Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

Từ chữ "Man" trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng, nghĩ về chữ "Chợ" trong "Qua đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan

Từ chữ "Man" trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng,
nghĩ về chữ "Chợ" trong "Qua đèo Ngang"
của Bà Huyện Thanh Quan

1. Quang Dũng là nghệ sĩ tài hoa, có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Ông sáng tác bài thơ “Tây tiến” vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ nồng nàn đối với Tây Tiến – đơn vị chiến đấu cũ – cũng là nỗi nhớ về dải núi rừng miền tây Tổ quốc có vẻ đẹp hùng tráng mà Quang Dũng đã một thời gắn bó. Không khí lãng mạn rất riêng biệt của những ngày đầu kháng chiến, tư thế dấn thân đầy kiêu hùng, quả cảm của những người con Hà Nội hào hoa, đa tình đã được thể hiện đậm nét ở từng câu thơ chứa đầy chất nhạc, chất họa, vừa trang trọng, cổ kính lại vừa tươi tắn, trẻ trung.

Tuy nhiên, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không bàn về giá trị nội dung và nghệ thuật rất đặc sắc của bài thơ mà chỉ tìm hiểu nghĩa chữ “man” trong bốn câu thơ:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
“Man điệu” là vũ điệu của người dân tộc thiểu số (một số người nói tránh “man điệu” là “một vũ điệu mang đậm màu sắc xứ lạ”). Trong suy nghĩ và cách gọi của Quang Dũng cũng như những người lính Tây tiến có gốc gác trí thức Hà thành, những người dân tộc ít người Tây Bắc là người man (man di).
Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988).
Tây tiến sáng tác năm 1948, khi Nhà nước công nông đề cao sự bình đẳng giữa các dân tộc ra đời đã ba năm, mà trong tư tưởng của người trí thức Hà thành những điệu nhạc lạ của người miền núi vẫn gọi là “man điệu” (nhạc điệu của người man). Tài liệu Ngữ văn 12 (SGV), khi bình về đoạn thơ này, chẳng những không hề chê trách, phê phán nhà thơ dùng chữ “man” mà hết lời khen ngợi:
“Đây là đoạn thơ bộc lộ rất rõ nét tài hoa của ngòi bút Quang Dũng. Hồn thơ lãng mạn của ông bị hấp dẫn trước những vẻ đẹp mang màu sắc bí ẩn của con người và cảnh vật nơi xứ lạ. Vì thế, cảnh là cảnh trong hoài niệm vậy mà lời thơ lại cho ta cảm giác đó là cảnh đang diễn ra ngay trước mắt. Và nhà thơ như đang nói với người vũ nữ “Kìa em xiêm áo tự bao giờ!” – một giọng thơ thật trìu mến, thích thú, vui sướng! Vui sướng đến ngạc nhiên ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa e thẹn, vừa tình tứ (nàng e ấp) với bộ xiêm y lộng lẫy trong một vũ điệu mang đậm màu sắc xứ lạ (man điệu). Chỉ bằng 4 câu thơ mà Quang Dũng đã dựng được một bức tranh vừa phong phú về màu sắc đường nét, vừa đa dạng về âm thanh”.
2. Trước Quang Dũng khoảng 150 năm, Bà Huyện Thanh Quan cũng đã dùng chữ “rợ” để gọi tên nhà cửa của người “xứ lạ” trong bài thơ Qua đèo Ngang: “Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông rợ mấy nhà”. Có điều chữ “rợ” đang được các nhà nghiên cứu tranh cãi, bàn luận.
Phần lớn các Tuyển tập thơ trung đại Việt Nam, các Giáo trình Cao đẳng-Đại học và SGK Ngữ văn phổ thông xuất bản sau 1945 đều ghi là “chợ: “Lác đác bên sông chợ mấy nhà” (mấy túp lều chợ lác đác bên sông). Ngược lại, một số nhà thơ, nhà nghiên cứu cho rằng đó là chữ “rợ”. Theo họ, ở thời điểm sáng tác bài Qua đèo Ngang, từ “chợ” có thể dùng âm xuất phát “trợ” trong Hán Việt vì lúc này sự đối lập TR > < CH đã bị xoá nhòa, cùng với sự đối lập GI > < D > < R…, vì vậy chữ RỢ cũng có thể ghi bằng TRỢ.
