Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Thu Trân: Xóm sở Mỹ

Truyện ngắn Nguyễn
Thu Trân: Xóm sở Mỹ

Những năm đầu thập kỷ bảy mươi, tôi chỉ là con bé mới học i tờ ở vùng đô thị Việt Nam cộng hòa. Tôi ảnh hưởng người cha thích bày tỏ quan điểm khi tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, hết mùa hè đỏ lửa Quảng Trị đến Tây Nguyên thất thủ. Tôi thích rúc vào nách mẹ, nín thở nghe đài miền Bắc đêm đêm. Tôi lẳng lặng ngồi sau các anh chị trong xóm tụ tập đàn hát những bài ca phản chiến. Đôi khi, họ xì xầm bàn cách “đánh” Mỹ, đánh theo nghĩa đen thật sự. Gậy gộc trong tay, họ rượt đuổi rầm rập những John, Smith, Henry… khi những chàng trai mắt xanh da trắng này mò ra xóm tôi cặp bồ với các cô, các chị làm trong sở Mỹ.
Tôi không hiểu sao mọi người lại ghét những người lính Mỹ cụ thể như thế. Trong khi đó John hay nháy mắt cười với tôi rất dễ thương, Smith thường cho kẹo bọn trẻ trong xóm, ít nhất một lần tôi thấy Henry đứng tựa cửa nhà trọ các chị khóc sụt sùi như một đứa trẻ con…
Rồi những “anh Mỹ” của tôi, người bỏ mạng nơi chiến trường, người theo đoàn cuốn cờ sao rút về nước.
Tôi lớn lên với những dấu chấm hỏi to đùng.
Và Xóm sở Mỹ của tôi ra đời.
Tôi viết hăm hở, hồn nhiên, tràn cảm xúc như bây giờ mới được chính thức dự phần thế cuộc.
Bao nhiêu năm qua rồi, tôi vẫn yêu xóm sở Mỹ ngày xưa của tôi như nhất dù ngày ấy, đêm đêm người lớn phải luôn luôn phập phồng canh nghe tiếng súng “đề pa” để tốc mùng lôi bọn nhỏ tôi xuống hầm trốn “pháo kích”…
Nhà văn Nguyễn Thu Trân
XÓM SỞ MỸ
 
Lần này Smith vào nhà, chị Trửng không đóng kín cửa mà để he hé. Cô bé Bạch ngập ngừng, lớ ngớ đứng trước hàng hiên. Tiếng má gọi cô rát rạt cách một con đường đất đỏ và hai hàng dâm bụt đầy hoa:
– Bạch… về! Đứng đó coi Mỹ nó ở truồng phải không?
Mỹ nó ở truồng? Mấy lần chị Trửng đóng kín cửa thì Bạch không biết nhưng lần này, Bạch biết. Qua khe cửa, Bạch thấy Smith nép đầu vào ngực chị Trửng, nó khóc như mưa. Tiếng người lớn, mà lại là người lớn Mỹ khóc nghe mới lạ làm sao! Làm sao Smith khóc vậy? Chị Trửng đang xoa đầu nó như xoa đầu một đứa trẻ rồi xí xô xí xào cái gì đấy. Một lần nữa, Bạch nghển cổ nhìn vào khe cửa… Tiếng roi rít dữ dằn trên lưng cô bé:
– Đồ con ngựa! Muốn làm sở Mỹ phải không, về!
Người mẹ đã đánh tan sự tò mò của con bé bảy tuổi bằng chiếc roi mây dài hơn người nó.
***
Ngồi trước hiên nhà, Bạch thấy hai đôi mắt, hai cái lưỡi le dài qua khe hở hàng rào dâm bụt phía bên kia:
– Ê, lêu lêu cái đứa đi coi Mỹ ở truồng bị má đánh, lêu lêu…
Bạch cũng không vừa, cô bé phun nước bọt về phía thằng Lì và con Anh:
– Kệ cha tao! Mỹ nó ở truồng hồi nào mà bây biết, tụi bây muốn coi thì có…
Hai đôi mắt, hai cái lưỡi le dài còn nhí nhố thêm một chút nữa nhưng Bạch không thèm quan tâm. Cô bé vẫn còn nghĩ đến Smith, không biết giờ này nó thôi khóc chưa. Không, anh ấy thôi khóc chưa. Tại sao mọi người ở cái xóm sở Mỹ này không cho con nít gọi mấy người lính Mỹ là anh, ông hoặc chú, bác gì đó.
