Từ Booker đến Nobel: Một năm
tuyệt vời của văn học châu Phi
Các giải thưởng văn học quốc tế quan trọng của năm nay đã thuộc
về các nhà văn đến từ châu Phi và cộng đồng hải ngoại. Damon Galgut, Mohamed
Mbougar Sarr, Abdulrazak Gurnah… đã chia sẻ những giải thưởng có ý nghĩa thế
nào với họ.
David Diop, Mohamed Mbougar Sarr, Abdulrazak Gurnah. Dưới cùng từ trái qua:
Nadifa Mohamed, Damon Galgut, Karen Jennings.
Damon Galgut chia sẻ: “Đây là một năm tuyệt vời trong việc
viết lách của các nhà văn châu Phi”. Nhận giải Booker đầu tháng 11 cho cuốn
tiểu thuyết nhiều lớp của mình, The Promise, kể về câu chuyện của một gia
đình Afrikaner giữa cuộc biến động chính trị và xã hội dẫn đến sự kết thúc của
chế độ phân biệt chủng tộc. “Giải thưởng này cũng đồng thời dành cho cho tất
cả những câu chuyện đã được kể cũng như chưa kể, các nhà văn bạn đã nghe tên
hay chưa nghe thấy, từ lục địa đáng chú ý mà tôi đã – đang dự phần.”
Năm qua là một năm mà nhiều giải thưởng lớn của thế giới văn
học đã dành cho các nhà văn có nguồn gốc và di sản ở các nước châu Phi. Vào
tháng 6/2021, tiểu thuyết thứ hai của David Diop, At Night All Blood Is
Black, được dịch từ tiếng Pháp bởi Anna Moschovakis, đã giành được giải thưởng
Sách quốc tế (International Booker). Tác phẩm có nội dung được lấy cảm hứng từ
những câu chuyện về các tay súng trường Senegal trong chiến tranh thế giới thứ
nhất.
Cũng vào đầu tháng 11/2021, mảnh đất Senegal một lần nữa vươn
lên dẫn đầu, khi tác phẩm La plus secrète mémoire des hommes (tạm dịch:
Kí ức bí mật nhất của đàn ông) của Mohamed Mbougar Sarr đã giành được giải Prix
Goncourt năm 2021 của Pháp, khiến tác giả trở thành nhà văn đầu tiên từ châu
Phi cận Sahara làm được điều đó.
Tháng trước, giải Nobel văn học đã được trao cho Abdulrazak
Gurnah, tiểu thuyết gia sinh ra ở Zanzibar, đến Anh năm 1968 sau cuộc cách mạng
của đất nước, người đã quan sát các chủ đề về sự thay đổi và gián đoạn của người
tị nạn xuyên suốt 10 cuốn tiểu thuyết của ông. Tác phẩm của Gurnah, bao gồm các
tiểu thuyết Paradise, By the Sea và gần đây nhất là Afterlives,
đã nhận được sự tôn trọng của giới phê bình đối với sự tinh tế và sức mạnh mà
các tiểu thuyết xem xét mà ông gọi là “sự tàn phá bi thảm” đã ảnh hưởng đến rất
nhiều người ở thời hậu thuộc địa. Bây giờ tác phẩm đó có thể sẽ đến tay những độc
giả mới.
Cùng với Damon Galgut, tiểu thuyết gia người Nam Phi Karen
Jennings cũng có tên trong danh sách dài của giải Booker cho cuốn tiểu thuyết An
Island của cô, kể về cuộc gặp gỡ của một người giữ ngọn hải đăng với một
người tị nạn. Việc xuất hiện trong danh sách dài của một giải thưởng uy tín, sẽ
mở rộng lượng độc giả của nhà văn. An Island mới đầu chỉ có số lượng
in khoảng 500 bản, đến khi tác phẩm xuất hiện trong danh sách cạnh tranh giải
Booker, sách đã được đặt hàng tới hàng nghìn bản. Cùng với đó, tác giả người
Anh gốc Somali, Nadifa Mohamed, đã lọt vào danh sách rút gọn giải Booker với cuốn The
Fortune Men, kể về một thủy thủ người Somalia bị buộc tội giết người ở xứ
Wales, dựa trên sự kiện công lí có thật ở Vịnh Tiger của Cardiff.
Tuy vậy, việc lựa chọn những người chiến thắng cho các giải
văn học thế giới là một công việc đòi hỏi sự thận trọng với các lưu ý quan trọng.
Phần lớn các giải thưởng đều xuất phát từ châu Âu, lịch sử của giải gắn liền với
việc đánh giá các tác phẩm như các cuốn sách của châu Âu, được chấp nhận và
giám tuyển qua nhiều thế kỉ. Và khi có tác phẩm từ “quốc gia châu Phi” hay về
“cộng đồng người châu Phi”, thì cuốn sách nào được chú ý, cuốn sách nào sẽ bị gạt
ra ngoài lề? Như vậy, bất kì tác phẩm châu Phi nào gây tiếng vang, phải bao hàm
sự đa dạng của các nền văn hóa văn học kết hợp với di sản châu Phi.
