng đã mất trinh còn đi đội lễ để thánh thần trách phạt, cướp mất con bà, rồi người làng cũng mỉa mai Hưởu đã ăn cơm trước kẻng còn không tránh đi, để làng mất lộc, bao nhiêu người chết vì ung thư. Từ ấy, Hưởu không dự hội làng nữa, chỉ đến góp đủ một bò gạo lệ rồi về. Ngày hội làng, Hưởu ra bãi sông nhặt con cua con cáy chứ nhất quyết không ở nhà. Chị em con Phấm, thằng Khiếng ra đình chơi, nhưng chỉ thằng Khiếng được vào trong cung lễ thánh, cô chị chỉ được lăng xăng ở ngoài chơi rồi ăn cỗ. Làng Cối oán trách Hưởu vì đã mất trinh còn đi đội lễ, chứ không lìa bỏ cái Phấm, nó đâu có tội lỗi gì, nó sinh ra là thêm người thêm của cho làng chứ ai trách nó. Lệ làng là vậy, nhưng mấy ông già bà cả, trong đó có bà nội Phấm, vẫn không cho nó vào cung trong bái lễ. Cái Phấm không vì thế mà tự ti hay mặc cảm gì, nó chấp nhận sự trừng phạt ấy hồn nhiên như hít vào thì phải thở ra vậy thôi. Có lần nó bảo thằng em, giờ chị cứ le ve ở ngoài chứ biết đâu có lúc làng lại mời chị vào cung cấm mà lễ ấy chứ, làng có mấy đứa được hoài thai vào hội làng như chị đâu, lại còn hoài thai từ đôi nam thanh nữ tú của làng nữa… nó nói đầy kiêu hãnh, cũng như nó luôn kiêu hãnh khi đùm một suất cỗ làng mang về cho mẹ, vì mẹ nó là người làng Cối, đương nhiên phải được ăn cỗ làng, dù ăn ở đâu. Nuốt miếng cơm làng, Hưởu lại chảy nước mắt. Lại thương con. Lại nhớ chồng… Không biết lúc về đình làng hưởng lộc, không thấy Hưởu, Phâ có ra bến sông mà tìm không, cái bến sông hoài thai cái Phấm, cái bến sông Hưởu với Phâ thành chồng thành vợ…
* * *
Phấm về. Đẹp như quý cô trên ti vi. Hưởu choáng váng mất một lúc. Ngày xưa mà Hưởu được ăn diện học hành giao lưu giao tiếp xa gần chắc cũng chẳng khác gì nó. Nó nói năng đi đứng cũng khác, mới có mấy năm mà xứ phồn hoa xa lắc xa lư nào đó đã rửa sạch sành sanh cái quê mùa cộc kệch của con gái Hưởu. Hưởu thấy sướng rân rân trong lòng, rồi cũng thấy xa xa sờ sợ làm sao… liệu có khi nào nó chê mẹ quê mùa mà ghẻ lạnh không đây. Trên ti vi rồi trên đài thi thoảng người ta lại kể chuyện con gái ra phố rồi ra nước ngoài về coi bố mẹ ở nhà như rơm như rạ… Hôm nó đi, Hưởu ôm nó thật chặt, nó cũng ôm Hưởu nên không nhìn thấy mắt Hưởu ướt. Lúc nó về, tim Hưởu rộn ràng thấp thỏm hơn cả lúc đợi Phâ đến đón dâu. Nó vào cửa, Hưởu cũng lao ra định ôm chầm lấy nó cho thoả nỗi nhớ mong, nhưng nó đẹp quá, thơm quá làm Hưởu sững lại, liệu có khi nào Hưởu ôm mà làm lấm cái váy nó mặc không, làm mất cái mùi thơm của nó không… Còn cái Phấm, thấy mẹ trân trân nhìn thì cũng tròn mắt nhìn mẹ, líu lo hỏi chuyện ở nhà. Hưởu thấy lòng dạ chênh chao, rồi nghĩ, nó đi xa hàng ngàn cây số mới được ở phố, mình chả đi đâu cũng thành người phố rồi còn kém gì nó, mà có kém, mình cũng là mẹ nó cơ mà… nghĩ đến thế rồi mà ruột gan Hưởu vẫn chơi vơi…
Đêm. Con gái rúc vào ngủ với Hưởu. Suốt từ hồi nó mười sáu đến giờ, hai mẹ con mới lại ngủ chung. Nó kể liên miên đủ thứ chuyện bên trời Tây, Hưởu thì tai nghe mà mũi cứ phấp phỏng tìm xem đằng sau cái mùi nước hoa ngây ngất đang nằm cạnh đây, có tí mùi nào của con gái mình không, đằng sau cái âm thanh ríu ran chuyện đây, có còn từ nào, chữ nào của người làng Cối không, còn cái âm giọng nào của con gái Hưởu ngày xưa không… Tìm mãi, lúc thấy lúc không… Hưởu lại trấn an mình, nó đi xa thế thì phải khác chứ, phải thay đổi chứ, mà rõ ràng là nó lớn hơn hẳn cái con Phấm lúc rời Hưởu đi tây, cái gì nó cũng hơn hẳn, vậy thì Hưởu còn lo tiếc cái gì, cứ tiếc mãi cái kiểu nói quang quác như cãi nhau của gái làng Cối à, hay là Hưởu tiếc cái giọng đầy lưỡi rồi thi thoảng lẫn lộn lờ với nờ, vờ với phờ của người làng Cối, hay là tiếc cái mái tóc rễ tre, hay là tiếc cái ngây thơ hồn nhiên của Phấm, hay tiếc cái mặt đầy mụn trứng cá, cái mùi mồ hôi chua chua… Hưởu cứ nghĩ liên miên đủ thứ trong khi con gái nói chuyện chán chê đã ngủ say tít. Nó thở đều và nhẹ chứ không khò khẹt như hồi ở nhà với Hưởu. Đêm im tít, thi thoảng vài tiếng lá lăn lao xao ngoài đường vọng lại, còn xung quanh chỉ có tiếng thở của Phấm, tiếng thở nhẹ và êm cuốn Hưởu bắt nhịp theo, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng ra, Phấm bàn với mẹ:
– Hôm tới đây hội làng, mẹ nhận cho nhà mình làm bánh đúc lạc góp nhé
– Sao lại nhận làm cái món quê quể quề quê ấy hả con, cỗ làng xưa nay, có ai cúng bánh đúc bao giờ
– Thì con nghĩ người làng mình ăn gì thì mời thành hoàng thứ ấy thôi, bánh đúc cả làng thích ăn, con sang bên kia lúc nào cũng thèm bánh đúc mẹ ạ. Con cứ nghĩ, bố con rồi bao nhiêu người làng mình, chết đi chẳng được cúng bánh đúc chắc thèm lắm, mình cứ cúng đi, thành hoàng là thánh là thần rồi không thích ăn bánh đúc nữa thì còn vô số hồn ma của làng về dự hội, chắc là người ta cũng thích chứ mẹ…
– Lâu lắm mẹ chả đi hội, giờ lại nhận làm bánh, mà mẹ cũng chả muốn đến…
– Lại nhớ bố với chuyện cũ à, nhớ thì đến đi mẹ, bố về gặp cả ba mẹ con mình ở đấy thì càng vui chứ sao, còn cái chuyện kia, làng người ta biết cả rồi, có phải tại mẹ đâu mà mẹ sợ, mấy cái nhà máy xây lù lù giữa làng, khói bụi làm lá cây không xanh được, nước thải làm cỏ chẳng mọc được ven ngòi nữa thì người làng không ung thư mới lạ, với lại, mẹ hoài thai con là thêm người thêm của cho làng, sao mà thành hoàng bắt tội được, bắt tội thì bắt tội một mình mẹ chứ sao bắt tội cả làng, mẹ chịu cực khổ thế đủ rồi, mà toàn là do mẹ tự ái tự trọng mà tránh xa nơi đó. Cả làng độ vài mươi người trách mà mẹ bỏ cả trăm người yêu quý mẹ như vậy thì có nên không… mẹ nghĩ thoáng thoáng đi tí nhé, mẹ không tự giải phóng tư tưởng cho mình thì ai giải phóng cho mẹ được…
Nó còn nói dài dãi dài dài, rồi lại kể chuyện bên kia người ta xây nhà máy phải thế này thế này, chúng con đi làm phải ăn mặc như này như nọ, rồi giờ nghỉ phải như nọ như kia, vài tháng phải khám sức khoẻ, phải thi tay nghề, phải kiểm tra nơi ăn ở tập thể… phải… đủ thứ. Hưởu nghe rồi ừ chơi vơi, nửa muốn cho qua nửa lại sợ con gái biết mình ừ cho qua lại không nói nữa, dù sao những chuyện nó nói Hưởu cũng thích nghe, Hưởu thấy đầu óc mình được mở mang. Hưởu không biết nơi nuôi con gái mình lâu nay nó ngang dọc thế nào, nhưng nghe con kể chuyện, Hưởu tưởng tượng ra cái phố Cối của Hưởu rồi cũng sẽ có đèn đường, đường sẽ có nhiều ô tô chạy, cái chợ cóc góc phố sẽ thành trung tâm thương mại có máy lạnh, cái bến sông nơi Hưởu hay bắt cua bắt cáy sẽ kè đá và trồng hoa… cứ như thế, Hưởu chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Phố Cối xôn xao chuyện gọi ngày giỗ Thành hoàng làng là Hội làng hay Hội phố. Chưa từng có ai gọi là Hội phố bao giờ, mà nghe hai chữ Hội phố thấy nó ngang tai, còn cái chữ hội làng thì lại lạc hậu mất rồi. Thôi thì khi chưa nghĩ ra mà cũng chưa nhờ được ai nghĩ hộ thì cứ tạm gọi là ngày giỗ Thành hoàng… mà thành hoàng làng hay thành hoàng phố lại cũng tranh luận mất nửa ngày không cho kết quả cuối cùng, đành vậy, tạm thời người phố Cối gọi ngày Hội làng Cối cũ là giỗ Thành hoàng.
Chuyện tên gọi coi như xong. Chuyện làm cỗ mới đau đầu. Người bảo góp tiền thuê người ta nấu cỗ mang đến vừa ngon vừa đẹp mà người làng lại được tập trung chơi trò chơi, rồi tế lễ hầu bóng cho đủ ba mươi sáu giá đồng, rồi ra ăn uống thoả thuê, ăn xong người ta lại bê mâm bát đi rửa, không phải động chân động tay gì. Người lại bảo cứ giữ kiểu làm cỗ cũ, đó là đặc trưng của hội làng phố Cối, xưa nay chưa thấy nơi nào tổ chức hội như làng Cối, mỗi lần tập trung làm cỗ, các bà, các cô tha hồ trổ tài nấu nướng, tỉa hoa, sắp lễ, sắp cỗ… Bọn trẻ con chơi thoả thuê, lại còn biết cái sự nấu nướng ăn uống tập trung nó vui vẻ thân thiết thế nào, rồi đứa nào cũng biết hết các món ăn của người nghèo, người giàu, biết các thức từ xưa đến nay người làng Cối vẫn ăn, rồi người già được ăn kiểu người già, người trẻ được ăn kiểu người trẻ, rồi già trẻ biết kiểu ăn của nhau… Chuyện làm cỗ vẫn chưa ngã ngũ dù ban tổ chức giỗ Thành hoàng đã họp đi họp lại mấy lần.
Mẹ con Hưởu ra đình góp gạo rồi đăng kí làm bánh đúc lạc góp cỗ đúng lúc các vị đại diện đang tiếp tục bàn tính cách tổ chức giỗ Thành hoàng. Nghe thấy có cụ bảo:
– Năm nay mình lên phố thì nên tổ chức văn minh đi một tí, giờ người ta chuyên nghiệp hoá, ai giỏi cái gì thì làm cái ấy, với lại dịch vụ làm cỗ mang đến tận nơi đầy ra kia, mình không sử dụng thì bao giờ mới tiến bộ được, chuyện cỗ đã thế, còn các chuyện khác nữa chứ, cứ giữ mãi kiểu cũ thì bao giờ phố ta mới thoát khỏi cái nếp làng được.
Cụ khác lại bảo:
– Phố thì cứ là phố, mình ăn ở ngăn nắp sạch sẽ như người phố là được. Con cháu nó đi làm nhà máy, sáng đi đến tối tít mới về, chả có lúc nào mà nhìn mặt xóm giềng, tôi nghĩ cái ngày hội này, là dịp cả làng mình ăn chung với nhau bữa cơm, tự nấu lấy cũng vui, mỗi người một tay một chân, rồi con cháu nó ngồi nấu nướng mới có thời gian mà chuyện trò gần gũi, chứ ăn ào một cái rồi về thì khác gì đi ăn cỗ cưới ngoài khách sạn.
– Gớm, ông tưởng chúng nó dám nghỉ nhà máy mà ở nhà nấu cỗ đấy à, tôi còn sợ nó chả dám về mà ăn nữa ấy, nghỉ có vài mươi phút giấc trưa thôi. Gọn nhẹ cho nó xong đi con cháu nó còn đi làm chứ. Hay là chuyển sang ăn giấc chiều. Mà thôi, ăn giấc trưa để còn thu dọn rồi nghỉ ngơi lấy sức mà đi làm ca đêm, tôi thấy cái ngày hôm ấy đúng là cái ngày các cháu làng mình nó làm ca đêm đấy nên các ông cũng tính kĩ thời gian cho chúng nó tham dự đủ.
– Thì biết thế, nhưng mà cứ vậy rồi thì chúng nó thành người máy hết cả à. Cứ làm ruộng như ngày trước có phải sướng không, thích nghỉ lúc nào thì nghỉ, ăn chơi cả ba ngày hội rồi đi làm cũng chả sao.
– Nghĩ như ông thì làng này cứ bán mặt cho đất bán lưng cho giời mãi à, được cái nọ mất cái kia chứ biết làm sao.
– Biết thế, nhưng mà tôi thì tôi nghĩ mất cái gì chứ mất tình mất nghĩa làng xóm láng giềng thì có mà mất hết cả làng Cối à.
– Thì lên phố nó cũng phải khác làng chứ, mà rõ là mất làng còn gì, giờ ai còn gọi làng Cối nữa đâu.
– À này, thằng cháu Đậu bên họ nhà tôi được thăng chức, nó xin tài trợ tám chục phần trăm tiền làm cỗ, nó tài trợ cả cũng được nhưng sợ phố không đồng ý vì tâm lý ai cũng muốn góp tí của cho có lộc, thôi thì cứ thuê người ta làm cho mình ăn một năm nay xem thế nào, ngon thì năm sau ta cứ thế làm, còn như không ổn thì năm sau ta lại làm như cũ, không thay đổi thì làm sao mà biết cái gì hay cái gì dở.
– Đã một lần ăn sẵn rồi ấy, thì sang năm có còn lâu người ta mới chịu nấu nướng, với lại bây giờ chả tin ai được, nhỡ nó làm thực phẩm bẩn cho mình ăn ngộ độc cả làng thì sao?
– Ơ hay, các ông, phải có lòng tin chứ. Mà giờ còn đồng màu đâu mà trồng rau, chả đi mua thì nhà ai góp đủ cho cả làng. Rồi lợn gà có mấy đâu, mỗi nhà nuôi vài con đủ cho nhà mình ăn chứ lấy đâu mà đãi làng…
Công cuộc bàn chuyện làm cỗ đang lúc ngổn ngang thì anh Đậu về tới. Đỗ ô tô ngay giữa sân đình, chạy hớt hải vào nhà tả vu, nơi các vị đại diện đang sôi nổi tranh luận:
– Con về sớm báo các cụ tin vui cho các cụ đỡ lo ạ. Có anh bạn con đang muốn tài trợ cả phần lễ lạt cho phố ta, phần cỗ bàn con lo bao nhiêu còn bao nhiêu các anh ấy cũng lo hết ạ. Năm nay con sắm đủ cả bộ khăn áo mới cho các cụ làm lễ tế thành hoàng nhé, năm đầu tiên lên phố là cứ phải rực rỡ các cụ nhé.
Cụ già nhất thư thả bảo:
– Việc làng xưa nay là do người làng mình xúm vào làm, phục vụ làng để lấy lộc nên chưa cho người ngoài góp bao giờ, anh tính kĩ xem người làng Cối, à, phố Cối không được góp cỗ là không xong đâu.
– Dạ, con tính kĩ rồi ạ, các cụ cứ thu mỗi nhà chút đỉnh như thường khi là được, còn như gạo để năm nay con mang gạo nhập khẩu về ạ, ăn ngon và dẻo thơm, hơn đứt gạo làng mình ấy, với lại, nấu một loại ăn cho ngon, chứ mọi khi nấu hổ lốn các loại vậy, cơm chả ngon mấy.
– Bỏ cái gì thì bỏ chứ bỏ góp gạo thì còn ra làm sao.
Mẹ con Hưởu thấy các cụ họp nên vào dâng hương trước. Xong xuôi mới sang nhà tả vu đăng kí góp cỗ. Cái Phấm nhanh mồm nhanh miệng:
– Con chào các ông các bà ạ! Em chào anh Đậu.
– Vâng, mời bà với cô vào mời nước.
– Dạ, các ông bà bàn chuyện mà mẹ con con vào làm phiền thế này ngại quá, nhưng mà còn biết các ông bà cũng đang chuẩn bị lo việc tổ chức giỗ thánh nên mẹ con con mới dám mạo muội ạ.
Đậu lên tiếng:
– Cô Phấm đi tây về đã đẹp lại nói khéo quá, năm nay phố nhà mình lại có người đẹp như hoa hậu đội lễ rồi đây. Giá mà con còn trẻ thì con cũng xin đội lễ với em nó, các cụ thấy có xứng đôi không ạ?
Hưởu muốn nguýt dài một cái nhưng lại sợ khiếm nhã, sợ con gái nhìn thấy lại chê mình xử sự kiểu nông dân, với lại, nhìn kĩ, thấy cái anh Đậu này cũng sạch nước cản, tóc chải bóng nhẫy, muỗi mà sơ ý bay qua khéo gãy cẳng như chơi, áo quần là li phẳng đét, lại toàn mùi nước hoa xộc lên mũi. Lúc Đậu vươn tay rót chén nước cho Hưởu, Hưởu chun mũi lại né sang một bên, cái mùi sao mà gắt muốn ngạt thở. Ông chú họ của Đậu lên tiếng:
– Anh Đậu nhà tôi vẫn chờ cô Phấm về đấy, thành đạt lắm rồi mà chưa chịu lấy vợ đâu, cả họ mong.
– Dạ, con không dám ạ. Dạ, con báo cáo các ông bà, con mới về, lâu quá rồi mới lại được về làng mình dự hội, hồi trước con còn nhỏ, không biết làm gì giúp các ông các bà các cô bác làm cỗ, năm nay mẹ con con xin đăng kí làm bánh dâng lễ ạ. Con làm được cả bánh lá, bánh nếp, bánh đúc lạc ạ, năm nay các ông các bà cho nhà con đăng kí làm các loại bánh để góp cỗ nhé.
– Cái con bé này, đi Tây mà vẫn biết làm mấy cái bánh quê đấy a?
– Dạ, con đi xa nên nhớ quê lắm ạ, con về thấy làng mình, huyện mình thành thị xã, rồi xã mình thành phường, làng mình thành phố, con mừng quá, nhất là các ông bà vẫn tổ chức ngày hội như xưa, con càng mừng ạ, cũng là dịp để chúng con hồi cố mà tri ân ạ, con đi xa mới thấy những cái nho nhỏ ở làng mình ngày trước nó quý giá lắm.
– Khéo quá, nay anh cũng đang về bàn với các cụ chuyện tổ chức giỗ thánh đây em ạ. Anh em mình đúng là có duyên. Anh tính năm nay làng mình lên phố rồi, cũng nên cải tiến cách tổ chức cỗ bàn cho nó tân tiến đi, chứ cứ như ngày xưa, cách nhách quá em ạ.
– Ý anh là…
– Nó với bạn nó đang định tài trợ cả cỗ lẫn lễ đấy cháu ạ, giờ nó khá lắm rồi, có nó, năm nay cả làng chỉ có ăn chơi vui vẻ thôi, không phải làm gì hết cháu ạ. Với lại, để chú bảo người ta làm bánh dày đóng hộp chứ ai lại cúng bánh đúc, bánh ấy tầm thường quá…
Ông chú họ của Đậu chen ngang. Hưởu nghe thấy chương chướng nhưng cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ cầm chén nước lên nhấp một tí rồi nhìn vào trong đình. Ông chú họ thao thao một hồi nữa về các loại lễ lạt mà cháu ông sắp dâng cúng vào đình rồi quay sang bảo Hưởu:
– Bà Hưởu năm nay là không được trốn đâu nhá. Cả làng có mỗi ngày hội mà cứ trốn tắp đi đâu. Năm nay bà vào sửa lễ cho con gái nhá.
– Mẹ con tôi lo việc bếp núc được rồi ông ạ. Chuyện lễ lạt để các cô các chị quen chân quen tay làm được rồi, với lại, con cháu Phấm nhà tôi nó cũng có người yêu rồi, ở nước ngoài bấy nhiêu năm, cháu nó cũng phải có nơi có chốn chứ.
Phấm tròn mắt nhìn mẹ, ngạc nhiên như thể nhìn người từ sao hoả xuống, nhưng cô cũng kịp che giấu cái nhìn kì quặc ấy đi, nói:
– Cháu thấy chỉ ăn thôi mà không làm thì không vui, cháu thích cái không khí cả làng sửa soạn làm cỗ rồi xúm lại nấu nướng, ăn uống, vui mà tình cảm.
Đậu nghe vậy thì lên tiếng:
– Thôi thì ý cháu muốn là vậy, còn các ông bà cứ bàn bạc đi ạ, chứ cô em Phấm đây nói, cháu thấy cũng có lí. Cả làng làm chung, ăn chung cũng có cái tình cảm riêng, với lại, giờ ăn sơn hào hải vị cũng chán, được ăn những món ăn dân dã như bánh đúc, ấy là ăn kí ức đấy, cũng ý nghĩa lắm.
Nói rồi Đậu nhìn Phấm đăm đắm, tâm đắc với cái chữ ăn kí ức mình vừa nói ra, như thể để Phấm hiểu rằng cái chữ ấy, Đậu nói riêng cho Phấm, và rồi cả cái cỗ phố lần này, Đậu cũng sẽ làm để đón Phấm vậy.
Các vị đại diện vẫn bàn tiếp chuyện tổ chức cỗ. Đậu ra xe nổ máy quay đầu giữa sân đình, lượn một vòng uốn éo rồi lướt đi như gà trống mới nảy mào. Đậu đi, để lại vệt khói màu xám cuộn tròn khen khét như mùi giấy dầu cháy hồi bà mẹ chồng Hưởu nửa đêm sang đốt nhà đuổi Hưởu đi.
* * *
Ra đường, Hưởu bảo con gái:
– Còn món bánh khúc, bố Phâ ngày xưa thích ăn lắm, mai mẹ dạy cho mà làm, con rủ mấy cô bạn gái sang đây, mẹ dạy cho một thể, mấy đứa xúm lại mà làm đủ các loại bánh người làng Cối xưa nay vẫn ăn, để thi thoảng mang ra đình lễ thánh. Người ta đặt cỗ làm sẵn, thì không có bánh trái gì để cúng đâu con ạ, cúng cỗ làng Cối mà cứ giống như nhà hàng thì còn gì là làng Cối nữa… với lại, cơm xôi rượu thịt thì ở đâu chả giống nhau…
– Mẹ ơi, con định hôm tới đây mời anh ấy sang làng mình dự hội, con khoe với anh ấy về hội làng mình, anh ấy thích lắm…
– Tôi chỉ bịa ra nói để thằng kia nó tránh cô ra, với lại để người ta đừng bắt cô đội lễ thôi…
– Nhưng mà…
– Thôi, cô qua mà thăm bạn thăm bè, mẹ về trước nấu cơm, còn xem thằng Khiếng nó biết kết quả thi đại học chưa đã…
Hưởu bước thấp bước cao qua bến sông, cái bến sông vẫn ngờm ngợp cỏ dại, dưới ấy, lũ cua cáy vẫn đang đào hang sinh con đẻ cái, hội làng năm nào Hưởu cũng lúi húi dưới trệ sông bắt cua bắt cáy nhưng chưa từng bỏ con nào vào giỏ… Mai này người ta mà xây kè thì lũ cua cáy sẽ đào hang đẻ con ở đâu hay lại di cư về bến sông khác.
Mà thôi, kệ sông kệ nước kệ cua cáy với đê kè… Hưởu qua bãi cỏ mọc nhiều cây rau khúc, hái một nắm rõ to để mang về dạy con làm bánh. Sau này, nếu bến sông không còn chỗ cho rau khúc mọc, Hưởu sẽ mang về trồng ở vườn nhà, trồng thêm mấy bụi dong ta lấy lá gói bánh, lót mâm… vườn nhà Hưởu chỉ trồng mấy cái cây linh tinh vậy thôi… để thằng Khiếng, con Phấm đi đâu thì đi, sau này có về, có cho con cái nó về, còn có lá mà làm bánh… những thứ bánh người làng Cối chết rồi vẫn còn thích ăn…
VŨ THANH LỊCH
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...