Một lần nói chuyện với thằng Lì, Bạch bảo “anh Mít”. Bác Tám xe lam đang lui cui lau xe gần đó bảo, tụi bây không được kêu đám lính Mỹ bằng anh! Cứ “nó” mà kêu! Chị Trửng mặc áo xệ nửa ngực đứng bên kia hàng rào hong tóc cười ha há: “Kêu gì cũng được, you you hết á mà!”. Ừ, thì you cho dễ chịu. Smith you, Tom you, John you, Henry you. Nhưng Bạch thích Smith you hơn cả. Smith dễ thương nhất.
Anh ấy… Bạch lại nhìn quanh, ừ, mình nghĩ trong đầu, có ai nghe đâu mà sợ bị người lớn la. Anh ấy có nụ cười đẹp và thích công kênh thằng cu Tẹo con cô Xí quét rác trên vai. Anh ấy có mái tóc vàng và đôi mắt xanh màu nước biển. Anh ấy hay xoa đầu Bạch và cho Bạch sô-cô-la. Chị Trửng bảo, Smith cũng có một cô em gái bằng tuổi Bạch ở bên kia nước Mỹ… Bạch lại dõi mắt qua bên phòng chị Trửng. Smith đẩy cửa bước ra. Ô, sao anh ấy về nhanh thế? À, tại vì hôm nay anh ấy khóc chứ không vui vẻ như mọi hôm. Smith đi lướt qua con đường đất đỏ thân quen trước mặt Bạch. Cô bé nhìn trước ngó sau rồi phóng tọt theo:
– Mít, hê lô, nô can đu!
Bạch cũng không biết mình nói gì nhưng Smith hiểu đó là sự sẻ chia của cô bạn nhỏ, anh đưa tay xoa đầu cô bé rồi bye bye. Quay lại ngồi trước hiên nhà, nhìn qua bên kia, Bạch thấy chị Trửng vừa phơi quần áo vừa trả lời với ai đó:
– Ừ, Smith về sớm tại nó buồn, hôm qua nó có thằng bạn thân chết trận.
Rồi chị cúi xuống nhặt áo phơi tiếp. Bạch lại nghe tiếng chị Trửng:
– Nhìn gì nhìn dữ vậy cha nội, đi chỗ khác chơi giùm con, vú con cũng như vú vợ cha thôi mà!
Cha ba Gà dê nhất xóm cười hề hề bỏ đi. Chị Trửng lại vừa phơi đồ vừa hát. Hẹn chiều nay mà sao không thấy anh. Gió hiu hiu lòng bỗng nghe lạnh thêm. Chiều mù sương hay mù khói thuốc anh. Anh không lại anh nhủ lòng sao anh. Anh cứ hẹn chiều nay rồi lại không thấy anh. Áo ai xanh hờ hững đi vào đêm… Bạch chống tay lên cằm thở dài, chị Trửng hát sao nghe buồn quá, còn Smith thì lại vừa có người bạn bị chết, hèn gì lần này anh ấy quên không mang kẹo cho cô…
***
Xóm của Bạch bị gọi là xóm sở Mỹ vì có nhiều người ngăn nhà làm phòng cho mấy cô, mấy chị làm sở Mỹ thuê. “Sở Mỹ” lớn nhất gần xóm Bạch là sân bay Biên Hòa. Lính Mỹ trong sân bay cần người lau dọn, giặt giũ, đấm bóp chi chi đó thì đã có những cô gái Việt thất nghiệp tuổi mười tám, đôi mươi. Sau này lớn lên, Bạch biết còn có những người vào sở Mỹ làm văn phòng, phiên dịch.
Còn các cô, các chị làm sở Mỹ thuê nhà trong xóm Bạch toàn những người dọn phòng cho lính Mỹ. Ngoài chị Trửng, còn có chị Xuân, chị Hồng, chị Tuyết… Hết giờ vào sở Mỹ lau dọn, mỗi chị mang về một ông Mỹ. Họ vi vu với nhau vài giờ trong căn phòng kín mít của mỗi người. Sau đó mấy ông Mỹ lên xe jeep phóng ào về sân bay. Đám gái làm sở Mỹ bắt đầu trửng giỡn với nhau hoặc hè ra tắm giặt.