Giải thưởng văn học là phần nổi của tảng băng được hình thành
từ sự nghiệp của các nhà văn, thường là lâu dài, cần mẫn và không mấy thành
công, nỗ lực của các nhà xuất bản và nhà bán sách, cũng như hệ sinh thái sáng tạo
của các quốc gia, ngôn ngữ và khu vực. Như Ellah Wakatama, biên tập viên chính
của nhà xuất bản Canongate và là chủ tịch giải thưởng AKO Caine dành cho văn bản
châu Phi, ghi nhận về những chiến thắng năm nay: “Đó không phải là một khoảnh
khắc đột ngột xảy ra. Mà khoảnh khắc đó xảy ra do rất nhiều nỗ lực công việc để
mở rộng không gian” và nỗ lực đó sẽ không hoàn thành “cho đến khi các
nhà văn có lượng sách xuất bản đủ lớn để họ tranh giải Booker như một phần của
nền văn hóa của chúng ta, chứ không phải vì là thứ văn chương gì đó kì lạ và độc
đáo.”
Nói về các nhà văn được đề cập, có hai yếu tố quan trọng
trong văn chương của họ: bất kì cuộc thảo luận nào về một “hiện tượng” nào đều
phải bao hàm sự đa dạng của các nền văn hóa văn học với di sản châu Phi, và đây
nên được coi là sự khởi đầu của một cuộc trò chuyện. Theo lời của Galgut: “Điều
tôi hi vọng là những cuộc trò chuyện như thế này sẽ tập trung suy nghĩ của mọi
người một cách cụ thể, để nó kết tinh thành được chú ý và được quan tâm.”
Tôi hỏi Gurnah rằng anh có bắt đầu cảm thấy thế giới rộng lớn
đang bắt đầu lắng nghe những câu chuyện mà nó từng chống lại trong quá khứ? “Có
thể là như vậy,” nhà văn trả lời. “Tôi hi vọng vậy. Và tôi nghĩ đó là kết
quả của nhiều điều xảy ra gần đây. Mọi người bắt đầu có ý thức tiếp nhận thông
tin diễn ra ở những nơi khác, không chỉ từ những gì được đưa lên báo, những câu
chuyện đã được thiết lập, được phê duyệt.” Ông chỉ ra những phản ứng trước
các sự kiện ở Iraq, Syria và Libya – những quốc gia từng hứng chịu sự can dự nặng
nề của Mĩ và Anh: “Tất cả những điều đó đã chứng tỏ sự xấu xa của các
chính sách và sự tàn ác gây ra cho các chính phủ yếu kém. Tôi nghĩ công việc
kinh doanh, vấn đề sống của người da đen, chiến tranh văn hóa… đang diễn ra ở
Anh trong vài tháng qua cũng tạo nên những nhận thức lớn hơn cho nhân loại, tôi
đoán định đó là nguồn cơn dẫn tới những giải thưởng văn học. Khi nhiều vấn đề
trong tác phẩm của các nhà văn, đã nói lên những nhận thức khác về tình hình
châu Phi, hay thế giới ngoài những thông tin một chiều họ từng tiếp cận.”
Gurnah cũng vừa gay gắt vừa hài hước bày tỏ ví các cuộc chiến
tranh văn hóa là “cuộc trò chuyện vô nghĩa diễn ra giữa những người và vô
tâm chống lại những thứ sẽ cuốn trôi họ.”
Rõ ràng, các tiểu thuyết gia bị ảnh hưởng bởi môi trường
chính trị và xã hội để tạo nên tác phẩm của mình, đặc biệt bởi cách nhìn nhận
văn hóa văn học. Với Damon Galgut, dù có sự công nhận của hội đồng giám khảo
Booker, nhưng anh vẫn chưa nhận được tiếng vang thỏa đáng ở Nam Phi. Nhà văn
như anh chưa nhận được sự ghi nhận từ Bộ nghệ thuật và văn hóa trong nước. Đó
không phải sự thiếu sót cho cá nhân anh, mà là thiếu sót cho cả chung các nhà
văn trong nước.
Giống như nhiều nhà văn khác, Galgut muốn nhấn mạnh – như anh
đã làm trong bài phát biểu nhận giải Booker – cần phải có sự hỗ trợ và củng cố
văn hóa văn học qua các hoạt động cụ thể: giảm giá sách bằng cách loại bỏ thuế
VAT, thúc đẩy khả năng đọc và viết, đảm bảo sách có thể đến với đông đảo người
đọc hơn, không chỉ là sản phẩm dành cho giới thượng lưu da trắng mà còn là những
người đọc không phân biệt màu da trên toàn thế giới.