Theo Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính (Nxb Văn nghệ TP HCM và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2018), cách ghi âm đầu /R/ chữ Nôm phân bố như sau:
Có:
539 trường hợp ghi bằng L
84 trường hợp ghi bằng TR, CH
110 trường hợp ghi bằng GI, D
27 trường hợp ghi bằng TH…
Trường hợp dùng TR, CH ghi R chiếm tần suất khá lớn.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ (Văn hoá Hà Tĩnh số 71, 6/2004) cho biết có 5 bản chữ Nôm ghi bài thơ Qua đèo Ngang. Trong 5 bản chữ Nôm có bản AB.620 chữ RỢ được ghi (theo ông là rất lưu loát) bằng bộ nhân đứng () bên cạnh chữ TRỢ (). Đây là điểm rất có giá trị với sự thống kê trên, nó cho ta thấy chắc chắn phải đọc là RỢ. Nếu là chữ CHỢ thì ở thời Bà huyện Thanh Quan đã có chữ (âm TRỢ đã được bỏ tính chất quặt lưỡi, đọc là CHỢ, và chữ thị () nghĩa là “cái chợ” biểu nghĩa). Nếu không có cứ liệu Nôm nào bác lại thì chắc chắn đọc là RỢ đúng hơn.
Những người quan niệm chữ “rợ” trong bài thơ Qua đèo Ngang giải thích thêm: “Ý khinh miệt là ngày nay chúng ta thêm vào, chứ thực tình RỢ chỉ là cách gọi xưa đối với các dân tộc ngoài Hoa Hạ của người Hán. Tiếng Hán có , 西 , , 北狄 “đông Nhung, tây Di, nam Man, bắc Địch” (phía đông có người Nhung, phía tây có người Di, phía nam có người Man, phía bắc có người Địch). Chữ DI có âm Hán cổ là RỢ” (Thivien.net).
3. Ngoài những chứng cứ và cách lập luận rất chặt chẽ, đầy sức thuyết phục trên, thi pháp thơ Đường còn giúp chúng ta khẳng định đó là chữ “rợ”. Thơ Bà huyện Thanh Quan tuân thủ đến mức chuẩn mực tính chất quy phạm về kết cấu, về vần, luật, đối, niêm của thơ Đường luật. Vì thế câu trên “tiều vài chú” (tiều phu là người đi đốn củi) thì câu dưới phải là “rợ mấy nhà” (rợ là người dân tộc) – danh từ chỉ người đối với danh từ chỉ người (vài chú tiều đối với mấy nhà của rợ). Còn chữ “chợ” (nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ hoặc hiện vật) không đối với chữ “tiều” ở câu trên.
Thêm nữa, đèo Ngang thế kỷ XVII – XVIII là vùng biên ải, đèo cao hiểm trở, núi rừng hoang vu. Đây là nơi sơn cùng thủy tận của Đàng Ngoài, thời Vua Lê chúa Trịnh, làm gì có chợ? Chợ chỉ họp nơi đông đúc dân cư, có nhiều người mua bán, trao đổi. Vì vậy, từ “rợ” là hợp lý và đúng với văn bản thơ của bà Huyện.
Chân dung Bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
4. Khi tiếp cận hai bài thơ trên, độc giả sẽ thắc mắc: tại sao Quang Dũng dùng từ “man” (man điệu), chúng ta thấy hay, không có bất cứ sự kỳ thị nào mà khi Bà Huyện Thanh Quan dùng chữ “rợ” lại lo cho bà có thái độ miệt thị phải đổi thành chữ “chợ”? Quang Dũng thuộc tầng lớp trí thức Tây học Hà thành, lại được tắm gội bầu không khí công nông binh trong ba năm làm chiến sỹ vệ quốc quân, vậy mà khi gặp điệu múa lạ ở miền sơn cước bỗng reo lên: “Khèn lên man điệu nàng e ấp”, thì bà Huyện (vợ Tri huyện), quan lại phong kiến tập quyền thời nhà Nguyễn khi nhìn thấy mấy ngôi nhà nhỏ cheo leo bên khe đá của người dân tộc sao không gọi đó là “rợ mấy nhà” được? Thiết nghĩ, dùng chữ “chợ” thay cho chữ “rợ” trong bài thơ Qua đèo Ngang giúp bà Huyện khỏi mang tiếng kỳ thị chẳng khác gì “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”!
Do đó, chúng tôi đề nghị hãy phiên âm cho đúng nguyên bản bài thơ từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ; đặc biệt là chữ “rợ” trong câu “Lác đác bên sông rợ mấy nhà”!
 
14/1/2020
Nguyễn Công Thanh
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...