Những người ở xóm sở Mỹ ghét lính Mỹ, khinh gái làm sở Mỹ nhưng không thể không sống nhờ vào những dịch vụ từ họ. Có ít nhất năm nhà trong xóm sống bằng tiền cho họ thuê nhà. Bà năm Bồng nấu cơm tháng cho đám chị Trửng. Họ đóng tiền sòng phẳng cả tháng nhưng bữa ăn bữa bỏ nên không thừa đầu này cũng thừa đầu kia. Chị Xí quét rác được Smith đưa vào sở Mỹ nhặt rác. Từ rác, chị nhặt ra nào bánh kẹo, đồ hộp, sách báo… bán lại cũng đủ tiền nuôi thằng cu Tẹo không cha. Ông Tám xe lam ghét lính Mỹ nhất xóm nhưng cũng không thể bỏ được mối đưa đón các cô, các chị đi làm sở Mỹ…
Xóm sở Mỹ có trăm ngàn cách ghét lính Mỹ và khinh gái sở Mỹ. Mỗi lần đám lính Mỹ đến tìm các cô, các chị thì y như rằng, họ phải nghe những lời chửi đổng của mấy ông bà già xuyên suốt hai bờ rào dâm bụt. Mẹ cha nó, đất nước mình nó xâm chiếm, còn có sẵn gái cho nó nữa chớ. Ông bà nó, thứ Mỹ gì mà hôi như cú, đi qua tám chục thước còn nghe mùi. Nhưng đám lính Mỹ vẫn nhe răng cười, có hiểu gì đâu mà không cười. Biết dân xóm bực dọc mình một điều gì đó nhưng chắc là không đáng kể nên cứ cười cho xong.
Mấy đứa con nít thì cứ rồng rắn theo sau. Ê, hé lô, Tôm, no can đu. Thế là có kẹo ăn. Đám gái làm sở Mỹ như đám chị Trửng mới thật khốn nạn cuộc đời. Mỗi lần các chị đi làm về, đường vào nhà trọ chỉ vài chục mét thôi, mà mỗi chị đều bị “lãnh đạn” vào mông hoặc ngực. “Đạn” là những bì giấy cuộn tròn bằng ngón tay út xếp đôi, được bắn từ những chiếc giàn thun tự chế của đám mấy thằng phá như quỉ núp trên những chạc cây hai bên đường.
Người lớn biết chuyện mất dạy này của đám nhỏ nhưng không la rầy gì hết, bởi theo lời bà hai Đảnh bán thuốc lá đầu xóm: “Kệ mẹ nó, cho mấy con quỷ bớt đú đởn với Mỹ!”. Có lần chị Xí dặn lại: “Không có mấy bả đú đởn với Mỹ lấy ai cho bà bán thuốc lá?”. Thế là hai bà quần nhau đến rách mặt, tét tai. Nhưng đáng gờm nhất với đám lính Mỹ vẫn là bọn con trai xóm sở Mỹ. Dân hiền lành có cắp sách đến trường như anh Tòng, anh Tâm… thì không nói.
Sợ nhất là mấy ông nghỉ học giữa chừng, trốn lính hay dân vệ. Chiều nào mấy ổng tụ tập lại nhậu nhẹt, gõ nồi gõ mâm hát nhạc lính chiến thì y như rằng sau đó có khiêu khích, ẩu đả với đám lính Mỹ. Chỉ mỗi cái tội mà ông Tính dân vệ tuyên bố không đội trời chung với lính Mỹ là tội “xốp” đàn bà, con gái Việt Nam. Có lần Tom và John, bạn của chị Hồng – chị Tuyết bị mấy ổng “bề hội đồng” úp bao bố rồi đổ nước mắm tôm pha loãng lên đầu. Sau đó đám “bề hội đồng” phải trốn biệt vì Tom và John quay trở lại hằn thù với hai súng hai tay. Cũng may mà không lâu sau đó, Tom và John ra trận.
Chị Hồng, chị Tuyết lại cặp bồ với mấy ông lính Mỹ mới. Cũng vì cái tội “xốp” đàn bà, con gái Việt Nam mà có lần Smith bị đám nhậu bắt trói vào nọc trầu đầy kiến lửa của nhà bà hai Đảnh. Tim Bạch đập thùng thùng, cô bé hớt hải chạy đi báo chị Trửng. Chị Trửng không có nhà. Chết, không có chị Trửng ở nhà thì Smith mò vào xóm làm gì. Bạch chạy quýnh quáng như con kiến bò trong chảo nóng. Có ai, có ai không, cứu giùm Smith.
Anh ấy không thể chết vì đám nhậu. Anh ấy dễ thương như thế. Mới hôm qua, anh ấy còn cho bà Sáu già cuối xóm tiền đi khám bệnh. Mới hôm kia, anh ấy còn khóc khi đưa tang anh lính tên Hòa chết trận. Ba Bạch bảo, Smith được, Smith dễ thương nhất trong số những người bạn Mỹ của các me Mỹ trong xóm. Đang rối bời lên như thế thì Bạch gặp anh cu Kiệt bước qua chiếc cầu mỏng mảnh được bắc qua hai bờ rạch bằng một tấm vỉ sắt rỉ sét.
Chiếc cầu nối những khu nhà trong xóm và đường ray xe lửa cùng những cánh đồng mênh mông bát ngát bên kia. Những cánh đồng ấy không có người ở. Chỉ có những túp lều của người chăn vịt. Anh cu Kiệt ăn, ngủ và ở luôn tại một trong những túp lều đó. Từ ngày nhận biết được bà con chòm xóm, Bạch thấy anh cu Kiệt chỉ có một mình, không cha mẹ, anh em, bà con thân thích. Anh đang quảy trên vai một chiếc túi lòng thòng, chắc là mang mớ ếch vừa soi được qua xóm bán.
– Anh cu Kiệt!
– Gì đó nhỏ?
– Đi cứu Smith đi!
– Cứu Mỹ hả? Mày thương Mỹ lắm sao?
Nước mắt Bạch ứa ra. Cô bé không nghĩ mình thương Mỹ mà chỉ thấy Smith hiền, không đáng tội chết vì kiến lửa. Nói vậy nhưng anh cu Kiệt bước lại xoa đầu Bạch:
– Được rồi, sao mít ướt vậy, đám nhậu đang hành hình Smith ở đâu?
Anh cu Kiệt khoảng mười tám, mười chín tuổi thôi nhưng có uy với đám nhậu trong xóm vì nói được lời hay, uống rượu giỏi và hay cung cấp “mồi” cho họ. Anh làm chuyện gì cũng dứt khoát, có hiệu quả. Người anh cao nghều, ốm nhom ốm nhách, đen thủi đen thui, quanh năm suốt tháng mặc áo quần bà ba đen, đội nón lá rách te tua, quần thảo suốt ngày ngoài đồng, hết soi ếch lại câu cá.
Người trong xóm nói anh là Việt cộng nằm vùng, phải tránh xa, nếu không sẽ bị vạ lây bởi sự săn lùng của đám cảnh sát quốc gia. Cũng như chuyện gắn bó với Smith, ai nói gì anh cu Kiệt mặc tình, Bạch thấy anh dễ thương là được. Có lúc đi soi ếch về muộn, cu Kiệt ra quán đầu xóm mua mì gói nấu ăn, mì hết, anh cầm tô kêu Bạch về xin má cơm nguội.
Má rít chặt hai hàm răng: “Gan quá ha, biết nó là gì không mà tiếp tế cơm nguội?”. Lúc nào ba cũng đứng phía sau Bạch: “Bà sao hay quá! Quan trọng làm gì với con trẻ chuyện hàng xóm khi tắt lửa tối đèn”. Vậy là ba múc cho anh một tô cơm đầy tú hụ, có cả khứa cá lóc kho tiêu láng váng mỡ hành… Như người chết đuối vớ được cọc, Bạch đưa tay áo chùi nước mắt, nắm tay anh cu Kiệt lôi đi băng băng… Anh chạng chân, chống nạnh giữa đám nhậu ồn ào:
– Đứa nào trói thằng Mít vô cột vậy bây?
Có tiếng đằng hắng:
– Mắc gì hỏi? Bộ Mỹ là ông nội mày hay sao?
– Không phải là ông nội nhưng nó cũng là giống người.
Đám đông lè nhè, nhao nhao:
– Nhà tụi bây có trồng cây mít không? Vậy sao nó tên Mít?
– Nó đi đám ma thằng Hòa chết trận khóc tu tu.
– Xời, nói vậy cũng nói, nó nghĩ đến thân nó nay mai gì cũng chết trận cà!
– Còn hơn có đứa hèn trốn quân dịch!
Có tiếng xô bàn:
– Mẹ, mày nói gì?
Anh cu Kiệt không nao núng:
– Tao nói tụi bây thả thằng Mít ra, đừng để tụi M.P mò tới thì tụi bây khốn!
– Cảnh sát Mỹ hả? Tụi tao chấp mười cái đầu thằng cảnh sát Mỹ, mày đi báo đi! Xời, tưởng gì, Việt cộng nằm vùng mà bênh Mỹ ta ơi!
– Không có Việt cộng nằm vùng hay Mỹ gì ở đây, thời buổi chiến chinh, là đàn ông con trai, có ngon, tụi bây ra mặt trận, đừng có hằn thù lặt vặt thấy buồn cười quá!
Trống ngực Bạch lại đánh thình thình khi anh cu Kiệt quay ra. Vậy là sao? Vậy là không ai cứu được Smith? Cô bé chạy theo níu tay anh cu Kiệt:
– Anh ơi, còn Mít…
Một cánh tay dài hơn tay Bạch níu lấy vai áo anh cu Kiệt:
– Ê, nói vậy mà bỏ đi thiệt sao, có gì chuộc thằng Mỹ không?
Anh cu Kiệt đưa ra cái túi lùng nhùng:
– Cá đây, ếch đây, tụi bây nhậu cho hết rồi đừng có làm trò hù dọa Mỹ lung tung nữa nghe chưa! Muốn cái gì thì phải rõ ràng, xứng đáng!
– Mày nhậu với tụi tao chớ!
– Không, tao về!
***
Rồi Tom, John không một lần quay lại xóm sở Mỹ. Bạch nghe chị Trửng nói dường như hai người đó bị thương rồi được cho về nước. Chị Hồng, chị Tuyết thay bồ như thay áo. Nhưng hai bà lúc nào cũng xuất hiện xập xệ trước mắt mọi người. Mặt mũi thất thần, quần áo thì nhếch nha nhếch nhác. Có lần mấy bà đang ngồi xúm xít ăn bún riêu ở hàng của chị Bông cuối xóm, chị Trửng phải la lên:
– Áo ngực đâu sao không mặc, đàn bà con gái mà để vú mớm lòng thòng thấy ớn!
Chị Tuyết gắp một miếng đậu hũ chấm mắm tôm rồi cười, nụ cười vừa nhạt vừa hôi mùi rượu:
– Mỹ sắp về nước hết rồi, tụi nó thua trận liên tục, mày không nghe đài báo tin chiến sự sao?
Chị Trửng vừa tròn mắt ngạc nhiên, vừa gắp thêm cho Bạch đang ngồi bên cạnh một miếng chạo cua:
– Ủa, Mỹ rút thì kệ nó, ăn thua gì tụi bây?
– Ừa, mày được thằng Mít thương đàng hoàng nên thấy không ăn thua, nó lại làm lính văn phòng, đời nào biết lo nỗi lo chết trận như mấy thằng bồ của tụi tao.
– Nói sàm! Mỹ rút thì tính đường làm ăn đàng hoàng để làm lại cuộc đời chớ!
Chị Hồng nhún vai:
– Làm lại cuộc đời? Mày không thấy trong xóm này, ai cũng khinh mình như chó sao?
Chị Xuân ngồi ăn bánh cuốn cách đó mấy hàng thở ra dài thườn thượt:
– Thôi đừng cãi cọ nữa, mấy người ở lại vui vẻ, mai tui về quê.
Chị Tuyết quay sang:
– Về quê làm gì?
Giọng chị Xuân có nước mắt:
– Chẳng biết làm gì nhưng Henry không còn…
Chị Trửng đá chân chị Tuyết:
– Đừng hỏi lôi thôi nữa, thằng Henry thương con Xuân thật lòng, chiều qua mới có tin báo Henry chết trận.
Bạch nghe mấy chị làm sở Mỹ nói lùng bùng hai cái lỗ tai. Cái gì chiến sự, rồi chết trận, bị thương, cô bé không hiểu gì cả. Chỉ biết một điều, xóm sở Mỹ không còn nhiều Mỹ đến chơi như xưa. Các cô, các chị làm sở Mỹ lần lượt trả nhà thuê. Ông Tám xe lam mất mối chở khách, sáng sáng mắc võng, nằm giữa hai đầu cột nhà hát Dạ cổ hoài lang. Bà năm Bồng không còn mối nấu cơm tháng, phải sắm một xe bánh mì bán đầu ngõ. Chị Xí đưa thằng cu Tẹo về quê, rồi hai mẹ con ở lại luôn đó, nghe nói làm ruộng với ông bà ngoại.
***
Xóm sở Mỹ chỉ còn mỗi chị Trửng thuê nhà. Chị nghỉ làm sở Mỹ, chờ ngày theo Smith về nước. Thấy chị và Smith yêu thương nhau thật lòng nên mấy bà già thôi lầm bầm chửi Mỹ khi mỗi chiều Smith đạp xe ra xóm chơi. Có một chiều, sau cơn mưa thật to, người dân xóm sở Mỹ lại nghe tiếng súng ì đùng phía trại giam bên kia suối.
Chuyện thường như cơm bữa, ông Tám xe lam bảo, điệu này chắc mấy cha lính gác lô-cốt quanh trại giam lại ngủ gục để mấy ông Việt cộng đột nhập tháo súng hay lựu đạn gì rồi. Rồi sẽ có màn dân xóm sở Mỹ bị xét Tờ khai gia đình, đám đàn ông trai tráng trong xóm sẽ bị truy hỏi rát ràn rạt. Anh cu Kiệt sẽ bị mọi người nghi ngờ vì tội làm xáo trộn cuộc sống chung.
Dẫu vậy, sau mấy lần nghe chửi đổng, anh vẫn cười hề hề: “Thì lâu lâu cũng phải cho mấy thằng lính gác trại giam có việc làm, chớ để tụi nó ngủ gục mà ăn lương quốc gia à?”. Mọi người chửi đổng vậy thôi chứ cũng không có chứng cứ buộc anh là người cướp vũ khí… Tiếng súng ngơi đi một lúc, dân xóm sở Mỹ lại nghe tiếng kêu cứu người chết đuối. Con suối chảy ngoằn ngoèo dọc theo xóm là miệng thủy thần hung hãn sau những trận mưa to.
Ở xóm sở Mỹ, năm nào cũng có số người chết đuối gần bằng số người chết vì súng đạn. Mọi người lại ùn ùn đổ ra bờ suối, có cả Smith. Bạch vừa nhón chân, kịp thấy cái chấm đen đang hụt hẫng giữa dòng thì nhanh như cắt, Smith đã phóng ào xuống. Năm phút, mười phút, mười lăm phút trôi qua. Cuối cùng, tay bơi cừ khôi Smith cũng lôi được người chết đuối vào bờ. Mọi người ồ lên khi thấy người được cứu là anh cu Kiệt. Lại có tiếng lao xao. Ủa, cu Kiệt bơi giỏi lắm mà sao đuối vậy. Chắc là bị chuột rút. Smith cùng chị Trửng và mọi người xúm lại làm hô hấp nhân tạo cho anh cu Kiệt…
Nạn nhân vừa bắt đầu thở lại yếu ớt, mọi người chưa kịp mừng vui, đã nghe tiếng còi cảnh sát. Theo yêu cầu, tất cả phải dạt ra để cảnh sát khám xét anh cu Kiệt. Ngồi tuốt trên chạc ba cây ổi ven bờ suối với đám thằng Lì, con Anh, Bạch thấy cảnh sát lật tới lật lui anh cu Kiệt như lật một cái bánh tráng đang nướng. Rốt cuộc cũng chẳng có gì đáng ngờ, đám cảnh sát phóng xe đi, để lại những đụn khói trắng mờ mịt hơi xăng. Bà năm Bồng tức mình chửi đổng: “Mẹ cha nó, làm ăn như hạch mà đi tới đâu cũng xe pháo rầm rầm, rộ rộ!”. Trên bờ cát chằng chịt những vết giày đinh, anh cu Kiệt nằm rũ ra như người chết đuối lần thứ hai, chị Trửng và Smith nhóm cho anh một đống lửa…
***
Hơn ba mươi năm sau, Smith và chị Trửng mới quay về Việt Nam, họ vẫn là một đôi hạnh phúc và tuổi đều đã xấp xỉ lục tuần. Cả hai tìm đến xóm sở Mỹ để thăm cô bé Bạch của ngày xưa. Bạch vẫn ở trên nền nhà cũ của ba má nhưng mái nhà ngói đơn sơ đã được thay bằng ngôi nhà lầu ba tầng. Không riêng gì nhà Bạch, trong xóm cũng có nhiều nhà khang trang hơn xưa. Cuộc sống đã tiến bộ nhiều. Xóm sở Mỹ đổi thành khu phố Hưng Phú.
Vẫn như xưa, Smith ôm choàng lấy vai Bạch khi nhận ra nụ cười thân quen của cô bé có chiếc răng khểnh:
– Chào Bạch, em có khỏe không?
Bạch tròn mắt ngạc nhiên, Smith đã nói được tiếng Việt. Chị Trửng giải thích, Smith cũng là học trò của chị trong những giờ chị dạy tiếng Việt cho hai con. Ra vậy, họ đã có với nhau hai người con, chiến tranh đưa đẩy thật diệu kỳ. Sau những thăm hỏi ban đầu, Smith nhắc đến anh cu Kiệt. Anh cu Kiệt bây giờ làm to lắm, nói cho Smith dễ hiểu, Bạch bảo, đấy là một trong những ông quan cấp tỉnh. Smith hỏi làm cách nào để gặp được Kiệt. Bạch hứa sẽ liên hệ giúp Smith. Chị Trửng đưa Smith đi thăm lại bà con khắp xóm. Họ được bà năm Bồng mời một bữa cơm và ở lại hàn huyên với bà chủ nhà trọ năm xưa suốt buổi chiều.
***
Anh cu Kiệt mời cơm Bạch và vợ chồng Smith tại một nhà hàng. Kiệt vẫn nói cười sảng khoái như xưa và tỏ ra đặc biệt thích thú khi được nói chuyện với Smith bằng tiếng Việt. Bắt đầu bữa ăn, Kiệt xin phép hai người phụ nữ rót ra hai ly rượu đầy:
– Smith, đây là ly rượu tôi đợi chờ anh hơn ba mươi năm qua gọi là cảm ơn.
Smith nghiêng đầu dí dỏm:
– Tôi phải là người cảm ơn cu Kiệt mới đúng!
– Vì sao anh phải cảm ơn tôi?
– Nếu không có anh và Bạch thì hôm đó tôi đã chết với bầy kiến lửa rồi.
Kiệt cười rung cả hai vai:
– Xin lỗi, ngày ấy tôi cứu anh vì bất bình với bọn đàn ông vặt vãnh đấy thôi. Chứ… xin lỗi, bà con xóm sở Mỹ ngờ vực không sai, tôi là Việt cộng nằm vùng thật đấy. Thuở ấy, tôi là giao liên của một đơn vị nội tuyến, tôi làm việc có tổ chức. Rất may là Smith và các ông Mỹ của các me Mỹ ở cái xóm sở Mỹ không nằm trong tầm ngắm của đơn vị tôi.
Smith cũng cười khà khà:
– Có như vậy mới là chiến tranh chứ! Còn anh thì cũng không phải cảm ơn tôi đâu, lúc tôi nhảy xuống dòng suối cuồn cuộn nước cũng không biết là đang được cứu ông quan lớn Kiệt bây giờ…
Chị Trửng nâng ly:
– Hai chị em tôi xin hưởng ứng, chúc mừng sự hội ngộ của hai người đàn ông “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”!
Bữa cơm thân mật kéo dài hơn hai giờ. Mọi người thi nhau nhắc chuyện cũ. Ngồi với những người là người lớn so với mình bé bỏng ngày xưa, Bạch thấy vô cùng hạnh phúc. Dù bây giờ đã là một cô giáo và đã có hai con, Bạch thấy mình vẫn được quyền dựa vai chị Trửng để nghe tóc chị thơm thơm mùi bồ kết. Người lớn nói gì đấy nhưng Bạch không quan tâm, Bạch nhắm mắt lại tưởng đến giấc mơ trước ngày Smith về nước.
Đêm ấy, sau khi khóc chia tay với chị Trửng và Smith, Bạch về thao thức mãi không thôi, chỉ thương người đi xa biết đến bao giờ mới trở lại. Đến gần sáng thì cô bé mới chợp mắt được một chút. Cô mơ thấy mình được Smith và anh cu Kiệt nhấc bổng lên giữa hai đường ray phía sau nhà. Còn hai người thì lướt như bay trên hai thanh sắt. Cả ba đi về phía một đoàn tàu đang tăng tốc, hai người đàn ông vẫn cười, còn cô bé sợ quá khóc thét lên trong mơ…
Sáng thức dậy, Bạch bước sang bên nhà tìm, chị Trửng và Smith đã ra sân bay tự bao giờ. Sự trống rỗng tạo ra cảm giác sợ phải một mình, cô bé chạy qua cây cầu rỉ sét, lao như bay đến chiếc lều vịt của anh cu Kiệt, chiếc lều trống huơ trống hoác… Chẳng biết anh cu Kiệt đi đâu mà ngày mấy chú bộ đội Cụ Hồ tiến vào giải phóng thành phố, Bạch thấy anh ngồi dẫn đường trên một chiếc xe tăng…
… Cuộc hội ngộ không thể nấn ná thêm phút nào nữa, xe đón vợ chồng Smith ra sân bay về Mỹ đã bóp còi liên tục ngoài cổng nhà hàng. Đã hẹn gặp lại rồi mà ai cũng không muốn rời nhau. Cuối cùng, chị Trửng phải kéo Smith đứng lên trước:
– Thôi, không bịn rịn nữa, Smith! You trả đồ cho anh cu Kiệt đi!
Anh cu Kiệt ngớ ra:
– Trả cái gì?
Smith hạ giọng:
– Vậy mà vợ chồng tôi có nợ anh đấy! Xin anh cầm cho. Đây là số vũ khí tôi phát hiện được chúng trong túi áo anh khi anh đang chìm dần vào lòng suối. Tôi biết, nếu để chúng trong người anh sẽ không có lợi. Mà quả tình tôi đoán không sai, sau đó cảnh sát đã ập đến…
Giọng anh cu Kiệt ngỡ ngàng:
– Ôi… Vậy là Smith đã giữ nó trong bao nhiêu năm…
– Không, tôi cũng chẳng dại gì giữ nó trong người rồi lại nhiêu khê lén mang nó qua mấy ông hải quan của cả hai nước. Cách đây mấy hôm, chúng tôi đã quay lại nhà bà năm Bồng, bà chủ cho các me Mỹ thuê nhà đấy, anh còn nhớ không? Chúng tôi đã đào nó lên từ dưới gốc một cây si già phía sau dãy nhà cho thuê ngày ấy. Rất may là người ta chưa chặt cây và cất nhà lên đó. Đây anh xem, hơn ba mươi năm rồi, chúng rỉ sét như chiếc cầu bắc qua cánh đồng của anh ngày xưa…
Anh cu Kiệt run run đón hai khẩu súng ngắn từ tay Smith. Xúc động quá, anh cũng không thể nói một lời từ biệt hay cảm ơn người lính Mỹ năm xưa. Vợ chồng Smith vội vã ra xe. Xe phóng ào đi trong cơn nắng trưa rát rạt mặt người… Bạch ngồi xuống cạnh cu Kiệt, rót cho anh ly nước. Mãi lúc sau anh mới cười xòa, xoa xoa tóc Bạch như ngày xưa:
– Mẹ cha thằng Mỹ, đào chôn súng dưới gốc cây mà nó không nói tao tiếng nào. Báo hại hôm sau, chờ nước ròng, tao mò mẫm dưới suối rộp cả hai tay, hai chân!
– Buổi chiều hôm ấy, anh là người đi cướp súng ở trại tù phải không?
– Chớ ai trồng khoai đất này! Mà xui thiệt, hôm đó nước chảy xiết quá, lính bắn theo, đạn bay chiu chíu trên đầu. Đúng là họa vô đơn chí, lúc đó, tao lại bị chuột rút mới chết chớ…
– Anh đi cướp súng bao nhiêu lần như vậy?
– Biết bao nhiêu mà kể! Tao nói bà con xóm sở Mỹ nghi ngờ không sai mà! Bạch, bây giờ uống với tao ly rượu há?
– Vì cái gì?
– Vì chuyện mày biết tao với thằng Smith có ân oán với nhau!
Bạch nâng ly rượu uống cạn, chị không uống vì anh cu Kiệt và Smith có ân oán với nhau mà vì chị rất tin rằng, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều có một ngóc ngách trong trẻo để soi rọi vì nhau…
NGUYỄN THU TRÂN
 
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...