Cuộc trò chuyện với Timothy Ogene, nhà thơ, nhà học thuật và
tác giả lớn lên ở Nigeria và hiện đang sống ở Mĩ, cũng mang lại những góc nhìn
mới mẻ. Cuốn tiểu thuyết châm biếm sắp ra mắt của ông – Seesaw là câu chuyện về
một tiểu thuyết gia người Nigeria ít người biết đến và thất bại bị một người Mĩ
da trắng giàu có bắt giữ và đưa đến Boston để “đại diện” cho đất nước của anh
ta. Giống như Galgut, Ogene nhận thức sâu sắc về sự giàu có và đặc quyền vốn có
trong hệ sinh thái văn học phương Tây, từ việc xuất bản và phân phối cho đến việc
tài trợ cho các giải thưởng. Nhưng ông cũng tin rằng thành công của những giải
thưởng gần đây làm nổi bật sự đa dạng của các giọng nói từ cả châu Phi và cộng
đồng người hải ngoại, chẳng hạn như văn hóa của người châu Phi, Ả Rập và Ấn Độ
Dương. Ông nói, câu hỏi mà chúng ta nên hỏi là điều gì tạo nên chữ viết của người
Châu Phi: “Chúng ta đã có một định nghĩa rất hẹp, Chinua Achebes và
Soyinkas bắt đầu xuất hiện,” ông lập luận. “Bạn biết đấy, người dân tộc
chống thực dân; những xu hướng đó đã trở thành cái mà ngày nay chúng ta coi là
văn học châu Phi. Nhưng nó đang bắt đầu thay đổi, tôi nghĩ vậy. Rất nhiều nhà
văn đương đại bắt đầu khám phá các luồng ý tưởng khác nhau, làm thế nào để trở
thành người châu Phi, nhìn nhận các nhận thức luận khác nhau”.
Bìa cuốn tiểu thuyết đoạt giải Prix Goncourt 2021 của Mohamed Mbougar Sarr.
Kí ức bí mật nhất của đàn ông của Mohamed Mbougar Sarr,
tập trung vào một nhà văn “bị lãng quên” có biệt danh là “Rimbaud da đen”, người
được một tiểu thuyết gia trẻ người Senegal phát hiện nhiều năm sau, “Điều
đáng chú ý là cuốn tiểu thuyết của ông dựa trên một nhà văn có thật, Yambo
Ouologuem, tiểu thuyết gia người Malian, người đã bị bắt, bị buộc tội đạo văn
và sau đó bị tẩy chay, và tác phẩm của Sarr đã đặt ra những câu hỏi hấp dẫn về
quyền tác giả và quyền hạn.”
Đối với Mbougar Sarr, việc tiểu thuyết mới nhất của ông khiến
ông trở thành nhà văn đầu tiên từ châu Phi cận Sahara đoạt giải Prix Goncourt kể
từ khi giải thưởng này được thành lập vào năm 1903 được coi là sự “bất thường”.
Điều đó liên quan đến lịch sử xã hội học văn học của giải thưởng, liên quan đến
sự thống trị thuộc địa và hậu quả của nó (phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử
về bản thảo của các biên tập viên, sự thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm của giới
văn học và công chúng Pháp đối với đầu ra của các tiểu thuyết đến từ không gian
tiếng Pháp (toàn cầu) của các nhà văn nói tiếng Pháp, đặc biệt là người châu
Phi). Mặc dù sự bất thường này có vẻ đã được “sửa chữa” với giải thưởng gần đây
này, nhưng “Tôi nghĩ sẽ là sai lầm khi coi giải thưởng như một ân huệ
trang nghiêm quý hiếm. Nếu tác phẩm của tôi được coi là một ngoại lệ đối với
tiêu chuẩn, điều đó có nghĩa phạm vi, ý nghĩa và cách nhìn nhận về giải thưởng
không có gì thay đổi.”
Sự đa dạng và đồng cảm là đặc điểm của các tiểu thuyết đoạt
giải năm nay. Động lực quan trọng cho tương lai là giữ cho không gian không chỉ
mở mà còn mở rộng. Như Mbougar Sarr nói: “Prix Goncourt là nguồn động viên
to lớn đối với tôi trong quá trình xây dựng tác phẩm của mình, mà còn đối với
các nhà văn châu Phi, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Tương lai là của họ…
Trên tất cả, tôi không muốn là một ngoại lệ người châu Phi đoạt giải thưởng.
Tôi không muốn như vậy. Không muốn.”
Theo Bình Nguyên/Văn nghệ Quân đội
14/1/2020
Trần Thanh Chương
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét